Doanh nghiệp vẫn chậm trả trái phiếu

Từ tháng 5 tới nay có 20 doanh nghiệp chậm thanh toán hơn 650 tỷ tiền lãi và gần 8.200 tỷ nợ gốc trái phiếu, nhiều nhất là bất động sản.

Báo cáo với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Thành phố Aqua dời ngày đáo hạn cho một trái phiếu 600 tỷ đồng từ cuối tháng 6/2024 sang cuối tháng 6/2026. Đây là khoản huy động vốn mà chủ đầu tư dự án Aqua City (Đồng Nai) triển khai hồi giữa năm 2020 với lãi suất 10% mỗi năm.

Trước đó, Công ty cổ phần Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn cũng thông báo việc chậm trả hơn 167 tỷ tiền lãi và 1.600 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu. Tương tự, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land cũng chậm hoàn thành nghĩa vụ với hơn 100 tỷ tiền lãi của một lô trái phiếu, kèm phần gốc còn gần 528 tỷ đồng. Nguyên nhân chung hai doanh nghiệp này đưa ra là thị trường tài chính và thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi khiến họ chưa thu xếp kịp nguồn tiền.

Tính từ tháng 5 đến nay có 20 doanh nghiệp chậm hoàn thành nghĩa vụ thanh toán với hàng chục lô trái phiếu. Trong đó, họ chậm trả hơn 654 tỷ đồng tiền lãi, chậm trả hoặc dời hạn thanh toán với hơn 8.187 tỷ đồng dư nợ gốc. Hơn một nửa là các doanh nghiệp bất động sản, theo sau là nhóm năng lượng.

Tình hình thanh toán nghĩa vụ tài chính với trái chủ của các doanh nghiệp vẫn chưa khả quan. Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 5, các doanh nghiệp mua lại 9.178 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 7 tháng còn lại của năm, VBMA ước tính có khoảng 163.905 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là nhóm bất động sản khi chiếm 42,5% dư nợ.

Báo cáo mới đây của FiinRatings – bộ phận xếp hạng tín nhiệm thuộc FiinGroup, cho rằng áp lực trả nợ với các nhà phát hành là doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024 và 2025 là khá lớn. Cao điểm nằm ở các trái phiếu chậm trả gốc và lãi có lịch đáo hạn vào giai đoạn 2022-2023 và được cơ cấu tối đa 2 năm theo Nghị định 08/2023.

“Thách thức vẫn còn hiện hữu khi thị trường chưa hoàn toàn phục hồi và những thay đổi về chính sách có độ trễ nhất định, dẫn tới doanh nghiệp chưa có đủ thời gian để sắp xếp dòng tiền trả nợ”, nhóm phân tích này nêu quan điểm.

Theo tính toán của công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Ratings, tỷ lệ chậm trả toàn thị trường đến cuối tháng 5 là 16,1%, tăng 1% so với cuối năm 2023. Đơn vị này ước tính khoảng 30% lượng trái phiếu đáo hạn trong tháng 6 có khả năng cao không trả được nợ gốc đến hạn. Trong đó, phần lớn trái phiếu đã chậm trả lãi trước đó. Trong 12 tháng tới sẽ có 216.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, 9% trong số này có rủi ro cao chậm trả nợ gốc.

Trước áp lực trả tiền vẫn cao, nhiều doanh nghiệp tích cực đàm phán với trái chủ để xin khất nợ. VNDirect ước tính đến ngày 29/5, thị trường ghi nhận hơn 90 tổ chức phát hành đạt thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu, tổng giá trị được gia hạn là hơn 144.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số chọn giải pháp hoán đổi trái phiếu sang tài sản khác, phổ biến với các công ty địa ốc là trả bằng bất động sản. Các công ty cũng thương thảo với trái chủ để giảm lãi suất và kéo dài thêm kỳ trả lãi.

Tất Đạt

Choose your Reaction!