Chứng khoán

VN-Index tăng vọt

Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM chốt phiên tăng 24 điểm, lên vùng giá cao nhất từ nửa đầu tháng 1, nhờ lực mua mạnh các mã vốn hoá lớn.

Thông tin Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xem xét dấu hiệu vi phạm của nhiều lãnh đạo ngành chứng khoán tối 31/3 được một số nhóm phân tích nhận định có thể tác động tiêu cực đến diễn biến thị trường phiên đầu tháng 4. Tuy nhiên, thực tế chứng minh điều ngược lại.

VN-Index chỉ giảm nhẹ trong những phút đầu giao dịch, sau đó đảo chiều qua tham chiếu và liên tục nới rộng biên độ tăng. Chỉ số chốt phiên với mức tăng 24 điểm, lên 1.516,44 điểm – vùng giá cao nhất kể từ ngày 7/1 – tức một phiên trước khi sự việc ông Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu bị phát hiện.

Dòng tiền hôm nay tập trung nhiều vào các cổ phiếu vốn hoá lớn. Nhờ đó, 29 trong số 30 cổ phiếu thuộc VN30 đóng cửa trên tham chiếu và chỉ số đại diện cho rổ này tích luỹ đến 35 điểm.

MWG đứng đầu về biên độ tăng khi chạm trần 156.000 đồng sau khi kế hoạch bán tối đa 20% vốn của chuỗi bách hoá được công bố. Đây cũng là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với gần 2 điểm. Ở chiều ngược lại, PLX là cổ phiếu duy nhất giảm trong rổ này, về 55.100 đồng.

Sắc xanh bao trùm nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, xây dựng, phân bón, thép. Trong khi đó, áp lực bán mạnh xuất hiện ở nhóm dầu khí khiến phần cổ phiếu giảm trên 2%.

Phiên giao dịch đầu tháng còn ghi nhận sự đảo chiều đột ngột của các cổ phiếu liên quan đến Tập đoàn FLC. 4 trong số 6 mã thuộc hệ sinh thái của doanh nghiệp này từ dưới tham chiếu bật lên giá trần và không có bên bán, cắt đứt chuỗi giảm bốn phiên liên tiếp. FLC và ROS cũng thu hẹp biên độ giảm từ giá sàn về mức 1,4% và 2%. Khối lượng chờ bán tại giá sàn trong buổi sáng được hấp thụ toàn bộ chỉ trong vài phút đầu phiên chiều, từ đó đẩy khối lượng sang tay FLC và ROS lên lần lượt 100 triệu và 84 triệu đơn vị.

Giá trị giao dịch trên sàn TP HCM hôm nay xấp xỉ 26.700 tỷ đồng, tăng gần 5.000 tỷ đồng so với hôm qua. VPB dẫn đầu thanh khoản với trên 1.400 tỷ đồng, tiếp đến là FLC, HPG, MWG và ROS.

Nhà đầu tư nước ngoài nối dài chuỗi mua ròng phiên thứ tư liên tiếp. Giá trị giải ngân đạt gần 1.700 tỷ đồng, trong khi bán ra chưa đến 1.300 tỷ đồng. E1VFVN30, VNM, HPG và DGC là những mã được khối ngoại mua nhiều nhất. FLC và ROS cũng là hai mã được nhà đầu tư nước ngoài giải ngân mạnh.

Phương Đông

FLC lo bị thâu tóm sau thông tin khởi tố ông Trịnh Văn Quyết

FLC đề nghị Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán, HoSE và Trung tâm lưu ký kiểm tra phiên hôm nay khi khối lượng giao dịch cổ phiếu FLC lên tới 14% vốn điều lệ.

Kết phiên hôm nay, FLC giao dịch với thanh khoản đột biến lên tới hơn 100 triệu cổ phiếu được sang tay, tương đương 14% vốn điều lệ. Mã này từ trạng thái “trắng bảng bên mua” vào đầu giờ sáng đã vọt lên trong phiên chiều, có thời điểm vượt tham chiếu, trước khi khép phiên ở mức 10.850 đồng, giảm 1,36%.

Trong hai phiên giao dịch liền trước hôm nay, cổ phiếu FLC liên tục giảm kịch sàn với khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên chỉ bằng 1% khối lượng khớp trong phiên hôm nay.

Theo FLC, tối 31/3, mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin gom cổ phiếu FLC, thậm chí còn có thông tin tân Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Tất Thắng đăng ký mua cổ phiếu. FLC khẳng định thông tin này là sai sự thật, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và cổ đông.

“Trong trường hợp có tổ chức, cá nhân nào phát thông tin nói trên thì có thể xem là hành vi có mục đích thâu tóm doanh nghiệp, làm mất an ninh an toàn thị trường, gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin của nhà đầu tư”, FLC cho biết.

Đồng thời, tập đoàn này cho biết, việc phát sinh nhiều dấu hiệu bất thường trước, trong và sau phiên giao dịch hôm nay có thể “ảnh hưởng nghiêm trọng” tới hoạt động của tập đoàn nói riêng và sự ổn định của thị trường nói chung.

Theo đó, FLC đề nghị các cơ quan xem xét làm rõ những dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch hôm nay, có các biện pháp nhằm ổn định, hạn chế tối đa thiệt hại cho cổ đông, nhà đầu tư.

FLC còn đề nghị Ủy ban chứng khoán và HoSE ngay lập tức áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán theo quy định tại Điều 7 Luật Chứng khoán 2019, gồm tạm ngừng, đình chỉ giao dịch với mã FLC, kiểm tra làm rõ các dấu hiệu bất thường trong phiên 1/4 và xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch nếu phát hiện có vi phạm.

Trước đó, cổ phiếu nhóm FLC đã giảm sàn liên tiếp nhiều phiên do thông tin Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc “thao túng thị trường chứng khoán”. Đi cùng với trạng thái “trắng bảng bên mua” là thanh khoản chỉ còn vài trăm nghìn đơn vị.

Theo báo cáo quản trị của tập đoàn này, đến hết năm 2021, ông Quyết là cổ đông lớn nhất với sở hữu hơn 215,4 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% vốn điều lệ.

Minh Sơn

Những doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD trên HoSE

Sàn HoSE có 49 doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD, chiếm 80% thị trường với những cái tên dẫn đầu trên 10 tỷ USD là Vietcombank, Vinhomes, Vingroup.

Tổng giá trị vốn hoá của các doanh nghiệp này là 4,7 triệu tỷ đồng. Phân theo lĩnh vực hoạt động thì ngân hàng áp đảo với 17 mã, tiếp đến là bất động sản với 9 doanh nghiệp.

16/49 doanh nghiệp đạt giá trị vốn hoá trên 100.000 tỷ, phân bổ ở nhiều nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản, năng lượng, bán lẻ, hàng tiêu dùng…

VCB dẫn đầu với giá trị vốn hóa là 388.540 tỷ đồng, tiếp đến là VHM 330.061 tỷ đồng và VIC 306.692 tỷ đồng. Những cái tên còn lại trong top 10 lần lượt là BID, GAS, HPG, TCB, VNM, MSN và VPB.

Tháng này, HoSE đón thêm doanh nghiệp tỷ USD mới là Đạm Phú Mỹ (DPM). Đây cũng là doanh nghiệp mà giá cổ phiếu trong ba tháng đầu năm tăng cao thứ hai (tăng 41,5%). Xếp trên DPM, cổ phiếu của công ty cùng ngành khác là Hoá chất Đức Giang có mức tăng cao nhất (+42,6%).

Ở chiều ngược lại, 22 doanh nghiệp trong danh sách đồng thuận với diễn biến của VN-Index, tức thị giá tăng trưởng âm. SSI đứng đầu về mức giảm với 17,2%, tiếp đến là Masan (MSN) mất 14,3% và Vingroup (VIC) mất 13,7%.

Phương Đông – Anh Tú

Chứng khoán Việt Nam được đánh giá hấp dẫn ở Đông Nam Á

Thị trường chứng khoán Indonesia, Việt Nam và Singapore là ba lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư Goldman Sachs, JPMorgan giữa căng thẳng địa chính trị.

Các ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới đánh giá, căng thẳng địa chính trị trên khắp thế giới đang gia tăng, nhưng thị trường các nước Đông Nam Á có thể mang lại sự an toàn tương đối. Nhận định trên được đưa ra khi CNBC hỏi ý kiến các nhà phân tích từ Goldman Sachs và JPMorgan Asset Management. Trong đó, Indonesia là thị trường yêu thích của cả hai đơn vị trên. Ngoài ra, Việt Nam và Singapore cũng được xem là lựa chọn tốt.

Timothy Moe – trưởng chiến lược gia cổ phiếu khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Goldman Sachs cho biết, Đông Nam Á “được cách ly tương đối” khỏi căng thẳng địa chính trị gia tăng ở châu Âu, vì Nga và Ukraine chỉ chiếm chưa đến 1% xuất khẩu của khu vực. Theo ông, sự leo thang trong rủi ro địa chính trị dẫn đến việc giá cả hàng hóa tăng cao trong ngắn hạn, giúp củng cố sức mạnh của các thị trường xuất khẩu hàng hóa thuộc ASEAN.

Jakarta Composite của Indonesia đã tăng hơn 7% trong năm nay, trong khi Vn-Index của Việt Nam tăng khoảng 1% trong cùng kỳ. Chỉ số Straits Times của Singapore đã tăng hơn 9%. Trong khi đó, các chỉ số chính của thị trường Mỹ, châu Âu hay châu Á – Thái Bình Dương đều giảm.

Các nhà đầu tư trong những tuần gần đây đang phải vật lộn với một loạt lo ngại, từ giá hàng hóa tăng đột biến do Nga tiến quân vào Ukraine, đến môi trường lãi suất tăng khi các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tìm cách chống lạm phát. Viễn cảnh Fed tăng lãi suất nhiều hơn nữa đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng dòng vốn chảy ra ngoài và đồng tiền mất giá ở các thị trường mới nổi của Đông Nam Á. Đây là kịch bản đã diễn ra vào năm 2013, khi lợi suất trái phiếu nhảy vọt sau khi Fed ám chỉ sẽ giảm lượng tài sản mua vào.

Tuy nhiên, ông Desmond Loh – giám đốc danh mục đầu tư tại JPMorgan Asset Management nêu quan điểm, tình hình tài chính cấp quốc gia ở Đông Nam Á “nhìn chung lành mạnh hơn nhiều” so với một thập kỷ trước. Hầu hết ngân hàng trung ương trong khu vực, ngoại trừ Singapore, vẫn chưa thắt chặt chính sách tiền tệ. Nguyên nhân một phần do tình hình lạm phát trong khu vực tương đối ít nghiêm trọng hơn các nền kinh tế phát triển ở phương Tây. Theo ông Moe, nền kinh tế các nước Đông Nam Á ngày nay cũng có khả năng phục hồi tốt hơn so với các chu kỳ trước đây.

Nhà đầu tư đang theo dõi thị trường tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhà đầu tư đang theo dõi thị trường tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Desmond Loh cho biết: “Ở Indonesia, chúng tôi có quan điểm tích cực với các ngân hàng vì phần lớn dân số vẫn chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ ngân hàng. Chúng tôi đang nắm giữ vị thế ở các ngân hàng tư nhân hàng đầu và cả các nhà băng quốc doanh vì họ đã chủ động thúc đẩy áp dụng kỹ thuật số để tăng tốc độ thâm nhập tài chính”.

Giá hàng hóa tăng mạnh cũng có lợi cho kim ngạch xuất khẩu của Indonesia cũng như cán cân thương mại của nước này. Điều đó hỗ trợ đồng rupiah của Indonesia và triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới ở quốc gia vạn đảo.

Hàng hóa toàn cầu đang cật lực tăng giá kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2. Nga là nước sản xuất dầu lớn trong khi Ukraine là nước xuất khẩu lớn các mặt hàng khác như lúa mì và ngô. Tính đến sáng 4/4 tại châu Á, giá dầu thô Brent tương lai chuẩn quốc tế đã tăng hơn 30%.

JPMorgan Asset Management cũng thích Việt Nam. Ông Desmond Loh gọi Việt Nam là “ngôi sao trong vài năm qua” về khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Ông nói thêm, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trên toàn cầu có tốc độ tăng trưởng tích cực trong suốt đại dịch.

“Để tận dụng sự tăng trưởng, chúng tôi giữ vị thế trong các ngân hàng và nhóm tiêu dùng chất lượng cao”, ông chia sẻ nhưng không nêu tên các cổ phiếu cụ thể.

Trong khi đó, Singapore là quốc gia Đông Nam Á khác mà Goldman Sachs ưa thích. Timothy Moe cho biết, có ba lý do chính khiến ngân hàng đầu tư này thích Indonesia cũng như Singapore.

Trước hết, hai quốc gia đang cải thiện nền kinh tế và đà tăng trưởng từ một khu vực đang phục hồi muộn màng sau những thất bại liên quan đến Covid-19. Thứ hai, khu vực ngân hàng có tỷ trọng lớn trong các chỉ số chứng khoán và được hưởng lợi từ việc chuyển sang chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và lãi suất tăng. Cuối cùng, các công ty kinh tế số đang ngày càng phát triển, được đưa vào các rổ chỉ số của thị trường chứng khoán Indonesia và Singapore.

Tiểu Gu (theo CNBC)

Cổ phiếu bất động sản giảm sâu

Chứng khoán chốt phiên trong sắc xanh nhờ lực kéo của nhóm ngân hàng, trong khi các mã bất động sản bị bán tháo diện rộng với nhiều cổ phiếu giảm kịch sàn.

Thị trường chia làm hai trong phiên hôm nay, một bên là sắc xanh của nhóm bluechip với sự dẫn dắt của cổ phiếu ngân hàng, phần còn lại là sắc đỏ của nhóm bất động sản, đầu cơ.

Thông tin khởi tố Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các lãnh đạo liên quan phần nào đã ảnh hưởng tới tâm lý thị trường. Cổ phiếu bất động sản mở phiên dưới tham chiếu, giảm liên tục theo thời gian giao dịch khi áp lực bán chiếm ưu thế. Các mã được chú ý như DIG, CEO, QCG, SCR đều giảm mạnh, nhóm Gelex giảm sát mức giá sàn. Ở nhóm đầu cơ, các mã họ FLC trở lại trạng thái “trắng bảng bên mua”, giảm kịch sàn sau phiên phục hồi trước đó.

Ngược lại, nhóm bluechip là điểm sáng với sự dẫn dắt của các mã ngân hàng, bán lẻ, thép hay công nghệ. Kết quả là VN30-Index tăng gần 18 điểm (1,16%) lên trên 1.557 điểm. Trong khi đó, VN-Index chỉ tăng nhẹ gần 3 điểm (0,19%) lên 1.522,9 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index mất hơn 2%, còn UPCOM-Index giảm 0,7%.

VN-Index chốt phiên 6/4 chỉ tăng gần 3 điểm, so với mức tăng gần 18 điểm của VN30-Index. Ảnh: SSI

VN-Index chốt phiên 6/4 chỉ tăng gần 3 điểm, so với mức tăng gần 18 điểm của VN30-Index. Ảnh: SSI

Lực kéo chỉ số hôm nay chủ yếu đến từ các mã vốn hóa lớn, sắc đỏ chiếm áp đảo ở phần còn lại. Sàn HoSE ghi nhận 279 mã giảm, với 18 mã giảm kịch sàn, so với 173 mã tăng. Riêng nhóm VN30, 20/30 mã bluechip tăng giá.

Những thông tin tiêu cực về lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản khiến nhà đầu tư quay sang bán tháo nhóm này. DIG, HQC chốt phiên giảm hết biên độ, còn CEO giảm gần 5%, QCG mất 3,3%, SCR, NLG lùi dưới tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu liên quan tới Gelex như GEX, VGC, IDC, MHC cũng bị bán tháo, giảm sát giá sàn. Nhóm FLC cũng trong trạng thái tương tự với FLC và ROS “trắng bảng bên mua”.

Ở chiều ngược lại, nhóm vốn hóa lớn giao dịch thăng hoa. VPB là mã tăng tốt nhất với biên độ 4,3%, FPT có thêm 3,7%, HPG, MWG, BVH, MBB tăng trên 2%. Một số mã ngân hàng khác như VCB, STB, TCB có thêm gần 2%, HDB, CTG, TPB vượt tham chiếu.

Thanh khoản thị trường giữ ở mức cao với giá trị giao dịch trên HoSE vượt 30.000 tỷ đồng, trong đó nhóm VN30 giao dịch hơn 11.000 tỷ.

Minh Sơn

Phó chủ tịch FLC bị phạt tiền

Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch FLC hôm nay bị phạt hành chính 70 triệu vì cùng lúc là thành viên Hội đồng quản trị 7 công ty.

Giai đoạn từ tháng 5/2020 đến tháng 10/2021, bà Dung là Thành viên Hội đồng quản trị của Tập đoàn FLC đồng thời giữ chức vụ tương tự tại 6 công ty khác. Trong khi đó, theo quy định của Luật Chứng khoán, thành viên Hội đồng quản trị của một công ty đại chúng không được đồng thời giữ chức này tại quá 5 công ty khác.

Mức xử phạt của Uỷ ban Chứng khoán đưa ra là 70 triệu đồng vì “áp dụng tình tiết giảm nhẹ do người vi phạm hành chính đã tự nguyện khắc phục hậu quả”.

Theo báo cáo quản trị của Tập đoàn FLC năm 2021, bà Dung vừa là Phó chủ tịch tại công ty này vừa kiêm nhiệm hàng loạt vị trí cấp cao trong các công ty thành viên.

Bà là chủ tịch tại 7 công ty gồm: Chứng khoán BOS, Xây dựng FLC Faros, FLC Travel, Sản xuất và xuất nhập khẩu Nông sản FAM, FLC Đồ Sơn Golf & Resort, Đầu tư Phát triển và quản lý khu công nghiệp FLC, Cemaco Việt Nam. Ngoài ra, bà còn là thành viên Hội đồng quản trị tại hai công ty gồm FLCHomes, Công ty Quản lý khách sạn và khu nghỉ dưỡng FLC.

Bà Hương Trần Kiều Dung. Ảnh: Website tập đoàn FLC.

Bà Hương Trần Kiều Dung. Ảnh: Website tập đoàn FLC.

Bà Dung là Tiến sĩ Luật Quy hoạch Xây dựng Đại học Tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV, Pháp.

Bà từng là luật sư chính của Công ty Luật TNHH SMiC – tiền thân của Tập đoàn FLC – sau đó được bổ nhiệm vào các vị trí quản lý cấp cao như Trưởng ban Pháp chế và Phát triển dự án, Phó tổng giám đốc trước khi thành Tổng giám đốc. Bà Dung thôi chức Tổng giám đốc Tập đoàn FLC vào cuối tháng 3/2020.

Cũng trong ngày hôm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ quyết định “phạt hành chính 1,5 tỷ đồng với ông Trịnh Văn Quyết”. Việc huỷ này do đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01), sau khi cơ quan này đã khởi tố vụ án hình sự với ông Quyết với cáo buộc “thao túng” và “che giấu thông tin chứng khoán”, vào ngày 29/3.

Trước đó, ngày 18/1, Uỷ ban chứng khoán quyết định phạt vi phạm hành chính với Chủ tịch Tập đoàn FLC với mức 1,5 tỷ đồng, mức phạt cao nhất theo Nghị định 128 về xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán có hiệu lực đầu năm nay. Ngoài ra, ông Quyết bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.

Ông Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC vào chiều 10/1 nhưng không công bố thông tin trước đó. Tối cùng ngày, SSC cho biết mới nhận được báo cáo nên ra quyết định phong toả tài khoản của người đứng đầu FLC. Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) ngày 11/1 ra thông báo huỷ bỏ giao dịch này và đến 12/1, nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua.

Từ khi sự việc xảy ra, nhà đầu tư liên tục bán tháo FLC và các cổ phiếu liên quan đến ông Quyết như ROS, AMD, KLF, HAI. Các mã này đã có chuỗi giảm sâu 7 phiên liên tiếp và thường xuyên rơi vào tình trạng không có bên mua.

Phương Đông – Minh Sơn

Ông Đặng Văn Thành muốn thoái hết vốn tại công ty mía đường

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, đăng ký bán sạch 10 triệu cổ phiếu SBT để cơ cấu danh mục đầu tư.

Giao dịch của ông Thành dự kiến thực hiện từ giữa tuần sau đến giữa tháng 5 bằng phương thức thoả thuận.

Cổ phiếu SBT của Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà đang giao dịch quanh vùng giá 24.000 đồng. Tính theo giá này, thương vụ thoái vốn của ông Thành trị giá khoảng 240 tỷ đồng.

Ông Đặng Văn Thành. Ảnh: Website tập đoàn Thành Thành Công.

Ông Đặng Văn Thành. Ảnh: Website tập đoàn Thành Thành Công.

Trong khi đó, vợ, con gái và Tập đoàn Thành Thành Công của doanh nhân này vẫn chiếm tỷ lệ chi phối SBT với 51,92%, tương đương gần 338 triệu cổ phiếu. Trong đó, tập đoàn do ông Thành làm chủ tịch nắm 25,82%. Bà Huỳnh Bích Ngọc (vợ ông) nắm 10,71% và “công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My nắm 15,39%.

Thành Thành Công – Biên Hòa là doanh nghiệp dẫn đầu ngành đường nội địa với thị phần 46%. Niên độ tài chính 2020-2021, công ty tiêu thụ 1,16 triệu tấn và ghi nhận doanh thu 14.925 tỷ đồng. Niên độ 2021-2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu 16.905 tỷ đồng và lãi trước thuế 750 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và giảm 4% so với cùng kỳ.

Phương Đông

Chứng khoán giảm sâu nhất một tháng

VN-Index rớt hơn 20 điểm, giảm sâu nhất trong vòng một tháng qua, bởi áp lực bán lan rộng từ nhóm vốn hoá vừa và nhỏ sang vốn hoá lớn.

Tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư trước các tin đồn xấu trong nhiều ngày qua khiến áp lực bán mạnh dần lên. Nhóm vốn hoá lớn hôm qua là trụ đỡ giúp thị trường giữ được sắc xanh trong bối cảnh nhà đầu tư xả hàng cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ thì nay cũng bị bán quyết liệt.

Cổ phiếu bất động sản tiếp tục là tâm điểm xả hàng. Chỉ số đại diện cho nhóm này mất 1,81%, cao hơn mức giảm của VN-Index và chỉ xếp sau chỉ số nhóm tiêu dùng và công nghiệp. Các mã vốn hoá lớn của nhóm bất động sản như VHM và NVL lần lượt giảm 1,7% và 2%, còn các mã nhóm dưới như SCR, DIG, KHD, AGG đều mất trên 3,5%.

Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM vì thế chỉ giằng co trong ít phút đầu, sau đó nới rộng biên độ giảm và đóng cửa tại 1.502 điểm. Việc mất hơn 20 điểm so với tham chiếu đánh dấu đây là phiên giảm mạnh nhất trong vòng một tháng qua (tính theo giá trị tuyệt đối).

Thị trường chìm trong sắc đỏ với 372 cổ phiếu giảm. Rổ VN30 đóng góp đến 24 mã giảm điểm, trong đó VJC và VRE đứng đầu về biên độ giảm khi cùng mất 2,8%. 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chung đều thuộc rổ VN30. Ba mã có giá trị vốn hoá lớn nhất thị trường là VCB, VHM, VIC lần lượt chia nhau các vị trí đầu tiên.

Ở chiều ngược lại, số lượng cổ phiếu tăng chưa bằng một phần tư cổ phiếu giảm. Hai đại diện ngân hàng gồm MBB, ACB và các cổ phiếu hoá chất – phân bón như DGC, DPM, DCM cùng ngược dòng thị trường để chặn đà giảm sâu.

Thanh khoản thị trường đạt xấp xỉ 27.150 tỷ đồng, giảm gần 3.000 tỷ đồng so với hôm qua. VPB là cổ phiếu duy nhất có giá trị giao dịch nghìn tỷ, đạt 1.277 tỷ đồng. GEX, VND, MBB xếp tiếp theo khi giá trị khớp lệnh dao động khoảng 800-990 tỷ đồng.

Phân theo nhóm ngành thì tài chính – ngân hàng đóng góp giá trị giao dịch nhiều nhất với gần 6.860 tỷ đồng. Công nghiệp, bất động sản và nguyên vật liệu dao động từ 3.000-5.000 tỷ đồng mỗi nhóm.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ra gần 2.300 tỷ đồng, trong khi giá trị mua vào chỉ 1.750 tỷ đồng. MWG có giá trị sang tay lớn nhất với 590 tỷ đồng, tiếp đến là FPT, VHM, HPG.

Phương Đông

5% dân số Việt Nam đầu tư chứng khoán

Số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước tính đến cuối tháng 3 đạt 4,93 triệu, tương đương 5% dân số cả nước.

Điều này đồng nghĩa mục tiêu có 5% dân số đầu tư chứng khoán vào năm 2025 trong đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm do Thủ tướng ban hành đã hoàn thành trước hạn ba năm.

Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng nhà đầu tư cá nhân mới tham gia chứng khoán trong tháng 3/2022 tiếp tục lập kỷ lục mới với 270.000 tài khoản.

Tính chung ba tháng đầu năm có 675.000 nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán, gần bằng phân nửa số lượng tài khoản mở mới của năm trước.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 4,98 triệu tài khoản đang giao dịch. Nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ áp đảo với 98,9%, còn lại là của nhà đầu tư tổ chức trong nước, tổ chức và cá nhân nước ngoài.

Nhiều chuyên gia dự báo lượng tài khoản chứng khoán sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới bởi điều kiện tiếp cận thị trường ngày càng được cải tiến, thu nhập tăng và nhu cầu phân bổ vốn đầu tư ra nhiều kênh khác nhau.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, trong năm nay bình quân mỗi tháng thị trường có thêm 150.000 tài khoản mới. Trong khi đó, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng quỹ đầu tư VinaCapital, dự đoán số lượng nhà đầu tư chứng khoán có thể tăng gấp ba lần trong 10 năm tới.

Nếu so với các thị trường khác trong khu vực, tỷ lệ người dân có tài khoản chứng khoán của Việt Nam thấp hơn nhiều. Thái Lan hiện có 5,3 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương khoảng 8% sân số. Trong khi đó, tính đến cuối năm 2021, Đài Lan có đến 22 triệu người đầu tư chứng khoán, tương đương 93% dân số…

Phương Đông

Bầu Đức: ‘HAGL tìm đối tác có tiền, không cần kinh nghiệm’

Bầu Đức cho rằng đủ kinh nghiệm đưa công ty phát triển mạnh năm tới và đang rất cần tìm đối tác có tiền để đầu tư mở rộng, không cần tư vấn.

Đại hội cổ đông Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nóng lên khi ban lãnh đạo chia sẻ về phương án chào bán hơn 161,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.500 đồng một cổ phần. Nhiều cổ đông lo ngại việc phát hành này khiến công ty rủi ro nếu “bắt tay” với đối tác không có kinh nghiệm.

Trước lo lắng của cổ đông, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL cho biết có thừa kinh nghiệm để dẫn dắt công ty “bùng nổ”, sớm nhất là năm 2023. “Chúng tôi đang cần tiền để đầu tư mở rộng, không cần tư vấn”, Bầu Đức nói.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL. Ảnh: Đức Đồng

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL. Ảnh: Đức Đồng

Theo ông Đức, công ty không phân biệt đối tác, quỹ nào có tiền muốn hợp tác công ty đều chấp nhận. Với tổng số tiền dự kiến thu được là 1.700 tỷ đồng từ phát hành chào bán cổ phiếu, công ty sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động cho các công ty con, đầu tư trồng 7.000 cây chuối và một triệu con heo. Ngoài ra, công ty sẽ dùng 500 tỷ đồng để thanh toán một phần nợ gốc trái phiếu phát hành ngày 30/12/2016.

“HAGL đã đi xuống quá nhiều và ngã ngựa rồi. Chúng tôi sẽ không để ngã ngựa lần thứ 2 và hứa hẹn trở lại thời hoàng kim 2008”, ông Đức nói và đề nghị cổ đông ủng hộ công ty phát hành để có tiền đầu tư.

Liên quan việc này, cổ đông HAGL mong muốn công ty phát hành cho cổ đông hiện hữu để họ cùng chia sẻ với công ty. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng vì vướng hồi tố do 3 năm lỗ liên tiếp trước đó nên công ty không được phát hành đại chúng. Do đó, ông mong cổ đông thông cảm.

Tại đại hội, cổ đông cũng miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT của bà Nguyễn Thị Huyền kể từ ngày 8/4 và bầu bổ sung thêm một thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025.

Năm nay, HAGL sẽ trồng thêm 2.000 ha chuối, xây thêm 9 cụm chuồng trại chăn nuôi heo nái và heo thịt. Trong số đó, có 2 cụm chuồng trại tại Lào và 2 cụm tại Campuchia, nâng tổng số cụm chuồng trại lên thành 16 với công suất hơn một triệu con heo thịt mỗi năm.

Năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai đặt mục tiêu doanh thu 4.820 tỷ, lợi nhuận 1.120 tỷ đồng. Đây sẽ là mức lợi nhuận cao nhất của HAGL kể từ năm 2015 tới nay. Công ty tiếp tục không chia cổ tức năm nay.

Phương án kinh doanh trên được xây dựng với giá heo hơi 53.000 một kg, và chuối ở mức 13.000 đồng một kg. Ông Đức dự báo giá heo sẽ tăng 60.000 đồng trong một tháng nữa do giá thức ăn chăn nuôi đang tăng 30%, giá chuối cũng đang tăng lên 15.000 đồng một kg.

Thi Hà