Chứng khoán

Chứng khoán sáng 22/4: VN-Index tăng vọt

VN-Index tăng gần 19 điểm, nhiều cổ phiếu đang giảm sàn đột ngột đảo chiều thành tăng trần nhờ dòng tiền đổ vào thị trường ồ ạt.

Thị trường chứng khoán hôm qua giảm phiên thứ sáu liên tiếp nhưng áp lực bán có dấu hiệu chững lại khi chỉ số chỉ mất 1,05%, trong khi các phiên trước xấp xỉ 2%. Theo nhận định của nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta, xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn là giảm nhưng phiên hôm qua phát tín hiệu đảo chiều và chỉ số có thể sớm tăng trở lại.

Thực tế được chứng minh ngay trong phiên sáng nay. Sau phiên khớp lệnh xác định giá mở cửa, chỉ số đại diện cho sàn TP HCM tăng gần 19 điểm so với tham chiếu, lên sát vùng 1.390 điểm. Tính theo giá trị tuyệt đối, đây là mức tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng này.

Bản đồ vốn hóa sàn TP HCM sáng 22/4. Ảnh chụp màn hình giao diện VNDS

Bản đồ vốn hoá sàn TP HCM sáng 22/4. Ảnh chụp màn hình giao diện VNDS

Động lực tăng sáng nay chủ yếu đến từ rổ VN30. 28 trong số 30 cổ phiếu thuộc rổ này giao dịch trên tham chiếu, trong đó nhiều mã trụ như VCB, VHM, HPG tăng trên 1,5% so với tham chiếu. Cổ phiếu duy nhất ngược dòng là PDR khi giảm 2,5% xuống 61.800 đồng.

Dòng tiền đổ vào nhóm vốn hoá lớn sau đó lan sang các cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ. Số lượng cổ phiếu tăng điểm nhờ đó nhích lên liên tục, đến 10h đã gần 300 mã giao dịch trên tham chiếu. Nhiều cổ phiếu vốn hoá nhỏ bị bán tháo đầu phiên như HQC, PTL, RIC, TNI đột ngột đảo chiều bật lên. Các mã liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết như FLC, ROS, AMD, HAI, KLF và ART đầu phiên bị bán mạnh và giảm hết biên độ thì sau đó đã chạm trần, không có bên bán.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu liên quan đến ông Đỗ Thành Nhân như TGG, BII, SMT, VKC, APG, AGM vẫn giảm hết biên độ và bên bán áp đảo hoàn toàn bên mua.

Thanh khoản thị trường sau một giờ mở cửa đạt gần 5.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 1.500 tỷ đồng đến từ rổ vốn hoá lớn. DPM đứng đầu về thanh khoản với gần 300 tỷ đồng, tiếp đến là VPB xấp xỉ 200 tỷ đồng và FLC 150 tỷ đồng.

Ngược chiều nhà đầu tư trong nước, khối ngoại lại chủ động xả hàng sau nhiều phiên mua liên tiếp. Nhóm này đã bán ra hơn 400 tỷ đồng, tập trung vào hai mã vốn hoá lớn là FPT và MWG, trong khi mới mua vào 350 tỷ đồng.

Đà tăng bị thu hẹp vào cuối phiên sáng, từ vùng 1.392 điểm còn 1.376 điểm, khi nhà đầu tư tranh thủ bán để cơ cấu danh mục. Sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán dâng lên mạnh hơn khiến chỉ số bị ấn xuống 1.367 điểm, mất hơn 3 điểm so với tham chiếu.

Nhóm chuyên gia của Chứng khoán Vietcombank cho rằng sự phục hồi từ nhóm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán là chưa đủ để chứng minh đây là thởi điểm thích hợp để các nhà đầu tư ngắn hạn bắt đáy. Nhóm này khuyên nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, tranh thủ những nhịp hồi phục để cơ cấu lại danh mục, đặc biệt là những nhà đầu tư có tỷ lệ vay nợ lớn.

Phương Đông

Lãnh đạo doanh nghiệp chi trăm tỷ đồng đỡ giá cổ phiếu

Chủ tịch Tập đoàn Trí Việt, CEO Gelex, hay Chủ tịch Đất Xanh vừa đăng ký mua thêm hàng triệu cổ phiếu trong bối cảnh thị giá giảm sâu.

Phiên sáng nay, trong khi TVB vẫn chịu cảnh “trắng bảng bên mua”, DXG và GEX đã tăng trở lại. Tính đến giữa phiên sáng, GEX tăng hơn 2,4% lên gần 30.000 đồng, còn DXG cũng có thêm 4,6% đạt gần 34.000 đồng.

Trước đó, trong hôm qua, lãnh đạo các doanh nghiệp này lần lượt đã công bố kế hoạch tung tiền để mua vào cổ phiếu.

Ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Việt (TVB) vừa đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu, với mục đích đầu tư dài hạn, nhằm tăng sở hữu lên 12,4%. Tập đoàn Trí Việt là công ty mẹ của Chứng khoán Trí Việt với sở hữu gần 51%.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu TVB và TVC của Chứng khoán Trí Việt giảm sàn liên tục gần đây. Ông Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt, vừa bị khởi tố với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán.

TVB đã giảm sàn 5 phiên liên tiếp gần đây, mất gần 50% thị giá so với đầu tháng 4. Trong khi đó, TVC cũng chung mạch giảm tương tự, từ vùng giá trên 20.000 đồng xuống còn hơn 10.000 đồng. Với mức thị giá hiện tại của cổ phiếu TVB, ông Tùng có thể phải chi ra hơn 100 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.

Chủ tịch Trí Việt không phải lãnh đạo duy nhất thông báo đăng ký mua cổ phiếu gần đây.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, CEO Tập đoàn Gelex, cũng vừa đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu trong một tháng, bắt đầu từ ngày 25/4. Tính theo thị giá hiện tại, ông Tuấn có thể phải chi ra khoảng 300 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch. Ông Tuấn hiện cũng là cổ đông lớn nhất tại Gelex.

Cổ phiếu Gelex liên tục bị bán tháo sau khi xuất hiện tin đồn thất thiệt liên quan đến ông Tuấn tuần đầu tháng này. Mã này đã mất hơn 30% thị giá so với đầu tháng 4, lùi về dưới ngưỡng 30.000 đồng.

Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch của Tập đoàn Đất Xanh (DXG), cũng đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu từ 27/4 đến 26/5. DXG chịu chung làn sóng giảm của nhóm cổ phiếu bất động sản gần đây. Cổ phiếu này giảm từ ngưỡng 46.500 đồng vào cuối tháng 3 xuống gần ngưỡng 30.000 đồng, mất gần 30%. Để hoàn tất giao dịch, ông Thìn có thể phải chi ra gần 170 tỷ đồng.

Động thái đăng ký mua vào của lãnh đạo các doanh nghiệp là diễn biến thường thấy khi cổ phiếu giảm sâu, nhằm trấn an nhà đầu tư, đồng thời cũng gửi thông điệp tới thị trường rằng, họ có niềm tin vào sự phục hồi trong tương lai.

DXG, GEX hay TVB nằm trong nhóm biến động mạnh khi thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng bởi những tin đồn và việc khởi tố lãnh đạo một số doanh nghiệp, công ty chứng khoán vì hành vi thao túng cổ phiếu. Những thông tin này tác động đến tâm lý nhà đầu tư, khiến nhiều nhóm tăng nóng giai đoạn trước, như bất động sản, đầu cơ hay nhóm chứng khoán bị bán tháo.

Minh Sơn

Chứng khoán dứt chuỗi giảm

VN-Index giảm đột ngột sau giờ nghỉ trưa, có thời điểm mất 15 điểm, trước khi đảo chiều ngay trước phiên ATC để đóng cửa trong sắc xanh.

Không còn là xu hướng một chiều trong phiên sáng, thị trường biến động với tốc độ nhanh hơn trong phiên chiều nay. Sau giờ nghỉ trưa, áp lực bán dâng lên mạnh hơn khiến VN-Index lùi sâu. Chỉ số của sàn HoSE có lúc giảm hơn 15 điểm, lùi về dưới ngưỡng 1.360 điểm.

Sắc xanh thu hẹp trong nhóm VN30, chủ yếu ở các mã ngân hàng, khiến lực đỡ cho thị trường yếu đi, trong khi nhóm vốn hóa trung bình và các mã đầu cơ vẫn chịu bán tháo. Các nhóm cổ phiếu được chú ý, như thủy sản hay bán lẻ, cũng không còn giữ được trạng thái tích cực.

Hơn 70 mã giảm sàn trên HoSE vào lúc 14h, phiên chiều ngày 22/4. Ảnh: VNDirect

Hơn 70 mã giảm sàn trên HoSE vào lúc 14h, phiên chiều ngày 22/4. Ảnh: VNDirect

Đến giữa phiên chiều, sắc đỏ chiếm ưu thế với 340 mã giảm trên HoSE, trong đó hơn 70 mã giảm sàn, so với hơn 100 mã giữ được sắc xanh. Riêng nhóm VN30, sắc xanh vẫn áp đảo hơn với 18/30 mã, song biên độ tăng đã thu hẹp đáng kể so với đầu giờ.

Tuy nhiên, khác với những phiên gần đây, lực cầu bắt đáy đã xuất hiện. Ngay trước phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), VN-Index bật ngược trở lại trên tham chiếu khi lệnh mua vào nhanh hơn.

Sự phục hồi của các cổ phiếu trụ, như nhóm ngân hàng, giúp thị trường lấy lại sắc xanh. VN-Index chốt phiên có thêm 9 điểm (0,66%) tiến gần ngưỡng 1.380 điểm, dứt chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp trước đó. VN30-Index tăng hơn 17 điểm (1,22%) lên 1.444,32 điểm.

Trên sàn Hà Nội, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế với HNX-Index và UPCOM-Index cùng chốt phiên dưới tham chiếu.

VN-Index tăng hơn 9 điểm sau phiên 22/4. Ảnh: VNDirect

VN-Index tăng hơn 9 điểm sau phiên 22/4. Ảnh: VNDirect

Trạng thái của thị trường có phần cân bằng hơn, dù sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế. Sàn HoSE ghi nhận hơn 200 mã tăng vào cuối phiên, so với 256 mã giảm. Riêng nhóm vốn hóa lớn, 22/30 mã bluechip tăng giá.

Nhóm ngân hàng vẫn là trụ đỡ chính của thị trường. VCB dẫn đầu đà tăng với biên độ gần 5%, STB có thêm hơn 4%, VPB tăng 3,7%, ACB, CTG, TPB, TCB, HDG vượt tham chiếu.

Một số mã vốn hóa lớn khác, như VJC, VHM, GAS, VIC, VNM cũng giao dịch tích cực. Trong đó, GAS chốt phiên tăng kịch biên độ 7%.

Nhóm bất động sản và đầu cơ diễn biến phân hóa. QCG, DXG tăng kịch trần, SCR, CII, ITA vượt xa tham chiếu. Tuy nhiên, CEO, NBB giảm sàn, NLG, DIG chốt phiên trong sắc đỏ. Trong nhóm đầu cơ, các mã liên quan tới nhóm Louis đều “trắng bảng bên mua”, tuy nhiên nhóm FLC tăng mạnh trở lại, nhiều mã tăng trần.

Ngoài ra, một số nhóm tăng liên tục từ đầu năm đã đảo chiều, như bán lẻ (FRT, DGW) chốt phiên giảm kịch sàn, các mã thủy sản như VHC, IDI cũng chung tình cảnh. Diễn biến tương tự với nhóm phân bón, với một số đại diện như DPM, DCM, BFC, LAF.

Thanh khoản thị trường có tăng, nhưng không quá đột biến, với sàn HoSE giao dịch hơn 24.700 tỷ đồng. Trong đó, nhóm VN30 giao dịch hơn 8.700 tỷ.

Khối ngoại tiếp tục chuỗi phiên mua ròng với giá trị gần 1.000 tỷ đồng trên HoSE, tập trung vào nhóm vốn hóa lớn, như MSN, HPG, GAS, VCB.

Minh Sơn

CEO Gelex đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu

Ông Nguyễn Văn Tuấn vừa đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu GEX trong một tháng, bắt đầu từ ngày 25/4.

Theo thông tin Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex vừa công bố, thành viên HĐQT, CEO Nguyễn Văn Tuấn thực hiện thương vụ này nhằm tăng tỷ lệ sở hữu.

Hiện tại, CEO Nguyễn Văn Tuấn nắm 192,2 triệu cổ phiếu GEX, tương đương 22,58% vốn. Nếu mua hết lượng cổ phiếu đăng ký, tỷ lệ sở hữu của ông Tuấn sẽ tăng lên 23,75%. Tính theo thị giá phiên hôm nay (21/4), ông Tuấn có thể phải chi 270 tỷ đồng để mua 10 triệu cổ phiếu. Ông Tuấn hiện cũng là cổ đông lớn nhất tại Gelex.

Cổ phiếu Gelex liên tục bị bán tháo sau khi xuất hiện tin đồn thất thiệt liên quan đến ông Tuấn tuần đầu tháng này. Hiện tại, cổ phiếu GEX giao dịch quanh mức 27.000 đồng, giảm hơn 32% so với đầu tháng 4.

Trước những diễn biến tiêu cực của giá cổ phiếu, hôm 12/4, Gelex đã lên tiếng khẳng định mọi hoạt động của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường. Công ty cho biết, phản đối kịch liệt những hành vi đưa tin không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng gây mất an ninh, an toàn thị trường.

Gelex tiền thân là Tổng công ty Thiết bị kỹ thuật điện và được cổ phần hóa từ năm 2010. Năm 2015, Bộ Công Thương thoái toàn bộ 100% vốn tại công ty này và nhóm nhà đầu tư bắt đầu vào điều hành, tái cấu trúc mạnh mẽ. Hiện tại, Gelex hoạt động theo mô hình holdings, với 2 khối kinh doanh chính là Sản xuất công nghiệp gồm sản xuất thiết bị điện, vật liệu xây dựng và Hạ tầng gồm sản xuất nguồn điện tái tạo, nước sạch, đầu tư phát triển khu công nghiệp…

Doanh nghiệp này sẽ tổ chức phiên họp thường niên vào đầu tháng tới. Theo tài liệu trình đại hội đồng cổ đông, Gelex đặt mục tiêu đặt doanh thu hợp nhất 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.618 tỷ đồng, đều tăng khoảng 26% so với năm ngoái.

Anh Tú

Cổ phiếu họ Louis ‘nhảy múa’ ra sao dưới thời ông Đỗ Thành Nhân

Ông Đỗ Thành Nhân từng khẳng định không thao túng cổ phiếu nhưng sự xuất hiện của “Louis” đã giúp một loạt cổ phiếu “từ vịt trời hóa thiên nga”.

Tiền tố “Louis” từng là hiện tượng khi đi liền với những thương vụ M&A liên quan tới Công ty cổ phần Louis Holdings (tên cũ là Công ty cổ phần Tập đoàn Louis Rice) – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản do ông Đỗ Thành Nhân, người vừa bị bắt tối qua với cáo buộc thao túng chứng khoán, giữ chức chủ tịch.

Sinh năm 1981 tại An Giang, ông Đỗ Thành Nhân khởi nghiệp bằng nghề buôn gạo tại Cần Thơ. Ngay trong năm 2003 khi vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản trị Kinh doanh, ông cùng vợ lập công ty đầu tiên tên là Doanh nghiệp tư nhân Thành Nhân.

Khi việc buôn gạo gặp khó, ông Nhân tham gia vào một loạt lĩnh vực mới, với hơn chục công ty được lập ra từ năm 2003. Tuy nhiên, ông chỉ thực sự được chú ý trên thị trường vào năm 2021, dưới vai trò Chủ tịch Louis Holdings khi thâu tóm một loạt doanh nghiệp khác trên sàn chứng khoán.

Chỉ trong một năm, từ đầu năm 2021, doanh nghiệp đã trở thành cổ đông lớn của 5 đơn vị gồm Công ty cổ phần Louis Capital (TGG), Công ty cổ phần Louis Land (BII), Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar – LDP), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex – AGM) và Công ty cổ phần Sametel (SMT).

Nhóm này vốn chỉ là những công ty quy mô nhỏ, kết quả kinh doanh sa sút hoặc có tốc độ tăng trưởng chậm, gần như “không ai nhớ mặt đặt tên”. Sau khi về một nhà với nhóm “Louis”, những cổ phiếu này lột xác hóa “thiên nga”, tăng phi mã trên sàn chứng khoán. Trong đó, TGG và BII là hai cái tên ấn tượng nhất.

TGG có tên cũ là Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Trường Giang, hoạt động chính là thi công, xây lắp các công trình xây dựng. Còn BII tên ban đầu là Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư, kinh doanh bất động sản khu công nghiệp. Cuối năm 2020, thị giá TGG trên sàn chứng khoán chỉ loanh quanh vùng 1.200-1.400 đồng, trong khi BII cũng không khá hơn, giao dịch ở ngưỡng 2.000-3.000 đồng.

Tuy nhiên, khi nhóm cổ đông liên quan tới Louis Holdings xuất hiện, TGG và BII trở thành hiện tượng.

TGG tăng trở lại mệnh giá rồi vọt tiếp từ vùng giá 10.000 đồng lên hơn 64.000 đồng bằng một chuỗi phiên tăng trần liên tiếp, BII cũng tương tự, tăng lên mức đỉnh hơn 31.000 đồng trước khi điều chỉnh. Chỉ trong vài tháng, thị giá TGG đã tăng hơn 50 lần, còn BII tăng hơn 10 lần.

Ngoài TGG và BII, những công ty niêm yết khác có “bóng dáng” Louis Holdings xuất hiện, như AGM, APG, DDV hay SMT cũng ghi nhận những phiên tăng kịch trần liên tiếp. Mức tăng phổ biến trên 100%, vượt xa các mã khác trên thị trường.

Dù vậy, giới phân tích thời điểm đó đánh giá đà tăng của nhóm này chủ yếu do dòng tiền đầu cơ, thu hút nhà đầu tư bởi mức lợi nhuận ngắn hạn khi giá liên tục tăng trần.

Thực tế sau đó, giá cổ phiếu nhóm Louis tăng nhanh bao nhiêu thì cũng giảm với tốc độ cao bấy nhiêu. Từ cuối tháng 9, sắc tím trên bảng điện của nhóm cổ phiếu này thay đổi thành màu xanh dương, màu của mức giá sàn, với chuỗi phiên giảm liên tục. Diễn biến này đồng thời với thông tin phát đi từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết cơ quan quản lý sẽ giám sát chặt những cổ phiếu có dấu hiệu giao dịch bất thường.

Nhưng hơn một lần, lãnh đạo Louis Holdings khẳng định không làm giá cổ phiếu. Tháng 9/2021, trong công văn do ông Đỗ Thành Nhân ký gửi Ủy ban chứng khoán, Louis Capital cho biết không thực hiện bất cứ hành vi nào để tác động về giá cổ phiếu cũng như thao túng thị trường chứng khoán, đồng thời cam kết “chưa từng và sẽ không bao giờ thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán”. Ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Holdings, cũng nói trước các cổ đông rằng “vàng thật không sợ lửa” khi bị hỏi về thông tin thao túng giá.

Tháng 10/2021, Tổng giám đốc Louis Holdings Nguyễn Mai Long một lần nữa cho biết các doanh nghiệp trong nhóm này không dùng biện pháp trực tiếp hay gián tiếp nào để can thiệp giá cổ phiếu. Ông thậm chí còn nói “ngạc nhiên” trước biến động mạnh của thị trường.

Dù giá cổ phiếu của nhóm này có phần hạ nhiệt, cái tên “Louis” vẫn không kém sức hút. Những thông tin về sự tham gia của các doanh nghiệp họ Louis tại Thuduc House hay Địa ốc Hoàng Quân đều khiến cổ phiếu nổi sóng, nhà đầu tư quan tâm.

Luôn khẳng định không tác động tới thị trường nhưng giá các cổ phiếu tăng đã giúp doanh nghiệp nhóm Louis có lợi nhuận cao, nói cách khác, nhóm doanh nghiệp này lấy “buôn cổ phiếu” là nguồn thu chính.

Năm ngoái, Louis Capital chốt lãi chứng khoán khi bán cổ phần tại nhiều công ty, đưa lợi nhuận vượt gấp 50 lần kế hoạch đề ra. Trong năm, doanh thu tài chính của công ty này tăng gần 34 lần so với năm liền trước, chủ yếu là lãi kinh doanh chứng khoán, chiếm 99,5%.

Tương tự, doanh thu tài chính của Louis Land tăng đột biến từ hơn 100 triệu đồng trong năm ngoái lên hơn 94 tỷ đồng, chủ yếu là lãi chuyển nhượng công ty.

Ladophar và Angimex năm qua cũng ghi nhận đóng góp lớn của doanh thu hoạt động tài chính. Trong đó, Ladophar ghi nhận lợi nhuận dương và xóa lỗ lũy kế trong quý IV/2021 nhờ doanh thu tài chính đột biến từ khoảng 766 triệu đồng lên hơn 31 tỷ đồng. Angimex cũng có doanh thu tài chính tăng gần 3 lần. Trong đó, phần lớn là lãi từ đầu tư cổ phiếu, giúp doanh nghiệp này thu về gần 36 tỷ đồng.

Sự chú ý của cơ quan quản lý cũng không chỉ dừng ở mức độ theo dõi. Cuối tháng 3, loạt doanh nghiệp họ Louis bị Ủy ban chứng khoán xử phạt hành chính vì nhiều sai phạm.

Louis Holdings bị xử phạt hành chính hơn 161,2 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong 2 tháng, khi doanh nghiệp này đã giao dịch cổ phiếu TGG của Louis Capital vượt quá giá trị đăng ký.

Louis Capital cũng đã bị phạt 232,5 triệu đồng với nhiều lỗi như vi phạm công bố thông tin, không đảm bảo tối thiểu một phần ba tổng số thành viên Hội đồng quản trị không điều hành, không đảm bảo cơ cấu và số thành viên Hội đồng quản trị độc lập, không bổ nhiệm người phụ trách quản trị công ty theo quy định.

Hôm qua, ông Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch Louis Holdings), Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt) cùng bị bắt với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán. Ông Nhân bị cáo buộc thông đồng với ông Nam và một số người “sử dụng nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán để mua, bán và lôi kéo người khác nhằm thao túng giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần Louis Capital (mã TGG), Công ty Cổ phần Louis Land (mã BII) và các mã chứng khoán khác. Hành vi này bị coi là trái quy định pháp luật, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Sau một năm “làm mưa, làm gió” trên thị trường, đầu năm nay, cùng với sự thoái trào của nhóm cổ phiếu đầu cơ, các mã họ Louis cũng liên tục dò đáy.

Phiên hôm qua, toàn bộ nhóm này “trắng bảng bên mua”, diễn biến thường thấy của các mã họ Louis trong những tháng đầu đầu năm. Cổ phiếu BII lùi về ngưỡng 7.500 đồng, TGG cũng giảm xuống còn 15.300 đồng, thấp hơn 70-80% so với mức đỉnh vào giữa tháng 9/2021. Các mã khác trong nhóm này cũng lùi sâu về gần mức khởi đầu trước khi tăng.

Minh Sơn

Chứng khoán HSC giảm lãi trong quý đầu năm

Quý I, doanh thu của Công ty chứng khoán TP HCM tăng 16% nhưng lãi trước thuế lại giảm 12% xuống 354 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC) cho biết doanh thu ba tháng đầu năm xấp xỉ 854 tỷ đồng. Hoạt động cho vay ký quỹ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu khi đóng góp 373 tỷ đồng. Đây cũng là mảng kinh doanh duy nhất ghi nhận tăng trưởng doanh thu với 68%.

Trong khi đó, doanh thu nghiệp vụ môi giới giảm 4% còn hoạt động tự doanh giảm 7%, lần lượt đạt 283 tỷ dồng và 187 tỷ đồng. HSC là công ty chứng khoán đứng thứ năm về thị phần môi giới trên sàn TP HCM với 5,24% trong quý đầu năm nay, giảm 0,4 điểm phần trăm so với quý cuối năm ngoái.

Mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp có mức giảm sâu nhất tới 72%, mang về chưa đến 5 tỷ đồng. Theo ban lãnh đạo HSC, doanh số báo cáo trong kỳ kế toán thường không phản ánh đủ kết quả kinh doanh của mảng này do đặc thù ghi nhận doanh thu của các thương vụ tư vấn.

Sau khi trừ chi phí, HSC báo lãi trước thuế 354 tỷ đồng và lãi sau thuế 283 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối tháng 3 được nâng lên trên 1.500 tỷ đồng.

Tổng tài sản của công ty xấp xỉ 22.800 tỷ đồng. Các khoản cho khách hàng vay chiếm gần 64% trong số này, tương đương hơn 14.500 tỷ đồng.

Phương Đông

Khối ngoại mua ròng trong phiên thị trường giảm thứ năm liên tiếp

Khối ngoại mạnh tay giải ngân nhưng các đợt call margin, bán giải chấp khiến nhà đầu tư trong nước mất bình tĩnh, kéo VN-Index mất thêm 22 điểm.

Dòng tiền bắt đáy xuất hiện trong những phút đầu phiên, đặc biệt ở các mã vốn hoá lớn, giúp VN-Index có lúc lên trên tham chiếu. Một số thời điểm trong phiên chỉ số đại diện cho rổ VN30 còn tăng đến 10 điểm. Tuy nhiên, áp lực xử lý tài sản đảm bảo cho các khoản vay ký quỹ khiến chỉ số nhanh chóng đảo chiều vào cuối mỗi phiên sáng và chiều.

Từ khoảng 13h30, VN-Index có dấu hiệu mất phanh khi rơi từ quanh tham chiếu xuống 1.390 điểm. Chỉ số xuyên thủng hàng loạt mốc hỗ trợ mà nhiều nhóm phân tích kỳ vọng trước khi đóng cửa tại 1.384 điểm, giảm gần 22 điểm so với hôm qua.

Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM đã có chuỗi giảm năm phiên liền, đồng thời là phiên giảm thứ chín trong số 11 phiên giao dịch gần nhất.

Thị trường bị bao trùm bởi sắc đỏ khi có hơn 380 cổ phiếu giảm, trong đó gần 100 mã giảm hết biên độ. GVR là cổ phiếu duy nhất của rổ VN30 giảm sàn và không có bên mua, còn lại tập trung ở nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao như HQC, FLC, FTM, HAR…

Lực đỡ cho thị trường chủ yếu đến từ các cổ phiếu ngành thực phẩm, thuỷ sản như MSN, SAB, VHC, ANV. Nhóm ngân hàng cũng có một số cổ phiếu đi ngược dòng như VCB, ACB, MBB, và nằm trong danh sách những mã tác động tích cực nhất đến VN-Index dù mức tăng không quá 1%.

Thanh khoản thị trường đạt 20.500 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với hôm qua. Phân theo nhóm ngành thì tiền tập trung vào cổ phiếu tài chính, công nghiệp và bất động sản. Tính theo cổ phiếu thì VPB đứng đầu về giá trị giao dịch với hơn 760 tỷ đồng, sau đó là hai mã giảm sâu GEX và DQC với giá trị lần lượt 674 tỷ đồng và 606 tỷ đồng.

Trong khi nhà đầu tư nội ráo riết xả hàng, khối ngoại lại giải ngân không ngừng. Nhóm này đã mua tổng cộng 7.920 tỷ đồng nhưng chỉ bán ra 7.340 tỷ đồng, tương ứng giá trị mua ròng gần 600 tỷ đồng trong chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp. Riêng phiên hôm nay, họ tập trung giải ngân vào chứng chỉ quỹ E1VFVN30, GEX, DXG, VHM và DPM.

Áp lực bán tháo do ảnh hưởng từ việc lệnh gọi ký quỹ và bán giải chấp của các công ty chứng khoán khiến nhiều cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá bán. Theo nhóm phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, điều này có thể mở ra kỳ vọng lực cầu bắt đáy gia tăng trong những phiên tới và chỉ số sớm xác lập đáy ngắn hạn.

Phương Đông

Lý do VN-Index mất gần 120 điểm trong nửa tháng

Chứng khoán giảm 8 trong 10 phiên gần nhất vì nhà đầu tư cá nhân hoảng sợ khi chứng kiến đợt điều chỉnh sâu vượt xa mọi dự báo, theo chuyên gia.

Thị trường chứng khoán đóng cửa phiên giao dịch 19/4 tại 1.406 điểm, mất 26 điểm, nâng tổng số điểm sụt giảm trong nửa tháng (từ 5/4 đến nay) lên 118 điểm. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM đã trở về vùng giá cách đây nửa năm khi áp lực bán tháo lan từ nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ, có tính đầu cơ sang các cổ phiếu vốn hoá vừa và lớn.

Áp lực xả hàng khiến thị trường bị bao trùm bởi sắc đỏ 8 trong số 10 phiên giao dịch gần nhất. Trong số này có 5 phiên giao dịch mà chỉ số giảm trên 1,35%, tức không dưới 20 điểm. Vốn hoá sàn TP HCM vì thế cũng “bốc hơi” hơn 460.000 tỷ đồng, chỉ còn 5,57 triệu tỷ đồng.

Ông Phan Hoàng Sơn, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn thuộc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), cho rằng thị trường chứng khoán vài năm trở lại đây thường biến động mạnh vì những thông tin thời sự về dịch bệnh, bắt giam lãnh đạo hoặc thông tin rất tiêu cực của một doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, các lý do này đều không xuất hiện trong nửa tháng trở lại đây. Do đó, theo ông, việc chỉ số giảm liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại phần nhiều vì tâm lý nhà đầu tư ngày càng bi quan khi chứng kiến đợt điều chỉnh sâu vượt mọi dự báo.

Theo ông Sơn, trong những đợt giảm sâu thì các công ty chứng khoán thường call margin hai lần mỗi phiên. Đây là hoạt động bán bất kỳ chứng khoán nào trong danh mục của nhà đầu tư mà không phải hỏi ý kiến do họ không kịp bổ sung tài sản đảm bảo để đưa tỷ lệ đòn bẩy về mức quy định. Lần đầu thường được thực hiện vào 10h30 với những tài khoản “rất căng”. Đối với những tài khoản có độ căng vừa phải, các công ty chứng khoán sẽ call margin vào khoảng 14h nếu thị trường xấu đi.

Các phiên giao dịch gần đây đều xuất hiện nhịp giảm mạnh vào hai khung giờ này. Điển hình như chiều 19/4, VN-Index đảo chiều và rơi thẳng đứng từ 14h. Nhịp giảm này khiến nhiều nhà đầu tư mất bình tĩnh, quyết bán bằng mọi giá làm tình hình trầm trọng hơn.

“Thị trường chứng khoán thời gian qua được dẫn dắt bởi dòng tiền đầu cơ ngắn hạn và sử dụng đòn bẩy tài chính lớn nên rất nhạy cảm với những tín hiệu tiêu cực”, ông Sơn nói.

Nhà đầu tư theo dõi bảng giá tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT. Ảnh: HK.

Nhà đầu tư theo dõi bảng giá tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT. Ảnh: Hữu Khoa

Đồng quan điểm, ông Lê Vũ Kim Tinh, Giám đốc chi nhánh Tân Bình thuộc Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), cũng cho rằng call margin và tâm lý yếu là nguyên nhân chính khiến VN-Index mất điểm ngày càng nhiều hơn, từ 0,34% vào giữa tuần trước lên 1,83% trong phiên hôm nay.

Một chuỗi giảm chỉ cần kéo dài bốn phiên có thể đã khiến nhà đầu tư mất lòng tin ngắn hạn vào thị trường. Những ai đã trót vào thì sẽ cố gắng rút ra, còn người chưa vào hoặc đang có ý định vào cũng cân nhắc lại. Vì thế, áp lực bán tại vùng giá giảm 30-40% so với đỉnh rất lớn nhưng dòng tiền bắt đáy vẫn dè dặt.

Theo ông Tinh, dòng tiền đầu cơ rút ra thường kích hoạt một đợt bán tháo kéo dài, đưa những cổ phiếu tăng trưởng nóng trong thời gian ngắn trở lại gần hoặc đúng giá trị thực. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp với tầm nhìn trung và dài hạn có thể có chút bối rối với diễn biến này, nhưng hành động tiếp theo của họ thường là tăng tỷ trọng cổ phiếu bởi kỳ vọng vào câu chuyện thăng hạng thị trường, thoái vốn nhà nước, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp các năm tới vẫn còn nguyên.

Cả hai chuyên gia cùng cho rằng tâm lý bi quan khiến VN-Index còn giảm thêm vài phiên, thủng mốc 1.400 điểm và nếu tiêu cực hơn có thể lui về 1.300 điểm. Báo cáo tài chính quý đầu năm của các doanh nghiệp, ngân hàng lớn được công bố với thông tin tích cực có thể giúp chỉ số xuất hiện những nhịp hồi mang tính kỹ thuật.

“Đây không phải là thời điểm vào bắt đáy, mà là cơ hội để thoát hàng”, ông Tinh nói.

Ông khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân giảm tỷ lệ vay ký quỹ về bằng 0, chỉ nắm giữ cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt được mua bằng tiền tươi thóc thật. Ông cũng không đánh giá cao hành động mua bình quân giá cho những mã có tính đầu cơ cao vì cho rằng rất khó để xác định đáy thực sự.

VN-Index đã xuyên thủng đườgn MA200. Ảnh: Tradingview.com.

VN-Index đã xuyên thủng đườgn MA200. Ảnh: Tradingview.com.

Chuỗi giảm mạnh nhất từ đầu năm đã khiến VN-Index xuyên thủng ngưỡng MA200 (đường trung bình động thể hiện xu hướng giá cổ phiếu trong 200 phiên gần nhất), mở ra khả năng về xu hướng giảm trung hạn. Dựa vào đồ thị kỹ thuật này, nhiều nhóm phân tích cũng đưa ra khuyến nghị tương tự ông Tinh.

Công ty Chứng khoán MB trong báo cáo tối 19/4 cho rằng, nhiều khả năng chỉ số sẽ mất mốc 1.400 trong phiên ngày mai và vùng hỗ trợ lúc này là 1.376 điểm. Công ty Chứng khoán BSC dự đoán khi về gần 1.400 điểm thì chỉ số sẽ bật ngược lên, còn không sẽ lao thẳng xuống 1.380 điểm.

Hai nhóm phân tích cùng quan điểm xu hướng giảm chỉ có thể kết thúc nếu xuất hiện lực bắt đáy của “dòng tiền tham lam”. Do đó, nhà đầu tư nên để dành tiền mặt và kiên nhẫn chờ đợi phiên xác nhận tạo đáy mới tham gia lại.

Phương Đông

Chứng khoán lại bị bán tháo

Chỉ trong 30 phút cuối phiên chiều và phiên ATC, lực bán tháo ồ ạt khiến thị trường rơi thẳng đứng, gần 100 cổ phiếu trên HoSE và 52 mã trên HNX giảm kịch sàn.

Thị trường mở cửa phiên hôm nay trong sắc xanh, sau phiên giảm mạnh đầu tuần. Đà phục hồi kỹ thuật là điều được giới phân tích dự báo từ cuối phiên hôm qua và cũng trở thành xu hướng chính trong phiên sáng. Các nhóm chủ chốt như ngân hàng và bất động sản giữ sắc xanh khi mở cửa. Tuy nhiên, trạng thái thận trọng vẫn bao trùm khiến đà tăng của chỉ số chỉ vượt nhẹ trên tham chiếu. Lực mua không quá mạnh trong khi lực bán cũng chững lại.

Tuy nhiên, nhịp giao dịch yên bình của thị trường đã hoàn toàn thay đổi vào phiên chiều.

Nhiều mã midcap và penny (góc bên phải) giảm sàn trong phiên 19/4. Ảnh: VNDirect

Nhiều mã midcap và penny (góc bên phải) giảm sàn trong phiên 19/4. Ảnh: VNDirect

Lực bán dần tăng lên sau giờ nghỉ trưa, đặc biệt là sau 14h, khiến chỉ số đào chiều giảm mạnh. Nhịp rơi thẳng đứng của chỉ số cũng khiến nhiều nhà đầu tư mất bình tĩnh, quyết bán bằng mọi giá, làm tình hình trầm trọng hơn. Chỉ trong vài phút, nhiều cổ phiếu bị lực bán tháo ép thẳng về giá sàn. Đà giảm mạnh nhất ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, ngân hàng và đầu cơ.

Chốt phiên, VN-Index mất hơn 26 điểm (1,83%) xuống sát ngưỡng 1.400 điểm. VN30-Index giảm gần 28 điểm (1,88%) về 1.440,61 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index mất gần 2,6%, còn UPCOM-Index giảm hơn 1,7%.

Đà giảm trong phiên hôm nay nối dài chuỗi đỏ lửa của thị trường, khiến VN-Index giảm 7 trong 8 phiên gần nhất với biên độ giảm hơn 110 điểm.

Số mã giảm chiếm áp đảo với 371 mã chốt phiên dưới tham chiếu trên HoSE, trong đó có 98 mã giảm sàn, so với 101 mã tăng. Trong nhóm vốn hóa lớn, 25/30 bluechip đóng cửa trong sắc đỏ. Tình trạng tương tự trên sàn HNX, 183 mã giảm với 52 mã giảm sàn, so với 68 mã tăng.

VN-Index giảm hơn 26 điểm sau phiên 19/4. Ảnh: VNDirect

VN-Index giảm hơn 26 điểm sau phiên 19/4. Ảnh: VNDirect

Nhịp giảm đột ngột cuối phiên khiến nhiều mã nhóm midcap và penny “trắng bảng bên mua”, đặc biệt là nhóm đầu cơ và bất động sản. HQC, PTL, TNI, SJF, ITA, CII, NBB giảm kịch sàn dù trước đó hầu hết đều tăng giá trong phiên sáng. Một số mã bất động sản khác như QCG, DIG, DXG, CEO cũng chốt phiên trong sắc đỏ.

Trong nhóm đầu cơ, nhóm cổ phiếu họ FLC (FLC, ROS, AMD, KLF, HAI), nhóm Louis (TGG, BII, AGM), hay Hoàng Huy (HHS, TCH) đều chốt phiên trong trạng thái trắng bảng, giảm hết biên độ. Một số mã nhóm thép, xây dựng, thủy sản cũng trong tình trạng tương tự.

Ở phân khúc vốn hóa cao hơn, nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng cũng nối dài đà giảm những phiên gần đây. Trong nhóm VN30, SSI gần giảm sàn, STB mất hơn 5%, TPB, ACB, MBB giảm trên 3%, TCB, VPB mất hơn 2%. Các mã khác như FPT, GVR, PLX cũng lùi sâu.

Thanh khoản thị trường chỉ ở mức trung bình với giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 22.600 tỷ đồng, trong đó nhóm VN30 giao dịch hơn 8.300 tỷ. Khối ngoại giữ trạng thái mua ròng với quy mô gần 300 tỷ đồng.

Minh Sơn

Tập đoàn FLC bị bán giải chấp cổ phiếu HAI

Công ty Chứng khoán BOS hôm nay thông báo bán giải chấp 8 triệu cổ phiếu HAI thuộc sở hữu của Tập đoàn FLC.

Công ty Chứng khoán BOS cho biết, lượng cổ phiếu dự kiến bán giải chấp là con số ước tính tại thời điểm công bố thông tin. Thực tế có thể ít hoặc nhiều hơn do giá thị trường làm thay đổi giá trị tài sản đảm bảo, hoặc do chủ tài khoản bổ sung tài sản đảm bảo để đủ tỉ lệ giao dịch ký quỹ.

Thông thường, công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu khi nhà đầu tư (cá nhân hoặc tổ chức) sử dụng đòn bẩy tài chính và giá cổ phiếu xuống dưới ngưỡng cho phép của công ty chứng khoán nhưng nhà đầu tư chưa nộp thêm tiền. Việc bán giải chấp này nhằm thu hồi lại tiền mà công ty chứng khoán đã cho nhà đầu tư vay.

Tập đoàn FLC đang sở hữu 23,11 triệu cổ phiếu, tương ứng 12,65% vốn Công ty cổ phần Nông dược HAI (mã chứng khoán: HAI) trước giao dịch bán giải chấp.

Động thái bán giải chấp được Chứng khoán BOS thực hiện khi cổ phiếu HAI lao nhanh từ vùng 6.800 đồng còn 4.750 đồng, tức mất 30% từ khi cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt đến nay.

Trong phiên bán giải chấp hôm nay, HAI giảm hết biên độ còn 4.550 đồng một cổ phiếu và khớp lệnh hơn 6,16 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán BOS và HAI đều là những công ty trong hệ sinh thái của Tập đoàn FLC. Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch FLC trước đây từng là Chủ tịch Chứng khoán BOS. Bà Bùi Hải Huyền, Tổng giám đốc FLC hiện là Thành viên Hội đồng quản trị HAI.

Phương Đông