Chứng khoán

Tiền vào chứng khoán giảm sâu

Thị trường giữ thế giằng co, thanh khoản trên HoSE phiên 12/9 chỉ còn hơn 10.000 tỷ đồng, bằng một nửa mức trung bình giai đoạn sôi động đầu năm.

Chứng khoán tiếp tục có một phiên giao dịch ở trạng thái “ru ngủ”, khi biên độ cả phiên chưa tới 5 điểm, thanh khoản giảm sâu.

VN-Index mở cửa phiên 12/9 trên tham chiếu, nhưng cả bên mua và bán đều án binh bất động. Bên cầm tiền không nỗ lực đẩy giá, trong khi bên cầm cổ phiếu cũng không hành động quyết liệt. Kết quả là các mã trụ luân phiên giữ nhịp thị trường, phần lớn chỉ ở gần tham chiếu. Nhịp giao dịch này được giữ nguyên trong toàn bộ phiên giao dịch.

VN-Index chốt phiên hôm nay tại 1256,35 điểm, tăng hơn 3 điểm (0,25%) so với phiên trước. VN30-Index có thêm 3,7 điểm (0,29%) lên gần 1.300 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng vượt tham chiếu.

Thanh khoản toàn thị trường chỉ đạt gần 12.000 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm 10.400 tỷ, giảm hơn 2.200 tỷ đồng so với phiên trước, xuống mức thấp nhất từ đầu tháng 9. Mức thanh khoản hiện tại cũng chỉ bằng một nửa so với thời điểm sôi động, thường ghi nhận trên 20.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Cuối phiên, sàn HoSE có 218 cổ phiếu tăng giá, so với 163 cổ phiếu giảm giá. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng hơn 180 tỷ đồng.

VCB là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 1,5 điểm khi mã này tăng 1,2%, lên 89.500 đồng. Ngược lại, SSB là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi giảm gần 6%, xuống 15.050 đồng.

Cổ phiếu của SeABank giảm liên tục trong ba phiên gần đây, với biên độ mỗi phiên 5-6%. Tính chung ba phiên gần nhất, mã này mất gần 20% thị giá, giảm từ mức trên 18.000 đồng xuống 15.000 đồng.

Ở nhóm tăng, các cổ phiếu ngân hàng chiếm ưu thế. VIB, VPB, TPB, ACB, VCB có thêm hơn 1% sau phiên hôm nay, SHB, MBB, TCB, STB, CTG đóng cửa trong sắc xanh. Ngược lại, ngoài SSB, HDB cũng đóng cửa trong sắc đỏ. Nhóm bluechip giảm còn ghi nhận HPG, PLX, BVH, VRE, MWG.

Với nhóm vốn hóa trung bình, cổ phiếu NVL ghi nhận lực cầu đỡ giá, giúp phiên hôm nay thoát giá sàn. Đóng cửa, mã này giảm gần 4%, xuống 11.400 đồng. Một số cổ phiếu bất động sản khác như DIG, DXG, HQC cũng khép phiên trong sắc đỏ.

Trong nhóm UPCoM, cổ phiếu VNZ của VNG tăng kịch trần phiên thứ hai liên tiếp, sau chuỗi 4 phiên giảm trước đó. Chốt phiên hôm nay, thị giá VNZ trở lại mức trên 400.000 đồng.

Minh Sơn

Cổ phiếu Novaland nằm sàn

Sau khoảng một tiếng giao dịch, NVL giảm kịch biên độ và nằm sàn cho đến hết buổi sáng, cổ phiếu này rơi vào tình trạng “trắng” bên mua.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland gần như đi dưới tham chiếu ngay từ đầu. Thị giá mã này hạ độ cao lần lượt và giảm kịch biên độ về 11.850 đồng một đơn vị vào khoảng 10h. Lực cầu bắt đáy xuất hiện kéo giá cổ phiếu này lên trong vài phút. Tuy nhiên áp lực xả hàng lập tức lấn át, đẩy NVL nằm sàn liên tục cho đến khi nghỉ trưa.

Mã chứng khoán của Novaland đạt thanh khoản cao nhất toàn thị trường với hơn 575 tỷ đồng, chiếm hơn 9% tổng giá trị giao dịch sàn HoSE. Mặt tích cực là lệnh mua chủ động chiếm khoảng 61,5%, cho thấy độ hấp thụ của thị trường. Tuy nhiên từ khoảng 10h30, cổ phiếu này rơi vào tình trạng “trắng” bên mua, lượng dư bán ghi nhận hơn 2,4 triệu đơn vị cho cả buổi sáng.

Diễn biến thị giá cổ phiếu Novaland sáng 11/9. Ảnh: TradingView

Diễn biến thị giá cổ phiếu Novaland sáng 11/9. Ảnh: TradingView

NVL nằm sàn sau thông tin Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) quyết định đưa mã này cùng SC5 vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) từ ngày 10/9. Nguyên nhân là hai đơn vị chậm công bố báo cáo tài chính bán niên đã soát xét.

Novaland cho biết trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này triển khai nhiều kế hoạch, chương trình hoạt động cùng lúc như tái khởi động các dự án, hoàn thiện và bàn giao sản phẩm, bàn giao giấy chứng nhận cho cư dân. Do đó, giao dịch và số lượng hồ sơ chứng từ tăng cao giữa công ty mẹ và các công ty con, làm chậm quá trình hoàn thiện báo cáo tài chính.

“Chúng tôi đang nỗ lực làm việc với đơn vị kiểm toán để hoàn tất các khâu cuối của việc soát xét để sớm công bố thông tin”, đại diện NVL nói.

Báo cáo tài chính chưa kiểm toán của công ty cho thấy, doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 2.246 tỷ và lãi gần 345 tỷ đồng. So với nửa đầu năm trước, doanh thu đã tích lũy thêm 35% và lợi nhuận tăng mạnh so với khoản lỗ hơn 1.094 tỷ. Công ty hoàn thành chưa tới 7% chỉ tiêu doanh thu và gần 32% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tuy nhiên, điểm rơi ghi nhận dòng tiền của các doanh nghiệp địa ốc thường nằm ở nửa cuối năm.

Trong cuộc họp nhà đầu tư mới đây, Novaland cho biết tính đến cuối tháng 6, họ đã bàn giao khoảng 4.388 sản phẩm tại các dự án ở TP HCM, Aqua City (Đồng Nai), NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa – Vũng Tàu) và NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận). Nếu hoàn thiện pháp lý đúng lộ trình, doanh nghiệp này hứa sẽ bàn giao thêm 2.580 bất động sản từ nay đến cuối năm. Trong kịch bản giải quyết xong pháp lý cho Aqua City, Novaland sẽ hoàn thành 90% quá trình tái cấu trúc.

Hôm qua, Ngân hàng Quân Đội (MB) cam kết giải ngân 1.100 tỷ đồng cho dự án này để đẩy mạnh công tác thi công. Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã đồng thuận cho phép chủ đầu tư Aqua City được triển khai nghiên cứu lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 song song với việc thực hiện phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu C4 của thành phố Biên Hòa.

NVL là một trong ba mã trên sàn HoSE giảm kịch biên độ sáng nay. Thị trường chứng khoán nhìn chung diễn biến xấu khi có hơn hai phần ba cổ phiếu giảm giá, ảm đạm nhất là ngành bất động sản. VN-Index chốt ở 1.248,4 điểm trước giờ nghỉ trưa, thấp hơn tham chiếu gần 7 điểm.

Tất Đạt

Cổ phiếu VNG nằm sàn, ngành bảo hiểm đỏ sắc

Trong phiên chứng khoán rơi 12,5 điểm, cổ phiếu VNG giảm 15% về giá sàn, nhiều mã ngành bảo hiểm diễn biến xấu khi phải bồi thường sau bão Yagi.

VN-Index mở cửa trong sắc xanh khi lực mua xuất hiện từ sớm nhưng dòng tiền mỏng khiến chứng khoán chỉ tăng nhẹ. Đến 10h30, lực bán trở lại áp đảo đẩy chỉ số chung về dưới tham chiếu, tuy nhiên không giảm quá sâu. Thị trường giao dịch trong tâm thế thăm dò là chủ yếu.

Sang buổi chiều, các bên bán chủ động bắt đầu xả hàng mạnh hơn khiến chỉ số của sàn HoSE liên tục giảm. Thanh khoản bắt đầu tăng tốc sau 14h cũng là lúc thị trường chìm sâu trong sắc đỏ. Có thời điểm, chỉ số chung sụt hơn 16 điểm so với tham chiếu.

Cải thiện nhẹ những phút cuối phiên, VN-Index đóng cửa trên 1.255,2 điểm, hạ 12,5 điểm. Toàn sàn HoSE có 320 cổ phiếu giảm giá, áp đảo so với 94 mã tăng. Các mã VCB, BID, HPG, TCB, SSB, CTG là nhóm gây ảnh hưởng xấu nhất đến thị trường.

Sắc đỏ phủ lên VN-Index và xuất hiện ở HNX và UPCoM. Chỉ số đại diện hai sàn này lần lượt giảm 1,8 và 0,7 điểm so với tham chiếu.

Trong đó, VNZ là một trong những cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường. Phần lớn thời gian giao dịch đến lúc chốt phiên, mã chứng khoán của VNG nằm sàn với hơn 11.000 cổ phiếu được sang tay. Ở mức 334.500 đồng một đơn vị, thị giá hiện tại tương đương 30% mức đỉnh hơn 1,1 triệu đồng từng xác lập của VNZ. Sau 4 phiên giảm liên tục, cổ phiếu VNG mất giá hơn 37%, đưa vốn hóa doanh nghiệp hạ về 9.600 tỷ đồng.

Cuối tuần trước, VNG – chủ sở hữu Zalo – bổ nhiệm ông Kelly Wong vào vị trí quyền Tổng giám đốc. Công ty này vừa cho biết ông Lê Hồng Minh vẫn là CEO VNG. Tuy nhiên, trong thời gian này, ông Minh tạm thời ủy quyền công việc điều hành hàng ngày của công ty cho ông Kelly Wong.

Nhà đầu tư đang theo dõi cổ phiếu của VNG và một số mã thuộc ngành bảo hiểm. Ảnh: Tất Đạt

Nhà đầu tư đang theo dõi cổ phiếu của VNG và một số mã thuộc ngành bảo hiểm. Ảnh: Tất Đạt

Xét theo ngành, bảo hiểm là một trong những nhóm có diễn biến xấu nhất thị trường. Hai mã có thanh khoản tốt nhất là BVH và PVI lần lượt giảm 1,6% và 2,4%. Một số cổ phiếu quen thuộc trong ngành như MIG, BIC, PTI cũng sụt quanh 1-4,6%.

Diễn biến trên phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về việc bão Yagi giáng đòn mạnh lên kết quả kinh doanh ngành bảo hiểm. Theo đề nghị của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), các doanh nghiệp chủ động xác định thiệt hại về người và tài sản, tạm ứng, bồi thường và trả tiền bảo hiểm kịp thời cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng. Trước mắt, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành cho biết số tiền bồi thường thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng ở mỗi hãng.

Tất Đạt

Cổ phiếu VNG gần chạm sàn

Cổ phiếu VNZ của VNG trên UPCoM giảm gần 15% sau phiên 9/9, nâng mức hạ trong hai phiên gần nhất lên hơn 20%.

Chứng khoán chìm trong sắc đỏ phiên đầu tuần. VN-Index lùi về dưới 1.270 điểm khi mở cửa, đi ngang quanh vùng giá thấp cho tới hết phiên sáng. Sự thận trọng của nhà đầu tư dâng cao khi chỉ số của sàn HoSE dao động trong khoảng “nghi ngờ”, trên ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm và dưới vùng kháng cự mạnh – gần 1.300 điểm.

Sang phiên chiều, thị trường có nhịp rơi nhanh lúc 14h. Tuy nhiên, VN-Index nhanh chóng thu hẹp nhờ lực đỡ ở vùng giá thấp. Dù vậy, lực mua chỉ vào khi giá giảm sâu, khiến chỉ số của sàn HoSE chỉ trở lại vùng điểm đầu giờ sáng.

Cuối phiên, sàn HoSE có 104 cổ phiếu tăng giá, so với 282 mã giảm giá.

Cổ phiếu VNZ của VNG là một trong những mã giảm mạnh nhất. Theo đó, mã từng đắt giá nhất thị trường mất gần 15%, xuống 392.500 đồng. Mức thị giá hiện tại của VNZ chỉ hơn 1/3 so với mức đỉnh hơn 1,1 triệu đồng từng xác lập. Hai phiên gần nhất, mã này đã giảm hơn 20%, với vốn hóa hiện chỉ còn hơn 11.000 tỷ đồng.

Cuối tuần trước, VNG, chủ sở hữu Zalo, đã bổ nhiệm ông Kelly Wong vào vị trí quyền Tổng giám đốc. Công ty này vừa cho biết ông Lê Hồng Minh vẫn là CEO VNG. Tuy nhiên, trong thời gian này, ông Minh tạm thời ủy quyền công việc điều hành hàng ngày của công ty cho ông Kelly Wong.

Cổ phiếu VNZ của VNG giảm gần 15% sau phiên 9/9. Ảnh: Minh Sơn

Cổ phiếu VNZ của VNG giảm gần 15% sau phiên 9/9. Ảnh: Minh Sơn

Ở nhóm ảnh hưởng tới thị trường, GAS là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 0,3 điểm khi mã này tăng gần 1% lên 84.700 đồng. Ngược lại, VHM là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi giảm hơn 2% xuống 43.000 đồng.

Nhịp giao dịch chậm thể hiện qua số thanh khoản giảm sâu, chỉ bằng một nửa trung bình những phiên cuối tháng 8. Trong nhóm bluechip, áp lực đè nặng từ nhóm cổ phiếu tài chính, bất động sản.

VN-Index chốt phiên tại 1267,73 điểm, giảm 6,23 điểm (0,49%) so với phiên trước. VN30-Index mất hơn 8 điểm (0,63%), xuống 1.307,15 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index đóng cửa trong sắc đỏ.

Thanh khoản toàn thị trường đạt gần 13.300 tỷ, với thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 11.600 tỷ đồng, giảm hơn 3.600 tỷ so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng hơn 480 tỷ đồng.

Trong nhóm vốn hóa lớn, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo. HPG, SSB, GAS là ba mã giữ sắc xanh, 4 cổ phiếu đứng tham chiếu còn 23 mã giảm. Ngoài VHM, VIC cũng mất hơn 2% sau phiên đầu tuần, BVH, SSI, STB, BCM, VIB giảm trên 1%, MWG, VJC, ACB, TPB, VPB, MBB đóng cửa trong sắc đỏ.

Minh Sơn

Sabeco dự chi 830 tỷ đồng thâu tóm bia Sài Gòn Bình Tây

Sabeco lên kế hoạch mua 37,8 triệu cổ phiếu bia Sài Gòn Bình Tây, tương đương 830 tỷ, cao hơn thị trường 18%, nhằm củng cố quyền kiểm soát.

Thông tin được Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SAB, Sabeco) nêu trong nghị quyết HĐQT về kế hoạch chào mua công khai 37,8 triệu cổ phiếu, tương đương 43,2% vốn điều lệ của Bia Sài Gòn Bình Tây (SBB) trên sàn UpCOM.

Thương vụ này sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của Sabeco tại SBB từ 22,7% lên 65,9%, giúp Sabeco trở thành công ty mẹ. Mức giá chào mua là 22.000 đồng một cổ phiếu, cao hơn 18% so với giá thị trường, với tổng chi phí dự kiến hơn 830 tỷ đồng.

Kế hoạch chào mua dự kiến thực hiện trong năm nay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Sabeco đặt điều kiện hủy bỏ đợt chào mua nếu số cổ phiếu SBB đăng ký bán không đạt ít nhất 25,12 triệu cổ phiếu (28,7% tổng số cổ phiếu lưu hành), hoặc SBB giảm số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Thương vụ cũng sẽ bị hủy nếu SBB bán tài sản có giá trị từ 35% tổng tài sản dựa trên báo cáo tài chính gần nhất.

Bia Sài Gòn được bán tại thị trường Hà Nội. Ảnh: Reuters

Bia Sài Gòn được bán tại thị trường Hà Nội. Ảnh: Reuters

Nửa đầu năm nay, SBB ghi nhận doanh thu 635 tỷ đồng nhưng lỗ 92 tỷ đồng do chi phí tài chính cao, tổng tài sản giảm còn 2.328 tỷ đồng. Từ năm 2020, công ty liên tục báo lỗ dù trước đó có lợi nhuận tốt. Bia Sài Gòn Bình Tây, thành lập năm 2005, sở hữu thương hiệu bia Sagota. Doanh nghiệp có 6 nhà máy với tổng công suất 610 triệu lít bia một năm.

Trong khi đó, Sabeco đạt doanh thu hơn 15.378 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.342 tỷ đồng nhờ tăng giá bán và doanh thu tài chính từ tiền gửi ngân hàng. Tuy nhiên, thị phần Sabeco giảm từ 42% năm 2013 xuống 34,4% năm 2023 do cạnh tranh và tác động từ nghị định 100, đặc biệt khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và đối thủ cũng tăng giá bán.

Chứng khoán FPTS cho rằng việc tăng giá bán đã làm giảm thị phần của Sabeco, nhưng lượng tiền gửi ngân hàng giúp duy trì lợi nhuận ổn định.

Thi Hà

Chứng khoán đi lên sau hai phiên điều chỉnh

Tăng trở lại sau hai phiên giảm liên tiếp, VN-Index hôm nay tích lũy gần 6 điểm nhờ nhóm bluechip nhưng thị trường rơi vào tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng”.

Mở cửa phiên 6/9, chỉ số của sàn HoSE giằng co quanh tham chiếu khi lực mua và bán thay nhau chiếm ưu thế. Tuy nhiên biên độ rung lắc không lớn do dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán rất thấp, chưa tới 2.000 tỷ sau giờ đầu giao dịch. Nửa cuối buổi sáng, bên bán giành thế áp đảo khiến VN-Index lùi về dưới tham chiếu, giảm khoảng 5 điểm.

Đầu giờ chiều, áp lực sang tay cổ phiếu vẫn hiện hữu nhưng nhanh chóng đảo chiều. Đến khoảng 14h, chỉ số chung quay trở lại trên tham chiếu và dần tăng độ cao. VN-Index chốt phiên ở sát 1.274 điểm, tăng thêm 5,75 điểm so với hôm qua.

Tuy nhiên thị trường rơi vào tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng” khi có 212 cổ phiếu giảm giá, nhiều hơn so với 192 cổ phiếu tăng. Tuy nhiên chênh lệch không quá cách biệt.

Nhóm bluechip đóng góp lớn cho đà tăng của VN-Index hôm nay. Rổ VN30 ghi nhận 22 mã xanh, giúp chỉ số đại diện tích lũy hơn 6 điểm. Trong đó, các đại diện BID, MSN, CTG, GVR, HPG, FPT tạo động lực nhiều nhất.

Chỉ số tăng nhưng thanh khoản sàn HoSE lại có diễn biến ngược chiều. Tổng giá trị giao dịch hôm nay đạt gần 15.500 tỷ đồng, giảm hơn 1.100 tỷ. Diễn biến tích cực nằm ở khối ngoại khi họ trở lại mua ròng 230 tỷ đồng, tâm điểm là FPT và CTG.

Phiên tích lũy hôm nay vẫn không đủ bù đắp cho hai phiên điều chỉnh trước đó. VN-Index giảm gần 10 điểm so với trước lễ. Dòng tiền chưa có dấu hiệu tham gia thị trường sôi động. Tâm lý chung của nhà đầu tư là thận trọng mua vào, mặc khác những ai đang nắm giữ cổ phiếu cũng không cảm thấy quá cần thiết để xả hàng với giá thấp.

Nhà đầu tư đang theo dõi diễn biến cổ phiếu VNZ hôm nay. Ảnh: Tất Đạt

Nhà đầu tư đang theo dõi diễn biến cổ phiếu VNZ hôm nay. Ảnh: Tất Đạt

Trong khi đó trên sàn UPCoM, cổ phiếu VNZ lại có diễn biến đáng chú ý. Mở cửa ở 520.000 đồng một đơn vị – mức cao nhất toàn thị trường – mã chứng khoán của Công ty cổ phần VNG bắt đầu giảm mạnh vào khoảng 11h rồi chốt giá sàn 437.800 đồng trước khi nghỉ trưa. Tuy nhiên sang buổi chiều, thị giá cổ phiếu này lại cải thiện khá nhanh chóng và đóng cửa ở 480.000 đồng, giảm 6,8%.

Thanh khoản VNZ cũng đạt mức cao nhất ba tháng qua với hơn 16.400 cổ phiếu, tương đương hơn 7 tỷ đồng. Từ khi giao dịch trên UPCoM vào đầu năm đến nay, khối lượng sang tay bình quân của cổ phiếu này chưa tới 2.000 đơn vị mỗi phiên.

Tất Đạt

Chứng khoán tiếp tục rơi điểm

Ở phiên sụt giảm thứ hai sau lễ, VN-Index rơi gần 9 điểm khi áp lực bán bủa vây nhóm bluechip, trừ bộ đôi “họ Vin” là VHM và VIC.

Buổi sáng, đồ thị VN-Index phủ trọn sắc xanh khi lực cầu xuất hiện khá tốt và lan tỏa nhiều ngành. Trong đó, cổ phiếu bất động sản và chứng khoán có diễn biến khả quan nhất.

Nổi bật là các mã “họ Vin” gồm VIC, VHM và VRE, cùng một số đại diện khác như HCM, SSI, FTS… Tuy nhiên dòng tiền tham gia thị trường mỏng hơn cùng thời điểm của hôm qua. Đến gần giờ nghỉ trưa, áp lực bán xuất hiện trở lại, từng bước kéo hạ độ cao của chỉ số chung.

Sang buổi chiều, VN-Index về sát tham chiếu. Khoảng 30 phút sau, thị trường rung lắc và bị nhuộm đỏ. Lực bán đổ về dồn dập hơn, có thời điểm chứng khoán giảm gần 10 điểm.

Cải thiện nhẹ ở những phút cuối, VN-Index đóng cửa trên 1.268,2 điểm, thấp hơn tham chiếu khoảng 7,6 điểm. Thị trường tiếp tục đi lùi sau nghỉ lễ.

Toàn sàn HoSE có 285 cổ phiếu giảm giá, trong khi ghi nhận 118 mã tăng. Chứng khoán bị ảnh hưởng nặng bởi các mã VCB, FPT, GVR, MBB. Ở phía ngược lại, bộ đôi VHM và VIC lại nâng đỡ thị trường tránh giảm quá sâu.

VN-Index điều chỉnh chủ yếu do ảnh hưởng từ rổ VN30. Nhóm này có 23 cổ phiếu đi lùi khiến chỉ số đại diện giảm gần 8,7 điểm. Nếu xét theo ngành, các nhóm viễn thông, công nghệ, dầu khí và hóa chất có diễn biến kém khả quan nhất.

Trong khi đó, bất động sản là nhóm duy nhất dẫn dắt dòng tiền, có chỉ số ngành duy trì mức dương. Tuy nhiên diễn biến trên phụ thuộc lớn vào bộ đôi VHM và VIC. Đa số cổ phiếu ngành này đều đỏ sắc, trong đó DIG, PDR và IDC giảm từ 2% trở lên.

Áp lực bán khá mạnh vào cuối phiên khiến thanh khoản toàn thị trường TP HCM tăng gần 870 tỷ, lên khoảng 16.585 tỷ đồng. Tuy nhiên con số trên vẫn ở mức khá khiêm tốn, cho thấy nhà đầu tư còn chần chừ chưa tham gia dù đã qua kỳ nghỉ lễ.

Tâm lý nhà đầu tư cũng bị đè nặng khi khối ngoại tiếp tục bán ròng ở phiên thứ hai với giá trị hơn 680 tỷ đồng. Họ chủ yếu xả hàng ở FPT, HPG, VPB.

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thị trường tiếp tục xuất hiện diễn biến điều chỉnh, nhưng áp lực chưa quá lớn và lực cầu vẫn hiện hữu. Do đó, nhóm phân tích này không thay đổi quan điểm và khuyến nghị các nhà đầu tư giữ tâm lý bình tĩnh, tiếp tục duy trì tỷ trọng cổ phiếu và danh mục hiện tại. Nhà đầu tư cũng cần theo dõi sát diễn biến thị trường và chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn để có thể giải ngân với giá chiết khấu tốt trong những phiên rung lắc.

Tất Đạt

Ông Nguyễn Đức Tài muốn bán một triệu cổ phiếu Thế Giới Di Động

Ông Nguyễn Đức Tài đăng ký bán một triệu cổ phiếu MWG trong bối cảnh giá mã này tăng mạnh 78% so với cuối năm ngoái.

Thông tin trên vừa được Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE).

Theo đó, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài đăng ký bán một triệu cổ phiếu MWG nhằm phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân.

Nếu giao dịch thành công, người đứng đầu Thế Giới Di Động giảm sở hữu từ hơn 33 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,29% xuống còn 32,43 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 2,22%. Thời gian đăng ký bán ra là từ ngày 9/9 đến ngày 8/10 theo phương thức giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn.

Trong năm nay, ông Tài cũng từng bán 2 triệu cổ phiếu từ ngày 7/6 đến 19/6. Động thái bán ra của ông Tài diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu MWG trong xu hướng phục hồi mạnh từ đáy. Tính từ cuối năm ngoái đến nay, giá cổ phiếu MWG đã tăng gần 78% và đang đi ngang ở vùng cao nhất trong gần 2 năm qua.

Trong phiên 5/9, mã này giao dịch quanh 68.000 đồng một cổ phiếu, giảm 1,6% so với giá tham chiếu. Tạm tính theo mức giá này, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài có thể thu về khoảng 68 tỷ đồng nếu giao dịch thành công.

Liên quan đến giao dịch lớn, cuối tháng 7 vừa qua, nhóm quỹ ngoại Dragon Capital cũng đã bán 1,96 triệu cổ phiếu MWG, hạ tỷ lệ sở hữu từ 8,07% về dưới 8%, tương đương nắm giữ 116,13 triệu cổ phiếu.

Về kinh doanh, công ty này ghi nhận doanh thu 7 tháng đầu năm hơn 76.540 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2023. Các chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, và Bách Hóa Xanh đóng góp tích cực, trong đó Bách Hóa Xanh tăng trưởng 40%. Riêng chuỗi nhà thuốc An Khang, công ty đang tiếp tục tái cấu trúc khi đã đóng cửa 184 nhà thuốc, tương đương giảm 35% điểm bán trong mạng lưới của chuỗi này 7 tháng đầu năm.

Thi Hà

Chứng khoán thu hẹp đà giảm

VN-Index có lúc mất gần 15 điểm vào đầu giờ sáng 4/9, nhưng thu hẹp sắc đỏ về ngưỡng một con số vào cuối phiên nhờ lực đỡ của nhóm Vingroup.

Chứng khoán trở lại sau kỳ nghỉ lễ với sắc đỏ bao trùm bảng điện, cùng chiều với các thị trường tài chính thế giới. VN-Index giảm gần 15 điểm sau ATO với toàn bộ nhóm bluechip giao dịch dưới tham chiếu.

Thị trường hồi phục dần trở lại theo thời gian giao dịch, tiến gần ngưỡng 1.280 điểm vào giữa phiên sáng. Tuy nhiên, áp lực bán vẫn chiếm áp đảo khiến chỉ số của sàn HoSE một lần nữa lao dốc. Trước giờ nghỉ trưa, VN-Index lùi về dưới vùng 1.270 điểm.

Sang phiên chiều, thị trường dần tìm được điểm cân bằng. Lực cầu đỡ giá tăng nhanh ở vùng dưới 1.270 điểm. Trong nhóm bluechip, bộ đôi nhóm Vingroup là VHM và VRE tăng mạnh trở lại, sắc xanh cũng xuất hiện nhiều hơn ở nhóm mid-cap.

VN-Index phục hồi, chốt tại 1275,8 điểm, giảm hơn 8 điểm (0,63%). VN30-Index mất gần 14 điểm (1,04%), xuống 1.317,71 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng đóng cửa dưới tham chiếu.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 17.300 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 15.700 tỷ, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng hơn 760 tỷ đồng, cao nhất từ đầu tháng 8.

Cuối phiên, sàn HoSE có 117 cổ phiếu tăng giá, so với 313 mã giảm giá.

VHM là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 1,07 điểm khi mã này tăng 2,4%, lên 42.500 đồng. Ngược lại, VCB là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi mã này giảm gần 1%, xuống 91.000 đồng.

Trong VN30, SSB, PLX cùng giảm trên 3%, VPB, HDB mất hơn 2%. Các mã POW, GVR, MBB, BVH, SSI thấp hơn tham chiếu hơn 1,5%. Ngược lại, hai mã nhóm Vingroup là VHM và VRE dẫn đầu đà tăng với biên độ hơn 2%. Còn GAS, CTG, VNM, BID đóng cửa trong sắc xanh.

Ở nhóm vốn hóa trung bình, cổ phiếu xây dựng, chứng khoán, bán lẻ và một số mã bất động sản có xu hướng phục hồi vào cuối phiên.

Ở nhóm xây dựng, PHC tăng kịch trần, HBC có thêm hơn 5%, CTD vượt tham chiếu. Một số mã bất động sản như DIG, DXG, PDR cũng giữ sắc xanh khi đóng cửa.

Minh Sơn

Vốn hóa Nvidia bốc hơi gần 300 tỷ USD một phiên

Nhà đầu tư thận trọng với cơn sốt AI, trong bối cảnh sản xuất tại Mỹ đi xuống, khiến vốn hóa Nvidia giảm kỷ lục tại Wall Street.

Chốt phiên giao dịch 3/9, cổ phiếu Nvidia giảm 9,5%. Việc này khiến vốn hóa của hãng chip mất 279 tỷ USD – kỷ lục với một công ty Mỹ. Đây là dấu hiệu nhà đầu tư đang ngày càng thận trọng với làn sóng AI trên toàn cầu. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, mã này vẫn tiếp tục giảm.

Cổ phiếu hàng loạt hãng chip khác hôm qua cũng đi xuống. Intel cũng giảm 8%, Marvell mất 8,2%, Broadcom giảm 6%, AMD 7,8% và Qualcomm 7%. Chỉ số VanEck Semiconductor theo dõi các cổ phiếu hãng chip giảm 7,5% – ghi nhận phiên tệ nhất kể từ tháng 3/2020.

Logo Nvidia tại triển lãm Computex 2024 hôm 4/6 tại Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: Khương Nha

Logo Nvidia tại triển lãm Computex 2024 hôm 4/6 tại Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: Khương Nha

Chứng khoán Mỹ đi xuống sau khi Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) công bố báo cáo cho thấy hoạt động sản xuất của nước này tiếp tục co lại trong tháng 8. Chỉ số PMI của Mỹ tháng trước là 47,2, có cải thiện so với 46,8 điểm trong tháng 7, nhưng vẫn dưới mốc 50. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp PMI của Mỹ dưới mốc này. Sản xuất hiện đóng góp 10,3% GDP nền kinh tế lớn nhất thế giới.

PMI khiến thị trường lo ngại về sức khỏe của Mỹ. Tuy nhiên, nó cũng làm tăng khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất.

Cổ phiếu các hãng chip đã tăng mạnh vài năm qua, do nhà đầu tư tin tưởng cơn sốt AI sẽ khiến các doanh nghiệp tăng mua chip tiên tiến. Nvidia hiện thống trị thị trường chip AI toàn cầu. Từ đầu năm, mã này đã tăng 114%.

Các hãng chip khác cũng đang tích cực tham gia làn sóng này. Cả Intel và AMD đều có chip AI, dù thị phần còn khiêm tốn. Broadcom cũng đang làm chip cho Google, còn Qualcomm quảng cáo chip của họ là tốt nhất để chạy AI trên các điện thoại dùng hệ điều hành Android.

Tuần trước, Nvidia công bố đạt doanh thu 30 tỷ USD trong quý kết thúc vào tháng 7. Con số này cao hơn dự báo của Wall Street. Doanh thu của hãng trong mảng trung tâm dữ liệu tăng 154% so với năm ngoái, nhờ nhu cầu từ các đại gia Internet và điện toán đám mây. Hãng kỳ vọng quý này, doanh thu sẽ tăng 80%.

Dù vậy, một số nhà đầu tư vẫn cho rằng kết quả này của Nvidia gây thất vọng, do không đạt mức tăng trưởng lên tới 200% như các quý trước. Cổ phiếu Nvidia đã giảm hơn 6% trong phiên 29/8.

Hà Thu (theo CNBC, Reuters)