Chứng khoán

Chứng khoán rung lắc mạnh

VN-Index diễn biến tích cực buổi sáng nhưng nhanh chóng giảm điểm trong buổi chiều và rung lắc mạnh trước áp lực bán lớn.

Dòng tiền tích cực vào mạnh ngay đầu phiên giao dịch ở hầu hết nhóm ngành, giúp VN-Index tăng gần 5 điểm trong 30 phút đầu. Sau đó, chỉ số này lùi dần, rồi lại bật tăng lên. Cuối buổi sáng, VN-Index giằng co quanh 1.058 điểm. Sang buổi chiều, lực bán được kích hoạt khiến chỉ số đại diện sàn TP HCM lùi hẳn 4-5 điểm. Thị trường rung lắc mạnh, có lúc về dưới tham chiếu rồi lại trồi lên. VN-Index chốt phiên ở 1.053,77 điểm, tăng nhẹ hơn 0,3 điểm so với hôm qua.

Toàn sàn HoSE có 214 cổ phiếu tăng, 163 cổ phiếu giảm. Tăng điểm nhiều nhất là các mã thuộc ngành năng lượng, nguyên vật liệu, nhưng nhóm dẫn dắt thị trường lại là tài chính. Theo VNDirect, 7 cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất thị trường đều thuộc ba nhóm ngành trên, dẫn đầu là BID, GAS và HPG.




VN-Index có ba thời điểm về dưới tham chiếu trong phiên chiều. Ảnh: VNDirect

VN-Index có ba thời điểm về dưới tham chiếu trong phiên chiều. Ảnh: VNDirect

Cổ phiếu thép hôm nay đa phần tăng giá, một số mã có thanh khoản rất cao nên đóng góp tích cực cho thị trường chung. HPG là cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất sàn HoSE, thị giá tăng 0,2%. Các mã lớn trong ngành cũng có diễn biến tốt như HSG tăng 0,35% so với tham chiếu, NKG tích lũy thêm 0,55%.

Dòng tiền hôm nay đổ nhiều vào nhóm tài chính. Trong đó, bảng điện nhóm chứng khoán không đều màu, đa phần mã có vốn hóa lớn mang sắc đỏ, chỉ những mã trung bình – nhỏ mới tăng thị giá. Sau bốn phiên tăng liên tiếp, thị giá VIX tiếp tục đạt mức trần 9.410 đồng, thanh khoản cũng ở mức lớn, hơn 246 tỷ đồng.

Ở nhóm ngân hàng, các mã tăng giá hôm nay gồm STB, LPB, MBB, CTG, TPB, CTG… nhưng biên độ nhỏ, không quá 0,4%. Ở chiều ngược lại, ngành này ghi nhận 7 mã giảm thị giá nhẹ từ 0,05-0,1% so với tham chiếu, riêng VCB mạnh nhất khi mất 0,7%.

Thanh khoản sàn HoSE giảm hơn 13% về khoảng 9.300 tỷ đồng, dòng tiền có xu hướng tìm đến cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ. Khối ngoại đã có 4 phiên bán ròng liên tiếp. Nhóm này hôm nay mua vào hơn 650 tỷ đồng và bán ra khoảng 880 tỷ đồng. Lệnh bán chủ yếu ở các mã CTG, KBC, NLG.

Tất Đạt

Chứng khoán tăng mạnh nhất một tháng

VN-Index chốt phiên đầu tuần tại 1.053 điểm, tăng 13 điểm so với tham chiếu và đánh dấu phiên tăng mạnh nhất từ đầu tháng 4.

Trước phiên giao dịch hôm nay, không nhiều công ty chứng khóan dự đoán VN-Index sẽ tăng mạnh trong bối cảnh dòng tiền có dấu hiệu rút khỏi các mã vốn hóa lớn bởi triển vọng kinh doanh kém khả quan. Ví dụ, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định xu hướng ngắn hạn vẫn là giảm điểm và khuyến nghị nhà đầu tư tạm thời dừng mua mới để quan sát thị trường thêm vài phiên.

Thực tế VN-Index hôm nay diễn biến ngược lại với phần lớn dự đoán, thể hiện qua sắc xanh bao trùm thị trường từ lúc mở cửa đến hết phiên. Càng về cuối phiên, tâm lý hưng phấn càng dâng lên giúp chỉ số đại diện cho sàn TP HCM nới rộng biên độ tăng, chốt phiên tăng 13 điểm.

Số lượng cổ phiếu tăng lúc đóng cửa là 255 mã, gần gấp đôi lượng cổ phiếu giảm. Một số nhóm ngành như dầu khí, chứng khoán không ghi nhận cổ phiếu nào giảm điểm.

VCB – cổ phiếu đứng đầu về vốn hóa thị trường – đóng góp nhiều nhất cho phiên tăng hôm nay khi tích lũy 3,6% so với tham chiếu, lên 93.000 đồng. Các mã ngân hàng thuộc rổ VN30 như BID, TCB, STB cũng góp phần lớn vào trạng thái hưng phấn của VN-Index. Ở chiều ngược lại, NVL là cổ phiếu kìm đà tăng của VN-Index khi đối mặt áp lực bán mạnh khiến thị giá mất gần 5%, thủng vùng giá 13.000 đồng.

Thanh khoản thị trường đạt gần 10.800 tỷ đồng, tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với phiên trước. Nhóm tài chính – ngân hàng vẫn hút được nhiều tiền nhất với hơn 3.000 tỷ đồng. Tính riêng cổ phiếu thì SSI dẫn đầu giá trị khớp lệnh với 630 tỷ đồng; tiếp đến là ba cổ phiếu bất động sản gồm DIG, NVL và DXG.

Thị trường đi lên nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa chấm dứt mạch bán ròng ba phiên liên tiếp. Nhóm này hôm nay mua vào 750 tỷ đồng và bán ra xấp xỉ 770 tỷ đồng. Lực bán chủ yếu xuất hiện ở các mã ngân hàng như CTG, STB, SHB.

Phương Đông

Cổ phiếu Vietnam Airlines vào diện kiểm soát

Hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines sẽ bị chuyển diện cảnh báo sang kiểm soát từ ngày 12/5.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đưa ra quyết định này bởi Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.

Hồi cuối tháng 3, Vietnam Airlines cũng từng xin Uỷ ban Chứng khoán, HoSE được chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022. Tuy nhiên, cơ quan quản lý đã không chấp thuận đề nghị này.

Giải trình với HoSE về việc chậm công bố thông tin hôm 5/5, Vietnam Airlines nói đang tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp, ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp.

Theo hãng bay này, đơn vị kiểm toán cũng cần thêm thời gian để thu thập, đối chiếu và đánh giá toàn diện các thông tin liên quan để có thể hoàn thành kiểm toán báo cáo tài chính. Vietnam Airlines khẳng định đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị kiểm toán để công bố báo cáo tài chính trong thời gian sớm nhất.

Theo quy định hiện hành, nếu Vietnam Airlines tiếp tục trễ hẹn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm ngoái 45 ngày, cổ phiếu HVN sẽ bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Hồi tháng 2, HoSE đã cảnh báo nguy cơ huỷ niêm yết cổ phiếu HVN nếu lãi sau thuế công ty mẹ Vietnam Airlines âm tại báo cáo kiểm toán 2022. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm hơn 10.450 tỷ đồng. Đến hết 31/12, lợi nhuận luỹ kế của cổ đông công ty mẹ âm xấp xỉ 34.200 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng bay này âm 10.199 tỷ đồng.

Anh Tú

Chứng khoán chịu áp lực bán lớn

Sau một ngày tăng điểm, VN-Index chịu áp lực xả hàng gần như cả ngày, khiến chỉ số này lùi lại vùng 1.040 điểm.

Hôm nay thị trường thế giới diễn biến kém tích cực sau đợt tăng lãi suất thứ 10 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Chứng khoán Việt Nam phần nào chịu ảnh hưởng điều chỉnh với tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.

VN-Index nhanh chóng lùi dưới tham chiếu ngay những phút đầu giao dịch. Thanh khoản ở chiều bán chủ động tăng ở hầu hết ngành. Thị trường không biến động nhiều cho đến buổi chiều, lực cầu xuất hiện dần giúp VN-Index thu hẹp đà giảm. Tuy nhiên vào cuối buổi, áp lực bán trở lại chiếm ưu thế hơn khiến chỉ số đại diện sàn TP HCM chốt phiên mất hơn 8,5 điểm về khoảng 1.040,6 điểm.

Toàn sàn HoSE ghi nhận 247 mã giảm, chỉ 143 mã tăng. Nhóm cổ phiếu trụ thuộc rổ VN30 cũng chủ yếu giảm điểm với 21 mã đi lùi so với tham chiếu.

Cổ phiếu ngân hàng hôm nay đậm sắc đỏ. Loạt mã có thanh khoản lớn giảm từ 0,6-1,8% gồm STB, VPB, SHB và MBB. Ngoài ra, các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng mất điểm mạnh như VCB giảm 2,2% so với tham chiếu và CTG mất 2,1%. Theo VNDirect, VCB là mã góp mức giảm nhiều nhất thị trường. Còn lại đa số giảm hơn 1% so với hôm qua.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán lại diễn biến tích cực hơn hẳn. Ngành này có 4 mã tím trần gồm APS, API, AGR và VIX. Trong đó, VIX có thanh khoản lớn thứ 6 toàn sàn HoSE. Ngoài ra, thị trường ghi nhận nhiều mã có giá trị giao dịch cao và tăng giá mạnh gồm VCI, HCM, SHS.

Thanh khoản thị trường không biến động nhiều so với hôm qua, tăng nhẹ lên gần 10.500 tỷ đồng. Nhà đầu tư ngoại quay lại bán ròng hơn 300 tỷ đồng. Nhóm này chủ yếu xả hàng ở các mã VNM, CTG, STB.

Tất Đạt

Nhà đầu tư ngoại rót tiền vào chứng khoán ít nhất 12 tháng

Khối ngoại giải ngân chưa đến 20.000 tỷ đồng vào chứng khoán Việt Nam trong tháng 4, bằng một nửa những tháng cao điểm năm ngoái và là mức thấp nhất 12 tháng qua.

Nhà đầu tư nước ngoài giải ngân hơn 17.800 tỷ đồng vào các cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền niêm yết trên sàn TP HCM; trong khi đó, giá trị bán ra xấp xỉ 20.600 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa khối ngoại đã rút gần 2.800 tỷ ra khỏi thị trường.

Cổ phiếu Sacombank chịu áp lực xả hàng mạnh nhất với giá trị bán ròng hơn 1.100 tỷ đồng. Tiếp đến là các mã trụ của từng ngành như VND (chứng khóan), VNM (hàng tiêu dùng), DGC (hóa chất). Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Hòa Phát hút mạnh dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài với giá trị mua ròng gần 700 tỷ đồng.

Trên sàn Hà Nội, khối ngoại giải ngân chưa đến 300 tỷ đồng, không bằng phân nửa tháng trước. Diễn biến trên sàn UPCoM cũng sẽ tương tự nếu không xuất hiện giao dịch đột biến hơn 1.300 tỷ đồng tại cổ phiếu Công ty Sữa Quốc Tế (IDP). Đây là lệnh mua 5,3 triệu cổ phiếu, tương đương 8,99% vốn IDP được thực hiện bởi quỹ Daytona Investments Pte. Ltd của Singapore.

Theo đánh giá của nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, sau giai đoạn mua ròng quyết liệt trong hai tháng cuối năm ngoái và đầu năm, dòng vốn nước ngoài đang rút dần để tìm đến các thị trường trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ.

Dù vậy, việc xu hướng dòng tiền đảo chiều từ mua ròng thành bán ròng vẫn chưa được xác nhận. Bởi theo dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, tính chung 4 tháng đầu năm, khối ngoại vẫn duy trì trạng thái mua ròng hơn 3.000 tỷ đồng khi giải ngân tổng cộng 93.500 tỷ đồng và bán ra hơn 90.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo phân tích cuối tháng 4, ông Michael Kokalari – chuyên gia Kinh tế trưởng quỹ đầu tư VinaCapital – nói rằng “được khích lệ khi thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng từ đầu năm”. Ông cho rằng không ít nhà đầu tư ngoại nhận ra cơ hội hấp dẫn để tích lũy cổ phiếu trong lúc VN-Index giao dịch ở mức định giá thấp nhất 10 năm qua.

Ông Michael dự đoán tăng trưởng GDP có thể hồi phục từ nửa cuối năm nay khi Chính phủ nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó cụ thể nhất là giảm thuế và lãi suất. Quan sát diễn biến thị trường trong những giai đoạn trước, ông cho rằng chứng khoán thường có xu hướng đi lên trước khi kinh tế phục hồi. Do đó, tôi tin rằng bây giờ có thể là thời điểm lý tưởng để nhà đầu tư chọn lọc mua cổ phiếu Việt Nam”, ông nói.

Phương Đông

Công ty Bầu Đức thu 8 tỷ đồng một ngày từ bán chuối

Giá chuối và sản lượng tăng giúp Hoàng Anh Gia Lai đạt 710 tỷ đồng doanh thu từ trái cây trong quý I, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông tin trên vừa được Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) công bố trong báo cáo quý I năm nay. Theo đó, hết quý, công ty đạt doanh thu thuần gần 1.697 tỷ đồng, lãi sau thuế 303 tỷ đồng, lần lượt tăng 111% và 18% so với cùng kỳ năm trước.

Trong cơ cấu doanh thu, ngành chăn nuôi đem lại cho Hoàng Anh Gia Lai 563 tỷ đồng và 424 tỷ đồng đến từ ngành phụ trợ. Nguồn thu lớn nhất đến từ kinh doanh trái cây với 710 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trung bình, công ty bán heo thu 6,25 tỷ đồng một ngày, bán chuối thu gần 8 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí bán hàng của công ty tăng 13% lên 59 tỷ đồng, chi phí quản lý cũng lên 37 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do trong quý 1/2022 tập đoàn đã hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu, song khoản này không phát sinh trong cùng kỳ 2023.

Với hoạt động tài chính, doanh thu quý 1 giảm 27% còn 141 tỷ đồng do công ty giảm lãi thanh lý khoản đầu tư vào nhóm công ty HNG, khoản này không phát sinh trong quý 1 năm nay. Tương tự, chi phí tài chính cũng giảm 22% về còn 146 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/3, quy mô tổng tài sản của HAG đạt 20.580 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với đầu năm; hàng tồn kho giảm 15% về còn 981 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế cuối quý 1 còn hơn 3.050 tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông, công ty đã thông qua mục tiêu doanh thu thuần 5.120 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.130 tỷ đồng. Như vậy, công ty hoàn thành 33% chỉ tiêu doanh thu và 27% chỉ tiêu lợi nhuận sau 3 tháng đầu năm.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Đoàn Nguyên Đức cho biết, đang tái cơ cấu lại BAPI Hoàng Anh Gia Lai để thịt heo sạch phổ biến hơn trong cộng đồng. Công ty tập trung vào ba trụ cột chính là trồng chuối, sầu riêng và nuôi heo. Trong đó, năm nay sẽ có hàng trăm ha sầu riêng cho thu hoạch bói. Hiện, công ty có khoảng 1.000 ha sầu riêng và 2024 sẽ cho thu hoạch thương mại. Vài năm tới, sầu riêng sẽ mang lại lợi nhuận tốt cho HAG khi giá thành sản xuất dưới 20.000 đồng một kg.

Thi Hà

Chứng khoán biến động mạnh trước nghỉ lễ

Số lượng cổ phiếu tăng gấp đôi cổ phiếu giảm giúp VN-Index tích lũy gần 10 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất ba tuần qua.

Trước phiên giao dịch hôm nay, một số công ty chứng khoán nhận định VN-Index sẽ giằng co trong biên độ hẹp hoặc giảm mạnh bởi tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ lễ dài. Những nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ chính sách vĩ mô như tháo gỡ vướng mắc cho dự án bất động sản, cơ cấu thời hạn trả nợ được dự báo chấm dứt đà tăng khi nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận.

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM tăng vọt ngay lúc mở cửa và duy trì sắc xanh đến hết phiên. VN-Index đóng cửa tại 1.049 điểm, tăng gần 10 điểm so với tham chiếu.

Số lượng cổ phiếu tăng gấp đôi cổ phiếu giảm, lần lượt là 250 mã và 126 mã. Phân theo nhóm ngành thì bất động sản và chứng khoán có trạng thái hưng phấn nhất khi hầu hết cổ phiếu thành phần tăng trên 2%, một số còn chạm trần và không có bên bán. Tính riêng từng mã thì hai cổ phiếu “họ Vin” gồm VHM và VIC lần lượt tăng 4,2% và 3,2%, đóng vai trò đầu tàu giúp thị trường có phiên tăng mạnh nhất trong ba tuần trở lại đây. Một số mã ngân hàng như VPB, CTG, TPB cũng tác động tích cực đến chỉ số.

Thanh khoản thị trường hôm nay xấp xỉ 10.300 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với hôm qua. DIG dẫn đầu về giá trị khớp lệnh với gần 630 tỷ đồng; tiếp đến là SSI, HPG, DXG và NVL.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng giải ngân mạnh vào các mã vốn hóa lớn. Tổng giá trị nhóm này mua vào đạt hơn 1.000 tỷ đồng, trong khi bán ra chưa đến 900 tỷ đồng. MWG, VNM và SSI hút nhiều tiền của khối ngoại nhất.

So với cuối tháng trước, VN-Index giảm 15 điểm trên nền thanh khoản thấp. Trong tháng, chỉ số có thời điểm tiệm cận vùng 1.100 điểm nhưng sau đó đối diện áp lực bán mạnh về sát 1.030 điểm. Vốn hóa sàn TP HCM còn 4,16 triệu tỷ đồng. VCB vẫn dẫn đầu về vốn hóa thị trường với hơn 428.000 tỷ đồng, gần bằng hai cổ phiếu đứng sau là BID và VHM cộng lại.

Phương Đông

Bà Phạm Minh Hương thôi làm Chủ tịch VNDirect

Bà Phạm Minh Hương thôi làm Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán VNDirect từ 26/4, thay vào đó giữ chức tổng giám đốc.

Bà Hương, sinh năm 1966, bắt đầu giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc VNDirect từ năm 2006. Từ 2010 đến nay, bà luôn là chủ tịch nhưng không thường xuyên giữ chức tổng giám đốc. Nhiệm kỳ chủ tịch mới nhất của bà bắt đầu hồi tháng 4/2022.

Bà Phạm Minh Hương. Ảnh: Website VNDirect

Bà Phạm Minh Hương. Ảnh: Website VNDirect

VNDirect hôm qua đã miễn nhiệm chức danh quyền tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Vũ Long, sau đó bổ nhiệm ông vào vị trí chủ tịch HĐQT do bà Hương để lại.

“Việc thay đổi người giữ chức danh chủ tịch và tổng giám đốc là để công ty không còn duy trì chức danh quyền tổng giám đốc, kiện toàn các điều kiện pháp lý theo đúng quy định của pháp luật”, thông cáo báo chí của VNDirect cho hay.

Sau cơ cấu chức danh, VNDirect có 3 người đại diện pháp luật gồm bà Hương, ông Long và Giám đốc tài chính Vũ Nam Hương.

VNDirect hiện là công ty đứng thứ ba về thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn TP HCM với 7,88% (theo số liệu cả năm 2022). Năm ngoái, công ty này ghi nhận lãi trước thuế đạt 1.728 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ 2021 và hoàn thành chưa đến phân nửa kế hoạch đề ra ban đầu.

Ban lãnh đạo VNDirect dự tính năm nay lãi trước thuế 2.000 tỷ đồng, tăng 16% dựa trên kịch bản nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán chia thành hai nửa khác nhau. Nửa đầu tiên là 6 tháng đầu năm với “đà tăng khá mỏng manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu đáo hạn vẫn còn đó”. Công ty kỳ vọng nửa cuối năm thị trường khởi sắc hơn khi lạm pháp toàn cầu đạt đỉnh, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng tốt.

Phương Đông

Chứng khoán quay đầu giảm

Sau phiên tăng hôm qua, VN-Index hôm nay rung lắc liên tục khi thị trường phân hóa mạnh, lực bán buổi chiều ghì chỉ số này giảm dưới mốc 1.040 điểm.

Trong buổi sáng, chỉ số đại diện sàn giao dịch TP HCM mở cửa với nhiều biến động, sau đó nhanh chóng tăng lên hơn 1.044 điểm. Áp lực bán xuất hiện, nhất là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, khiến VN-Index dần lùi về dưới tham chiếu.

Sang buổi chiều, dòng tiền đổ vào nhóm bất động sản tăng lên khiến chỉ số này có xu hướng phục hồi. Nhưng trợ lực đó không thể giúp VN-Index vượt tham chiếu và phải đóng cửa ở 1.039,6 điểm, giảm hơn một điểm so với hôm qua.

Tuy giảm điểm, số lượng cổ phiếu tăng vẫn cao hơn số cổ phiếu giảm, lần lượt là 206 mã và 175 mã. Ngay cả với nhóm 16 mã có thanh khoản trăm tỷ, chiếm hơn 43% tổng giao dịch toàn sàn, số lượng cổ phiếu tăng cũng nhiều hơn.

VN-Index hôm nay giằng co quanh mốc 1.040 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index hôm nay giằng co quanh mốc 1.040 điểm. Ảnh: VNDirect

Hôm nay, cổ phiếu bất động sản dẫn dắt thị trường với nhiều mã “dậy sóng”. Năm cổ phiếu có thanh khoản cao nhất ngành đều tăng giá, mạnh nhất là DXG khi tích lũy thêm 4,8% và DIG tăng 3,6%. Đây cũng là hai mã có giá trị giao dịch lớn nhất sàn HoSE.

Ngoài ra, các cổ phiếu như PDR, NDN, SCR đều tăng từ 4,1-5% so với tham chiếu. Hôm nay toàn ngành còn có ba mã tím trần gồm PTN, ITC và NTL nhưng thanh khoản nhỏ giọt.

Ở chiều ngược lại, hơn 20 cổ phiếu bất động sản mang sắc đỏ, chủ yếu là nhóm vốn hóa nhỏ. Tuy nhiên các mã “họ Vin” cũng điểm danh trong nhóm này gồm VIC, VRE và VHM với biên độ giảm từ 1-2,7%. Theo VNDirect, VIC là mã góp mức giảm nhiều nhất cho toàn thị trường.

Thị trường giằng co khi tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định. Điều này thể hiện ở thanh khoản hôm nay giảm mạnh gần 30%, về hơn 8.100 tỷ đồng. Khối ngoại giao dịch thận trọng khi dòng tiền rót vào giảm hơn 80% so với hôm qua. Nhà đầu tư nước ngoài quay lại bán ròng hơn 260 tỷ đồng, chủ yếu là các mã VIC, VHM, VNM, WSB.

Tất Đạt

Hoàng Anh Gia Lai Agrico dự tính lỗ 2.300 tỷ đồng năm nay

Đặt kế hoạch lỗ năm thứ ba liên tiếp, cổ đông Hoàng Anh Gia Lai Agrico lo ngại hơn 1,1 tỷ cổ phiếu HNG có nguy cơ bị hủy niêm yết.

Hai tuần trước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa chuyển cổ phiếu HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) từ diện cảnh báo sang kiểm soát. Nguyên nhân là lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2021 và 2022 lần lượt -1.119 tỷ đồng và -3.576 tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông sáng 27/4, công ty này tiếp tục đặt kế hoạch doanh thu thuần 1.282 tỷ đồng, lỗ thuần 437 tỷ đồng và lỗ trước thuế 2.316 tỷ đồng.

Năm nay, kế hoạch kinh doanh của HNG tập trung nguồn thu từ cây ăn trái và cao su, dự kiến chuối đạt 65.392 tấn, dứa hơn 61.000 tấn, xoài gần 1.200 tấn, bưởi trên 1.100 tấn; cao su là hơn 10.300 tấn.

Với hoạt động đầu tư, công ty dành 746 tỷ đồng để sản xuất chăn nuôi bò, 782 tỷ đồng cho trồng trọt, 48 tỷ đồng đầu tư hoàn thiện sân bay Nong Khang.

Năm ngoái, công ty này ghi nhận doanh thu 742 tỷ đồng, tương đương 40% kế hoạch đề ra, lỗ trước thuế 3.576 tỷ đồng, tăng vọt so với mục tiêu đề ra.

Với kế hoạch lỗ năm thứ 3 liên tiếp, cổ đông HNG lo ngại khả năng hơn 1,1 tỷ cổ phiếu HNG sẽ bị hủy niêm yết đầu năm 2024 (sau khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023).

Dù đang cơ cấu và đầu tư bài bản nhưng phía HAGL Agrico cho rằng kinh doanh nông nghiệp gặp khá nhiều rủi ro đầu ra và ảnh hưởng bởi khí hậu, thiên tai. Năm ngoái, công ty này đã chịu tới 2.141 tỷ đồng cho chi phí xóa sổ vườn cây.

Trong văn bản giải trình mới đây, doanh nghiệp cho rằng từ 2021-2022, thế giới đối diện với những thách thức về dịch bệnh Covid-19, đứt gãy nguồn cung ứng và lạm phát tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong đó, giá các loại vật tư nông nghiệp, phân bón, bao bì đóng gói và cước phí vận chuyển tăng cao. Chính phủ Trung Quốc siết chặt việc kiểm soát hàng hóa nhập khẩu để phòng chống dịch, thời gian thông quan tại các cảng kéo dài làm tăng chi phí và giảm chất lượng trái cây.

Bên cạnh đó, chính phủ Lào quy định giãn cách để phòng chống dịch Covid-19 nên các nông trường thiếu công nhân làm cho các vườn cây thiếu chăm sóc, tăng dịch bệnh, bỏ hơn 30% sản lượng trái cây không thu hoạch kịp thời. Ngoài ra, tình hình mưa lũ gây ngập lụt, đổ ngã làm thiệt hại một số vườn cây thuộc dự án của công ty. Những khó khăn trên đã khiến HNG lỗ hai năm liên tiếp.

Với khoản nợ liên quan đến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Chủ tịch Trần Bá Dương cho hay năm nay sẽ trả 500 tỷ cho Hoàng Anh Gia Lai theo cam kết ba bên. Số còn lại sẽ được tất toán trong năm 2024.

Trước đó, HNG đã trả nợ đợt 1 cho HAG số tiền 600 tỷ đồng và nhận lại quyền sử dụng đất diện tích 9.470 ha và các tài sản thuộc sở hữu Công ty TNHH Hoàng Anh Andoung Meas.

Thi Hà