Chứng khoán

Chứng khoán dứt mạch tăng

Áp lực chốt lời từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khiến VN-Index dứt mạnh tăng 10 ngày liên tiếp, giảm nhẹ gần một điểm.

Đầu buổi sáng, chỉ số đại diện sàn TP HCM vẫn có hai nhịp tăng, nhưng nhanh chóng lùi về dưới tham chiếu. VN-Index biến động liên tục sang cả buổi chiều. Có lúc chỉ số này vượt tham chiếu, nhưng cuối phiên vẫn giảm gần một điểm, về 1.078,45 điểm.

VN-Index giảm nhưng vẫn trong vùng 1.070-1.080 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index giảm nhưng vẫn trong vùng 1.070-1.080 điểm. Ảnh: VNDirect

Giảm mạnh nhất hôm nay là các cổ phiếu bất động sản. Riêng hai mã VHM và VIC dẫn đầu các cổ phiếu góp mức giảm mạnh nhất cho thị trường. VHM sụt 1,6% thị giá và VIC giảm 1,2%. Thị giá nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn trong ngành cũng đi lùi như CEO, VRE, KDH, NVL, PDR. Sắc xanh vẫn xuất hiện trên bảng điện nhưng chủ yếu rơi vào những mã có thanh khoản trung bình, thấp.

HQC là mã duy nhất trong ngành tăng kịch trần. Cổ phiếu của “ông trùm” nhà ở xã hội từ sáng đã nối dài chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp, lên vùng giá cao nhất từ cuối tháng 9/2022 đến nay. Mã này mang sắc tím gần như cả ngày sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án xây một triệu nhà ở xã hội.

Nhìn chung thị trường chỉ rung lắc nhẹ khi hầu hết chỉ số thuộc các ngành dẫn dắt dòng tiền đều tăng. Top 10 cổ phiếu có thanh khoản cao nhất thị trường đều mang sắc xanh hoặc ngang mức tham chiếu.

Toàn sàn HoSE có 261 mã tăng, 139 mã giảm. Áp lực bán chủ yếu đến từ những cổ phiếu trụ trong rổ VN30 với 16 mã giảm thị giá. Trong khi đó, những cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ vẫn giữ được đà tăng tích cực.

Thanh khoản giảm hơn 4% so với hôm qua, duy trì ở mức trung bình với hơn 13.500 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng 270 tỷ đồng, tập trung ở VND, SSI, DXG.

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thanh khoản hôm nay ghi nhận sự phân hóa khá rõ ràng, dồn hẳn về nhóm cổ phiếu mid-cap và vốn hóa lớn. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đã thận trọng và có sự chọn lọc kỹ hơn.

Tất Đạt

Đấu giá cổ phần PGBank đắt khách

Petrolimex đăng ký thoái gần 120 triệu cổ phiếu PGBank nhưng có đến 16 nhà đầu tư đăng ký mua hơn 210 triệu cổ phiếu, tức gần gấp đôi lượng chào bán.

Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa thông báo kết quả đăng ký mua cổ phần PGBank trong đợt chào bán của Petrolimex. Trong đó, 9 cá nhân và 7 tổ chức trong nước đã đăng ký tham gia đợt đấu giá với tổng khối lượng đăng ký mua gần 213 triệu cổ phiếu, gần gấp đôi lượng cổ phần Petrolimex chào bán.

Theo kế hoạch, 120 triệu cổ phiếu PGBank (PGB), tương đương 40% vốn ngân hàng do Petrolimex sở hữu, sẽ được đấu giá công khai tại HoSE vào cuối tuần này (7/4). Với giá khởi điểm là 21.300 đồng một cổ phiếu, ước tính số tiền Petrolimex thu về không dưới 2.550 tỷ đồng khi thoái hết.

Cùng thời điểm này, Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng dự kiến trình cổ đông về phương án nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng trong nước.

MSB cho biết tổ chức tín dụng dự kiến sáp nhập là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường, với các tiêu chí về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình, có chất lượng tín dụng tốt.

Chia sẻ với báo chí mới đây, lãnh đạo cao cấp của MSB cũng cho biết nhà băng này đang cân nhắc, lựa chọn một ngân hàng phù hợp với định hướng phát triển để thực hiện việc sáp nhập, giúp tăng quy mô nhanh hơn. PGBank là một trong số các ngân hàng mà lãnh đạo MSB nói, đang quan tâm.

Trong vài năm gần đây, nhiều nhân sự từng giữ các vị trí quan trọng tại MSB cũng lần lượt gia nhập PGBank. Cụ thể, tháng 5/2020, ông Hoàng Xuân Hiệp từ MSB sang đầu quân cho PGBank và hiện là Phó tổng giám đốc phụ trách khối xử lý và thu hồi nợ, phòng pháp chế và tuân thủ. Tháng 11/2020, ông Nguyễn Phi Hùng – nguyên Phó tổng giám đốc MSB cũng được bổ nhiệm làm quyền Tổng giám đốc của PGBank và hiện là Tổng giám đốc của ngân hàng này.

Gần đây nhất, ông Đỗ Thành Công gia nhập PGBank ngày 1/2/2023 với vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Tái thẩm định và Phê duyệt, cũng từng nắm giữ nhiều vai trò quan trọng của MSB như thành viên Hội đồng tín dụng và đầu tư; Thành viên Ủy ban Quản lý rủi ro; Thành viên Hội đồng xử lý rủi ro…

PGBank không thuộc nhóm ngân hàng yếu kém, nợ xấu cũng dưới 3%, hạn chế lớn nhất của nhà băng này là sở hữu vượt trần của Petrolimex (40% so với quy định là 15%). Để đảm bảo tỷ lệ sở hữu theo quy định, Petrolimex đã có kế hoạch thoái vốn. Tuy nhiên, từ năm 2014, các nhà băng (trong đó có HDBank) đã bắt đầu “dạm ngõ” PGBank nhưng đến nay vẫn không có thương vụ nào được thực hiện.

Việc thay đổi phương án thoái vốn của Petrolimex tại PGBank mở ra cơ hội cho sự xuất hiện của những cổ đông mới, cũng giúp ngân hàng này thoát cảnh đợi chờ tìm đối tác như những năm trước.

Đến cuối năm 2022, tổng tài sản PGBank đạt gần 49.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt mức tối thiểu theo quy định 3.000 tỷ – cũng là mức thấp nhất hệ thống.

Minh Sơn

Cổ phiếu của ‘ông trùm’ nhà ở xã hội lên cao nhất nửa năm

HQC sáng nay nối dài chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp, lên vùng giá cao nhất từ cuối tháng 9/2022 đến nay, sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án xây một triệu nhà ở xã hội.

Cổ phiếu của Công ty cổ phần Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC) sáng nay chạm giá trần 4.170 đồng và không có bên bán. HQC khớp lệnh hơn 23 triệu cổ phiếu dù chưa hết phiên sáng, tương ứng giá trị giao dịch gần 100 tỷ đồng. Khối lượng chờ mua tại giá trần còn khoảng 9 triệu cổ phiếu.

HQC đã tăng 32% trong một tháng trở lại đây. So với đầu năm, mức tăng lên đến 57%, vượt xa nhiều cổ phiếu bất động sản lẫn chỉ số VN-Index.

Cổ phiếu này đang trong xu hướng tăng mạnh bởi tác động từ nhiều thông tin tích cực. Mới nhất vào chiều qua, Thủ tướng đã phê duyệt đề án xây dựng ít nhất một triệu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp từ nay đến năm 2030 (trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn). Ngân hàng Nhà nước sau đó cũng có hướng dẫn về gói vay 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Theo đó, từ nay đến hết 30/6, chủ đầu tư được vay 8,7% mỗi năm, kéo dài trong 3 năm kể từ ngày giải ngân; còn người mua nhà được áp mức lãi suất 8,2% mỗi năm trong 5 năm.

Động lực tăng giá HQC còn đến từ tờ trình phát hành 100 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để bổ sung vốn, cải thiện năng lực tài chính. Giá phát hành là 10.000 đồng một cổ phiếu, gấp 2,5 lần so với thị giá hiện tại.

Ngoài ra, công ty cũng thông báo kế hoạch doanh thu năm nay là 1.700 tỷ đồng và lãi trước thuế 170 tỷ đồng, lần lượt gấp 5 lần và 6 lần so với năm ngoái.

Ban lãnh đạo nhận định đề án mới công bố và gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội sẽ tạo đà phát triển cho công ty. HQC dự kiến tìm kiếm thêm dự án, phát triển các dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp.

Hoàng Quân được xem là lá cờ đầu phát triển nhà ở xã hội không chỉ tại TP HCM mà còn bành trướng ra nhiều tỉnh thành Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và cả miền Trung. Công ty đã phát triển 25 dự án nhà ở xã hội, trong đó 10 dự án hoàn thành với khoảng 10.000 căn. Chủ tịch Hội đồng quản trị HQC Trương Anh Tuấn cho biết công ty sẽ tập trung nguồn lực để triển khai 50.000 nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022-2027.

Phương Đông

Nhóm Vingroup và ngân hàng kéo chứng khoán tăng mạnh

VN-Index tăng hơn 14 điểm trong phiên đầu tuần, khi cổ phiếu của Vingroup tăng hơn 5% cùng với sắc xanh của nhóm ngân hàng.

Thông tin giảm trần lãi suất huy động và lãi suất điều hành cuối tuần trước giúp tâm lý nhà đầu tư trên thị trường tích cực hơn, chứng khoán mở phiên đầu tuần này trong sắc xanh.

VN-Index bật mạnh sau ATO nhờ lực kéo của nhóm VIC và các mã ngân hàng, với biên độ tăng hai chữ số. Dù lực bán tăng lên, nhu cầu mua mạnh hơn giúp hấp thụ hết lượng cổ phiếu chốt lời ở vùng giá cao. Đến giữa phiên sáng, thanh khoản sàn HoSE đã hơn gấp đôi mức trung bình cuối tuần trước.

Nhịp tăng mạnh được kéo dài tới trước giờ nghỉ trưa. Đầu phiên chiều, thị trường chững lại khi lực bán quyết liệt, sau đó VN-Index nhanh chóng bật lại nhờ lực mua vào ồ ạt. Cuối phiên chiều, VN-Index được kéo lên cao hơn nữa nhờ sắc xanh lan rộng.

Chốt phiên, chỉ số của sàn HoSE tăng hơn 14 điểm (1,38%) lên gần 1.080 điểm, xác lập chuỗi 10 phiên tăng liên tục. VN30-Index có thêm hơn 15 điểm (1,4%), đạt gần 1.090 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng hơn 1,4%, còn UPCOM-Index cũng chốt phiên trên tham chiếu.

VN-Index chốt phiên 3/4 tăng hơn 14 điểm, tiến gần ngưỡng 1.080 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index chốt phiên 3/4 tăng hơn 14 điểm, tiến gần ngưỡng 1.080 điểm. Ảnh: VNDirect

Sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện tử với 325 mã tăng trên HoSE, so với 84 mã giảm. Riêng nhóm VN30, 24/30 mã bluechip đóng cửa trên tham chiếu.

Đóng góp nhiều nhất vào mức tăng chung của thị trường hôm nay là nhóm Vingroup và các mã ngân hàng. VIC chốt phiên tăng 5,5%, trước đó có lúc mã này “trắng bảng bên bán”, VHM cũng tăng hơn 2%. Theo VNDirect, đà tăng của hai mã nhóm Vingroup đóng góp hơn 4 điểm vào mức tăng chung của HoSE.

Các vị trí tiếp theo ở nhóm đóng góp tích cực nhất thuộc về các mã ngân hàng. TCB chốt phiên tăng 3,4%, MBB, CTG, TPB, STB có thêm hơn 2%, VCB, VIB, ACB vượt tham chiếu hơn 1%.

Ở nhóm vốn hóa trung bình, sắc xanh cũng chiếm ưu thế trên bảng điện. Các mã cổ phiếu nhóm bất động sản đồng loạt tăng kịch trần, như DIG, DXG, HQC, NLG, SCR. Các cổ phiếu nhóm chứng khoán, xây dựng, vật liệu xây dựng cũng giao dịch tích cực.

Thanh khoản thị trường tăng hơn 30% so với phiên cuối tuần trước, ghi nhận hơn 14.000 tỷ đồng trên HoSE. Trong đó, nhóm VN30 giao dịch hơn 6.000 tỷ đồng. Khối ngoại hôm nay bán ròng với quy mô gần 300 tỷ đồng.

Minh Sơn

Chứng khoán sẽ thế nào sau chuỗi tăng dài nhất 20 tháng

Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán sẽ sớm đứt mạch tăng bởi nhà đầu tư có nhu cầu hiện thực hóa lợi nhuận sau 9 phiên đi lên liên tiếp.

VN-Index đang có chuỗi tăng dài nhất kể từ cuối tháng 7/2021 với 9 phiên xanh liên tiếp. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM đã tích lũy 32 điểm trong chuỗi này, lên mức 1.064 điểm – vùng giá được nhiều công ty chứng khoán đánh giá là thử thách để chuyển đổi xu hướng hiện tại từ đi ngang thành tăng giá.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và chiến lược thị trường của Công ty Chứng khoán VNDirect, nhìn nhận VN-Index đã tăng liên tiếp trong sự nghi ngờ và thận trọng của nhà đầu tư cá nhân. Điều này thể hiện qua việc biên độ mỗi phiên chỉ khoảng 2-9 điểm, hoặc nếu tính theo giá trị tương đối thì không phiên nào trong chuỗi này tăng hơn 1%. Ngoài ra, thanh khoản thị trường cũng cải thiện không đáng kể khi phiên thấp nhất chưa đến 8.000 tỷ đồng và cao nhất không quá 12.000 tỷ đồng.

“Thông tin tích cực như hạ lãi suất, gỡ khó cho thị trường trái phiếu được bơm ra liên tục nhưng dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân chưa trở lại. Động lực tăng trưởng trong chuỗi 9 phiên chủ yếu từ tự doanh trong nước và tổ chức nước ngoài – đối tượng có tầm nhìn đầu tư trung và dài hạn”, ông Hinh nói.

Ông Hinh nhận định nhà đầu tư cá nhân sẽ chưa tất tay vào chứng khoán trong bối cảnh trong nước có nhiều thông tin tốt nhưng thị trường tài chính thế giới vẫn tiềm ẩn rủi ro, nhất là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn neo lãi suất điều hành ở mức cao. Do đó, thị trường nhiều khả năng không thể kéo dài chuỗi tăng trong tuần này.

Không phủ nhận thị trường đang khởi sắc dần nhưng ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư của Công ty Maybank Investment Bank, nhấn mạnh “32 điểm có thể bị thổi bay trong một phiên nếu áp lực bán chốt lời được kích hoạt”.

Chuyên gia này dự báo đà tăng nhiều khả năng bị chặn đứng trong vài phiên tới khi những nhà đầu tư gom cổ phiếu từ giữa tháng 3 bắt đầu hiện thực hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, ông cho rằng diễn biến này nếu xảy ra cũng không phải tín hiệu xấu, bởi việc đảo chiều để xây nền giá mới là cần thiết trước khi chinh phục vùng 1.100 điểm.

Theo ông Khánh, thị trường tăng nhưng mang đến cảm giác ì ạch vì phần đông nhà đầu tư cá nhân đang đứng ngoài quan sát hoặc nếu cầm cổ phiếu thì cũng không giao dịch. Thiếu dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân nên xu hướng thị trường sau 9 phiên tăng vẫn chưa thay đổi từ đi ngang thành đi lên. Đồ thị kỹ thuật cũng chỉ ra điều này, bởi từ sau Tết đến nay, chỉ số không vượt qua vùng kháng cự 1.100 điểm và cũng không xuyên thủng đáy ngắn hạn 1.020 điểm.

“Hầu hết nhà đầu tư cá nhân không ra quyết định mua trong những lúc thị trường trầm lắng mà chỉ xuống tiền vì FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) và nhìn thấy ‘chân sóng’ tương đối rõ ràng”, ông Khánh nói và giải thích “chân sóng’” xuất hiện khi VN-Index và thanh khoản phát tín hiệu vọt mạnh, cộng thêm một số cổ phiếu tăng nóng lộ diện.

Nhà đầu tư quan sát bảng giá điện tử tại một sàn giao dịch ở quận 1, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhà đầu tư quan sát bảng giá điện tử tại một sàn giao dịch ở quận 1, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Chuỗi tăng 9 phiên liên tiếp cũng khiến khuyến nghị của các công ty chứng khoán chia thành hai nhóm đối lập. Trong bản tin trước phiên giao dịch hôm nay, một số cho rằng áp lực chốt lời dâng lên, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu liên quan đến đầu tư công và vật liệu xây dựng, có thể khiến chỉ số quay lại vùng 1.050 điểm. Nhà đầu tư được khuyên cẩn trọng, dừng lại quan sát, duy trì tỷ trọng danh mục cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính.

“Nhà đầu tư chỉ nên mở vị thế mua trở lại trong kịch bản VN-Index vượt ngưỡng cản thành công”, báo cáo của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam viết.

Tuy nhiên, theo ông Hinh, khuyến nghị này đúng với chiến lược đầu tư ngắn hạn. Trong khi đó, những nhà đầu tư dài hạn có thể tận dụng giai đoạn này để tích lũy cổ phiếu vì dữ liệu quá khứ cho thấy thị trường thường diễn biến tích cực sau khi chính sách tiền tệ được nới lỏng và có thời gian thẩm thấu vào hoạt động kinh doanh của các công ty niêm yết.

Đồng quan điểm, một số công ty cũng cho rằng thông tin về lãi suất và chính sách tiền tệ vẫn là bệ đỡ cho thị trường trước áp lực xả hàng. Nhà đầu tư được khuyến nghị giải ngân vào những nhóm cổ phiếu có độ nhạy với thông tin trên như ngân hàng, chứng khoán.

“Thị trường có thể sớm bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và dòng tiền ngắn hạn sẽ tăng dần. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng nhẹ cho thấy nhà đầu tư có dấu hiệu lạc quan trở lại và cơ hội giải ngân mới cũng gia tăng”, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nói.

Phương Đông

Cổ phiếu Novaland tăng kịch trần

NVL tăng hết biên độ lên 11.900 đồng và khớp lệnh hơn 30 triệu cổ phiếu sau thông tin cổ đông đã thông qua tờ trình tăng vốn tối thiểu 29.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu của Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) giảm nhẹ khi mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, nhưng càng về cuối phiên càng thể hiện sự hưng phấn.

NVL chốt phiên tại giá trần, qua đó nối dài mạch đi lên phiên thứ ba liên tiếp. Lần gần nhất cổ phiếu này là phiên 6/3, sau khi trải qua một chuỗi giảm mạnh.

Một trong những yếu tố giúp giá tăng vọt là thông tin toàn bộ 7 tờ trình cổ đông đều được thông qua, trong đó có nội dung phát hành 975 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược và chào bán 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, được phát ra sáng nay. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng vừa thông báo đã có 2 người được đề cử vào Hội đồng quản trị là bà Đỗ Thị Phương Lan và ông Nguyễn Trần Đăng Phước.

Khối lượng khớp lệnh Novaland cũng đạt mức cao nhất trong hơn một tháng trở lại đây. Nhờ đó, cổ phiếu này nằm trong danh sách 5 mã tác động tích cực nhất đến VN-Index.

Ngoài Novaland, nhiều cổ phiếu bất động sản cũng đảo chiều từ giảm thành tăng trong phiên cuối tuần. NLG chạm trần, còn PDR, SCR, HQC, VHM, DIG đều tăng hơn 2% so với tham chiếu.

Sắc xanh đồng thuận từ nhóm bất động sản giúp VN-Index nối dài chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp, dù biên độ ngày càng hẹp dần. Chỉ số chốt phiên hôm nay sát mốc 1.047 điểm, tích luỹ chưa đến 2 điểm so với tham chiếu.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 9.400 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với hôm qua. Ngoài bất động sản thì dòng tiền tiếp tục đổ vào tài chính – ngân hàng với hơn 3.400 tỷ đồng. VND, VPB, STB là 3 mã hút tiền mạnh nhất khi giá trị giao dịch đều trên 400 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thị trường có tín hiệu ấm lên, khối ngoại tiếp tục giải ngân. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua vào gần 1.500 tỷ đồng và bán ra 1.375 tỷ đồng. VHM được giải ngân mạnh nhất với giá trị ròng hơn 70 tỷ đồng, trong khi đó MSN là cổ phiếu chịu áp lực xả hàng nhiều nhất với gần 50 tỷ đồng.

Phương Đông

Công ty mai táng trả cổ tức gấp 6 lần giá cổ phiếu

Cổ đông sở hữu mỗi cổ phiếu của Công ty Phục vụ mai táng Hải Phòng sắp nhận 1.960 đồng cổ tức, gấp 6 lần thị giá cổ phiếu này trên sàn chứng khoán Hà Nội.

Tỷ lệ cổ tức tiền mặt là 19,6%. Đây là mức cổ tức cao nhất mà Công ty cổ phần Phục vụ mai táng Hải Phòng (mã chứng khoán: CPH) trả cho cổ đông từ khi lên sàn chứng khoán năm 2018. Những năm trước, cổ tức dao động 15-16,5%.

Trong thông báo gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sáng nay, ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức là 10/4 và tiền sẽ về tài khoản sau đó khoảng nửa tháng.

Công ty dành khoảng 9 tỷ đồng có được từ lợi nhuận năm ngoái để trả cổ tức. UBND TP Hải Phòng, cổ đông lớn nhất sở hữu gần 65% vốn, sẽ nhận hơn 5 tỷ đồng trong số này.

Công ty cổ phần Phục vụ mai táng Hải Phòng là doanh nghiệp mai táng duy nhất đang giao dịch trên sàn chứng khoán. Năm ngoái, công ty ghi nhận doanh thu 154 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 11 tỷ đồng. Nguồn thu chủ yếu từ cung cấp dịch vụ hỏa táng và bán các sản phẩm phục vụ tang lễ.

Công ty dự kiến doanh thu và lợi nhuận năm nay lần lượt đạt 110 tỷ đồng và 9 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức sẽ giảm xuống 16,1%, tức cổ đông sở hữu mỗi cổ phiếu nhận 1.610 đồng.

Vì cơ cấu cổ đông cô đặc nên cổ phiếu CPH không có thanh khoản suốt nhiều năm, hiện đứng yên ở mức 300 đồng mỗi cổ phiếu (do điều chỉnh giá sau mỗi lần chia cổ tức).

Thiên Ngân

Chứng khoán đang có chuỗi tăng dài nhất 20 tháng

Dòng tiền của nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng quay lại thị trường giúp VN-Index tăng 5 điểm, nối dài mạch đi lên 9 phiên liên tiếp.

Trong chuỗi tăng điểm kéo dài từ giữa tháng đến nay, VN-Index tích lũy được 32 điểm. Chỉ số chốt phiên hôm nay tại 1.064 điểm – vùng giá được một số công ty chứng khoán nhận định là bước ngoặt chuyển đổi xu hướng hiện tại từ đi ngang thành tăng giá.

Lần gần nhất VN-Index có chuỗi tăng 9 phiên liên tiếp là cuối tháng 7/2021. Khi đó, lực mua đồng thuận của nhà đầu tư trong và ngoài cũng là yếu tố chính giúp chỉ số tích lũy 70 điểm trong chưa đầy hai tuần.

Hôm nay, số lượng cổ phiếu tăng chiếm ưu thế so với cổ phiếu giảm, lần lượt là 198 và 184 mã. Bất động sản, chứng khoán và ngân hàng là những nhóm cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index. Ở chiều ngược lại, dầu khí, thép và xây dựng khiến đà tăng bị hãm lại.

Tính riêng từng cổ phiếu thì hai mã liên quan đến Vingroup gồm VHM và VIC đóng góp nhiều nhất cho thị trường khi lần lượt tăng 3,9% và 2,4%. Hầu hết cổ phiếu xếp sau thuộc nhóm ngân hàng như TCB, HDB, ACB, VPB và CTG.

Thanh khoản thị trường đạt 11.830 tỷ đồng, tăng gần 800 tỷ so với hôm qua, đồng thời là mức cao nhất trong tháng này. Dòng tiền chảy nhiều nhất vào SSI với hơn 680 tỷ đồng; tiếp đến là STB, HPG và VPB.

Nhà đầu tư nước ngoài rót vào thị trường gần 1.400 tỷ đồng, trong khi bán ra khoảng 1.200 tỷ. HPG đứng đầu về giá trị mua ròng từ khối ngoại với hơn 90 tỷ đồng, bỏ xa hai mã kế tiếp là VHM và VIC.

Tổng kết tháng 3, VN-Index tăng hơn 24 điểm, vượt xa dự báo được nhiều công ty chứng khoán đưa ra hồi đầu tháng. Tuy nhiên, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên vẫn tương đối thấp, cá biệt một số phiên chỉ đạt 6.300 tỷ – mức thấp nhất trong hai năm trở lại đây. Nhóm chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng nhà đầu tư thận trọng trong bối cảnh kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp kém khả quan là nguyên nhân chính khiến chỉ số và thanh khoản diễn biến trái chiều.

Phương Đông

Tiền vào chứng khoán giảm sâu

VN-Index tăng phiên thứ ba liên tiếp nhưng dòng tiền của nhà đầu tư trong nước có dấu hiệu chững lại, tính cả phiên sang tay chưa đến 8.000 tỷ đồng.

Thanh khoản sàn TP HCM giảm gần 1.000 tỷ đồng so với hôm qua, xuống mức thấp nhất ba tuần qua. Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng bởi lo ngại lượng hàng giá rẻ sắp về tài khoản có thể kích hoạt áp lực bán chốt lời.

Dòng tiền hôm nay có sự phân hóa mạnh, thể hiện qua việc nhóm tài chính – ngân hàng hút hơn 3.200 tỷ đồng trong khi các nhóm tiêu dùng, năng lượng, công nghiệp, nguyên vật liệu và bất động sản đều không vượt mức nghìn tỷ.

5 cổ phiếu dẫn đầu về giá trị giao dịch đều thuộc nhóm tài chính – ngân hàng gồm VPB, SHB, SSI, VCI và VND. Điểm chung là tất cả chìm trong sắc đỏ vào buổi sáng, nhưng đến cuối phiên lại tăng mạnh và có một số mã gần chạm giá trần.

VN-Index cũng diễn biến tương tự khi giảm gần 10 điểm trong phiên sáng, càng về cuối phiên càng thu hẹp biên độ giảm. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM đóng cửa tại 1.045 điểm, tăng gần 5 điểm so với tham chiếu để nối dài mạch đi lên 3 phiên liên tiếp. VCB là mã tác động tích cực nhất đến chỉ số khi tăng 1,9% lên gần 91.000 đồng. Ở chiều ngược lại, MSN là cổ phiếu ghì đà tăng khi giảm gần 2% còn 79.000 đồng.

Thị trường rơi vào trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng”, tức chỉ số tăng nhưng số lượng cổ phiếu giảm lại chiếm ưu thế. Hôm nay có 195 mã giảm, trong đó 7 mã mất hết biên độ, còn cổ phiếu tăng chưa đến 180 mã.

Nhà đầu tư nước ngoài nối dài chuỗi mua ròng 3 phiên liên tiếp. Nhóm này giải ngân hơn 1.200 tỷ đồng, trong khi bán ra khoảng 900 tỷ đồng. HPG, VHM và VNM là 3 cổ phiếu hút được nhiều tiền của khối ngoại nhất.

Phương Đông

Chứng khoán có chuỗi tăng dài nhất hai tháng

VN-Index giảm trong phần lớn thời gian giao dịch nhưng đến cuối phiên lại xuất hiện bên mua kéo lên, nhờ đó nối dài mạch tăng 7 phiên liên tiếp.

Đây là chuỗi tăng dài nhất kể từ cuối tháng 1 đến nay dù biên độ mỗi phiên không lớn. Điển hình như hôm nay, chỉ số đại diện cho sàn TP HCM chỉ tăng 2 điểm, lên 1.056 điểm. Một số công ty chứng khoán cho rằng thị trường sẽ không có nhiều đột biến trong những phiên cuối tháng bởi xu hướng chủ đạo vẫn là đi ngang.

Chỉ số đi lên nhưng số lượng cổ phiếu giảm lại áp đảo cổ phiếu tăng, lần lượt 216 mã và 147 mã.

Phiên tăng hôm nay có sự đóng góp lớn của cổ phiếu thuộc rổ VN30. 8 trong số 10 mã tác động tích cực nhất đến VN-Index thuộc rổ này, lần lượt là VCB, MSN, TCB, MBB, VNM, HPG và CTG. Hầu hết cổ phiếu đều giảm nhẹ sau khi mở cửa nhưng càng về cuối càng khởi sắc.

Ở chiều ngược lại, GAS giảm suốt phiên, đóng cửa mất 1% so với tham chiếu và trở thành cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Một số cổ phiếu ngân hàng và bán lẻ như VPB, SSB, MWG, PNJ cũng diễn biến tương tự.

Thanh khoản thị trường giảm gần 3.000 tỷ đồng so với hôm qua, đạt 8.300 tỷ đồng. Không cổ phiếu nào ghi nhận giá trị khớp lệnh trên 500 tỷ đồng. STB là mã đứng đầu, đạt 425 tỷ đồng, sau đó đến HPG, ACB, HSG, VPB.

Không chỉ nhà đầu tư trong nước dè dặt mà khối ngoại cũng giao dịch thận trọng. Nhóm này cắt đứt chuỗi mua ròng 6 phiên liên tiếp, chuyển sang bán ròng hơn 200 tỷ đồng. STB và VPB là hai mã chịu áp lực xả hàng mạnh nhất từ khối ngoại với giá trị bán ròng lần lượt 82 tỷ đồng và 77 tỷ đồng.

Phương Đông