Chứng khoán

Hơn 80 mã tăng trần, VN-Index trở lại mốc 1.000 điểm

Áp lực bán giảm bớt, trong khi bên mua liên tục đẩy giá giúp sắc tím lan rộng trên bảng điện, VN-Index chốt phiên tăng gần 35 điểm.

Thanh khoản thấp, giao dịch giằng co trong hôm qua khiến nhà đầu tư vẫn thận trọng đầu phiên hôm nay. VN-Index mở cửa trong sắc xanh, nhưng chỉ giữ nhịp quanh tham chiếu với biên độ thấp. Giữa phiên sáng, chỉ số của sàn HoSE có xu hướng bật lên khi lực mua chủ động hơn, nhưng nhịp tăng nhanh chóng thoái lui trước lực cản ở vùng giá xanh của bên bán. Phải tới phiên chiều, xu hướng mới được xác định.

Dòng tiền tham gia tích cực hơn, với bên mua đẩy giá quyết liệt giúp nhiều cổ phiếu nới rộng sắc xanh, nhiều mã tăng kịch trần. Từ những nhóm được chú ý gần đây như ngân hàng, thép, hay những nhóm chịu áp lực bán tháo như bất động sản, chứng khoán, cùng tăng mạnh.

VN-Index tăng liên tục trong phiên chiều, đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày, tăng gần 35 điểm (3,49%) lên 1.028 điểm. VN30-Index tăng hơn 38 điểm (3,85%) lên 1.028,5 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng hơn 3,7% còn UPCOM-Index có thêm gần 2%.




VN-Index tăng gần 35 điểm trong phiên 27/10, trở lại ngưỡng 1.000 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index tăng gần 35 điểm trong phiên 27/10, trở lại ngưỡng 1.000 điểm. Ảnh: VNDirect

Sắc xanh chiếm áp đảo trên bảng điện, với 418 mã tăng giá so với 61 mã giảm, trong đó có 82 mã tăng kịch trần. Trong nhóm bluechip, trạng thái cũng tương tự với 28/30 mã đóng cửa trên tham chiếu.

Đà tăng lan rộng trên thị trường với các nhóm chủ chốt cùng tăng mạnh. Các cổ phiếu ngân hàng, thép, chứng khoán, bất động sản, xây dựng đều được nhà đầu tư mua vào ồ ạt.

Trong VN30, 9/30 mã chốt phiên tăng hết biên độ, chủ yếu là nhóm ngân hàng (STB, BID, CTG, ACB, MBB), chứng khoán (SSI) hay bất động sản (GVR). Các mã khác cũng tăng cao, như MSN, VPB có thêm hơn 6%, VIB, POW, HDB, PLX vượt tham chiếu hơn 4%.

Thanh khoản thị trường có cải thiện, với giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 11.100 tỷ đồng. Khối ngoại hôm nay vẫn giữ trạng thái bán ròng, với quy mô gần 200 tỷ đồng.

Minh Sơn

Giảm sàn nhiều phiên, cổ phiếu VNDirect về sát mệnh giá

VND chịu áp lực bán tháo nên có ngày khớp lệnh kỷ lục 65 triệu cổ phiếu và về sát mệnh giá 10.000 đồng sau bốn phiên ở mức sàn liên tiếp.

Từ vị thế cổ phiếu chứng khoán thị giá cao nhất sàn TP HCM vào đầu năm (82.000 đồng tính theo mức chưa điều chỉnh), VND đến nay chỉ còn 10.650 đồng và trở lại vùng giá giữa năm 2020. Cổ phiếu này chốt phiên 26/10 tại mức sàn, nối dài chuỗi đi xuống sáu phiên liên tiếp, trong đó có bốn phiên mất hết biên độ.

Khối lượng giao dịch VND tăng đột biến trong những phiên gần đây. Phiên 26/10 có 28 triệu cổ phiếu được sang tay, còn phiên trước đó ghi nhận đến 77 triệu cổ phiếu – tương ứng hơn 6% lượng đang lưu hành – giao dịch thành công bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Khối lượng dư bán tại giá sàn có thời điểm lên tới 32 triệu cổ phiếu.

Không chỉ nhà đầu tư trong nước bán tháo, khối ngoại cũng đẩy mạnh xả hàng. Nhóm này đã bán ròng khoảng 1,7 triệu cổ phiếu VND trong phiên giao dịch gần nhất.

Cổ phiếu VND biến động mạnh sau khi tin đồn công ty mất khả năng thanh toán trái phiếu của Tập đoàn Trung Nam lan truyền trên nhiều diễn đàn đầu tư và mạng xã hội.

Trong thông cáo báo chí phát ra chiều 26/10, VNDirect cho rằng chính những tin đồn xuyên tạc và bịa đặt vô căn cứ đã khiến cổ phiếu của họ bị bán tháo bởi nhà đầu tư không đủ thông tin để hành xử phù hợp.

“Với những bài viết của các đối tượng xưng danh chuyên gia đưa ra thông tin thất thiệt, chúng tôi không loại trừ họ có động cơ mang tính phá hoại, trục lợi nhằm khiến nhà đầu tư hoang mang, bán tháo cổ phiếu và gây đổ vỡ niềm tin vào thị trường chứng khoán”, thông cáo của VNDirect viết.

Chiều 26/10, hai người đứng đầu VNDirect là Chủ tịch Phạm Minh Hương và Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Long cùng xuất hiện để giải thích về các khoản trái phiếu liên quan đến Tập đoàn Trung Nam.

Theo ông Long, năm ngoái VNDirect tư vấn phát hành chủ yếu cho các ngân hàng thương mại. Tổng giá trị tư vấn phát hành cho các doanh nghiệp phi ngân hàng không nhiều, khoảng 23.530 tỷ đồng (năm 2021) và 10.250 tỷ đồng trong số đó là thương vụ tư vấn phát hành cho Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Dak Lak.

Từ đầu năm nay, VNDirect điều chỉnh chiến lược tiếp cận thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng cẩn trọng do nhìn thấy sức nóng từ nhóm doanh nghiệp bất động sản. Do đó, đến nay công ty mới phát hành 6.868 tỷ đồng cho doanh nghiệp phi ngân hàng.

“Lượng trái phiếu giao dịch qua VNDirect rất lớn, lên đến mấy trăm nghìn tỷ nhưng giá trị phát hành thì rất nhỏ so với vốn chủ sở hữu của chúng tôi”, bà Hương nói, đồng thời khẳng định quy mô tư vấn phát hành và bảo lãnh phát hành vẫn nằm trong chuẩn mực cho phép, không gặp khó khăn về thanh khoản như đồn đoán.

Phương Đông

Ông Lương Trí Thìn đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu Đất Xanh

Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh (DXG) sáng nay đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu khi thị giá chạm sàn 13.900 đồng, về vùng giá cuối năm 2020.

Đây là phiên thứ hai liên tiếp cổ phiếu Đất Xanh giảm hết biên độ, qua đó kéo dài mạch giảm sang phiên thứ tư. Cổ phiếu này đã giảm 60% so với đầu năm nay và 70% so với đỉnh được thiết lập hồi tháng 3.

Giao dịch của ông Lương Trí Thìn dự kiến thực hiện bằng phương thức khớp lệnh lẫn thoả thuận từ giữa tuần này đến cuối tháng 11. Nếu thành công, người đứng đầu Đất Xanh sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 18,8% lên 20,5%.

Theo thị giá hiện tại, ông Thìn sẽ chi khoảng 140 tỷ đồng cho giao dịch này.

Đây là lần thứ tư trong năm nay ông Thìn đăng ký mua cổ phiếu. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh tương tự một số lần trước khi giá cổ phiếu điều chỉnh mạnh và nhóm nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến Dragon Capital xả hàng. Chỉ trong nửa tháng qua, nhóm nhà đầu tư này đã bán khoảng 10,5 triệu cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu từ 20,1% xuống 17,81%.

Một cổ phiếu liên quan đến ông Thìn là DXS của Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Đất Xanh cũng đang chịu áp lực điều chỉnh mạnh. Cổ phiếu này sáng nay chạm sàn 8.750 đồng, mất 70% so với đầu năm.

Phương Đông

VN-Index thủng mốc 1.000 điểm

VN-Index thủng mốc 1.000 điểm ngay sáng đầu tuần, tiếp tục lao dốc trong phiên chiều bởi áp lực bán quyết liệt và đóng cửa sát 986 điểm – thấp nhất hai năm.

Phiên giảm sâu cuối tuần trước không chỉ “dập tắt” nỗ lực hồi phục mà còn cho thấy những người cầm cổ phiếu vẫn bi quan, sẵn sàng bán tháo khi thị trường điều chỉnh mạnh. Điều này, theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, khiến mốc hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm trở nên mong manh.

Thị trường bước vào phiên giao dịch đầu tuần trong sắc xanh khi dòng tiền tìm đến các mã vốn hoá lớn. Tuy nhiên, trạng thái này chỉ xuất hiện trong tích tắc bởi bên bán ngay sau đó đẩy mạnh xả hàng. Chỉ số đại diện cho sàn chứng khoán TP HCM đảo chiều giảm và đến lúc nghỉ trưa đã mất 23 điểm, xuống 996 điểm.

Biên độ giảm bị nới rộng trong phiên chiều khi nhà đầu tư đua nhau bán tháo các mã vốn hoá lớn. Dòng tiền bắt đáy yếu ớt không thể giúp thị trường đảo chiều trước giờ đóng cửa. VN-Index chốt phiên tại 986,15 điểm, mất gần 34 điểm so với tham chiếu.

Phiên hôm nay không chỉ nối dài mạch giảm bốn phiên liên tiếp mà còn đánh dấu lần đầu tiên VN-Index đóng cửa dưới mốc 1.000 điểm trong vòng hai năm qua. Trước đó, ngày 11/10, chỉ số lao dốc còn 998 điểm nhưng đến cuối phiên thu hẹp biên độ giảm nên lấy lại được mốc này.

Sàn TP HCM hôm nay có 430 cổ phiếu giảm, trong đó gần 150 mã mất hết biên độ. Rổ VN30 từ 29 mã tăng đến khi đóng cửa chỉ còn TPB lội ngược dòng thị trường tăng 0,2%. Nhiều cổ phiếu trụ, có tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư như VHM, TCB, BID, STB, MWG đồng loạt chạm sàn. Hầu hết mã khác trong rổ này cũng điều chỉnh sâu trên 3%.

Phân theo ngành, chứng khoán và bất động sản là hai nhóm đối diện áp lực xả hàng ồ ạt nhất. Trừ VDS, tất cả cổ phiếu chứng khoán hôm nay giảm sàn, còn bất động sản gần 20 mã rơi vào trạng thái tương tự. Các nhóm cổ phiếu khác như ngân hàng, thép, xây dựng cũng ghi nhận nhiều mã không còn bên mua lúc đóng cửa.

Thanh khoản thị trường xấp xỉ 12.100 tỷ đồng. Dòng tiền tìm đến các cổ phiếu tài chính – ngân hàng, nguyên vật liệu, bất động sản và tiêu dùng thiết yếu. Riêng cổ phiếu, HPG đứng đầu giá trị khớp lệnh với hơn 460 tỷ đồng. Phần đông cổ phiếu còn lại trong nhóm 10 mã thanh khoản tốt nhất thị trường đều giảm hết biên độ.

Trong khi nhà đầu tư trong nước xả hàng, khối ngoại lại tranh thủ rót tiền thêm. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay giải ngân gần 1.200 tỷ đồng, tập trung vào FPT, ACB, VNM.

Phương Đông

Nhiều nhà đầu tư chứng khoán ‘ngủ đông’

Trang – nhà đầu tư bốn năm kinh nghiệm – cho biết đã xoá ứng dụng giao dịch chứng khoán khỏi điện thoại cách đây hai tháng, bỏ mặc khoản đầu tư hơn 600 triệu đồng.

Trang 30 tuổi, đang là nhân viên văn phòng của một công ty truyền thông ở TP HCM. Cô cho biết đã chặn đường dẫn vào website công ty chứng khoán và tắt thông báo tất cả nhóm chat liên quan. Điều này khác hoàn toàn với thói quen “năm phút phải mở bảng điện một lần” của Trang khi thị trường thăng hoa trong những tháng đầu năm.

Trong bốn năm tham gia đầu tư chứng khoán, Trang cho rằng chưa bao giờ tưởng tượng danh mục chỉ gồm những cổ phiếu với vốn hóa, nền tảng cơ bản tốt như HPG, TCB, VHM có ngày bốc hơi hơn 30%. Và đây chỉ là mức lỗ trong lần gần nhất cô kiểm tra tài khoản vào cuối tháng 8 – thời điểm VN-Index còn đang quanh vùng 1.250 điểm.

“Hiện tại, VN-Index đã thủng mốc 1.000 điểm và ba mã này là tác nhân chính khiến chỉ số rơi thẳng đứng nên danh mục của tôi chắc phải lỗ hơn 50%. Nhưng thôi mặc kệ, tôi không muốn quan tâm nữa”, Trang nói.

Trong khi đó, bà Hải – chủ một quán cà phê ở quận Bình Tân, TP HCM – cuối tháng 5, nghe lời tư vấn của em họ là môi giới một công ty chứng khoán, đã rót ba tỷ đồng để “bắt đáy” lúc VN-Index rơi thẳng đứng từ đỉnh 1.500 điểm. Thị trường sau đó đi lên đúng như kỳ vọng nên tính cả vốn lẫn lãi có lúc tài khoản của bà xấp xỉ bốn tỷ đồng. Nhưng bà Hải không vội chốt lời mà tiếp tục giải ngân một tỷ để gom thêm cổ phiếu.

May mắn lần này không lặp lại với bà. Những cổ phiếu bà Hải nắm giữ cứ cách vài ngày lại có một phiên giảm sàn. Đến hôm qua, tài khoản chỉ còn 1,7 tỷ đồng, nhưng bà vẫn án binh bất động phần vì không còn tiền để mua bình quân giá, phần không đủ can đảm cắt lỗ. Hiện bà còn bị “kẹp hàng” cổ phiếu FLC, mã chiếm tỷ trọng gần 20% trong danh mục, do đang bị đình chỉ giao dịch.

“Tôi quá ngán chứng khoán. Giờ ngồi yên, không mua bán gì nữa để chờ thị trường hồi phục cho khoản lỗ còn vài trăm triệu thôi là bán đứt”, người phụ nữ mới vào thị trường chưa đầy nửa năm than thở.

Không riêng Trang hay bà Hải, hầu hết nhà đầu tư thời gian qua đều không thể ngược dòng thị trường. Khảo sát của VnExpress trong một tuần qua ghi nhận 89% trong số 12.500 độc giả tham gia cho biết danh mục đang âm so với cuối năm ngoái. 22% nói khoản lỗ dao động 30-50%, còn tỷ lệ nhà đầu tư lỗ hơn phân nửa số vốn bỏ ra lên đến 46%.

Đây là hệ quả sau ba tháng bùng nổ đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào đợt điều chỉnh kéo dài bởi tác động của nhiều sự kiện như khởi tố lãnh đạo một số công ty niêm yết, hủy kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm, tăng lãi suất điều hành cộng thêm dòng vốn rút ra phục vụ sản xuất kinh doanh và san sẻ qua các kênh đầu tư khác.

Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Thành Công, cho rằng tín hiệu rõ nhất thể hiện nhà đầu tư “ngủ đông” là khi VN-Index và thanh khoản cùng lao dốc. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong sáu tháng gần nhất đều dưới 20.000 tỷ đồng, chỉ bằng phân nửa những tháng cuối năm ngoái và đầu năm nay. Cá biệt một số phiên chỉ số giảm sâu nhưng dòng tiền bắt đáy không xuất hiện nên thanh khoản chỉ còn 8.000 tỷ đồng, gần bằng mức trước Covid-19.

Ông Trung chia nhà đầu tư trên thị trường thành ba nhóm để đánh giá mức độ “ngủ đông”. Đầu tiên là những đội nhóm giao dịch thường xuyên với mục đích tạo thanh khoản và giá cho cổ phiếu. Sau động thái quyết liệt của Uỷ ban Chứng khoán đối với trường hợp thao túng giá cổ phiếu liên quan đến Tập đoàn FLCLouis Holdings, nhóm này lo ngại nên đang án binh bất động.

Nhà đầu tư cá nhân có giá trị tài sản ròng trong chứng khoán dưới 2 tỷ đồng là nhóm thứ hai. Đây cũng là nhóm đông đảo nhất và cũng hành động cảm tính nhất. Lỗ càng đậm họ càng dễ có tâm lý buông xuôi thể hiện qua việc đóng bảng điện, chặn liên lạc của môi giới, ngừng giao dịch để chờ thị trường qua giai đoạn khó khăn.

“Đa phần họ không có chiến lược đầu tư rõ ràng nên VN-Index giảm 30% thì danh mục họ có thể mất 50-60%”, ông Trung nhận định.

Nhóm thứ ba là những nhà đầu tư “tay to” có tài sản trên 20 tỷ đồng. Họ có lợi thế thông tin hơn nhà đầu tư cá nhân nhỏ, do đó có thể bán ra ở vùng 1.400-1.500 điểm và đứng ngoài chờ đợi. Nhóm này đã đứng ngoài thị trường từ đỉnh nên không ảnh hưởng nhiều khi VN-Index lao dốc, thậm chí xem đây là cơ hội để chuẩn bị giải ngân trở lại.

Riêng với nhóm chủ các doanh nghiệp, theo ông Trung, họ tham gia thị trường hăng hái nhất trong giai đoạn giãn cách xã hội bởi khi đó kinh doanh không được, dòng vốn nhàn rỗi. Tuy nhiên, nhóm này đã rút tiền từ cuối năm ngoái và đầu năm nay để quay lại kinh doanh nên không gọi là “ngủ đông”.

Đồng quan điểm, ông Võ Công Minh – Giám đốc Kinh doanh của Công ty Chứng khoán ACB – đánh giá phần đông tạm ngừng giao dịch là những nhà đầu tư mới chinh chiến vài năm, chưa trải qua nhiều cú giảm sốc tương tự nên thiếu kinh nghiệm đánh giá thị trường. Trong khi đó, những nhà đầu tư kỳ cựu có thể cũng đang âm vốn nhưng họ vẫn mua bán hàng ngày với hi vọng thu hẹp khoản lỗ.

Thực tế này được chứng minh bằng số liệu mua bán của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Theo đó, nhóm này đã mua ròng (tức giá trị mua vào lớn hơn bán ra) ba tuần liên tiếp để bù đắp cho làn sóng rút vốn từ khối ngoại. Trong hai tuần đầu tháng 10, cá nhân trong nước lần lượt mua ròng 2.310 tỷ đồng và 2.940 tỷ đồng còn tuần gần nhất là 360 tỷ đồng.

Ngoài những lý do tạm dừng giao dịch phổ biến là hết tiền mặt, sợ cắt lỗ và bi quan về triển vọng thị trường thì khuyến nghị thận trọng từ các nhóm phân tích cũng tác động không nhỏ đến quyết định của nhà đầu tư. Trái ngược với các dự báo lạc quan và kỳ vọng tăng 30-50% hồi đầu năm, nhiều công ty chứng khoán gần đây kêu gọi nhà đầu tư đứng ngoài thị trường.

Theo ông Minh, những nhà đầu tư ít kinh nghiệm chọn “đóng băng” hay “ngủ đông” trong giai đoạn này là đúng đắn. Thị trường luôn vận động theo chu kỳ hình sin nên khả năng thu hẹp khoản lỗ cao hơn là bán ngay thời điểm này. Đối với nhà đầu tư cầm tiền, nhiều chỉ báo đã vào vùng hấp dẫn nhưng quán tính giảm vẫn còn nên giải ngân “bắt đáy” có thể thành “bắt dao rơi”.

“Bạn bè của tôi có người tranh thủ đợt này để gom những cổ phiếu mang tính chu kỳ cho triển vọng tăng 1-2 năm tới, nhưng thật lòng tôi khuyên chỉ nên mua thăm dò chứ không ồ ạt”, ông Minh nói.

Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành khối đầu tư của Quỹ VinaCapital, đầu tháng 10 cho biết triển vọng ngắn hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam đang đối mặt những rào cản mạnh như căng thẳng địa chính trị, kinh tế toàn cầu mấp mé suy thoái, chính sách tiền tệ thắt chặt và thanh lọc các công ty, cá nhân vi phạm quy định thị trường.

Khi thông tin xấu liên tục xuất hiện trong giai đoạn gần đây và tình hình thế giới còn nhiều bất ổn, việc dự đoán đáy thị trường cũng như chọn mua cổ phiếu đi ngược xu hướng được xem là bất khả thi.

“Do đó, nhà đầu tư hãy thận trọng, tránh giải ngân all in (tất tay) hay dò đáy”, bà Hồ Nguyễn Thủy Tiên, Giám đốc Khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị.

Phương Đông

Cổ phiếu ngân hàng, thép kéo VN-Index tăng điểm

Chứng khoán chìm trong sắc đỏ nửa đầu phiên 25/10, nhưng bật ngược lại trong phiên chiều nhờ đà tăng của nhóm ngân hàng và thép.

Diễn biến tiêu cực trong phiên đầu tuần tiếp tục nối dài sang phiên sáng nay, khi áp lực bán chiếm áp đảo trên bảng điện. VN-Index mở cửa gần tham chiếu nhưng nhanh chóng đổ đèo khi nhà đầu tư vẫn ồ ạt bán ra. Chỉ số của sàn HoSE giảm liên tục từ khi mở cửa đến giữa phiên sáng, có thời điểm lùi về gần ngưỡng 960 điểm, giảm hơn 20 điểm so với tham chiếu. Sắc đỏ chiếm áp đảo với nhiều nhóm cổ phiếu, như bất động sản, giảm kịch sàn.

Tuy nhiên, những nhịp giảm sâu thường kích hoạt dòng tiền bắt đáy ngắn hạn, phiên hôm nay cũng tương tự. Thị trường đảo chiều từ nửa cuối phiên sáng khi dòng tiền bắt đáy tham gia mạnh hơn. Trong khi nhóm bất động sản vẫn chịu áp lực, cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm, thép được chú ý. Lực mua đẩy giá các cổ phiếu nhóm này trở lại sắc xanh.

Sang phiên chiều, dòng tiền có phần tích cực hơn. VN-Index có thời điểm vượt trên ngưỡng 1.000 điểm. Tuy nhiên, đà tăng không duy trì liên tục. Áp lực bán chặn ở vùng giá cao khiến sắc xanh của thị trường thu hẹp. Cuối phiên, VN-Index đóng cửa tăng hơn 11 điểm (1,17%) lên 997,7 điểm. VN30-Index tăng hơn 17,6 điểm (1,81%), đạt 991, 52 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index khép phiên trong sắc đỏ.




VN-Index bật ngược trở lại trong phiên chiều 25/10, tăng hơn 11 điểm lên gần ngưỡng 1.000 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index bật ngược trở lại trong phiên chiều 25/10, tăng hơn 11 điểm lên gần ngưỡng 1.000 điểm. Ảnh: VNDirect

Do nhịp giảm trở lại cuối phiên chiều, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện. Sàn HoSE ghi nhận 199 mã tăng, so với 247 mã giảm, trong đó có 37 mã giảm kịch sàn. Ngược lại, trong nhóm VN30, sắc xanh áp đảo hơn với tỷ lệ 20/30 mã.

Trong nhóm vốn hóa lớn, cổ phiếu ngân hàng là cái tên đáng chú ý nhất. Các mã nhóm này hầu hết mở cửa trong sắc đỏ, nhưng tăng mạnh từ cuối phiên sáng. Sang phiên chiều, nhiều cổ phiếu đã tăng hết biên độ. Trong VN30, CTG chốt phiên tăng kịch trần, MBB có thêm hơn 5%, ACB trên tham chiếu 4,6%, BID, VCB tăng quanh ngưỡng 3%.

Cổ phiếu thép, bảo hiểm cũng tăng mạnh. Trong nhóm thép, HPG có thêm hơn 4%, HSG tăng kịch trần, còn NKG tăng hơn 3%. Cổ phiếu bảo hiểm như BVH, PVI cũng giao dịch tích cực.

Ngược lại, nhóm bất động sản vẫn bị bán tháo ồ ạt. Dù chỉ số của HoSE trở lại sắc xanh, nhiều mã bất động sản vẫn chốt phiên trong trạng thái “trắng bảng bên mua”, như DIG, CEO, L14. Các mã khác như SCR, NLG, QCG, NBB cùng giảm mạnh.

Thanh khoản thị trường cao hơn mức trung bình gần đây, với giá trị giao dịch của HoSE đạt hơn 12.600 tỷ đồng. Khối ngoại giao dịch cân bằng với giá trị mua vào hơn 1.250 tỷ và bán ra hơn 1.300 tỷ đồng.

Minh Sơn

Một cá nhân bị phạt nửa tỷ đồng do thao túng cổ phiếu

Ông Nguyễn Ngọc Long (ở Hà Nội) bị phạt 550 triệu đồng vì sử dụng 54 tài khoản chứng khoán để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu TNI.

Quyết định xử phạt hành chính này của Ủy ban chứng khoán Nhà nước có hiệu lực từ ngày 21/10.

Hành vi thao túng cổ phiếu của ông Long chỉ bị xử phạt hành chính, bởi theo Ủy ban chứng khoán, căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu liên quan, cơ quan thanh tra không phát hiện có lợi ích bất hợp pháp từ hành vi vi phạm.




Diễn biến cổ phiếu TNI từ năm 2018 đến nay. Ảnh: Trading View

Diễn biến cổ phiếu TNI từ năm 2018 đến nay. Ảnh: Trading View

TNI là cổ phiếu của Công ty cổ phần Thành Nam (tập đoàn đa ngành trong lĩnh vực bất động sản, đầu tư khu du lịch, khách sạn, nông sản…), được niêm yết từ cuối tháng 5/2017 trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE).

Cổ phiếu này từng có những giai đoạn biến động mạnh từ nửa cuối năm 2020. Mã TNI giảm đột ngột từ mức hơn 12.000 đồng về quanh vùng 3.000 đồng chỉ trong hai tháng cuối năm 2020. Giao dịch khởi sắc trở lại trong nửa sau của năm 2021 khi tăng vọt từ vùng giá này trở lại đỉnh cũ.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, TNI tiếp tục đổ đèo, giảm từ ngưỡng 9.500 đồng về dưới 3.000 đồng tính tới cuối phiên 25/10. Giá trị vốn hóa của doanh nghiệp này hiện còn 139 tỷ đồng.

Minh Sơn

Văn Phú Invest bị phạt 200 triệu đồng vì mua chui cổ phiếu HAF

Công ty Đầu tư Văn Phú – Invest vừa bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước phạt 200 triệu đồng vì mua chui hơn 3,7 triệu cổ phiếu HAF.

Việc mua chui (không chào mua công khai) được Công ty Đầu tư Văn Phú – Invest (VPI) thực hiện vào tháng 6/2021. Số lượng cổ phiếu mà công ty này mua tương ứng 25,6% vốn của Công ty Thực phẩm Hà Nội (HAF). Ngoài phạt tiền, Văn Phú – Invest bị buộc phải khắc phục hậu quả.

Trong đó, công ty bị buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm. Công ty này cũng phải bán cổ phiếu HAF để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ khi bị xử phạt.

Theo Điều 35 Luật chứng khoán, tổ chức phải chào mua công khai khi mua cổ phiếu dẫn đến trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu đạt từ 25% trở lên.

Đầu tư vào HAF là một giao dịch “chớp nhoáng” của Văn Phú – Invest. Ngày 25/6, công ty này công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua việc nhận chuyển nhượng hơn 3,1 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 22% vốn của HAF.

Tuy nhiên, chưa tới một tuần sau đó, VPI thông báo sẽ thoái toàn bộ phần sở hữu. Ngay sau đó, công ty này đã bán 3,5 triệu cổ phiếu HAF theo phương thức thỏa thuận, với quy mô giao dịch hơn 94 tỷ đồng.

Minh Sơn

HoSE cảnh báo hủy niêm yết cổ phiếu Vietnam Airlines

Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vừa bị lưu ý khả năng hủy niêm yết nếu lợi nhuận và vốn chủ sở hữu năm nay tiếp tục âm.

Hiện tại, cổ phiếu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang nằm trong diện kiểm soát vì vốn chủ sở hữu âm 2.160 tỷ đồng theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 2 năm gần nhất cũng là số âm.

Theo Luật Chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp như kết quả sản xuất, kinh doanh lỗ trong 3 năm liền hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Do đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa lưu ý Vietnam Airlines khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục ghi nhận lợi nhuận cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên, lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines âm hơn 5.100 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế đến 30/6 vượt 28.900 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đã âm xấp xỉ 4.900 tỷ.

Để ngắt mạch thua lỗ, Vietnam Airlines phải đồng thời giải quyết hàng loạt thách thức. Thứ nhất là mức lỗ sau nửa năm đã hơn 5.000 tỷ. Tiếp đến, giá nhiên liệu biến động khó lường. Ngoài ra, các thị trường quốc tế, trong đó chủ yếu là Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật trước đây mang lại phần lớn nguồn thu thì nay chưa phục hồi như kỳ vọng.

Theo kế hoạch được đại hội đồng cổ đông thông qua, Vietnam Airlines đặt kế hoạch doanh thu công ty mẹ hơn 45.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế âm khoảng 9.300 tỷ cả năm nay. Tuy nhiên, các chỉ tiêu này chưa bao gồm doanh thu, lợi nhuận thu được từ việc thoái vốn của Vietnam Airlines đang triển khai tại một số doanh nghiệp thành viên.

Trong giải trình về biện pháp khắc phục chứng khoán bị kiểm soát gửi HoSE hồi đầu tháng 8, Vietnam Airlines cũng cho biết năm nay sẽ thực hiện 3 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ và lỗ hợp nhất. Trong đó, doanh nghiệp này sẽ tái cơ cấu danh mục tài sản và danh mục đầu tư để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị phương án phát cổ phiếu để tăng vốn chủ khi được phê duyệt.

Năm ngoái, Vietnam Airlines cũng thoát âm vốn chủ nhờ phát hành gần 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm gần 8.000 tỷ đồng hồi cuối tháng 8. Qua đó, công ty này cũng tránh được khả năng bị hủy niêm yết trên HoSE.

Anh Tú

Cổ phiếu FLC tăng trần trước ngày dừng giao dịch

Cổ phiếu FLC ngày mai bị đình chỉ giao dịch nhưng hôm nay lại đảo chiều từ mức giảm cận sàn thành tăng kịch trần, lên 3.570 đồng.

Khối lượng khớp lệnh FLC biến động mạnh trong phiên chiều, cuối phiên đạt 18 triệu cổ phiếu, tương ứng 65 tỷ đồng. Không chỉ nhà đầu tư trong nước mà khối ngoại cũng giải ngân nhiều vào cổ phiếu này, dẫn đến tình trạng dư mua hơn 4,5 triệu cổ phiếu lúc chốt phiên.

Tương tự FLC, cổ phiếu của Công ty cổ phần Nông dược HAI cũng đảo chiều từ giá sàn lên giá trần và không có bên bán lúc đóng cửa. HAI chốt phiên tại giá 1.580 đồng, cắt đứt chuỗi giảm sâu ba phiên trước đó.




Các cổ phiếu họ FLC tăng trần phiên 8/9. Ảnh: Minh Sơn

Các cổ phiếu họ FLC tăng trần phiên 8/9. Ảnh: Minh Sơn

Ngoài biến động mạnh, hai cổ phiếu này còn có điểm chung là sẽ bị đình chỉ giao dịch trên sàn chứng khoán TP HCM (HoSE) từ ngày mai. Thời điểm giao dịch trở lại chưa được ấn định mà phụ thuộc vào việc công ty khắc phục các vi phạm về công bố thông tin.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho rằng, các cổ phiếu này chỉ được giao dịch trở lại khi khắc phục được vi phạm và có nguyện vọng.

Theo ông Chi, các cổ đông, nhà đầu tư của những doanh nghiệp này cần có ý kiến, có quyết sách ở đại hội cổ đông, yêu cầu ban điều hành doanh nghiệp thực hiện khắc phục những thiếu sót, vi phạm sớm nhất để đưa những cổ phiếu này được niêm yết và giao dịch trở lại trên thị trường chứng khoán. Khi đó, quyền lợi của các cổ đông, các nhà đầu tư sẽ trở lại và được bảo đảm.

Các cổ phiếu khác liên quan đến FLC như ART, AMD, KLF hôm nay cũng tăng vọt lên giá trần và “trắng bên bán”. So với vùng giá cuối tháng 3 – thời điểm cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt – những mã này đều mất trên 70%.

Đà tăng của những cổ phiếu “họ” FLC ngược dòng với diễn biến thị trường chứng khoán hôm nay. VN-Index có phiên giảm thứ hai liên tiếp, mất gần 9 điểm về dưới vùng 1.235 điểm. Các mã vốn hoá vừa và nhỏ giữa phiên bị bán mạnh trong khi VN30 là trụ đỡ, nhưng đến phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), hầu hết đều chuyển sang sắc đỏ. Số cổ phiếu giảm hôm nay xấp xỉ 320 mã, gấp đôi lượng cổ phiếu tăng.

Thanh khoản thị trường hơn 14.200 tỷ đồng, giảm khoảng 6.000 tỷ đồng so với hôm qua. Tiền vẫn tìm đến các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và công nghiệp. HPG và NVL đứng đầu về thanh khoản khi đạt lần lượt 470 và 450 tỷ đồng.

Sau chuỗi xả hàng 7 phiên liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng. Nhóm này giải ngân gần 650 tỷ đồng, chủ yếu vào HPG, DGC và MWG.

Phương Đông