Chứng khoán

Cổ phiếu của Ocean Group bị cấm giao dịch phiên sáng

HoSE đưa cổ phiếu OGC vào diện hạn chế giao dịch từ 9/6 do quá 45 ngày chưa nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.

Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa ra quyết định đưa cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) từ diện “kiểm soát” sang “hạn chế giao dịch” từ ngày 9/6, do doanh nghiệp này chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Theo đó, mã này chỉ được giao dịch vào phiên chiều theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Biện pháp này được HoSE áp dụng gần đây với những doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán như FLC, ROS và HAI.

Việc bị đưa vào diện hạn chế giao dịch có thể ảnh hưởng tới thanh khoản của các cổ phiếu này khi thời gian để nhà đầu tư mua, bán chỉ còn được thực hiện trong phiên chiều.

Chốt phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu OGC giảm hết biên độ xuống 12.000 đồng, mất gần 40% so với mức đỉnh cuối tháng 3.

Với Ocean Group, doanh nghiệp này vừa có loạt động thái mới sau khi IDS Equity Holdings chính thức tiếp quản.

Công ty này vừa thông báo bán 7 khoản nợ với tổng số dư nợ gốc hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó khoản nợ lớn nhất đến từ Công ty Đầu tư & Thương mại Vneco Hà Nội với giá trị hơn 380 tỷ đồng. Giá khởi điểm bằng 1/10 giá trị dư nợ chào bán, tương ứng hơn 107 tỷ đồng.

Một công ty khác trực thuộc Ocean Group là Công ty Đầu tư Đại Dương Thăng Long (OTL) cũng chào bán khoản phải thu với Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Sông Đà, dư nợ gốc chưa bao gồm các khoản lãi, phạt là hơn 640 tỷ đồng. Giá khởi điểm của khoản nợ này là 20 tỷ đồng, tương đương 3% giá trị số dư nợ gốc.

Minh Sơn

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam lãi nghìn tỷ

Thành lập chưa đầy một năm, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam báo lãi sau thuế 1.343 tỷ đồng do hợp nhất kết quả kinh doanh của HoSE và HNX.

2021 là năm tài chính đầu tiên của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) do mới được thành lập từ ngày 13/4.

Báo cáo tài chính riêng của VNX không ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ. Nguồn thu phát sinh duy nhất là doanh thu tài chính 1.354 tỷ đồng từ lợi nhuận sau thuế của hai công ty con là Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Sau khi trừ tiền lương cho quản lý và nhân viên, Sở báo lãi sau thuế 1.343 tỷ đồng.

Trên báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu đạt 2.054 tỷ đồng cũng từ hợp nhất kết quả của hai công ty con. Dịch vụ chứng khoán đóng góp áp đảo vào tổng doanh thu với gần 1.950 tỷ đồng. Phần còn lại là dịch vụ đấu giá, quản lý thành viên và các hoạt động nghiệp vụ. Khoản lãi sau khi trích quỹ khen thưởng, phúc lợi 21 tỷ đồng thì nộp về ngân sách toàn bộ.

VNX có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và tổng nguồn vốn hợp nhất tính đến cuối năm ngoái hơn 4.600 tỷ đồng.

VNX ra đời với mục tiêu thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ thị trường. Theo lãnh đạo VNX, hai công ty con có nhiệm vụ tương đối độc lập, hỗ trợ và bổ sung cho nhau, tạo ra một thị trường chứng khoán toàn diện và tổng thể, từng bước tiếp cận tới chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, khi thị trường phát triển đến một cấp độ nào đó, sự giao thoa trong một số hoạt động của hai công ty con đã làm giảm đi gia tốc phát triển.

Chẳng hạn, cả hai có sự giao thoa về sản phẩm khi đều tổ chức vận hành thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp nhưng chưa có sự đồng bộ về cơ chế, phương thức giao dịch, kỹ thuật giao dịch… Với hạ tầng công nghệ, mỗi Sở đều có những kiến trúc riêng của mình nên đòi hỏi thành viên thị trường duy trì hệ thống kết nối độc lập.

Phương Đông

Ông Đỗ Quang Vinh đăng ký mua 6 triệu cổ phiếu SHS

Chủ tịch SHS là một trong 22 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua gần 31 triệu cổ phiếu còn dư trong đợt chào bán cho cổ đông vào tháng 4.

Ông Đỗ Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), vừa đăng ký mua 6 triệu cổ phiếu SHS chưa phát hành hết trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu.

Với giá mua 12.000 đồng mỗi cổ phần, ông Vinh cần chi 72 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch. Dự kiến, Chủ tịch SHS sẽ nâng sở hữu lên 0,92% vốn điều lệ công ty. Trước đó, ông Vinh không sở hữu cổ phiếu của công ty này.

Trong tháng 4, SHS đã thực hiện đợt chào bán hơn 325 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá chào bán 12.000 đồng. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong một năm.

Số lượng cổ phiếu đã được các cổ đông đăng ký mua là hơn 294 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 90% khối lượng chào bán. Với gần 31 triệu cổ phiếu còn lại, ngoài ông Vinh còn có thêm 21 nhà đầu tư khác đăng ký mua.

Trong đó, ông Lưu Danh Đức, Giám đốc Ban công nghệ thông tin T&T Group và là nhân sự mới vừa được bầu vào Hội đồng quản trị SHS, đăng ký mua 300.000 cổ phiếu.

Trên thị trường, cổ phiếu SHS chốt phiên giao dịch 31/5 ở mức 18.200 đồng. Mức thị giá này cao hơn 51% so với mức giá trong đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông.

Năm nay, SHS đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên giả định VN-Index ở mức 1.700 – 1.750 điểm, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong khoảng 26.500-27.900 tỷ đồng. Theo đó, tổng doanh thu dự kiến của công ty đạt hơn 3.400 tỷ đồng, tăng 18,2% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch tăng 15,6%, đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

Minh Sơn

Chứng khoán đứt mạch tăng liên tiếp

Cổ phiếu vốn hoá lớn bị bán mạnh khiến VN-Index rơi xuống 1.292 điểm, đứt mạch tăng 5 phiên trước đó.

Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM có thời điểm đảo chiều tăng lên nhờ dòng tiền tìm đến các mã vốn hóa vừa và nhỏ, nhưng áp lực xả hàng từ nhóm VN30 lại nhấn chỉ số xuống. 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index đều thuộc rổ vốn hóa lớn, trong đó dẫn đầu là HPG, VPB, BID và TCB với mức giảm 1-2%.

VN-Index chốt phiên chỉ mất 1 điểm nhưng sắc đỏ lại chiếm ưu thế. Số lượng cổ phiếu giảm xấp xỉ 300 mã, gấp đôi lượng cổ phiếu tăng. Hầu hết cổ phiếu ngành thép, cảng biển, chứng khoán, bất động sản đều giảm điểm.

Ở chiều ngược lại, thông tin giá xăng dầu khả năng tiếp tục đi lên đẩy giá hai cổ phiếu trụ ngành dầu khí và trở thành trụ đỡ quan trọng cho thị trường. GAS chạm trần 117.700 đồng, không có bên bán, còn PLX cũng tăng 1,4% lên 44.000 đồng. Các cổ phiếu khác thuộc ngành này như PVT, OIL, PVD, POW đều đóng cửa trong sắc xanh với biên độ phổ biến trên 3%.

Thanh khoản sàn TP HCM hôm nay đạt 16.100 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu tuần nhưng điểm tích cực là có ba phiên liên tiếp đạt trên mức 16.000 tỷ đồng. Nhóm tài chính vẫn hút tiền nhiều nhất, đạt hơn 3.100 tỷ đồng dù phần đông cổ phiếu giảm điểm. Công nghiệp, bất động sản và nguyên vật liệu xếp tiếp theo trong danh sách thanh khoản phân theo nhóm ngành, dao động 1.900-2.600 tỷ đồng. Năng lượng – ngành có mức tăng giá trong nhóm đầu – lại có thanh khoản èo uột với 470 tỷ đồng.

Tính riêng từng cổ phiếu thì tiền tập trung nhiều nhất ở HPG với 656 tỷ đồng, tiếp đến là SSI, DPM và DIG.

Trong phiên cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, khối ngoại mua vào hơn 2.000 tỷ đồng và bán ra 1.630 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND và E1VFVN30 là hai mã được nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên giải ngân.

Phương Đông

Ủy ban chứng khoán được yêu cầu sớm hoàn thiện hệ thống KRX

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, người đang trực tiếp điều hành Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và hoàn thiện hệ thống KRX.

Theo ông Chi, việc đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới cho thị trường chứng khoán.

Hệ thống này nằm trong hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin trị giá hơn 600 tỷ đồng giữa Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) từ năm 2012. Đây là hệ thống được kỳ vọng cung cấp nhiều tiện ích mới như giao dịch lô lẻ trên một bảng riêng, giao dịch trong ngày (T+0)…

Việc vận hành hệ thống KRX luôn được HoSE xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Giữa năm ngoái, lãnh đạo cơ quan này cho biết hệ thống dự kiến vận hành đầu 2022 nhưng thực tế lại trễ hẹn.

Thứ trưởng Chi cũng chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống tiêu chí giám sát, xây dựng hệ thống cảnh báo với các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường. Cơ quan này được yêu cầu nghiên cứu và đề xuất sửa đổi một số tiêu chí của chỉ số VN30.

Bên cạnh đó, để thị trường phát triển ổn định trong dài hạn, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị rà soát quy định pháp lý và đề xuất sửa đổi những điểm không phù hợp; tăng cường giám sát hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tiếp tục thanh tra và kiểm tra để xử lý các sai phạm… Riêng Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước được yêu cầu hoàn thiện các tiêu chí, chủ động đề xuất với Bộ Tài chính và bộ ngành liên quan các giải pháp để thị trường chứng khoán sớm được xem xét nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

Thị trường chứng khoán Việt Nam mới trải qua đợt điều chỉnh mạnh từ đỉnh hơn 1.500 điểm về dưới quanh 1.170 điểm chỉ trong một tháng rưỡi. Đợt bán tháo này, theo nhận định của một số quỹ đầu tư nước ngoài, là điều bất ngờ vì ngay trước đó đã có nhiều tin tức tốt về tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, diễn biến này đồng thuận với xu hướng của thị trường thế giới và có sự tác động của yếu tố tâm lý trong nước. Cơ quan này nhận định thị trường đã có nhịp hồi phục tích cực vào hai tuần cuối tháng 5 nhờ các giải pháp ổn định như yêu cầu các Sở công bố thông tin giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán, yêu cầu tổ chức niêm yết giải trình nếu giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn 5 phiên trở lên…

Phương Đông

Chủ tịch Coteccons muốn gom thêm cổ phiếu

Ông Bolat Duisenov dự kiến chi 37 tỷ đồng để mua 730.000 cổ phiếu CTD trong giai đoạn thị giá dao động quanh vùng thấp nhất 2 năm.

Giao dịch của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons được thực hiện từ 3/6 đến 2/7, bằng phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Tỷ lệ sở hữu của doanh nhân này tăng từ 0,72% lên 1,6% nếu giao dịch thành công.

Cuối năm ngoái, ông Bolat cũng đăng ký gom khối lượng tương đương nhưng chỉ thành công 540.000 cổ phiếu vì “điều kiện thị trường không phù hợp”. Khi kế hoạch mua vào được công bố, cổ phiếu này lập tức cắt đứt chuỗi giảm bốn ngày trước đó bằng một phiên chạm trần. Đà tăng kéo dài trong suốt một tháng ông Bolat đăng ký giao dịch, đưa giá từ vùng 68.000 đồng lên gần 97.000 đồng.

Giá cổ phiếu sau đó còn chạm mốc 113.000 đồng, cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây, trước khi chịu áp lực điều chỉnh mạnh vì xu hướng chung của thị trường trong nước cộng với kế hoạch lợi nhuận thận trọng. Cổ phiếu này xuống dưới 43.000 đồng cách đây hai tuần, sau đó hồi phục dần theo đà tăng của VN-Index, lên 51.000 đồng như hiện tại.

Tại phiên họp thường niên cuối tháng trước, ông Bolat nói “rất tiếc và rất xin lỗi” khi nhiều nhà đầu tư khác cũng đang có trải nghiệm không vui với cổ phiếu CTD. Trong đó, một cổ đông cho biết giữ cổ phiếu này trong ba năm nhưng khoản đầu tư đã “bốc hơi” 75% chỉ trong một tháng vì bị công ty chứng khoán bán giải chấp do sử dụng đòn bẩy tài chính.

Người đứng đầu Coteccons cho biết từ khi trở thành người đứng đầu công ty này, thường xuyên nhận được hàng trăm tin nhắn than phiền của cổ đông, thậm chí một số còn đe dọa, mỗi lúc cổ phiếu giảm sâu. Ông cho rằng thị trường chứng khoán không dành cho những người lướt sóng ngắn hạn, đồng thời khuyên nhà đầu tư nhìn vào dài hạn bởi thị trường xây dựng đang sôi động trở lại và tự tin giá CTD sẽ tăng vào cuối năm.

Trong thông báo đăng ký mua cổ phiếu chiều 30/5, ông Bolat tiếp tục kêu gọi cổ đông “kiên nhẫn và đồng hành cùng công ty”.

Quý đầu năm, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần 1.912 tỷ đồng và lãi sau thuế 29 tỷ đồng, lần lượt giảm hơn 25% và 46% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với kế hoạch lợi nhuận 20 tỷ đồng được thông qua thì công ty đã vượt 45%.

Ban lãnh đạo Coteccons đánh giá kết quả này khả quan hơn những quý trước và cho biết nếu không trích lập dự phòng cho nợ xấu của 16 dự án từ 2019 để lại thì lợi nhuận mục tiêu là 115 tỷ đồng. Công ty vẫn tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là xây dựng, đồng thời triển khai các dự án trong lĩnh vực hạ tầng. Ba tháng đầu năm, giá trị hợp đồng ký mới đạt 10.000 tỷ đồng.

Phương Đông

Chứng khoán tăng phiên thứ năm liên tiếp

VN-Index giằng co mạnh trong sáng đầu tuần trước khi bứt lên trong phiên chiều, tăng gần 9 điểm và đóng cửa sát mốc 1.294 điểm.

Nhu cầu chốt lời xuất hiện sau chuỗi tăng bốn phiên liên tiếp khiến VN-Index có hai lần đảo chiều từ tăng thành giảm trong phiên giao dịch sáng nay. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư được cởi trói sau giai đoạn mua bán thận trọng đã kích thích dòng tiền đổ vào bắt đáy. Chỉ số nhờ đó nhanh chóng lấy lại trạng thái cân bằng và bật lên.

Hết phiên hôm nay, VN-Index đã kéo dài mạch tăng sang phiên thứ năm với mức tích luỹ gần 80 điểm. Chỉ số có thời điểm vượt qua 1.295 điểm – mức cao nhất trong gần ba tuần trở lại đây.

Sắc xanh áp đảo trên sàn TP HCM khi số lượng cổ phiếu tăng gần gấp đôi cổ phiếu giảm, trong đó có 22 cổ phiếu tăng hết biên độ. Các cổ phiếu liên quan đến Tập đoàn FLC như FLC, ROS, AMD, HAI sau nhiều phiên bị bán tháo do rơi vào diện hạn chế giao dịch thì nay đồng loạt tăng trần và không có bên bán. Nhiều cổ phiếu vốn hoá nhỏ như HQC, HAR, YEG… diễn biến tương tự.

Các mã đóng góp nhiều nhất cho phiên tăng hôm nay đều thuộc rổ VN30. VHM dẫn đầu danh sách này khi tăng 1,1% lên 70.500 đồng, tiếp đến là VJC, VCB, BID và VPB. Ở chiều ngược lại, MWG và VNM là hai cổ phiếu kìm hãm đà bứt phá của chỉ số khi lần lượt mất 1% và 0,7% so với tham chiếu.

Thanh khoản thị trường xấp xỉ 16.500 tỷ đồng, trong đó rổ VN30 đóng góp gần 7.000 tỷ đồng. Dòng tiền phân hoá mạnh khi tập trung nhiều nhất ở nhóm tài chính và công nghiệp, lần lượt đạt 3.160 tỷ đồng và 2.340 tỷ đồng. Trong khi đó, các nhóm được nhà đầu tư ưa chuộng trong giai đoạn trước như bất động, nguyên vật liệu hôm nay có giá trị khớp lệnh chỉ khoảng 1.500 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay giải ngân 3.270 tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu tháng và tăng gần 2.000 tỷ đồng so với phiên cuối tuần trước. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND hút tiền của khối ngoại nhiều nhất với giá trị mua vào 1.240 tỷ đồng, tiếp đến là FPT, E1VFVN30, VNM và PNJ.

Phương Đông

VN-Index có thể tiếp cận vùng 1.300 điểm tuần này

Theo giới phân tích, thị trường tuần này có thể tiếp tục tăng và kiểm tra vùng kháng cự 1.300 điểm khi các chỉ báo kỹ thuật trong ngắn hạn đang tích cực.

Chứng khoán vừa ghi nhận tuần tăng điểm khả quan, với lực cầu tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. VN-Index chốt tuần vừa qua có thêm gần 45 điểm, lên ngưỡng 1.285,45 điểm.

Thị trường duy trì thanh khoản ở mức thấp trong suốt những phiên giao dịch trong tuần. Diễn biến rung lắc vẫn xuất hiện ở hầu hết các nhóm ngành trong quá trình phục hồi. Điểm sáng trong tuần có thể kể đến là nhóm cổ phiếu bán lẻ và công nghệ thông tin với mức tăng đều trên 9,5%. Lực cầu vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong phiên cuối tuần cũng là động lực không nhỏ giúp cho sắc xanh lan tỏa.

Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), thanh khoản vẫn duy trì mức thấp nhưng tín hiệu dòng tiền ở chiều mua chủ động cho thấy các nhà đầu tư đã tự tin hơn trong việc tham gia lại thị trường. Các chỉ báo kỹ thuật cũng cho tín hiệu tích cực về xu hướng ngắn hạn, VN-Index trong quá trình hồi phục và có thể kiểm tra vùng kháng cự 1.300 điểm.

Với diễn biến này, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư rà soát danh mục để chốt lời dần số lượng cổ phiếu đã “bắt đáy” ngắn hạn thành công trước đó.

Trường hợp danh mục đầu tư trong dài hạn, nhóm phân tích cho rằng nhà đầu tư tạm thời chưa nên gia tăng thêm tỷ trọng và cần chú ý theo dõi sát diễn biến thị trường, có thể tích lũy thêm nếu xuất hiện những nhịp rung lắc mạnh khi chỉ số chung tiếp cận vùng kháng cự 1.300 điểm.

Đánh giá về diễn biến tuần qua, Công ty chứng khoán MB (MBS) cũng nhìn nhận, khi thị trường liên tiếp vượt các ngưỡng kỹ thuật đã kích thích dòng tiền quay lại bắt đáy. Mức tăng mạnh thuộc về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tuy nhiên nhóm bluechips mới đóng vai trò lực kéo chính giúp thị trường tăng 7/9 phiên gần đây.

“Thanh khoản đang tăng dần phản ánh nhu cầu chốt lời nhưng cũng là tín hiệu cho thấy dòng tiền đã tự tin vào lại thị trường”, báo cáo của MBS viết, và cho rằng các chỉ báo kỹ thuật đang trở nên tích cực giúp nhà đầu tư có thể kỳ vọng VN-Index quay lại vùng 1.297-1.315 điểm trong tuần này.

Cùng dự báo tích cực, Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho biết giữ nguyên quan điểm về đợt hồi phục của thị trường, với kỳ vọng VN-Index hướng tới 1.370 điểm.

Tâm lý thị trường và dòng tiền vẫn có sự dè dặt nhất định nên việc chỉ số và thanh khoản diễn biến tăng giảm đan xen theo hướng hồi phục là hợp lý trong bối cảnh này. Các phiên điều chỉnh, theo nhóm phân tích, là cơ hội gia tăng trạng thái cổ phiếu với các nhà đầu tư còn tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp trong tài khoản (dưới 50% tài sản).

Minh Sơn

Vietjet trấn an cổ đông về áp lực giá dầu

Giá dầu – mặt hàng chiếm 40% tổng chi phí khai thác tăng khiến nhiều cổ đông lo lắng nhưng lãnh đạo Vietjet cho biết đã có giải pháp để kiểm soát.

Gần đây giá dầu liên tục tăng cao lên trên 100 USD một thùng. Đặc biệt, với nhiên liệu dành riêng cho máy bay như Jet-A1 có lúc đã tăng lên 168,5 USD một thùng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại đại hội cổ đông Công ty cổ phần hàng không Vietjet (VJC), nhiều cổ đông cũng lo chi phí trên làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng. Đồng thời, giá nhiên liệu bay có thể làm tăng giá vé và ảnh hưởng tới lợi thế cạnh tranh của công ty.

Giải đáp thắc mắc của cổ đông, ông Tô Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Vietjet Air, cho rằng giá nhiên liệu đang chiếm 40% tổng chi phí khai thác. Khi giá nhiên liệu tăng trên 100 USD một thùng, chi phí khai thác của các hãng hàng không tăng thêm 50%. Tuy nhiên, công ty luôn theo dõi sát giá vé để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kiểm soát chi phí ở mức thấp nhất. Trong đó, công ty luôn hướng dẫn phi công đặt chế độ bay phù hợp, sử dụng đội tàu bay tiết kiệm nhiên liệu, nhà cung cấp nhiên liệu có mức giá tốt…

“Chúng tôi đã từng bay với giá nhiên liệu 100 USD mà vẫn có lãi. Hiện, chúng tôi luôn sẵn sàng mua dự trữ nhiên liệu ở mức giá hấp dẫn để đảm bảo chi phí vận hành của hãng ở mức tối ưu”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air bổ sung.

Theo bà Thảo, khi giá nhiên liệu tăng cao, Vietjet Air có chính sách phụ thu xăng vào giá vé của khách để họ cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Đây cũng là cách mà hầu hết hãng hàng không trong nước và quốc tế áp dụng nếu giá nhiên liệu tăng quá cao.

Tàu bay A321neo thế hệ mới của Vietjet Air. Ảnh: Vietjet Air

Tàu bay A321neo thế hệ mới của Vietjet Air. Ảnh: Vietjet Air

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm, lãnh đạo Vietjet Air cho rằng sẽ tăng và mở rộng đường bay trong nước và quốc tế. Mục tiêu hết năm, hãng khôi phục 100% mạng bay nội địa và 70% mạng bay quốc tế. Trong đó, với mạng bay quốc tế hãng mở rộng ở khu vực châu Á, Đông Bắc Á và đường bay tới Ấn Độ.

Với mảng vận chuyển hàng hóa, ngoài hoạt động vận chuyển thông thường, năm nay hãng triển khai thêm vận chuyển đảm bảo hàng hóa có giá trị cao. Nếu hoạt động thuận lợi sẽ triển khai IPO mảng này trong năm nay hoặc chậm nhất quý I/2023.

Năm nay, công ty tiếp tục tăng số tàu bay lên 82 tàu bay, vượt qua 100.000 chuyến bay trong nước và quốc tế. Hãng đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 32,72 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất 1.000 tỷ đồng, với kỳ vọng lượng khách hàng đạt 18 triệu khách.

Tại đại hội, cổ đông thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ tối đa hơn 54 triệu cổ phiếu, tương đương 10% tổng số cổ phiếu lưu hành củaVietjet. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Giá chào bán sẽ không thấp hơn giá đóng cửa bình quân 30 phiên giao dịch liên tiếp trên thị trường trước thời điểm chào bán. Thời gian chào bán là trong năm 2022-2023 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Trong năm 2021, hãng hàng không này cũng thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ tối đa 15% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành nhưng đã không triển khai. Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2021, hãng sẽ chia cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%.

Năm 2021, doanh thu hợp nhất của VJC đạt 12.998 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 100 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2020.

Mới đây, Boeing và Vietjet Air vừa đạt được thỏa thuận về tái cấu trúc và tiếp tục thực hiện “Hợp đồng đặt mua 200 tàu bay Boeing 737” sau thời gian gián đoạn vì những biến cố với dòng tàu bay Boeing 737 Max và dịch bệnh Covid-19. Đơn đặt hàng của Vietjet trị giá 35 tỷ USD bao gồm đơn đặt hàng tàu bay trị giá 24,2 tỷ USD và dịch vụ kỹ thuật động cơ trị giá 10,8 tỷ USD.

Thi Hà

Cổ đông Vietjet lo giá dầu tăng cao ảnh hưởng lợi nhuận

Giá dầu – mặt hàng chiếm 40% tổng chi phí khai thác tăng khiến nhiều cổ đông lo lắng nhưng lãnh đạo Vietjet cho biết đã có giải pháp để kiểm soát.

Gần đây giá dầu liên tục tăng cao lên trên 100 USD một thùng. Đặc biệt, với nhiên liệu dành riêng cho máy bay như Jet-A1 có lúc đã tăng lên 168,5 USD một thùng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại đại hội cổ đông Công ty cổ phần hàng không Vietjet (VJC), nhiều cổ đông cũng lo chi phí trên làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng. Đồng thời, giá nhiên liệu bay có thể làm tăng giá vé và ảnh hưởng tới lợi thế cạnh tranh của công ty.

Giải đáp thắc mắc của cổ đông, ông Tô Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Vietjet Air, cho rằng giá nhiên liệu đang chiếm 40% tổng chi phí khai thác. Khi giá nhiên liệu tăng trên 100 USD một thùng, chi phí khai thác của các hãng hàng không tăng thêm 50%. Tuy nhiên, công ty luôn theo dõi sát giá vé để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kiểm soát chi phí ở mức thấp nhất. Trong đó, công ty luôn hướng dẫn phi công đặt chế độ bay phù hợp, sử dụng đội tàu bay tiết kiệm nhiên liệu, nhà cung cấp nhiên liệu có mức giá tốt…

“Chúng tôi đã từng bay với giá nhiên liệu 100 USD mà vẫn có lãi. Hiện, chúng tôi luôn sẵn sàng mua dự trữ nhiên liệu ở mức giá hấp dẫn để đảm bảo chi phí vận hành của hãng ở mức tối ưu”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air bổ sung.

Theo bà Thảo, khi giá nhiên liệu tăng cao, Vietjet Air có chính sách phụ thu xăng vào giá vé của khách để họ cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Đây cũng là cách mà hầu hết hãng hàng không trong nước và quốc tế áp dụng nếu giá nhiên liệu tăng quá cao.

Tàu bay A321neo thế hệ mới của Vietjet Air. Ảnh: Vietjet Air

Tàu bay A321neo thế hệ mới của Vietjet Air. Ảnh: Vietjet Air

Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm, lãnh đạo Vietjet Air cho rằng sẽ tăng và mở rộng đường bay trong nước và quốc tế. Mục tiêu hết năm, hãng khôi phục 100% mạng bay nội địa và 70% mạng bay quốc tế. Trong đó, với mạng bay quốc tế hãng mở rộng ở khu vực châu Á, Đông Bắc Á và đường bay tới Ấn Độ.

Với mảng vận chuyển hàng hóa, ngoài hoạt động vận chuyển thông thường, năm nay hãng triển khai thêm vận chuyển đảm bảo hàng hóa có giá trị cao. Nếu hoạt động thuận lợi sẽ triển khai IPO mảng này trong năm nay hoặc chậm nhất quý I/2023.

Năm nay, công ty tiếp tục tăng số tàu bay lên 82 tàu bay, vượt qua 100.000 chuyến bay trong nước và quốc tế. Hãng đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 32,72 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất 1.000 tỷ đồng, với kỳ vọng lượng khách hàng đạt 18 triệu khách.

Tại đại hội, cổ đông thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ tối đa hơn 54 triệu cổ phiếu, tương đương 10% tổng số cổ phiếu lưu hành củaVietjet. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Giá chào bán sẽ không thấp hơn giá đóng cửa bình quân 30 phiên giao dịch liên tiếp trên thị trường trước thời điểm chào bán. Thời gian chào bán là trong năm 2022-2023 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Trong năm 2021, hãng hàng không này cũng thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ tối đa 15% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành nhưng đã không triển khai. Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2021, hãng sẽ chia cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%.

Năm 2021, doanh thu hợp nhất của VJC đạt 12.998 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 100 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2020.

Mới đây, Boeing và Vietjet Air vừa đạt được thỏa thuận về tái cấu trúc và tiếp tục thực hiện “Hợp đồng đặt mua 200 tàu bay Boeing 737” sau thời gian gián đoạn vì những biến cố với dòng tàu bay Boeing 737 Max và dịch bệnh Covid-19. Đơn đặt hàng của Vietjet trị giá 35 tỷ USD bao gồm đơn đặt hàng tàu bay trị giá 24,2 tỷ USD và dịch vụ kỹ thuật động cơ trị giá 10,8 tỷ USD.

Thi Hà