Doanh nghiệp

Công ty bán bánh phồng tôm lãi tăng gần 2 lần

Xuất nhập khẩu Sa Giang báo lãi trước thuế 9 tháng đạt 107 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cổ phần Sa Giang (SGC) vừa công bố doanh thu quý III đạt 206 tỷ đồng, lãi trước thuế 40 tỷ, lần lượt tăng 39% và 60% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng 42%, đạt hơn 54 tỷ đồng, nhờ chi phí giá vốn tăng chậm hơn doanh thu, giúp biên lãi gộp cải thiện lên 38%.

Lũy kế 9 tháng, Sa Giang ghi nhận 571 tỷ đồng doanh thu và 107 tỷ lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 35% và 73% so với cùng kỳ.

Ban lãnh đạo công ty cho rằng sản lượng bán hàng tăng mạnh, giá đầu vào nguyên vật liệu ổn định, giúp lợi nhuận của công ty tăng trưởng đáng kể trong năm nay.

Năm nay, Sa Giang đặt mục tiêu doanh thu 800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 80 tỷ. Đến hết 9 tháng, công ty hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu và vượt 7,5% chỉ tiêu lợi nhuận.

Được thành lập từ năm 1960 tại Đồng Tháp, Sa Giang chuyên sản xuất bánh phồng tôm, với thị trường mở rộng khắp châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Công ty chuyển đổi sang mô hình cổ phần từ năm 2004 và niêm yết trên sàn Hà Nội. Từ năm 2021, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn trở thành công ty mẹ của Sa Giang, khi sở hữu trên 76,7% vốn tại đây.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Vĩnh Hoàn – công ty mẹ, công bố kế hoạch đầu tư 930 tỷ đồng, trong đó một phần được sử dụng để mở rộng kho và nâng cấp công suất sản xuất của nhà máy Sa Giang.

Tính đến 30/9, tổng tài sản của Sa Giang đạt gần 564 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Tài sản cố định chiếm phần lớn, trên 73 tỷ đồng; tiền và tương đương tiền tăng nhẹ đạt gần 86 tỷ. Hàng tồn kho gồm thành phẩm và nguyên vật liệu tăng 10,5% so với đầu năm, gần 115 tỷ đồng.

Thi Hà

Chủ tịch Coteccons: Đây là thời điểm tốt mua thêm cổ phiếu

Cho rằng CTD không được định giá đúng, ông Bolat Duisenov khuyên hiện tại là thời điểm mua vào cổ phiếu khi triển vọng mảng FDI của họ rất lớn.

Trong phiên họp thường niên sáng 19/10, cổ đông của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) chất vấn ban lãnh đạo về việc cổ phiếu đang được giao dịch ở mức P/B (giá thị trường trên giá trị sổ sách) dưới 1 lần trong thời gian dài. Chốt phiên tuần này, CTD ở mức 63.400 đồng – giảm hơn 6% so với đầu năm và thấp hơn 18% so với mức đỉnh hồi giữa tháng 3. Chỉ số P/B đang được xác định quanh 0,76 lần.

“Ban lãnh đạo có dự định gì để củng cố niềm tin của nhà đầu tư và tình hình doanh nghiệp?”, cổ đông này đặt câu hỏi.

Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons - trong cuộc họp hội đồng cổ đông sáng 19/10. Ảnh: CTD

Ông Bolat Duisenov – Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons – trong cuộc họp hội đồng cổ đông sáng 19/10. Ảnh: CTD

Phản hồi vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bolat Duisenov tuyên bố thời điểm hiện tại thích hợp để cổ đông “nhanh tay mua vào” cổ phiếu CTD. Đây cũng là câu trả lời từng được ông nêu ra ở phiên họp thường niên năm trước và đến nay vẫn bảo lưu quan điểm.

Theo lãnh đạo Coteccons, khi nhìn vào thị trường, không chỉ ngành xây dựng và bất động sản, tất cả những bên liên quan như vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp về chuỗi cung ứng cho lĩnh vực này, đều ghi nhận sự ảm đạm, vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn. Tuy nhiên với CTD, ở niên độ tài chính 2024 (tức tháng 7/2023 đến tháng 6/2024), công ty đã đạt những kết quả mà ông Bolat tự đánh giá là vượt trội so với thị trường.

Cụ thể, doanh thu đạt 21.045 tỷ đồng, tăng 31% so với năm tài chính 2023. Lợi nhuận sau thuế tăng 343%, đạt 299 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu đều vượt kế hoạch dù họ đã thực hiện điều chỉnh nâng lên so với dự tính cũ. Trong năm, Coteccons có giá trị trúng thầu đạt 22.000 tỷ đồng, trong đó có 41 dự án bằng hình thức “repeat sales” – tức thắng thầu hoặc được chỉ định bởi các chủ đầu tư cũ.

Ông Bolat nêu thêm con số tăng trưởng kép trung bình trong ba năm qua đạt 30%. Năm nay, họ tiếp tục theo đuổi mục tiêu với tốc độ trên. Kế hoạch ở niên độ tài chính 2025 là 25.000 tỷ đồng doanh thu và 430 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 18% và 54%. Trước mắt, lượng backlog (đơn đặt hàng tồn đọng) cho những năm sau có giá trị lên tới khoảng 30.000 tỷ đồng, riêng năm 2025 là hơn 22.000 tỷ đồng.

“Kết quả kinh doanh và chất lượng công ty phụ thuộc vào ban điều hành, nhưng giá cổ phiếu lại do thị trường nhìn nhận và điều này nằm trong tay các cổ đông”, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTD nêu quan điểm.

Năm nay, chiến lược trọng tâm của Coteccons là giữ vững tăng trưởng ở mảng kinh doanh cốt lõi và xây dựng nền tảng các mảng kinh doanh mới – vươn ra thị trường quốc tế. Họ nhận thấy tiềm năng rất lớn từ việc thực hiện các dự án của những chủ đầu tư vốn FDI. Do đó, ngoài là một nhà thầu có tiếng ở mảng bất động sản dân dụng, họ cũng muốn được biết đến như một doanh nghiệp uy tín về xây dựng công nghiệp.

“Hiện tại các dự án lớn, quan trọng và có tiếng từ vốn FDI khắp ba miền đều do Coteccons thực hiện”, Phó tổng giám đốc Võ Hoàng Lâm cho biết.

Cơ cấu doanh thu của họ đã có sự chuyển dịch khi mảng công nghiệp (phần lớn là các dự án có vốn FDI) chiếm tỷ lệ lớn 50%, dân dụng khoảng 45% và du lịch nghỉ dưỡng khoảng 5%. Khi nguồn thu đa dạng, công ty có thể tăng trưởng ổn định hơn và thực tế thời gian qua, thị trường trong nước chưa phục hồi, họ vẫn có sự bù đắp từ khách hàng nước ngoài, xây dựng mảng công nghiệp. Trước mắt trong năm tới, các dự án FDI chiếm tới 40% tổng giá trị backlog.

Song song đó, Coteccons cũng hướng tới chiến lược “theo chân” các khách hàng của họ tiến ra nước ngoài. Không chỉ các doanh nghiệp nội, họ cũng muốn thực hiện repeat sales với các khách hàng quốc tế. Trước mắt CTD đã đối thoại với Lego về dự án nhà máy ở Virginia (Mỹ) ở một số hạng mục xây dựng.

Tất Đạt

Trái chủ đòi Novaland bổ sung tài sản thế chấp khi cổ phiếu về đáy

Lo cổ phiếu giảm mạnh, chủ sở hữu lô trái phiếu nghìn tỷ không cho Novaland được miễn thế chấp bổ sung hàng chục lô nhà đất tại Aqua City.

Theo nghị quyết vừa công bố, các trái chủ của lô trái phiếu NVLH2123010 từ chối đề xuất của Tập đoàn Novaland (NVL) về việc không phải thế chấp bổ sung các tài sản đảm bảo. Các tài sản thế chấp bổ sung gồm 47 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại Khu đô thị Cù lao Phước Hưng. Đây là những lô đất và nhà ở có diện tích vài chục đến hàng nghìn m2 thuộc dự án Aqua City (Đồng Nai).

Nguyên nhân được các trái chủ đưa ra là giá trị cổ phiếu NVL đang tiếp tục suy giảm. Điều này làm ảnh hưởng đến giá trị tài sản bảo đảm của trái phiếu. Họ đề nghị Novaland hoàn tất thủ tục ký hợp đồng thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm ngay khi đủ điều kiện.

Lô trái phiếu kể trên được phát hành vào tháng 9/2021, trị giá 1.000 tỷ đồng. Ban đầu, thời điểm đáo hạn vào tháng 3/2023 với lãi suất 10,5% một năm, sau đó được thỏa thuận dời sang tháng 3/2025 với mức lãi mới nâng lên 11,5% một năm. Đây là khoản huy động để tăng quy mô vốn hoạt động của Novaland và được đảm bảo bằng cổ phiếu NVL.

Một góc dự án Aqua City (Đồng Nai). Ảnh: NVL

Một góc dự án Aqua City (Đồng Nai). Ảnh: NVL

Thực tế trong thời gian qua, NVL rơi vào nhịp điều chỉnh mạnh và kéo dài. Chốt phiên 16/10, mã này giảm 2,4% về còn 10.200 đồng một đơn vị, gần ngang với mệnh giá. So với đầu năm, cổ phiếu Novaland đã sụt hơn 39% và đang ở vùng giá thấp nhất lịch sử. NVL cũng đang nằm trong danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) trên sàn HoSE.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã soát xét, Novaland lỗ sau thuế hơn 7.327 tỷ đồng, gấp 6,7 lần khoản thâm hụt lợi nhuận cùng kỳ năm trước. Khoản lỗ trên tạo ra chênh lệch rất lớn so với số liệu trong báo cáo tự lập rằng công ty lãi gần 345 tỷ đồng nhờ doanh thu tài chính. Đây cũng là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của chủ đầu tư bất động sản này.

NVL giải thích khoản thâm hụt lợi nhuận trên chủ yếu đến từ yêu cầu trích lập dự phòng của đơn vị kiểm toán PwC, trong đó phần lớn đến từ khoản trích lập cho tiền thuê, sử dụng đất phải nộp tính theo phương án giá đất năm 2017 của dự án Lakeview City (TP Thủ Đức, TP HCM). Công ty cho rằng cơ quan chức năng tính giá đất cho dự án này có sự nhầm lẫn và họ kiến nghị đến UBND TP HCM để xem xét, xử lý. Khoản trích lập dự phòng trên có thể được điều chỉnh và thực hiện hoàn nhập khi đủ điều kiện trong tương lai.

Gần đây, giá cổ phiếu NVL còn chịu ảnh hưởng bởi thông tin bị bà Trương Mỹ Lan đòi 2.500 tỷ đồng bằng tiền mặt để khắc phục hậu quả của vụ án liên quan đến dự án khu công nghiệp và đô thị Việt Phát (Suntec City). Về việc này, Novaland tuyên bố đề nghị của bà Lan “hoàn toàn không có căn cứ”.

Novaland cho biết sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để tạo ra đủ dòng tiền tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Họ đang triển khai thi công các dự án trọng điểm như NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City… Doanh nghiệp này cũng đang tiếp tục tái cấu trúc tài chính, từng bước thực hiện cam kết với khách hàng.

Tất Đạt

Tân Tạo: Tất cả công ty kiểm toán đều từ chối vì sợ bị phạt

Theo Tân Tạo, toàn bộ công ty kiểm toán đều sợ làm việc với họ vì có thể bị Ủy ban Chứng khoán đình chỉ tư cách với kiểm toán viên.

Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) vừa có văn bản xin tạm hoãn công bố báo cáo tài chính kiểm toán, thường niên 2023 và báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024. Doanh nghiệp này nêu nguyên nhân vì lý do bất khả kháng đã kéo dài suốt nhiều tháng qua.

Cụ thể, Tân Tạo cho biết đã “nỗ lực hết sức” trong việc liên hệ làm việc và thuyết phục 30 công ty kiểm toán được cấp phép trên thị trường, nhưng đều bị từ chối. Nguyên nhân chính, theo họ, là do từ năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đình chỉ tư cách kiểm toán với 4 kiểm toán viên đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cho Tân Tạo năm 2021, 2022 và bán niên 2023.

“Điều này khiến tất cả công ty đều sợ kiểm toán cho Tân Tạo, họ cũng bị đình chỉ tư cách với kiểm toán viên một cách tương tự”, văn bản giải trình của ITA nêu.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tân Tạo. Ảnh: ITA

Bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tân Tạo. Ảnh: ITA

Trước đó vào cuối tháng 6, Tân Tạo gửi công văn tới SSC nêu về lý do bất khả kháng này, nhưng đến nay công ty cho biết vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan quản lý. Trong khi đó, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vẫn quyết định đưa cổ phiếu ITA vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 16/7.

Tân Tạo cho rằng tình hình hiện tại là “đặc biệt nghiêm trọng” liên quan sống còn đến lợi ích của cổ đông, nhà đầu tư và bản thân doanh nghiệp. Công ty đề nghị hai cơ quan quản lý cho phép được hoãn công bố 3 báo cáo cho đến khi họ tìm được công ty kiểm toán và hoàn thành công việc kiểm toán. Họ cũng đề nghị SSC và HoSE hỗ trợ, có văn bản cho phép các công ty được thực hiện kiểm toán cho Tân Tạo.

Doanh nghiệp này cho biết thêm vẫn đang tìm kiếm và thuyết phục các công ty thực hiện kiểm toán 3 báo cáo kể trên. Tuy nhiên, việc có tìm được đơn vị kiểm toán hay không phụ thuộc vào “những hành động thể hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư của SSC và HoSE”. Đồng thời, họ cũng đề nghị HoSE hủy bỏ quyết định đưa cổ phiếu ITA vào diện hạn chế giao dịch đã ban hành trước đó.

Trước đó trong cuộc họp thường niên đầu tháng 7, Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Phong cho hay năm 2023 Tân Tạo có lợi nhuận và con số này phản ánh tình hình kinh doanh thực tế. Hai năm trước đó, công ty gặp khó do trích lập dự phòng phải thu khó đòi và thanh lý hợp đồng cho thuê đất làm dự án nhiệt điện Kiên Lương vì lý do bất khả kháng. Ngoại trừ những lý do này, công ty đều có lãi.

Năm nay, ITA lên kế hoạch kinh doanh thận trọng với doanh thu dự kiến đạt 530 tỷ đồng, lãi ròng 178 tỷ, giảm 9% và 13% so với thực hiện năm 2023. Quý đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu gần 74 tỷ, lãi ròng gần 20 tỷ đồng, tăng 15% và 34%.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ITA giảm mạnh trong hai năm qua, quanh 5.000-6.000 đồng, dưới mệnh giá. Sau khi bị HoSE đình chỉ giao dịch, thị giá mã này giảm tiếp về dưới 4.000 đồng một đơn vị. Bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, cho rằng giá cổ phiếu ITA giảm mạnh vì từ tháng 5/2022, công ty bị nhiều thế lực phá hoại nhằm thâu tóm.

Tất Đạt

Cổ đông lớn tiếp tục xả hàng triệu cổ phiếu Novaland

Novagroup đăng ký bán thêm 3 triệu cổ phiếu NVL, kéo dài đợt thoái vốn liên tục của nhóm cổ đông lớn này nhằm hỗ trợ tái cơ cấu nợ.

Trong bản công bố thông tin mới đây, Novagroup cho biết sẽ bán 3 triệu cổ phiếu Tập đoàn Novaland (NVL) theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận, từ 27/8 đến 6/9. Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu sẽ giảm từ 17,79% xuống 17,63%.

Mục đích cổ đông lớn này bán tiếp hàng triệu cổ phiếu NVL nhằm cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ cơ cấu nợ. Tính theo giá chốt phiên 22/8, ở 12.900 đồng một cổ phiếu, họ có thể thu về gần 39 tỷ đồng.

Novagroup liên quan đến ông Bùi Thành Nhơn, khi ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị của cả hai doanh nghiệp. Thời gian qua, nhóm cổ đông liên quan ông Nhơn liên tục bán cổ phiếu NVL.

Tháng 7, Novagroup có hai lần bán cổ phiếu, tổng giao dịch thành công hơn 2 triệu đơn vị. Cuối tháng 6, cổ đông lớn này cũng từng đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu NVL nhưng bất thành do thay đổi thời gian giao dịch, để phù hợp với kế hoạch hỗ trợ cơ cấu nợ. Trước đó, cùng trong tháng 6, Novagroup đã bán gần 9,2 triệu đơn vị.

Một pháp nhân khác trong nhóm cổ đông liên quan ông Bùi Thành Nhơn là Diamond Properties cũng thực hiện thoái vốn. Doanh nghiệp này đã bán gần 2,1 triệu cổ phiếu NVL vào giữa tháng 7.

Dù nhóm cổ đông liên quan ông Nhơn liên tục bán cổ phiếu, ban lãnh đạo Novaland khẳng định “không có bất kỳ cuộc tháo chạy nào”. Trong cuộc họp nhà đầu tư tháng trước, Giám đốc tài chính Dương Văn Bắc nói các động thái trên để hỗ trợ tái cơ cấu các khoản nợ của công ty.

Trước đây, nhiều gói trái phiếu dùng cổ phiếu của cá nhân cổ đông hoặc Novagroup để thế chấp. Nhóm này giao cho công ty chứng khoán làm cầu nối để các trái chủ quyết định thời gian hợp lý bán cổ phiếu khi các lô trái phiếu tới hạn. “Từ khi khủng hoảng tới nay, nhóm cổ đông nội bộ chưa bán bất kỳ cổ phiếu nào trừ việc để trả nợ”, ông Bắc cho hay.

Năm nay, Novaland đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất gần 32.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.080 tỷ, tăng lần lượt gấp 7 lần và gấp đôi so với cùng kỳ 2023. Doanh thu dự kiến đến từ Aqua City, NovaWorld Phan Thiet và NovaWorld Ho Tram – các dự án vướng pháp lý suốt thời gian dài và đang được gỡ từng bước. Ngoài ra, các dự án nhà ở tại TP HCM cũng góp doanh thu cho NVL khi họ bắt đầu bàn giao “sổ hồng” cho khách hàng.

Sau 6 tháng, công ty hoàn thành chưa tới 7% chỉ tiêu doanh thu và gần 32% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trong đó, quý đầu năm họ vẫn lỗ vì chênh lệch tỷ giá, còn quý II có lãi nhờ hoạt động tài chính.

Tất Đạt

‘Doanh nghiệp nên huy động vốn từ nhà đầu tư để giảm đòn bẩy’

Theo chuyên gia của Chứng khoán Yuanta, trong giai đoạn chi phí vay nợ đang nhích lên, doanh nghiệp có thể tìm đến vốn của nhà đầu tư và cổ đông trong dài hạn.

Quan điểm trên được chia sẻ bởi ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Nghiên cứu và phát triển sản phẩm Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – trong buổi hội thảo về quan hệ nhà đầu tư (IR) do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) tổ chức hôm nay. Chuyên gia này cho rằng nguyên nhân chính là thời kỳ chi phí sử dụng vốn thấp đã qua đi.

Ông dẫn số liệu lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã duy trì mức dưới 4% từ cuối thập niên 2000. Nhưng đến năm 2020, chỉ số này có dấu hiệu tăng dần lên và vượt 4,3% từ cuối năm trước. Do đó, nếu các doanh nghiệp cứ tiếp tục phụ thuộc vào đòn bẩy nợ, sử dụng vốn vay sẽ không còn là lợi thế trong tương lai.

Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 có xu hướng tăng trở lại từ năm 2020. Ảnh: Yuanta Việt Nam

Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 có xu hướng tăng trở lại từ năm 2020. Ảnh: Yuanta Việt Nam

Trong dài hạn, xu hướng lãi suất Việt Nam và Mỹ luôn cùng chiều. Các công ty và ngân hàng đều ưu tiên huy động vốn bằng USD nên lãi suất tại nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tác động đến chi phí vốn tại Việt Nam. Vì vậy về dài hạn, sức ép về chi phí vốn sẽ cao lên.

Thực tế, nền lãi suất trong nước cũng bắt đầu đi qua giai đoạn rẻ. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng trong một tháng trở lại đây ư duy trì ổn định ở mức cao khoảng 4,6% một năm. Đồng thời, lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và cho vay cầm cố trên thị trường mở đều là 4,5%. Nhiều đơn vị dự báo, nếu áp lực tỷ giá tăng cường trong nửa cuối năm và thanh khoản hệ thống trở nên eo hẹp, cơ quan điều hành sẽ nâng lãi suất lên.

Trước kịch bản trên, chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp nên ưu tiên huy động vốn trên thị trường chứng khoán, từ các nhà đầu tư và cổ đông của mình. Việc này giúp cải thiện và tối ưu chi phí vốn.

Nhưng để thực hiện tốt, doanh nghiệp cần chú trọng hoạt động IR. “Nhà đầu tư luôn có nhiều sự lựa chọn vì thị trường tồn tại tới 3 sàn giao dịch với hàng nghìn cổ phiếu”, ông Minh lưu ý.

Ông cho rằng hiện nay, đa số công ty nghĩ IR đơn thuần là tải báo cáo tài chính lên trang web mà ít quan tâm các công tác làm rõ hoạt động kinh doanh, đầu tư của công ty. Do đó, hiệu quả tiếp cận thông tin từ các nhà đầu tư và cổ đông chưa tốt. Chính vì điều này, các doanh nghiệp bị giảm tỷ lệ tiếp cận với các đối tượng, nhất là nhà đầu tư tổ chức – vốn có tiềm lực tài chính dồi dào và có khả năng đồng hành cùng doanh nghiệp dài lâu.

Lấy ví dụ về một doanh nghiệp tại Việt Nam trước đây chưa đầu tư nhiều cho hoạt động IR. Kể từ tháng 5/2020, họ dành thời gian và nguồn lực để thực hiện. Kết quả là thanh khoản trung bình của cổ phiếu tăng gấp 3 lần sau một năm và hiện nay lớn hơn 25 lần. Số lượng cổ đông hiện cao gấp 23 lần so với thời điểm bắt đầu đẩy mạnh công bố thông tin. Nhờ đó, việc huy động vốn để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh cũng thuận lợi hơn trước, thay vì phụ thuộc chủ yếu vào vay nợ.

Công ty có hoạt động IR hiệu quả ghi nhận khối lượng giao dịch, mức tăng giá cổ phiếu tốt hơn. Ảnh: Yuanta Việt Nam

Công ty có hoạt động IR hiệu quả ghi nhận khối lượng giao dịch, mức tăng giá cổ phiếu tốt hơn. Ảnh: Yuanta Việt Nam

Khảo sát gần đây của Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan cho thấy, khoảng 75% nhà đầu tư cho rằng công bố thông tin đầy đủ giúp tăng niềm tin vào ban lãnh đạo. Ngoài ra, việc tuân thủ nghĩa vụ trên còn có thể giúp doanh nghiệp cải thiện khả năng tiếp cận nguồn vốn, cải thiện giá cổ phiếu và có thêm báo cáo từ các chuyên viên phân tích – nguồn tài liệu tham khảo phổ biến của nhiều nhà đầu tư.

Chuyên gia nhấn mạnh, công bố thông tin và đẩy mạnh hoạt động IR cần thực hiện thường xuyên, không chỉ “làm theo mùa vụ” mỗi khi có thông tin tích cực rồi im lặng khi xảy ra biến cố. Thực tế trên thị trường ghi nhận nhiều trường hợp khi xuất hiện thông tin xấu, doanh nghiệp chọn cách im lặng. Ngay sau đó, các quỹ và nhà đầu tư cá nhân có xu hướng đầu cơ chọn cách bán tháo cổ phiếu, làm suy giảm thị giá nghiêm trọng.

“Quan hệ nhà đầu tư là việc cần thực hiện xuyên suốt vì theo Warren Buffett, phải mất đến 20 năm để xây dựng danh tiếng nhưng chỉ tốn 5 phút để phá hỏng nó”, ông Minh nói.

Ở chiều ngược lại khi thực hiện tốt hoạt động công bố thông tin dù đó là tiêu cực, nhiều trường hợp sau đợt biến động, giá cổ phiếu vẫn phục hồi. Ông Minh nêu ví dụ về Tập đoàn dầu khí Total (Pháp). Năm 2001, nhà máy AZF ở Toulouse bị nổ, công ty đã lập tức nhận trách nhiệm và có thông tin phản hồi cho cơ quan chức năng, người dân và nhà đầu tư, nhận trách nhiệm.

Ban lãnh đạo thời điểm đó rất tích cực cung cấp và phản hồi thông tin. Nhờ thế, giá cổ phiếu của Total không thay đổi quá nhiều và danh tiếng tập đoàn không chịu tác động quá tiêu cực.

Tất Đạt

‘Doanh nghiệp nên vay từ cổ đông, nhà đầu tư thay vì dùng đòn bẩy’

Theo chuyên gia Chứng khoán Yuanta, các doanh nghiệp nên ưu tiên huy động vốn từ cổ đông, nhà đầu tư vì thời kỳ chi phí vốn thấp đã qua đi.

Quan điểm trên được chia sẻ bởi ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Nghiên cứu và phát triển sản phẩm Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – trong buổi hội thảo về quan hệ nhà đầu tư (IR) do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) tổ chức hôm nay. Chuyên gia này cho rằng nguyên nhân chính là thời kỳ chi phí sử dụng vốn thấp đã qua đi.

Ông dẫn số liệu lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã duy trì mức dưới 4% từ cuối thập niên 2000. Nhưng đến năm 2020, chỉ số này có dấu hiệu tăng dần lên và vượt 4,3% từ cuối năm trước. Do đó, nếu các doanh nghiệp cứ tiếp tục phụ thuộc vào đòn bẩy nợ, sử dụng vốn vay sẽ không còn là lợi thế trong tương lai.

Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 có xu hướng tăng trở lại từ năm 2020. Ảnh: Yuanta Việt Nam

Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 có xu hướng tăng trở lại từ năm 2020. Ảnh: Yuanta Việt Nam

Trong dài hạn, xu hướng lãi suất Việt Nam và Mỹ luôn cùng chiều. Các công ty và ngân hàng đều ưu tiên huy động vốn bằng USD nên lãi suất tại nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tác động đến chi phí vốn tại Việt Nam. Vì vậy về dài hạn, sức ép về chi phí vốn sẽ cao lên.

Thực tế, nền lãi suất trong nước cũng bắt đầu đi qua giai đoạn rẻ. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng trong một tháng trở lại đây ư duy trì ổn định ở mức cao khoảng 4,6% một năm. Đồng thời, lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và cho vay cầm cố trên thị trường mở đều là 4,5%. Nhiều đơn vị dự báo, nếu áp lực tỷ giá tăng cường trong nửa cuối năm và thanh khoản hệ thống trở nên eo hẹp, cơ quan điều hành sẽ nâng lãi suất lên.

Trước kịch bản trên, chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp nên ưu tiên huy động vốn trên thị trường chứng khoán, từ các nhà đầu tư và cổ đông của mình. Việc này giúp cải thiện và tối ưu chi phí vốn.

Nhưng để thực hiện tốt, doanh nghiệp cần chú trọng hoạt động IR. “Nhà đầu tư luôn có nhiều sự lựa chọn vì thị trường tồn tại tới 3 sàn giao dịch với hàng nghìn cổ phiếu”, ông Minh lưu ý.

Ông cho rằng hiện nay, đa số công ty nghĩ IR đơn thuần là tải báo cáo tài chính lên trang web mà ít quan tâm các công tác làm rõ hoạt động kinh doanh, đầu tư của công ty. Do đó, hiệu quả tiếp cận thông tin từ các nhà đầu tư và cổ đông chưa tốt. Chính vì điều này, các doanh nghiệp bị giảm tỷ lệ tiếp cận với các đối tượng, nhất là nhà đầu tư tổ chức – vốn có tiềm lực tài chính dồi dào và có khả năng đồng hành cùng doanh nghiệp dài lâu.

Lấy ví dụ về một doanh nghiệp tại Việt Nam trước đây chưa đầu tư nhiều cho hoạt động IR. Kể từ tháng 5/2020, họ dành thời gian và nguồn lực để thực hiện. Kết quả là thanh khoản trung bình của cổ phiếu tăng gấp 3 lần sau một năm và hiện nay lớn hơn 25 lần. Số lượng cổ đông hiện cao gấp 23 lần so với thời điểm bắt đầu đẩy mạnh công bố thông tin. Nhờ đó, việc huy động vốn để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh cũng thuận lợi hơn trước, thay vì phụ thuộc chủ yếu vào vay nợ.

Công ty có hoạt động IR hiệu quả ghi nhận khối lượng giao dịch, mức tăng giá cổ phiếu tốt hơn. Ảnh: Yuanta Việt Nam

Công ty có hoạt động IR hiệu quả ghi nhận khối lượng giao dịch, mức tăng giá cổ phiếu tốt hơn. Ảnh: Yuanta Việt Nam

Khảo sát gần đây của Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan cho thấy, khoảng 75% nhà đầu tư cho rằng công bố thông tin đầy đủ giúp tăng niềm tin vào ban lãnh đạo. Ngoài ra, việc tuân thủ nghĩa vụ trên còn có thể giúp doanh nghiệp cải thiện khả năng tiếp cận nguồn vốn, cải thiện giá cổ phiếu và có thêm báo cáo từ các chuyên viên phân tích – nguồn tài liệu tham khảo phổ biến của nhiều nhà đầu tư.

Chuyên gia nhấn mạnh, công bố thông tin và đẩy mạnh hoạt động IR cần thực hiện thường xuyên, không chỉ “làm theo mùa vụ” mỗi khi có thông tin tích cực rồi im lặng khi xảy ra biến cố. Thực tế trên thị trường ghi nhận nhiều trường hợp khi xuất hiện thông tin xấu, doanh nghiệp chọn cách im lặng. Ngay sau đó, các quỹ và nhà đầu tư cá nhân có xu hướng đầu cơ chọn cách bán tháo cổ phiếu, làm suy giảm thị giá nghiêm trọng.

“Quan hệ nhà đầu tư là việc cần thực hiện xuyên suốt vì theo Warren Buffett, phải mất đến 20 năm để xây dựng danh tiếng nhưng chỉ tốn 5 phút để phá hỏng nó”, ông Minh nói.

Ở chiều ngược lại khi thực hiện tốt hoạt động công bố thông tin dù đó là tiêu cực, nhiều trường hợp sau đợt biến động, giá cổ phiếu vẫn phục hồi. Ông Minh nêu ví dụ về Tập đoàn dầu khí Total (Pháp). Năm 2001, nhà máy AZF ở Toulouse bị nổ, công ty đã lập tức nhận trách nhiệm và có thông tin phản hồi cho cơ quan chức năng, người dân và nhà đầu tư, nhận trách nhiệm.

Ban lãnh đạo thời điểm đó rất tích cực cung cấp và phản hồi thông tin. Nhờ thế, giá cổ phiếu của Total không thay đổi quá nhiều và danh tiếng tập đoàn không chịu tác động quá tiêu cực.

Tất Đạt

Ông Lê Viết Hải: Việc bị hủy niêm yết không ảnh hưởng giá cổ phiếu HBC

Sau khi bị huỷ niêm yết, Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình nói sẽ chuyển HBC lên sàn UPCoM trong tháng 8 và khẳng định thị giá cổ phiếu sẽ không bị ảnh hưởng.

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã ban hành quyết định hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu HBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Nguyên nhân do lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2023 là 3.240 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp của công ty là 2.741 tỷ đồng.

Trong thông cáo báo chí mới đây, Hòa Bình cho biết sẽ tiến hành chuyển niêm yết gần 347,2 triệu cổ phiếu sang UPCoM và hoàn tất trong tháng 8. Ban lãnh đạo cam kết tiếp tục thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định, đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư.

Khác với HoSE, biên độ biến động giá cổ phiếu trên UPCoM lên đến 15% mỗi phiên. Nhiều cổ đông lo ngại rằng việc này sẽ càng đẩy giá cổ phiếu Hòa Bình giảm mạnh thêm nữa khi mã này đang giao dịch ở mức thấp.

Nói với VnExpress ngày 27/7, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Hội đồng quản trị HBC – cho rằng biến động 15% trên sàn UPCoM sẽ trao thêm quyền cho cổ đông khi họ có thể giao dịch với biên độ lớn hơn. Cộng thêm việc Hòa Bình cam kết thực hiện nghĩa vụ không khác so với trước, ông Hải khẳng định giá cổ phiếu sẽ không bị ảnh hưởng.

“Việc chuyển sàn giao dịch không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích cơ bản của cổ đông. Sau giai đoạn có nhiều biến cố, Hòa Bình đang dần cải thiện các chỉ số về tài chính và kỳ vọng trong hai năm tới cổ phiếu HBC sẽ tăng trưởng tốt và quyết tâm sớm niêm yết trở lại trên sàn HoSE”, lãnh đạo công ty nói.

Trong 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của Hòa Bình có dấu hiệu tích cực hơn khi doanh thu đạt hơn 3.810 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 741 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ hơn 713 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lỗ lũy kế vào cuối tháng 6 đã giảm xuống còn hơn 2.498 tỷ đồng, tương đương 72% vốn điều lệ.

HBC cũng hoàn thành việc hoán đổi 730,8 tỷ đồng nợ thành 73,08 triệu cổ phiếu cho 99 nhà cung cấp, nhà thầu phụ. Điều này giúp tăng vốn điều lệ lên 3.472 tỷ đồng, tăng 21%.

Trong nửa đầu năm, công ty đã cắt gần 1.100 tỷ nợ phải trả, kéo chỉ tiêu này về gần 14.065 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức này vẫn gấp gần 9 lần vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp chủ yếu giảm nợ phải trả người bán ngắn hạn, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn và vay nợ tài chính dài hạn. HBC còn tổng cộng khoảng 4.485 tỷ đồng vay nợ tài chính. Họ mất hơn 229 tỷ để trả lãi vay trong 6 tháng đầu năm.

Ngoài cải thiện sức khỏe tài chính, nhà thầu xây dựng này còn đẩy mạnh mở rộng thị trường ra nước ngoài. Tại Mỹ, Hòa Bình đã khởi công dự án The Grove Apartments ở California vào tháng 4. Tại châu Phi, ngoài 5 dự án nhà ở xã hội đang hoàn thiện hồ sơ ký hợp đồng vào khoảng giữa tháng 8, HBC đã nhận được thư dự định giao thầu thêm 2 dự án nhà ở xã hội tại Kenya và có thể ký hợp đồng cuối năm nay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này dự kiến thi công 2 dự án hạ tầng lớn ở Campuchia trong năm nay.

Tất Đạt

Ông Bùi Thành Nhơn muốn bán 2 triệu cổ phiếu NVL

Chủ tịch Hội đồng quản trị Bùi Thành Nhơn đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu NVL, kéo dài đợt thoái vốn liên tục của nhóm cổ đông lớn khỏi Novaland.

Theo công bố thông tin mới đây, ông Bùi Thành Nhơn đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland từ ngày 18-26/7 với phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Mục đích là cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ cơ cấu nợ.

Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu của ông Nhơn sẽ giảm từ 17,89% xuống còn 17,79%. Tính theo giá chốt phiên 16/7, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland có thể thu về khoảng 25,2 tỷ đồng.

Thời gian qua, nhóm cổ đông liên quan ông Bùi Thành Nhơn liên tục bán cổ phiếu NVL. Cuối tháng 6, Novagroup – doanh nghiệp do ông Nhơn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị – đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu NVL nhưng bất thành do thay đổi thời gian giao dịch để phù hợp với kế hoạch hỗ trợ cơ cấu nợ. Trước đó cùng trong tháng 6, Novagroup đã bán gần 9,2 triệu đơn vị.

Dù nhóm cổ đông liên quan ông Nhơn liên tục bán cổ phiếu, ban lãnh đạo Novaland vẫn khẳng định “không có bất kỳ cuộc tháo chạy nào“. Công ty nói các động thái trên là để hỗ trợ tái cơ cấu các khoản nợ của công ty. Trong đó, một lượng cổ phiếu đáng kể mà tập đoàn này nắm giữ bị bán giải chấp nhằm giữ đúng cam kết với trái chủ trong một số gói trái phiếu bán lẻ.

Năm nay, Novaland đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất gần 32.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 1.080 tỷ, tăng lần lượt gấp 7 lần và gấp đôi so với cùng kỳ 2023. Doanh thu dự kiến đến từ Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram – các dự án vướng pháp lý suốt thời gian dài và đang được gỡ từng bước. Ngoài ra, các dự án nhà ở tại TP HCM cũng góp doanh thu cho NVL khi họ đã bắt đầu bàn giao “sổ hồng” cho khách hàng.

Dẫu vậy trong quý đầu năm, doanh nghiệp này vẫn lỗ hơn 600 tỷ đồng vì chênh lệch tỷ giá.

Tất Đạt

Novaland hoàn tất thỏa thuận lô trái phiếu 300 triệu USD

Lô trái phiếu quốc tế 300 triệu USD của Novaland được kéo dài kỳ hạn và có thể đổi thành cổ phiếu NVL với giá ban đầu 40.000 đồng.

Tập đoàn Novaland (NVL) vừa công bố thông tin hoàn tất thỏa thuận tái cấu trúc gói trái phiếu chuyển đổi trị giá 298,6 triệu USD. Thời gian tới, các trái chủ có thể chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu NVL với giá chuyển đổi ban đầu là 40.000 đồng một đơn vị, tỷ lệ chuyển đổi là 134.135 cổ phiếu cho một trái phiếu.

Theo thỏa thuận, dư nợ gốc sau khi nhập lãi lên gần 321 triệu USD. Thời điểm thanh toán là ngày đáo hạn trái phiếu vào tháng 6/2027 hoặc đợt mua lại trước hạn trong tương lai. Giá trị mua lại được tính bằng 115% tiền gốc ban đầu (đã trừ đi phần chuyển đổi thành cổ phiếu) cộng lãi trả chậm và lãi phát sinh. Trong đó, lãi trả chậm sẽ được tính 5,25% một năm như vốn gốc.

trái phiếu kể trên là khoản huy động vốn từ năm 2021, được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX), không có tài sản đảm bảo và thời điểm đáo hạn ban đầu vào năm 2026. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 200.000 USD với lãi suất 5,25% mỗi năm và có quyền chuyển đổi sang cổ phiếu với giá ban đầu là 135.700 đồng. Novaland đã đạt đồng thuận tái cơ cấu từ các trái chủ và nhận được phê duyệt từ Tòa Thương mại Quốc tế Singapore (SICC) vào cuối tháng 4

Trước đó, Novaland đã “lỡ hẹn” ba lần về việc hoàn thành thỏa thuận tái cấu trúc gói trái phiếu này từ đầu tháng 6 đến nay. Thời điểm đó, công ty khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng khi giao dịch cổ phiếu NVL.

Gần đây, Novaland cũng liên tục xin khất nợ trái phiếu trong nước. Tính đến cuối tháng 6, họ đã được đồng ý gia hạn 8/17 lô trái phiếu phát hành hồi năm 2020 với tổng giá trị phát hành gần 3.200 tỷ đồng, thay đổi kỳ hạn sang khoảng tháng 6-8/2025. Các công ty con cũng đạt được những thỏa thuận tương tự.

“Việc hoàn tất tái cấu trúc lô trái phiếu quốc tế gần 300 triệu USD sẽ giúp giảm những áp lực về tài chính do vướng mắc pháp lý cùng những biến động của thị trường gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Novaland”, đại diện công ty nói.

Một góc khu đô thị Aqua City - một trong những dự án vùng ven trọng điểm của Novaland, cuối tháng 6/2024. Ảnh: NVL

Một góc khu đô thị Aqua City – một trong những dự án vùng ven trọng điểm của Novaland, cuối tháng 6/2024. Ảnh: NVL

Trong báo cáo tài chính kiểm toán 2023, đơn vị kiểm toán PwC có nêu lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của Novaland phụ thuộc vào khả năng thanh toán hoặc tái cấu trúc các khoản nợ vay, trái phiếu sắp đáo hạn và thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Ban lãnh đạo cho biết tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm, tái cấu trúc khoản nợ vay và trái phiếu, giải phóng tiền gửi đang bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng, tiếp nhận hỗ trợ tài chính từ cổ đông lớn.

Ngoài ra, Novaland nói sẽ tập trung phối hợp các cơ quan có thẩm quyền đẩy nhanh việc hoàn thiện pháp lý. Năm nay họ đặt mục tiêu bàn giao hơn 2.500 sản phẩm nhà phố, biệt thự, căn hộ, văn phòng tại các cụm dự án ở Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và TP HCM.

Tất Đạt