Chứng khoán

Bà Phạm Minh Hương thôi làm Chủ tịch VNDirect

Bà Phạm Minh Hương thôi làm Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán VNDirect từ 26/4, thay vào đó giữ chức tổng giám đốc.

Bà Hương, sinh năm 1966, bắt đầu giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc VNDirect từ năm 2006. Từ 2010 đến nay, bà luôn là chủ tịch nhưng không thường xuyên giữ chức tổng giám đốc. Nhiệm kỳ chủ tịch mới nhất của bà bắt đầu hồi tháng 4/2022.

Bà Phạm Minh Hương. Ảnh: Website VNDirect

Bà Phạm Minh Hương. Ảnh: Website VNDirect

VNDirect hôm qua đã miễn nhiệm chức danh quyền tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Vũ Long, sau đó bổ nhiệm ông vào vị trí chủ tịch HĐQT do bà Hương để lại.

“Việc thay đổi người giữ chức danh chủ tịch và tổng giám đốc là để công ty không còn duy trì chức danh quyền tổng giám đốc, kiện toàn các điều kiện pháp lý theo đúng quy định của pháp luật”, thông cáo báo chí của VNDirect cho hay.

Sau cơ cấu chức danh, VNDirect có 3 người đại diện pháp luật gồm bà Phương, ông Long và Giám đốc tài chính Vũ Nam Hương.

VNDirect hiện là công ty đứng thứ ba về thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn TP HCM với 7,88% (theo số liệu cả năm 2022). Năm ngoái, công ty này ghi nhận lãi trước thuế đạt 1.728 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ 2021 và hoàn thành chưa đến phân nửa kế hoạch đề ra ban đầu.

Ban lãnh đạo VNDirect dự tính năm nay lãi trước thuế 2.000 tỷ đồng, tăng 16% dựa trên kịch bản nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán chia thành hai nửa khác nhau. Nửa đầu tiên là 6 tháng đầu năm với “đà tăng khá mỏng manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu đáo hạn vẫn còn đó”. Công ty kỳ vọng nửa cuối năm thị trường khởi sắc hơn khi lạm pháp toàn cầu đạt đỉnh, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng tốt.

Phương Đông

Vincom Retail đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục hơn 10.000 tỷ đồng

Năm nay, Vincom Retail đặt kế hoạch doanh thu 10.350 tỷ đồng, lợi nhuận 4.680 tỷ đồng – đều là những mức cao nhất từ trước đến nay.

Tại phiên họp thường niên sáng 26/4 của Công ty cổ phần Vincom Retail, các cổ đông đặt nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề kế hoạch phát triển kinh doanh năm nay của công ty và chia cổ tức.

Bà Trần Mai Hoa, CEO Vincom Retail cho biết 2023 là năm bản lề để phát triển khách thuê trung tâm thương mại sau giai đoạn dịch bệnh một cách bài bản, rõ ràng. Hiện tại, Vincom Retail sở hữu 83 trung tâm thương mại và có kế hoạch mở mới hai địa điểm. Từ nay đến cuối năm, công ty cần cho thuê hơn 100.000 m2 để đạt tỷ lệ lấp đầy mục tiêu.

Bà Trần Mai Hoa, CEO Vincom Retail giải đáp các câu hỏi của cổ đông tại phiên họp thường niên sáng 26/4. Ảnh: VRE

Bà Trần Mai Hoa, CEO Vincom Retail giải đáp các câu hỏi của cổ đông tại phiên họp thường niên sáng 26/4. Ảnh: VRE

Năm nay, Vincom Retail đặt mục tiêu doanh thu thuần 10.350 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.680 tỷ đồng, tăng 41% và 69% so với năm 2022. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay với doanh nghiệp phụ trách mảng bất động sản bán lẻ thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup.

Trước đó, Vincom Retail đạt đỉnh doanh thu hơn 9.200 tỷ đồng và lãi ròng trên 2.850 tỷ đồng năm 2019. Trong kịch bản các động lực phát triển kinh tế và môi trường kinh doanh tốt hơn kỳ vọng, công ty dự kiến doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2023 lần lượt đạt 11.500 tỷ đồng và 5.200 tỷ đồng.

Trước lo ngại của cổ đông về tình hình khó khăn trên thị trường bán lẻ, trống mặt bằng ở các trung tâm thương mại, bà Mai Hoa cho biết Vincom Retail cũng như các chủ đầu tư, nhà bán lẻ khác đang theo dõi rất sát diễn biến. Bà nhìn nhận thời gian qua, thị trường có độ giảm sút, nhưng quý I thường là quãng thấp điểm của bán lẻ, sẽ phục hồi từ tháng 3,4, đạt cao điểm vào mùa hè và thu đông.

“Chúng tôi đã trao đổi với nhiều nhà bán lẻ và họ đều đánh giá mức độ ảnh hưởng chỉ trong ngắn hạn”, CEO Vincom Retail chia sẻ. Bà nói thêm trong quý I, tỷ lệ khách thuê mới chốt hợp đồng với Vincom khá ấn tượng. Nhiều nhãn hàng bán lẻ có tiếng cũng đang muốn thâm nhập vào các trung tâm thương mại ngoài khu vực Hà Nội, TP HCM của Vincom.

Giai đoạn 2020 – 2021, công ty này đã tập trung nhiều giải pháp để tối ưu hóa hoạt động, giảm chi phí như năng lượng, nhân sự và các chi phí vận hành khác. Trong đó, chi phí năng lượng tiết kiệm được 50 tỷ đồng nhờ lắp pin năng lượng mặt trời tại các trung tâm thương mại; nhân sự khoảng 75-80 tỷ đồng nhờ tiết giảm 30% định biên. Trên cơ sở này, bà Phạm Thị Ngọc Hà, CFO Vincom Retail đánh giá cơ cấu chi phí của công ty đã rất tối ưu.

Lãnh đạo công ty cũng thông tin đã chuẩn hoá được các mô hình phát triển trung tâm thương mại. Theo bà Hoa, thời gian tới, Vincom Retail sẽ nghiên cứu phát triển thêm mô hình khu du lịch bán lẻ.

Giải thích về việc không chia cổ tức năm nay, CFO Vincom Retail cho biết công ty muốn giữ toàn bộ lợi nhuận sau thuế để phục vụ sản xuất kinh doanh. Theo bà Hà, Vincom Retail sẽ dùng khoản tiền này để trả nợ gốc trái phiếu hơn 1.000 tỷ đồng đã đến kỳ hạn thanh toán. Đồng thời, trong 3 năm tới, doanh nghiệp cũng cần tới 12.000 tỷ đồng để phát triển các lưới dự án với khoảng 800.000 m2 mặt sàn.

Quý đầu năm nay, Vincom Retail ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 1.943 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, hoạt động kinh doanh trung tâm thương mại chiếm chủ yếu với doanh thu hơn 1.900 tỷ đồng, tăng 54%. Với kết quả này, công ty lãi sau thuế 1.024 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 2,7 lần cùng kỳ và tăng 23% so với quý cuối năm 2022.

Anh Tú

Chứng khoán ngắt mạch giảm ba phiên liên tiếp

Dòng tiền chảy mạnh vào cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí trong những phút cuối phiên giúp VN-Index đảo chiều từ giảm thành tăng, ngắt mạch lao dốc 3 phiên.

Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM sáng nay chịu áp lực bán mạnh, có thời điểm thủng mốc 1.030 điểm – vùng giá thấp nhất hai tháng qua. Tuy nhiên, trước phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa khoảng 15 phút, lực cầu giải ngân ở vùng giá thấp xuất hiện giúp chỉ số nhanh chóng đảo chiều và thanh khoản tăng vọt.

Các mã vốn hóa lớn đóng góp nhiều cho VN-Index khi cùng biến động mạnh. Trong số đó, Hòa Phát (HPG) – cổ phiếu trụ của ngành thép – có diễn biến khả quan nhất khi đảo chiều từ giảm thành tăng gần 5% nhờ thông tin về kết quả kinh doanh tích cực trong quý đầu năm. Những trụ cột của ngành ngân hàng như VCB, TCB và BID cũng tăng trên 1% và nằm trong nhóm 10 cổ phiếu tác động tích cực đến chỉ số.

Ở chiều ngược lại, 3 cổ phiếu “họ Vingroup” gồm VIC, VHM, VRE cùng giảm và là tác nhân chính ghì đà tăng của chỉ số. VHM biến động mạnh nhất trong số này với mức giảm 4,4% còn 48.000 đồng.

VN-Index chốt phiên sát mốc 1.041 điểm, tích lũy thêm 6 điểm so với tham chiếu và đánh dấu phiên tăng mạnh nhất trong ba tuần trở lại đây. Số lượng cổ phiếu tăng hơn 230 mã, áp đảo số lượng cổ phiếu giảm.

Thanh khoản thị trường đạt hơn 11.400 tỷ đồng, cao nhất gần hai tuần. Phân theo nhóm ngành, tài chính – ngân hàng vẫn hút mạnh dòng tiền của nhà đầu tư với hơn 2.500 tỷ đồng. Xếp sau đó là nhóm nguyên vật liệu, công nghiệp và bất động sản với thanh khoản dao động 1.100-1.300 tỷ đồng.

10 cổ phiếu đứng đầu về giá trị khớp lệnh hôm nay đều tăng điểm, trong đó nhiều mã tăng trên 5%. HPG dẫn đầu danh sách này với giá trị sang tay xấp xỉ 575 tỷ đồng, gần bằng hai mã đứng sau là SSI và STB cộng lại.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Đông Á, thị trường chứng khoán hiện chưa xuất hiện dòng cổ phiếu dẫn dắt bởi nhà đầu tư đang thận trọng xem xét phản ứng của thị trường ở vùng giá 1.020-1.030 điểm. Thanh khoản thị trường có thể teo tóp trong những phiên tới do thị trường sắp bước vào kỳ nghỉ dài ngày.

Phương Đông

Công ty bầu Đức muốn phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP

Hoàng Anh Gia Lai vừa bổ sung tờ trình xin ý kiến cổ đông tại đại hội sắp tới về việc phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động.

Theo đó, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Gia (HAG) dự tính phát hành với giá 7.500 đồng một cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 2,16% số cổ phiếu đang lưu hành. Chốt phiên 25/4, cổ phiếu HAG có giá 7.690 đồng.

Thời gian phát hành dự kiến năm 2026 nếu được cổ đông thông qua. Trong đó, 50% số cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Số còn lại sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 2 năm.

Trường hợp cổ phiếu không phát hành hết, Hội đồng quản trị HAG sẽ toàn quyền quyết định về điều kiện và đối tượng phát hành số cổ phiếu còn lại với giá bán không thấp hơn giá phát hành nêu trên.

Xưởng sản xuất chuối của Hoàng Anh Gia Lai tại Campuchia. Ảnh: Thi Hà

Xưởng sản xuất chuối của Hoàng Anh Gia Lai tại Campuchia. Ảnh: Thi Hà

Ngoài ra, Hội đồng quản trị HAG cũng trình việc bầu thêm một thành viên. Trước đó, ngày 19/4, bà Võ Thị Huyền Lan đã gửi đơn từ nhiệm thành viên hội đồng quản trị.

Hiện, hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai hiện có 4 người gồm Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức và các thành viên là ông Võ Trường Sơn, bà Võ Thị Mỹ Hạnh và ông Trần Văn Dai.

Trước đó, công ty chào bán không thành công 161,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.500 đồng. Lý do là diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường không phù hợp với giá chào bán dự kiến.

Thi Hà

Chủ tịch Đèo Cả: Tỷ suất lợi nhuận của hạ tầng giao thông ổn định

Ông Hồ Minh Hoàng cho biết HHV đạt tỷ suất lợi nhuận 15% là con số khiêm tốn so với ngành bất động sản, song đơn vị vẫn kiên định đầu tư hạ tầng giao thông.

Ngày 24/4, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Mã chứng khoán HHV) – công ty con của Tập đoàn Đèo Cả, tổ chức Đại hội đồng cổ đông trực tuyến thường niên năm 2023.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán trầm lắng, Chủ tịch HHV Hồ Minh Hoàng, chia sẻ hoạt động dịch vụ đầu tư công, không phải dịch vụ thương mại, bất động sản nên không thể tăng trưởng đột biến. Lợi nhuận của HHV được tích lũy từ hoạt động đầu tư, thi công, dịch vụ công đạt 15% là con số rất khiêm tốn so với ngành bất động sản.

“Tôi đã nhận được nhiều lời khuyên cần phát triển đa ngành, đầu tư mạnh vào bất động sản, song HHV vẫn kiên định với ngành hạ tầng giao thông. Chúng tôi dựa vào năng lực, tối ưu sản xuất, thắt chặt từng khâu để đảm bảo hoạt động bền vững”, ông Hoàng nói.

Chủ tịch Đèo Cả khuyên các cổ đông cân nhắc nếu lướt sóng nên thoái vốn, dành phần cho các cổ đông có niềm tin vào những hoạch định lâu dài, bởi “cổ phiếu HHV không phải là Thánh Gióng mà sẽ là thiên lý mã cho những dặm đường xa”. Nội dung này từng được ông nói trong đại hội cổ đông năm trước.

“Khi cổ phiếu HHV xuống thấp, nhiều cổ đông vẫn tin tưởng vào hoạch định của HHV, đánh giá đúng mức nên đến nay đã có lợi nhuận”, ông Hoàng chia sẻ.

Hiện HHV có 30.000 cổ đông và đối tác thân thiết là doanh nghiệp, nhà đầu tư, địa phương nơi có dự án đi qua, các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán. “Các đối tác, cổ đông đã gửi gắm niềm tin nên chúng tôi phải sử dụng hiệu quả dòng tiền, kiểm soát chặt chẽ nội bộ, minh bạch hoá dự án”, ông Hoàng khẳng định.

Theo Chủ tịch HHV, đơn vị kiên trì ứng dụng công nghệ hiện đại để thực hiện các dự án giao thông, quản lý rủi ro để tăng trưởng ổn định; luôn phản biện những cơ chế bất cập, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các bên, tạo ra môi trường “làm thật ăn thật”.

Chủ tịch Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng. Ảnh: Phương Linh

Chủ tịch Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng. Ảnh: Phương Linh

Trước chất vấn của cổ đông về vốn vay chiếm tỷ trọng lớn trong các dự án PPP, trong khi lãi suất ngân hàng đang tăng cao sẽ ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp, ông Hoàng cho biết với các dự án trước đây đã triển khai, đơn vị thường chốt lãi vay ổn định, dưới 11% để đảm bảo lợi nhuận của dự án. Đèo Cả trước đây không có phần vốn của nhà nước hỗ trợ vẫn xoay xở thực hiện các dự án khó khăn như Bắc Giang – Lạng Sơn, nay các dự án đã được ngân sách hỗ trợ 50% sẽ tăng tính khả thi, nên không quan ngại về tăng lãi suất của ngân hàng.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó chủ tịch Đèo Cả cho biết tổng nguồn vốn tăng năm nay dự kiến là 1.500 tỷ đồng, trong đó 800 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, đầu tư tạo giá trị thi công xây lắp, 700 tỷ đồng đầu tư máy móc thiết bị và sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh tín dụng thắt chặt, bổ sung nguồn vốn cho máy móc, bình ổn giá vật liệu là việc cần thiết.

Năm 2022, trong bối cảnh hạ tầng giao thông gặp khó khăn do thiếu nguyên vật liệu, giá tăng cao, HHV đạt doanh thu thuần 2.095 tỷ đồng, tăng hơn 233 tỷ đồng, tương đương 12% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 297 tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2021.

Năm nay, HHV đã trúng 3 gói thầu thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn với tổng giá trị hợp đồng gần 14.500 tỷ đồng. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tham gia đấu thầu thi công xây lắp các dự án đầu tư công và đầu tư PPP, với tổng giá trị dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng.

Thời gian tới, HHV có thể tham gia đầu tư cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hữu Nghị – Chi Lăng với tổng mức đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng.

Đến năm 2025, khi các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam hoàn thành là cơ hội để HHV đấu thầu mảng quản lý vận hành – lĩnh vực. Đơn vị dự kiến tham gia đấu thầu quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên các dự án cao tốc với tổng chiều dài khoảng 545 km, trong đó tập trung vào các đoạn tuyến có hầm đường bộ, cầu lớn.

Anh Duy

Cổ phiếu thép tăng ngược dòng thị trường

Trong khi sắc đỏ bao trùm thị trường, HPG, HSG, NKG và các cổ phiếu khác trong ngành thép có thị giá tăng trưởng dương.

Thị trường những ngày qua chịu tác động bởi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý đầu năm. Sau tin Tập đoàn Hòa Phát dứt mạch thua lỗ, cổ phiếu HPG mang sắc xanh liên tục cả ngày nay với thanh khoản lớn. Chốt phiên, mã này tăng 0,4% lên 21.050 đồng một cổ phiếu với thanh khoản đạt gần 390 tỷ đồng. Theo VNDirect, HPG là cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất cho thị trường hôm nay.

Tin tích cực từ Hòa Phát, với vị thế doanh nghiệp thép có thị phần lớn nhất cả nước, lan tỏa sang nhiều cổ phiếu cùng ngành. HSG hôm nay tăng 0,35% với thanh khoản hơn 100 tỷ đồng. Các mã như NKG, VGS, TVN đều tích lũy thêm 0,2% so với mức tham chiếu.

Tuy biên độ tăng không lớn, ngành thép vẫn là điểm sáng duy nhất của thị trường khi toàn sàn HoSE hôm nay ghi nhận 247 mã giảm, gấp đôi so với 119 mã tăng. Riêng các cổ phiếu trụ trong rổ VN30 có đến 27 mã giảm khi áp lực bán tăng mạnh. Điều này khiến VN-Index đi dưới tham chiếu suốt buổi chiều và chốt phiên ở 1.034,85 điểm, giảm hơn 6 điểm so với hôm qua.

Bảng điện các ngành hầu như ngập trong sắc đỏ, giảm mạnh nhất là nhóm chứng khoán. Tất cả cổ phiếu thanh khoản trăm tỷ đều có thị giá đi lùi so với tham chiếu, giảm mạnh nhất nhóm này là FTS (1,5%) và BSI (-1,4%). Toàn ngành có bốn mã rơi xuống mức sàn gồm CTS, ORS, AGR và VDS. Ngoài ra, các cổ phiếu có vốn hóa lớn như SSI, VND, SHS, VCI, HCM đều đi lùi từ 0,4% so với tham chiếu.

Thanh khoản thị trường hôm nay không biến động mạnh, tăng nhẹ lên hơn 9.400 tỷ đồng. Dòng tiền tiếp tục dồn hẳn về buổi chiều, trong khi thị trường sáng nay luôn ghi nhận giá trị giao dịch nhỏ giọt. Hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 140 tỷ đồng, chủ yếu là các mã VIC, STB, BMP, VNM.

Tất Đạt

Ông Lưu Trung Thái: MB không lo nợ xấu từ khoản vay của Novaland

Chủ tịch HĐQT MB khẳng định không có rủi ro nợ xấu với khoản vay của Novaland vì đã quản lý tài sản đảm bảo, dòng tiền của từng dự án.

Phiên họp cổ đông thường niên của Ngân hàng Quân Đội (MB) được tổ chức sáng nay tại Hà Nội. 2023 được xem là năm chuyển giao của nhà băng này khi CEO Lưu Trung Thái được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị thay ông Lê Hữu Đức xin từ nhiệm vì lý do cá nhân. Phiên họp vì thế cũng kéo dài hơn mọi năm vì giành thời gian tri ân cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, người được MB ví như “một tổng công trình sư” của ngân hàng này.

Gần cuối giờ sáng, phiên họp của MB mới bước vào phần thảo luận, nhưng không vì thế mà “sức nóng” giảm bớt. Các câu hỏi của cổ đông tập trung vào ba nhóm vấn đề chính: nhóm khách hàng lớn Novaland, Hưng Thịnh và Trung Nam; cổ tức, các chỉ tiêu kinh doanh và phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.

“Quy mô cho vay và trái phiếu của Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam là bao nhiêu? Quy mô dự kiến bị chuyển nhóm nợ của nhóm này và định hướng tiếp theo của MB là thế nào”, một cổ đông đặt câu hỏi.

Ông Phạm Như Ánh, Phó tổng giám đốc thường trực của MB cho biết, theo quy định, ngân hàng không thể tiết lộ chi tiết số dư tín dụng với từng khách hàng. Tuy nhiên, với Hưng thịnh, MB không cho vay dự án, không sở hữu trái phiếu, và chỉ cấp tín dụng ở lĩnh vực xây lắp. Novaland là đối tác lớn với nhiều bên, MB là một trong những ngân hàng cho vay và phát hành trái phiếu. Ông Ánh khẳng định, toàn bộ các dự án của Novaland đều được MB quản lý dòng tiền trên tài khoản tới tận nhà thầu và khách hàng.

Với Trung Nam, tín dụng và trái phiếu tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, tới nay vẫn đảm bảo được dòng tiền.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB tại phiên họp thường niên sáng 25/4. Ảnh: MB

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB tại phiên họp thường niên sáng 25/4. Ảnh: MB

Theo ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB, khó khăn không riêng với những doanh nghiệp lớn như Novaland mà toàn ngành bất động sản. Vấn đề lớn nhất hiện nay là vướng mắc pháp lý, không phải là tài chính. Thậm chí có những doanh nghiệp riêng bước mở bán mà thủ tục cũng kéo dài tới vài năm.

Với Novaland, ông Thái khẳng định tổng quy mô cho vay và trái phiếu không đến con số 10.000 tỷ đồng như cổ đông cho biết. “Các dự án bất động sản không riêng Novaland đều có tài sản đảm bảo, sẽ không phát sinh nợ xấu cho năm nay”, ông Thái khẳng định trước các cổ đông.

Tương tự với Trung Nam, Chủ tịch MB cũng khẳng định sẽ không có nợ xấu bởi nhà đầu tư này vẫn thu xếp được tài chính để đảm bảo dòng tiền trả nợ.

Ngoài nhóm khách hàng bất động sản lớn, cổ tức cũng là một tâm điểm được chú ý.

Trong tờ trình gửi cổ đông, MB đề xuất mức cổ tức năm 2022 tỷ lệ 20%, trong đó 5% tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Vốn điều lệ ngân hàng dự kiến tăng thêm hơn 6.800 tỷ đồng. Năm tới, kế hoạch cổ tức khoảng 15%.

Tuy nhiên, các cổ đông đề nghị MB tăng tỷ lệ cổ tức tiền mặt hoặc tăng tổng tỷ lệ cổ tức chi trả năm nay. Đồng thời, cổ đông cũng kiến nghị mức cổ tức kế hoạch năm tới phải tăng lên khi các chỉ tiêu đều đặt cao hơn nhưng riêng tỷ lệ cổ tức lại giảm.

Theo ông Lưu Trung Thái, hàng năm MB vẫn đưa ra kế hoạch cổ tức khoảng 15%, nhưng mức thực tế trả cao hơn, như năm 2020 tỷ lệ cổ tức tới 35% còn năm 2021 là 20%.

“Năm 2023 dự kiến là năm khó khăn hơn, do đó theo tôi phương án này là phù hợp. Ngân hàng giữ lại một chút thặng dư, cái này vẫn tính trong vốn chủ sở hữu, cũng không mất đi đâu cả”, ông Thái nói và đề nghị các cổ đông giữ nguyên mức chi trả cổ tức.

Với phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, Phó tổng giám đốc Phạm Như Ánh cho biết việc này đã được trình và thông qua tại phiên họp thường niên năm trước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được thực hiện do các bước thủ tục kéo dài.

Trong đó, việc thực hiện thủ tục định giá ngân hàng chuyển giao bắt buộc theo quy trình phải mất khoảng 11 tháng. Việc này đã bắt đầu từ tháng 3 năm nay và dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 sẽ hoàn tất. Khi đó, MB mới có thể thực hiện các bước còn lại để nhận chuyển giao.

Năm nay, ban điều hành MB đánh giá bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn. Ngân hàng đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất tăng 15% lên 26.100 tỷ đồng.

Tổng tài sản của MB đến cuối năm 2023 ước tăng 14% lên 830.000 tỷ, trong đó dư nợ tín dụng dự kiến tăng 15%, phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn ước đạt 591.000 tỷ đồng, tăng trưởng phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Minh Sơn

Hòa Phát ngắt mạch thua lỗ

Sau hai quý liền lỗ nặng, Hòa Phát đã bão lãi hợp nhất sau thuế 383 tỷ đồng trong quý đầu năm nay.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát vừa cho biết bức tranh kinh doanh kinh doanh đã được cải thiện trong quý I/2023. Cụ thể, doanh thu của vua thép đạt 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty đã ngắt được mạch thua lỗ 2 quý liền khi ghi nhận lãi sau thuế hợp nhất 383 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực sản xuất thép và các sản phẩm liên quan vẫn là chủ lực, đóng góp 94% vào con số lợi nhuận này.

Hai quý cuối năm ngoái, Hòa Phát lỗ lần lượt 1.786 tỷ và gần 2.000 tỷ đồng do nhu cầu thị trường lao dốc. Hồi tháng 2, công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng dự báo Hòa Phát có thể tiếp tục lỗ trong quý đầu năm nay. Thậm chí tại phiên họp thường niên hồi cuối tháng trước, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long thông tin rằng – kết quả tháng 1, 2 của công ty đều là con số âm, nhưng mức lỗ thấp hơn dự báo của ban điều hành.

Theo Hòa Phát, trong bối cảnh sưc cầu chưa được cải thiện, kết quả đạt được trong quý I/2023 cho thấy bức tranh sản xuất kinh doanh của tập đoàn đã tích cực hơn so với hai quý cuối năm ngoái. Việc quản trị hàng tồn kho, nguyên liệu và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường đã phát huy hiệu quả.

3 tháng đầu năm, công ty sản xuất 1,2 triệu tấn thép thô, giảm 52% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phối thép và HRC đạt 1,37 triệu tấn, giảm 37%.

Các lĩnh vực khác của Hòa Phát gồm nông nghiệp, bất động sản, điện máy gia dụng vẫn tiếp tục phát triển theo định hướng đã đề ra. Với mảng nông nghiệp, công ty cho biết trứng gà Hòa Phát đứng đầu về sản lượng tiêu thụ ở miền Bắc. Mảng bất động sản đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý với các dự án bất động sản đô thị và triển khai mở rộng khu công nghiệp Yên Mỹ II.

Công ty dự báo quý II thị trường vẫn còn khó khăn. Doanh nghiệp của ông Trần Đình Long sẽ tập trung nguồn lực đầu tư dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2, cũng như khôi phục sản lượng sản xuất thép tại Hải Dương và Quảng Ngãi tuỳ theo nhu cầu thị trường, đảm bảo tồn kho hợp lý.

Năm 2023, Hòa Phát dự kiến doanh thu hợp nhất 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 8.000 tỷ đồng. So với thực hiện năm trước, kế hoạch doanh thu năm nay tăng nhẹ 5%, còn lợi nhuận giảm 5%.

Anh Tú

Chủ tịch Đèo Cả: Tỷ suất lợi nhuận của hạ tầng giao thông không thể đột biến

Ông Hồ Minh Hoàng cho biết HHV đạt tỷ suất lợi nhuận 15% là con số khiêm tốn so với ngành bất động sản, song đơn vị vẫn kiên định đầu tư hạ tầng giao thông.

Ngày 24/4, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Mã chứng khoán HHV) – công ty con của Tập đoàn Đèo Cả, tổ chức Đại hội đồng cổ đông trực tuyến thường niên năm 2023.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán trầm lắng, Chủ tịch HHV Hồ Minh Hoàng, chia sẻ hoạt động dịch vụ đầu tư công, không phải dịch vụ thương mại, bất động sản nên không thể tăng trưởng đột biến. Lợi nhuận của HHV được tích lũy từ hoạt động đầu tư, thi công, dịch vụ công đạt 15% là con số rất khiêm tốn so với ngành bất động sản.

“Tôi đã nhận được nhiều lời khuyên cần phát triển đa ngành, đầu tư mạnh vào bất động sản, song HHV vẫn kiên định với ngành hạ tầng giao thông. Chúng tôi dựa vào năng lực, tối ưu sản xuất, thắt chặt từng khâu để đảm bảo hoạt động bền vững”, ông Hoàng nói.

Chủ tịch Đèo Cả khuyên các cổ đông cân nhắc nếu lướt sóng nên thoái vốn, dành phần cho các cổ đông có niềm tin vào những hoạch định lâu dài, bởi “cổ phiếu HHV không phải là Thánh Gióng mà sẽ là thiên lý mã cho những dặm đường xa”. Nội dung này từng được ông nói trong đại hội cổ đông năm trước.

“Khi cổ phiếu HHV xuống thấp, nhiều cổ đông vẫn tin tưởng vào hoạch định của HHV, đánh giá đúng mức nên đến nay đã có lợi nhuận”, ông Hoàng chia sẻ.

Hiện HHV có 30.000 cổ đông và đối tác thân thiết là doanh nghiệp, nhà đầu tư, địa phương nơi có dự án đi qua, các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán. “Các đối tác, cổ đông đã gửi gắm niềm tin nên chúng tôi phải sử dụng hiệu quả dòng tiền, kiểm soát chặt chẽ nội bộ, minh bạch hoá dự án”, ông Hoàng khẳng định.

Theo Chủ tịch HHV, đơn vị kiên trì ứng dụng công nghệ hiện đại để thực hiện các dự án giao thông, quản lý rủi ro để tăng trưởng ổn định; luôn phản biện những cơ chế bất cập, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các bên, tạo ra môi trường “làm thật ăn thật”.

Chủ tịch Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng. Ảnh: Phương Linh

Chủ tịch Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng. Ảnh: Phương Linh

Trước chất vấn của cổ đông về vốn vay chiếm tỷ trọng lớn trong các dự án PPP, trong khi lãi suất ngân hàng đang tăng cao sẽ ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp, ông Hoàng cho biết với các dự án trước đây đã triển khai, đơn vị thường chốt lãi vay ổn định, dưới 11% để đảm bảo lợi nhuận của dự án. Đèo Cả trước đây không có phần vốn của nhà nước hỗ trợ vẫn xoay xở thực hiện các dự án khó khăn như Bắc Giang – Lạng Sơn, nay các dự án đã được ngân sách hỗ trợ 50% sẽ tăng tính khả thi, nên không quan ngại về tăng lãi suất của ngân hàng.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó chủ tịch Đèo Cả cho biết tổng nguồn vốn tăng năm nay dự kiến là 1.500 tỷ đồng, trong đó 800 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, đầu tư tạo giá trị thi công xây lắp, 700 tỷ đồng đầu tư máy móc thiết bị và sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh tín dụng thắt chặt, bổ sung nguồn vốn cho máy móc, bình ổn giá vật liệu là việc cần thiết.

Năm 2022, trong bối cảnh hạ tầng giao thông gặp khó khăn do thiếu nguyên vật liệu, giá tăng cao, HHV đạt doanh thu thuần 2.095 tỷ đồng, tăng hơn 233 tỷ đồng, tương đương 12% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 297 tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2021.

Năm nay, HHV đã trúng 3 gói thầu thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn với tổng giá trị hợp đồng gần 14.500 tỷ đồng. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tham gia đấu thầu thi công xây lắp các dự án đầu tư công và đầu tư PPP, với tổng giá trị dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng.

Thời gian tới, HHV có thể tham gia đầu tư cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hữu Nghị – Chi Lăng với tổng mức đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng.

Đến năm 2025, khi các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam hoàn thành là cơ hội để HHV đấu thầu mảng quản lý vận hành – lĩnh vực. Đơn vị dự kiến tham gia đấu thầu quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên các dự án cao tốc với tổng chiều dài khoảng 545 km, trong đó tập trung vào các đoạn tuyến có hầm đường bộ, cầu lớn.

Anh Duy

Ông trùm nhà xã hội đặt cược vào gói 120.000 tỷ đồng

Địa ốc Hoàng Quân xây dựng chiến lược kinh doanh bám sát mục tiêu sống còn trong năm nay là tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) sáng 22/4, Chủ tịch Trương Anh Tuấn chia sẻ phương án “vượt bão” thời bất động sản đóng băng là chạy nước rút tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng. Các chiến lược kinh doanh cả ngắn và trung hạn lẫn dài hạn của công ty đều liên quan đến gói tín dụng này.

Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã có hướng dẫn về gói vay 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, áp dụng từ khi công bố đến hết ngày 30/6. Theo đó, chủ đầu tư được vay 8,7% mỗi năm, kéo dài 3 năm kể từ ngày giải ngân; còn người mua nhà được áp mức lãi suất 8,2% mỗi năm trong 5 năm.

Ông Tuấn cho hay, rổ hàng của doanh nghiệp đa phần là các dự án nhà ở xã hội đều đã có pháp lý đầy đủ, nhờ đó, HQC và các đơn vị liên kết sẽ được hưởng lợi từ gói tín dụng này. Doanh nghiệp đã làm việc với 5 ngân hàng, hầu hết dự án công ty đầu tư đều được vay vốn, kể cả những dự án đã hoàn thành cũng được tiếp cận tín dụng. Các khách hàng chưa tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng (trước đây) cũng sẽ được tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng (sẽ áp dụng giữa năm 2023). “Cái cần vượt qua lúc này là mong thủ tục pháp lý của Nhà nước ngắn gọn, thông thoáng hơn”, ông Tuấn nói.

Người đứng đầu HQC cho biết điểm mạnh của doanh nghiệp là sở hữu quỹ đất lớn cùng nhiều dự án đã hoàn thiện pháp lý, nhờ đó đi trước các đơn vị trong ngành 2 năm, vì vậy có lợi thế tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sớm. Đến nay, công ty đã hoàn thành 10.000 căn hộ nhà ở xã hội và sẽ đề xuất Chính phủ cho phép làm 50.000 căn nữa.

Phối cảnh dự án nhà ở xã hội Golden City (Tây Ninh) được Công ty Địa ốc Hoàng Quân mua lại năm 2022.

Phối cảnh dự án nhà ở xã hội Golden City (Tây Ninh) được Công ty Địa ốc Hoàng Quân mua lại năm 2022.

Ông Tuấn còn công bố chiến lược bán nhà ở xã hội linh hoạt khi kêu gọi cổ đông giới thiệu khách hàng mua nhà ở xã hội của Hoàng Quân. Theo đó, nếu giao dịch thành công, cổ đông sẽ được nhận hoa hồng bằng 1% giá trị hợp đồng, còn người mua cũng sẽ được giảm 1%, có thể nhận bằng tiền mặt hoặc giảm trực tiếp vào giá bán.

Thừa nhận 8 năm nay HQC đã không đạt kế hoạch kinh doanh, ông Tuấn cho rằng năm 2023 cũng có thể tương tự, thậm chí nếu dựa vào các tiêu chuẩn lập kế hoạch thông thường, công ty có thể lỗ. Tuy nhiên, nhờ vào gói 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội sắp được triển khai, năm 2023 trở thành một năm rất sáng của HQC với tiềm năng từ thương vụ hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư Thành phố Vàng tại dự án nhà ở xã hội HQC Tây Ninh. Ông ước tính, riêng HQC Tây Ninh có thể đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng.

“Nhờ đó, kế hoạch 2023 là có cơ sở, đây là con số tối thiểu với nguồn vốn hiện tại. Doanh thu và lợi nhuận năm nay chắc chắn cao hơn năm 2022”, ông ươc1 tính.

Tuy đánh giá cao gói 120.000 tỷ đồng, Chủ tịch HQC trần tình hiện công ty vẫn gặp không ít thách thức. Đầu tiên là việc tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng đòi hỏi rất nhiều thủ tục từ cả công ty mẹ lẫn công ty thành viên phải chạy nước rút. Kế đến là biên lợi nhuận phát triển nhà ở xã hội khá thấp, chỉ khoảng 10% do giá bán các dự án đã được cố định từ trước trong khi chi phí bán hàng, chi phí vật liệu xây dựng ngày càng tăng cao. Ngoài ra các khó khăn hiện hữu là nợ thuế, thị giá cổ phiếu quá thấp dưới mệnh giá.

Ông Tuấn nhận lỗi còn nợ cổ đông vấn đề thị giá cổ phiếu thấp và cổ tức. Theo ông, giá cổ phiếu HQC đang rẻ hơn giá trị sổ sách. Tuy nhiên, với gói 120.000 tỷ đồng, HQC sẽ có dòng tiền mạnh giúp công ty thu hồi vốn đầu tư. Do đó, sang năm, giá trị sổ sách chắc chắn sẽ tăng, giúp cổ phiếu về mệnh giá 10.000 đồng một cổ phần.

Năm nay doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế năm 2023 đạt lần lượt 1.700 tỷ đồng và 140 tỷ đồng, gấp 5,1 lần và 7,4 lần kết quả năm 2022. Dự báo thị trường bất động sản vẫn đầy khó khăn nhưng nhờ các chính sách ủng hộ phát triển nhà ở xã hội (gói 120.000 tỷ đồng) giúp doanh nghiệp dự phóng mục tiêu kinh doanh tích cực với thế mạnh có sẵn về phân khúc sở trường nhà giá thấp. Công ty dự kiến chú trọng đẩy mạnh tìm kiếm thêm dự án mới, tiếp tục phát triển và hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công dân đang triển khai.

Trung Tín