Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất hai con số, có lô lên đến 14% một năm, gấp 2-3 lần mặt bằng lãi tiền gửi ngân hàng.
Trong hai tháng gần đây, thị trường ghi nhận 91 doanh nghiệp chào bán trái phiếu và thông báo trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Trong số đó, có 16 đơn vị đưa ra mức lãi suất từ 10% trở lên cho tổng số vốn huy động hơn 14.600 tỷ đồng. Phần lớn là các doanh nghiệp bất động sản hoặc có ngành nghề hoạt động liên quan đến kinh doanh địa ốc.
14% một năm là mức lãi suất cao nhất được Công ty TNHH Dịch vụ và Tư vấn xây dựng Anh Quân đưa ra. Doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại Hà Nội huy động 1.495 tỷ đồng với lô trái phiếu sẽ đáo hạn vào tháng 11/2028.
Theo sau là mức lãi suất 13,5% một năm mà Khải Hoàn Land dùng để phát hành lô trái phiếu 240 tỷ đồng. Thấp hơn là mức 12,5% một năm thuộc các lô trái phiếu của Sài Gòn Capital và Công ty TNHH Khu đô thị mới Trung Minh. Trong khi Khu đô thị mới Trung Minh dùng mức lãi trên để huy động 300 tỷ đồng, Sài Gòn Capital lại áp dụng cho ba lô trái phiếu tổng mệnh giá 3.000 tỷ đồng.
Lãi suất 10-14% một năm của các lô trái phiếu kể trên đang cao hơn mặt bằng lãi tiền gửi ngân hàng khoảng 2-3 lần. Theo khảo sát của VnExpress, hiện các nhà băng trả lãi 5-6% một năm cho khoản tiết kiệm 12 tháng, có đơn vị còn thấp hơn.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán MB (MBS) thống kê rằng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân trong 11 tháng năm nay đạt 8,5% một năm, cao hơn so với mức trung bình 7,9% của năm 2022. Riêng nhóm bất động sản đưa ra lãi suất bình quân lên đến 9,7% mỗi năm.
Xét riêng tháng 11, con số này ở nhóm địa ốc đạt 12% một năm, tăng trong hai tháng gần đây. Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đã có 4 tháng liên tiếp dẫn đầu về tỷ suất lợi nhuận. Theo sau là nhóm chứng khoán với mức lãi suất bình quân đạt 9,3% một năm. Ngân hàng đứng thứ ba với mức 7% một năm, nhích lên sau nhiều tháng đi ngang.
Nhóm địa ốc dẫn đầu việc trả lãi cao khi huy động vốn qua kênh trái phiếu. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng liên tục chậm thanh toán lãi và gốc cho trái chủ, làn sóng xin khất nợ diễn ra sôi nổi.
Báo cáo gần đây của tổ chức xếp hạng tín nhiệm VIS Rating cũng nêu quan điểm, khả năng trả nợ của phần lớn công ty bất động sản tiếp tục suy giảm do đòn bẩy cao và dòng tiền yếu khi triển vọng kinh doanh chưa khả quan. Tổng nợ của các doanh nghiệp địa ốc niêm yết đã giảm 16% trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ trên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) tiếp tục tăng do doanh thu và lợi nhuận suy yếu, dẫn tới EBITDA giảm tới 44%. Song song đó, dòng tiền hoạt động tiếp tục giảm trong 9 tháng do bán hàng sụt giảm và hàng tồn kho vẫn dâng cao.
VIS Rating lưu ý tổng nguồn tiền mặt của các công ty bất động sản đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Lượng trái phiếu đáo hạn lớn khoảng 114.000 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2023-2024 cũng sẽ làm gia tăng rủi ro tái cấp vốn.
Tất Đạt