Chứng khoán

Ông Nguyễn Duy Hưng: Tôi không kinh doanh cổ phiếu SSI

Chủ tịch SSI khẳng định không kinh doanh, mua bán kiếm lợi từ cổ phiếu SSI của chính ông, mà giá cổ phiếu là do thị trường định đoạt.

Phiên họp thường niên năm nay của Công ty chứng khoán SSI (SSI), tổ chức chiều 7/5, diễn ra dưới hình thức trực tuyến, nhưng không vì thế mà “sức nóng” giảm bớt.

Thị trường kém tích cực khiến nhà đầu tư lo ngại về ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của nhóm chứng khoán, câu chuyện cạnh tranh thị phần hay diễn biến giá cổ phiếu là những chủ đề được cổ đông quan tâm.

So với mức đỉnh trước đó, thị giá cổ phiếu SSI tính tới phiên giao dịch gần nhất đã giảm xấp xỉ 50%. Được nhà đầu tư ví như “anh cả” của ngành chứng khoán, diễn biến của riêng SSI và phần còn lại của thị trường trở thành đề tài được đưa ra chất vấn. “Tại sao kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tốt nhưng giá cổ phiếu lại giảm sâu”, một cổ đông nêu quan điểm.

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Duy Hưng, cho biết diễn biến giá cổ phiếu là “điều khó khăn nhất” với ông, nhưng đây là vấn đề do thị trường định đoạt, do kỳ vọng của nhà đầu tư. Người đứng đầu SSI khẳng định ông và gia đình không bao giờ mua, bán bất kỳ cổ phiếu SSI nào mà không công bố, đồng thời không tham gia bất kể hoạt động đánh lên hay đánh xuống.

“Tôi cũng thích giá cổ phiếu lên lắm. Bởi giá lên thì tài sản nhiều, song giá cổ phiếu là do thị trường định đoạt. Việc chúng tôi có thể làm là giữ mọi thứ minh bạch, an toàn, tận dụng cơ hội thị trường để công ty phát triển tốt. SSI không tham gia trực tiếp vào mua hay bán cổ phiếu”, ông Hưng nói.

Trước câu hỏi về kế hoạch mua vào cổ phiếu khi thị giá đã giảm sâu, ông cũng khẳng định “18-20 năm nay bản thân không kinh doanh mua bán kiếm lợi từ cổ phiếu của chính mình. Cổ phiếu SSI mà ông sở hữu hiện nay đã có từ những ngày đầu thành lập”.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, tại phiên họp thường niên năm 2022. Ảnh: SSI

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, tại phiên họp thường niên năm 2022. Ảnh: SSI

Gắn liền với câu hỏi về giá cổ phiếu, cổ đông cũng thắc mắc về triển vọng thị trường. Sự lo ngại đến từ diễn biến những phiên gần đây khi VN-Index liên tục giảm, còn thanh khoản thị trường cũng thấp hơn đáng kể so với chỉ cách đây vài tháng.

Theo người đứng đầu SSI, những phiên giao dịch cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là những “phiên giao dịch trong mơ”. Vì thị trường đã ghi nhận những phiên có thanh khoản lên đến 30.000-40.000 tỷ đồng nên khi giảm xuống 14.000-17.000 tỷ đồng khiến nhà đầu tư cảm thấy sự thay đổi khủng khiếp. Tuy nhiên, nếu thị trường tăng dần dần từ năm ngoái đến nay mà không có bước đột phá, mức 14.000-15.000 tỷ mỗi phiên vẫn là sự tăng trưởng tốt.

“Chúng ta không thể lấy điều kiện trong mơ mà áp dụng mãi trong đời thực”, Chủ tịch SSI nói và cho rằng, mức thanh khoản hiện tại của thị trường là phù hợp.

Chia sẻ thêm với cổ đông và nhà đầu tư về triển vọng thị trường, Chủ tịch SSI cho biết ông đánh giá cao về cơ hội khi nhìn các yếu tố dài hạn. “Chúng ta dựa vào biến động ngắn hạn để đầu tư mua hay bán sẽ dễ thua thiệt. Nhưng nếu chúng ta nhìn nhận một câu chuyện vĩ mô dài hơn, sẽ thấy cơ hội thị trường từ khả năng nâng hạng, sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Ngoài ra, câu chuyện thị phần cũng là vấn đề được cổ đông quan tâm tại phiên họp. Sự vươn lên của Công ty chứng khoán VPS đã làm xáo trộn bảng xếp hạng thị phần môi giới chứng khoán. SSI từng là công ty giữ vị trí đứng đầu trong hơn thập kỷ, đã mất “ngôi vương” từ quý I/2021 và ghi nhận thị phần liên tục giảm.

Theo Chủ tịch SSI, sự thay đổi này do cách tiếp cận và phong cách khác nhau. Mỗi công ty chứng khoán có một chiến lược, cách tiếp cận, thu hút và phục vụ nhà đầu tư riêng.

Với điều kiện hiện nay, ông Hưng cho biết công ty chưa cần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Năm nay, SSI trình và được cổ đông thông qua kế hoạch đạt 10.330 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận trước thuế 4.370 tỷ đồng, đều tăng trên 30% so với thực hiện năm 2021.

Về kế hoạch tăng vốn, năm nay SSI trình phương án chào bán tối đa hơn 104 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Giá chào bán không thấp hơn 90% giá đóng bình quân của 10 ngày giao dịch liên tiếp trước ngày phê duyệt phương án phát hành. Sau phát hành, vốn điều lệ công ty dự kiến đạt gần 16.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, SSI cũng bổ sung tờ trình tiếp tục thực hiện phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Trước đó, các cổ đông đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1, với giá 15.000 đồng mỗi cổ phần.

Đại hội cũng tiến hành bầu bổ sung ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao làm thành viên Hội đồng quản trị độc lập thay ông Ngô Văn Điểm đã hết nhiệm kỳ.

Minh Sơn

Cổ phiếu đắt nhất HNX giảm 51% trong một tháng

L14 – cổ phiếu từng có giá gần 500.000 đồng – hôm nay chạm sàn, chỉ còn 153.600 đồng, giảm nửa trong một tháng và mất “danh hiệu” đắt nhất HNX.

Hôm nay là phiên giảm thứ tư liên tiếp của L14, trong đó có ba phiên mất hết biên độ 10%.

Một tháng qua, cổ phiếu này giao dịch 19 phiên thì hơn phân nửa trong số đó đóng cửa với mức giảm trên 5%. Điều này khiến giá rơi nhanh từ vùng 318.000 xuống như hiện tại.

Nếu tính từ mức đỉnh 484.000 đồng được thiết lập cách đây bốn tháng thì giá giảm đến 68%, tức mỗi cổ phiếu “bốc hơi” 330.000 đồng.

L14 là mã chứng khoán của Công ty cổ phần Licogi 14 – doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản và dịch vụ. Cổ phiếu này bắt đầu chuỗi tăng nóng từ tháng 9/2021, khi giá đang giằng co quanh vùng 87.000-90.000 đồng thì bật lên 300.000 đồng chỉ trong ba tháng. Đà tăng hạ nhiệt trong một tháng rồi lại tiếp tục vọt lên và chạm đỉnh 484.000 đồng. Để mua khớp lệnh cổ phiếu này qua sàn Hà Nội, nhà đầu tư khi đó cần ít nhất khoảng 50 triệu đồng.

L14 có thời gian dài là cổ phiếu đắt nhất cả ba sàn chứng khoán (HoSE, HNX, UPCoM) nhưng kết quả kinh doanh tương đối khiêm tốn. Năm ngoái, công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất 564 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 372 tỷ đồng. Công ty đặt mục tiêu năm nay sẽ thu 569 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm còn 254 tỷ đồng.

Licogi 14 có tổng tài sản 1.280 tỷ đồng, trong đó gần 800 tỷ đồng là các khoản đầu tư vào cổ phiếu. Nhờ đó ba tháng đầu năm công ty ghi nhận doanh thu 29 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế lên đến 112 tỷ đồng do lãi từ hoạt động đầu tư.

Phương Đông

Chứng khoán giảm mạnh sau nghỉ lễ

Cổ phiếu vốn hoá lớn bị bán mạnh và dòng tiền bắt đáy thận trọng khiến VN-Index giảm hơn 18 điểm, xuống vùng giá thấp nhất bốn phiên.

Trong báo cáo chiến lược đầu tư trước phiên hôm nay, nhiều nhóm phân tích kỳ vọng VN-Index có khả năng tiếp tục phục hồi lên vùng 1.380 điểm. Động lực tăng điểm được dự đoán đến từ dòng tiền bắt đáy những cổ phiếu vốn hoá lớn có kết quả kinh doanh tích cực nhưng giá chiết khấu mạnh trong thời gian qua.

Tuy nhiên, thực tế lại khác hoàn toàn. Các mã bluechip là đối tượng chịu áp lực bán mạnh nhất từ khi mở cửa đến chốt phiên, trở thành tác nhân chính khiến chỉ số đại diện sàn TP HCM mất 18 điểm, đóng cửa tại 1.347 điểm – vùng giá thấp nhất bốn phiên. 10 mã tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chung đều thuộc rổ VN30, trong đó 6 mã ngân hàng, với biên độ phổ biến 2,5-4,8%.

Ban đầu, các mã vốn hoá vừa và nhỏ ngược dòng nhóm VN30. Tuy nhiên, áp lực xả hàng lan nhanh và rộng khiến nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép, phân bón… cũng đảo chiều về dưới tham chiếu trong những phút cuối phiên. Tổng số cổ phiếu giảm trên sàn TP HCM hôm nay lên đến 300 mã, trong đó 16 mã mất hết biên độ.

Các cổ phiếu liên quan đến Tập đoàn FLC như FLC, ART, AMD, KLF, HAI đều giảm hết biên độ và không có bên mua. ROS diễn biến khả quan nhất trong nhóm này nhưng cũng mất 4,9%, xuống sát vùng giá 5.000 đồng. Một số mã liên quan đến Louis Holdings như TGG, BII, VKC cũng giảm sàn.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu dầu khí hút mạnh dòng tiền và đồng loạt tăng so với tham chiếu. Ba mã vốn hoá lớn của ngành dầu khí đều góp mặt trong danh sách những trụ đỡ quan trọng nhất của VN-Index, cá biệt là POW tăng trần và không có bên bán. Nhóm xây dựng cũng diễn biến tích cực khi CTD, HCB và VCG đều tăng trên 4%.

Nhà đầu tư theo dõi bảng giá tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhà đầu tư theo dõi bảng giá tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trần

Thị trường có phiên thứ tư liên tiếp ghi nhận giá trị giao dịch không quá 20.000 tỷ đồng. Hôm nay, nhà đầu tư chỉ sang tay 528 triệu cổ phiếu, tương ứng 14.450 tỷ đồng – thấp hơn phiên cuối tuần trước 4.000 tỷ đồng. Rổ VN30 hôm nay bị bán mạnh nhưng khớp lệnh cũng chưa đến 5.000 tỷ đồng. Với giá trị khớp lệnh hơn 630 tỷ đồng, HPG bỏ xa những cổ phiếu xếp sau trong bảng xếp hạng thanh khoản.

Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 620 tỷ đồng nhưng bán ra hơn 920 tỷ, đánh dấu phiên giao dịch ảm đạm nhất từ đầu năm đến nay của khối. Nhóm này tập trung bán DGC, TCB, FPT và HPG.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường đang trong xu hướng giảm. Tuy nhiên, chỉ báo tâm lý ngắn hạn cho thấy nhà đầu tư đã thoát khỏi giai đoạn bi quan quá mức nên cơ hội tăng điểm trong những phiên tiếp theo sẽ tăng dần.

Đồng quan điểm, nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank cho rằng dòng tiền lớn đang ở trạng thái chờ đợi để giải ngân trở lại. Ước tính số dư tiền gửi của khách hàng tại các công ty chứng khoán vào cuối quý I khoảng 100.000 tỷ đồng, cho thấy nhà đầu tư không bi quan về thị trường mà đang chờ những cổ phiếu giá tốt xuất hiện hoặc thị trường chung có mức chiết khấu mạnh hơn nữa.

Phương Đông

Chứng khoán tăng mạnh trước đợt nghỉ lễ

VN-Index tăng gần 16 điểm và thanh khoản cải thiện đáng kể nhờ dòng tiền bắt đáy trên diện rộng trước đợt nghỉ lễ dài ngày.

VN-Index giảm nhẹ trong những phút đầu phiên, có lúc mất nhiều nhất là 6 điểm. Lực mua tăng dần sau một giờ giao dịch giúp chỉ số đại diện cho sàn TP HCM trở lại tham chiếu và duy trì sắc xanh từ đó đến cuối phiên. Chỉ số đóng cửa tại 1.366,8 điểm, tăng gần 16 điểm so với tham chiếu.

Thị trường khép lại tuần giao dịch cuối tháng với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, mất 13 điểm so với cuối tuần trước bởi cú giảm sốc đầu tuần.

Nhà đầu tư theo dõi bảng giá tại Công ty Chứng khoán Yuanta. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhà đầu tư theo dõi bảng giá tại Công ty Chứng khoán Yuanta. Ảnh: Quỳnh Trần

Sau nhiều phiên giảm sâu, tín hiệu hồi phục xuất hiện giúp tâm lý nhà đầu tư thoải mái hơn. Điều này thể hiện việc nhà đầu tư giải ngân trên diện rộng, đẩy thanh khoản sàn TP HCM lên gần 18.770 tỷ đồng, tăng hơn 5.400 tỷ đồng so với hôm qua.

Cổ phiếu thuộc nhóm tài chính và công nghiệp tiếp tục hút tiền nhiều nhất khi giá trị sang tay lần lượt đạt 3.720 tỷ đồng và 3.030 tỷ đồng. HPG đứng đầu bảng xếp hạng thanh khoản với 533 tỷ đồng, tiếp đến là DGC, DIG, VPB và VHM đều trên 400 tỷ đồng.

Lúc đóng cửa, sàn TP HCM ngập trong sắc xanh với gần 340 cổ phiếu tăng điểm, trong khi số lượng giảm chưa đến 100. Nhiều cổ phiếu vốn hoá nhỏ, dao động giá lớn trong thời gian qua như HQC, BCG, HAH đều tăng hết biên độ và hút mạnh dòng tiền. Các mã liên quan đến Tập đoàn FLC như FLC, ROS, AMD, ART, HAI, KLF cũng tăng không dưới 4%, trong đó nhiều mã chạm trần và không có bên bán.

Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch cân bằng trong phiên cuối tuần, nhưng nếu tính theo giá trị tuyệt đối thì bán vẫn cao hơn mua. Đây là phiên bán ròng thứ ba liên tiếp của nhóm này. Khối ngoại hôm nay sang tay 2.264 tỷ đồng cổ phiếu Vietcombank. Giá trị giao dịch còn lại tập trung ở HPG, MWG, NLG.

Phương Đông

Tiền vào chứng khoán chững lại

Thanh khoản sàn TP HCM giảm phiên thứ năm liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong vòng chín tháng khi chỉ đạt 13.300 tỷ đồng do nhà đầu tư dè dặt giải ngân trở lại.

VN-Index đã hồi phục hai phiên liền nhưng thanh khoản lại đi xuống liên tiếp, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), là dấu hiệu cho thấy sự thận trọng cao độ của nhà đầu tư sau đợt giảm sốc.

Hôm nay, diễn biến cũng không khả quan hơn khi lực cầu bắt đáy luôn xuất hiện sau mỗi nhịp điều chỉnh nhưng đều không đủ mạnh để đẩy chỉ số lên cao.

VN-Index đóng cửa sát mốc 1.351 điểm, mất gần 3 điểm so với tham chiếu. Thanh khoản thị trường giảm hơn 1.500 tỷ đồng so với hôm qua, xuống 13.300 tỷ đồng, bằng phân nửa so với phiên cuối tuần trước. Tiền vẫn tìm đến cổ phiếu thuộc các nhóm ngành trụ cột như công nghiệp, tài chính và bất động sản.

Rổ VN30 chỉ đóng góp thanh khoản 4.700 tỷ đồng. HPG đứng đầu rổ này về giá trị sang tay với 586 tỷ đồng, tiếp đến là VPB và VHM đều khoảng 400 tỷ đồng.

VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ nhưng số lượng cổ phiếu tăng điểm lại chiếm ưu thế so với cổ phiếu giảm, lần lượt là 240 mã và 186 mã. Nhiều cổ phiếu vốn hoá nhỏ đồng loạt tăng trần và không có bên bán như PTL, FTM, NVT, SAM… Những cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết và ông Đỗ Thành Nhân lại có thêm một phiên thăng hoa với mức tăng không dưới 4%.

BCM, HPG và VCB là những trụ đỡ giúp VN-Index tránh phiên giảm sâu, trong khi ở chiều ngược lại thì GAS, MSN và SAB ấn chỉ số xuống sâu.

Sau đợt mua vào quyết liệt, nhà đầu tư nước ngoài đã quay đầu xả hàng. Đây là phiên thứ hai liên tiếp khối ngoại bán ròng với giá trị hơn 300 tỷ đồng. VHM, MWG, VNM là ba cổ phiếu bị bán mạnh nhất.

Việc chỉ số giảm với biên độ không đáng kể, thậm chí hồi phục nhưng nền thanh khoản thấp theo đánh giá của nhiều nhóm phân tích không phải là tín hiệu tích cực. Chuyên gia BSC cho rằng nhà đầu tư nên bình tĩnh, trong khi VCBS khuyến nghị đứng ngoài thị trường để quan sát thêm diễn biến ở các vùng giá quan trọng như 1.360 điểm và 1.380 điểm trước khi đưa ra quyết định cơ cấu danh mục

Phương Đông

VN-Index đảo chiều tăng nhờ cổ phiếu đầu cơ

VN-Index đi dưới tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch, có lúc mất hơn 25 điểm, nhưng đến trước phiên ATC lại đảo chiều tăng nhờ tiền vào cổ phiếu đầu cơ.

Phiên tăng mạnh hôm qua đã cởi nút thắt tâm lý bi quan của nhà đầu tư trong nước. Nhiều công ty chứng khoán mạnh dạn nhận định chỉ số đại diện cho sàn TP HCM đã xác lập đáy trung hạn và chuỗi đi lên sẽ kéo dài đến kỳ nghỉ lễ chứ không đơn thuần là nhịp hồi kỹ thuật.

Tuy nhiên, phiên giao dịch sáng nay lại cho thấy mọi thứ ngược lại. Nhà đầu tư bán mạnh khiến sàn TP HCM có lúc ghi nhận 270 cổ phiếu giảm, trong khi cổ phiếu tăng chỉ bằng một phần tư. 30 cổ phiếu trong rổ vốn hoá lớn đều có thời điểm giảm dưới tham chiếu, trong đó nhiều mã như tiệm cận giá sàn.

Thị trường có dấu hiệu hồi phục sau giờ nghỉ trưa khi tiền đổ vào nhiều hơn, số lượng cổ phiếu giảm giá ít dần và VN-Index thu hẹp biên độ mất điểm. Dòng tiền giải ngân vào các cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ tăng đột ngột trước phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa 15 phút, sau đó lan sang rổ VN30 giúp chỉ số trở lại tham chiếu.

Trong thời gian còn lại của phiên, chỉ số duy trì sắc xanh và đóng cửa tại 1.353,77 điểm, tăng hơn 12 điểm so với tham chiếu. Đây là phiên tăng thứ hai liên tiếp, giúp chỉ số lấy lại tổng cộng 43 điểm sau chuỗi giảm sâu.

Hàng loạt cổ phiếu có tính đầu cơ cao như HQC, HAR, YEG, DIG, TDH… chạm trần và không có bên bán khi đóng cửa. Các cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết cũng diễn biến tương tự, trừ AMD lúc đóng cửa tăng 6,5%. TGG, BII, SMT, VKC là những cổ phiếu liên quan đến ông Đỗ Thành Nhân cũng tăng mạnh, thấp nhất là 4,4% và cao nhất là 7%.

Ngoài ra, dòng tiền cũng tìm đến một số mã có nền tảng cơ bản tốt nhưng giá đã chiết khấu gần phân nửa trong thời gian qua.

Thanh khoản sàn TP HCM hôm nay đạt 14.544 tỷ đồng, giảm gần 6.500 tỷ đồng so với hôm qua. Đây là mức thấp nhất trong hơn chín tháng trở lại đây. Lần gần nhất giá trị giao dịch xuống dưới mức này là phiên 28/7/2021 với 13.064 tỷ đồng.

HPG đứng đầu về thanh khoản với 782 tỷ đồng, xếp sau đó là DIG 630 tỷ đồng. Phân theo ngành thì tiền tập trung nhiều nhất ở nhóm công nghiệp và tài chính, lần lượt đạt 2.531 tỷ đồnt và 2.525 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài đã ngừng gom hàng, thay vào đó đẩy mạnh bán ra. Nhóm này giải ngân 1.617 tỷ đồng nhưng giá trị xả hàng lên gần 1.900 tỷ đồng. HPG, VCB, VHM, TCB là những cổ phiếu chịu áp lực bán mạnh nhất.

Phương Đông

Chứng khoán đảo chiều tăng vọt

VN-Index đang giảm hơn 45 điểm trong phiên sáng, đột ngột đảo chiều đi lên nhờ tiền bắt đáy và đóng cửa với mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm.

Phiên giảm 68 điểm hôm qua đưa VN-Index, chỉ số đại diện cho sàn TP HCM, về mức thấp nhất tám tháng khiến nhà đầu tư lẫn nhiều nhóm phân tích bi quan hơn về khả năng hồi phục. Một số công ty chứng khoán dự báo chỉ số sẽ tiếp tục rơi xuống vùng 1.280 điểm, tức mất thêm 30 điểm, bởi áp lực bán giải chấp ở các tài khoản “cá mập”.

Thực tế phiên sáng nay còn giảm sâu hơn khi VN-Index mất hơn 45 điểm chỉ sau một giờ mở cửa, xuống 1.264 điểm – vùng giá thấp nhất một năm qua. Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, diễn biến thị trường từ 10h trở đi còn vượt xa mọi kịch bản mà các nhóm phân tích vạch ra, nhưng theo chiều ngược lại.

Dòng tiền ồ ạt chảy vào mua các cổ phiếu vốn hoá thấp, sau đó lan sang nhóm VN30, giúp VN-Index thu hẹp biên độ giảm nhanh chóng. Khoảng nửa tiếng sau đó, chỉ số đã trở về tham chiếu và giằng co quanh đây đến giữa phiên chiều.

Trước phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), thay vì như diễn biến 10 phiên gần đây là áp lực xả hàng tăng lên thì nhà đầu tư lại giải ngân mạnh hơn. Bên mua quyết liệt đẩy nhiều cổ phiếu tăng vọt, từ giá sàn trong phiên sáng đảo chiều lên tăng trần. VN-Index cũng leo thẳng đứng lên vùng 1.341 điểm, đóng cửa với mức tăng hơn 30 điểm. Tính theo giá trị tương đối (%) thì đây là phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến.

Biểu đồ độ rộng thị trường cho thấy cổ phiếu tăng áp đảo hoàn toàn cổ phiếu giảm lúc đóng cửa. Ảnh chụp màn hình giao diện VNDS

Biểu đồ độ rộng thị trường ngày 26/4 cho thấy cổ phiếu tăng (màu xanh) áp đảo hoàn toàn cổ phiếu giảm lúc đóng cửa. Ảnh chụp màn hình giao diện VNDS

Độ rộng thị trường xoay chiều chóng vánh khi buổi sáng sắc đỏ bao trùm, có hơn 400 cổ phiếu dưới tham chiếu thì đến lúc đóng cửa màu xanh lại chiếm ưu thế với 338 mã tăng, trong đó 53 mã chạm trần.

Rổ VN30 dẫn dắt phiên tăng hôm nay với 27 mã tăng điểm, trong đó là mã duy nhất VRE tăng hết biên độ lên 31.050 đồng. VJC và VCB là hai cổ phiếu vốn hoá lớn ngược dòng thị trường khi lần lượt mất 1,5% và 1,6% so với tham chiếu.

Không chỉ nhóm vốn hoá lớn, tiền còn đổ vào gom những cổ phiếu có tính đầu cơ cao và đã chiết khấu hơn phân nửa giá trong đợt giảm này. Nhóm cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết đồng loạt tăng hết biên độ và không có bên bán. Các mã bất động sản như ITA, HQC, LDG, TDH, DIG, CEO cũng từ giá sàn chuyển sang màu tím khi đóng cửa.

Thanh khoản thị trường đạt 21.000 tỷ đồng, trong đó rổ VN30 chiếm 9.100 tỷ đồng. HPG dẫn đầu về thanh khoản với gần 950 tỷ đồng, tiếp theo là VPB, DIG, FPT và VND.

Nhà đầu tư nước ngoài đã kéo dài chuỗi mua ròng sang phiên thứ 8 liên tiếp. Hôm nay nhóm này giải ngân gần 2.850 tỷ đồng, trong khi chỉ bán ra 1.800 tỷ đồng. BCM, VNM và MSN là ba mã được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất.

Phương Đông

Điều gì khiến chứng khoán giảm kỷ lục?

Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân chính VN-Index rơi thẳng đứng vẫn là “call margin” nhưng mức độ có thể nghiêm trọng hơn trước khi đối tượng bị ảnh hưởng là “cá mập”.

Tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư dẫn tới đà bán tháo diện rộng. VN-Index có thời điểm mất gần 80 điểm, mức giảm tuyệt đối cao nhất từ trước đến nay, trước khi đóng cửa thấp hơn 68 điểm (4,95%).

Đồ thị VN-Index từ đầu năm 2022. Ảnh: Trading View

Đồ thị VN-Index từ đầu năm 2022. Ảnh: Trading View

“Quá kinh khủng”, ông Võ Công Minh – Giám đốc kinh doanh Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán ACB, nói trong lúc nhìn đồ thị VN-Index rơi thẳng đứng.

Theo ông Minh, nguyên nhân chính khiến VN-Index có lúc mất 80 điểm là các công ty chứng khoán call margin lúc chỉ số vừa đảo chiều từ tăng thành giảm, dẫn đến những nhà đầu tư tâm lý không vững vàng bán ra và tích tụ dần thành một làn sóng bán tháo ngay buổi chiều.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta, cho rằng lý do thị trường giảm sâu hôm nay vẫn là “call margin”, nhưng mức độ có thể nghiêm trọng hơn giai đoạn trước.

Chuyên gia này phân tích, đà giảm bắt nguồn từ áp lực bán tháo của nhóm bluechip, điều này có thể do nhóm đầu cơ đã giảm quá sâu khiến nhiều nhà đầu tư chọn cách hạ tỷ trọng ở những nhóm cổ phiếu giữ giá gần đây.

A-nh-chu-p-Ma-n-hi-nh-2022-04-9491-7776-

Sắc đỏ áp đảo toàn thị trường với nhóm bluechip dẫn đầu lúc 14h20 ngày 25/4. Toàn bộ 30 mã vốn hóa lớn trong VN30 chốt phiên dưới tham chiếu, quá nửa giảm kịch sàn. Ảnh chụp màn hình VNDS

Tuy nhiên, khi áp lực bán tháo quá lớn, giá giảm quá nhanh, những nhà đầu tư ở gần vùng nguy hiểm về tỷ lệ an toàn đã lập tức bị ảnh hưởng.

“Nếu trong phiên sáng, áp lực bán do “call margin” vẫn chủ yếu do nhà đầu tư chủ động tự thực hiện thì sang phiên chiều, áp lực này chuyển thành “force-sell”, từ các công ty chứng khoán”, ông Minh cho biết.

Margin là hành động nhà đầu tư vay thêm tiền của công ty chứng khoán để tăng sức mua chứng khoán, sau đó sử dụng chính các chứng khoán đã mua làm tài sản thế chấp. Khi thị trường giảm giá, tỷ lệ tài sản ròng/giá trị chứng khoán thấp hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì cho phép, công ty chứng khoán sẽ thực hiện “call margin” để phòng ngừa rủi ro cho mình.

Trong khi đó, “Force-sell” là trạng thái tài khoản của nhà đầu tư vi phạm tỷ lệ ký quỹ duy trì tối thiểu nên bị bán giải chấp bắt buộc để đưa tỷ lệ này về trạng thái an toàn.

Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của phiên hôm nay không chỉ dừng ở cách thức xử lý. Áp lực bán ra những phiên gần đây khiến giá nhiều cổ phiếu giảm rất sâu. Theo ông Minh, có tín hiệu cho thấy áp lực “call margin” đã xuất hiện ở nhóm nhà đầu tư cá nhân quy mô tài khoản lớn, hay còn gọi là “cá mập”.

Một số cổ phiếu có diễn biến “lạ” khi bật ngược từ trạng thái “trắng bảng bên mua” lên mức giá xanh chỉ trong vài phút phiên ATC. Theo ông, có thể là cách để chống call margin với những nhà đầu tư này. “Nếu điều này là đúng, có thể nhiều ‘cá mập’ đã gần chạm ngưỡng tỷ lệ ký quỹ duy trì”, vị này dự đoán.

Những nhà đầu tư này có tiềm lực tài chính mạnh, nhưng dưới áp lực của thị trường, không loại trừ khả năng cũng bị “call margin” như những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Điều này là rủi ro lớn khi lực đỡ của thị trường vẫn tương đối yếu dù đã giảm sâu. Trong những phiên lao dốc gần đây, thanh khoản không tăng, thậm chí có phiên còn ở mức thấp. Con số này cho thấy dòng tiền vẫn rất thận trọng, thậm chí kỳ vọng mức giá còn giảm thêm.

“Nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục xấu, áp lực sẽ là rất lớn khi tỷ lệ ký quỹ duy trì của nhiều ‘cá mập’ chạm ngưỡng rủi ro”, ông Minh nói, nhưng lưu ý đây chỉ là kịch bản xấu nhất. Ông kỳ vọng thị trường sẽ trụ được ngưỡng 1.300 điểm và có nhịp hồi kỹ thuật trong những phiên tới.

Sàn giao dịch chứng khoán trên đường Pasteur, quận 1, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Sàn giao dịch chứng khoán trên đường Pasteur, quận 1, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Riêng với nhà đầu tư cá nhân, chuyên gia này khuyến nghị việc quan trọng lúc này không phải là “bán tháo” bằng mọi giá mà là giữ tài khoản ở mức độ an toàn. Nhà đầu tư nên hạ tỷ lệ margin về mức thấp, tránh tình trạng force-sell xảy ra. Việc bán trong bối cảnh thị trường đã giảm rất sâu như hiện nay mang lại nhiều rủi ro hơn là lợi ích.

Trong bản tin cuối phiên hôm nay, Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, nếu xét trên khía cạnh định giá, P/E của VN-Index sau phiên hôm nay là khoảng 15,5 lần, xấp xỉ mức trung bình 5 năm. Trong khi đó, P/E của nhóm VN30 chỉ có 14,8 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm.

“Với mức định giá như trên, chúng tôi cho rằng khả năng thị trường giảm mạnh là khó có thể xảy ra và trong phiên giao dịch 26/4, VN-Index vẫn có thể hồi phục trở lại nếu ngưỡng hỗ trợ tâm lý quanh 1.300 điểm được giữ vững”, báo cáo của SHS cho biết.

Khác với SHS, nhiều công ty chứng khoán khác đưa ra kịch bản kém tích cực hơn. Công ty chứng khoán KB Việt Nam đánh giá sau khi đánh mất vùng hỗ trợ gần, việc VN-Index giảm sâu với thanh khoản tăng trở lại trong các nhịp sụt giảm phá đáy cho thấy áp lực của bên bán đang chiếm ưu thế. Theo đó, VN-Index nhiều khả năng tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh trong những phiên tới trước khi xác lập một vùng giá cân bằng hơn.

Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) thì khuyến nghị nhà đầu tư không nên bắt đáy và hạn chế giao dịch với các nhà đầu tư ngắn hạn. Mức độ rủi ro của thị trường ngày một lớn hơn với mức sát thương cao. Các ngưỡng hỗ trợ tiếp tục tỏ ra kém hiệu quả trong một thị trường với áp lực tâm lý hoảng loạn và dễ bị hiệu ứng theo đám đông.

Mặc dù vậy, TVSI vẫn ủng hộ quan điểm chọn lọc mua vào gia tăng trạng thái cổ phiếu với các nhà đầu tư theo mục tiêu đầu tư trung và dài hạn.

Minh Sơn

Chứng khoán tuần này có thể rung lắc

Giới phân tích dự báo thị trường có thể trải qua diễn biến rung lắc mạnh những phiên tới để xác định vùng đáy trong ngắn hạn.

Đánh giá về xu hướng thị trường tuần này, Công ty chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, việc chỉ số sớm hồi phục sau khi về gần vùng hỗ trợ 135x và sự xuất hiện của mẫu nến Doji giúp trạng thái trở nên cân bằng hơn. Dù vậy, VN-Index nhiều khả năng còn trải qua diễn biến rung lắc mạnh trong những phiên kế tiếp. Tuy nhiên, cơ hội tạo đáy, hồi phục thành công vẫn chưa được đánh giá cao chừng nào chỉ số chưa vượt được vùng cản quanh 1.400 điểm.

Nhóm phân tích từ KB Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư hạ tỷ trọng các chiến lược giao dịch theo vị thế trong các nhịp hồi sớm và chỉ gia tăng tỷ trọng trở lại nếu về vùng hỗ trợ đối với các cổ phiếu mục tiêu.

Cùng quan điểm, Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) cũng cho rằng, nhà đầu tư nên thận trọng trong những phiên tới, dù tín hiệu kỹ thuật đang cho thấy nhiều yếu tố tích cực.

Trong đó, khối lượng giao dịch gia tăng trên mức bình quân 10 và 20 phiên hàm ý dòng tiền có dấu hiệu tham gia bắt đáy. VN-Index cũng tạo nến Doji với bóng nến dưới dài, cùng với đường RSI ở vùng quá bán 28, cho thấy chỉ số đang đứng trước cơ hội xuất hiện nhịp hồi phục trở lại.

Tuy nhiên, theo nhóm phân tích, các tín hiệu dài hơi hơn như chùm đường trung bình động (MA) 5, 10, 20 vẫn giữ trạng thái phân kỳ âm, cùng với đường ADX nằm trên vùng 32, cho thấy xu hướng chính vẫn là giảm điểm. “Do đó, chỉ số mới dừng lại ở một nhịp hồi kỹ thuật và nhà đầu tư cần cẩn thận với tín hiệu Bull Trap – bẫy tăng giá”, báo cáo của PHS viết.

Nhà đầu tư giao dịch trên sàn Công ty chứng khoán Yuanta, tại Quận 1, TP HCM vào tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhà đầu tư giao dịch trên sàn Công ty chứng khoán Yuanta, tại Quận 1, TP HCM vào tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Trong khi đó, ở góc độ tích cực hơn, Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng trụ đỡ của thị trường với sự trở lại của nhóm VN30, là tín hiệu tích cực.

VN-Index và VN30-Index đều tạo mẫu hình nến doji cân bằng trong phiên 22/4 nhưng VN30 tích cực hơn hẳn. Điều này càng cho thấy dòng tiền đang đổ vào các cổ phiếu bluechips trong khi các cổ phiếu đầu cơ vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục chứng kiến sự “tháo chạy”. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu đã tăng ngược chiều trong thời gian qua cũng bị chốt lời mạnh cho thấy sự chuyển dịch của dòng tiền sang các cổ phiếu cơ bản đã giảm sâu và ở định giá hấp dẫn.

Theo đánh giá của nhóm phân tích TVSI, với cách mua vào quyết liệt từ các nhà đầu tư tổ chức trong vài phiên gần đây, đa số áp lực giải chấp đã giải tỏa được phần nào. Lượng cổ phiếu mua vào với mục tiêu thường là đầu tư dài hạn này sẽ được khóa lại giúp áp lực cung của các cổ phiếu bluechips giảm đi.

“Hiện còn quá sớm để đánh giá phiên 22/4 thị trường đã tạo đáy hay chưa nhưng chúng tôi có cảm nhận tích cực về diễn biến của thị trường trong tuần tới”, TVSI đánh giá và cho rằng, sự lạc quan là chìa khóa của mọi sự tích cực và giá trị sẽ dẫn dắt niềm tin trở lại.

Minh Sơn

Chủ tịch Đèo Cả khuyên cổ đông đầu cơ nên thoái vốn

Ông Hồ Minh Hoàng khuyên những cổ đông đang suy nghĩ đầu cơ theo thời điểm nên thoái vốn cho các nhà đầu tư chiến lược gắn bó với công ty trong 5-10 năm.

Ngày 24/4, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã cổ phiếu HHV) – công ty con của Tập đoàn Đèo Cả – đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 bằng hình thức trực tuyến.

Chia sẻ với cổ đông trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động lớn, Chủ tịch HĐQT HHV, ông Hồ Minh Hoàng cho rằng, thời gian qua có một bộ phận nhà đầu tư không đọc báo cáo tài chính, không tìm hiểu kỳ vọng về doanh nghiệp mà vội vàng huy động vốn mua cổ phiếu. Khi thị trường giảm điểm, họ bán tháo, gây tâm lý lo lắng về doanh nghiệp và thị trường.

Ông Hoàng bày tỏ, HHV không phải là cổ phiếu có thể tăng giá đột biến, thăng hoa trên thị trường hiện nay như nhiều cổ phiếu khác mà cổ đông cần đầu tư dài hạn. Khi có cơ hội gia tăng giá trị thì doanh nghiệp công bố minh bạch, ưu tiên cho cổ đông nhỏ lẻ trước.

Ông Hồ Minh Hoàng phát biểu tại Đại hội cổ đông sáng 24/4. Ảnh: Anh Duy

Ông Hồ Minh Hoàng phát biểu tại Đại hội cổ đông sáng 24/4. Ảnh: Anh Duy

“Chúng tôi kỳ vọng cổ phiếu giá trị thật trong tương lai, không kỳ vọng tăng giá đột biến trước mắt. Tôi khuyên cổ đông đang suy nghĩ đầu cơ theo thời điểm thì nên thoái vốn cho các nhà đầu tư chiến lược gắn bó với công ty trong 5-10 năm”, ông Hoàng nói.

Gần đây, một số cổ đông bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực y học tái tạo đã gửi đề xuất đến lãnh đạo HHV mong muốn được sở hữu 20 triệu cổ phiếu công ty này và cam kết giữ cổ phiếu tối thiểu 5 năm tới thông qua tập đoàn HMG Holding (đang sở hữu Công ty dịch vụ y tế Medicshare và công ty công nghệ sinh học Regenmedic).

Ông Hồ Minh Hoàng cũng chia sẻ, công ty mẹ của HHV là Tập đoàn Đèo Cả sẽ tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng trong năm nay. Trong đó, công ty sẽ đầu tư 1.200 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả để thực hiện nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, phát triển hạ tầng giao thông trong chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch của Chính phủ.

Để phục vụ cho kế hoạch sản xuất kinh doanh, năm nay Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả dự kiến tăng vốn điều lệ lên 5.615 tỷ đồng. Phương án chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 đã được thông qua tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2021 với tổng giá trị 2.673 tỷ đồng và sẽ được thực hiện năm nay.

Một số cổ đông đề nghị lãnh đạo HHV làm rõ việc phát hành thêm cổ phiếu trong bối cảnh thị trường hiện nay. Ông Hồ Minh Hoàng khẳng định, hiện thị trường biến động mang tính chất ngắn hạn, việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và mang lại lợi nhuận cho cổ đông chứ không phụ thuộc vào tâm lý nhà đầu tư trên thị trường.

Ngoài tăng vốn từ phát hành cổ phiếu, HHV tiếp tục hợp tác với nhiều doanh nghiệp đối tác, tổ chức quỹ đầu tư để đa dạng hóa các kênh huy động, như hợp tác với các doanh nghiệp bất động sản để đầu tư, phát triển quỹ đất đô thị, khu công nghiệp, khu logistics hai bên đường cao tốc đi qua.

Trước chất vấn của cổ đông về những biến động giá vật liệu sẽ ảnh hưởng thế nào đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp, Tổng giám đốc HHV Nguyễn Quang Huy cho biết, đơn vị đã ứng tiền trước cho các đơn vị cung cấp vật liệu ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án để bình ổn giá. Sau đó, công ty làm việc với địa phương điều chỉnh đơn giá để các nhà thầu không bị thiệt hại.

Doanh nghiệp này cũng chủ động phối hợp các bên liên quan như Bộ Giao thông Vận tải, địa phương xin cấp phép khai thác mỏ vật liệu cơ sở như đất, đá, cát để có đủ nguyên vật liệu cho dự án, không phải mua từ các doanh nghiệp đầu tư.

2021 là một năm khó khăn chung do dịch bệnh, song HHV vẫn ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.861 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 290 tỷ đồng, tăng 65%. Doanh thu tăng nhờ đẩy mạnh hoạt động thi công xây lắp các gói thầu cao tốc Trung Lương Mỹ – Thuận, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo…

HHV đặt mục tiêu năm 2022 doanh thu hợp nhất là 2.515 tỷ đồng, tăng 35%, lợi nhuận 396 tỷ đồng, tăng 36%. Năm nay, HHV tham gia quản lý vận hành hầm Mũi Trâu (thuộc cao tốc La Sơn – Tuý Loan) và dự kiến quản lý vận hành đường và trạm thu phí cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận; dự kiến thực hiện thêm các gói thầu cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, đường ven biển Bình Định.

Đại hội cổ đông đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu, tỷ lệ chi trả tương đương 91% lợi nhuận sau thuế. Phương án chia cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện quyền là 20:1, ứng với số cổ phiếu phát hành thêm là 26,7 triệu đơn vị.

Đoàn Loan