Số lượng tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới trong tháng 5 lập kỷ lục gần nửa triệu nhưng thanh khoản nhiều phiên chưa bằng 1/3 những ngày cao điểm năm ngoái.
Rót hơn nửa tỷ vào chứng khoán từ cuối năm ngoái, giá trị danh mục của Hồng có lúc nhân đôi. Thế nhưng, nửa năm sau, con số chỉ còn 300 triệu đồng dù chưa từng rút ra mà chỉ nạp thêm mỗi đợt thị trường điều chỉnh.
“Muốn gỡ gạc lắm nhưng tài khoản này bị kẹp hàng nên cố giữ để chờ thu lại ít vốn”, Hồng nói.
Vừa trách mình tham lam, Hồng trách cả môi giới “cứ giục khách quân bình giá”. Từ chỗ không hài lòng người phụ trách tài khoản, Hồng chỉ ra hàng loạt bất cập khác như phí giao dịch cao, giao diện ứng dụng mới cập nhật không thuận mắt, đường dây nóng khó liên lạc. Những điểm trừ này cộng quyết tâm đổi vận, trong một tuần, Hồng tìm đến ba công ty chứng khoán mới.
Ba tài khoản của Hồng chỉ là một phần nhỏ trong hơn 476.000 tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân mở mới trong tháng 5, theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Con số này tăng 9,14% so với tháng liền trước, xác lập kỷ lục trong lịch sử và vượt xa mức tăng 3-5% trong những giai đoạn thị trường bùng nổ trước đây.
Từ đầu năm đến nay, tổng tài khoản mới tham gia chứng khoán đã xấp xỉ 1,4 triệu, lớn hơn lượng tài khoản mới của bốn năm (2017-2020) cộng lại và bằng 90% cả năm ngoái. Những thông số này sẽ rất dễ hiểu trong điều kiện thị trường thuận lợi. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh ngược lại khi VN-Index đã giảm hai tháng liên tiếp và thanh khoản nhiều phiên chưa bằng 1/3 lần so với những ngày cao điểm năm ngoái, thì nửa triệu tài khoản đổ vào thị trường là một tín hiệu bất thường.
Ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Tân Việt, cho rằng trường hợp mở tài khoản để trải nghiệm dịch vụ và ưu đãi ở những công ty khác nhau như Hồng không nhiều. Phần lớn tài khoản phát sinh trong những tháng gần đây do các công ty chứng khoán là đơn vị thành viên của các ngân hàng thương mại nên tệp khách hàng liên thông, mở tài khoản ngân hàng sẽ có ngay tài khoản chứng khoán.
Khảo sát của VnExpress cho thấy hầu hết công ty chứng khoán đều số hoá quy trình mở mới còn vài phút, thậm chí không cần xác thực hạn mức cho vay ký quỹ dưới 500 triệu hoặc chỉ xác thực qua cuộc gọi. Khách cũng không cần trực tiếp đến quầy giao dịch hoặc in hợp đồng để nộp như trước đây. Thay vào đó, khách có thể dùng chữ ký điện tử hoặc chụp hình chữ ký và thao tác trực tiếp trên ứng dụng của công ty chứng khoán hoặc ngân hàng.
“Mở dễ dãi khiến chất lượng tài khoản giai đoạn này kém hơn nhiều so với cách đây một năm bởi hầu hết không kích hoạt chứ chưa nói đến nạp tiền vào chờ cơ hội”, ông Nam nhận định.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, dẫn kết quả khảo sát của chính doanh nghiệp này thực hiện cho thấy lượng “tài khoản rác”, tức mở nhưng không hoàn thiện hồ sơ hoặc không giao dịch trong nhiều tháng, lên đến 80%.
Tương tự, ông Park Won Sang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết tài khoản mở mới tại đây trong 5 tháng đã vượt cả năm ngoái nhưng chỉ khoảng 10-12% trong số đó có giao dịch hàng tháng.
Thực trạng này, theo các chuyên gia, có thể giải thích cho nghịch lý tài khoản chứng khoán liên tục lập đỉnh nhưng giá trị giao dịch lao dốc không phanh. Thanh khoản bình quân mỗi phiên trong tháng 5 của cả ba sàn HoSE, HNX và UPCoM đạt khoảng 17.770 tỷ đồng, giảm gần 10.000 tỷ đồng so với tháng trước. Đây là tháng thứ ba liên tiếp thanh khoản lao dốc và nhiều khả năng đà giảm sẽ kéo dài, bởi trong tháng 6 thị trường còn giao dịch ảm đạm hơn.
Chỉ tính riêng sàn HoSE, thanh khoản mỗi phiên có lúc chỉ còn khoảng 10.100 tỷ đồng, tương đương giai đoạn đầu năm 2021 – khi hệ thống giao dịch thường xuyên bị nghẽn khiến giá trị giao dịch không thể vượt quá mức 20.000 tỷ đồng dù dòng tiền dồi dào.
“Những con số này nói rằng lượng tài khoản mới được công bố hàng tháng đang thể hiện không đúng nhu cầu thực sự của nhà đầu tư trong nước, dẫn đến thông tin về thị trường bị méo mó và cơ quan quản lý cũng hao tốn nguồn lực giám sát”, ông Minh nói.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ lạc quan hơn, ông Park Won Sang cho rằng việc tài khoản liên tục tăng và một người sở hữu nhiều tài khoản không phải vấn đề đáng lo. Ngược lại, đây là tín hiệu đáng mừng bởi thị trường đang trầm lắng nên nhà đầu tư có điều kiện chuyển đổi và trải nghiệm chất lượng dịch vụ khuyến nghị ở nhiều công ty khác nhau trước khi gắn bó cho một chu kỳ đầu tư mới.
Số lượng tài khoản tăng còn vì những người trước đây chưa tham gia thị trường nhưng lúc này nhận ra chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn hơn các kênh truyền thống như vàng, bất động sản, gửi tiết kiệm bởi ưu điểm vốn ít, thanh khoản và triển vọng dài hạn tốt. Họ mở tài khoản để tìm hiểu và chuẩn bị đón sóng mới.
Theo ông Park, điều đáng lo nhất là hiện Việt Nam chỉ có khoảng 5.000 chuyên viên môi giới có giấy phép hành nghề, trong khi số lượng tài khoản đến 5,6 triệu. Hiểu đơn giản thì mỗi chuyên viên phải “gánh” việc chăm sóc cho 1.000 nhà đầu tư.
Rất nhiều nhà đầu tư sau khi mở tài khoản chứng khoán thì không được chăm sóc, tư vấn đúng và đủ nên chưa dám bắt đầu cũng là nguyên nhân khiến thanh khoản giai đoạn này chùn xuống. Bên cạnh đó, thanh khoản đi xuống vì những nhà đầu tư có kinh nghiệm – tương tự Hồng – chưa dám cắt lỗ hoặc quá thận trọng để giải ngân mới khi đối diện với những thông tin tác động tiêu cực.
Phương Đông