Chuyên gia FiinTrade cho rằng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng để cơ cấu danh mục, tập trung xả những cổ phiếu từng gom mạnh trong những năm trước.
Trên sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 13 phiên liên tiếp từ 29/11 đến 15/12. Tổng giá trị của đợt rút vốn lần này đạt hơn 7.860 tỷ đồng, cao hơn mức lũy kế của hai tháng 10 và 11 cộng lại. Đà bán ròng của nhóm này đã diễn ra xuyên suốt từ tháng 4 đến nay và diễn biến trong hai tuần qua được xem là đỉnh điểm. Tính từ đầu năm, nước ngoài đã hút về hơn 22.000 tỷ đồng.
Trong buổi tọa đàm mới đây, bà Trương Minh Trang – Giám đốc khối Dịch vụ thông tin tài chính Fiingroup, cho rằng khi đánh giá về hiện tượng này, cần bóc tách dữ liệu để xem khối ngoại đã bán những cổ phiếu nào và so sánh với hành vi giao dịch của họ trong quá khứ.
Theo dữ liệu từ công ty phân tích dữ liệu tài chính FiinTrade (thuộc Fiingroup), năm nay nhà đầu tư nước ngoài tập trung bán các mã EIB, MWG, VPB, VHM, STB. Phần lớn trong số này đều là những cổ phiếu chính họ đã gom hàng rất mạnh trong giai đoạn 2020-2021. Tương tự, khối ngoại cũng bán ròng FUEVFVND và FUESSVFL, vốn là hai quỹ ETF từng ghi nhận chuỗi ba năm liên tiếp nhóm này mua ròng mạnh.
Động thái trên không phải mới diễn ra lần đầu. Trong lịch sử, khối ngoại đã gom hàng trên sàn HoSE rất mạnh trong giai đoạn 2017-2018 dưới hình thức thỏa thuận. Đỉnh điểm trong năm 2018, nhóm này mua gần 43.400 tỷ đồng giúp tỷ lệ sở hữu của họ trên thị trường đạt đỉnh 20,9% tính đến cuối năm 2019. Sau đó trong năm 2021, giai đoạn VN-Index lập đỉnh, nhà đầu tư nước ngoài thiết lập kỷ lục bán ròng lên đến 57.800 tỷ đồng.
“Lượng vốn mà nhóm này hút về trong năm nay vẫn chưa quá nhiều nếu so với đỉnh trong lịch sử”, bà Trang nhận xét.
Ngoài ra, FiinTrade còn nhận thấy dòng tiền rút ròng mạnh chủ yếu đến từ các quỹ chủ động. Nhóm này đã bán ròng khoảng 27.000 tỷ đồng tính từ đầu năm đến nay, trong khi các quỹ ETF lại có xu hướng mua vào.
Ông Huỳnh Minh Tuấn – Chủ tịch Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, nói: “Các quỹ chủ động của nước ngoài đang rơi vào tình thế ‘cực chẳng đã’ mới phải xả hàng”.
Dữ liệu từ FIDT chỉ ra, từ tháng 3/2022 đến nay, hiệu suất hoạt động của các quỹ chủ động đang ở mức rất thấp, thường âm 25-30%. Do đó, cổ đông và các nhà đầu tư gây áp lực rút tiền khiến các quỹ chủ động buộc vào bán mạnh để tất toán cho họ. Việc nước ngoài rút ròng mạnh trong tháng 12 cũng phần nào cho thấy xu hướng này khi đây là thời điểm “chốt sổ” sau một năm.
Nhận định của chuyên gia FiinTrade và FIDT là hai trong số nhiều lý giải của các chuyên gia và đơn vị phân tích về xu hướng bán ròng của khối ngoại.
Trong báo cáo gần đây, Công ty quản lý quỹ SGI (SGI Capital) cho rằng khối ngoại bán ròng tập trung ở một số cổ phiếu là hoạt động cơ cấu danh mục do những nhìn nhận về rủi ro ở từng nhóm cổ phiếu hơn là rủi ro chung của toàn thị trường. Theo SGI Capital, những chỉ báo vĩ mô hiện đều ổn định và tích cực, không thể hiện những rủi ro mang tính hệ thống của Việt Nam.
Trả lời VnExpress trước đó, ông Đinh Minh Trí – Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Mirae Asset (MASVN), lại cho rằng nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển dòng tiền chung: rút ròng ở khu vực mới nổi và cận biên để tăng giải ngân ở các thị trường phát triển khi họ tin vào sự tích cực của nền kinh tế Mỹ và triển vọng giảm lãi suất ngay đầu năm sau. Do đó, việc bán ròng không chỉ diễn ra ở thị trường Việt Nam mà còn được ghi nhận ở các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong, Thái Lan.
Trong khi đó, Công ty quản lý quỹ SSI (SSIAM) lý giải rằng, một phần lực bán ròng thời gian này đến từ các nhà đầu tư Thái Lan, liên quan đến chính sách thuế sẽ được áp dụng vào đầu năm 2024. Xứ chùa vàng sẽ áp thuế thu nhập cá nhân với khoản đầu tư nước ngoài lũy tiến giống như thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam. Do đó, khối ngoại sẽ bán ra trước khi bắt đầu năm mới, sau đó có thể kỳ vọng dòng tiền quay trở lại.
Tất Đạt