Chứng khoán

Tiếp cận chứng khoán với game đầu tư mô phỏng của SSI

Người chơi tham gia “SSI Town – Cú già phố Win” không chỉ có nhiều trải nghiệm đầu tư mà còn có thể nhận những phần thưởng, quà tặng giá trị.

Chưa cần phải có tài khoản chứng khoán, mọi người chơi đều có thể tham gia game đầu tư mô phỏng “SSI Town” từ ngày 7/7 trên SSI iBoard (bao gồm cả phiên bản web, phiên bản app và tại website SSI Town.

“SSI Town” lấy cảm hứng dựa trên Wall Street – khu phố tài chính huyền thoại nổi tiếng với mọi nhà đầu tư trên thế giới. Gia nhập SSI Town, mỗi người chơi sẽ được sở hữu một thành phố của riêng mình với người đồng hành là trợ lý ảo “Cú già phố Win”.

Thông qua các nhiệm vụ được đặt trong các tòa nhà của thành phố, người chơi sẽ có thêm nhiều kiến thức về chứng khoán, kỹ năng đầu tư, đồng thời tích lũy điểm kinh nghiệm cho trợ lý ảo của mình để thăng cấp và nhận phần thưởng tương xứng. Tổng giá trị giải thưởng cho các sự kiện được tổ chức tại SSI Town đến 30/9 dự kiến lên tới 800 triệu đồng, trong đó có nhiều hình thức trả thưởng như hoàn 5 triệu đồng vào tài khoản chứng khoán, nạp ngay 200.000 đồng vào điện thoại…

Người chơi tham gia game đầu tư mô phỏng của SSI. Ảnh: SSI

Người chơi tham gia game đầu tư mô phỏng của SSI. Ảnh: SSI

Các sự kiện sẽ diễn ra theo tuần. Cụ thể, sự kiện “Vé vàng may mắn” diễn ra ngày 7/7, 8/8 đến 22/8 và từ 9/9 đến 22/9 mang đến cơ hội hoàn ngay 5 triệu đồng vào tài khoản chứng khoán. Sự kiện “Vòng quay may mắn” diễn ra thứ 5 hàng tuần sẽ giúp người chơi có cơ hội được hoàn 888.000 đồng vào tài khoản điện thoại. Sự kiện “Học viện SSI” diễn ra thứ 6 hàng tuần sẽ giúp nhà đầu tư có thêm nhiều kiến thức đầu tư và cơ hội nạp ngay 200.000 đồng vào tài khoản điện thoại. Sự kiện “Hành trình nâng cấp cú” diễn ra từ 1/8 đến 20/8 và 1/9 – 20/9 là cơ hội giúp người chơi có ngay tối đa 200.000 đồng vào tài khoản điện thoại.

Từ ngày 7/7, người chơi đã có thể tham gia vào sự kiện “Vé vàng may mắn” và thực hiện theo hướng dẫn để nhận giải thưởng hoàn 5 triệu đồng vào tài khoản chứng khoán. Số lần nhận quà tặng không giới hạn. Thể lệ chi tiết trò chơi “SSI Town – Cú già phố Win” sẽ được công bố trên website chính thức của SSI tại đây và trang Fanpage của Chứng khoán SSI.

Bà Lục Kim Thanh, Giám đốc dịch vụ trực tuyến – Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho biết, đầu tư chứng khoán là một bộ môn đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức, kinh nghiệm, hiểu biết. Tuy nhiên không nên vì những lý do đó mà trì hoãn việc khởi đầu hành trình đầu tư.

“Đầu tư tích lũy là xu hướng của cuộc sống hiện đại mà sớm hay muộn bạn cũng sẽ phải tham gia. SSI Town ra mắt, đầu tiên là để giúp bạn khởi đầu hành trình đầu tư một cách thú vị hơn, nhiều màu sắc hơn với sự đồng hành của SSI”, bà Thanh chia sẻ.

Theo đó, người chơi có thể tham gia “SSI Town” ngay cả khi chưa có tài khoản chứng khoán tại SSI. Bên cạnh đó, không chỉ tham gia thông qua ứng dụng SSI iBoard trên điện thoại, người chơi cũng có thể tham gia ngay trên bảng giá thông minh SSI iBoard trên trình duyệt web thông thường.

Đại diện SSI cũng bật mí thêm, trong tương lai, thành phố SSI sẽ còn tiếp tục được xây dựng và mở rộng hơn nữa, với nhiều tính năng mô phỏng đầu tư hay giao dịch chứng khoán giả lập, đi kèm với đó vẫn là những phần quà giá trị, với mục tiêu xây dựng, kết nối một cộng đồng nhà đầu tư thông minh, hiện đại.

SSI dành tặng nhiều phần quà giá trị cho người tham gia game SSI town - cú già phố Win. Ảnh: SSI

SSI dành tặng nhiều phần quà giá trị cho người tham gia game “SSI town – cú già phố Win”. Ảnh: SSI

“SSI Town – Cú già phố Win” được phát triển bởi công ty Cổ phần Chứng khoán SSI với mục tiêu trở thành người đồng hành tin cậy của nhà đầu tư ngay từ khi bắt đầu tham gia vào thị trường chứng khoán.

Song song với việc tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng, SSI cũng triển khai loạt chương trình đào tạo kiến thức chứng khoán, tư vấn tài chính. Bên cạnh chuỗi chương trình “Bí mật đồng tiền” phối hợp cùng VTV được triển khai xuyên suốt 6 tháng đầu năm 2022, SSI còn đồng hành hình thành tư duy tài chính cho lớp nhà đầu tư trẻ thông qua chương trình “Làm giàu tuổi 20” – kết hợp cùng với chuyên trang tài chính CafeF và chuyên trang đời sống giới trẻ Kênh 14.

Ngoài ra, mọi người có thể tham gia chương trình “Chọn danh mục” cùng báo Đầu tư để phân tích chuyên sâu hơn các vấn đề diễn ra trên thị trường chứng khoán. Bản tin Café Chứng phát trực tiếp trên fanpage SSI mỗi sáng từ thứ 2 đến thứ 6 cũng là một kênh khuyến nghị hữu ích dành cho nhà đầu tư ngay trước mỗi phiên giao dịch.

Tuệ Minh

DNSE lần đầu vào top 10 thị phần môi giới HNX

DNSE đứng vị trí thứ 6 trong top 10 Công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất HNX, theo báo cáo quý II/2022.

Với thị phần 3,79%, DNSE xếp ngay sau những cái tên quen thuộc trên thị trường, gồm VPS, VNDirect, SSI, TCBS, MBS và vượt lên trên HSC, FPTS, Mirae Asset (Việt Nam) và SHS.

STT Công ty chứng khoán Thị phần (%)
1 Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS 19,39%
2 Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect 10,17%
3 Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI 7,44%
4 Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương 6,21%
5 Công ty Cổ phần Chứng khoán MB 4,22%
6 Công ty Cổ phần Chứng khoán DNSE 3,79%
7 Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh 3,41%
8 Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT 3,32%
9 Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) 3,00%
10 Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội 2,98%

(Nguồn: HNX)

Vừa qua, DNSE hoàn tất tăng vốn điều lệ gấp 3 lần, từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng và tiến từ thứ hạng số 27 lên Top 10 Công ty chứng khoán có vốn lớn nhất Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán DNSE, việc mở rộng nguồn lực là tiền đề quan trọng để DNSE đón đầu sức tăng trưởng cấp số nhân của thị trường trong thời gian tới. Công ty chứng khoán này cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết cổ phiếu trong năm 2022.

Ông Giang cho biết, không giống mô hình truyền thống trên thị trường hiện nay, DNSE đi theo mô hình của một Fintech, với chiến lược tập trung vào phát triển những công nghệ tân tiến, hiện đại. Do đó, các sản phẩm của DNSE đều hướng đến mục tiêu “Đơn giản hóa đầu tư cho người Việt”.

Số lượng tài khoản mở mới trên nền tảng EntradeX chiếm hơn 16% thị trường. Ảnh: DNSE

Số lượng tài khoản mở mới trên nền tảng EntradeX trong tháng 3/2022 chiếm hơn 16% thị trường. Ảnh: DNSE

“Nền tảng giao dịch chứng khoán cơ sở Entrade X do DNSE xây dựng chú trọng vào thiết kế tinh giản, dễ sử dụng, số hóa 100% và tốc độ giao dịch ổn định, mượt mà. DNSE cũng là CTCK Việt Nam đầu tiên tiên phong áp dụng chính sách miễn phí giao dịch trọn đời”, ông Giang chia sẻ.

DNSE vừa đưa vào áp dụng hệ thống quản trị rủi ro theo theo mã cổ phiếu đầu tiên trên thị trường, tạo nên một bước ngoặt so với cách thức giao dịch truyền thống. Theo đó, nhà đầu tư có thể lên kế hoạch quản trị rủi ro riêng cho từng mã cổ phiếu, từng giao dịch mua, bán. Nhà đầu tư được quyền lựa chọn tỉ lệ vay kí quỹ (margin) cho riêng từng lệnh mua theo nhu cầu, thay vì vay cho toàn bộ danh mục như hình thức truyền thống.

“Trong những giai đoạn thị trường bất ổn như hiện nay, đây là công cụ hữu hiệu giúp nhà đầu tư quản lý danh mục minh bạch, rõ ràng, qua đó bảo toàn tối đa nguồn vốn”, đại diện DNSE nói.

Dự kiến trong quý tiếp theo, công ty chứng khoán này sẽ ra mắt nền tảng môi giới ảo AI Broker trên nền tảng EntradeX, giúp nhà đầu tư giảm các chi phí cơ hội, giảm thiểu yếu tố cảm xúc và minh bạch hóa quyết định đầu tư.

DNSE tiền thân là Chứng khoán Đại Nam, được cấp giấy phép hoạt động từ năm 2007. Đến năm 2020, Công ty Cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital mua lại Chứng khoán Đại Nam và đổi tên thành Chứng khoán DNSE.

Cuối năm 2021, số lượng tài khoản mở mới tại nền tảng EntradeX của DNSE tăng gấp 8 lần, lợi nhuận tăng trường gấp 25 lần so với năm 2020. Tháng 3/2022, số lượng tài khoản mở mới tại nền tàng EntradeX chiếm hơn 16% toàn thị trường.

Đại diện DNSE kỳ vọng doanh nghiệp sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong thời gian tới, tiên phong phát triển thị trường chứng khoán số tại Việt Nam.

Tuấn Thủy

Tiền vào chứng khoán xuống thấp nhất 20 tháng

VN-Index hồi phục gần 17 điểm nhưng dòng tiền bắt đáy không xuất hiện, dẫn đến thanh khoản giảm gần 3.500 tỷ đồng so với hôm qua.

Sàn chứng khoán TP HCM hôm nay ghi nhận hơn 411 triệu cổ phiếu được sang tay với tổng giá trị giao dịch chưa đến 9.100 tỷ đồng. Giá trị giao dịch khớp lệnh chiếm 7.800 tỷ đồng trong số này. Đây là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2020 – trước giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ và dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh.

Trên sàn Hà Nội, tổng thanh khoản chưa đến 1.400 tỷ đồng.

Tiền phân bổ chủ yếu ở cổ phiếu tài chính (ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm) với gần 2.500 tỷ đồng. Trong khi đó, thanh khoản của các nhóm cổ phiếu trụ khác như bất động sản, công nghiệp, nguyên vật liệu đều rơi thẳng đứng còn 700-1.000 tỷ đồng, tức chỉ bằng giá trị giao dịch của một mã đứng đầu sàn cách đây ba tháng.

VND của VNDirect vẫn đứng đầu về giá trị khớp lệnh với 370 tỷ đồng. STB, HPG, VPB, VNM, SSI xếp tiếp theo khi đạt từ 220-360 tỷ đồng.

Tiền đổ vào chứng khoán xuống mức thấp nhất 20 tháng bất chấp chỉ số được cải thiện đáng kể. VN-Index giằng co mạnh, nhiều lần đảo chiều từ giảm thành tăng trong phiên và đóng cửa tại 1.166,48 điểm. Số lượng cổ phiếu tăng gần 250 mã, trong khi cổ phiếu giảm chỉ khoảng 180 mã.

Dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài là động lực chính cho phiên tăng hôm nay. Sau bốn phiên bán quyết liệt, khối ngoại đã trở lại gom hàng. Giá trị giải ngân đạt trên 1.100 tỷ đồng, trong khi bán ra chỉ 620 tỷ đồng. VNM, FPT và VHM là ba cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất.

Theo nhận định của chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đang lấy ý kiến về dự thảo rút ngắn chu kỳ thanh toán giao dịch chứng khoán (từ T+2 thay vì đợi đến T+3 như hiện nay) cho thấy nỗ lực cải thiện thanh khoản của các cơ quan điều hành. Tuy nhiên, VDSC cho rằng trong ngắn hạn khó có thể đánh giá được hiệu quả của dự thảo này, đặc biệt trong bối cảnh thị trường vừa trải qua đợt điều chỉnh mạnh và tâm lý nhà đầu tư cá nhân còn nhiều e ngại.

Phương Đông

VN-Index xuống đáy 16 tháng

VN-Index mất gần 32 điểm, xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 2/2021, khi gần 400 cổ phiếu trên sàn TP HCM đóng cửa dưới tham chiếu.

Thị trường chìm trong sắc đỏ khi số lượng cổ phiếu giảm gấp 5 lần cổ phiếu tăng. Trong số này có 30 mã giảm hết biên độ, trải rộng từ nhóm vốn hoá lớn như GAS, VRE đến những mã được đánh giá có nền tảng cơ bản tốt như FRT, DGC, DCM.

Phân theo ngành, cổ phiếu phân bón và dầu khí chịu áp lực bán mạnh nhất khi đều giảm không dưới 2%. Một số mã thuộc ngành này đang đăng ký giao dịch trên sàn Hà Nội giảm gần 15%. Các nhóm ngành khác như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, cảng biển cũng chìm trong sắc đỏ nhưng biên độ giảm ít hơn.

VN-Index chốt phiên tại 1.149,61 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong vòng hai tuần và đưa chỉ số đại diện cho sàn TP HCM về vùng giá cách đây 16 tháng.

Theo thống kê của VNDirect, cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup (VIC) tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chung khi mã này giảm 6,6%, xuống 67.500 đồng. GAS, VHM, VCB, CTG và VNM xếp tiếp theo trong danh sách những mã khiến chỉ số mất điểm nhiều nhất. Ở chiều ngược lại, SAB trở thành trụ đỡ lẻ loi của thị trường khi ngược dòng tăng 1,2% lên 152.600 đồng.

Thanh khoản thị trường hôm nay xấp xỉ 12.570 tỷ đồng, giảm gần 1.300 tỷ đồng so với hôm qua. VND tiếp tục dẫn đầu về giá trị giao dịch với 533 tỷ đồng, chênh lệch 130 tỷ đồng so với cổ phiếu xếp sau.

Nhà đầu tư nước ngoài xả hàng quyết liệt trong phiên giảm sâu, ngược với xu hướng tranh thủ mua vào trước đây. Nhóm này bán ra gần 1.920 tỷ đồng, trong khi chỉ giải ngân 1.170 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị bán mạnh nhất, tiếp đến là các mã trong rổ vốn hoá lớn như MSN, FPT, MBB, VHM, GAS.

Phương Đông

Dragon Capital gom thêm 2 triệu cổ phiếu Sacombank

Nhóm Dragon Capital mua ròng thêm 2,1 triệu cổ phiếu STB, nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacombank lên hơn 6%.

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa có báo cáo thay đổi về sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn.

Ngày 29/6, hai quỹ thành viên của Dragon Capital là CTBC Vietnam Equity Fund và Norges Bank mua vào lần lượt 2 triệu và 300.000 cổ phiếu STB của Sacombank. Ở chiều ngược lại, quỹ thành viên Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity) bán ra 200.000 cổ phiếu STB.

Sau giao dịch mua ròng 2,1 triệu cổ phiếu STB, 11 quỹ thành viên của nhóm Dragon Capital nắm giữ hơn 114,8 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu gần 6,09% tại nhà băng.

Chốt phiên 4/7, mỗi cổ phiếu STB có giá 22.350 đồng, tăng gần 20% so với phiên thị trường chứng khoán đỏ lửa ngày 20/6 nhưng vẫn mất hơn 37% so với mức đỉnh thiết lập vào tháng 2 năm nay.

Tháng 3, nhóm Dragon Capital nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacombank lên trên 5% và lần đầu quay lại làm cổ đông lớn sau hơn chục năm. Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, quỹ ngoại này hiện là cổ đông lớn tại VPBank và nắm lượng lớn cổ phần tại MB, ACB.

Dragon Capital từng là cổ đông lớn Sacombank từ cách đây chục năm, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam cũng từng là thành viên HĐQT. Tuy nhiên từ 2010, nhóm quỹ bắt đầu bán dần cổ phiếu STB và thoái sạch vốn tại ngân hàng vào tháng 8/2011.

Năm nay, Sacombank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 12% lên 435.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Tổng tài sản đạt 573.000 tỷ đồng và vốn huy động đạt 512.700 tỷ đồng, đều tăng 10%. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu của ngân hàng là 5.280 tỷ đồng.

Nhà băng này kỳ vọng hoàn tất xử lý các vấn đề tồn đọng thuộc đề án tái cơ cấu ngân hàng chậm nhất là năm 2023, hoàn thành trước thời hạn hai năm.

Quỳnh Trang

Cổ phiếu liên quan đến FLC đồng loạt tăng trần

FLC, ROS, HAI, AMD, ART, KLF tăng hết biên độ và đóng cửa không có bên bán trong phiên đầu tuần, tích luỹ 20-70% chỉ trong nửa tháng.

Các mã này biến động mạnh khi Tập đoàn FLC vừa kiện toàn nhân sự Hội đồng quản trị vào cuối tuần và dự kiến tập trung tái cơ cấu mô hình quản lý, phương án kinh doanh, tài chính sau ba tháng tính từ lúc cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt.

FLC chốt phiên hôm nay tại 6.200 đồng, nối mạch không giảm 10 phiên liên tiếp và tăng gần 70% chỉ trong hai tuần. ROS và các mã còn lại có mức tăng thấp hơn nhưng không mã nào dưới 20% trong nửa tháng qua.

Cùng với nhóm này, nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ khác cũng đạt trạng thái hưng phấn. HAG (Hoàng Anh Gia Lai) và OGC (Tập đoàn Đại Dương) kéo dài chuỗi tăng trần hai phiên, lần lượt lên 9.520 đồng và 13.700 đồng. Các mã có tính đầu cơ cao thuộc nhóm bất động sản như LDG, HQC, QCG cũng đồng loạt tăng trên 2,7%.

Số lượng cổ phiếu tăng trong phiên đầu tuần áp đảo cổ phiếu giảm, nhưng VN-Index lại đi xuống. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM đảo chiều trong những phút cuối phiên và đóng cửa tại 1.195,53 điểm, mất hơn 3 điểm so với tham chiếu.

GAS tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chung khi mã này giảm 1,3%, xuống 108.600 đồng. MSN, DGC, MWG, HPG, VHM xếp tiếp theo trong danh sách những mã ghì chỉ số xuống. Trong khi ở chiều ngược lại, VNM tăng 1,9% và VIB chạm trần để thành trụ đỡ cho thị trường tránh được một phiên giảm sâu.

Thanh khoản sàn TP HCM hôm nay đạt 10.080 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với phiên cuối tuần trước. VND đứng đầu về giá trị khớp lệnh khi đạt 522 tỷ đồng, tiếp đến STB xấp xỉ 500 tỷ đồng và SSI hơn 400 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch thỏa thuận đạt hơn 1.100 tỷ đồng. Trong đó, EIB góp đến 176 tỷ đồng khi xuất hiện nhiều lệnh sang tay tại giá sàn.

Nhà đầu tư nước ngoài xả hàng phiên thứ hai liên tiếp. Khối ngoại hôm nay mua vào gần 760 tỷ đồng nhưng bán ra khoảng 900 tỷ đồng. MWG, PNJ và NVL là những cổ phiếu chịu áp lực bán mạnh nhất.

Phương Đông

Chứng khoán đảo chiều trong phiên

Tiền đổ vào bắt đáy trong những phút cuối phiên giúp VN-Index đang giảm 18 điểm đảo chiều thành tăng 1,3 điểm, áp sát mốc 1.200 điểm.

Chỉ số đại diện cho sàn chứng khoán TP HCM vận động dưới tham chiếu trong phần lớn thời gian. Tuy nhiên, từ giữa phiên chiều, thị trường đột ngột chuyển sang trạng thái hưng phấn khi lực mua những cổ phiếu đã giảm sâu trong hai phiên trước tăng dần. Chỉ số từ vùng giá 1.170 điểm đi lên thẳng đứng và chốt phiên tại 1.198,9 điểm, tăng nhẹ so với tham chiếu.

18 cổ phiếu trong rổ vốn hóa lớn hôm nay đảo chiều từ tăng thành giảm lúc đóng cửa. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng BID, CTG, CTG, HDB, STB, VIB là động lực chính cho phiên tăng này khi đều tích lũy trên 2%, dù buổi sáng có lúc mất đến 4%.

Đây cũng là diễn biến tương tự ở nhiều nhóm cổ phiếu trụ như bất động sản, thép, dầu khí. Đặc biệt, nhóm chứng khoán sáng nay chìm trong sắc đỏ nhưng lúc đóng cửa thì có 5 mã tăng hết biên độ và không xuất hiện bên bán, gồm VCI, VND, HCM, BSI và VIX. Những mã khác thuộc nhóm này cũng tăng không dưới 1%.

Không chỉ nhóm vốn hóa lớn và vừa thu hút được dòng tiền bắt đáy, các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao như FLC, AMD, TDH cũng lật ngược từ giảm sàn thành tăng điểm.

Thị trường hôm nay rơi vào tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng”, tức chỉ số tăng nhưng số lượng cổ phiếu giảm vẫn áp đảo. GAS, BCM và VCB là ba mã tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chung.

Thanh khoản trên sàn TP HCM đạt 11.400 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hôm qua. 5 cổ phiếu đứng đầu về giá trị giao dịch là VND, DIG, STB, HPG, SSI và đều chốt phiên trong sắc xanh. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 200 tỷ đồng.

Thị trường khép lại tuần chuyển giao giữa tháng 6 và tháng 7 với ba phiên tăng và hai phiên giảm, tích lũy được 14 điểm so với cuối tuần trước.

Phương Đông

Ông Đỗ Minh Toàn làm Chủ tịch ACBS

Cựu tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu Đỗ Minh Toàn làm Chủ tịch Công ty chứng khoán ACBS từ 30/6.

Ngày 30/6, Ngân hàng Á Châu (ACB) bổ nhiệm ông Đỗ Minh Toàn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty chứng khoán ACB (ACBS).

Vào đầu năm nay, ông Toàn thôi làm Tổng giám đốc ACB sau 9 năm điều hành ngân hàng. Ông được đánh giá là một trong những giám đốc xuất sắc của ACB khi đã đưa ngân hàng vượt qua nhiều thách thức và đạt được kết quả ấn tượng.

Ông Toàn có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và tài chính ngân hàng, từng đảm nhận các vị trí quản lý cấp cao tại Ngân hàng Á Châu và Văn phòng Đại diện Ngân hàng ING Barings Hà Lan. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Trường Đại học Columbia Southern, Mỹ và là cử nhân ngân hàng Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, cử nhân quản trị ngoại thương Trường Đại học Kinh Tế TP HCM và cử nhân Luật Trường Đại học Luật TP HCM.

Ông Đỗ Minh Toàn, Chủ tịch chứng khoán ACBS. Ảnh: ACBS.

Ông Đỗ Minh Toàn, Chủ tịch chứng khoán ACBS. Ảnh: ACBS.

Trên cương vị mới tại ACBS, ông Toàn sẽ hiện thực hóa tham vọng đầu tư cải tiến mới tại công ty chứng khoán này. ACBS dự kiến liên kết với ngân hàng mẹ để phát triển nhiều phân khúc sản phẩm tương ứng với nhu cầu đầu tư đa dạng của khách hàng.

Công ty chứng khoán ACBS gần đây có kiện toàn về dàn nhân sự cấp cao. Cũng trong tháng 6, ACBS có tổng giám đốc mới là ông Nguyễn Đức Hoàn từng đảm nhận vị trí điều hành tại Công ty chứng khoán KB Việt Nam.

Công ty chứng khoán ACBS được thành lập vào năm 2000 và tới nay từng hai lần tăng vốn, vào 2009 và 2001. Công ty này hiện có mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, đạt doanh thu hơn 450 tỷ trong quý đầu năm nay và ghi nhận lợi nhuận gần 190 tỷ (tăng 84% so với cùng kỳ) nhờ môi giới, cho vay ký quỹ và tự doanh.

Quỳnh Trang

MSB hợp tác Dragon Capital Việt Nam triển khai quỹ mở

Hợp tác giữa hai bên ký ngày 27/6, nhằm triển khai các gói giải pháp và sản phẩm đầu tư chứng chỉ quỹ mở do DCVFM quản lý.

Khách hàng của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) có thể tiếp cận giải pháp đầu tư và phân bổ tài sản theo nhu cầu tài chính, khẩu vị rủi ro. Theo thỏa thuận, các giám đốc quan hệ khách hàng ưu tiên của MSB sẽ đồng hành cùng khách hàng xác định mục tiêu tài chính mong muốn, khẩu vị rủi ro, cũng như cung cấp các thông tin về thị trường tài chính, kinh tế vĩ mô, thông tin về các giải pháp đầu tư để phân bổ tài sản một cách phù hợp.

Trong khi đó Dragon Capital có trách nhiệm giới thiệu sản phẩm đầu tư gồm: Quỹ đầu tư chứng khoán năng động DC (DCDS), Quỹ đầu tư doanh nghiệp hàng đầu DC (DCBC), Quỹ đầu tư trái phiếu DC (DCBF) và Quỹ đầu tư trái phiếu gia tăng thu nhập cố định DC (DCIP). Dragon Capital cho biết, các quỹ mở này liên tục nằm trong top dẫn đầu thị trường về hiệu quả đầu tư và tăng trưởng 10 năm qua.

Việc đầu tư của Quỹ được kiểm toán hàng năm bởi một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới – PriceWaterHouse Cooper. Ngân hàng giám sát và quản trị Quỹ là Standard Chartered Việt Nam và đại lý chuyển nhượng là Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).

Đại diện MSB và Dragon Capital Việt Nam tại lễ ký kết hợp tác. Ảnh:

Đại diện MSB và Dragon Capital Việt Nam tại lễ ký kết hợp tác.

Bà Nguyễn Mỹ Hạnh, Tổng giám đốc NHBL MSB cho biết, dựa trên từng chân dung khách hàng theo phân khúc, các giám đốc quan hệ khách hàng ưu tiên của MSB sẽ tư vấn khách hàng phân bổ tài sản tối ưu, phù hợp với mục tiêu tài chính.

“Thông qua hợp tác với Dragon Capital, chúng tôi mong muốn bổ sung thêm lựa chọn giải pháp cho lớp tài sản tạo thu nhập và tăng trưởng trong phân bổ tháp tài sản của khách hàng”, bà Hạnh nói.

Về phía Dragon Capital, bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Quản lý tài sản khối trong nước kỳ vọng, thông qua hợp tác với MSB, sản phẩm chứng chỉ quỹ mở sẽ trở thành kênh đầu tư hiệu quả, giúp khách hàng tối ưu nguồn vốn nhàn rỗi.

Cũng theo đại diện Dragon Capital, nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây đã phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ kéo theo sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, giàu, và siêu giàu. Điều này mở ra cơ hội trong việc cung cấp các sản phẩm phù hợp, đáp ứng đa dạng nhu cầu đầu tư của nhóm khách hàng thuộc những phân khúc này.

Tuệ An

Nửa năm, VN-Index mất 21%

Chỉ số đại diện cho sàn chứng khoán TP HCM chốt phiên cuối tháng 6 tại 1.197 điểm, giảm 328 điểm so với phiên giao dịch đầu năm.

VN-Index hôm nay giằng co quanh vùng 1.218 điểm trong phần lớn thời gian, nhưng đến nửa tiếng trước phiên giao dịch khớp lệnh xác định giá đóng cửa thì có dấu hiệu “mất phanh”. Chỉ số rơi nhanh và xuyên thủng ngưỡng tâm lý quan trọng 1.200 điểm.

6 trong 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index hôm nay thuộc nhóm ngân hàng, lần lượt là BID, VPB, TCB, CTG, VCB và STB. Áp lực xả hàng từ những mã này lan rộng sang nhóm vốn hoá vừa và nhỏ, là nguyên nhân chính khiến thị trường chìm trong sắc đỏ với hơn 370 cổ phiếu đóng cửa dưới tham chiếu, gấp bốn lần cổ phiếu tăng điểm.

Phiên giảm này khép lại nửa đầu năm đầy biến động khi VN-Index đã mất 328 điểm, tương ứng 21,4% và nằm trong nhóm 15 chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới (theo thống kê của StockQ).

Trong nửa đầu năm, VN-Index lập đỉnh lịch sử 1.528,57 điểm vào ngày 6/1. Thị trường sau đó trải qua nhiều đợt điều chỉnh, trong đó có đợt giảm mạnh kéo dài từ đầu tháng 4 đến giữa tháng này, nhấn chỉ số xuống 1.169 điểm – mức thấp nhất trong gần một năm rưỡi.

Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, tương tự diễn biến trong hai tháng qua. Giá trị khớp lệnh hôm nay đạt 10.240 tỷ đồng, giảm gần 200 tỷ so với hôm qua và chỉ bằng 25% những phiên giao dịch cao điểm hồi đầu năm. Tiền của nhà đầu tư vẫn tập trung nhiều nhất ở cổ phiếu tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm); công nghiệp và nguyên vật liệu. VND, HPG và STB có giá trị giao dịch nhiều nhất trong phiên này nhưng đều không quá 600 tỷ đồng mỗi mã.

Khối ngoại giao dịch cân bằng trong phiên giao dịch cuối tháng khi giải ngân 973 tỷ đồng và bán ra 970 tỷ đồng, ngược với trạng thái mua liên tục nhiều tuần gần đây. VHM, STB và MWG là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài gom nhiều nhất.

Phương Đông