Ngân hàng giảm gần 58 tỷ đồng hai căn biệt thự Ciputra

Sau ba lần đấu giá thất bại, hai căn biệt thự tại Khu đô thị Nam Thăng Long tiếp tục được ngân hàng rao bán với mức giảm 58 tỷ đồng.

Ngân hàng Agribank chi nhánh Tràng An tiếp tục rao bán đấu giá hai căn biệt thự tại Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Hai tài sản này đều thuộc sở hữu của ông Chu Văn An (ngụ ở quận Bắc Từ Liêm) và bà Hồ Thị Ngọc Bích (quận Đống Đa).

Từ tháng 8 đến nay, hai tài sản này được đưa ra đấu giá ba lần song đều thất bại. Ở lần đấu giá thứ 4, giá khởi điểm của hai căn biệt thự đã được giảm gần 58 tỷ đồng so với tháng 8, đạt gần 242 tỷ đồng. Cụ thể, tài sản thứ nhất là căn biệt thự số 29, lô Q-M3 với giá khởi điểm gần 167 tỷ đồng (chưa gồm VAT), tương đương 418 triệu đồng một m2. So với phiên đấu giá hồi tháng 8 (phiên đầu tiên), mức khởi điểm của căn nhà giảm gần 40 tỷ đồng.

Căn nhà có 4 tầng nổi, một hầm với diện tích đất khoảng 400 m2, tổng diện tích xây dựng 600 m2. Đây là tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty TNHH Thương mại Thành An (trụ sở tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) và Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Dung Phát (huyện Đan Phượng, Hà Nội).

Tài sản thứ hai là biệt thự số 8, dãy T6 Khu đô thị Ciputra, diện tích đất 230 m2. Giá khởi điểm gần 75 tỷ đồng, tương đương 326 triệu đồng một m2. Mức giá này cũng hạ hơn 17 tỷ đồng so với hồi tháng 8. Đây là tài sản thế chấp của Công ty TNHH Đầu tư thương mại XNK quốc tế Minh Ngọc (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Người tham gia cần đặt cọc trước 16,6 tỷ đồng nếu mua căn biệt thự thứ nhất và 7,5 tỷ với căn thứ hai. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra chiều 25/11.

Trên thị trường, giá chuyển nhượng biệt thự, liền kề tại Khu đô thị Ciputra khoảng 250-400 triệu đồng mỗi m2, tùy căn và vị trí.




Một dãy biệt thự tại Khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Ciputra

Một dãy biệt thự tại Khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Ciputra

Từ năm ngoái đến nay, nhiều nhà băng ồ ạt thanh lý tài sản đảm bảo là nhà đất, dự án bất động sản, khách sạn với trị giá từ hàng chục đến hàng nghìn tỷ đồng, song không dễ bán. Gần đây, một ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước phải hạ giá một nửa căn nhà rộng 160 m2 ở khu vực phố cổ Hà Nội, còn 51 tỷ đồng, nhưng chưa tìm được khách mua.

Các chuyên gia cho rằng tài sản thế chấp là bất động sản đấu giá ế ẩm do thị trường vẫn khó khăn, giá rao cao. Trong khi đó, thị trường chưa hồi phục, giới đầu tư và người mua đều có tâm lý thận trọng và cần thời gian củng cố niềm tin.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 9, cho vay kinh doanh bất động sản tăng 16%, còn cho vay mua nhà ở chỉ tăng 4,6%. Diễn biến cho thấy nhu cầu vốn đang tập trung vào phía cung thị trường, tức các nhà phát triển, đầu tư bất động sản. Trong khi đó, người dân ít có nhu cầu vay mua nhà đất.

Ngọc Diễm

Choose your Reaction!