Chứng khoán

Công ty ông Lê Phước Vũ đặt mục tiêu lãi thấp nhất 10 năm

Hoa Sen đưa ra hai kịch bản lợi nhuận 100 tỷ đồng và 300 tỷ đồng, đều thấp so với kế hoạch 10 năm trở lại đây.

Kịch bản đầu tiên của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) dựa trên sản lượng thành phẩm đạt 1,4 triệu tấn, mang về doanh thu 34.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 100 tỷ đồng. Với kịch bản khả quan hơn là tiêu thụ được 1,5 triệu tấn thành phẩm, công ty dự kiến thu 36.000 tỷ đồng và lãi 300 tỷ đồng.

Kế hoạch lợi nhuận trong cả hai kịch bản đều kém xa mức Hoa Sen đặt ra cho những niên độ trước. Trong 10 năm qua, kế hoạch thấp nhất công ty từng đưa ra là 400 tỷ đồng và cao nhất 1.650 tỷ đồng.

Lý giải về mục tiêu lãi 100 tỷ đồng, ban lãnh đạo Hoa Sen cho biết xuất khẩu thép năm nay tiềm ẩn nhiều bất ổn trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang cũng được đánh giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất của công ty.

Khả năng hoàn thành mục tiêu này càng khó hơn khi Hoa Sen báo lỗ sau thuế 680 tỷ đồng trong quý đầu niên độ (từ ngày 1/10/2022 đến 31/10/2022).

Theo nhận định của nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt, công ty của ông Lê Phước Vũ đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử khi lỗ ròng hai quý liên tiếp. Khó khăn của Hoa Sen được đánh giá là gấp đôi so với đối thủ trong ngành bởi công ty hoạt động ở cả phân khúc sản xuất và bán lẻ.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của Hoa Sen không phản ứng tiêu cực với thông tin kế hoạch kinh doanh vừa công bố. HSG hôm nay diễn biến đồng thuận với đà tăng của thị trường khi tích lũy 4,5% so với tham chiếu, đóng cửa 16.200 đồng.

Phương Đông

Chứng khoán KB: Hòa Phát có thể lỗ tiếp quý đầu năm

KBSV dự báo tiêu thụ thép Hòa Phát quý I giảm hơn 40% so cùng kỳ 2022 và biên lợi nhuận thấp có thể khiến tập đoàn này lỗ ròng 130 tỷ đồng.

Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) – đơn vị vốn Hàn Quốc từng trong top 10 thị phần môi giới HoSE và HNX – vừa có báo cáo mới về Tập đoàn Hòa Phát (HPG).

Theo đó, sản lượng tiêu thụ của “vua thép” trong quý I có thể giảm hơn 40% so cùng kỳ, còn khoảng hơn 1,4 triệu tấn. Doanh thu của HPG được dự báo giảm 44% còn 24.588 tỷ đồng, biên lợi nhuận thu hẹp xuống 3% so với mức 23% cùng kỳ năm trước. Với dự báo này, KBSV cho rằng Hòa Phát sẽ lỗ ròng 130 tỷ đồng trong quý đầu năm.

Con số trên giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cải thiện đáng kể so với hai quý gần nhất. Quý III/2022, Hòa Phát báo lỗ ròng gần 1.800 tỷ và tăng lên gần 2.000 tỷ đồng trong quý IV.

Theo KBSV, biên lợi nhuận thu hẹp một phần do tốc độ tăng của giá thép chưa tương xứng với tốc độ tăng nguyên vật liệu đầu vào.

Các động thái nới lỏng lệnh cấm liên quan tới Covid-19 tại Trung Quốc đã khiến cho giá quặng sắt, than cốc tăng lần lượt 23% và 15% trong giai đoạn từ đầu quý IV/2022 đến nay.

Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào cao, giá thép trong nước cũng tăng nhưng với mức khiêm tốn, chỉ đảm bảo biên lãi gộp. Theo tổng hợp của KBSV, giá bán thép từ đầu năm tới nay mới tăng 6%, trong khi giá nguyên vật liệu (quặng sát, than cốc, thép phế) tăng trung bình 14%.

Theo nhóm phân tích, hoạt động kinh doanh của HPG có thể cải thiện bắt đầu từ quý II năm nay, với giả định các cơ chế hỗ trợ thị trường bất động sản được thông qua và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này sôi động hơn. Dẫu vậy, trong kịch bản thận trọng, KBSV cho rằng phải tới quý cuối năm nay các lò cao của Hòa Phát mới có thể hoạt động hết công suất.

Dự báo cả năm, “vua thép” có thể đạt doanh thu 126.770 tỷ đồng, giảm 10% so cùng kỳ, với tổng sản lượng tiêu thụ gần 7 triệu tấn, giảm 16%. Lãi ròng, theo ước tính của KBSV, chỉ gần 3.800 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với kết quả năm 2022.

So với KBSV, Trung tâm phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) đưa ra dự báo lạc quan hơn.

Theo đó, SSI Research cho rằng Hòa Phát sẽ đạt 121.000 tỷ đồng doanh thu cả năm nay, giảm 14% so cùng kỳ. Lãi ròng của “vua thép” dự kiến phục hồi 15%, đạt 9.700 tỷ đồng nhờ giả định giá thép ổn định và giảm tác động từ hàng tồn kho giá cao.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại, theo SSI Reseach có thể giúp giá thép ổn định hơn nhưng không tác động nhiều đến sản lượng xuất khẩu của HPG. Ở chiều hướng tiêu cực, diễn biến này thậm chí trở thành con dao hai lưỡi nếu làm giá nguyên vật liệu tăng, trong khi nhu cầu nội địa yếu khiến HPG khó tăng giá bán tương ứng, đặc biệt đối với thép xây dựng.

Dù vậy, “vua thép” đánh giá ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục.

Minh Sơn

Cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng mạnh

NVL, PDR, DXG, HQC, CEO cùng nhiều cổ phiếu bất động sản khác đồng loạt tăng giá trong phiên 20/2, nhiều mã lên kịch trần.

Tuần trước, nhiều công ty chứng khoán nêu quan điểm thị trường chưa thoát nhịp điều chỉnh. Nhưng diễn biến trong phiên giao dịch hôm nay lại cho thấy điều ngược lại.

VN-Index gần như tăng liên tục cả ngày. Nhịp giảm đôi lúc xuất hiện trong buổi sáng, đến phiên chiều chỉ số này bật tăng từ sau 14h.

Kết phiên, VN-Index có thêm hơn 27 điểm (2,58%). Đây là phiên giao dịch tăng mạnh thứ nhì kể từ đầu năm. Phiên tăng mạnh nhất là ngày 3/1 với biên độ 3,66%.

VN30 có biên độ tăng mạnh hơn 3,19% lên 1.087,36 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index vượt trên tham chiếu với mức tăng 2,8%. Trong khi đó, UPCoM đỏ sắc ngay đầu buổi sáng. Nhờ có diễn biến tích cực cả ngày, UPCoM chốt phiên sát mức tham chiếu.




VN-Index chốt phiên 20/2 tăng hơn 27 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index chốt phiên 20/2 tăng hơn 27 điểm. Ảnh: VNDirect

Nhìn chung, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện. Sàn HoSE ghi nhận 383 mã tăng giá, so với 42 mã giảm. Trong đó, VN30 có đến 29 mã đóng cửa tăng, riêng VJC không thay đổi so với mức tham chiếu. 10 mã cổ phiếu có thanh khoản cao nhất hôm nay đồng loạt tăng mạnh trên 3%.

Dẫn đầu đà tăng của thị trường là các mã tài chính, nguyên vật liệu và bất động sản. Hôm nay nhóm bất động sản có diễn biến rất khả quan. Trong đó, nhiều mã tăng kịch trần như NVL, PDR, DXG, HQC, CEO, LDG.

CEO tăng 9,9% vào hôm nay. NVL có thêm gần 7%, các mã như VHM, QCG, ITA, CII đều tăng trên 4%. Xuất hiện không ít cổ phiếu tăng sát biên độ giao dịch trong ngày.

Tuy vậy, nhóm dẫn dắt thị trường lại là cổ phiếu tài chính, bất động sản chỉ xếp thứ tư về giá trị giao dịch. Theo VNDirect, ba mã tác động tích cực nhất tới chỉ số lần lượt là VHM, BIDVPB.

Về thanh khoản, phiên giao dịch hôm nay ghi nhận hơn 11.700 tỷ đồng, cao nhất trong nửa tháng qua. Đây cũng là phiên thứ tư liên tiếp khối ngoại tiếp tục bán ròng với quy mô hơn 90 tỷ đồng trên HoSE. ACB, VHM, VCB được khối ngoại bán nhiều nhất.

Tất Đạt

‘Chứng khoán chưa thoát nhịp điều chỉnh’

Nhiều công ty chứng khoán dự báo thị trường có thể kiểm định lại vùng hỗ trợ cũ trong tuần này nếu thanh khoản không cải thiện, nhà đầu tư nên cân nhắc hạ tỷ trọng.

Thị trường vừa trải qua một tuần giao dịch với nhiều biến động. Áp lực bán xuất hiện liên tiếp vào hai phiên đầu tuần trước đã ép chỉ số lùi sâu. Thanh khoản bán chủ động gia tăng, chủ yếu ở nhóm cổ phiếu bất động sản, khiến VN-Index có lúc lùi về khu vực 1.030 điểm. Lực cầu bắt đáy tuy thưa thớt nhưng cũng đã xuất hiện những phiên sau đó giúp thị trường lấy lại sắc xanh. Kết tuần, VN-Index đóng cửa ở mức 1.059,3 điểm, tăng 0,38% so với tuần trước đó.

Theo VNDirect, tuần qua, thị trường đón nhận các thông tin hỗ trợ như việc một số ngân hàng thương mại chủ động hạ lãi suất huy động và cho vay, Nghị định 65 sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang được xem xét thông qua. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã tổ chức hội nghị nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản.

“Điều này giúp cổ phiếu ngành bất động sản có xu hướng phục hồi trong những phiên cuối tuần”, nhóm phân tích đánh giá.

Dù vậy, dòng tiền trên thị trường chứng khoán vẫn yếu, thể hiện qua việc thanh khoản ở mức thấp. Giá trị giao dịch bình quân ba sàn giảm 9,5% so với tuần trước đó, còn xấp xỉ 10.000 tỷ đồng mỗi phiên. Khối ngoại đã chuyển trạng thái sang bán ròng 471 tỷ đồng trên sàn HoSE, so với việc mua ròng 858 tỷ đồng tuần kế trước.

VNDirect cho rằng thị trường sẽ gặp thử thách tuần này khi VN-Index tiệm cận vùng kháng cự 1.065-1.080 điểm. Nếu không vượt qua được kháng cự trên với thanh khoản cải thiện, chỉ số nhiều khả năng sẽ điều chỉnh trở lại và kiểm định vùng đáy ngắn hạn 1.035-1.040 điểm một lần nữa. Theo đó, nhà đầu tư được khuyến nghị nên chủ động hạ tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường tiệm cận vùng kháng cự. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị danh mục, hạn chế tối đa sử dụng đòn bẩy (margin) ở hiện tại.

Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho biết áp lực bán hạ nhiệt giúp VN-Index tạo nến Hammer trên khung đồ thị tuần, cho thấy tín hiệu chững lại của nhịp điều chỉnh trước đó. Chỉ báo MACD trên khung đồ thị tuần vẫn hướng lên và cho thấy tín hiệu tích cực, trong khi RSI ở ngưỡng trung tính phản ánh thị trường vẫn đang trở lại trong trung và dài hạn.

Trong ngắn hạn, nhóm phân tích cho rằng vùng 1.030-1.040 điểm tạm thời vẫn đang là hỗ trợ của thị trường. Tuy nhiên, VN-Index có xác suất giảm điểm để kiểm tra lại khu vực này.

“Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư cân nhắc tận dụng những phiên tăng điểm tốt của thị trường để hiện thực hóa lợi nhuận từng phần đối với những cổ phiếu đã bắt đáy thành công”, báo cáo chiến lược tuần 20-24/2 của VCBS viết.

Cùng quan điểm thận trọng, Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng VN-Index vẫn đang giao dịch trên khu vực đáy 950-1.000 điểm. Tuy nhiên đây chỉ là sự hồi phục ngắn hạn. Về trung dài hạn, thị trường cần thêm một giai đoạn với khối lượng giao dịch thấp (tích lũy cạn kiệt) để tạo nền tảng hình thành xu hướng mới.

Tín hiệu tiếp theo để hy vọng thị trường dần tìm đến vùng tích lũy là khối lượng giao dịch có dấu hiệu giảm dần. SHS khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên hơn với hoạt động đầu tư trung – dài hạn và mục tiêu ở các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.

Minh Sơn

‘Vua tôm’ Minh Phú lãi cao nhất tám năm

Năm ngoái, Minh Phú ghi nhận lãi sau thuế hơn 800 tỷ đồng, lập kỷ lục 8 năm, nhờ lãi gộp tăng cao.

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) ghi nhận khoảng 16.425 tỷ đồng doanh thu năm ngoái, tăng hơn 20% so với năm 2021. Mức doanh thu này dần tiệm cận giai đoạn trước dịch. Tổng lại, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 840 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với cùng kỳ 2021. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2015. Nếu tính lãi sau thuế công ty mẹ, MPC đạt đỉnh lợi nhuận từ khi công bố thông tin năm 2004.

Dẫu vậy, Minh Phú chỉ hoàn thành khoảng 87% chỉ tiêu doanh thu và hai phần ba kế hoạch lợi nhuận năm ngoái. Trong cuộc họp thường niên cuối tháng 6/2022, lãnh đạo doanh nghiệp này từng dự đoán nửa cuối năm là giai đoạn khó khăn đối với thị trường tôm vì lạm phát, dịch bệnh và thời tiết. Vì thế, công ty đứng trước nguy cơ không thể về đích ở một số chỉ tiêu kinh doanh.

Ban lãnh đạo MPC cho biết công ty tập trung sản xuất và bán mạnh mặt hàng giá trị gia tăng giúp lãi gộp tăng, đưa lợi nhuận lên cao. Năm ngoái, doanh nghiệp này có biên lãi gộp gần 17%, cao nhất giai đoạn 2015-2022.

Minh Phú xuất khẩu chính là tôm – nhóm hàng có diễn biến tích cực hơn hẳn so với cá tra. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Mức này cao hơn nhiều so với 2,4 tỷ đồng của ngành cá tra.

Vasep cho biết trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu cao và giá tăng. Đến nửa cuối năm, lạm phát cao ở các nền kinh tế lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, trong khi hàng tồn kho vẫn nhiều, khiến xuất khẩu tôm giảm tốc. Tháng 12/2022, xuất khẩu tôm giảm 21% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên điểm sáng là thị trường Trung Quốc vẫn tăng trưởng 38%, giúp cả năm tăng 61%.

Đầu năm nay, Trung Quốc dỡ bỏ các quy định kiểm soát ngặt nghèo đối với hàng nhập khẩu vào nước này gồm xét nghiệm, khử trùng và kiểm dịch. Động thái trên được kỳ vọng làm tăng nhu cầu và tiêu thụ hàng hóa của quốc gia tỷ dân này. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc dự kiến vẫn tăng trong những tháng đầu năm 2023.

Tất Đạt

Cổ phiếu FLC sắp lên sàn UPCoM

Gần 710 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn FLC được chấp nhận chuyển sang UPCoM từ ngày 22/2.

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa thông báo chuyển dữ liệu đăng ký và lưu ký cổ phiếu FLC. Theo thông báo, FLC vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng nên phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM theo quy định.

Luật Chứng khoán hiện hành quy định, công ty đại chúng là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ hoặc là công ty đã chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo quy định này, cổ phiếu FLC vẫn đáp ứng điều kiện công ty đại chúng với vốn điều lệ 7.099,9 tỷ đồng, hơn 64.700 cổ đông.

Trước đó, cổ phiếu của doanh nghiệp này bị hủy niêm yết ngày 13/2 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM. Lý do là FLC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở và Ủy ban Chứng khoán xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Ngay sau đó, FLC kiến nghị các cơ quan quản lý xem xét lại quyết định hủy niêm yết khi giải thích rằng việc vi phạm công bố thông tin do “hoàn cảnh bất khả kháng”. Trong thời gian dài, doanh nghiệp này không thể tìm kiếm được đơn vị chấp thuận kiểm toán cho báo cáo tài chính.

Trong thông báo hôm 17/2, Tổng giám đốc Bùi Hải Huyền khẳng định quyền lợi của cổ đông vẫn đảm bảo đầy đủ. Ở mọi trường hợp, cổ đông được toàn quyền sở hữu, định đoạt với cổ phiếu FLC đang sở hữu. Đồng thời, cổ đông vẫn được đảm bảo quyền tham gia đại hội đồng cổ đông, quyền biểu quyết, quyền đề cử và ứng cử thành viên Hội đồng quản trị.

Hội đồng quản trị và ban điều hành FLC cũng cho biết đang nỗ lực xúc tiến các lộ trình công bố thông tin theo quy định.

Tất Đạt

Sacombank: ‘Nới nhầm room ngoại ảnh hưởng tiêu cực tới kỳ vọng nhà đầu tư’

Sacombank sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước khi bị VSD đột ngột nới “room” ngoại lên 30%, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ vọng nhà đầu tư.

Ngày 14/2/2023, Sacombank gửi văn bản lên Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), Ủy ban chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đề nghị xem xét lại tỷ lệ sở hữu tối đa được phép của nhà đầu tư nước ngoài. Sacombank khẳng định room ngoại tại nhà băng này chỉ là 23,63468%, thay vì mức 30% như VSD thông báo.

Ngày 16/2, ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc VSD nói với VnExpress, VSD đã có văn bản nới room cho Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) vào tháng 5/2021 nhưng do sự nhầm lẫn nên đã điều chỉnh với STB – cổ phiếu của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

“Tuy nhiên, VSD đã kiểm tra lại và thấy mức room ngoại tại Sacombank là 30% là đúng với quy định pháp luật, nên sau đó không điều chỉnh lại về 23,6%”, ông Thanh cho hay.

Lãnh đạo VSD khẳng định, không có yêu cầu nào giữ tỷ lệ room ngoại tại Sacombank là 23,6%. Sacombank hiểu sai cơ quan quản lý kiểm soát room ngoại 23,6% nhưng thực tế đó chỉ là vấn đề kỹ thuật để VSD kiểm soát tỷ lệ sở hữu tại Sacombank là 30% cho đúng số lượng đang niêm yết tại Sở.

Trả lời báo chí ngày 17/2, Sacombank kiên quyết khẳng định: “Ngân hàng không hề hiểu nhầm thông tin. Sacombank yêu cầu VSD làm rõ những vấn đề bất thường, giải thích thỏa đáng với cơ quan truyền thông”.

Theo đó, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín khẳng định từ 2016 đến nay, tính cả thời điểm Sacombank đã hoàn tất niêm yết bổ sung toàn bộ 400 triệu cổ phiếu phát hành thêm sau khi sáp nhập Southern Bank, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với STB do VSD công bố liên tục trong nhiều năm là 23,63468%.

Việc VSD giữ nguyên tỷ lệ cũ (23,6%) trong thời gian dài và đột ngột thay đổi tỷ lệ mới mà không thông báo chính thức đến công chúng và Sacombank, đã gây ảnh hưởng đến hoạt động cũng như chiến lược phát triển của nhà băng.

Sacombank cho biết sẽ chủ động chọn lựa nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng để tiếp tục hoàn thiện tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình, chiến lược hoạt động. Thông tin không rõ ràng về “room” ngoại sẽ gây tác động tiêu cực tới kỳ vọng của nhà đầu tư, đặc biệt là khi một số quỹ ngoại vì sự việc này đã bày tỏ sự quan ngại đối với năng lực quản trị và cách quản lý thông tin nhà đầu tư.

“Điều này làm hạn chế cơ hội tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư khi không được tiếp cận thông tin một cách rõ ràng, kịp thời”, Sacombank cho hay.

Bên cạnh đó, Sacombank nói sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan hữu quan, Ngân hàng Nhà nước để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ về vấn đề room ngoại. “Sacombank quan ngại về quy trình, thời điểm và cơ sở pháp lý để VSD quyết định nới room. VSD cần có hướng giải quyết với Sacombank và chịu trách nhiệm với các nhà đầu tư nước ngoài”, theo văn bản ngày 17/2 của ngân hàng.

Giao dịch của khối ngoại tại STB bắt đầu sôi động từ đầu tháng 11/2022. Sau phiên 11/11, nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng với quy mô vài triệu tới vài chục triệu cổ phiếu STB mỗi phiên. Tới cuối tháng 11/2022, tỷ lệ room ngoại của nhà băng này chính thức vượt 23,6%.

Và chỉ sau hơn ba tháng, đến 9/2/2023, STB cạn room ngoại, tính trên tỷ lệ tối đa 30%.

Quỳnh Trang

FLC xin lỗi cổ đông

FLC xin lỗi và khẳng định quyền lợi của cổ đông vẫn được đảm bảo đầy đủ khi đang nỗ lực hết sức để sớm đưa cổ phiếu lên UPCoM.

3 ngày sau khi cổ phiếu bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) hủy niêm yết, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vừa có thông báo chính thức đầu tiên gửi các cổ đông. Hiện tại, hơn 64.700 cổ đông đang sở hữu khoảng 709,9 triệu cổ phiếu của Tập đoàn FLC.

“Chúng tôi hiểu rằng cổ phiếu của Tập đoàn FLC bị hủy niêm yết là một sự kiện khó chấp nhận với cổ đông. HĐQT, ban điều hành FLC xin được gửi tới quý cổ đông lời xin lỗi chân thành nhất”, Tổng giám đốc FLC Bùi Hải Huyền chia sẻ đầu thông báo.

FLC mong cổ đông thông cảm cho những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt và cũng hy vọng cổ đông sẽ tiếp tục đồng hành trong giai đoạn này.

Cổ phiếu FLC bị loại khỏi HoSE bởi theo cơ quan này, FLC đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở và Ủy ban Chứng khoán xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Trong thông báo hôm nay, lãnh đạo FLC đã trình bày một loạt khó khăn khiến doanh nghiệp không thể công bố các thông tin theo đúng quy định sau khi cựu Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết bị bắt cuối tháng 3/2022. Trước đó, hôm 14/2, FLC cũng đã kiến nghị các cơ quan quản lý xem xét lại quyết định hủy niêm yết khi giải thích rằng việc vi phạm công bố thông tin do “hoàn cảnh bất khả kháng”.

Bà Bùi Hải Huyền khẳng định sau khi cổ phiếu FLC bị huỷ niêm yết trên HoSE, quyền lợi của cổ đông vẫn đảm bảo đầy đủ theo Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty. Theo đó, trong mọi trường hợp, cổ đông được toàn quyền sở hữu, định đoạt với cổ phiếu FLC đang sở hữu. Đồng thời, cổ đông vẫn được đảm bảo quyền tham gia đại hội đồng cổ đông, quyền biểu quyết, quyền đề cử và ứng cứ thành viên HĐQT.

HĐQT và ban điều hành FLC đang nỗ lực hết sức để xúc tiến các lộ trình công bố thông tin theo quy định, cũng như nhanh chóng thực hiện các thủ tục cần thiết để cổ phiếu tập đoàn này sớm được trở lại giao dịch trên hệ thống UPCoM. Công ty sẽ thông báo về ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu FLC trên UPCoM ngay sau khi được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận đăng ký giao dịch.

Anh Tú

Cổ phiếu Novaland thoát sàn

Vẫn là biến động mạnh sau 14h chiều, nhưng phiên 16/2 là xu hướng tích cực khi VN-Index tăng hơn 10 điểm và NVL thoát cảnh “lau sàn” ba phiên liền.

Lực mua chủ động tiếp tục dẫn dắt thị trường trong phiên hôm nay. Trong khi bên bán có phần chững lại, lực cầu vào mạnh hơn giúp VN-Index giữ trên tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch. Dù vậy, cũng như những phiên gần đây, xu hướng chính của thị trường chỉ được xác nhận sau 14h.

Trong khi phiên sáng giữ nhịp đi ngang với thanh khoản thấp, thị trường biến động mạnh hơn sau giờ nghỉ trưa. Chỉ số của sàn HoSE bị kéo về sát tham chiếu sau khi mở cửa phiên chiều nhưng bật ngược lại sau 14h nhờ sắc xanh của nhóm ngân hàng, thép và bất động sản. Trong đó, NVL hôm nay chốt phiên trong sắc xanh, sau nhiều phiên giảm kịch sàn trước đó.

Chốt phiên, VN-Index dừng ở mức cao nhất trong ngày, tăng hơn 10 điểm (0,96%) lên 1.058 điểm. VN30-Index tăng gần 12 điểm (1,14%), đạt 1.055,26 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng vượt trên tham chiếu.




VN-Index chốt phiên 16/2 tăng hơn 10 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index chốt phiên 16/2 tăng hơn 10 điểm. Ảnh: VNDirect

Sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện. Sàn HoSE ghi nhận hơn 300 mã tăng giá, so với 75 mã giảm. Riêng nhóm bluechip, 26/30 mã đóng cửa trong sắc xanh.

Dẫn đầu đà tăng của thị trường là các mã ngân hàng, thép và bất động sản. NVL thoát chuỗi “lau sàn” khi bật tăng hơn 3% sau phiên hôm nay, với thanh khoản hơn 13 triệu cổ phiếu.

HDB có thêm gần 4%, CTG, HPG, BID, STB, SSI tăng trên 2%, TCB, VPB vượt tham chiếu hơn 1,7%. Theo VNDirect, ba mã tác động tích cực nhất tới chỉ số lần lượt là BID, CTG và HPG.

Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu giữ sắc đỏ là VCB và MSN, nhưng biên độ chưa tới 1%.

Với nhóm vốn hóa trung bình, các mã ngành thép (HSG, NKG), cổ phiếu bất động sản (NLG, DIG, NBB, CII, SCR) được chú ý. Nhóm cổ phiếu chứng khoán, cảng biển, vật liệu xây dựng hay bán lẻ cũng tương tự.

Thanh khoản thị trường giữ ở mức trung bình, với giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 8.400 tỷ đồng. Trong đó, nhóm VN30 giao dịch hơn 3.400 tỷ. Khối ngoại giữ trạng thái bán ròng với quy mô gần 100 tỷ đồng trên HoSE.

Minh Sơn

Tranh cãi nới nhầm ‘room’ ngoại tại Sacombank

Trung tâm lưu ký chứng khoán nhầm ‘room’ ngoại cho Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thay vì Ngân hàng Việt Nam Thương tín (VietBank).

Ngày 10/2, Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) có thông báo, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, STB) hiện là 29,99%.

Chỉ sau đó 4 ngày, Sacombank phản hồi với không chỉ Trung tâm lưu ký chứng khoán mà cả Ủy ban chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đề nghị xem xét lại tỷ lệ sở hữu tối đa được phép của nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà băng này cho biết, do phát sinh việc niêm yết bổ sung 400 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank), từ 19/9/2016, VSD từng thông báo tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với STB là xấp xỉ 23,63%, tính trên gần 1,9 tỷ cổ phiếu sau sáp nhập. Tuy nhiên tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại Sacombank theo VSD cung cấp ngày 10/2/2023, lại lên tới 29,99%.

“Sacombank chưa có bất kỳ văn bản nào đề nghị VSD tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 23,63% lên 30% khi chưa được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông”, Sacombank cho hay.

Do đó, Sacombank đề nghị VSD kiểm soát và quản lý room ngoại theo đúng tỷ lệ 23,63% như thông báo ngày 19/9/2016. Thời gian tới, tùy theo nhu cầu thực tế, Sacombank sẽ xin ý kiến cổ đông tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài vào thời điểm phù hợp.

Nói với VnExpress chiều 16/2, ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc VSD cho biết vào tháng 5/2021, VSD đã có văn bản nới room cho Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) nhưng do sự nhầm lẫn nên đã điều chỉnh với STB – cổ phiếu của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

“Tuy nhiên, VSD đã kiểm tra lại và thấy mức room ngoại tại Sacombank là 30% là đúng với quy định pháp luật, nên sau đó không điều chỉnh lại về 23,6%”, ông Thanh cho hay.

Lãnh đạo VSD khẳng định, không có yêu cầu nào giữ tỷ lệ room ngoại tại Sacombank là 23,6%. Sacombank hiểu sai cơ quan quản lý kiểm soát room ngoại 23,6% nhưng thực tế đó chỉ là vấn đề kỹ thuật để VSD kiểm soát tỷ lệ sở hữu tại Sacombank là 30% cho đúng số lượng đang niêm yết tại Sở.

Năm 2015, 400 triệu cổ phiếu Southern Bank chưa được niêm yết nên VSD quản lý tỷ lệ room ngoại tại Sacombank là 23,6% về mặt nội bộ để khi số cổ phiếu này lên sàn, room ngoại tại Sacombank sẽ không quá 30%. Tới 2017, số cổ phiếu này được Sở chấp thuận niêm yết nên VSD quản lý room ngoại của Sacombank là 30% là phù hợp.

Tổng giám đốc VSD cho biết cơ quan này sẽ sớm có văn bản chính thức gửi tới ngân hàng và Uỷ ban chứng khoán Nhà nước.

Giao dịch của khối ngoại tại STB bắt đầu sôi động từ đầu tháng 11/2022. Ở thời điểm đó, room ngoại của nhà băng này ở mức hơn 20%. Tuy nhiên, sau phiên 11/11, nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng với quy mô vài triệu tới vài chục triệu cổ phiếu STB mỗi phiên.

Phiên 11 và 12/11/2022, khối ngoại đều mua ròng trên 20 triệu cổ phiếu STB. Những phiên sau đó, trạng thái mua ròng được duy trì với quy mô vài triệu cổ phiếu. Chỉ sau hơn ba tháng, đến 9/2, STB cạn room ngoại, tính trên tỷ lệ tối đa 30%.

Một trong những nhà đầu tư tham gia mua vào nhiều nhất trong giai đoạn này là Dragon Capital. Tính tới 10/2, nhóm các quỹ do Dragon Capital quản lý sở hữu tổng hơn 114 triệu cổ phiếu STB, tương ứng hơn 6% vốn điều lệ ngân hàng.

Theo Nghị định 01/2014 của Chính phủ, tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.

Trên thực tế, trước sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank), room ngoại của nhà băng này là 30%. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập và chuyển đổi 400 triệu cổ phiếu Southern Bank sang STB, cơ quan quản lý hạ tỷ lệ này xuống khoảng 23,63%. Nếu Sacombank hoàn tất việc tái cơ cấu và có nhu cầu nới room, nhà băng này phải trình Đại hội đồng cổ đông thông qua và gửi yêu cầu lên VSD.

Quỳnh Trang – Minh Sơn