Chứng khoán

Cổ phiếu của doanh nghiệp lỗ trăm tỷ tăng trần 5 phiên

PTL nhảy vọt từ 4.500 đồng lên 6.500 đồng, tăng 45% sau chuỗi chạm trần 5 phiên dù ban lãnh đạo khẳng định “không có bất cứ tác động nào” đến thị giá.

Cổ phiếu của Công ty cổ phần Victory Capital (tiền thân là Petroland, mã chứng khoán: PTL) hôm nay kéo dài chuỗi tăng sang phiên thứ bảy, trong đó tăng trần và không có bên bán suốt 5 phiên từ 3-9/8. Giá trị khớp lệnh cũng biến động mạnh từ vài trăm triệu đồng mỗi phiên lên hơn 8 tỷ đồng vào hôm qua.

Đà tăng giá bắt đầu sau khi ban lãnh đạo công ty công bố phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu cho 2 nhà đầu tư tổ chức và 4 nhà đầu tư cá nhân với giá 10.000 đồng. Công ty dự tính huy động 1.000 tỷ đồng thông qua giao dịch này để góp vốn vào công ty con, mở rộng quỹ đất và bổ sung vốn lưu động.

Mạch đi lên của giá cổ phiếu trái chiều với kết quả kinh doanh công bố trước đó không lâu. Nửa đầu năm, công ty thu 33 tỷ đồng và lỗ sau thuế gần 3 tỷ đồng. Lỗ chưa phân phối tính đến cuối tháng 6 lên đến 420 tỷ đồng, còn nợ phải trả chiếm khoảng 1/3 tổng nguồn vốn.

Trong văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) sáng nay, ông Nguyễn Thanh Tuấn – Tổng giám đốc Victory Capital – không nhắc đến cả hai yếu tố trên mà cho rằng cổ phiếu tăng vì “tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của nhà đầu tư”. Ông Tuấn khẳng định công ty không tác động đến giá và quyết định giao dịch của nhà đầu tư cũng nằm ngoài tầm kiểm soát.

Trước đợt tăng này, Victory Capital có nhiều thay đổi lớn như đổi tên công ty và tái cấu trúc mô hình hoạt động để tập trung vào 3 mảng chính gồm đầu tư, tài chính, bất động sản. Giá cổ phiếu này từng ở vùng 20.000 đồng nhưng sau nửa nửa năm đã xuống dưới 4.000 đồng.

Cách đây 4 tháng, HoSE thông báo PTL nằm trong diện bị huỷ niêm yết vì kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty cho biết sẽ làm việc với HoSE và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để giải trình và trao đổi với đơn vị kiểm toán nhằm giảm thiệt hại về tài sản, vốn chủ sở hữu nếu loại bỏ ý kiến ngoại trừ.

Phương Đông

SSI trở lại ngôi đầu về vốn điều lệ

Chứng khoán SSI vừa hoàn tất đợt phát hành tăng vốn lên hơn 14.900 tỷ đồng, lấy lại ngôi đầu về vốn điều lệ từ VNDirect.

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) vừa hoàn tất chào bán cổ phiếu ra công chúng theo phương án được cổ đông thông qua tại phiên họp thường niên đầu năm. Theo đó, công ty này đã phát hành hơn 496 triệu cổ phiếu cho cổ đông với giá 15.000 đồng mỗi cổ phần, tăng vốn lên hơn 14.900 tỷ đồng.

Đợt phát hành giúp SSI lấy lại ngôi đầu về vốn điều lệ trong nhóm các công ty chứng khoán. Xếp sau SSI là Công ty chứng khoán VNDirect với vốn điều lệ hơn 12.100 tỷ và Công ty chứng khoán VPBank (VPBankSecurities) với quy mô vốn hơn 8.900 tỷ đồng.

Việc tăng vốn điều lệ này, theo SSI nhằm bổ sung vốn kinh doanh, đảm bảo năng lực bảo lãnh phát hành, đầu tư và cho vay giao dịch ký quỹ. Trong thời gian chưa sử dụng cho vay giao dịch ký quỹ, nguồn tiền sẽ được sử dụng để đầu tư trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi. Ngoài SSI, một số công ty chứng khoán khác cũng tiếp tục nâng cao quy mô vốn.

Tuy nhiên, trên thị trường, diễn biến kém tích cực đang khiến nhà đầu tư hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính – chỉ tiêu chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quy mô vốn của mỗi công ty chứng khoán.

Theo quy định, các công ty chứng khoán chỉ được phép cho vay margin tối đa hai lần vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ này luôn ở sát mức trần trong năm 2021 nhưng đến cuối quý II, hầu hết đều giảm về sát một lần vốn chủ sở hữu.

Chứng khoán SSI và VNDirect, giữ top 2 và 3 về thị phần môi giới trên HoSE, ghi nhận dư nợ cho vay đều giảm lần lượt 31% và 32%.

Cuối quý II, SSI cho vay hơn 14.700 tỷ đồng, so với mức trên 21.000 tỷ đồng cuối quý I. Tỷ lệ trên vốn chủ sở hữu chỉ gần 1,1 lần. Tương tự, quy mô cho vay của VNDirect cũng giảm từ 17.100 tỷ cuối tháng 3 xuống 11.660 tỷ đồng.

Minh Sơn

Cựu Chủ tịch Ủy ban chứng khoán được điều động về phòng báo chí

Ông Trần Văn Dũng, người bị cách chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán hồi tháng 5, được chuyển về làm chuyên viên Phòng Báo chí Tuyên truyền của Bộ Tài chính.

Quyết định phân công này được ký bởi Chánh văn phòng Bộ Tài chính theo đề nghị của Phòng Tổng hợp – Thư ký, Phòng Báo chí – Tuyên truyền và có hiệu lực từ ngày 5/8.

Trước đó, ông Dũng từng có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán. Năm 2017, ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sau khi rời ghế Chủ tịch HĐQT Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE).

Ông Trần Văn Dũng, cựu Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Ảnh: Minh Sơn.

Ông Trần Văn Dũng, cựu Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Ảnh: Minh Sơn.

Ông Trần Văn Dũng, 57 tuổi, ngày 19/5 bị Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc kỷ luật cách chức Chủ tịch Ủy ban chứng khoán do có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác.

Ông cùng ông Lê Hải Trà (nguyên Tổng giám đốc HoSE) và một số lãnh đạo khác của Ủy ban chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để một số tổ chức, cá nhân “vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính”.

Việc kỷ luật diễn ra trong bối cảnh Bộ Công an điều tra hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Ngày 29/3, Bộ Công an khởi tố, bắt Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và một số lãnh đạo. Một tháng sau, ông Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt và ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Holdings bị bắt.

Minh Sơn

FLC Faros nêu giải pháp ‘cứu’ cổ phiếu ROS

FLC Faros cho biết sẽ công bố báo cáo tài chính quý II ngay khi có người đại diện pháp luật để cổ phiếu không bị đình chỉ giao dịch.

Cổ phiếu ROS bị đình chỉ từ ngày 12/8 vì Công ty cổ phần Xây dựng FLC chưa nộp báo cáo tài chính quý II cho HoSE dù đã hết thời hạn theo quy định về công bố thông tin.

Giải trình việc này, FLC Faros cho biết theo Luật Kế toán, báo cáo tài chính phải có chữ ký của người lập, kế toán trưởng và người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Sau khi bà Hương Trần Kiều Dung, người đại diện pháp luật của FLC Faros bị bắt hồi cuối tháng 3, công ty đã thay đổi vị trí này sang bà Nguyễn Bình Phương, Chủ tịch HĐQT hôm 21/4.

Doanh nghiệp của FLC nói đã nộp hồ sơ đăng ký thay đổi người đại diện pháp luật, nhưng đến nay chưa được Phòng đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) chấp thuận. “Nguyên nhân bất khả kháng này dẫn đến việc FLC Faros đã hoàn thiện báo cáo tài chính quý II nhưng vẫn chưa thể phát hành tài liệu theo đúng thời hạn”, công ty này giải thích.

FLC Faros khẳng định sẽ công bố báo cáo tình chính quý II ngay sau khi người đại diện pháp luật được cơ quan quản lý chấp thuận. Công ty này mong Uỷ ban Chứng khoán, HoSE xem xét ghi nhận nội dung giải trình và tạo điều kiện để khắc phục trong thời gian tới.

Ngày 5/8, FLC Faros cũng đã xin ý kiến các cơ quan quản lý, trong đó có UBND TP Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội… để được hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp xúc tiến việc hoàn thành hồ sơ đăng ký thay đổi người đại diện trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện cho công ty vận hành ổn định, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của hàng nghìn cổ đông, người lao động, đối tác và khách hàng.

Sau thông tin sắp bị đình chỉ giao dịch, cổ phiếu ROS chịu áp lực bán tháo, giảm 4 phiên liền, khiến thị giá rơi từ 3.170 đồng xuống 2.610 đồng. Chốt phiên giao dịch hôm qua (8/8), mã này khớp lệnh 2,8 triệu cổ phiếu ở mức giá sàn, nhưng vẫn dư bán khoảng 24 triệu đơn vị.

Trước đó, cổ phiếu ROS cùng 2 mã FLC và HAI đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch cho chậm nộp báo cáo kiểm toán 2021.

Anh Tú

Cổ phiếu FLC Faros bị bán tháo

ROS khớp lệnh 2,8 triệu cổ phiếu tại giá sàn trong phiên đầu tuần và còn dư bán khoảng 24 triệu cổ phiếu lúc đóng cửa.

Hôm nay là phiên giảm thứ tư liên tiếp của ROS, khiến thị giá rơi từ 3.170 đồng xuống 2.610 đồng. Giá trị khớp lệnh đạt 7 tỷ đồng, giảm ba lần so với phiên giao dịch cuối tuần trước.

Cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros chịu áp lực bán tháo sau khi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) quyết định đình chỉ giao dịch từ ngày 12/8. Nguyên nhân là đơn vị này “tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch”.

HoSE hiện chưa nhận được báo cáo tài chính quý II/2022 của FLC Faros. Trước đó, công ty cũng chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 và bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Những cổ phiếu khác liên quan đến Tập đoàn FLC như FLC, ART, HAI, AMD cũng bị bán mạnh khi mất 1,6-3,7% trong phiên đầu tuần.

Diễn biến này ngược với xu hướng đi lên của chỉ số đại diện cho sàn TP HCM. VN-Index hôm nay có phần lớn thời gian giao dịch trong sắc xanh trước khi đóng cửa sát mốc 1.257 điểm, tăng 4 điểm so với tham chiếu.

Sắc xanh bao phủ cổ phiếu thép, dầu khí, phân bón. Trong khi đó, nhóm ngân hàng và bất động sản phân hoá mạnh. VPB, GAS và TCB là ba mã tác động tích cực nhất đến chỉ số. Ở chiều ngược lại, VIC mất 1,2% và VHM mất 0,5% nên đứng đầu danh sách những cổ phiếu ghì VN-Index xuống mạnh nhất.

Thanh khoản thị trường xấp xỉ 15.800 tỷ đồng, trong đó rổ vốn hoá lớn đóng góp hơn 5.000 tỷ đồng. HPG đứng đầu về giá trị khớp lệnh với 715 tỷ đồng, bỏ xa hai cổ phiếu ngành chứng khoán xếp sau là SSI và VND. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng khoảng 100 tỷ đồng, tập trung vào VNM, HPG và VHM.

Phương Đông

Cổ phiếu FLC Faros bị đình chỉ giao dịch từ 12/8

Cổ phiếu ROS của FLC Faros sẽ bị đình chỉ giao dịch từ cuối tuần sau, sau khi công ty này tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin.

Sau 3 ngày ra thông báo “xem xét đình chỉ giao dịch”, hôm nay, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa ban hành quyết định chuyển cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch từ ngày 12/8. Nguyên nhân do FLC Faros “tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch”.

Theo quy định về công bố thông tin, tổ chức niêm yết phải công bố báo cáo tài chính quý trong 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Trường hợp là công ty mẹ có đơn vị trực thuộc, việc công bố không chậm hơn 30 ngày. Tuy nhiên, đến hết thời hạn, HoSE cho biết vẫn chưa nhận được báo cáo tài chính quý II của ROS.

Đầu tháng 6, cổ phiếu này cùng với hai mã khác là FLC và HAI đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.

Theo quy chế giao dịch, HoSE sẽ xem xét đưa chứng khoán ra khỏi diện đình chỉ giao dịch hoặc đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát hay hạn chế sau khi xem xét giải trình, kết quả khắc phục của doanh nghiệp.

Với trường hợp của FLC Faros, công ty phải thực hiện công bố thông tin và không vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán tối thiểu 6 tháng liên tục kể từ ngày bị đình chỉ giao dịch hoặc kể từ ngày gần nhất bị xác định có vi phạm công bố thông tin.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ROS của FLC Faros đã giảm kịch sàn ngay sau khi HoSE thông báo xem xét đình chỉ giao dịch và tiếp tục giảm hai phiên sau đó. Cuối phiên hôm nay, thị giá mã này còn 2.800 đồng, tương ứng với vốn hóa doanh nghiệp đạt gần 1.600 tỷ đồng. So với mức đỉnh từng xác lập, thị giá của ROS đã giảm hơn 80%.

Minh Sơn

HoSE xem xét đình chỉ giao dịch cổ phiếu của FLC Faros

Sở HoSE đang xem xét đình chỉ giao dịch với cổ phiếu ROS khi doanh nghiệp này tiếp tục chậm nộp báo cáo tài chính quý II.

Thông báo này vừa được Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đưa ra cuối ngày 2/8. Thời hạn bắt đầu đình chỉ giao dịch chưa được công bố.

Theo quy định về công bố thông tin, tổ chức niêm yết phải công bố báo cáo tài chính quý trong 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Trường hợp tổ chức niêm yết là công ty mẹ có đơn vị trực thuộc, việc công bố không chậm hơn 30 ngày. Tuy nhiên, đến hết thời hạn, HoSE cho biết vẫn chưa nhận được báo cáo tài chính quý II của ROS.

Trước đó, đầu tháng 6, cổ phiếu này cùng với hai mã khác là FLC và HAI đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Ba mã này hiện chỉ được giao dịch vào phiên chiều theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Theo quy chế giao dịch của Sở, tổ chức niêm yết có chứng khoán bị đình chỉ giao dịch phải giải trình nguyên nhân, đưa ra biện pháp khắc phục và công bố thông tin.

Cổ phiếu ROS sau khi lập đỉnh 16.000 đồng vào đầu tháng 1 năm nay đã liên tục lao dốc sau khi các lãnh đạo của Tập đoàn FLC bị khởi tố với cáo buộc “thao túng” và “che giấu thông tin chứng khoán”.

Mã này đã giảm về đáy chỉ hơn 2.300 đồng vào giữa tháng 6 trước khi tăng trở lại ngưỡng 3.000 hiện tại. Vốn hóa ROS đến cuối phiên 2/8 là gần 1.800 tỷ đồng.

Minh Sơn

HoSE tiếp tục dùng hệ thống khớp lệnh của FPT

Trong thời gian chờ KRX của Hàn Quốc vận hành, HoSE sẽ gia hạn dùng giải pháp do Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) cung cấp.

Thông tin này được lãnh đạo Bộ Tài chính và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) chia sẻ tại buổi làm việc với các thành viên thị trường trưa 28/7.

Giải pháp giao dịch của FPT IS được vận hành lần đầu vào ngày 5/7/2021, sau “chiến dịch” 100 ngày tìm giải pháp xử lý lỗi kỹ thuật ở HoSE. Dự án nâng công suất xử lý lệnh tại HoSE từ 900.000 lên 5 triệu mỗi ngày, giúp giải quyết dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh kéo dài hơn nửa năm.

Ông Đặng Trường Thạch – Phó tổng giám đốc FPT IS cho biết Tập đoàn FPT và doanh nghiệp này thời gian qua vẫn đầu tư nguồn lực chuyên sâu về kỹ thuật, nghiệp vụ để hệ thống vận hành trơn tru. Trong một năm, phiên giao dịch có số lượng lệnh cao nhất là 1,84 triệu (ngày 19/11/2021), mới bằng khoảng một phần ba công suất tối đa hệ thống này có thể đáp ứng. Ngoài ra, FPT IS cũng hỗ trợ HoSE hoàn thành việc thử nghiệm giao dịch lô lẻ và dự kiến có thể triển khai vào tháng 8 nếu được cơ quan quản lý cho phép.

Trong thời gian chờ dự án công nghệ thông tin mới hoàn thiện, HoSE gia hạn sử dụng giải pháp giao dịch do Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) cung cấp gồm thiết bị máy chủ và lưu trữ, thiết bị mạng và bảo mật, phần mềm hệ thống. Năm thành viên thị trường gồm Tập đoàn Sovico, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, Chứng khoán SSI, VNDIRECT và HSC cùng đóng góp để duy trì giải pháp này.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết dự án công nghệ thông tin mới (gọi tắt là hệ thống KRX, do phía Hàn Quốc vận hành) gần đây cũng có những bước tiến quan trọng. “Thời gian vận hành chỉ còn tính bằng tháng, thay vì bằng năm như trước”, ông Chi nói.

Ông Nguyễn Đức Chi tại buổi làm việc với HoSE và các thành viên thị trường trưa 28/7. Ảnh: HSX.

Ông Nguyễn Đức Chi tại buổi làm việc với HoSE và các thành viên thị trường trưa 28/7. Ảnh: HSX.

Hệ thống KRX nằm trong hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin trị giá hơn 600 tỷ đồng giữa HoSE và Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) từ năm 2012. Đây là hệ thống được kỳ vọng cung cấp nhiều tiện ích mới như giao dịch lô lẻ trên một bảng riêng, giao dịch trong ngày (T+0)… HoSE nhiều năm xem việc vận hành hệ thống này là nhiệm vụ trọng tâm nhưng đều trễ hẹn.

“Ngay cả khi KRX được vận hành thì Bộ Tài chính và nhiều đơn vị liên quan vẫn tiếp tục nghiên cứu các dự án công nghệ hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường 5-7 năm tới, tránh lặp lại tình trạng nghẽn lệnh của giai đoạn cuối 2020 đến giữa 2021″, ông Chi nói.

Phương Đông

Thị trường giảm, nhà đầu tư ngại margin

Nhà đầu tư thận trọng hơn khi vay ký quỹ để đầu tư khiến số dư cho vay của các công ty chứng khoán đều giảm mạnh.

Vay ký quỹ (margin) về bản chất là sử dụng đòn bẩy trong hoạt động đầu tư chứng khoán.

Lợi ích khi dùng dịch vụ này là nhà đầu tư có thể vay tiền từ công ty chứng khoán để mua nhiều cổ phiếu hơn so với chỉ dùng vốn tự có. Sử dụng margin là cách để tối ưu hiệu suất đầu tư, bởi công cụ này tạo cơ hội để tăng lợi nhuận trong trường hợp thị giá cổ phiếu tăng cao hơn lãi suất vay margin mà nhà đầu tư trả cho công ty chứng khoán. Tuy nhiên, nếu dự báo sai xu hướng giá cổ phiếu, việc sử dụng đòn bẩy sẽ tác dụng làm trầm trọng hơn khoản lỗ.

Trong giai đoạn hai năm gần đây, khi thị trường liên tục tăng với VN-Index thiết lập các mức đỉnh mới, dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán liên tục lập đỉnh. Margin cũng là một phần nguyên nhân giúp thanh khoản thị trường giữ ở ngưỡng trên 20.000 tỷ đồng mỗi phiên trong thời gian dài. Các công ty chứng khoán cũng liên tục tăng vốn điều lệ để mở rộng hạn mức cấp margin cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay khi thị trường chung khó khăn, quy mô cho vay của các thành viên đều giảm mạnh.

Thống kê hơn 20 công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính, bao gồm cả những doanh nghiệp top đầu thị phần môi giới, dư nợ cho vay ghi nhận cuối quý II chỉ gần 71.000 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cuối quý I.

Theo quy định, các công ty chứng khoán chỉ được phép cho vay margin tối đa hai lần vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ này luôn ở gần sát mức trần trong năm 2021 nhưng đến cuối quý II hầu hết đều giảm về sát bằng một lần vốn chủ sở hữu.

Công ty chứng khoán SSI và Công ty chứng khoán VNDirect, hai đơn vị giữ top 2 và 3 về thị phần môi giới trên HoSE, ghi nhận dư nợ cho vay đều giảm lần lượt 31% và 32%.

Cuối quý II, SSI cho vay hơn 14.700 tỷ đồng, so với mức trên 21.000 tỷ đồng cuối quý I. Tỷ lệ trên vốn chủ sở hữu chỉ gần 1,1 lần. Tương tự, quy mô cho vay của VNDirect cũng giảm từ 17.100 tỷ cuối tháng 3 xuống 11.660 tỷ đồng.

Các công ty chứng khoán trong top giữa của bảng xếp hạng thị phần môi giới, như VCSC, FPTS, MBS cũng ghi nhận mức giảm trên 20%.

Tuy nhiên, mức sụt giảm này chủ yếu vào nửa cuối quý II. Trước đó, cuối quý I, dư nợ cho vay của các công ty thậm chí còn tăng so với cuối năm 2021, dù thị trường cũng ghi nhận nhịp điều chỉnh mạnh.

Quy mô dư nợ cho vay của nhóm 20 công ty chứng khoán này ghi nhận gần 100.000 tỷ đồng vào cuối quý I, so với mức 97.200 tỷ cuối năm 2021.

Do việc thu hẹp mới xảy ra, ảnh hưởng tới báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán vẫn chưa đáng kể. Như SSI, lãi từ các khoản cho vay và phải thu của quý II chỉ giảm gần 15% so với quý I và vẫn tăng gần 43% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự với VNDirect, khoản mục này chỉ giảm 9% so với quý I nhưng tăng gần gấp đôi quý II/2021.

Với những công ty chứng khoán khác, lãi từ hoạt động cho vay của FPTS, MBS, HCM hay VCSC trong quý II cũng chỉ giảm 4-12% so với quý I. Ngược lại, BVS, ORS thậm chí còn tăng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giao dịch thị trường chưa khởi sắc, thanh khoản liên tục giảm. Ảnh hưởng của việc thu hẹp quy mô cho vay margin sẽ rõ ràng hơn trong các quý tiếp theo.

Minh Sơn

Chứng khoán tiếp tục giảm

VN-Index chốt phiên đầu tuần trong sắc đỏ khi nhà đầu tư vẫn thận trọng, hạn chế mua đuổi, khiến thanh khoản sàn HoSE đạt chưa tới 10.000 tỷ đồng.

Diễn biến trong phiên đầu tuần này không khác nhiều so với thời gian gần đây, khi xu hướng chung vẫn là giằng co trong biên độ hẹp.

Nối tiếp phiên giảm cuối tuần trước, VN-Index mở cửa hôm nay trong sắc đỏ khi các nhóm chủ chốt giao dịch dưới tham chiếu. Giữa phiên sáng, chỉ số của sàn HoSE vọt lên sắc xanh khi lệnh mua tích cực hơn. Tuy nhiên, dòng tiền vào yếu không đủ để đảo chiều xu hướng. Áp lực bán tăng lên khiến thị trường nhanh chóng lùi sâu.

VN-Index giữ xu hướng này đến khi đóng cửa, giảm hơn 6 điểm (0,52%) xuống dưới ngưỡng 1.190 điểm. VN30-Index cũng giảm tương đương còn 1.222,6 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index mất hơn 1%, còn UPCOM-Index giảm 0,55%.

VN-Index chốt phiên 25/7 giảm hơn 6 điểm, lùi về dưới 1.190 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index chốt phiên 25/7 giảm hơn 6 điểm, lùi về dưới 1.190 điểm. Ảnh: VNDirect

Sắc đỏ tiếp tục áp đảo trên bảng điện tử, với 321 mã giảm trên HoSE so với 127 mã tăng. Riêng nhóm VN30, 20/30 mã bluechip chốt phiên dưới tham chiếu.

Sự đột biến trên thị trường chỉ tập trung vào một số mã riêng biệt. Các cổ phiếu liên quan đến Hoàng Anh Gia Lai (HAG, HNG), nhóm doanh nghiệp chăn nuôi (DBC), điện hay một số mã đầu cơ giao dịch tích cực. Ngược lại, các nhóm chiếm tỷ trọng cao trong vốn hóa như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ đều suy yếu.

Các cổ phiếu ngân hàng giảm 1-2%, bất động sản trong trạng thái tương tự, nhiều mã giảm 3-4%. Các cổ phiếu ngành thép, như HPG, HSG hay NKG cũng lùi sâu.

Trong nhóm bluechip, lực đỡ thị trường đến từ VIC, VRE và VNM, với biên độ tăng hơn 1%. Các mã khác như VCB, FPT, VHM, VJC cũng chốt phiên trên tham chiếu.

Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp, với giá trị giao dịch trên HoSE dưới 10.000 tỷ đồng.

Minh Sơn