VN-Index giảm lần đầu sau chuỗi tăng 6 phiên liên tiếp trước đó khi áp lực chốt lời xuất hiện ở những nhóm dẫn dắt.
Thị trường tiếp tục khởi sắc vào đầu phiên hôm nay, nối tiếp chuỗi tăng điểm trước đó. VN-Index bật lên sau ATO, nới rộng biên độ tăng lên ngưỡng hai chữ số vào cuối giờ sáng. Sắc xanh chiếm ưu thế với sự dẫn dắt tiếp tục của nhóm bất động sản, bán lẻ và tài chính. Ở nhóm vốn hóa thấp hơn, nhiều cổ phiếu có câu chuyện riêng, như HQC, tăng kịch trần.
Tuy nhiên, sang đầu phiên chiều, áp lực bán bắt đầu tăng lên. Lệnh bán ra nhanh hơn, liên tục ép giá đẩy nhiều cổ phiếu về dưới tham chiếu. Các mã dẫn dắt gần đây như bất động sản, tài chính, là mục tiêu bị chốt lời, đặc biệt là nhóm vốn hóa lớn. Chỉ số của sàn HoSE liên tục giảm.
Chốt phiên, VN-Index mất 1,4 điểm (0,1%) xuống 1.502 điểm, dù trước đó có thời điểm vượt 1.513 điểm. VN30-Index thậm chí còn giảm mạnh hơn, mất gần 8 điểm, về ngưỡng 1.505 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giữ sắc xanh, còn UPCOM-Index lùi về dưới tham chiếu.
Sắc đỏ chiếm ưu thế vào cuối phiên với 260 mã giảm trên HoSE, so với 192 mã tăng. Riêng nhóm vốn hóa lớn, 22/30 mã bluechip chốt phiên dưới tham chiếu.
Trong nhóm VN30, GAS, VIC và VHM là ba mã tác động tiêu cực nhất tới thị trường. GAS chốt phiên giảm 2,3%, còn VIC và VHM cùng giảm 1%. Nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng cao trong nhóm giảm, với HDB, TPB giảm trên 1%, MBB mất 0,9%, TCB, CTG, VPB, ACB, BID chốt phiên trong sắc đỏ.
Ở chiều ngược lại, POW, SAV, GVR là ba mã tích cực nhất khi chốt phiên có thêm hơn 2%, các mã còn lại trong nhóm tăng của VN30 chỉ vượt nhẹ tham chiếu.
Với nhóm bất động sản vốn hóa trung bình và thấp, sắc đỏ có phần ưu thế. CII và NBB, sau phiên tăng trần hôm qua, đều điều chỉnh trong phiên hôm nay, chốt phiên giảm 1,3% và 3,3%. SCR, CEO cũng dừng dưới tham chiếu. Ngược lại, DIG, NLG, ITA giao dịch tích cực, HQC và QCG cùng tăng kịch trần nhờ câu chuyện riêng.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 28.000 tỷ đồng, riêng nhóm VN30 giao dịch hơn 8.400 tỷ. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng, tập trung vào DGC, MSN, HPG, STB, KBC, VIC.
Minh Sơn