Chứng khoán

Cổ phiếu Novaland giảm sàn ba phiên liên tiếp

Bất chấp thị trường hồi phục, cổ phiếu Novaland vẫn trên đà đi xuống khi nối mạch giảm 7 phiên liên tiếp, trong đó có 3 phiên chạm giá sàn.

NVL chịu áp lực xả hàng quyết liệt, dẫn đến giá sang tay luôn dưới tham chiếu và chốt phiên tại mức sàn 11.150 đồng. Cổ phiếu này đứng thứ hai trên sàn TP HCM về giá trị giao dịch với 580 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư nước ngoài bán ròng xấp xỉ 80 tỷ đồng.

Tính chung trong đợt điều chỉnh một tuần trở lại đây, NVL đã sụt hơn 27%, qua đó xác lập vùng giá thấp nhất từ khi Novaland niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2016.

Trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán vốn nước ngoài ở TP HCM nhận định đà giảm này bắt nguồn từ việc nhà đầu tư quan ngại áp lực trả nợ đè nặng lên Novaland trong bối cảnh tín dụng thắt chặt và mặt bằng lãi suất chưa hạ nhiệt.

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt công bố hôm qua đồng quan điểm Novaland đang gặp áp lực thanh toán nợ cao, đồng thời cho biết ban lãnh đạo doanh nghiệp này đang đàm phán với chủ nợ và trái chủ để cơ cấu lịch trả nợ, tập trung phát triển các dự án trọng điểm và cân nhắc bán bớt tài sản.

NVL bị bán mạnh đã phần nào kìm hãm đà hồi phục của thị trường chứng khoán sau 4 phiên giảm mạnh. Sàn TP HCM có gần 330 mã đóng cửa trong sắc xanh, gấp 3 lần số lượng mã giảm nhưng chỉ số tăng chưa đến 10 điểm so với tham chiếu. VN-Index chốt phiên tại 1.048 điểm.

Dòng tiền bắt đáy của nhà đầu tư trong nước đã xuất hiện, thể hiện qua thanh khoản thị trường tăng gần 3.000 tỷ đồng so với hôm qua, lên trên 9.800 tỷ đồng. Điều này đi ngược với phần đông khuyến nghị từ các công ty chứng khoán là nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát thị trường và chờ thêm tín hiệu thị trường cân bằng trở lại.

Đóng góp nhiều nhất cho thị trường trong phiên hôm nay là các mã trụ ngân hàng như VPB, BID, VCB, ACB, TCB. Nhóm chứng khoán, dầu khí, hàng tiêu dùng, thép cũng đồng loạt bật mạnh.

Ở chiều ngược lại, khối ngoại có phiên xả hàng mạnh nhất trong một tháng qua. Giá trị bán ròng của nhóm này hơn 300 tỷ đồng, tập trung vào STB, NVL, DXG và VIC.

Phương Đông

Tiền vào chứng khoán giảm sâu

Thị trường giao dịch chậm lại trong phiên 14/2 khi bên bán không còn quyết liệt trong khi bên mua cũng không mặn mà, khiến thanh khoản giảm sâu.

Sau phiên giảm mạnh đầu tuần, cả bên mua và bán đều giao dịch chậm lại trong phiên hôm nay. VN-Index lùi về dưới tham chiếu sau ATO, nhưng biên độ giảm còn quanh ngưỡng một chữ số. Bên bán không ép giá, nhưng bên mua cũng không mặn mà bắt đáy. Nhịp giao dịch chậm, chỉ giữ ở mức thăm dò khiến thanh khoản thị trường giảm sâu. Các nhóm cổ phiếu được chú ý như bất động sản, xây dựng, ngân hàng giằng co gần tham chiếu. Một số mã được chú ý như NVL hay PDR bị lực bán ép mạnh về giá sàn.

Sang phiên chiều, xu hướng giảm vẫn là chủ đạo. VN-Index có lúc giảm hơn 10 điểm nhưng sau đó thu hẹp trở lại nhờ lực mua vào ở vùng giá thấp, chốt phiên giảm hơn 5 điểm (0,48%), lùi về vùng 1.038 điểm. VN30-Index cũng giảm với mức tương đương, xuống gần 1.035 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng giữ sắc xanh.

Dù chỉ số chốt phiên trong sắc đỏ, số mã tăng vẫn ưu thế hơn. Sàn HoSE ghi nhận 221 mã tăng, so với 175 mã giảm. Riêng nhóm vốn hóa lớn, bên giảm ưu thế hơn với 17/30 mã.

Thanh khoản thị trường giảm sâu, chỉ còn hơn 6.700 tỷ đồng trên HoSE, giảm hơn 30% so với phiên hôm qua. Giao dịch của nhóm vốn hóa lớn cũng chậm lại, khi ghi nhận giá trị giao dịch chỉ hơn 3.300 tỷ.

Trong nhóm bluechip, NVL vẫn là mã tiêu cực nhất khi chốt phiên giảm kịch sàn về dưới 12.000 đồng. Dư bán giá sàn cuối phiên ghi nhận hơn 12,7 triệu đơn vị. PDR cũng bị bán mạnh với biên độ giảm gần 6%, trước đó có lúc mã này đã giảm hết biên độ.

Các mã bất động sản, ngân hàng cũng chung sắc thái tiêu cực. VHM giảm gần 4%, BID, HDB mất trên 2% thị giá, VPB, VRE thấp hơn tham chiếu 1,8%.

Trong nhóm vốn hóa trung bình, trạng thái có phần tích cực hơn. Nhóm cổ phiếu ngành thép tăng 2-3%, các mã xây dựng (CTD, C4G) trở lại sắc xanh, một số cổ phiếu bất động sản cũng vượt trên tham chiếu khi đóng cửa.

Khối ngoại hôm nay mua ròng, với quy mô hơn 50 tỷ đồng trên HoSE. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua vào hơn 1.050 tỷ, trong khi bán ra gần 1.000 tỷ đồng.

Minh Sơn

Áp lực đáo hạn trái phiếu tăng mạnh vào giữa năm

VNDirect ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm nay gần 273.000 tỷ đồng, tập trung nhiều vào quý II và III.

Giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (chỉ tính các đợt phát hành riêng lẻ từ năm 2019 trở lại đây) năm nay tăng hơn 76% so với năm trước.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDirect, áp lực đáo hạn đang hạ nhiệt nhưng sẽ tăng trở lại trong hai quý giữa năm. Cụ thể, giá trị đáo hạn quý I khoảng 30.600 tỷ đồng, còn quý II và quý III lần lượt xấp xỉ 93.140 tỷ đồng và 89.500 tỷ đồng. Quý cuối năm vào khoảng 60.000 tỷ đồng.

Bất động sản là ngành có giá trị trái phiếu đáo hạn lớn nhất với 102.570 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có giá trị đáo hạn nhiều nhất là Novaland, Công ty cổ phần Saigon Glory, Công ty Phát triển Bất động sản An Khang.

Tài chính – ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn thứ hai về giá trị đáo hạn năm 2023 với 37%, tương đương 100.800 tỷ đồng. Các nhóm ngành khác như xây dựng, đầu tư, thương mại có giá trị đáo hạn khoảng 69.000 tỷ đồng.

“Trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, chi phí tài chính gia tăng và thắt chặt phát hành trái phiếu, một số tổ chức phát hành có ít cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhằm tái cơ cấu tài chính và đáp ứng nghĩa vụ nợ ngắn hạn”, nhóm phân tích VNDirect nhận định. Theo nhóm này, rủi ro về khả năng thanh toán đang thể hiện ở một số lĩnh vực có tỷ lệ đòn bẩy cao và biến động theo chu kỳ như bất động sản.

Chuyên gia của VNDirect cho rằng niềm tin của nhà đầu tư cá nhân – đối tượng chiếm khoảng 1/3 lượng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp – vào thị trường này đã suy giảm xuống mức rất thấp sau các vụ bắt giữ liên quan đến vi phạm trong phát hành và sử dụng vốn không đúng mục đích của một số nhà phát triển bất động sản lớn như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.

Niềm tin xuống thấp thể hiện qua việc nhiều người vội vàng bán trái phiếu để thu lại tiền mặt. “Hiện một số trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được giao dịch với mức 4-5% thấp hơn mệnh giá, với mức lợi suất khoảng 10-12% một năm, có nghĩa là người bán sẵn sàng chấp nhận với mức chiết khấu 14-17%”, chuyên gia của VNDirect cho hay.

Đánh giá về thị trường trái phiếu năm nay, VNDirect cho rằng có sự phân hóa rõ rệt giữa giai đoạn nửa đầu và nửa cuối năm. Thị trường sẽ tiếp tục trầm lắng trong 6 tháng đầu bởi chi phí tài chính tăng, lực cầu nội địa suy yếu, bất động sản kém khởi sắc khiến doanh nghiệp hoãn hoặc hủy kế hoạch huy động vốn mở rộng kinh doanh. Số liệu từ trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội càng củng cố nhận định này khi tháng 1 chỉ có một doanh nghiệp phát hành thành công với giá trị 110 tỷ đồng.

Khối lượng phát hành 6 tháng còn lại được dự báo hồi phục khi so với mức nền thấp của năm ngoái do lợi nhuận của doanh nghiệp khởi sắc, lãi suất ổn định và cơ chế thị trường tốt hơn.

Phương Đông

FLC xin HoSE xem xét lại việc hủy niêm yết

Cho rằng việc vi phạm công bố thông tin do “hoàn cảnh bất khả kháng”, FLC kiến nghị cơ quan quản lý xét lại việc huỷ niêm yết cổ phiếu.

Thông tin này vừa được Công ty cổ phần Tập đoàn FLC phát đi chiều 14/2 sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo huỷ niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 20/2.

Theo HoSE dẫn quy định tại Nghị định 155 cho thấy, FLC đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và rơi vào trường hợp mà Sở và Uỷ ban Chứng khoán xét thấy cần thiết phải huỷ niêm yết để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Nhưng FLC giải thích rằng tập đoàn này và các đơn vị thành viên phải đối mặt với nhiều nguy cơ, khó khăn trong quá trình hoạt động do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin, cũng như các vấn đề phát sinh khi một số cựu lãnh đạo bị tạm giam để điều tra cuối tháng 3/2022.

“Một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự việc này khiến FLC trong thời gian dài không thể tìm kiếm được đơn vị chấp thuận kiểm toán cho báo cáo tài chính”, doanh nghiệp cho biết.

Theo FLC, sau nhiều nỗ lực, đến 20/9, tập đoàn đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY. Theo đó, UHY sẽ là đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021 cho biết FLC. Dù vậy, do nhiều lý do khách quan, đến nay, FLC vẫn chưa nhận được kết quả kiểm toán của UHY.

Đánh giá việc chưa có báo cáo kiểm toán vì lý do bất khả kháng nên FLC đã liên tiếp có văn bản giải trình và kiến nghị cơ quan quản lý xem xét, hỗ trợ. Trong đó, tháng 8/2022, công ty đã đề nghị Uỷ ban Chứng khoán chấp thuận tình trạng Tập đoàn FLC chưa có báo cáo tài chính kiểm toán là sự kiện bất khả kháng. Đồng thời, tập đoàn này cũng xin không bị đình chỉ giao dịch/huỷ niêm yết cho đến khi Bộ Tài chính chỉ định được công ty kiểm toán và đơn vị này kiểm toán báo cáo tài chính của FLC.

“FLC khẩn thiết kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại việc huỷ niêm yết cổ phiếu”, doanh nghiệp cho hay và khẳng định đang nỗ lực xúc tiến lộ trình công bố thông tin theo quy định.

Anh Tú

Cổ phiếu FLC bị huỷ niêm yết

HoSE vừa ra quyết định huỷ niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 20/2 vì “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin”.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác. Sở và Uỷ ban Chứng khoán xét thấy cần thiết phải huỷ niêm yết.

Quyết định này nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, thuộc trường hợp chứng khoán bị huỷ niêm yết bắt buộc theo quy định tại khoản 1, điều 120, Nghị định 155 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Như vậy, 709,9 triệu cổ phiếu FLC sẽ bị loại khỏi sàn HoSE từ ngày 20/2. Tại phiên họp bất thường hồi đầu tháng 2, đại diện FLC cho biết doanh nghiệp này có hơn 64.700 cổ đông.

Theo Nghị định 155, cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên UPCoM. Như vậy, sau khi bị huỷ niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE, cổ phiếu FLC nhiều khả năng sẽ được giao dịch trên thị trường UPCoM.

Từ đầu tháng 9 năm ngoái, cổ phiếu FLC đã bị HoSE chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch do liên tục vi phạm quy định công bố thông tin. HoSE cho biết lý do là doanh nghiệp này chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên, chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay. Từ đó đến nay, FLC vẫn chưa thể thực hiện các công việc này.

Cuối năm ngoái, FLC cũng đưa ra lộ trình cứu cổ phiếu khi dự kiến tổ chức phiên họp thường niên vào tháng 11 và công bố báo tài chính bán niên soát xét vào tháng 12/2022. Đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa thể công bố các báo các tài chính kiểm toán 2021. Sau khi thanh lý hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm toán An Việt, hồi tháng 9/2022, FLC đã chọn kiểm toán UHY để kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021.

Anh Tú

Sếp Hoà Phát muốn sang tay 2 triệu cổ phiếu cho con

Ông Hoàng Quang Việt, thành viên HĐQT Tập đoàn Hoà Phát vừa đăng ký bán thoả thuận 2 triệu cổ phiếu HPG cho các con.

Ông Hoàng Quang Việt đang sở hữu hơn 28,2 triệu cổ phiếu HPG, chiếm tỷ lệ 0,49%. Thành viên HĐQT Hoà Phát muốn bán thoả thuận 2 triệu cổ phiếu HPG cho hai con là Hoàng Nhật Anh và Hoàng Nhật Minh. Thời gian thực hiện giao dịch từ 20/2 đến 20/3.

Ở chiều ngược lại, hai con ông Việt đều đăng ký mua thoả thuận một triệu cổ phiếu mỗi người. Hiện tại, Nhật Anh và Nhật Minh chưa sở hữu cổ phiếu HPG nào.

Nếu hai con của ông Việt mua hết số lượng cổ phiếu đăng ký, tỷ lệ sở hữu của ông này sẽ giảm xuống 0,45%. Tính theo giá chốt phiên 13/2, giao dịch này có giá trị hơn 40 tỷ đồng.

Năm ngoái, một thành viên HĐQT Hoà Phát khác là ông Nguyễn Ngọc Quang cũng đăng ký bán 5 triệu cổ phiếu HPG cho con gái. Khi đó, giao dịch chuyển nhượng này có giá trị trên 110 tỷ đồng.

Năm trước đó, 2 Phó chủ tịch Hoà Phát Trần Tuấn Dương và Nguyễn Mạnh Tuấn cũng chuyển nhượng hàng chục triệu cổ phần cho các con. Tháng 5/2021, ông Dương đăng ký bán 12 triệu cổ phiếu HPG và 3 người con của ông mỗi người mua vào 4 triệu đơn vị. Ngay sau đó, ông Tuấn cũng bán thoả thuận 12 triệu cổ phiếu Hoà Phát, chia đều cho 2 người con.

Anh Tú

Cổ phiếu bất động sản bị bán mạnh

NVL, PDR, DXG, DIG cùng giảm sàn và không có bên mua ngay phiên đầu tuần, còn những mã bất động sản vốn hóa nhỏ cũng sụt 3-6%.

Áp lực xả hàng trên diện rộng khiến thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ từ lúc mở cửa đến khi hết phiên. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM có thời điểm mất gần 25 điểm, sau đó hồi phục nhờ dòng tiền giải ngân ở vùng giá thấp. VN-Index chốt phiên tại 1.043 điểm, giảm gần 12 điểm so với tham chiếu.

Bất động sản là một trong những nhóm ngành chịu áp lực bán tháo mạnh nhất với mức giảm bình quân 2,4%, trong khi VN-Index giảm 1,1%. Hầu hết cổ phiếu thuộc nhóm này giảm không dưới 3%, trừ AGG giữ nguyên giá tham chiếu và VRE ngược dòng thị trường tăng hơn 1%. NVL và VHM là hai đại diện của nhóm này trong danh sách những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chung khi lần lượt giảm 6,9% và 2,2%.

Nhóm ngân hàng cũng bị nhà đầu tư bán mạnh, trong đó hai mã giảm hết biên độ là EIB, OCB và nhiều mã mất trên 3%. Dù vậy, nhóm này có hai trụ đỡ quan trọng là STB và BID khi lần lượt tăng 3,6% và 3,4% để giúp thị trường tránh một phiên giảm sâu.

Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, phiên giảm thứ ba liên tiếp càng khẳng định thị trường đang trong xu hướng điều chỉnh ngắn hạn. Việc để thủng vùng hỗ trợ 1.050 điểm trong phiên đầu tuần khiến rủi ro chỉ số giảm về 1.000 điểm trong những phiên tới, tăng lên.

Thanh khoản thị trường hôm nay xấp xỉ 10.500 tỷ đồng, tăng khoảng 2.000 tỷ đồng so với cuối tuần trước nhưng vẫn chưa phải mức cao. Rổ VN30 đóng góp chưa đến 4.000 tỷ đồng trong số này, cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa tha thiết “bắt đáy” dù giá nhiều cổ phiếu đã điều chỉnh tương đối mạnh. VPB hôm nay đứng đầu về thanh khoản với 440 tỷ đồng, chênh lệch không đáng kể so với mức 410 tỷ đồng của mã xếp sau là STB.

Giao dịch giao dịch thỏa thuận đạt hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó EIB chiếm gần một phần ba.

Phương Đông

OGC lãi trước thuế 115 tỷ đồng

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV năm 2022 của Tập đoàn Đại Dương cho thấy mức tăng trưởng cao so với năm 2021.

Năm 2022, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) tăng hơn gấp đôi từ 409 tỷ lên 1.011 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế từ mức âm 276 tỷ đồng trở lại con số dương, đạt gần 115 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 109% kế hoạch doanh thu và 212% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của OGC đạt lần lượt là 2.993 tỷ đồng và 1.067 tỷ đồng.




Biểu đồ phản ánh kết quả kinh doanh của OGC. Ảnh: OGC

Biểu đồ phản ánh kết quả kinh doanh của OGC. Ảnh: OGC

Phiên họp Đại hội đồng cổ đông giữa năm 2022 đã thông qua việc rà soát lại toàn bộ báo cáo tài chính sau khi đa số thành viên hội đồng quản trị và ban điều hành cũ từ nhiệm.

Theo đại diện OGC, doanh nghiệp đã chuyển hầu hết khoản nợ xấu (khoảng 2.500 tỷ đồng) từ bảng cân đối ra theo dõi ngoại bảng để tiếp tục triển khai thu hồi.

“Báo cáo kiểm toán năm 2021 của OGC khi được phát hành là một báo cáo với những con số không mang nhiều sắc thái tích cực nhưng đã phản ánh chân thực, rõ ràng và thể hiện toàn bộ hiện trạng thực tế của doanh nghiệp”, đại diện doanh nghiệp cho biết.

Cũng theo đại diện OGC, năm 2022, sau nhiều thăng trầm, những xung đột về quản trị và điều hành tại OGC đã được thu xếp ổn thỏa với đại đa số các thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát tại OGC và toàn bộ công ty thành viên được thay mới.




Cơ cấu tài sản của OGC năm 2022. Ảnh: OGC

Cơ cấu tài sản của OGC năm 2022. Ảnh: OGC

Ngoài việc xử lý các khoản tồn đọng, báo cáo của OGC cũng thể hiện của để dành của doanh nghiệp, với quỹ đất có vị trí tốt song chưa được khai thác, như: dự án 25 Trần Khánh Dư (Hoàn Kiếm, Hà Nội) với chức năng trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn căn hộ; dự án tòa nhà văn phòng hạng A, 25 tầng tại số 106 đường 3-2 (phường 14, quận 10, TP HCM); dựán khách sạn StarCity Westlake Hotel số 10 Trấn Vũ (Ba Đình, Hà Nội); hay dự án khu phức hợp Sài Gòn Airport Plaza..




Phối cảnh dự án 25 Trần Khánh Dư, Hoàn Kiếm, Hà Nội với chức năng trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn căn hộ. Ảnh: OGC

Phối cảnh dự án 25 Trần Khánh Dư, Hoàn Kiếm, Hà Nội với chức năng trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn căn hộ. Ảnh: OGC

Đối với mảng khách sạn, OGC thông qua OCH đang sở hữu hai thương hiệu khách sạn 4-5 sao là StarCity và Sunrise với hai khách sạn tại Nha Trang có tiềm năng khai thác kinh doanh khi du khách Trung Quốc du lịch trở lại từ đầu năm 2023.

“Năm 2023 được đánh giá là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đến từ bên ngoài và trong nội tại nền kinh tế nhưng giai đoạn khó khăn nhất với OGC đã qua”, bà Lê Thị Việt Nga, Chủ tịch HĐQT OGC nói.

Theo người đứng đầu HĐQT OGC, trong 8 tháng cuối năm 2022, ban điều hành và các công ty con của tập đoàn đã hoàn thành giai đoạn một của quá trình vực dậy doanh nghiệp. Bà cho rằng, yếu tố then chốt đối với OGC là một cơ cấu cổ đông có chọn lọc, chất lượng và hệ thống ban điều hành tinh nhuệ được đề cử vào điều hành.

Giai đoạn hai với OGC, theo bà Nga, sẽ được thực hiện trong năm 2023 và 2024, với việc đẩy mạnh công tác triển khai cấp phép cho các dự án đã có quỹ đất và thủ tục ở giai đoạn gần hoàn thiện. Đồng thời, tập đoàn cũng đẩy mạnh hiệu suất kinh doanh mảng khách sạn bằng cách chuyển nhượng các dự án khách sạn Starcity, Sunrise về trực thuộc OGC để quản trị điều hành.

Chiến lược của OGC là tìm kiếm và mua thêm các thương hiệu FMCG có lịch sử lâu đời, hiệu quả cao, cùng với bánh Givral và Kem Tràng Tiền xây dựng FMCG thành một ngành kinh doanh cốt lõi.

Ngoài mục tiêu về kinh doanh, năm nay, OGC cũng đẩy mạnh hoạt động quan hệ với nhà đầu tư (IR) để chia sẻ kỹ lưỡng và nhanh chóng hơn tới các cổ đông về tình hình hoạt động kinh doanh và kết quả thực hiện.

Hoài Phong

Bút bi Thiên Long lãi một tỷ đồng mỗi ngày

Nhà sản xuất văn phòng phẩm lớn nhất cả nước – Thiên Long, lập kỷ lục lợi nhuận năm ngoái, trung bình lãi hơn một tỷ đồng mỗi ngày.

Năm 2022, Tập đoàn Thiên Long (TLG) ghi nhận hơn 3.520 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 32% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 400 tỷ đồng, tăng 45%. Đây là kết quả kinh doanh cao nhất lịch sử kể từ khi doanh nghiệp này công bố thông tin vào năm 2005. TLG vượt 8% doanh thu và 43% lợi nhuận theo kế hoạch đề ra.

Ban lãnh đạo lý giải dịch bệnh được kiểm soát làm doanh thu tăng trưởng. Đồng thời, công ty tiếp tục tái cấu trúc các kênh bán hàng và dự trữ được nguyên vật liệu giá thấp, giúp tối ưu giá thành sản xuất.

Năm 2022 cho thấy sự bứt phá của nhà sản xuất văn phòng phẩm lớn nhất cả nước. Trong giai đoạn 2005-2022, doanh nghiệp này chỉ lãi quanh mức vài chục tỷ đồng dù doanh thu có năm vượt nghìn tỷ đồng. Từ khi đạt mốc lợi nhuận sau thuế hơn 100 tỷ đồng năm 2012, Thiên Long duy trì đà tăng trưởng liên tục hai chữ số (trừ năm 2020), nhưng mức tăng lợi nhuận cao nhất của công ty chỉ 28%.

Năm ngoái, TLG hoàn thành hai dự án lớn giá trị hàng chục triệu USD, gồm nhà xưởng mới tại Long Thành (Đồng Nai) và trung tâm phân phối tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (TP HCM). Các dự án được kỳ vọng giúp nâng cao năng suất, tối ưu hóa năng lực quản trị, giảm chi phí vận hành. Doanh nghiệp này cũng đầu tư 25% vốn cổ phần vào PEGA để mở rộng hơn hệ sinh thái (viết – vẽ – đọc). TLG cho mở Công ty Clever World, cửa hàng trải nghiệm Clever Box vào cuối năm để phát triển hệ sinh thái đa kênh.

Từ năm 2016 đến nay, thị phần hãng bút bi này liên tục duy trì ở mức trên 60%. Tập đoàn Thiên Long đặt mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng vào năm 2027, bằng cách phát triển thị trường trong nước, tăng cường xuất khẩu, mở rộng lĩnh vực kinh doanh và tập trung vào các sản phẩm mới sáng tạo.

Chia sẻ trong buổi trò chuyện trên VnExpress trước đây, CEO Trần Phương Nga nói Thiên Long có rất nhiều sản phẩm bút bi mà khi nhắc tên ai cũng biết. Với bà, đó là niềm tự hào nhưng cũng là nỗi đau. Vì lẽ trên mà những sản phẩm mới khi tung ra thị trường thường ít được chú ý. Ngoài bút bi, doanh nghiệp này còn sản xuất bột nặn có thể ăn được, gôm tẩy, tập bìa kháng khuẩn, bút đánh dấu trong phẫu thuật…

Chứng khoán Sacombank (SBS) đánh giá TLG có nhiều cơ hội trong tương lai khi dân số Việt Nam đông. Doanh nghiệp này cũng đã mở rộng kênh bán hàng từ offline sang online, phù hợp xu hướng tiêu dùng mới. Bên cạnh đó, hợp đồng tương lai nhựa PVC tại Trung Quốc đã giảm khoảng 30% giá trị so với hồi đầu năm 2022. Giá nguyên vật liệu đầu vào thấp sẽ là yếu tố hỗ trợ để biên lợi nhuận của TLG có thể tiếp tục được cải thiện.

Cơ hội vẫn tồn tại song song với thách thức. SBS cho rằng phần lớn nguyên liệu của Thiên Long vẫn đến từ nguồn nhập khẩu và chịu tác động của biến động giá dầu, hàng hóa. Cạnh tranh mảng văn phòng phẩm với các đối thủ trong và ngoài nước, đặc biệt các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc thông qua kênh bán hàng online, sẽ là một trong những thách thức lớn. Ngoài ra, lạm phát và tình hình kinh tế được dự báo khó khăn có thể ảnh hưởng đến sức mua trong ngắn hạn.

Tất Đạt

Chủ tịch HĐQT Chứng khoán VIX từ nhiệm

Bà Nguyễn Thị Tuyết vừa có đơn xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán VIX sau hơn ba tháng được bổ nhiệm.

Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán VIX vừa họp và thông qua việc từ nhiệm vị trí Chủ tịch của bà Nguyễn Thị Tuyết theo nguyện vọng cá nhân, kể từ ngày 10/2.

Bà Tuyết được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị VIX nhiệm kỳ 2021 – 2026 cách đây ba tháng, ngày 2/11/2022. Cá nhân này, đồng thời, cũng là cổ đông nắm giữ 21,4 triệu cổ phiếu VIX, tương đương 3,67% vốn.

Cũng trong thời gian này, bà Ngô Thị Hồng Duyên, thành viên Ban kiểm soát cũng có đơn xin từ nhiệm.

Việc miễn nhiệm tư cách thành viên Hội đồng quản trị của bà Tuyết và tư cách thành viên Ban kiểm soát của bà Duyên sẽ được xem xét tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông gần nhất.

Hội đồng quản trị của VIX hiện có 5 thành viên, gồm bà Nguyễn Thị Tuyết, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, bà Trần Thị Hồng Hà, bà Cao Thị Hồng và ông Nguyễn Tuấn Dũng. Sau khi bà Tuyết từ nhiệm vị trí Chủ tịch, người được giao phụ trách Hội đồng quản trị trong thời gian này là ông Nguyễn Tuấn Dũng.

Chứng khoán VIX được thành lập từ năm 2007. Đến cuối năm 2022, công ty này có quy mô tài sản hơn 8.100 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết là chị gái ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Gelex (GEX). Ông Tuấn trước đó từng có thời gian giữ chức Phó chủ tịch HĐQT Chứng khoán VIX.

Minh Sơn