Ba phần tư cổ phiếu trên thị trường giảm giá, lực bán dâng cao liên tục đẩy thanh khoản vượt 35.500 tỷ đồng trong phiên VN-Index sụt hơn 19 điểm.
Dù tăng vượt 1.280 điểm vào hôm qua, VN-Index bị nhuộm đỏ ngay những phút đầu phiên giao dịch hôm nay, mất gần 8 điểm. Sau khoảng một tiếng, chỉ số này mới cải thiện lên tham chiếu, giằng co một lúc rồi lấy lại sắc xanh nhờ lực cầu tiếp ứng. Tuy nhiên áp lực chốt lời ở nhóm bluechip vẫn rất cao khiến chỉ số nhanh chóng rơi về dưới tham chiếu trước khi nghỉ trưa.
Sang buổi chiều, chỉ số đại diện sàn HoSE khoác sắc đỏ liên tục. Nửa đầu buổi, chỉ số này chủ yếu giằng co quanh 1.270 điểm.
Đến sau 14h, xu hướng bán tháo lan nhanh từ nhóm bluechip sang hàng loạt cổ phiếu. Chỉ số bất ngờ giảm một mạch về sát 1.250 điểm, tức thấp hơn tham chiếu khoảng 30 điểm. Tuy nhiên, thị trường nhanh chóng cải thiện trước khi bước vào phiên ATC.
VN-Index đóng cửa ở gần 1.262 điểm, giảm hơn 19 điểm so với hôm trước. Đây là phiên điều chỉnh mạnh nhất hơn một tháng qua.
Gần ba phần tư cổ phiếu trên sàn HoSE giảm giá. Trừ hai nhóm hóa chất và ôtô – linh kiện phụ tùng, toàn bộ ngành đều mang sắc đỏ.
Từ vị trí nâng đỡ thị trường, nhóm bluechip hôm nay trở thành nhân tố ảnh hưởng tiêu cực nhất. Chỉ số VN30-Index có diễn biến đồng pha với VN-Index. Rổ cổ phiếu này có đến 25 mã giảm. Đây cũng là nơi lực bán tháo được kích hoạt trước nhất rồi lan rộng ra thị trường. Top 10 cổ phiếu góp mức giảm nhiều nhất cho VN-Index toàn bộ đều là các mã thuộc VN30, dẫn đầu là FPT, VCB, CTG, VPB, HPG. Chốt phiên, VN30-Index giảm hơn 21 điểm, về 1.283,46 điểm.
Xét theo nhóm ngành, chứng khoán và bất động sản là nhóm tiêu cực hơn hẳn. SSI, HCM, VCI, EVF và CTS là các mã thanh khoản trăm tỷ có mức giảm từ 4% trở lên. Ở nhóm bất động sản, TCH điều chỉnh về dưới 6,1% so với tham chiếu, còn lại các mã DIG, HDG, DXG, HDC, NLG, BCM giảm từ 4% trở lên.
Không chỉ sắc đỏ lan rộng khắp nơi, thị trường ghi nhận lực bán tháo ồ ạt khi thanh khoản sàn HoSE vượt 35.500 tỷ đồng, tăng hơn 12.200 tỷ so với hôm qua. Đây là mức cao nhất kể từ giữa tháng 3 tới nay, tức hơn hai tháng qua.
Không chỉ nhà đầu tư trong nước, khối ngoại cũng quay lại bán ròng hơn 1.500 tỷ đồng, mức cao nhất trong hai tuần gần đây. FPT nằm trong tâm điểm xả hàng với giá trị bán ròng hơn 355 tỷ, theo sau là các mã MWG, MBB và VHM cũng có biên độ trăm tỷ trở lên.
Trong báo cáo trước đây, các công ty chứng khoán nhiều lần cảnh báo kịch bản thị trường có thể điều chỉnh mạnh khi VN-Index kiểm tra vùng kháng cự quan trọng 1.280 điểm. Hôm qua dù tăng khá mạnh, phần lớn thời gian giao dịch vẫn trong xu thế giằng co với áp lực bán khá lớn. Điều này khiến nhà đầu tư dễ đặt tâm lý thận trọng và chọn chốt lời ngắn hạn hoặc cơ cấu danh mục để đề phòng rủi ro.
Thêm vào đó, thị trường thế giới cũng biến động mạnh. Chốt phiên 23/5, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm, riêng Dow Jones rơi hơn 600 điểm, mức mạnh nhất kể từ tháng 3/2023. Nhà đầu tư lo ngại lãi suất tại Mỹ không được giảm sớm khi chỉ số giá sản xuất (PMI) trong tháng 5 lên mức cao nhất hai năm.
Tất Đạt