Sau khi bán ra liên tục cuối năm 2023, giảm sở hữu về sát 40%, nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng với cổ phiếu MWG khi triển vọng kinh doanh khởi sắc hơn.
Mở cửa phiên 20/5, “room” ngoại tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di Động (MWG) còn chưa tới 1 triệu cổ phiếu. Sự trở lại của nhà đầu tư nước ngoài trong hai tháng gần đây, đẩy “room” khối ngoại của MWG tiến sát ngưỡng 49%.
“Đế chế” bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài từng là một trong những mã bluechip được ưa thích trong danh mục của những quỹ đầu tư lớn, luôn trong tình trạng kín “room” ở mức 49%. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2023, áp lực bán ra của nhóm này bắt đầu tăng mạnh, thời điểm MWG công bố kết quả kinh doanh sụt giảm và giá cổ phiếu cũng lao dốc.
Tính tới hết tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 76 triệu cổ phiếu MWG qua kênh khớp lệnh, trong 6 tháng liên tiếp. Sở hữu khối ngoại tại MWG đến tháng 12 giảm về dưới 45%.
Tình trạng này được duy trì đến đầu tháng 4, trước khi “gió đổi chiều” sau khi MWG công bố kết quả kinh doanh khởi sắc hơn.
Quý I, MWG lãi hơn 900 tỷ đồng, gấp 43 lần cùng kỳ, sau giai đoạn tái cấu trúc. “Đế chế” bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài cũng lấy lại quy mô lợi nhuận gần nghìn tỷ như giai đoạn 2019-2020.
“Thị trường điều chỉnh trong bối cảnh lo ngại về khả năng tăng lãi suất có thể gây áp lực nhất định lên giá cổ phiếu MWG trong ngắn hạn, tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây có thể là cơ hội để tích lũy cổ phiếu cho nhà đầu tư lâu dài”, chuyên viên phân tích Nguyễn Trần Phương Nga từ SSI viết trong báo cáo mới đây.
Theo Công ty chứng khoán BSC, tiềm năng tăng giá chính với MWG giai đoạn này đến từ việc cải thiện doanh thu và biên lợi nhuận hoạt động của hai chuỗi bán lẻ Thế giới Di Động và Điện Máy Xanh. Tuy nhiên nhóm phân tích cũng cho rằng mức độ biến động biên lợi nhuận lớn so với cùng kì đã đặt ra những quan ngại về độ ổn định.
Năm nay, MWG đặt mục tiêu doanh thu chỉ tăng 5% lên 125.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận gấp hơn 14 lần, dự kiến đạt 2.400 tỷ đồng. Sau quý đầu năm, họ hoàn thành khoảng 25% chỉ tiêu doanh thu và 37,6% kế hoạch lợi nhuận.
Ban lãnh đạo cho biết tâm lý thận trọng trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm lâu bền và giá trị cao như điện thoại và điện máy vẫn diễn ra. Tuy nhiên hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh ghi nhận doanh thu tăng và lợi nhuận gộp cải thiện nhờ sự gia tăng đóng góp từ sản phẩm điện máy (vốn có biên lợi nhuận tốt) và hai chuỗi này có lợi thế về danh mục hàng hóa đa dạng, các chương trình khuyến mãi và hỗ trợ trả góp.
Đối với các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng nhanh và dược phẩm, lãnh đạo MWG kỳ vọng doanh thu tăng trưởng 40% nhờ các biện pháp tăng doanh thu cửa hàng cũ, xu hướng dịch chuyển mua sắm từ kênh truyền thống sang hiện đại, nhất là nhóm khách hàng trẻ.
Minh Sơn