Doanh nghiệp

Novagroup tiếp tục bán hàng triệu cổ phiếu NVL

Cổ đông lớn Novagroup đăng ký bán thêm 2 triệu cổ phiếu của Novaland (NVL), kéo dài đợt thoái vốn liên tục của nhóm cổ đông liên quan ông Bùi Thành Nhơn.

Theo công bố thông tin mới đây, Novagroup đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Novaland từ ngày 27/6 đến ngày 12/7 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Mục đích là cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ cơ cấu nợ.

Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu sẽ giảm từ 17,89% xuống còn 17,79%. Tính theo giá chốt phiên 25/6, cổ đông lớn này có thể thu về khoảng 26,8 tỷ đồng.

Ông Bùi Thành Nhơn hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị của cả Novagroup và Novaland. Thời gian qua, nhóm cổ đông liên quan ông Nhơn liên tục bán cổ phiếu NVL. Cùng trong tháng 6, Novagroup đã bán gần 9,2 triệu đơn vị với mục đích tương tự lần giao dịch sắp tới.

Trong phiên họp thường niên cuối tháng 4, ông Dương Văn Bắc – Giám đốc Tài chính Novaland – từng khẳng định “không có bất kỳ cuộc tháo chạy nào” dù nhóm cổ đông liên quan ông Nhơn liên tục bán cổ phiếu NVL.

“NovaGroup và ông Bùi Thành Nhơn đã quay lại trực tiếp điều hành Novaland, đúng với thông điệp từng tuyên bố là đối diện với khó khăn, thử thách, không né tránh”, ông Bắc chia sẻ.

Việc NovaGroup đăng ký bán số lượng lớn cổ phiếu NVL, theo lãnh đạo này, là hỗ trợ tái cơ cấu các khoản nợ của công ty. Trong đó, một lượng cổ phiếu đáng kể mà tập đoàn này nắm giữ bị bán giải chấp nhằm giữ đúng cam kết với trái chủ trong một số gói trái phiếu bán lẻ.

Năm nay, Novaland đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất gần 32.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.080 tỷ, tăng lần lượt gấp 7 lần và gấp đôi so với cùng kỳ 2023. Các dự án tạo doanh thu thời gian tới là Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và các dự án nhà ở tại TP HCM.

Dẫu vậy trong quý đầu năm, họ lỗ hơn 600 tỷ đồng vì chênh lệch tỷ giá.

Tất Đạt

Đơn vị điều hành HoSE và HNX lần đầu báo lãi giảm

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam – đơn vị vận hành hai sàn TP HCM và Hà Nội – lần đầu báo lợi nhuận giảm, về 1.920 tỷ đồng trong năm ngoái.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) có doanh thu năm ngoái khoảng 3.064 tỷ đồng, giảm 10,5% so với năm 2022. Trong đó, 92% doanh thu của VNX đến từ dịch vụ giao dịch chứng khoán.

Trừ đi giá vốn, Sở này ghi nhận lãi gộp gần 2.907 tỷ đồng, sụt gần 11%. VNX còn có nguồn thu khác từ các hoạt động tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi. Đến cuối năm ngoái, họ có khoảng 2.560 tỷ đồng gửi ngân hàng, chiếm phần lớn là kỳ hạn 12 tháng.

Trong kỳ, VNX tiết giảm chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp. Đóng góp đáng kể là phí giám sát hoạt động chứng khoán phải nộp Ủy ban Chứng khoán (SSC) với khoảng 85 tỷ về còn hơn 430 tỷ đồng.

Tổng lại, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam có hơn 1.920 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 8% so với cùng kỳ 2022. Đây là năm đầu tiên Sở này báo doanh thu và lợi nhuận đi lùi.

Kết quả trên có phần trái ngược với tình hình thị trường chứng khoán năm 2023. VN-Index đóng cửa phiên cuối năm ở sát 1.130 điểm, tăng hơn 12%.

Khoảng 60% doanh thu và lợi nhuận của VNX được ghi nhận trong nửa cuối năm – giai đoạn thị trường có nhiều biến động. Từ tháng 5, chỉ số đại diện sàn HoSE bước vào nhịp tăng lớn nhất năm, tích lũy gần 20% lên vùng 1.240 điểm chỉ trong hơn ba tháng. VN-Index giữ vùng giá này cho tới đầu tháng 9 trước khi lao dốc vì áp lực bán và môi trường vĩ mô xấu đi. Hai tháng cuối năm, chỉ số này dần phục hồi với nhiều dự báo xán lạn.

Đây không phải lần đầu, Sở báo kết quả hoạt động khác xu hướng với tình hình thị trường chứng khoán. Trước đó trong năm 2022, VNX báo lãi xấp xỉ 2.090 tỷ đồng, gấp rưỡi cùng kỳ 2021 dù VN-Index giảm gần 33%.

VNX được thành lập cuối năm 2020 và chính thức hoạt động từ giữa 2021 theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Sở có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng do Bộ Tài chính đại diện nhà nước sở hữu 100% vốn. Tổng nguồn vốn hợp nhất tính đến cuối năm ngoái gần 4.000 tỷ đồng.

VNX ra đời để hợp nhất Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Mục tiêu là thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ thị trường.

Tất Đạt

Ông Nguyễn Đức Tài xả hơn 2 triệu cổ phiếu Thế Giới Di Động

Người đứng đầu Thế Giới Di Động bán 2 triệu cổ phiếu vì nhu cầu tài chính cá nhân, ước tính thu về hơn 125 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa công bố kết quả giao dịch cổ phiếu của ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng quản trị. Từ 7-19/6, ông đã bán thành công 2 triệu cổ phiếu MWG theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của lãnh đạo này giảm từ 2,42% về 2,29% (tương đương hơn 33,4 triệu cổ phiếu).

Ước tính theo thị giá trung bình giai đoạn trên, ông Tài có thể thu về hơn 125,6 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được ông sử dụng cho nhu cầu tài chính cá nhân.

Giao dịch của lãnh đạo Thế Giới Di Động diễn ra sau giai đoạn MWG có nhịp tăng khá tốt về thị giá. Từ dưới 50.000 đồng vào giữa tháng 4, cổ phiếu này tăng mạnh về gần chạm 60.000 đồng một đơn vị chỉ sau hơn hai tuần. MWG tích lũy dần dần để vượt mốc trên, có lúc đạt 64.400 đồng. Phiên hôm qua, mã chứng khoán của Thế Giới Di Động đóng cửa ở 63.300 đồng, cao hơn 1,8% so với tham chiếu. Tính từ đầu năm, thị giá cổ phiếu này đã tăng 48%.

Ông Tài bán cổ phiếu trước khi Thế Giới Di Động chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2023. Đợt này, công ty đưa ra tỷ lệ 5% bằng tiền, tức một cổ phiếu nhận về 500 đồng. Công ty dự kiến thanh toán vào ngày 10/7 với tổng số tiền khoảng 730 tỷ đồng.

Giai đoạn cuối năm trước, ông Nguyễn Đức Tài từng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu MWG giữa lúc thị giá mã này lao dốc, khối ngoại xả hàng ồ ạt khi kết quả kinh doanh kém khả quan. Thời điểm đó, ông cho rằng giai đoạn khó khăn mới là thời điểm thách thức lòng tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên ông chỉ mua được 11% so với kế hoạch với lý do diễn biến thị trường không phù hợp. Ngay sau đó, lãnh đạo này đăng ký thêm 500.000 đơn vị nhưng cũng chỉ hoàn thành 40% với cùng lý do trên.

Thời gian qua, cùng với nhịp tăng về thị giá, khối ngoại bắt đầu quay trở lại với MWG. Diễn biến tích cực kể trên xuất hiện khi kết quả kinh doanh của công ty khởi sắc. Trong quý I, Thế Giới Di Động lãi gần 903 tỷ đồng, gấp 43 lần cùng kỳ. Số liệu mới nhất trong tháng 4, công ty có doanh thu hơn 43.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ và hoàn thành 34% kế hoạch cả năm. Riêng chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh đạt 3.200 tỷ đồng doanh thu, mức cao nhất lịch sử hoạt động.

Tất Đạt

Công ty bán phụ tùng cho Honda tính chia cổ tức 200%

Cổ phiếu FBC của doanh nghiệp phân phối phụ tùng cho Honda và Yamaha, có thị giá chưa bằng 4.000 đồng nhưng có thể nhận cổ tức đến 20.000 đồng.

Theo tài liệu họp đại hội cổ đông sắp tới, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cơ khí Phổ Yên (Fomeco – FBC) lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 200%, tức một cổ phiếu có thể nhận về 20.000 đồng. Nếu được thông qua, công ty sẽ trích 74 tỷ đồng để thực hiện, tương đương 67,5% lợi nhuận sau thuế lũy kế tính đến cuối năm 2023.

Trên thị trường, cổ phiếu FBC niêm yết trên sàn UPCoM, giá 3.700 đồng một đơn vị. Như vậy, mức cổ tức trên cao hơn 5 lần so với giá thị trường.

Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông của Phổ Yên rất cô đặc. Trong đó, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) giữ 51% vốn. Đợt chia cổ tức lần này, VEAM có thể nhận gần 38 tỷ đồng.

Kế hoạch phân phối lợi nhuận cho cổ đông năm ngoái là mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động của FBC. Từ khi lên sàn vào 2017, công ty luôn duy trì chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt cao và đều đặn, 30-65% mỗi năm. Năm 2022, doanh nghiệp này từng tăng tỷ lệ lên 120%.

Cổ đông FBC nhận tin vui sau khi công ty lập kỷ lục lợi nhuận. Năm trước, doanh thu đạt gần 1.050 tỷ đồng, giảm 20% do khách hàng FDI trong nước giảm sản lượng lắp ráp vì không tiêu thụ được xe máy. Ngoài ra, hàng xuất sang Mỹ cũng sụt do ảnh hưởng của bão tuyết và suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, Fomeco vẫn lãi sau thuế gần 73 tỷ đồng, tăng 21% và là mức cao nhất từ trước tới nay. Lý do, giá nguyên vật liệu giảm giúp hạ chi phí, lợi nhuận tài chính tăng nhờ tận dụng nguồn tiền đầu tư để gửi tiết kiệm.

Cơ khí Phổ Yên thành lập từ năm 1974, với tên gọi “nhà máy vòng bi”. Sản phẩm chính gồm các loại vòng bi, phụ tùng xe máy, phụ tùng ôtô, con lăn băng tải và các sản phẩm cơ khí khác.

Nhờ chung nhà VEAM – đối tác địa phương của các liên doanh như Toyoya, Honda, Fomeco tiếp cận được nhiều khách hàng lớn. Họ hiện là đối tác cung cấp thiết bị và phụ tùng cho Honda, Yamaha, Suzuki, Nippo, Piaggio, Panasonic

Năm nay, Fomeco lên kế hoạch doanh thu giảm về hơn 1.036 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lùi hơn 17%, còn khoảng 60 tỷ. Ban lãnh đạo công ty cho rằng chi phí bán hàng sẽ tăng vì cần chi cho các hoạt động xúc tiến thương mại (triển lãm, truyền thông, khuyến mại…) và logistic. Ngoài ra, họ cũng cần tăng chi phí quản lý do tăng ca, đào tạo, phí chứng nhận chuẩn ISO và kiểm kê khí nhà kính.

Do cơ cấu cổ đông cô đặc, mã FBC gần như không xuất hiện giao dịch trên sàn UPCoM. Trong khoảng hai năm qua, giá cổ phiếu này đứng im ở 3.700 đồng một đơn vị.

Tất Đạt

Hòa Phát sắp tăng vốn lên gần 64.000 tỷ đồng

Tập đoàn Hòa Phát sẽ phát hành hơn 580 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên gần 64.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa thông báo chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu phát hành thêm vào ngày 25/5.

Theo đó, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long sẽ phát hành thêm hơn 580 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 10%. Tức là, mỗi đông sở hữu 10 cổ phiếu HPG sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới.

Nguồn phát hành được lấy từ thặng dư vốn cổ phần hơn 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 2.600 tỷ. Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của Hòa Phát sẽ tăng thêm gần 6.000 tỷ, từ mức 58.100 tỷ đồng lên gần 64.000 tỷ đồng. Mức này tương đương gần 6,4 tỷ cổ phiếu HPG lưu hành.

Sau đợt phát hành này, Hòa Phát sẽ là doanh nghiệp có số cổ phiếu lưu hành lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán, chỉ sau VPBank với 7,9 tỷ cổ phiếu.

Theo Chủ tịch Hòa Phát, những năm qua tập đoàn phải dành nguồn lực cho đầu tư các dự án lớn, nên chia cổ tức bằng cổ phiếu. Quan điểm của tập đoàn là hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và cổ đông. “Nếu kết quả kinh doanh khả quan, từ năm 2025, Hòa Phát sẽ quay lại chia cổ tức bằng tiền mặt”, ông Long nói.

Năm nay, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 10.000 tỷ, lần lượt tăng 16% và 47% so với thực hiện năm 2023.

Chia sẻ tại cuộc họp đại hội cổ đông đầu tháng 4, tỷ phú Trần Đình Long nói 5-10 năm tới Hòa Phát sẽ dồn lực làm thép. Hiện, tập đoàn này đang dồn lực hoàn thành dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (Quảng Ngãi). Dự án này khi vận hành sẽ nâng năng lực sản xuất thép thô của doanh nghiệp lên hơn 14 triệu tấn một năm.

Đầu năm nay, tập đoàn này cũng quyết định đầu tư 3 dự án tại Phú Yên, gồm cảng biển, khu công nghiệp và khu liên hợp gang thép, với tổng vốn 120.000 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD). Riêng dự án khu liên họp gang thép khoảng 86.000 tỷ đồng, để sản xuất thép HRC chất lượng cao.

Hòa Phát, doanh nghiệp đứng top đầu thị phần tại Việt Nam về thép xây dựng, mỗi năm sản xuất 8,5 triệu tấn thép thô. Trong đó, phôi thép, thép xây dựng, thép chất lượng cao là 5,5 triệu tấn, còn lại là cuộn cán nóng.

Kết thúc quý đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành 22% mục tiêu doanh thu và đạt 28% kế hoạch lợi nhuận. Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của “ông lớn” ngành thép gần 202.000 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu năm.

Quỳnh Trang

Con gái ông Bùi Thành Nhơn muốn bán hơn 9 triệu cổ phiếu NVL

Bùi Cao Ngọc Quỳnh, con gái Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland Bùi Thành Nhơn, đăng ký bán hơn 9 triệu cổ phiếu vì lý do cá nhân.

Thông tin này được nêu trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây. Tính theo giá đóng cửa phiên 6/5, bà Bùi Cao Ngọc Quỳnh, con gái ông Nhơn có thể thu về khoảng 135,6 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 9/5 đến ngày 6/6. Nếu bán thành công, tỷ lệ sở hữu của bà Quỳnh sẽ giảm từ 1,266% về 0,798%.

Thời gian qua, nhóm cổ đông liên quan ông Bùi Thành Nhơn cũng liên tục bán cổ phiếu Novaland. Cuối tháng 4, NovaGroup đăng ký bán hơn 9,4 triệu cổ phiếu NVL để cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ tái cơ cấu nợ. Hay cuối tháng 3, Diamond Properties bán thành công 4 triệu cổ phiếu để cân đối danh mục đầu tư.

Tính từ đầu năm đến nay, nhóm cổ đông liên quan ông Nhơn đã bán tổng cộng khoảng 33,7 triệu cổ phiếu NVL. Tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm này giảm về quanh 40,2% dù họ từng nắm khoảng 60,85% vốn của Novaland vào giữa năm 2022.

Trong phiên họp thường niên cuối tháng 4, ông Dương Văn Bắc – Giám đốc Tài chính Novaland từng khẳng định “không có bất kỳ cuộc tháo chạy nào” dù nhóm cổ đông liên quan ông Nhơn liên tục bán cổ phiếu NVL.

“NovaGroup và ông Bùi Thành Nhơn đã quay lại trực tiếp điều hành Novaland, đúng với thông điệp từng tuyên bố là đối diện với khó khăn, thử thách, không né tránh”, ông Bắc chia sẻ.

Việc NovaGroup đăng ký bán số lượng lớn cổ phiếu NVL, theo lãnh đạo này, là hỗ trợ tái cơ cấu các khoản nợ của công ty. Trong đó, một lượng cổ phiếu đáng kể mà tập đoàn này nắm giữ bị bán giải chấp nhằm giữ đúng cam kết với trái chủ trong một số gói trái phiếu bán lẻ.

Năm nay, Novaland đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất gần 32.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.080 tỷ, tăng lần lượt gấp 7 lần và gấp đôi so với cùng kỳ. Các dự án tạo doanh thu thời gian tới là Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và các dự án nhà ở tại TP HCM. Dẫu vậy trong quý đầu năm, họ lỗ hơn 600 tỷ đồng vì chênh lệch tỷ giá.

Doanh nghiệp này tuyên bố về cơ bản đã hoàn thành tái cấu trúc các khoản nợ, trái phiếu trong và ngoài nước, tài sản vẫn cân đối với công nợ. Thời gian tới, họ dự kiến huy động 16.000 tỷ đồng để thi công hoàn thiện các dự án còn dang dở. Ngoài ra, NVL cũng cân nhắc và đàm phán với một số đối tác về chuyển nhượng một số dự án nhằm cơ cấu lại các khoản nợ, cải thiện danh mục đầu tư.

Tất Đạt

Một doanh nghiệp lãi 3,5 tỷ mỗi tháng nhờ bán nha đam, thạch dừa

Xuất khẩu đi 20 thị trường, được khách hàng cũ tăng mua giúp “Vua nha đam” lãi trước thuế 10,5 tỷ đồng quý I, tăng 20,8% so với cùng kỳ.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Công ty cổ phần thực phẩm G.C (GC Food) cho thấy doanh thu thuần đạt gần 119 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 10,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,4% và 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận quý I cao kỷ lục từ khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính đến nay.

Ông Nguyễn Văn Thứ – Chủ tịch Hội đồng quản trị GC Food, cho hay nguyên nhân khiến doanh thu đi lên là nhờ sản lượng tăng. Lãi trước thuế tăng mạnh so với cùng kỳ là do doanh thu tăng trưởng, biên lợi nhuận gộp của thạch dừa và nha đam tăng. Ngoài ra, chi phí tài chính giảm nhờ lãi suất điều chỉnh.

Công nhân nhà máy chế biến nha đam ở Ninh Thuận. Ảnh: Linh Đan

Công nhân nhà máy chế biến nha đam ở Ninh Thuận. Ảnh: Linh Đan

Chia sẻ tại đại hội cổ đông đầu tháng 4, ông Thứ cho biết công ty đã có nhiều thay đổi khi đẩy mạnh phát triển bền vững, làm chủ vùng nguyên liệu lớn. Doanh nghiệp cũng đã nghiên cứu cấy mô cây nha đam trong phòng LAP, ươm giống cây cấy mô f1. Mỗi năm, GC Food cung cấp ra hàng chục triệu cây nha đam cấy mô cho nông dân, góp phần giảm chi phí giá nguyên liệu. Ngoài ra, 2 nhà máy chế biến thạch dừa và nha đam của công ty này đang được mở rộng và nâng công suất gấp đôi.

Năm nay, các khách hàng chủ lực của công ty ngoài giữ sản lượng, nhiều doanh nghiệp còn tăng mua trên 10% so với cùng kỳ.

Về kế hoạch mở rộng thị phần, công ty sẽ xuất khẩu sang các quốc gia tiềm năng có dân số lớn, giới trẻ chiếm trên 40% như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia.

Kế hoạch 2024-2026, công ty định hướng phát triển công ty công nghệ cao, kiểm soát 100% được chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đầu vào cho tới sản xuất. Mục tiêu đạt tăng trưởng kép 30% từ nay tới 2028. Dần hoàn thiện vùng nguyên liệu nha đam với diện tích lên 500 ha.

Công ty lên mục tiêu doanh thu 2024 hơn 572 tỷ đồng, lợi nhuận 52,3 tỷ lần lượt tăng 20,6% và 100% so với cùng kỳ 2023.

G.C Food gia nhập ngành nha đam, thạch dừa hơn 10 năm, là doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này dẫn đầu thị trường Việt Nam với sản lượng hơn 20.000 tấn một năm, có mặt ở 19 quốc gia trên thế giới, thường được mệnh danh là “vua nha đam”.

Công ty sở hữu nhà máy chế biến nha đam Vietfarm (Ninh Thuận) với công suất 35.000 tấn lá tươi mỗi năm, cho ra 15.000 tấn thành phẩm và nhà máy thạch dừa Vinacoco (Đồng Nai) với công suất khoảng 12.000 tấn thành phẩm một năm.

Thi Hà

Trái chủ đồng ý tái cấu trúc lô trái phiếu 300 triệu USD của Novaland

25 trái chủ nắm 95% tổng dư nợ lô trái phiếu cho Novaland kéo dài kỳ hạn, nhận lãi chậm và có thể đổi thành cổ phiếu NVL với giá ban đầu 40.000 đồng.

Theo thông tin Novaland (NVL) công bố, 25 trái chủ đang nắm giữ lượng trái phiếu quốc tế trị giá 284 triệu USD đã bỏ phiếu đồng ý phương án tái cấu trúc. Số này chiếm 95% tổng dư nợ lô trái phiếu.

Trước đó vào giữa tháng 12/2023, Novaland thỏa thuận với các trái chủ chấp thuận về phương án tái cấu trúc mới. Theo thỏa thuận, các khoản lãi phát sinh trước 31/12/2024, Novaland sẽ được thanh toán chậm. Thời điểm thanh toán là ngày đáo hạn trái phiếu năm 2026 hoặc đợt mua lại trước hạn trong tương lai. Giá trị mua lại được tính bằng 115% tiền gốc ban đầu (đã trừ đi phần chuyển đổi thành cổ phiếu) cộng lãi trả chậm và lãi phát sinh. Trong đó, lãi trả chậm sẽ được tính 5,25% một năm như vốn gốc.

Nhóm trái chủ cũng cam kết không yêu cầu Novaland thanh toán ngay lãi và gốc trong thời gian tới. Đồng thời, họ sẽ không bán, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ trái phiếu cho bên thứ ba, trừ khi bên mua cũng đồng ý với thỏa thuận mới.

Song song đó, các trái chủ cũng có thể chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu NVL. Giá chuyển đổi ban đầu là 40.000 đồng một cổ phiếu.

Như vậy, sau khi được đại đa số trái chủ đồng ý phương án trên, Novaland dự kiến gửi hồ sơ thỏa thuận dàn xếp cho Tòa thương mại quốc tế Singapore (SICC) để được phê duyệt. Nếu thành công, Novaland sẽ hoàn tất việc tái cấu trúc khoản nợ 300 triệu USD.

trái phiếu kể trên là khoản huy động vốn từ năm 2021, được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX), không có tài sản đảm bảo và đáo hạn vào năm 2026. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 200.000 USD với lãi suất 5,25% mỗi năm và có quyền chuyển đổi sang cổ phiếu với giá ban đầu là 135.700 đồng.

Novaland từng điều chỉnh mức giá chuyển đổi vào năm 2022 sang 85.000 đồng một cổ phiếu. Tháng 11 cùng năm, một trong những trái chủ là Citigroup Global Markets đã đổi 5 trái phiếu sang hơn 270.700 cổ phiếu NVL với mức giá trên.

Novaland từng cho biết giao dịch trái phiếu chuyển đổi theo thỏa thuận mới sẽ giúp giảm áp lực cho công ty trong bối cảnh khó khăn chung và các vướng mắc pháp lý gây ra nhiều thách thức cho thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính.

Một góc dự án NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận) nhìn từ trên cao. Ảnh: NVL

Một góc dự án NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận) nhìn từ trên cao. Ảnh: NVL

Trong báo cáo tài chính kiểm toán 2023, đơn vị kiểm toán PwC có nêu lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của Novaland phụ thuộc vào khả năng thanh toán hoặc tái cấu trúc các khoản nợ vay, trái phiếu sắp đáo hạn và thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Ban lãnh đạo NVL cho biết tiếp tục thực hiện các giải pháp để khắc phục như triển khai nhiều dự án trọng điểm, tái cấu trúc khoản nợ vay và trái phiếu, giải phóng tiền gửi đang bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng, tiếp nhận hỗ trợ tài chính từ cổ đông lớn…

Năm trước, Novaland và hệ sinh thái Novagroup tập trung vào tái cấu trúc nợ. Họ tích cực đàm phán để gia hạn, thay đổi lãi suất hoặc hoán đổi nợ sang tài sản khác, cũng như tìm cách huy động vốn để hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Đến nay, công ty đã cơ bản hoàn thành tái cấu trúc các khoản nợ vay và nợ trái phiếu, tập trung xây dựng các dự án trọng điểm gồm bộ ba Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram và các dự án tại trung tâm TP HCM. Họ cũng bàn giao nhà theo từng giai đoạn cho khách hàng với sự đồng hành của các đối tác tài chính, đồng thời linh hoạt điều chỉnh kế hoạch triển khai các dự án mới cho phù hợp với tình hình thực tế. Song song đó, công ty cũng phối hợp với các địa phương tháo gỡ, hoàn thiện pháp lý các dự án trong thời gian tới.

Tất Đạt

Sá Xị Chương Dương bị hủy niêm yết

HoSE thông báo sẽ hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu SCD của Sá Xị Chương Dương do lỗ ba năm liên tục và vốn điều lệ xuống mức âm.

Quyết định của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) được đưa ra sau khi Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (SCD) công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Theo đó, công ty ghi nhận doanh thu hơn 126 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm các chi phí cố định đồng loạt nhích lên, mạnh nhất là chi phí bán hàng (tăng gần gấp đôi). Do đó, lỗ sau thuế ghi nhận hơn 119 tỷ đồng, tăng 45%.

Cả doanh thu và lợi nhuận kém xa so với mục tiêu đề ra cho năm 2023. Khi đó, công ty kỳ vọng việc tăng độ phủ bán hàng và thâm nhập thị trường mới sẽ giúp doanh thu gấp đôi năm 2022, đạt 365 tỷ đồng và có lãi khoảng 3,8 tỷ đồng để chấm dứt mạch lỗ. Mục tiêu này đề ra dựa theo kế hoạch sản lượng tăng 77% so với năm ngoái, đạt gần 22 triệu lít.

Ban lãnh đạo cho biết đã có nhiều nỗ lực nhằm cắt giảm và tối ưu hóa chi phí. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí đầu vào tăng cao cộng với điều kiện kinh tế bên ngoài khó khăn, nhu cầu vẫn thấp hơn dự kiến khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Chi phí hoạt động cao hơn do chi phí nguyên vật liệu đầu vào từ đường tinh luyện, lon nhôm tăng, chi phí thuê đất cũng nhích lên cùng các chi phí hoạt động thuê dịch vụ bên ngoài.

Sá Xị Chương Dương kinh doanh không lời trong ba năm liên tiếp với mức lỗ lũy kế gần 201 tỷ đồng. Khoản lỗ năm trước cũng đẩy vốn chủ sở hữu của SCD về mức âm 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2022 ghi nhận khoảng 107,5 tỷ đồng.

Do thua lỗ trong ba năm liền và vốn chủ sở hữu âm, cổ phiếu SCD rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc. Trước đó, mã chứng khoán của công ty cũng bị HoSE đưa vào diện kiểm soát do kết quả kinh doanh bết bát.

Cuối 2023, Sá xị Chương Dương có tổng tài sản 688 tỷ đồng, tăng hơn 90 tỷ so với đầu năm. Nợ phải trả hơn 699 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn (chiếm gần hai phần ba, gấp 4,7 lần cùng kỳ 2022).

Chương Dương, tiền thân là nhà máy Usine Belgique thuộc Tập đoàn B.G.I (Pháp). Đây là nhà máy sản xuất nước giải khát lớn nhất miền Nam giai đoạn cuối thế kỷ trước. Thế mạnh của Chương Dương là nước giải khát có gas, trong đó tiêu thụ ổn định nhất là dòng sản phẩm sá xị. Nhờ dòng sản phẩm này mà kết quả kinh doanh giai đoạn 2007-2016 luôn ổn định với mức lợi nhuận 20-30 tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, trong khi nhiều thương hiệu đồ uống tràn ngập thị trường, Sá Xị Chương Dương ngày càng thất thế với công nghệ cũ từ những năm 2000. Sau khi công ty mẹ Sabeco về tay người Thái, SCD có đợt hồi sinh trước khi dịch bệnh ập đến. Ban lãnh đạo mới chọn tiết kiệm tối đa chi phí hoạt động và tìm giải pháp cải thiện doanh số từ mở rộng kênh phân phối, đầu tư mạnh về bao bì, khuyến mãi.

Tất Đạt

Công ty của bầu Đức có tổng giám đốc mới

Công ty bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Thắng làm CEO kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Đây là thông tin vừa được Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) công bố trong nghị quyết hội đồng quản trị 7/2.

Theo đó, ngày 7/2, công ty nhận được đơn từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của ông Võ Trường Sơn với lý do cá nhân. Ngay sau đó, công ty đã bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Thắng làm CEO kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Ông Thắng sinh năm 1977, cử nhân kinh tế ngành tài chính doanh nghiệp, từ năm 2007 đến nay ông Thắng công tác tại Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.

Còn ông Sơn sinh năm 1973, tốt nghiệp chuyên ngành thạc sỹ tài chính. Ông từng làm việc tại các công ty kiểm toán lớn như A&C, Ernst & Young trước khi gia nhập Hoàng Anh Gia Lai từ năm 2008.

Năm 2015, công ty đã bổ nhiệm ông Sơn giữ vị trí tổng giám đốc. Ông đã có 16 năm công tác tại Hoàng Anh Gia Lai và 9 năm đương nhiệm vị trí cao nhất trong ban tổng giám đốc tập đoàn.

Bầu Đức (thứ 2 từ phải qua), ông Võ Trường Sơn (thứ 3 từ phải qua) tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư tháng 12/2023. Ảnh: HAGL

Bầu Đức (thứ hai từ phải qua), ông Võ Trường Sơn (thứ 3 từ phải qua) tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư tháng 12/2023. Ảnh: HAGL

Biến động nhân sự cấp cao của doanh nghiệp này diễn ra trong bối cảnh công ty đang tái cấu trúc cả về hoạt động kinh doanh lẫn tài chính.

Từ tháng 9/2023 đến nay, doanh nghiệp liên tục có động thái bán tài sản để trả nợ. Chia sẻ tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư cuối năm 2023 tại TP HCM, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch Hội đồng quản trị HAG, cho hay năm ngoái khách sạn Hoàng Anh Gia Lai đã bán xong với giá 180 tỷ đồng và quý IV công ty đã chuyển đổi cổ phần bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai. Sắp tới, sẽ tiếp tục thanh lý tài sản này. Trong năm, doanh nghiệp cũng đã trả xong khoản nợ Eximbank 750 tỷ đồng và được giảm lãi 1.000 tỷ đồng.

Năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng 36% so với năm liền trước, lãi ròng đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong 13 năm kinh doanh gần đây của doanh nghiệp phố núi này.

Riêng với kế hoạch phát hành riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu, bầu Đức cho biết mọi thủ tục đã hoàn tất và chờ phản hồi từ phía nhà chức trách.

Năm nay, công ty sẽ trồng thêm sầu riêng và nâng diện tích lên 2.000 ha. Dự tính trong năm công ty có khoảng 300-400 ha sầu riêng tại Việt Nam và Lào cho thu hoạch.

Tính đến 31/12/2023, nợ phải trả của doanh nghiệp là 14.802 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn giảm hơn 1.000 tỷ đồng xuống còn 4.194 tỷ đồng.

Theo bầu Đức, với kế hoạch kinh doanh hiệu quả, dự tính trong năm nay công ty sẽ xóa lỗ lũy kế, đến 2026 sẽ không còn khoản nợ nào.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/2, giá cổ phiếu này giảm về còn 13.150 đồng một cổ phiếu.

Thi Hà