Khối ngoại đã bán ròng cổ phiếu MWG 6 tháng liên tiếp trên kênh giao dịch khớp lệnh, với quy mô tăng liên tục những tháng gần đây.
Tính tới hết tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 76 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) qua kênh khớp lệnh, trong 6 tháng liên tiếp.
MWG từng là một trong những mã bluechip được ưa thích trong danh mục những quỹ đầu tư lớn, luôn trong tình trạng kín “room” ở mức 49%. Tuy nhiên, tới cuối tháng 11, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp này đã giảm về dưới 45%. Đến cuối phiên 4/12, “room” ngoại tại MWG đang dư hơn 72 triệu cổ phiếu.
Áp lực bán ra của khối ngoại bắt đầu tăng mạnh hai tháng gần đây, thời điểm MWG công bố kết quả kinh doanh sụt giảm và giá cổ phiếu cũng lao dốc. So với đầu tháng 9, thị giá MWG hiện tại thấp hơn khoảng 30%.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất mới đây, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu gần 30.300 tỷ đồng trong quý III. Đây là quý thứ hai liên tiếp doanh thu của công ty được cải thiện nhưng còn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 5%.
Giá vốn bán hàng giảm không đáng kể khiến lợi nhuận gộp của MWG sụt 23%. Theo đó, doanh nghiệp top đầu mảng bán lẻ lãi sau thuế chỉ gần 39 tỷ đồng. Cải thiện so với hai quý đầu năm nhưng giảm 96% so với cùng kỳ năm trước.
Sức mua điện thoại và điện máy, theo MWG, còn yếu và chưa có dấu hiệu hồi phục đáng kể. Khách hàng vẫn có nhu cầu mua sắm, thay thế sản phẩm hư hỏng nhưng dè dặt, cẩn trọng hơn. Với các mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng nhanh, dược phẩm, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm vẫn diễn ra.
Chiến lược cạnh tranh bằng giá giúp MWG tăng thị phần, doanh thu không giảm quá mạnh so với năm trước. Theo công ty, nhu cầu ngành giảm 25-30% trong 9 tháng đầu năm, trong khi doanh thu của MWG giảm 23%. Trong đó, MWG cho biết đã tăng được thị phần với các sản phẩm của Apple – phân khúc cạnh tranh khốc liệt nhất trong cuộc chiến giá cả.
Tuy nhiên, bất chấp việc giành thêm được thị phần, MWG dự kiến doanh thu sẽ chỉ tăng trưởng một con số trong năm 2024 do thị trường bão hòa, nhu cầu tiêu dùng yếu và số lượng mở cửa hàng mới không đáng kể. Ngoài ra, đánh đổi trong cuộc đua về giá là lợi nhuận bị bào mòn khi biên lãi gộp giảm.
“Chưa đạt được điểm hòa vốn vào cuối năm 2023 về mặt lợi nhuận ròng kế toán cũng có thể khiến các nhà đầu tư đã chờ đợi nhiều năm thất vọng”, báo cáo cập nhật mới nhất của Chứng khoán SSI về MWG nhận xét.
Lợi nhuận ròng quý cuối năm nay của Thế Giới Di Động có thể đạt hơn 330 tỷ đồng, giảm 46% so cùng kỳ và tăng mạnh so với mức 39 tỷ đồng trong quý III. Mặc dù phục hồi so với quý trước, SSI cho rằng điều này phản ánh hiệu ứng thời vụ hơn là sự phục hồi nhu cầu thực tế.
Trong buổi họp với nhà đầu tư đầu tháng 11, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG – cho rằng việc khối ngoại rời đi và giá cổ phiếu giảm sâu cũng có thể xem là một cơ hội, “vì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sẽ trải qua thời điểm khó khăn, thách thức lòng tin của nhà đầu tư”.
Người đứng đầu MWG cho rằng ai có niềm tin sẽ tin tưởng vào hoạt động tái cơ cấu của công ty và coi đây là cơ hội để mua vào. “Còn ai không đủ niềm tin với doanh nghiệp có thể bán ra”, ông Tài nói.
Minh Sơn