Doanh nghiệp

Công ty ông Lê Phước Vũ đặt mục tiêu lãi thấp nhất 10 năm

Hoa Sen đưa ra hai kịch bản lợi nhuận 100 tỷ đồng và 300 tỷ đồng, đều thấp so với kế hoạch 10 năm trở lại đây.

Kịch bản đầu tiên của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) dựa trên sản lượng thành phẩm đạt 1,4 triệu tấn, mang về doanh thu 34.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 100 tỷ đồng. Với kịch bản khả quan hơn là tiêu thụ được 1,5 triệu tấn thành phẩm, công ty dự kiến thu 36.000 tỷ đồng và lãi 300 tỷ đồng.

Kế hoạch lợi nhuận trong cả hai kịch bản đều kém xa mức Hoa Sen đặt ra cho những niên độ trước. Trong 10 năm qua, kế hoạch thấp nhất công ty từng đưa ra là 400 tỷ đồng và cao nhất 1.650 tỷ đồng.

Lý giải về mục tiêu lãi 100 tỷ đồng, ban lãnh đạo Hoa Sen cho biết xuất khẩu thép năm nay tiềm ẩn nhiều bất ổn trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang cũng được đánh giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất của công ty.

Khả năng hoàn thành mục tiêu này càng khó hơn khi Hoa Sen báo lỗ sau thuế 680 tỷ đồng trong quý đầu niên độ (từ ngày 1/10/2022 đến 31/10/2022).

Theo nhận định của nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt, công ty của ông Lê Phước Vũ đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử khi lỗ ròng hai quý liên tiếp. Khó khăn của Hoa Sen được đánh giá là gấp đôi so với đối thủ trong ngành bởi công ty hoạt động ở cả phân khúc sản xuất và bán lẻ.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của Hoa Sen không phản ứng tiêu cực với thông tin kế hoạch kinh doanh vừa công bố. HSG hôm nay diễn biến đồng thuận với đà tăng của thị trường khi tích lũy 4,5% so với tham chiếu, đóng cửa 16.200 đồng.

Phương Đông

Chứng khoán KB: Hòa Phát có thể lỗ tiếp quý đầu năm

KBSV dự báo tiêu thụ thép Hòa Phát quý I giảm hơn 40% so cùng kỳ 2022 và biên lợi nhuận thấp có thể khiến tập đoàn này lỗ ròng 130 tỷ đồng.

Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) – đơn vị vốn Hàn Quốc từng trong top 10 thị phần môi giới HoSE và HNX – vừa có báo cáo mới về Tập đoàn Hòa Phát (HPG).

Theo đó, sản lượng tiêu thụ của “vua thép” trong quý I có thể giảm hơn 40% so cùng kỳ, còn khoảng hơn 1,4 triệu tấn. Doanh thu của HPG được dự báo giảm 44% còn 24.588 tỷ đồng, biên lợi nhuận thu hẹp xuống 3% so với mức 23% cùng kỳ năm trước. Với dự báo này, KBSV cho rằng Hòa Phát sẽ lỗ ròng 130 tỷ đồng trong quý đầu năm.

Con số trên giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cải thiện đáng kể so với hai quý gần nhất. Quý III/2022, Hòa Phát báo lỗ ròng gần 1.800 tỷ và tăng lên gần 2.000 tỷ đồng trong quý IV.

Theo KBSV, biên lợi nhuận thu hẹp một phần do tốc độ tăng của giá thép chưa tương xứng với tốc độ tăng nguyên vật liệu đầu vào.

Các động thái nới lỏng lệnh cấm liên quan tới Covid-19 tại Trung Quốc đã khiến cho giá quặng sắt, than cốc tăng lần lượt 23% và 15% trong giai đoạn từ đầu quý IV/2022 đến nay.

Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào cao, giá thép trong nước cũng tăng nhưng với mức khiêm tốn, chỉ đảm bảo biên lãi gộp. Theo tổng hợp của KBSV, giá bán thép từ đầu năm tới nay mới tăng 6%, trong khi giá nguyên vật liệu (quặng sát, than cốc, thép phế) tăng trung bình 14%.

Theo nhóm phân tích, hoạt động kinh doanh của HPG có thể cải thiện bắt đầu từ quý II năm nay, với giả định các cơ chế hỗ trợ thị trường bất động sản được thông qua và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này sôi động hơn. Dẫu vậy, trong kịch bản thận trọng, KBSV cho rằng phải tới quý cuối năm nay các lò cao của Hòa Phát mới có thể hoạt động hết công suất.

Dự báo cả năm, “vua thép” có thể đạt doanh thu 126.770 tỷ đồng, giảm 10% so cùng kỳ, với tổng sản lượng tiêu thụ gần 7 triệu tấn, giảm 16%. Lãi ròng, theo ước tính của KBSV, chỉ gần 3.800 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với kết quả năm 2022.

So với KBSV, Trung tâm phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) đưa ra dự báo lạc quan hơn.

Theo đó, SSI Research cho rằng Hòa Phát sẽ đạt 121.000 tỷ đồng doanh thu cả năm nay, giảm 14% so cùng kỳ. Lãi ròng của “vua thép” dự kiến phục hồi 15%, đạt 9.700 tỷ đồng nhờ giả định giá thép ổn định và giảm tác động từ hàng tồn kho giá cao.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại, theo SSI Reseach có thể giúp giá thép ổn định hơn nhưng không tác động nhiều đến sản lượng xuất khẩu của HPG. Ở chiều hướng tiêu cực, diễn biến này thậm chí trở thành con dao hai lưỡi nếu làm giá nguyên vật liệu tăng, trong khi nhu cầu nội địa yếu khiến HPG khó tăng giá bán tương ứng, đặc biệt đối với thép xây dựng.

Dù vậy, “vua thép” đánh giá ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục.

Minh Sơn

‘Vua tôm’ Minh Phú lãi cao nhất tám năm

Năm ngoái, Minh Phú ghi nhận lãi sau thuế hơn 800 tỷ đồng, lập kỷ lục 8 năm, nhờ lãi gộp tăng cao.

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) ghi nhận khoảng 16.425 tỷ đồng doanh thu năm ngoái, tăng hơn 20% so với năm 2021. Mức doanh thu này dần tiệm cận giai đoạn trước dịch. Tổng lại, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 840 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với cùng kỳ 2021. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2015. Nếu tính lãi sau thuế công ty mẹ, MPC đạt đỉnh lợi nhuận từ khi công bố thông tin năm 2004.

Dẫu vậy, Minh Phú chỉ hoàn thành khoảng 87% chỉ tiêu doanh thu và hai phần ba kế hoạch lợi nhuận năm ngoái. Trong cuộc họp thường niên cuối tháng 6/2022, lãnh đạo doanh nghiệp này từng dự đoán nửa cuối năm là giai đoạn khó khăn đối với thị trường tôm vì lạm phát, dịch bệnh và thời tiết. Vì thế, công ty đứng trước nguy cơ không thể về đích ở một số chỉ tiêu kinh doanh.

Ban lãnh đạo MPC cho biết công ty tập trung sản xuất và bán mạnh mặt hàng giá trị gia tăng giúp lãi gộp tăng, đưa lợi nhuận lên cao. Năm ngoái, doanh nghiệp này có biên lãi gộp gần 17%, cao nhất giai đoạn 2015-2022.

Minh Phú xuất khẩu chính là tôm – nhóm hàng có diễn biến tích cực hơn hẳn so với cá tra. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Mức này cao hơn nhiều so với 2,4 tỷ đồng của ngành cá tra.

Vasep cho biết trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu cao và giá tăng. Đến nửa cuối năm, lạm phát cao ở các nền kinh tế lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, trong khi hàng tồn kho vẫn nhiều, khiến xuất khẩu tôm giảm tốc. Tháng 12/2022, xuất khẩu tôm giảm 21% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên điểm sáng là thị trường Trung Quốc vẫn tăng trưởng 38%, giúp cả năm tăng 61%.

Đầu năm nay, Trung Quốc dỡ bỏ các quy định kiểm soát ngặt nghèo đối với hàng nhập khẩu vào nước này gồm xét nghiệm, khử trùng và kiểm dịch. Động thái trên được kỳ vọng làm tăng nhu cầu và tiêu thụ hàng hóa của quốc gia tỷ dân này. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc dự kiến vẫn tăng trong những tháng đầu năm 2023.

Tất Đạt

Bút bi Thiên Long lãi một tỷ đồng mỗi ngày

Nhà sản xuất văn phòng phẩm lớn nhất cả nước – Thiên Long, lập kỷ lục lợi nhuận năm ngoái, trung bình lãi hơn một tỷ đồng mỗi ngày.

Năm 2022, Tập đoàn Thiên Long (TLG) ghi nhận hơn 3.520 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 32% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 400 tỷ đồng, tăng 45%. Đây là kết quả kinh doanh cao nhất lịch sử kể từ khi doanh nghiệp này công bố thông tin vào năm 2005. TLG vượt 8% doanh thu và 43% lợi nhuận theo kế hoạch đề ra.

Ban lãnh đạo lý giải dịch bệnh được kiểm soát làm doanh thu tăng trưởng. Đồng thời, công ty tiếp tục tái cấu trúc các kênh bán hàng và dự trữ được nguyên vật liệu giá thấp, giúp tối ưu giá thành sản xuất.

Năm 2022 cho thấy sự bứt phá của nhà sản xuất văn phòng phẩm lớn nhất cả nước. Trong giai đoạn 2005-2022, doanh nghiệp này chỉ lãi quanh mức vài chục tỷ đồng dù doanh thu có năm vượt nghìn tỷ đồng. Từ khi đạt mốc lợi nhuận sau thuế hơn 100 tỷ đồng năm 2012, Thiên Long duy trì đà tăng trưởng liên tục hai chữ số (trừ năm 2020), nhưng mức tăng lợi nhuận cao nhất của công ty chỉ 28%.

Năm ngoái, TLG hoàn thành hai dự án lớn giá trị hàng chục triệu USD, gồm nhà xưởng mới tại Long Thành (Đồng Nai) và trung tâm phân phối tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (TP HCM). Các dự án được kỳ vọng giúp nâng cao năng suất, tối ưu hóa năng lực quản trị, giảm chi phí vận hành. Doanh nghiệp này cũng đầu tư 25% vốn cổ phần vào PEGA để mở rộng hơn hệ sinh thái (viết – vẽ – đọc). TLG cho mở Công ty Clever World, cửa hàng trải nghiệm Clever Box vào cuối năm để phát triển hệ sinh thái đa kênh.

Từ năm 2016 đến nay, thị phần hãng bút bi này liên tục duy trì ở mức trên 60%. Tập đoàn Thiên Long đặt mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng vào năm 2027, bằng cách phát triển thị trường trong nước, tăng cường xuất khẩu, mở rộng lĩnh vực kinh doanh và tập trung vào các sản phẩm mới sáng tạo.

Chia sẻ trong buổi trò chuyện trên VnExpress trước đây, CEO Trần Phương Nga nói Thiên Long có rất nhiều sản phẩm bút bi mà khi nhắc tên ai cũng biết. Với bà, đó là niềm tự hào nhưng cũng là nỗi đau. Vì lẽ trên mà những sản phẩm mới khi tung ra thị trường thường ít được chú ý. Ngoài bút bi, doanh nghiệp này còn sản xuất bột nặn có thể ăn được, gôm tẩy, tập bìa kháng khuẩn, bút đánh dấu trong phẫu thuật…

Chứng khoán Sacombank (SBS) đánh giá TLG có nhiều cơ hội trong tương lai khi dân số Việt Nam đông. Doanh nghiệp này cũng đã mở rộng kênh bán hàng từ offline sang online, phù hợp xu hướng tiêu dùng mới. Bên cạnh đó, hợp đồng tương lai nhựa PVC tại Trung Quốc đã giảm khoảng 30% giá trị so với hồi đầu năm 2022. Giá nguyên vật liệu đầu vào thấp sẽ là yếu tố hỗ trợ để biên lợi nhuận của TLG có thể tiếp tục được cải thiện.

Cơ hội vẫn tồn tại song song với thách thức. SBS cho rằng phần lớn nguyên liệu của Thiên Long vẫn đến từ nguồn nhập khẩu và chịu tác động của biến động giá dầu, hàng hóa. Cạnh tranh mảng văn phòng phẩm với các đối thủ trong và ngoài nước, đặc biệt các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc thông qua kênh bán hàng online, sẽ là một trong những thách thức lớn. Ngoài ra, lạm phát và tình hình kinh tế được dự báo khó khăn có thể ảnh hưởng đến sức mua trong ngắn hạn.

Tất Đạt

Nhiều nhà phân phối ôtô lãi kỷ lục

Dù hoạt động bán hàng chững lại 3 tháng cuối năm, nhiều nhà phân phối xe như Savico, Haxaco, City Auto… vẫn lãi kỷ lục trong năm ngoái.

Quý IV/2022, Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã CK: HAX), đạt doanh thu xấp xỉ 1.600 tỷ đồng. Con số này giảm mạnh so với quý trước đó và cũng kém 26% so với cùng kỳ 2021. Doanh thu sụt giảm kéo lợi nhuận trước thuế quý cuối năm của nhà phân phối xe Mercedes lớn nhất Việt Nam đi xuống 63%, còn hơn 58 tỷ đồng.

Tuy nhiên, luỹ kế cả năm 2022, Haxaco vẫn lãi trước thuế 300 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm 2021 nhờ lãi lớn trong 9 tháng đầu năm. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của nhà phân phối ôtô này.

Tương tự, Công ty cổ phần dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico, mã CK: SVC), đơn vị đang phân phối nhiều thương hiệu xe Toyota, Honda, Ford, Suzuki, Volvo… ghi nhận doanh thu cả năm 2022 tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2021, lên hơn 21.486 tỷ đồng – mức cao nhất từ trước tới nay. Nhờ đó, Savico cũng thiết lập đỉnh lợi nhuận trước thuế với hơn 688 tỷ đồng, gấp hơn 2,7 lần năm 2021. Mức lãi này của Savico cũng lớn hơn lợi nhuận hai năm 2021 và 2020 gộp lại.

Ngoài mức đỉnh năm 2022, nhà phân phối ôtô có thị phần hàng đầu Việt Nam này năm 2018 lãi trước thuế 362 tỷ đồng, còn từ đó đến trước năm 2022 đều ở quanh mức 250 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế của Công ty cổ phần City Auto, đơn vị chuyên phân phối xe Ford tại Việt Nam năm ngoái cũng tăng gấp hơn 2 lần, lên xấp xỉ 145 tỷ đồng, mức lớn nhất kể từ khi niêm yết trên HoSE năm 2017. Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu của City Auto khoảng 6.356 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm trước đó.

Năm 2022, Tập đoàn Thành Công (TC Group), nhà lắp ráp, phân phối xe Hyundai tại Việt Nam cũng ước đạt doanh thu 118.000 tỷ đồng, xấp xỉ 5 tỷ USD. Năm ngoái, TC Group bán ra thị trường hơn 81.500 ôtô Hyundai các loại, tăng 15,6% so với năm 2021 và tăng nhẹ so với năm 2020.

Chưa công bố kết quả doanh thu cụ thể, nhưng theo thống kê, Thaco Auto của Tập đoàn Trường Hải năm ngoái bán ra thị trường khoảng 130.000 xe các loại, tăng mạnh so với 2021.

Nhìn chung, các nhà phân phối ôtô đều đạt doanh thu, lợi nhuận kỷ lục trong năm ngoái nhờ thị trường thuận lợi 9 tháng đầu năm. Trong đó, chính sách giảm 50% với xe lắp ráp trong nước kéo đến hết tháng 5 cũng kích thích nhu cầu của khách hàng sau thời gian bị kìm nén vì dịch bệnh. Nửa đầu năm, một số hãng còn không đủ xe mới để áp ứng nhu cầu của người mua. Đại lý cắt khuyến mại, xe mới tăng giá. Thậm chí để nhận xe sớm hơn, khách hàng còn phải bỏ thêm tiền mua phụ kiện hay còn gọi là “bia kèm lạc” của các đại lý.

“Nhu cầu bị dồn nén từ khi bùng phát đại dịch Covid 19 đã thúc đẩy doanh số bán xe trong năm 2022. Tình trạng thiếu chip bán dẫn đã cản trở hoạt động sản xuất toàn cầu, nhưng lại tạo cơ hội cho các đại lý nâng giá bán cao hơn tới 50% trên mỗi chiếc xe”, SSI Research đánh giá.

Tuy nhiên, thị trường đảo chiều trong quý cuối năm khi nhu cầu của khách hàng suy giảm. Nguyên nhân là nhiều ngân hàng hết room tín dụng, lãi suất tăng làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn của người mua xe.

Theo dự báo của SSI Research, thị trường xe sẽ trở về bình thường, tiêu thụ giảm tốc trong năm 2023 do người tiêu dùng giảm chi tiêu trong thời kỳ suy thoái. Việc mua trả góp xe mới sẽ đắt đỏ và khó khăn hơn. Nhóm phân tích của SSI ước tính lượng xe bán ra năm 2023 chỉ tăng 5% so với năm ngoái. Tình trạng thiếu chip ôtô và gián đoạn chuỗi cung ứng khả năng sẽ không ảnh hưởng tới thị trường nửa cuối năm 2023.

Anh Tú

Ông Bùi Thành Nhơn chính thức quay lại ghế Chủ tịch Novaland

Hội đồng quản trị Novaland trưa nay thông qua nghị quyết bầu ông Bùi Thành Nhơn – người sáng lập công ty – quay lại ghế chủ tịch.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (mã chứng khoán: NVL) trong thông cáo phát ra trưa 3/2 cho biết đã bầu lại các thành viên Hội đồng quản trị sau khi giảm số lượng từ 7 người còn 5 người. Ông Nhơn chính thức giữ chức chủ tịch và là người đại diện pháp luật

Kế hoạch trở lại của ông Nhơn sau hơn một năm chuyển giao chức Chủ tịch cho ông Bùi Xuân Huy được công bố cuối tháng 11/2022. Novaland khi đó dẫn lời ông Nhơn cho biết ông muốn trở lại “vì nghĩ rằng đã là doanh nhân thì phải chấp nhận đối mặt với khó khăn và thách thức bởi trở ngại này qua đi, khó khăn khác sẽ đến”.

“Tôi mong rằng, với ý thức luôn thượng tôn pháp luật và tập trung vào lõi chuyên môn, khối rubic màu xanh (logo của công ty) sẽ tiếp tục tỏa sáng”, ông Bùi Thành Nhơn cho biết.

Việc ông Nhơn trở lại là một phần trong đề án tái cấu trúc mà NovaGroup – cổ đông lớn nhất của Novaland – đang thực hiện để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.




Ông Bùi Thành Nhơn. Ảnh: Novaland cung cấp

Ông Bùi Thành Nhơn. Ảnh: Novaland cung cấp

Novaland cho biết đã và đang cùng các đơn vị tư vấn hàng đầu như KPMG, E&Y Parthenon, Deloitte… xây dựng đề án tái cấu trúc, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, tinh gọn nhân sự, xác định lại mục tiêu thay đổi chiến lược phát triển. Sơ đồ tổ chức vì thế có nhiều sự thay đổi, tách bạch và phân quyền hoạt động độc lập giữa Hội đồng quản trị, Ban điều hành.

“Đứng trước những khó khăn và thách thức, với sự hỗ trợ và tư vấn của nhiều đối tác chuyên nghiệp, công ty đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện tập đoàn nhằm đưa ra những giải pháp quản lý hiệu quả, tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và các bên liên quan”, theo thông cáo trưa 3/2 của Novaland.

Năm 2022, công ty này ghi nhận doanh thu hơn 11.150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.293 tỷ đồng, lần lượt giảm 25% và 34% so với năm trước. Trong số này có hơn 9.220 tỷ đồng doanh thu bán hàng được ghi nhận từ việc bàn giao các dự án lớn như NovaWorld Phan Thiet, Aqua City, NovaWorld Ho Tram, NovaHills Mui Ne…

Tổng tài sản của công ty tính đến cuối năm 2022 đạt hơn 257.000 tỷ đồng, tăng gần 28% so với thời điểm đầu năm. Hàng tồn kho chiếm hơn 134.000 tỷ đồng trong số này, chủ yếu là giá trị quỹ đất và các dự án đang xây dựng.

Phương Đông

Novaland sẽ thay hội đồng quản trị

Ông Bùi Thành Nhơn dự kiến quay lại HĐQT và giữ chức Chủ tịch của Novaland vì ông nghĩ “đã là doanh nhân, phải chấp nhận đối mặt khó khăn”.

Thông cáo sáng nay của Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) cho biết công ty sẽ tái cấu trúc hoạt động, trong đó có một thay đổi là ông Bùi Thành Nhơn dự kiến trở lại hội đồng quản trị, dẫn dắt công ty và là người đại diện pháp luật.

Novaland dẫn lời ông Nhơn cho biết ông muốn trở lại “vì nghĩ rằng đã là doanh nhân thì phải chấp nhận đối mặt với khó khăn và thách thức”.

“Tôi mong rằng, với ý thức luôn thượng tôn pháp luật và tập trung vào lõi chuyên môn, khối rubic màu xanh sẽ tiếp tục toả sáng, góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho hàng triệu khách hàng, tiếp tục góp phần vào một nước Việt Nam phát triển”, ông Bùi Thành Nhơn cho biết.

Ông Bùi Thành Nhơn hiện không giữ chức vụ nào tại Novaland sau khi chuyển giao ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị cho ông Bùi Xuân Huy từ tháng 1/2022. Khi đó, ông Nhơn cho biết sẽ trao quyền xây dựng chiến lược phát triển cho bộ máy điều hành quản lý mới, còn mình tập trung vào việc dẫn dắt và định hướng cho toàn bộ NovaGroup.

Ban lãnh đạo Novaland cũng thừa nhận công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn như các doanh nghiệp khác do tình hình kinh tế thế giới và trong nước có những biến động khó lường. Các yếu tố như chiến tranh, lạm phát, hậu quả của dịch bệnh cùng chính sách thắt chặt tín dụng đã tác động mạnh đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc ông Nhơn trở lại, theo thông cáo, là một phần trong đề án tái cấu trúc mà NovaGroup – cổ đông lớn nhất của Novaland – đang thực hiện để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Novaland sẽ xin ý kiến cổ đông để thay đổi cơ cấu Hội đồng quản trị, điều chỉnh số lượng thành viên từ 7 xuống 5 trước khi bầu lại thành viên HĐQT.

Ngoài ra, công ty cho biết đang cùng các cổ đông, đối tác nước ngoài, đội ngũ chuyên gia hàng đầu của EY – Parthenon, Công ty luật YKVN… đánh giá tổng thể tình hình và đưa ra các giải pháp tái cấu trúc toàn diện. Lãnh đạo EY – Parthenon Việt Nam cho biết dựa trên những phân tích ban đầu thì tình hình tài chính của Novaland lạc quan trong trung dài hạn.

Novaland trước đó cũng triển khai những giải pháp khác như tinh giảm ngành nghề chưa cần thiết, cắt giảm nhân sự, điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh để tối ưu chi phí, tập trung nguồn lực hoàn thiện các dự án tại Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu và trung tâm TP HCM.

Novaland là một trong 8 tổng công ty thành viên của NovaGroup – tiền thân là Công ty TNHH Thành Nhơn do ông Nhơn thành lập năm 1992. Theo báo cáo tài chính quý III/2022, Novaland đang có tổng tài sản xấp xỉ 260.000 tỷ đồng. Doanh thu chín tháng đầu năm đạt hơn 7.900 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.050 tỷ đồng.

Novaland hiện có giá trị vốn hoá thị trường khoảng 42.600 tỷ đồng. Cổ phiếu của doanh nghiệp này vừa trải qua đợt điều chỉnh mạnh với 18 phiên giảm liên tiếp, khiến thị giá rơi từ vùng 70.000 đồng xuống 20.000 đồng. Sau thông tin NovaGroup sẽ chuyển nhượng 150 triệu cổ phiếu để có nguồn tiền cân đối tài chính, NVL đảo chiều đi lên và đang có chuỗi tăng trần hai phiên liên tiếp.

Phương Đông

Nam Long muốn mua cổ phiếu quỹ tối đa 1.000 tỷ đồng

Theo chủ trương của Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, nguồn tiền để mua cổ phiếu quỹ là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Chủ trương mua cổ phiếu quỹ được Nam Long đưa ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản vừa trải qua đợt điều chỉnh mạnh. NLG tuần trước thủng mốc 18.000 đồng, giảm 72% so với phiên giao dịch đầu năm nay. Cổ phiếu này mới phát tín hiệu hồi phục từ giữa tuần và đang nối dài mạch tăng trần phiên thứ tư liên tiếp, lên 23.050 đồng.

Cổ phiếu quỹ là cổ phiếu đã được công ty đại chúng phát hành và chính họ mua lại bằng nguồn vốn hợp pháp. Việc mua cổ phiếu quỹ có nhiều tác động như làm thanh khoản sôi động hơn, hạn chế tốc độ giảm giá của cổ phiếu hoặc thậm chí giúp cổ phiếu tăng giá trở lại. Trước đây, các công ty mua lại cổ phiếu quỹ trong những giai đoạn giảm giá và xem đó như một khoản đầu tư để sau này bán ra hoặc thưởng cho nhân viên.

Từ năm 2021, sau khi Luật chứng khoán năm 2019 có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ tiến hành hủy lượng cổ phiếu quỹ đã mua, không còn được sử dụng để bán hoặc dùng làm cổ phiếu thưởng. Công ty đại chúng muốn mua lại cổ phiếu của chính mình phải tiến hành xin ý kiến cổ đông thông qua để giảm vốn điều lệ.

Tính đến cuối quý III, Nam Long có lợi nhuận chưa phân phối hơn 2.170 tỷ đồng và vốn điều lệ 3.829 tỷ đồng. Trong trường hợp sử dụng hết số tiền được thông qua, công ty có thể mua 43,3 triệu cổ phiếu (tính theo giá đóng cửa phiên 21/11). Lợi nhuận chưa phân phối và vốn điều lệ sẽ giảm một khoản tương tư.

Trước thông báo gom cổ phiếu quỹ, nhiều lãnh đạo của Nam Long đã đăng ký tăng tỷ lệ sở hữu. Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Xuân Quang muốn mua 1 triệu cổ phiếu. Hai con trai của ông Quang đăng ký mua mỗi người 1,7 triệu cổ phiếu. Giám đốc đầu tư của công ty dự kiến mua 100.000 cổ phiếu, còn Giám đốc tài chính mua 30.000 cổ phiếu.

Chín tháng đầu năm, Nam Long có doanh thu thuần hơn 2.700 tỷ đồng, gấp hơn ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế giảm 61%, đạt 276 tỷ đồng.

Trong báo cáo phân tích về Nam Long cuối tháng trước, nhóm phân tích Công ty Chứng khoán DSC cho rằng vấn đề về lãi suất và siết tín dụng khiến doanh thu năm nay của công ty không khả quan như dự đoán hồi đầu năm. DSC kỳ vọng giá mục tiêu 12 tháng tới của cổ phiếu NLG là 53.300 đồng.

Phương Đông

Chủ tịch FLC rút khỏi công ty chứng khoán BOS

Ông Lê Bá Nguyên xin từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị Chứng khoán BOS – công ty liên quan đến nhiều lãnh đạo FLC – vì “lý do cá nhân”.

Đơn xin từ nhiệm của ông Nguyên được Chứng khoán BOS công bố cuối tuần này, không lâu trước khi diễn ra phiên họp cổ đông thường niên lần thứ ba.

Ông Nguyên tham gia Hội đồng quản trị Chứng khoán BOS từ giữa năm 2019 và không nắm giữ cổ phần tại công ty này. Ông mới được bầu làm Chủ tịch Tập đoàn FLC vào đầu tháng 7 – ba tháng sau khi cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt.

Ông Nguyên là anh vợ ông Quyết. Ông được giới thiệu có hơn 17 năm kinh nghiệm kinh doanh, làm lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp.

Ông Lê Bá Nguyên. Ảnh: FLC

Ông Lê Bá Nguyên. Ảnh: FLC

Theo báo cáo thường niên công bố cuối tháng 4, Chứng khoán BOS dự kiến năm nay có doanh thu thuần 104 tỷ đồng và lãi trước thuế 41 tỷ đồng. Chỉ tiêu này tăng nhẹ so với mức doanh thu 94 tỷ đồng và lãi trước thuế 37 tỷ của năm 2021. Tuy nhiên, kế hoạch đến nay chưa được thông qua bởi hai phiên họp thường niên trước đó đều bất thành vì cổ đông tham dự không đủ 50% cổ phần có quyền biểu quyết.

Chứng khoán BOS cũng chưa công bố kết quả kinh doanh hai quý đầu năm nay với lý do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chưa cấp phép thay đổi người đại diện theo pháp luật nên không thể phát hành báo cáo tài chính.

Phương Đông

Rủi ro tiềm ẩn sau hai năm bùng nổ trái phiếu doanh nghiệp

Lách quy định để mua bán trái phiếu riêng lẻ; phát hành trái phiếu khi thua lỗ, có hệ số nợ gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu… là những gì diễn ra trên thị trường trái phiếu.

Ngày mai, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn. Trong đó, hoạt động phát hành trái phiếu thời gian qua là một trong những vấn đề “nóng” các vị trưởng ngành này phải giải trình.

Thực tế hoạt động phát hành trái phiếu đã có hai năm bùng nổ, đặc biệt là với hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ. Năm 2021, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt gần 640.000 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm 2020, với gần 95% là phát hành riêng lẻ.

Sở dĩ có sự chênh lệch giữa hai hình thức riêng lẻ và đại chúng là do quá trình chào bán riêng lẻ diễn ra nhanh và đơn giản hơn về điều kiện phát hành, chuẩn mực công bố thông tin, quản trị điều hành. Doanh nghiệp cũng có thể chủ động người mua vì Luật Chứng khoán quy định hình thức chào bán riêng lẻ có thể dành riêng cho nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc dưới 100 nhà đầu tư.

Động lực tăng trưởng của kênh huy động này đến từ cả hai phía. Ở phía cung, nhu cầu vốn của hai nhóm chính là ngân hàng và các doanh nghiệp bất động sản thúc đẩy giá trị phát hành tăng liên tục. Và đây cũng là hai nhóm là chủ thể tham gia chính. Trong đó, các tổ chức tín dụng là đối tượng phát hành nhiều nhất, với hơn 36% tổng khối lượng toàn thị trường. Các doanh nghiệp bất động sản đứng thứ hai với gần 33,2%.

Ở phía cầu, lãi suất cao là lý do chính thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư. Thống kê trong năm 2021, hơn 60% lượng phát hành thành công có lãi suất trên 8%. Quá nửa thị trường chào mức lãi suất từ 9% trở lên trong khi mức trung bình lãi ngân hàng của năm ngoái chỉ 5-6% một năm.

Đặc biệt, gần 7% tổng khối lượng phát hành, tương đương gần 43.000 tỷ đồng, có lãi suất phát hành trên 11%.

Lãi suất cao thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia, khiến các đợt chào bán liên tục “cháy hàng”. Trong số này, nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Theo quy định, nhà đầu tư cá nhân chỉ được mua trái phiếu phát hành riêng lẻ nếu đạt đủ điều kiện là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Rào cản mang tính kỹ thuật này hạn chế một phần sự tham gia ở kênh sơ cấp. Dù vậy, trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư cá nhân trở thành một trong những “người chơi” chính nhờ nhiều cách lách luật.

Tuy nhiên, trong khi thị trường tăng trưởng quá nóng, một bộ phận nhà đầu tư chạy theo lãi suất cao mà không đánh giá đúng mức độ rủi ro.

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, để chào mời mua trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, thị trường đã xuất hiện nhiều chiêu “lách” quy định.

Cách “lách” phổ biến nhất là nhà đầu tư cá nhân này được hướng dẫn mua trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong 2-4 ngày, để đủ điều kiện được công nhận “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” (hiệu lực trong 1 năm). Ngoài ra, họ có thể sử dụng tài khoản vay ký quỹ để chứng minh danh mục chứng khoán nắm giữ có giá trị trên 2 tỷ đồng. Trong trường hợp không đủ điều kiện, việc mua trái phiếu riêng lẻ vẫn có thể thực hiện thông qua các hợp đồng dân sự.

Vụ việc tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh là một ví dụ. Các công ty thành viên của tập đoàn này thực hiện 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ huy động hơn 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên mua trái phiếu, tức trái chủ, lại chính là Tân Hoàng Minh. Số trái phiếu này sau đó tiếp tục được phân phối thứ cấp cho nhiều nhà đầu tư cá nhân.

Họ tham gia hợp đồng gọi là “Hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh” để đầu tư trái phiếu. Kết quả là trái chủ thực sự lại là những cá nhân không hề có tên trên báo cáo kết quả phát hành.

Về phía doanh nghiệp phát hành, nguy cơ rủi ro cũng tiềm tàng ở một số đơn vị.

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đề cập những rủi ro tiềm tàng từ hoạt động phát hành trái phiếu, trong đó có từ phía các đơn vị phát hành. Trong 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2021, 57 công ty kinh doanh thua lỗ trước khi phát hành, 45 đơn vị có tỷ lệ đòn bẩy nợ hơn 10 lần, 10 doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu gấp hơn 5 lần vốn chủ sở hữu.

Trong nhóm 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn nhất, nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ khối lượng phát hành trên vốn chủ sở hữu gấp nhiều lần, thậm chí vài chục lần.

Công ty cổ phần Osaka Garden có vốn chủ sở hữu ở mức 270 tỷ đồng nhưng huy động khối lượng trái phiếu lên tới 7.700 tỷ đồng. Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mediterranean Revival Villas cũng tương tự, khi huy động 7.200 tỷ đồng trái phiếu trong khi vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 153 tỷ.

Khi báo cáo kết quả phát hành, Osaka Garden cho biết số tiền thu về để đặt cọc chuyển nhượng một phần dự án, trong đó phần tài sản đảm bảo tiết lộ tên dự án này là Sài Gòn Bình An, tại quận 2, TP HCM. Dự án này cũng xuất hiện trong báo cáo kết quả phát hành trái phiếu của Công ty Hoàng Phú Vương, doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 800 tỷ nhưng huy động trái phiếu gần 4.700 tỷ đồng.

Tương tự, Mediterranena Revival Villas, doanh nghiệp có tỷ lệ huy động trái phiếu trên vốn chủ sở hữu năm 2021 gấp hơn 47 lần, cũng liên quan tới một dự án của nhà phát triển này.

Bên cạnh đó, việc huy động theo nhóm doanh nghiệp cũng xuất hiện trong danh sách các đơn vị phát hành nhiều nhất.

Ba công ty liên quan tới Sunshine Group gồm Công ty cổ phần Sunshine Homes, Công ty cổ phần Sunshine AM và Công ty Kinh doanh Nhà Sunshine huy động tổng cộng 10.100 tỷ đồng qua kênh trái phiếu trong năm 2021. Trong số này, Sunshine AM có tỷ lệ huy động trên vốn chủ sở hữu hơn 170%, còn Công ty Kinh doanh Nhà Sunshine ở mức hơn 730%.

Bộ Tài chính cho biết sắp tới sẽ quy định chặt chẽ hơn nhằm hạn chế doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khối lượng gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, “gây mất an toàn trong hoạt động, ảnh hưởng để khả năng thanh toán”. Mỗi doanh nghiệp có thể chỉ được phát hành trái phiếu không quá ba lần vốn chủ sở hữu, nếu vượt trên một lần vốn chủ sở hữu thì phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng.

Nếu xảy ra rủi ro thanh khoản, nhà đầu tư chỉ còn cách “bám víu” vào tài sản đảm bảo của các đợt phát hành. So với ngân hàng hay các nhóm doanh nghiệp khác, nhóm bất động sản có tỷ lệ tài sản đảm bảo trong các đợt phát hành trái phiếu cao hơn. Cụ thể, gần 58% khối lượng trái phiếu nhóm này phát hành được đảm bảo bằng bất động sản hoặc dự án, gần 24% đảm bảo bằng cổ phiếu, gần 10% được đảm bảo bằng tài sản khác.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý cảnh báo rằng, những tài sản này vẫn chưa đủ để đảm bảo mức độ an toàn.

“Tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Trường hợp thị trường khó khăn, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu”, Bộ Tài chính cảnh báo.

Vụ việc tại Tân Hoàng Minh cũng làm rõ hơn cảnh báo này. 9 lô trái phiếu bị hủy đều có tài sản đảm bảo là dự án bất động sản hoặc cổ phiếu. Tuy nhiên, để có tiền hoàn trả cho nhà đầu tư, Tân Hoàng Minh hiện tại phải thanh lý nhiều dự án khác của tập đoàn. Việc chuyển nhượng cổ phiếu chưa từng được đề cập tới.

Ngoài các vấn đề nêu trên, còn một số rủi ro tiềm ẩn khác, theo Bộ Tài chính, là các công ty phát hành để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc phát hành để chuyển vốn “lòng vòng” nhằm lách quy định về giới hạn cho vay hoặc đầu tư của ngân hàng. Có hiện tượng một số tổ chức tư vấn xây dựng hồ sơ chào bán có lợi cho doanh nghiệp để huy động vốn mà không cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho nhà đầu tư.

Để hạn chế rủi ro, Bộ Tài chính cũng cho biết đang xây dựng Nghị định sửa đổi về quy định phát hành trái phiếu riêng lẻ. Quy định mới sẽ chặt chẽ hơn về điều kiện phát hành nhằm hạn chế việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, thu hẹp mục đích phát hành để tránh việc huy động vốn cho mục đích khác hoặc chuyển vốn lòng vòng. Ngoài ra, doanh nghiệp phát hành bắt buộc phải mua lại trái phiếu từ nhà đầu tư nếu vi phạm pháp luật và phương án phát hành.

Sáng 8/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ trả lời chất vấn còn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đăng đàn vào chiều cùng ngày.

Minh Sơn