Không mua đủ 10 triệu cổ phiếu HBC trong đợt giao dịch kéo dài một tháng qua, ông Lê Viết Hải vừa đăng ký mua bổ sung.
Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu lần đầu vào 20/6, khi HBC vừa trải qua chuỗi giảm sâu 7 phiên liên tiếp khiến giá rơi từ 21.800 đồng xuống 15.500 đồng. Ông Hải lúc đó cho biết giao dịch này vừa đầu tư, vừa để bình ổn giá khi cổ phiếu xuống mức thấp nhất 9 tháng.
Thông tin này ngay lập tức giúp HBC đảo chiều đi lên 7 phiên liên tiếp, trong đó một phiên chạm trần. Giá cổ phiếu hồi phục suốt một tháng ông Hải đăng ký giao dịch và có thời điểm tiệm cận 21.000 đồng. Song đây cũng là nguyên nhân khiến người đứng đầu Hoà Bình chỉ khớp lệnh được 3,36 triệu trong số 10 triệu cổ phiếu đã đăng ký.
Sau khi thông báo kết quả giao dịch vào chiều nay, ông Hải lập tức đăng ký mua thêm 6,63 triệu cổ phiếu trong thời hạn một tháng. Giao dịch dự kiến bắt đầu từ 27/7 đến 25/8 nhằm mục đích đầu tư.
Nếu thành công, ông Hải sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại đây từ 17,21% lên 19,91% (tương ứng 48,9 triệu cổ phiếu).
Xu hướng vận động của HBC khoảng bốn tháng trở lại đây tương tự nhiều doanh nghiệp cùng ngành. HBC đã giảm 29% so với ngày 1/4, còn CTD, HTN và FCN mất khoảng 41-46%.
Ngoài tác động chung từ thông tin lãnh đạo nhiều công ty bị bắt vì tội thao túng chứng khoán, cổ phiếu xây dựng còn chịu áp lực từ biên lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm vì chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng và thị trường bất động sản trầm lắng. Tuy nhiên, theo chuyên gia của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, đây chỉ là xu hướng ngắn hạn. Triển vọng dài hạn của cổ phiếu ngành xây dựng được kỳ vông tích cực khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dân cư còn rất lớn.
SHS lỗ ròng gần 300 tỷ đồng trong quý II, ORS lỗ kỷ lục, còn Chứng khoán Bảo Minh cũng ghi nhận lợi nhuận âm, với cùng lý do là “lỗ từ hoạt động tự doanh”.
Báo cáo tài chính các công ty chứng khoán không còn chung một sắc thái tích cực như nửa đầu năm trước, thời điểm cả thanh khoản và chỉ số đều tăng mạnh. Diễn biến tiêu cực của thị trường trong nửa đầu năm nay khiến nhiều thành viên thị trường báo lỗ đột biến.
Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) vừa công bố báo cáo tài chính với khoản lỗ ròng trong quý II gần 300 tỷ đồng. Kết quả này kéo lợi nhuận trong nửa đầu năm nay xuống chỉ còn hơn 32 tỷ, tương đương chưa tới 2% kế hoạch đặt ra từ đầu năm.
“Quý II, thị trường diễn biến tiêu cực bất ngờ dẫn tới mảng tự doanh của công ty gặp nhiều khó khăn”, báo cáo giải trình của SHS cho biết. Khoản lỗ chủ yếu do việc đánh giá lại các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) bị sụt giảm hơn 485 tỷ đồng, khiến mảng đầu tư lỗ hơn 433 tỷ đồng.
Cuối quý I, SHS nắm giữ 2.240 tỷ đồng cổ phiếu tại danh mục FVTPL theo giá gốc, với giá trị thị trường hơn 2.750 tỷ đồng, trong đó TCB và GEX là hai mã tỷ trọng lớn nhất.
Đến cuối quý II, tỷ trọng TCB và GEX đều giảm mạnh, phần lãi đánh giá lại của hai cổ phiếu này cũng “bốc hơi”. SHS còn nắm giữ hơn 420 tỷ đồng TCB với giá trị thị trường ngang giá mua vào, trong khi GEX lỗ hơn 18 tỷ đồng.
Hoạt động bán cổ phiếu không có thuyết minh chi tiết, tuy nhiên SHS lỗ hơn 45 tỷ đồng trong quý II.
Ngược lại, danh mục trái phiếu của công ty này tăng hơn 700 tỷ chỉ trong ba tháng, lên gần 2.000 tỷ đồng vào cuối quý II, trong đó tỷ trọng cao nhất là trái phiếu của nhóm Bamboo Capital.
Với danh mục AFS, phần lợi nhuận đánh giá lại từ việc nắm giữ cổ phiếu SHB giảm hơn 50% so với quý I, trong khi các cổ phiếu khác đều lỗ. Theo quy định, phần lãi/lỗ đối với AFS không hạch toán trên bảng báo cáo kết quả kinh doanh. Lỗ chưa thực hiện ghi nhận trên “báo cáo thu nhập toàn diện khác”. Ở khoản mục này, trong quý II, SHS lỗ hơn 600 tỷ đồng.
Ngoài tự doanh, các mảng hoạt động kinh doanh chính của SHS đều sụt giảm. Doanh thu môi giới giảm hơn 40% so với cùng kỳ, chỉ còn 85 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 15% xuống 137 tỷ đồng.
Ngoài SHS, Chứng khoán Bảo Minh (BMS) hay Chứng khoán Tiên Phong (ORS) cũng gặp tình trạng tương tự.
“Chi phí tăng cao chủ yếu là chi phí của hoạt động tự doanh do ảnh hưởng từ việc giảm mạnh của thị trường chứng khoán dẫn tới lợi nhuận sau thuế quý II âm hơn 128 tỷ đồng, giảm 340% cùng kỳ”, phần giải trình của ORS cho biết.
Trong quý II, chi phí hoạt động của ORS tăng đột biến lên gần 700 tỷ đồng, chủ yếu do cắt lỗ cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục, dẫn đến ghi nhận lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL.
Trong đó, ORS lỗ hơn 24 tỷ đồng do bán hơn 1,2 triệu cổ phiếu SSI với giá chỉ bằng một nửa giá mua vào. Công ty này cũng bán ra hơn 10 triệu cổ phiếu các mã khác, lỗ gần 63 tỷ đồng. Với trái phiếu, ORS lỗ hơn 280 tỷ đồng.
Với các hoạt động khác, tương tự SHS, doanh thu môi giới, tư vấn đầu tư hay tư vấn tài chính của ORS đều giảm mạnh so với quý II năm trước.
Với Chứng khoán Bảo Minh, công ty này cũng trong tình trạng tương tự. Lãi từ các tài sản tài chính qua lãi/lỗ (FVTPL) trong quý II của BMS chỉ ghi nhận gần 122 tỷ đồng, giảm gần 40%. Trong khi đó, lỗ do đánh giá lại FVTPL tăng gấp 8 lần lên gần 277 tỷ đồng.
Trong khi các mảng hoạt động khác chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, việc sụt giảm mạnh của mảng môi giới khiến BMS lỗ ròng hơn 130 tỷ đồng trong quý II, so với mức lãi ròng gần 130 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, BMS lỗ gần 33 tỷ đồng.
HAG chốt phiên hôm nay tại giá sàn 10.850 đồng, khớp lệnh hơn 47 triệu cổ phiếu và không có bên mua lúc đóng cửa.
Cổ phiếu của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai tăng nhẹ đầu phiên lên 11.900 đồng, mức cao nhất trong ba tháng qua. Tuy nhiên, áp lực bán từ giữa phiên khiến biên độ tăng thu hẹp dần, sau đó đảo chiều giảm và đến cuối phiên thì chạm giá sàn.
Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp của HAG trong sóng tăng mạnh từ đầu tháng nay, đồng thời là phiên có khối lượng giao dịch cao nhất trong nửa năm trở lại đây. Ngoài 47 triệu cổ phiếu khớp lệnh, HAG còn ghi nhận 3 triệu cổ phiếu được sang tay bằng phương thức thoả thuận.
HAG hôm nay đứng đầu danh sách cổ phiếu có thanh khoản cao nhất trên sàn TP HCM với 528 tỷ đồng, bỏ xa những mã xếp sau là SSI, VND, MWG, DIG, HPG từ 50-150 tỷ đồng.
DBC, một cổ phiếu ngành chăn nuôi có sóng tăng tương tự HAG, cũng giảm mạnh. Hai mã này đều chịu áp lực xả hàng quyết liệt trong khi thị trường đang có tín hiệu hồi phục mạnh về sát mốc 1.200 điểm. VN-Index hôm nay có lúc chạm 1.197 điểm, tăng 18 điểm so với tham chiếu trước khi thu hẹp biên độ trong những phút cuối về mốc 1.194 điểm.
Sắc xanh bao phủ thị trường với 374 cổ phiếu tăng điểm, gấp bốn lần cổ phiếu giảm. Ngoài nhóm trụ là ngân hàng thì chứng khoán, thép, dầu khí, phân bón, cảng biển… cũng đều có trạng thái hưng phấn.
28 cổ phiếu trong rổ VN30 đồng loạt tăng, trong đó nhiều mã tích luỹ hơn 2% so với tham chiếu, nên đóng góp tích cực cho chỉ số chung. VIC là mã duy nhất ngược dòng thị trường khi giảm gần 1% xuống 68.200 đồng, trong khi đó PDR đứng yên ở tham chiếu.
Không riêng nhóm vốn hoá lớn, các mã có tính đầu cơ cao như HQC, LDG, ITA, FLC cũng tăng từ 2% đến chạm trần.
Thanh khoản sàn TP HCM đạt 14.167 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ so với hôm qua và là mức cao nhất trong ba tuần gần đây. Dòng tiền tập trung nhiều vào cổ phiếu tài chính – ngân hàng và công nghiệp.
Nhà đầu tư nước ngoài giải ngân gần 1.000 tỷ đồng, trong khi chỉ bán ra 800 tỷ đồng. FPT, MWG, SSI và HPG là những cổ phiếu được khối ngoại mua nhiều nhất.
Tham gia “SSI Town – Cú già phố Win” và vượt qua các thử thách, người chơi có thể nhận nhiều quà tặng trị giá đến 800 triệu đồng.
“SSI Town – Cú già phố Win” là trò chơi do Công ty cổ phần Chứng khoán SSI phát triển trên bảng giá SSI iBoard và tại website SSI Town, dành cho những người đang đầu tư, mới bắt đầu. Chưa cần phải có tài khoản chứng khoán, bất kỳ ai cũng có thể tham gia trò chơi này.
Anh Nguyễn Văn Khang, một trong những người may mắn săn được vé vàng 1 triệu đồng trong Sự kiện vé vàng 7.7 vừa qua cho biết, khá hài lòng với SSI Town.
“Giao diện thân thiện, bắt mắt, cách chơi đơn giản, quà tặng giá trị, đa dạng hình thức từ hoàn tiền vào tài khoản chứng khoán lên đến 5 triệu đồng, tặng thẻ nạp điện thoại đủ mệnh giá lên đến 200 nghìn đồng… là những điểm sáng của SSI Town”, anh Khang chia sẻ.
Nhiệm vụ của người trải nghiệm “SSI Town” là xây dựng thành phố đầu tư của riêng mình và nâng cấp người đồng hành Cú già phố Win để nhận quà tương ứng. Bên cạnh các nhiệm vụ hàng ngày như Điểm danh, Chia sẻ nội dung… hầu hết các thử thách trong SSI Town đều hướng người chơi xây dựng kiến thức và kỹ năng để tiến xa hơn trên hành trình đầu tư.
Cụ thể, mỗi ngày, người chơi sẽ bắt gặp nhiệm vụ “Đọc bài viết”. Mỗi bài viết trong SSI Town đều là những nhận định thị trường và khuyến nghị đầu tư liên tục cập nhật của Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư SSI (SSI Research). Các chuyên gia thị trường đảm bảo rằng nội dung bài viết ngắn gọn, đủ thông tin. Người chơi thông qua thực hiện nhiệm vụ trên có thể có thêm thông tin để giao dịch mỗi ngày.
Một trong những thử thách lớn mà người chơi có thể chinh phục tại SSI Town là “Học viện Cú” – nơi đưa ra những câu hỏi hóc búa và trao quà tặng cho các người chơi chinh phục thành công.
Ngoài ra, các nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán cũng lần lượt học cách giao dịch và khám phá các sản phẩm đầu tư thông qua các nhiệm vụ của SSI Town. Hệ thống nhiệm vụ được sắp xếp khoa học và có hướng dẫn chi tiết, từ “Đặt lệnh chứng khoán Cơ sở/ Phái sinh”, “Chuyển tiền nội bộ”, “Đặt lệnh giao dịch S-Bond”… giúp người chơi có cái nhìn khái quát về hành trình đầu tư chứng khoán.
Đại diện SSI cho biết, nhịp sống sôi động của tòa nhà SSI trên con phố Nguyễn Huệ tại TP HCM là nguồn cảm hứng cho tòa nhà trung tâm SSI Town. Mỗi tuần, thành phố đầu tư lại tổ chức loạt sự kiện thêm trải nghiệm, thêm ưu đãi quà tặng cho người chơi.
Sự kiện Vé vàng may mắn diễn ra ngày 7/7, 8/8 – 22/8, 9/9 – 22/9 mang đến cơ hội hoàn 5 triệu đồng vào tài khoản chứng khoán. Nhiều người chơi tham gia sự kiện “Vé vàng may mắn” đầu tiên vào ngày ra mắt game 7/7 đã nhận thưởng. Bảng xếp hạng người chơi may mắn liên tục được cập nhật.
Sự kiện Học viện SSI diễn ra thứ 6 hàng tuần sẽ cung cấp nhiều kiến thức đầu tư và cơ hội nạp ngay 200.000 đồng vào tài khoản điện thoại. Quán quân bảng xếp hạng tuần 1 “Học viện SSI” là Nguyễn Tuấn Minh, sinh viên năm 3, ĐH Giao thông Vận tải (Hà Nội) với nick name “Võ sư chém nến” đã trả lời toàn bộ 10 câu hỏi thử thách trong vòng 33 giây.
Tuấn Minh cho biết còn tham gia nhiều sự kiện khác của game như “Vòng quay may mắn” diễn ra thứ 5 hàng tuần giúp người chơi có cơ hội được hoàn 888.000 đồng vào tài khoản điện thoại. Vòng quay may mắn và Học viện SSI diễn ra mỗi thứ 5 và thứ 6 hàng tuần.
Đại diện SSI chia sẻ, trong tương lai, thành phố SSI sẽ còn tiếp tục xây dựng và mở rộng hơn. Song song đó là cập nhật thêm nhiều tính năng mô phỏng đầu tư hay giao dịch chứng khoán giả lập và nhiều phần quà giá trị nhằm xây dựng một cộng đồng nhà đầu tư vững mạnh, kết nối và hiện đại.
Chi tiết nội dung thể lệ “SSI Town – Cú già phố Win” được công bố và liên tục cập nhật trên website của SSI và trang Facebook Fanpage Chứng khoán SSI.
Thị trường chứng khoán chưa có tín hiệu rõ ràng xác định vùng đáy, nhà đầu tư nên kiên nhẫn đầu tư dài hạn, theo các chuyên gia Dragon Capital.
Thị trường chứng khoán liên tục lao dốc kể từ đầu năm đến nay, phá tan mọi thành quả của các nhà đầu tư trong cả năm 2021. Hầu hết các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đều có sự sụt giảm điểm từ 23-25%, như S&P giảm 23,5%, NASDAQ giảm gần 30%, là mức giảm tồi tệ nhất kể từ quý IV/2008. VN-Index cũng không nằm ngoài xu hướng đó khi giảm 24,2% so với mức đỉnh hồi đầu năm. Tại Tọa đàm “Chiến lược đầu tư khi thị trường biến động” diễn ra trên VnExpress, các chuyên gia đã phân tích và nhận định xu hướng thị trường, đồng thời đưa ra những khuyến nghị đối với nhà đầu tư cũng như cách phân bổ tài sản hợp lý.
VN-Index chịu nhiều áp lực
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Hưng, vĩ mô Việt Nam hiện có nhiều điểm sáng như GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42% và có thể tăng trên 7% trong cả năm 2022, dòng vốn FDI dịch chuyển ngày càng nhiều đến Việt Nam, doanh nghiệp tăng trưởng ổn định…
Tuy nhiên, mức thể hiện của thị trường chứng khoán đang có sự lệch pha với sự tăng trưởng và phục hồi nên kinh tế, do áp lực từ những lo ngại của các nhà đầu tư về triển vọng cuối năm và sự bất ổn của tình hình thế giới.
Thực tế, Việt Nam cũng đang chịu nhiều tác động từ các yếu tố bên ngoài như lạm phát tăng cao, chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng Trung ương, thị trường chứng khoán toàn cầu đang suy giảm, cần thêm thời gian quan sát để kết luận thị trường đã tạo đáy hay chưa.
“Thông thường, vào giai đoạn thị trường giá xuống, sau khi thị trường thế giới phải tạo đáy thì thị trường trong nước mới có thể tạo đáy, đi vào ổn định và phục hồi”, ông Hưng cho biết.
Bên cạnh đó, lượng vốn cung cho nền kinh tế trong nửa cuối năm có thể ít đi vì room tín dụng chỉ còn 4,7%, và phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể bị hạn chế do các doanh nghiệp còn e ngại. Chuyên gia của Dragon capital ước tính lượng vốn cung ứng vào thị trường sẽ là khoảng 8,3 tỷ USD vào quý III/2022 và 9 tỷ USD trong quý IV. Nếu so bình quân của 10 quý gần nhất là 15,2 tỷ USD thì tổng lượng vốn ra nền kinh tế có thể giảm 50% trong hai quý cuối năm. Nếu điều này diễn ra, VN-Index sẽ bị tác động bới tổng lượng vốn ra nền kinh tế đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, Chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều thử thách khi các đồng tiền khác trong khu vực đã giảm bình quân từ 5-10%, thậm chí có một số thị trường giảm trên 20%.
Ông Hưng cho rằng, sự lo lắng của các nhà đầu tư là có cơ sở, nhưng nhà đầu tư không nên lo lắng quá, để cảm xúc lấn át quyết định đầu tư. “Đôi khi, sự lo sợ lại nguy hiểm hơn cả những gì thực tế đang diễn ra, bởi vậy sự lo lắng và bất ổn tâm lý trong đầu tư là kẻ thù của thị trường chứng khoán”, ông Hưng chia sẻ.
Ngân hàng và đầu tư công sẽ dẫn dắt thị trường
Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động như hiện nay, ông Nguyễn Quang Hưng cho rằng, nhà đầu tư không nên quá tập trung dự đoán nhóm ngành, cổ phiếu doanh nghiệp nào sẽ hồi phục nhanh trong ngắn hạn. Vì thanh khoản thị trường đang rất mỏng, không cho phép các nhà đầu tư cá nhân liên tục thay đổi danh mục. Mua vào thì dễ, nhưng lúc bán ra có thể gặp khó do không có thanh khoản.
Do đó, nhà đầu tư nên kiên nhẫn xây dựng chiến lược dài hạn hơn, theo dõi mục tiêu dài hạn. Nếu nhà đầu tư thật sự có tìm hiểu và niềm tin vào nội tại và khả năng tăng trưởng của một doanh nghiệp nào đó thì nhà đầu tư nên nhẫn nại.
“Nhà đầu tư nên kiên trì và đầu tư có kỷ luật. Trong thị trường giá xuống, ngay cả những cổ phiếu của doanh nghiệp tốt vẫn có thể giảm. Tuy nhiên, khi thị trường đi lên thì hầu hết các cổ phiếu này sẽ cũng lên mạnh hơn”, ông Hưng nhận định.
Theo nhận định của ông Hưng, nhóm ngân hàng và đầu tư công có tiềm năng tăng trưởng tốt trong dài hạn. Nhóm ngân hàng được dự báo là có mức tăng trưởng tốt vì lợi nhuận của các ngân hàng vẫn khá là cao, với lợi nhuận khả quan trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời, định giá của các cổ phiếu bank đang ở mức thấp trong vòng 8 năm qua, với chỉ số P/B khoảng 1,4 lần. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt cùng sự hình thành các nhóm tầng lớp trung lưu sẽ giúp cho mảng bán lẻ ngân hàng phát triển trong 1-2 năm tới.
Ngoài ngành ngân hàng còn có nhóm đầu tư công. Đến nay, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt được 27,8%. Chuyên gia của Dragon Capital kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm, việc giải ngân đầu tư công sẽ hoàn thành 72% còn lại, tương đương 16,5 tỷ USD. Vì vậy, các ngành liên quan đến đầu tư công như là vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi. Và nhóm này sẽ có những biến đổi tích cực hơn trong quý IV/2022 và năm 2023.
Chuyển dịch kênh đầu tư để hạn chế rủi ro
Còn trong ngắn hạn, nhà đầu tư tránh tâm lý hoảng loạn bán tháo tài sản, thay vào đó có thể phân bổ lại cơ cấu tài sản của mình, chuyển dịch sang một số kênh đầu tư khác nhằm thích ứng với tình hình kinh kế hiện tại, hạn chế rủi ro.
Ông Hans Nguyễn, Quản lý cao cấp của Dragon Capital cho biết, tình hình kinh tế mỗi năm, mỗi giai đoạn khác nhau sẽ có những kênh đầu tư hiệu quả khác nhau. Ví dụ như, khi thị trường tăng trưởng ổn định, kênh đầu tư mang tính hiệu quả cao nhất là cổ phiếu. Nếu trong thị trường lạm phát cao, bất động sản và vàng lại mang đến hiệu quả cao hơn. Ngược lại, khi giảm phát, trái phiếu hoặc tiền gửi là kênh đầu tư khá tốt và an toàn.
“Cho dù thị trường nào, ở chu kỳ nào cũng có cách đầu tư phù hợp để giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro, thậm chí vẫn có thể sinh lời. Chẳng hạn như khi thị trường biến động lớn, nhà đầu tư có thể giảm bớt kênh nhiều rủi ro như cổ phiếu và tăng thêm kênh ít rủi ro hơn như trái phiếu”, ông Hans Nguyễn phân tích.
Tùy theo nhu cầu, khả năng vốn, khẩu vị rủi ro, thời gian đầu tư, nhà đầu tư tự quyết định chọn kênh đầu tư phù hợp với mình. Nếu phối hợp các yếu tố thị trường với các kênh đầu tư mình biết, nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội quan sát, từ đó có sự phẩn bổ tài sản, chuyển dịch kênh đầu tư hợp lý.
Đối với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường, ông Hans Nguyễn khuyến khích tìm hiểu về lĩnh vực đầu tư của mình, nắm bắt thông tin của doanh nghiệp muốn đầu tư, cân nhắc giữa lợi nhuận và rủi ro để chọn được kênh đầu tư hợp lý trong từng bối cảnh thị trường. Như vậy, nhà đầu tư mới giảm bớt được rủi ro. Cụ thể khi thị trường biến động, nhà đầu tư có thể phân bổ lại tài sản đầu tư bằng cách giảm bớt đầu tư cổ phiếu và tăng đầu tư trái phiếu.
Trong trường hợp không tìm hiểu được, không có nhiều thời gian để theo dõi và quan sát, nhà đầu tư có thể chọn một quỹ mở để đầu tư một cách đều đặn. Các nhà quản lý quỹ với đội ngũ chuyên gia am hiểu thị trường sẽ đầu tư sinh lời giúp. Với sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam hiện nay, sản phẩm quỹ đa dạng, có nhiều lựa chọn, nhiều công cụ, nền tảng để thực hiện đầu tư dễ dàng và hiệu quả.
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) thêm VIB vào và loại PNJ khỏi rổ 30 cổ phiếu vốn hoá lớn nhất thị trường.
Đây là sự thay đổi duy nhất trong đợt cơ cấu danh mục giữa năm của HoSE. Danh mục mới sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 8.
Sự xuất hiện của VIB nâng số lượng cổ phiếu ngành ngân hàng trong rổ VN30 lên 11 mã, áp đảo so với những ngành khác như bất động sản, năng lượng, tiêu dùng, bán lẻ. Toàn bộ cổ phiếu trong nhóm dự phòng cho rổ VN30 cũng thuộc ngành ngân hàng, lần lượt gồm SSB, SHB, EIB, MSB và OCB. Theo phân tích của SSI Research, tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng trong rổ này sẽ tăng từ 38,2% lên 40,3%.
Chỉ số VN30 được HoSE sử dụng từ đầu tháng 2/2012, gồm 30 cổ phiếu có giá trị vốn hoá và thanh khoản cao nhất thị trường. Nửa đầu năm nay, chỉ số này giảm 18,67%, ít hơn mức giảm 20,06% của toàn thị trường.
Có ba bước để chọn cổ phiếu trong rổ này. Đầu tiên, HoSE chọn 50 cổ phiếu có giá trị vốn hóa thị trường bình quân hàng ngày trong 6 tháng cao nhất, loại trừ các cổ phiếu bị cảnh cáo, kiểm soát, tạm ngừng giao dịch hoặc có thời gian niêm yết dưới 6 tháng.
HoSE sau đó loại bỏ các cổ phiếu có tỷ lệ lưu hành tự do dưới 5%. Các cổ phiếu còn lại sau bước 2 được sắp xếp theo thứ tự giá trị giao dịch hàng ngày bình quân trong 6 tháng giảm dần. 20 cổ phiếu ở thứ hạng đầu tiên sẽ được chọn vào VN30. Các cổ phiếu thứ hạng từ 21 đến 40 thì ưu tiên các cổ phiếu cũ, sau đó mới đến lựa chọn các cổ phiếu mới để cho vào rổ (điều này để đảm bảo tính ổn định của bộ chỉ số).
Nhiều nhóm phân tích đã dự báo kịch bản VIB được thêm vào rổ và PNJ bị loại khỏi rổ dựa trên giá trị vốn hoá tính đến ngày 30/6. Theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, vốn hoá bình quân một năm của VIB khoảng 63.000 tỷ đồng, đứng thứ 22 trong danh sách những cổ phiếu đủ điều kiện vào rổ trong khi PNJ xếp thứ 40 với giá trị khoảng 23.700 tỷ đồng.
Các quỹ ETF lấy VN30 làm chỉ số tham chiếu với tổng giá trị tài sản hơn 8.700 tỷ đồng (gồm ETF DCVFM VN30, ETF SSIAM VN30, ETF FUEMAV30 và ETF KIM Growth VN30) sẽ tái cơ cấu danh mục một ngày trước khi danh mục mới có hiệu lực.
VNDIRECT ước tính các quỹ này mua khoảng 8,3 triệu cổ phiếu VIB và bán 1,5 triệu cổ phiếu PNJ. SSI Research đưa ra nhận định tương tự, đồng thời nói thêm một số mã khác trong rổ cũng được cơ cấu như VPB được mua 291.000 cổ phiếu, HPG được mua 299.000 cổ phiếu, VIC bị bán 507.000 cổ phiếu…
Hai chuyên gia từ Dragon Capital Việt Nam chia sẻ chiến lược đầu tư trong bối cảnh thị trường nhiều biến động tại tọa đàm lúc 15h30 ngày 15/7, trên VnExpress.net và Fanpage VnExpress.
Tọa đàm: Chiến lược đầu tư khi thị trường biến động
HPG đóng vai trò trụ đỡ giúp VN-Index tránh phiên giảm sâu khi cổ phiếu này có lượng sang tay 47,7 triệu đơn vị, trị giá xấp xỉ 1.100 tỷ đồng.
Đây là phiên có thanh khoản cao nhất của HPG trong vòng một tháng, đồng thời đưa cổ phiếu này trở lại vị trí đứng đầu danh sách những mã có giá trị giao dịch cao nhất trên sàn TP HCM.
HPG đóng góp gần 8% tổng giá trị trên sàn TP HCM trong phiên cuối tuần, gần bằng 3 mã đứng sau là VND, STB và DIG cộng lại.
Khối lượng và giá giao dịch của HPG hôm nay gấp khoảng 4 lần hôm qua. Những phiên trước, chỉ khoảng 10-17 triệu cổ phiếu được sang tay, tương ứng giá trị khoảng 280-440 tỷ đồng.
Ngoài thanh khoản đột biến, thị giá HPG cũng nhảy vọt. Cổ phiếu này đóng cửa tại 23.200 đồng, tăng 4,5% so với tham chiếu – biên độ tăng mạnh nhất trong một tháng trở lại đây.
Một số cổ phiếu ngành thép khác như HSG, NKG, TLH đều có trạng thái giao dịch hưng phấn khi tăng 1-3%. Thanh khoản các mã cũng được cải thiện nhẹ so với những phiên giao dịch tuần này.
Theo lãnh đạo phòng phân tích một công ty chứng khoán ở TP HCM, diễn biến này tương đối bất ngờ bởi cổ phiếu thép đang không có nhiều yếu tố hỗ trợ. Thậm chí, HPG và những mã cùng ngành đang đối diện nhiều thông tin bất lợi như giá thép đã giảm 8 lần liên tiếp với mức điều chỉnh luỹ kế khoảng 3 triệu đồng một tấn, tồn kho của Trung Quốc còn cao, tỷ giá USD tăng mạnh gây áp lực chi phí tài chính nếu doanh nghiệp vay nhiều ngoại tệ và nhập khẩu.
Trụ đỡ HPG giúp VN-Index tránh được phiên giảm sâu khi số lượng cổ phiếu đóng cửa dưới tham chiếu áp đảo cổ phiếu tăng. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM chốt phiên tại 1.179 điểm, mất gần 3 điểm. Sắc đỏ bao trùm cổ phiếu ngành chứng khoán, dầu khí, cảng biển…
Thanh khoản cả sàn TP HCM đạt 13.110 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với hôm qua. Đây cũng là phiên có giá trị giao dịch cao nhất trong 10 ngày qua.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay xả hàng quyết liệt với giá trị bán lên đến 1.240 tỷ đồng, tập trung vào chứng chỉ quỹ FUEVFVND và cổ phiếu MWG. Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua vào khoảng 740 tỷ đồng. HPG là cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài giải ngân nhiều nhất trong phiên cuối tuần.
Các chuyên gia của Dragon Capital Việt Nam sẽ cùng thảo luận về chiến lược đầu tư trong thị trường nhiều biến động vào lúc 15h30 ngày 15/7 trên VnExpress.
Chứng khoán luôn là một kênh đầu tư hấp dẫn, đòi hỏi nhà đầu tư phải có tính kỷ luật và kiên nhẫn, tuy nhiên lại chứa đựng không ít những cảm xúc như tham lam, tiếc nuối và sợ hãi. Lúc thị trường trong xu hướng tăng (còn gọi là thị trường con bò), người người đầu tư chứng khoán, nhà nhà “chơi” chứng khoán mà không cần có bất kỳ chiến lược nào vì cứ mua là lãi. Sau khi thiết lập mức đỉnh kỷ lục, thị trường quay trở lại mức đáy với nhiều biến động khó lường, bắt đầu chu kỳ thị trường giá xuống (thị trường gấu). Thời điểm này, hầu hết danh mục của nhà đầu tư thua lỗ. Nhiều nhà đầu tư rồi vào tâm lý hoảng sợ và có phản ứng tiêu cực với tất cả thông tin.
Trong nửa đầu năm nay, Phố Wall chứng kiến nhiều tuần liên tiếp giảm điểm khi các dấu hiệu của suy thoái, lạm phát ngày càng rõ, khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu. Thị trường gần như quay trở về những năm 1970 khi chứng kiến sự sụt giảm của các chỉ số. S&P 500 đã giảm gần 21%, NASDAQ giảm 29,5%, là mức giảm tồi tệ nhất kể từ quý IV/2008, chỉ số Dow Jones cũng giảm tới 15%.
Trong khi đó, chứng khoán châu Á cũng liên tục nhuộm sắc đỏ, rơi xuống đáy ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Sang tháng 7, thị trường chứng khoán toàn cầu chưa có dấu hiệu phục hồi, thậm chí tiếp đà giảm khi dữ liệu lạm phát được công bố, cũng như chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy của chu kỳ giảm. Sự biến động trên thị trường toàn cầu cùng sự nhiễu động thông tin trong nước thời gian vừa qua khiến nhiều nhà đầu tư trong nước cũng điêu đứng khi chứng kiến vốn hóa thị trường cổ phiếu bốc hơi tới 21%.
Có thể thấy rằng, hết lần này đến lần khác, trong quá trình Vn-Index giảm điểm, thị trường chuyển sang cảm xúc, dẫn đến các quyết định phản ứng với tin tức một cách đầy bất lợi.
Thực tế, thị trường chứng khoán luôn vận hành theo chu kỳ, luôn có điều chỉnh sau những đợt tăng mạnh.
Hiện, Việt Nam đang đón nhận những thông tin hỗ trợ ở trong nước như vĩ mô ổn định, lạm phát vẫn được kiểm soát, cộng thêm dự báo về kết quả kinh doanh quý II thuận lợi. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2022, diễn biến thị trường ra sao vẫn là một ẩn số với nhiều nhà đầu tư.
Vậy làm thế nào để bước qua thời kỳ nhiễu động hiện nay và tận dụng cơ hội đầu tư? Nhà đầu tư cần có chiến lược cụ thể gì để thích ứng với thị trường? Nên cắt lỗ, thoát hàng hay làm gì để bảo vệ danh mục?
Những vấn đề trên sẽ được các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý danh mục tài sản cho các tập đoàn quốc tế thảo luận trong Tọa đàm “Chiến lược đầu tư khi thị trường biến động”. diễn ra vào 15h30 ngày 15/7, trên Báo Điện tử VnExpress.net và Fanpage VnExpress.
Tham gia toạ đàm có các chuyên gia gồm ông Hans Nguyễn – Quản lý Cao cấp của Dragon Capital Việt Nam và ông Nguyễn Quang Hưng – Chuyên gia kinh tế vĩ mô Dragon Capital Việt Nam
Ông Hans Nguyễn là chuyên gia có bề dày kinh nghiệm trên thị trường. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc ở tập đoàn đầu tư tài chính quốc tế, trong đó 8 năm đảm nhận vị trí Giám đốc đầu tư Zurich Insurance Group cùng với đó là hơn 10 năm kinh nghiệm quản lý danh mục hơn 5 tỷ USD. Ông từng là cố vấn tài chính mảng Private Banking & Wealth Management tại UBS AG các khu vực Zurich, New York, Luxembourg. Trong 14 năm làm việc tại Việt Nam, ông quản lý các quỹ đầu tư cổ phiếu, bất động sản và quản lý danh mục tài sản cho các gia đình thượng lưu.
Ông Nguyễn Quang Hưng tốt nghiệp trường Đại Học Ngoại Thương chuyên ngành Tài chính quốc tế và đạt chứng chỉ chuyên gia phân tích tài chính CFA. Ông bắt đầu sự nghiệp ở vị trí đầu tư công ty bảo hiểm và ngân hàng giai đoạn 2013-2016. Năm 2017, ông Hưng gia nhập công ty quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam và hiện đang công tác tại vị trí Chuyên gia Kinh Tế.
Độc giả có thể đặt câu hỏi cho các chuyên gia để tham vấn ý kiến, nhận định của các chuyên gia về diễn biến thị trường, dự báo tình hình kinh tế năm 2022, kế hoạch đầu tư phù hợp thông qua bình luận ngay trên trang báo hoặc Fanpage. Sau chương trình, Ban tổ chức sẽ dành ít nhất 10 phần quà cho những độc giả có câu hỏi hay nhất gửi về chương trình.
VN-Index từ giảm đảo chiều thành tăng mạnh khi nhiều mã chứng khoán chạm trần bởi thông tin ngày 29/8 sẽ rút ngắn chu kỳ thanh toán từ T+3 xuống T+2.
Thông tin này xuất hiện trong văn bản Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) gửi các thành viên lưu ký cách đây hai ngày. VSD cho biết đang trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt kế hoạch này, đồng thời yêu cầu thành viên lưu ký chuẩn bị hệ thống và đăng ký kiểm thử từ 1/8 đến 26/8.
Hiện tại, nhà đầu tư mua bán chứng khoán sẽ nhận được tiền và chứng khoán vào ngày T+2. Tuy nhiên, thời gian nhận là sau 15h (tức khi phiên giao dịch kết thúc) nên muốn giao dịch lượng chứng khoán đó phải chờ qua buổi sáng T+3. Quy định mới khi áp dụng sẽ giúp rút ngắn chu kỳ thanh toán, giao dịch xuống một ngày và được kỳ vọng cải thiện thanh khoản thị trường chứng khoán.
Thông tin này lập tức tác động tích cực đến VN-Index trong phiên 14/7. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM đang giằng co mạnh quanh tham chiếu, có lúc giảm hơn 3 điểm nhưng sau đó đảo chiều lên nhanh.
Cổ phiếu chứng khoán, nhóm ngành được đánh giá hưởng lợi nhiều nhất từ quy định mới, đồng loạt dậy sóng. Hai mã trụ của nhóm này là SSI, VND đang từ giá giảm chuyển thành tăng mạnh trên 3,9%. HCM, VCI, MBS, AGR, VDS cũng đảo chiều tương tự và đóng cửa tại giá trần, không có bên bán ra. Những mã vốn hoá nhỏ như APG, SBS, TVB, VIX, SHS cũng tăng không dưới 3%.
Sắc xanh từ nhóm chứng khoán lan rộng sang nhiều nhóm khác như ngân hàng, phân bón, dầu khí, xây dựng nhưng biên độ ít hơn. VN-Inex nhờ đó chốt phiên tại 1.182,17 điểm, tăng hơn 8 điểm so với tham chiếu. Số lượng cổ phiếu lúc đóng cửa là 241 mã. Trong số 16 mã tăng hết biên độ thì nhóm chứng khoán góp đến 5 cái tên.
Thanh khoản thị trường hôm nay đạt gần 11.000 tỷ đồng, giảm khoảng 500 tỷ đồng so với hôm qua. VND và SSI dẫn đầu về giá trị khớp lệnh với lần lượt 580 tỷ đồng và 494 tỷ đồng, vượt xa những cổ phiếu xếp sau là DIG, STB, HPG.
Nhà đầu tư nước ngoài sau hai phiên xả hàng quyết liệt thì giải ngân trở lại. Khối ngoại mua vào gần 770 tỷ đồng trong khi chỉ bán 620 tỷ đồng. VND cũng nằm trong nhóm những mã được khối ngoại mua nhiều nhất, bên cạnh FPT, MWG, VNM, HPG.