Quốc tế

Quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới lãi gần 80 tỷ USD một quý nhờ chứng khoán

GPFG – quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy – thu lợi nhuận lớn trong quý trước, nhờ chứng khoán toàn cầu bùng nổ sau khi nhiều nước giảm lãi suất.

Ngày 22/10, GPFG công bố lợi nhuận quý III đạt 835 tỷ krone Na Uy, tương đương 76,3 tỷ USD. Họ quản lý số tài sản trị giá 18.870 tỷ krone, tính đến cuối tháng 9 và hiện là quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới.

Trond Grande – Phó giám đốc Norges Bank Investment Management (NBIM) – đơn vị quản lý quỹ đầu tư này cho biết các thay đổi gần đây về chính sách tiền tệ “đã có ảnh hưởng lớn” đến kết quả kinh doanh của họ trong quý III. Hàng loạt thị trường chứng khoán đã tăng điểm sau khi nhiều nước giảm lãi suất. Tại Mỹ, cả DJIA và S&P 500 đều tăng 2% từ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất tháng trước.

“Quý trước có rất nhiều sự kiện. Bắt đầu bằng hàng loạt biến động xuyên suốt mùa hè, trong tháng 7 và tháng 8. Sau đó là đồn đoán liệu Mỹ có hạ cánh mềm không và Fed có giảm lãi suất không”, Grande cho biết trên CNBC hôm 22/10.




Bên ngoài Ngân hàng Trung ương Na Uy - đơn vị quản lý quỹ đầu tư GPFG. Ảnh: Reuters

Bên ngoài Ngân hàng Trung ương Na Uy – đơn vị quản lý quỹ đầu tư GPFG. Ảnh: Reuters

Tất cả kênh đầu tư của quỹ này đều sinh lời trong quý III. Trong đó, cổ phiếu – đóng góp 71,4% danh mục – sinh lời 4,5%. Công cụ trả lãi cố định – chiếm 26,8% danh mục – cho lợi nhuận 4,2%. Đầu tư vào bất động sản và cơ sở hạ tầng cho nhiên liệu tái tạo cũng có lãi.

Quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy được thành lập vào thập niên 90 của thế kỷ trước. Mục đích là tái đầu tư nguồn thu dư thừa từ ngành dầu khí nước này. Đến nay, quỹ này đã rót tiền vào hơn 8.760 công ty tại 71 quốc gia trên thế giới.

Làn sóng nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu vẫn đang tiếp tục khi lạm phát tại các nước thu nhập cao năm nay dần hạ nhiệt. Tháng trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lần đầu giảm lãi suất sau 4 năm. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất lần thứ ba trong năm nay. Ngân hàng Trung ương Anh cũng nới lỏng tiền tệ từ tháng 8.

Lãi suất thấp có lợi cho nhiều ngành, đặc biệt là công nghệ. Khi được hỏi về triển vọng nhóm này trong vài tháng tới, Grande cho biết: “Đây là một câu hỏi khó. Vì cổ phiếu công nghệ đang tăng trưởng dựa trên sự hào hứng về AI. Tôi cho rằng trong tình hình này, mọi người vẫn nên thận trọng hơn một chút”.

Hà Thu (theo CNBC, Reuters)

Vốn hóa Nvidia bốc hơi gần 300 tỷ USD một phiên

Nhà đầu tư thận trọng với cơn sốt AI, trong bối cảnh sản xuất tại Mỹ đi xuống, khiến vốn hóa Nvidia giảm kỷ lục tại Wall Street.

Chốt phiên giao dịch 3/9, cổ phiếu Nvidia giảm 9,5%. Việc này khiến vốn hóa của hãng chip mất 279 tỷ USD – kỷ lục với một công ty Mỹ. Đây là dấu hiệu nhà đầu tư đang ngày càng thận trọng với làn sóng AI trên toàn cầu. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, mã này vẫn tiếp tục giảm.

Cổ phiếu hàng loạt hãng chip khác hôm qua cũng đi xuống. Intel cũng giảm 8%, Marvell mất 8,2%, Broadcom giảm 6%, AMD 7,8% và Qualcomm 7%. Chỉ số VanEck Semiconductor theo dõi các cổ phiếu hãng chip giảm 7,5% – ghi nhận phiên tệ nhất kể từ tháng 3/2020.

Logo Nvidia tại triển lãm Computex 2024 hôm 4/6 tại Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: Khương Nha

Logo Nvidia tại triển lãm Computex 2024 hôm 4/6 tại Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: Khương Nha

Chứng khoán Mỹ đi xuống sau khi Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) công bố báo cáo cho thấy hoạt động sản xuất của nước này tiếp tục co lại trong tháng 8. Chỉ số PMI của Mỹ tháng trước là 47,2, có cải thiện so với 46,8 điểm trong tháng 7, nhưng vẫn dưới mốc 50. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp PMI của Mỹ dưới mốc này. Sản xuất hiện đóng góp 10,3% GDP nền kinh tế lớn nhất thế giới.

PMI khiến thị trường lo ngại về sức khỏe của Mỹ. Tuy nhiên, nó cũng làm tăng khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất.

Cổ phiếu các hãng chip đã tăng mạnh vài năm qua, do nhà đầu tư tin tưởng cơn sốt AI sẽ khiến các doanh nghiệp tăng mua chip tiên tiến. Nvidia hiện thống trị thị trường chip AI toàn cầu. Từ đầu năm, mã này đã tăng 114%.

Các hãng chip khác cũng đang tích cực tham gia làn sóng này. Cả Intel và AMD đều có chip AI, dù thị phần còn khiêm tốn. Broadcom cũng đang làm chip cho Google, còn Qualcomm quảng cáo chip của họ là tốt nhất để chạy AI trên các điện thoại dùng hệ điều hành Android.

Tuần trước, Nvidia công bố đạt doanh thu 30 tỷ USD trong quý kết thúc vào tháng 7. Con số này cao hơn dự báo của Wall Street. Doanh thu của hãng trong mảng trung tâm dữ liệu tăng 154% so với năm ngoái, nhờ nhu cầu từ các đại gia Internet và điện toán đám mây. Hãng kỳ vọng quý này, doanh thu sẽ tăng 80%.

Dù vậy, một số nhà đầu tư vẫn cho rằng kết quả này của Nvidia gây thất vọng, do không đạt mức tăng trưởng lên tới 200% như các quý trước. Cổ phiếu Nvidia đã giảm hơn 6% trong phiên 29/8.

Hà Thu (theo CNBC, Reuters)