Sau ba phiên tích lũy, VN-Index điều chỉnh điểm số dưới áp lực từ nhóm vốn hóa lớn, nhất là các mã chứng khoản, ngân hàng và bất động sản.
Trong khi nhiều công ty chứng khoán dự báo khả quan về VN-Index, thị trường hôm nay lại có diễn biến trái ngược. Đồ thị chỉ số này có sắc xanh những phút đầu phiên nhưng nhanh chóng giằng co quanh tham chiếu. Sau khoảng một giờ đầu giao dịch, thị trường không xuất hiện nhóm cổ phiếu nào dẫn dắt, áp lực bán lan rộng khiến VN-Index chìm vào sắc đỏ. Hầu hết cổ phiếu rơi vào trạng thái điều chỉnh nhưng biên độ không quá sâu.
Sang buổi chiều, thị trường cải thiện dần nhưng lực cầu vẫn duy trì thấp, nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng. Chỉ số đại diện sàn HoSE cải thiện nhưng chưa thể thoát khỏi sắc đỏ. Sau 14h, chỉ số tiếp tục lùi xa tham chiếu. Chốt phiên, VN-Index giảm hơn 6 điểm, về khoảng 1.284 điểm.
Toàn sàn HoSE có 296 mã giảm, gần gấp đôi so với 159 mã tăng giá. Tuy nhiên, phần lớn cổ phiếu đỏ sắc có biên độ điều chỉnh thấp dưới 2%. Bộ ba từng dẫn dắt thị trường những phiên trước gồm chứng khoán, ngân hàng và bất động sản đều có diễn biến tiêu cực.
Trừ VCI tăng nhẹ, toàn bộ cổ phiếu chứng khoán có thanh khoản trăm tỷ đều chìm trong sắc đỏ. VIX và SHS lần lượt giảm 2,1% và 2,4%. Các mã như VND, SSI, HCM, MBS, FTS đều cùng đi lùi hơn 1% so với tham chiếu.
Nhóm ngân hàng và bất động sản nhìn chung khả quan hơn khi vẫn có sắc xanh xen kẽ. STB là mã được giao dịch sôi động nhất thị trường với thanh khoản gần 1.110 tỷ đồng, chốt phiên ở mức giá thấp hơn hôm qua 1,3%. Còn lại các mã như TCB, MBB, CTG, HDB, VCB… đều giảm dưới 1%. Trong khi ở bảng điện bất động sản, biên độ giảm thường là 1-2% như các cổ phiếu NVL, DIG, KBC, CEO…
Thanh khoản sàn HoSE giảm cùng điểm số. Tổng giá trị giao dịch cả ngày đạt hơn 23.200 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 2.600 tỷ so với phiên trước.
Hôm nay khối ngoại tiếp tục bán ròng ở phiên thứ 14 liên tiếp với giá trị gần 800 tỷ đồng. Mức này giảm 40% so với hôm qua và 58% so với phiên 27/3. Tổng giá trị bán ròng trong đợt xả hàng liên tiếp này đã đạt hơn 10.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược thị trường Chứng khoán VPBankS, cho rằng trong ngắn hạn, tác động từ diễn biến trên chưa quá ảnh hưởng tới xu hướng thị trường. Bởi, lực cầu tích cực từ nhà đầu tư cá nhân trong nước duy trì tốt với nền thanh khoản cao, câu chuyện nâng hạng đang là thông tin quan trọng kích hoạt tâm lý lạc quan.
Trong hội thảo mới đây, đơn vị này dự đoán chứng khoán Việt Nam đang đứng trước “cơn sóng” thứ tư nhờ nâng hạng thị trường, sau các “cơn sóng” vào năm 2007, 2017 và 2021. Do đó, VPBanks dự báo trong nửa đầu năm, thị trường có thể duy trì xu hướng tăng xen lẫn những nhịp điều chỉnh hướng đến vùng 1.320-1.350 điểm và giao dịch trong biên độ 1.150-1.300 điểm.
Tất Đạt