Thị giá VSF tăng hơn 300% trong hai tuần với 11 phiên tím trần, AGM cũng tích lũy thêm gấp đôi vốn hóa cùng nhiều cổ phiếu gạo nổi sóng.
Mã chứng khoán của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II – VSF) tăng trần ngay đầu phiên giao dịch hôm nay. Điều này nối dài 8 phiên mang sắc tím liên tiếp và giúp cổ phiếu này tăng kịch trần 11 phiên trong hai quần qua. Thị giá VSF đang ở 37.400 đồng một đơn vị, mức cao nhất lịch sử niêm yết của doanh nghiệp này.
Cổ phiếu AGM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) nhân đôi thị giá chỉ trong hai tuần. Mã này đang giao dịch ở 13.500 đồng một đơn vị, ngang vùng giá vào cuối tháng 10 năm ngoái. Đang bị hạn chế giao dịch nhưng đến nay AGM đã có 12 phiên tím trần liên tiếp từ ngày 24/7.
Bên cạnh hai mã nổi sóng trong thời gian ngắn kể trên, các cổ phiếu khác trong ngành gạo cũng nâng thị giá với biên độ lớn suốt một tháng qua. TAR của Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tăng hơn 40% kể từ đầu tháng 7, hiện tương đương vùng giá vào tháng 9/2022. LTG của Tập đoàn Lộc Trời tích lũy thêm 32% và trở về mặt bằng thị giá của tháng 6/2022. Một số mã như PAN, SSC cũng phục hồi về vùng giá vào quý III/2022 – thời điểm giá gạo xuất khẩu tăng cao.
Trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ban lãnh đạo VSF và AGM đều khẳng định không tác động gây ảnh hưởng đến giá giao dịch trên thị trường. Theo họ, giá cổ phiếu do cung – cầu trên thị trường quyết định và nằm ngoài kiểm soát của doanh nghiệp.
Angimex nêu thêm nguyên nhân đến từ việc lúa gạo thế giới và Việt Nam đang tiếp tục tăng giá. Đây là hệ quả của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, ảnh hưởng của tình trạng thời tiết El Nino. Bên cạnh đó, sau Ấn Độ, đến Nga và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) cũng cấm xuất khẩu gạo, làm giá lương thực tăng vọt.
Thực tế, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua được thị trường nâng liên tiếp. Gạo 5% tấm đạt 590 USD mỗi tấn vào cuối tháng 7, một tuần sau đã có giá 660 USD, mức kỷ lục từ 2008 tới nay.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến cuối tháng 7, Việt Nam xuất khẩu hơn 4,8 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,6 tỷ USD, tăng khoảng 19% về lượng và gần 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, sản lượng lúa thu hoạch sẽ đảm bảo nhu cầu trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng lúa dành cho xuất khẩu khoảng trên 15 triệu tấn (tương đương 7-7,5 triệu tấn gạo).
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá, trên cơ sở Việt Nam nắm giữ thị phần xuất khẩu cùng trữ lượng lúa gạo lớn, mảng này sẽ tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao trên thế giới. Trong quá khứ, diễn biến giá gạo có tác động tổng thể và dài hạn lên lợi nhuận của các doanh nghiệp. Tuy vậy trong ngắn hạn, kết quả kinh doanh sẽ chịu biến động lớn theo chu kỳ mùa vụ, trữ lượng hàng tồn kho của mỗi doanh nghiệp và các yếu tố khác như trích lập dự phòng.
Do đó, các doanh nghiệp sở hữu lượng tồn kho thành phẩm lớn sẽ hưởng lợi. Ở chiều ngược lại, lãi suất cao có thể bào mòn lợi nhuận một số doanh nghiệp. Điều này đã được thể hiện qua sự sụt giảm lợi nhuận của các đơn vị trong quý đầu năm dưới sự tác động rõ nét từ chi phí lãi vay. Nhóm phân tích này nói, thấy rõ nhất là TAR và LTG với mức đòn bẩy nợ trên vốn chủ đạt lần lượt 1,2 và 2,1 lần.
Xét về cơ hội đầu tư, Chứng khoán KIS Việt Nam (KISVN) dự đoán cổ phiếu ngành gạo có thể đón đà tăng giá trong nửa cuối năm. Thêm vào đó, gạo cũng thuộc nhóm cổ phiếu ngành thực phẩm có tỷ lệ tăng trưởng ổn định. Giá cả được nâng lên, kéo theo cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và đưa cổ phiếu lên cao.
Tuy nhiên, KISVN lưu ý rằng, giá gạo tăng không đồng nghĩa tất cả cổ phiếu liên quan đến mặt hàng này đều tăng. Chẳng hạn như Safoco (SAF) chuyên sản xuất các sản phẩm từ gạo như nui, hủ tiếu, bánh tráng, có thể đội thêm chi phí đầu vào, gây ảnh hưởng kết quả kinh doanh. Vì vậy, trước khi rót tiền, nhà đầu tư cần theo dõi thị trường và biến động giá.
Tất Đạt