Chứng khoán tiếp tục lao dốc trong phiên 17/4, khi VN-Index giảm hơn 22 điểm về dưới ngưỡng 1.200 điểm, trước áp lực bán lan rộng ở nhóm ngân hàng.
Sắc đỏ tiếp tục là gam màu chủ đạo của phiên hôm nay, khi nhịp hồi lại cuối phiên hôm qua không giúp tâm lý thị trường cải thiện.
Căng thẳng địa chính trị thế giới, lộ trình giảm lãi suất của Fed kéo dài, cùng áp lực tỷ giá tăng cao gần đây khiến tâm lý thận trọng dâng cao trên thị trường. VN-Index giằng co sau phiên ATO, đi ngang gần tham chiếu đến cuối giờ sáng với thanh khoản giảm sâu. Giá trị giao dịch trên HoSE đến trước giờ nghỉ trưa chỉ đạt hơn 7.000 tỷ đồng, giảm mạnh so với những phiên biến động trước đó.
Sang phiên chiều, áp lực bán gia tăng. Nhiều nhà đầu tư chấp nhận lỗ để thoát hàng, khiến chỉ số của sàn HoSE nới rộng sắc đỏ. VN-Index mất hơn 15 điểm chỉ sau 15 phút vào phiên giao dịch chiều.
Chỉ số hồi nhẹ vào giữa phiên rồi tiếp tục lao dốc. Chốt phiên, VN-Index giảm hơn 22 điểm (1,86%), mất mốc 1.200 điểm. VN30-Index mất gần 22 điểm (1,78%), xuống 1.210 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng chốt phiên dưới tham chiếu.
Thanh khoản giảm mạnh. Giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 21.400 tỷ, trong đó sàn HoSE chiếm hơn 89%. Mức này giảm trên 12.000 tỷ so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng gần 1.000 tỷ.
Cuối phiên, sàn HoSE có 137 cổ phiếu tăng giá và 348 mã giảm.
Dòng tiền của nhà đầu tư tập trung vào ba nhóm ngành chính là bất động sản, ngân hàng và dịch vụ tài chính.
Trong VN30, ngân hàng đứng đầu nhóm ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số. BID, CTG giảm 4%, SHB, TPB, MBB, VPB mất 3%, STB, VIB, HDB thấp hơn tham chiếu quanh ngưỡng 2%.
Với những nhóm khác, GVR giảm trên 5%. Còn BCM, VJC, SSI mất 2% thị giá.
Ngược lại, MSN là cổ phiếu giao dịch tích cực nhất khi chốt phiên tăng hơn 1%. Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết Masan đang cân nhắc niêm yết mảng hàng tiêu dùng. Thương vụ có khả năng sẽ trở thành đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam.
Ngoài MSN, các mã VNM, POW hay SSB cũng giữ sắc xanh khi đóng cửa.
Ở nhóm vốn hóa trung bình, áp lực bán cũng lan rộng. Trong nhóm mid-cap, cổ phiếu bất động sản, xây dựng, chứng khoán lùi sâu. FTS chạm giá sàn, BSI, BVS giảm trên 6%, VCI, CTS mất hơn 5%.
Trong nhóm bất động sản, các cổ phiếu phần nhiều đóng cửa trong sắc đỏ, giảm 1-3%. QCG ngược dòng tăng kịch trần lên 16.700 đồng, với thanh khoản gần 1,4 triệu cổ phiếu được sang tay.
Minh Sơn