VN-Index tăng phiên thứ hai liên tiếp nhờ động lực chính là các mã vốn hoá nhỏ, nhưng tất cả cổ phiếu liên quan đến FLC lại ngược dòng khi cùng giảm trên 1,5%.
Phiên tăng điểm mạnh nhất trong vòng hai năm qua, theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, chưa đủ khẳng định xu hướng giảm của thị trường đã thay đổi. Nguyên nhân là phần đông nhà đầu tư có tâm lý giải ngân để bắt đáy nhưng cũng không thiếu người tranh thủ cơ hội tăng giá hôm qua để giảm tỷ trọng cổ phiếu có độ rủi ro lớn.
Bên mua và bán hôm nay tương đối cân bằng. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM giằng co quanh tham chiếu trong những phút đầu phiên và có lúc mất hơn 5 điểm. Khi đó, các mã liên quan đến Tập đoàn FLC lại hút tiền và đồng loạt giao dịch trong sắc xanh. Tuy nhiên, đến khi chỉ số VN-Index đảo chiều về tham chiếu và dần nới rộng biên độ tăng thì áp lực xả hàng tại nhóm này lại tăng lên. FLC đóng cửa mất 4,2% và khớp lệnh hơn 10 triệu cổ phiếu; còn ROS, HAI, AMD mất 1,5-2%.
Ngoài nhóm FLC đồng loạt giảm điểm, nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn khác cũng bị bán mạnh như SAB, PDR, FPT đều mất hơn 2%. Biên độ giảm của các cổ phiếu ngân hàng như ACB, VCB, VPB không lớn nhưng đều là những mã kìm chân VN-Index.
Ở chiều ngược lại, STB và SHB cùng tăng hết biên độ để trở thành lực đẩy quan trọng giúp VN-Index đi lên. Dẫn đầu trong danh sách những cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số là MSN khi chạm trần 103.200 đồng và không có bên bán. Các cổ phiếu vốn hoá nhỏ thuộc nhóm bất động sản, thép, phân bón, xây dựng cũng đồng loạt bật mạnh so với tham chiếu.
VN-Index nhờ đó chốt phiên sát mốc 1.241 điểm, tăng hơn 12 điểm, tương đương 1% so với tham chiếu. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM đi ngược chiều sàn HNX-Index và UPCoM-Index khi hai sàn này lần lượt mất 1,78% và 1,21%.
Thị trường được bao phủ bởi sắc xanh nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn rất thận trọng. Điều này thể hiện qua việc giá trị giao dịch giảm gần 500 tỷ đồng, xuống 13.840 tỷ đồng. Đây là mức thấp thứ hai kể từ đầu tháng đến nay. Tiền tập trung cục bộ ở một số cổ phiếu vốn hoá lớn như SSI, HPG, STB. Tổng giá trị giao dịch ba mã này chiếm gần 14% thanh khoản thị trường.
Nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng gần 200 tỷ đồng. Nhóm này hôm nay giải ngân 1.710 tỷ đồng trong khi bán ra 1.540 tỷ đồng. HPG, STB, VRE và chứng chỉ quỹ FUEVFVND là những mã được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh nhất.
Phương Đông