Kinh doanh

Phố mua sắm đắt đỏ nhất thế giới

Via Monte Napoleone tại Milan (Italy) có giá thuê hơn 21.000 USD mỗi m2, vượt Upper Fifth Avenue (Mỹ) trở thành phố mua sắm đắt đỏ nhất thế giới.

Ngày 20/11, hãng bất động sản Cushman & Wakefield công bố báo cáo thường niên lần thứ 34 về 138 địa điểm bán lẻ hàng đầu thế giới. Theo đó, vị trí dẫn đầu về giá thuê năm nay thuộc về phố Via Monte Napoleone ở Milan – trung tâm tài chính của Italy. Đây là lần đầu tiên một địa điểm châu Âu nắm giữ vị trí này.

Theo báo cáo, giá thuê tại đây đã tăng 11% trong 12 tháng qua, lên 20.000 euro (21.094 USD) một m2, do nhu cầu vượt nguồn cung. Trong khi đó, giá thuê tại Upper Fifth Avenue (Mỹ) – địa điểm dẫn đầu nhiều năm qua – giữ nguyên suốt 2 năm gần đây tại 19.537 euro một m2.




Người dân mua sắm tại phố Via Monte Napoleone ở Milan. Ảnh: Reuters

Người dân mua sắm tại phố Via Monte Napoleone ở Milan. Ảnh: Reuters

Ngoài sự thay đổi với 2 vị trí đầu tiên, New Bond Street (London) cũng vượt Tsim Sha Tsui (Hong Kong, Trung Quốc) lên thứ ba với giá thuê 17.210 euro một m2. Đại lộ Champs Élysées (Paris) đứng thứ 5 với 12.519 euro một m2.

Thomas Casolo – Giám đốc bán lẻ của Cushman & Wakefield tại Italy cho biết so với Fifth Avenue, phố Via Monte Napoleone rất ngắn, khiến giá thuê bị đẩy lên cao. Ông dự báo giá tại đây còn tăng nữa, do mặt bằng khan hiếm.

Thành phố HCM đứng thứ 14 danh sách này. Giá thuê tại đường Đồng Khởi là 3.594 euro một m2, giảm 6% và một bậc so với năm ngoái.

Robert Travers – Giám đốc bán lẻ khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại Cushman & Wakefield nhận định các địa điểm trong báo cáo đang đối mặt với nhu cầu thuê tăng, trong khi nguồn cung hạn chế. Cả thương hiệu cao cấp và bình dân “đều đang tăng hiện diện tại các địa điểm hàng đầu, do cạnh tranh tăng lên”.

Khách hàng ngày càng đòi hỏi trải nghiệm mua sắm nâng cao và muốn đến tận nơi trưng bày sản phẩm, Travers giải thích. Tỷ lệ mặt bằng bỏ trống vì thế “rất thấp”.

Hồi tháng 4, Kering – công ty mẹ của Gucci trả 1,3 tỷ euro (1,4 tỷ USD) mua một tòa nhà ở Via Monte Napoleone. Chanel và Gucci cũng mở các cửa hàng mới tại phố này trong năm qua. Tại đây còn có sự hiện diện của Hermès, Versace, Cartier, Bottega Veneta và Celine.

Diễn biến này cũng cho thấy sự bùng nổ du lịch mua sắm hàng xa xỉ ở Milan – nơi tổ chức một trong các tuần lễ thời trang lớn nhất thế giới hàng năm. Báo cáo khác năm nay của hãng tư vấn di trú Henley & Partners cũng cho thấy nhiều cá nhân giàu có đã đến thành phố này định cư, do quy định cư trú đơn giản và các khoản ưu đãi thuế hào phóng.

Hà Thu (theo CNN, Cushman & Wakefield)

Vinpearl thành công ty đại chúng

Vinpearl vừa trở thành công ty đại chúng – động thái quan trọng để niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Ngày 15/11, Uỷ ban Chứng khoán thông báo xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng của Công ty cổ phần Vinpearl. Đây là công ty con của Tập đoàn Vingroup với tỷ lệ sở hữu 85,55%, có địa chỉ đăng ký tại đảo Hòn Tre, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, Khánh Hoà.

Việc Vinpearl trở thành công ty đại chúng là động thái quan trọng để niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trước đó, tại phiên họp thường niên của Vingroup hồi tháng 4, lãnh đạo tập đoàn này cũng cho biết đang tiến hành các thủ tục để niêm yết cổ phiếu Vinpearl trong năm nay.

Vinpearl là một trong những thương hiệu dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu, từng có 45 cơ sở thuộc thương hiệu Vinpearl tại 17 tỉnh, thành phố. Hiện tại, theo thông tin công bố trên website, Vinpearl còn 10 khu khách sạn, resort tại Phú Quốc, Nha Trang, Hội An và Quảng Ninh.

Nửa đầu năm nay, Vinpearl lãi sau thuế gần 2.580 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ 2023. Vingroup cho biết trong quý II/2024, hệ thống này bán được gần 452.000 phòng, tăng 25%. Doanh thu của VinWonders và Vinpearl Golf cũng tăng lần lượt 52% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến hết 30/6, vốn chủ sở hữu của Vinpearl đạt trên 31.500 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,15 lần, tương ứng với nợ phải trả xấp xỉ 36.200 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu khoảng hơn 11.000 tỷ đồng. Như vậy, quy mô tài sản của Vinpearl đạt khoảng 67.750 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,7 tỷ USD).

Trước đây, Vinpearl từng niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) với mã VPL từ đầu năm 2008. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, Vinpearl sáp nhập với Vincom thành Vingroup, nên cổ phiếu VPL đã được hoán đổi thành cổ phiếu VIC.

Anh Tú

Novaland có CEO mới

Novaland bổ nhiệm ông Dương Văn Bắc – từng là Giám đốc tài chính – giữ chức Tổng giám đốc để kiện toàn đội ngũ lãnh đạo cấp cao.

Tập đoàn Novaland (NVL) vừa công bố nghị quyết bổ nhiệm ông Dương Văn Bắc làm Tổng giám đốc. Doanh nghiệp này cho biết đây là một phần trong kế hoạch kiện toàn đội ngũ lãnh đạo cấp cao, góp phần quan trọng vào quá trình tái cấu trúc toàn diện, giúp Novaland vượt qua thách thức và phát triển bền vững.

Ông Bắc sẽ đảm nhận vai trò mới từ ngày 1/11, thay cho ông Dennis Ng Teck Yow. Ông Dennis sẽ tập trung vào thực hiện nhiệm vụ của Thành viên Hội đồng quản trị Novaland.

CEO mới của công ty sinh năm 1985, có hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và bất động sản, với chuyên môn về huy động vốn, đầu tư và định giá. Từng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong hai lĩnh vực kể trên, ông Bắc gia nhập Novaland từ tháng 8/2023 với vị trí Giám đốc tài chính, sau đó được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc tháng 9 năm nay.

Novaland cho biết lãnh đạo này đã đóng góp tích cực vào quá trình tái cấu trúc của tập đoàn.




Ông Dương Văn Bắc - CEO Novaland. Ảnh: NVL

Ông Dương Văn Bắc – CEO Novaland. Ảnh: NVL

Sau hơn 20 tháng tái cấu trúc toàn diện, Novaland cho biết đã cơ cấu thành công phần lớn các khoản nợ, đồng thời thu xếp, huy động được nhiều nguồn vốn mới để đẩy mạnh thi công dự án. Công ty đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý để tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án trọng điểm.

Quý III, Novaland lãi hơn 2.950 tỷ đồng, gấp 21,5 lần cùng kỳ 2023, là mức kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ khi công bố thông tin. Nguyên nhân chủ yếu nhờ hoạt động tài chính với mức doanh thu gần 3.898 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, lợi nhuận cũng được đóng góp bởi hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ với doanh thu đạt hơn 2.010 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với quý III năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu, tổng doanh thu hợp nhất từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Novaland là 4.295 tỷ đồng (chưa tính doanh thu tài chính). Trong đó, doanh thu thuần từ bán hàng đạt gần 3.739 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản thu trên ghi nhận từ việc bàn giao tại các dự án như NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City, Palm City…

Doanh nghiệp này đang lỗ lũy kế khoảng 4.377 tỷ đồng. NVL cho biết phần lớn do trích lập dự phòng ở kỳ báo cáo bán niên theo quan điểm riêng của đơn vị kiểm toán liên quan đến tiền thuê, sử dụng đất phải nộp tính theo phương án giá đất năm 2017 của dự án Lakeview City (TP Thủ Đức, TP HCM).

Tất Đạt