Chứng khoán

Hòa Phát khớp lệnh gần 100 triệu cổ phiếu

HPG nối dài mạch tăng bốn phiên liền, đóng cửa hôm nay tại 15.100 đồng và khớp lệnh gần 100 triệu cổ phiếu – mức thanh khoản lớn nhất trong lịch sử niêm yết của Hòa Phát.

Cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát có phần lớn thời gian giao dịch tại giá trần 15.200 đồng, nhưng lúc chốt phiên lại thu hẹp biên độ còn 6%. Cổ phiếu này đã hồi phục gần 26% chỉ sau bốn phiên, kéo theo vốn hoá thị trường biến động mạnh so với đầu tuần lên mức 87.800 tỷ đồng.

Với 99,65 triệu cổ phiếu được sang tay, đây là phiên có thanh khoản lớn nhất trong lịch sử niêm yết của Hòa Phát và xô đổ kỷ lục 81,5 triệu cổ phiếu mới xác lập đầu tháng này. Giá trị giao dịch cổ phiếu HPG hôm nay xấp xỉ 1.500 tỷ đồng, chiếm gần 11% giao dịch của sàn chứng khoán TP HCM và gần bằng ba cổ phiếu xếp sau là SBT, SSI và DGC cộng lại.

Không riêng Hòa Phát mà cổ phiếu của những doanh nghiệp ngành thép khác như Nam Kim (NKG), Hoa Sen (HSG), Pomina (POM), Tiến Lên (TLH) đều diễn biến hưng phấn trong phiên cuối tuần khi tăng không dưới 4,5% so với tham chiếu.

Đà hồi phục của Hòa Phát đang đóng góp lớn cho diễn biến thị trường chung. VN-Index hôm nay có thời điểm giảm gần 30 điểm, sau đó thu hẹp dần biên độ và đóng cửa trong sắc xanh. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM tăng không đáng kể nhưng duy trì được mạch đi lên phiên thứ ba liên tiếp, đồng thời giúp nhà đầu tư củng cố niềm tin về khả năng tạo đáy sau đợt điều chỉnh mạnh kéo dài từ đầu tháng 4 đến nay.

Bên cạnh Hòa Phát, cổ phiếu của Vingroup (VIC), Tập đoàn Công nghiệp cao su (GVR) và Vinamilk (VNM) cũng tác động tích cực đến VN-Index.

Ở chiều ngược lại, GAS là cổ phiếu nhấn thị trường xuống khi mất 4,5%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất từ đầu tháng 10 đến nay. Hai cổ phiếu vốn hoá lớn ngành bất động sản là NVL và PDR vẫn chưa cắt đứt chuỗi bán mạnh khi cùng giảm sàn, lần lượt dư bán 52,7 triệu cổ phiếu và 109 triệu cổ phiếu.

Sàn TP HCM ghi nhận khối lượng giao dịch cả phiên đạt 960 triệu cổ phiếu, tương ứng 13.700 tỷ đồng. Con số này tăng hơn 2.300 tỷ đồng so với phiên hôm qua. Nhà đầu tư nước ngoài đứt chuỗi mua ròng chín phiên liên tiếp khi giá trị mua đạt 2.190 tỷ đồng, còn bán ra gần 2.220 tỷ đồng.

Phương Đông

Chứng khoán phục hồi mạnh hai phiên liên tiếp

VN-Index chốt phiên hôm nay tăng 26 điểm, lên sát vùng 970 điểm nhờ lực cầu bắt đáy các cổ phiếu đã điều chỉnh sâu trong đợt giảm mạnh vừa qua.

Sau khi áp lực bán giải chấp được hấp thụ trong phiên hôm qua, nhiều nhóm phân tích cho rằng chứng khoán đã lấy lại sự hấp dẫn khi mặt bằng giá cổ phiếu phù hợp với chiến lược đầu tư dài hạn. Điều này kích thích nhà đầu tư tiếp tục giải ngân vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt nhưng chiết khấu mạnh trong đợt điều chỉnh mới đây.

Trong phiên hôm nay, hàng loạt cổ phiếu vốn hoá lớn lẫn nhỏ được mua mạnh và tăng hết biên độ từ lúc mở cửa. Sàn TP HCM đóng cửa với 397 mã tăng, trong đó 76 cổ phiếu chạm giá trần.

Ba cổ phiếu liên quan đến Tập đoàn Vingroup gồm VIC, VRE, VHM đều nằm trong danh sách tác động tích cực nhất đến VN-Index khi tăng 6,8-7%. Những trụ cột khác trong rổ VN30 như HPG, GVR, MSN, STB cũng giao dịch hưng phấn với mức tăng không dưới 6,5%.

Chỉ số đại diện cho sàn chứng khoán TP HCM nhờ đó duy trì sắc xanh suốt phiên, không ngừng nới rộng biên độ tăng trước khi đóng cửa sát mốc 970 điểm. Tích luỹ hơn 26 điểm trong phiên hôm nay đưa chỉ số tiến lên sát vùng giá cách đây một tuần, đồng thời tạo khoảng cách đáng kể so với ngưỡng hỗ trợ tâm lý 900 điểm.

Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận nhiều cổ phiếu chưa thoát khỏi áp lực bán giải chấp và mất thanh khoản. Điển hình như NVL của Novaland có phiên giảm sàn thứ 11 liên tiếp, đưa giá về 31.400 đồng và dư bán giá sàn gần 48 triệu cổ phiếu. Diễn biến giá cổ phiếu của Công ty Bất động sản Phát Đạt (PDR) còn xấu hơn khi đã không tăng 22 phiên liên tiếp, trong đó 10 phiên gần nhất đều chạm sàn và dư bán hơn 100 triệu cổ phiếu.

Hôm nay, sàn TP HCM có hơn 724 triệu cổ phiếu được sang tay, tương ứng giá trị 11.400 tỷ đồng. Dòng tiền vẫn tập trung nhiều nhất ở nhóm tài chính – ngân hàng với hơn 4.000 tỷ đồng. Nhiều cổ phiếu bất động sản vốn hoá vừa và nhỏ như DIG, DXG, HDC, NLD, HDG đón lực cầu bắt đáy giúp nhóm này đứng thứ hai trong danh sách thu hút dòng tiền với hơn 1.400 tỷ đồng.

Tính riêng từng cổ phiếu thì EIB của Eximbank có giá trị giao dịch lớn nhất với 928 tỷ đồng, dù mã này vừa nối dài chuỗi giảm sàn 7 phiên liên tiếp. STB, SSI, VIC và HPG xếp tiếp theo với giá trị khớp lệnh mỗi mã dao động 300-600 tỷ đồng.

Trong bối cảnh vẫn còn nhiều hoài nghi về sự hồi phục của thị trường, động thái mua ròng phiên thứ chín của khối ngoại được các công ty chứng khoán đánh giá là liều thuốc trấn an nhà đầu tư trong nước. Khối ngoại hôm nay giải ngân 2.900 tỷ đồng, gấp đôi giá trị bán ra. Các cổ phiếu vốn hoá lớn vừa trải qua giai đoạn biến động mạnh như STB, HPG, KDH được nhóm này gom nhiều nhất.

Phương Đông

Rót tiền tỷ dò đáy cổ phiếu

Ngọc Sương, môi giới tại một công ty chứng khoán vốn Hàn Quốc, cho biết khách hàng “cá mập” của cô vừa giải ngân 2 tỷ đồng sau nửa năm đứng ngoài thị trường.

Sương kể, khách này im hơi lặng tiếng từ lúc cắt lỗ hồi tháng 6 và hẹn bao giờ thị trường dưới 900 điểm mới quay lại. Trong những đợt tăng ngắn hạn, cô nhiều lần thuyết phục đón sóng nhưng hầu hết không có hồi âm. Cuối tháng trước, khi chỉ số vừa thủng mốc 1.000 điểm, khách chủ động liên lạc để thăm dò thông tin nhiều cổ phiếu và chuyển sẵn tiền vào tài khoản chứng khoán.

“Lúc thị trường xuống 875 điểm rồi quay ngoắt tăng vọt trong sáng qua, anh ấy bảo tôi ‘đáy rồi’ và lập tức khớp lệnh hai mã VN30″, Sương nói.

Không riêng người này mà nhiều nhà đầu tư trong “room vip” (nhóm trò chuyện giữa các nhà đầu tư) của Sương cũng rục rịch giao dịch sau nhiều tháng đóng băng. Dù vậy, phần đông còn khá thận trọng nên tỷ lệ giải ngân không quá nửa tiền mặt hiện hữu và có tâm lý chờ mua thêm nếu giảm trở lại.

Ông Hoàng (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) canh mua cổ phiếu của một công ty xây dựng từ đầu tuần trước khi mã này xuống mức thấp nhất từ giữa 2020, đồng thời về dưới mệnh giá. Ông cho biết đã phân tích nhiều yếu tố trước khi xuống tiền tỷ giữa đợt điều chỉnh mạnh nhất đầu năm đến nay. Ông ví dụ, chưa xét giá trị trúng thầu, kế hoạch phát triển ra nước ngoài hay vị thế của doanh nghiệp mà chỉ nhìn vào việc một tổ chức Nhật Bản tháng trước chấp nhận mua cổ phiếu này với giá 32.500 đồng thì mức hiện tại là “quá hời”.

Ông Hoàng bắt đầu dò đáy bằng một lệnh 50.000 cổ phiếu quanh mệnh giá, sau đó gom thêm hai đợt ở vùng 8.000-9.000 đồng nhưng khối lượng ít hơn. Các phiên bán tháo sau đó nhấn cổ phiếu xuống sâu, khiến khoản đầu tư mới vài ngày của ông “bốc hơi” vài trăm triệu.

“Hôm qua giá đảo chiều từ sàn lên trần 7.220 đồng mới cho tôi lại niềm tin mình vào đúng vùng đáy, chứ trước đó lỗ 22% không thể không hoảng”, nhà đầu tư này nói.




Nhà đầu tư theo dõi bảng điện tử tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhà đầu tư theo dõi bảng điện tử tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trần

Tương tự ông Hoàng, tâm lý của nhiều nhóm phân tích chứng khoán cũng được cởi trói sau phiên xoay chiều hôm qua. Một số kỳ vọng xu hướng giảm được chặn đứng nên điều chỉnh khuyến nghị mới đưa ra hồi đầu tuần, hướng nhà đầu tư từ trạng thái thận trọng, bảo toàn vốn sang phương án mạo hiểm bắt đáy.

Trong báo cáo công bố cách đây vài ngày, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng các tín hiệu tạo đáy ngắn hạn chưa đủ tin cậy nên nhà đầu tư cần quan sát thị trường, tận dụng nhịp phục hồi kỹ thuật để hạ tỷ trọng cổ phiếu và tăng tỷ trọng tiền mặt. Tuy nhiên, tối 16/11, VCBS cho rằng nếu lực mua duy trì tốt, thị trường sẽ kéo dài nhịp hồi phục trong những phiên tới và “nhà đầu tư ngắn hạn, có khẩu vị rủi ro cao có thể giải ngân lướt sóng với tỷ trọng từ 20 đến 30% tài khoản vào các nhóm ngành đã chiết khấu sâu như chứng khoán, dầu khí, bán lẻ”.

Đồng quan điểm, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cũng đưa ra lời khuyên nhà đầu tư có thể mua lướt sóng tỷ trọng nhỏ ở những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt lại đang trong trạng thái quá bán.

Nhưng nhiều chuyên gia và công ty chứng khoán bảo lưu quan điểm nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ đợi, bất chấp thị trường vừa có phiên tăng mạnh nhất từ đầu tháng 11.

Theo ông Võ Công Minh, Giám đốc kinh doanh Công ty Chứng khoán ACB, thị trường thời gian qua vận động đúng quy luật “quả banh lông”, tức rơi xuống nhanh vì tin đồn tiêu cực thì nẩy lên cũng nhanh khi xuất hiện những thông tin tích cực. Ông đánh giá chứng khoán trong ngắn hạn đang chịu sức ép lớn từ các sự vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp nhưng điều này sẽ tốt cho nhà đầu tư về dài hạn. Những cổ phiếu xuống mức thấp hơn giá trị sổ sách trong khi triển vọng kinh doanh, nền tảng tài chính lẫn uy tín thương hiệu vẫn tốt là cơ hội cho nhà đầu tư dò đáy với tầm nhìn dài hơi, còn nếu lướt sóng ngắn hạn nhằm gỡ gạc những tổn thất trước đó thì rủi ro vẫn rất lớn.

“Ai xác định bắt đáy để giao dịch T+ thì cũng nên xác định đó là cuộc chơi 5 ăn, 5 thua”, ông Minh nói.

Nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đề xuất nhà đầu tư không mua đuổi, thay vào đó chờ thêm các nhịp rung lắc để tích lũy cổ phiếu có cơ bản tốt và chiết khấu sâu bởi thị trường bùng nổ sau nhiều phiên chịu sức ép bán giải chấp nhưng tạm thời vẫn còn áp lực quay đầu ở vùng giá 970 điểm.

Quan điểm này đồng nhất với khuyến nghị VDSC đưa ra cách đây hai tuần. Khi đó, chuyên gia của công ty này nhận định thị trường chưa thể trút bỏ rủi ro thông tin và áp lực thanh khoản trong ngắn hạn nên “sẽ rất khó để nhà đầu tư ngắn hạn tìm kiếm lợi nhuận”.

Do thị trường đã giảm sâu từ đỉnh 1.500 điểm, nhà đầu tư dài hạn được khuyến khích tích lũy cổ phiếu bằng phễu lọc gồm: định giá P/E, P/B thấp hơn trung bình ba năm (2017-2019), là doanh nghiệp tốt trong ngành khỏe hoặc doanh nghiệp khỏe trong ngành kém khả quan, ít sử dụng đòn bẩy tài chính và hiệu quả sinh lời trên vốn cao.

Phương Đông

Chứng khoán tăng mạnh nhất từ đầu tháng

Sau khi giảm gần 40 điểm vào đầu phiên sáng, VN-Index đột ngột đảo chiều đi lên nhờ dòng tiền giải ngân ồ ạt và chốt phiên hôm nay tăng 31 điểm.

Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM đóng cửa ngày 16/11 sát mốc 943 điểm, là phiên tăng mạnh nhất từ đầu tháng đến nay và chặn đứng chuỗi giảm liên tiếp hai phiên trước đó.

Thị trường có hơn 415 cổ phiếu tăng điểm, trong đó 154 mã chạm trần và hầu hết “trắng bên bán”. Rổ vốn hoá lớn cũng ghi nhận 9 cổ phiếu tăng hết biên độ, chủ yếu thuộc nhóm ngân hàng. Thanh khoản thị trường lên mức cao nhất trong gần tám tháng trở lại đây khi có 1,04 tỷ cổ phiếu được sang tay, tương ứng giá trị giao dịch gần 14.400 tỷ đồng.

Kết quả này nằm ngoài dự đoán của phần đông công ty chứng khoán. Trước phiên hôm nay, ông Nguyễn Trung Du – Giám đốc khối Dịch vụ đầu tư và quản lý tài sản tại Công ty Chứng khoán Tân Việt – nhận định áp lực bán trên bình diện chung của thị trường vẫn quá lớn so với khả năng hấp thụ của dòng tiền trong giai đoạn hiện tại. Theo ông, đà giảm sẽ tiếp diễn và các mốc hỗ trợ tâm lý không còn nhiều ý nghĩa.

Thực tế cũng chứng minh nhận định của ông Du và nhiều nhóm phân tích chính xác, nhưng nó chỉ đúng trong khoảng một giờ đầu tiên từ khi mở cửa. VN-Index có thời điểm giảm gần 40 điểm, thủng mốc 900 điểm do hoạt động bán giải chấp của công ty chứng khoán và tâm lý thu hẹp danh mục cổ phiếu của nhà đầu tư cá nhân bao trùm thị trường. Số lượng cổ phiếu giảm sàn và không có bên mua thời điểm đó lên đến 250 mã. Thị trường gần như không còn cổ phiếu lội ngược dòng và đóng vai trò trụ đỡ.

Tuy nhiên, dòng tiền bắt đầu đổ vào gom những cổ phiếu mất hết biên độ từ 10h giúp VN-Index thu hẹp biên độ giảm. Chỉ số lấy lại sắc xanh sau đó nửa tiếng và giằng co quanh tham chiếu.

Sau giờ nghỉ trưa, hàng loạt cổ phiếu trong rổ VN30 như MWG, GVR, TCB, MBB đang từ giá sàn đảo chiều chạm trần. Hiệu ứng tích cực lan toả đến các cổ phiếu nhỏ và vừa, qua đó xoay chuyển thị trường từ sắc đỏ sang xanh. VN-Index nhờ đó vọt lên 943 điểm và duy trì quanh mức này đến khi đóng cửa.

Ông Võ Công Minh, Giám đốc kinh doanh Công ty Chứng khoán ACB, cho rằng diễn biến trong phiên chiều này cho thấy quy luật “quả banh lông” của thị trường chứng khoán, tức rơi xuống nhanh vì tin đồn tiêu cực thì nẩy lên cũng nhanh khi xuất hiện những thông tin tích cực. Ông bỏ ngỏ việc dự đoán VN-Index có sớm trở lại mốc 1.000 điểm hay không, nhưng cho rằng chỉ số đại diện cho sàn TP HCM nhiều khả năng nối dài chuỗi hưng phấn trong hai phiên cuối tuần.

“Động lực tăng của thị trường sẽ đến từ việc nhiều cổ phiếu đi lên giúp áp lực bán giải chấp chéo được cởi trói và tác động tiêu cực của những thông tin như tăng lãi suất, xử lý vi phạm, trái phiếu doanh nghiệp đã phản ánh hết trong đợt điều chỉnh của VN-Index trong hai tháng qua”, ông Minh nhận định.

VIC, BID, GAS, CTG và VHM là 5 cổ phiếu giữ vai trò dẫn dắt thị trường trong phiên hôm nay. Ở chiều ngược lại, VNM, NVL, SAB, EIB và PDR tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chung. Trong đó, NVL và PDR tiếp tục mất hết biên độ, dư bán giá sàn lần lượt 46,8 triệu cổ phiếu và 82,6 triệu cổ phiếu.

Dòng tiền của nhà đầu tư hôm nay tập trung vào nhóm tài chính với hơn 4.370 tỷ đồng. Công nghiệp, tiêu dùng thiết yếu, nguyên vật liệu và bất động sản xếp tiếp theo khi đều hút trên 1.000 tỷ đồng. Bốn cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất đều đóng cửa tại giá trần. DGC, cổ phiếu của Công ty Hoá chất Đức Giang, dẫn đầu về giá trị khớp lệnh với 655 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài nối dài mạch mua ròng phiên thứ 8 liên tiếp. Nhóm này giải ngân 2.226 tỷ đồng trong khi bán ra chưa đến 1.600 tỷ đồng. HPG là cổ phiếu được gom nhiều nhất, trong khi ngược lại thì VNM đứng đầu danh sách xả hàng.

Phương Đông

380 cổ phiếu giảm sàn

Sắc đỏ bao trùm bảng điện trong phiên 15/11 với 380 mã giảm hết biên độ trên HoSE, HNX và UPCoM, riêng VN-Index có lúc về sát ngưỡng 900 điểm.

Đà tăng trở lại ở một số mã vốn hóa lớn, cùng với dòng tiền bắt đáy của khối ngoại, vẫn không đủ để đảo chiều tâm lý nhà đầu tư trên thị trường.

Áp lực bán ra chiếm áp đảo từ đầu phiên hôm nay kéo VN-Index về dưới tham chiếu ngay sau phiên khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO). Càng theo thời gian giao dịch, áp lực giảm càng tăng.

Nhóm bất động sản tiếp tục bị bán tháo, nhưng đồng thời sắc đỏ dần lan rộng nhiều nhóm cổ phiếu khác trên thị trường, kể cả những nhóm có xu hướng phục hồi gần đây như ngân hàng, công nghệ hay bán lẻ. Nhà đầu tư quyết cắt lỗ, thoát hàng bằng mọi giá, đẩy nhiều cổ phiếu vào tình trạng “trắng bảng bên mua”. Một số cổ phiếu bluechip đi ngược xu hướng chung, như VIC hay MSN, chỉ làm giảm bớt tác động của sắc đỏ lên chỉ số.

Sang phiên chiều, xu hướng chung không có nhiều thay đổi, thậm chí biên độ giảm có phần nới rộng. Chỉ số của sàn HoSE có thời điểm lùi về sát ngưỡng 900 điểm, mất gần 40 điểm so với tham chiếu. Theo một số chuyên gia, áp lực bán này có thể do hiện tượng bán giải chấp (force sell) chéo khi những mã chạm ngưỡng rủi ro không thể bán được, dẫn tới việc bán tháo những mã còn lại trong danh mục. Đà giảm chỉ thu hẹp bớt khi thị trường bước vào phiên ATC với đà tăng trở lại của một số bluechip.




VN-Index lùi về gần ngưỡng 900 điểm sau phiên 15/11. Ảnh: VNDirect

VN-Index lùi về gần ngưỡng 900 điểm sau phiên 15/11. Ảnh: VNDirect

Chốt phiên, VN-Index mất hơn 29 điểm (3,1%) xuống 911,9 điểm. VN30-Index giảm hơn 31 điểm (3,37%) còn 904,77 điểm. Trên sàn Hà Nội, đà giảm còn mạnh hơn với HNX-Index mất hơn 4%, còn UPCOM-Index giảm hơn 5%.

Sắc đỏ bao trùm bảng điện với riêng sàn HoSE ghi nhận hơn 400 mã giảm, trong đó có 199 mã giảm sàn, so với hơn 40 mã tăng giá. Nếu tính chung cả HNX và UPCoM, số mã giảm sàn toàn thị trường ghi nhận 380 mã.




Nhiều mã cổ phiếu giảm sàn trong phiên 15/11. Ảnh: Minh Sơn

Nhiều mã cổ phiếu giảm sàn trong phiên 15/11. Ảnh: Minh Sơn

Áp lực bán tháo phiên hôm nay không chỉ giới hạn ở nhóm bất động sản, xây dựng. Trong VN30, tình trạng “trắng bảng bên mua” xảy ra với 11/30 mã bluechip, gồm cả một số mã ngân hàng (BID, VPB, MBB, TCB), bảo hiểm (BVH), bán lẻ (MWG) hay công nghệ (FPT). Nhiều cổ phiếu khác trong những nhóm này cũng mất 3-5%.

Ở nhóm vốn hóa trung bình, các mã bất động sản, bán lẻ, xây dựng, cùng nhiều nhóm khác đều chung tình trạng “nằm sàn”.

Ngược lại, áp lực giảm của thị trường được đỡ lại một phần bởi đà tăng của một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Cuối phiên, VIC tăng 3,6%, HPG có thêm 2,5%. Hai mã này đều được khối ngoại mua ròng. TPB hay MSN cũng chốt phiên trên tham chiếu.

Dù thị trường lùi về sát ngưỡng hỗ trợ 900 điểm, thanh khoản vẫn giảm so với những phiên gần đây. Giá trị giao dịch trên HoSE đạt gần 9.800 tỷ đồng, trong đó riêng nhóm VN30 giao dịch hơn 5.200 tỷ. Tỷ trọng giao dịch của 30 mã bluechip chiếm quá nửa toàn sàn HoSE. Khối ngoại hôm nay tiếp tục mua ròng với quy mô hơn 1.000 tỷ đồng.

Minh Sơn

Xuất hiện dòng tiền bắt đáy cổ phiếu

Giá trị khớp lệnh hôm nay giảm 1.500 tỷ đồng so với phiên cuối tuần nhưng có tín hiệu cho thấy nhà đầu tư giải ngân vào những mã vốn hoá lớn.

Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, VN-Index hồi phục trong phiên cuối tuần trước nhưng thanh khoản không có sự cải thiện do tâm lý nhà đầu tư bất ổn. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ đối mặt áp lực bán quyết liệt đầu tuần này. Hầu hết chuyên gia đều khuyến nghị nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu nên tiếp tục hạ tỷ trọng, còn ai giữ tiền mặt thì đứng ngoài thị trường và hạn chế mua mới.

Thực tế diễn biến phiên giao dịch sáng nay chứng minh tâm lý nhà đầu tư vẫn rất bi quan. Sắc đỏ bao trùm thị trường ngay lúc mở cửa, trong đó những cổ phiếu vốn hoá lớn như NVL, PDR, GVR chạm giá sàn, khiến VN-Index mất hơn 30 điểm so với tham chiếu để xuống sát vùng giá 920 điểm.

Tuy nhiên, đến giữa phiên, thị trường dần lấy lại trạng thái cân bằng khi dòng tiền đổ vào càng lúc càng nhiều. Một số mã vốn hoá lớn ngành ngân hàng (HDB, VPB, TCB) và hàng tiêu dùng (SAB, MSN, VNM) hút mạnh dòng tiền, qua đó giúp chỉ số thu hẹp biên độ giảm còn khoảng 20 điểm. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM tiếp tục cải thiện trong những phút cuối và đóng cửa tại 941 điểm, giảm hơn 13 điểm so với tham chiếu.

Hôm nay, có 666 triệu cổ phiếu được sang tay, trị giá xấp xỉ 9.500 tỷ đồng. Thanh khoản giảm so với phiên cuối tuần trước, đồng thời là mức thấp nhất trong hai tuần qua, nhưng một số cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và đã điều chỉnh sâu trong thời gian qua lại hút mạnh dòng tiền. Điển hình như HPG hôm nay giảm 0,8% nhưng khớp lệnh trên 60 triệu cổ phiếu, trong đó khối ngoại mua vào hơn 26 triệu cổ phiếu. VND sau khi thủng mốc 10.000 đồng cũng hút tiền trở lại, khớp lệnh 24 triệu cổ phiếu và đảo chiều từ giá sàn thành tăng 5,6%.

Phân theo ngành, tài chính – ngân hàng có giá trị khớp lệnh cao nhất với hơn 3.100 tỷ đồng, tiếp đến là nguyên vật liệu và công nghiệp. Trong khi đó, nhóm bất động sản kéo dài chuỗi giao dịch ảm đạm khi hầu hết cổ phiếu giảm hết biên độ và không có bên mua. NVL cuối phiên hôm nay còn dư bán gần 63 triệu cổ phiếu. Con số này với PDR là 60,2 triệu và DIG là 10,7 triệu cổ phiếu.

Nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò chốt chặn giúp thị trường tránh một phiên giảm sâu hơn khi nhóm này rót vào gần 2.700 tỷ đồng, còn bán chưa đến 1.000 tỷ đồng. Đây là phiên thứ sáu liên tiếp nhóm này mua ròng. STB và HPG được khối ngoại gom nhiều nhất với giá trị mua ròng lần lượt là 336 tỷ đồng và 168 tỷ đồng.

Phương Đông

Khối ngoại liên tục bắt đáy cổ phiếu

Khối ngoại tăng mạnh mua ròng trong bối cảnh thị trường lao dốc, riêng tuần từ 7-11/11, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 4.100 tỷ đồng trên HoSE.

Chứng khoán vừa ghi nhận một tuần giảm điểm mạnh. Kết thúc tuần này, VN-Index giảm gần 43 điểm (-4,28%) so với cuối tuần trước, xuống 954,53 điểm. Trong đó, phiên giao dịch ngày 10/11 ghi nhận mức giảm gần 40 điểm, với 170 cổ phiếu giảm sàn trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM – HoSE.

Trong phiên cuối tuần này, thị trường chứng khoán quốc tế phục hồi mạnh sau khi CPI tháng 10 tại Mỹ được công bố với mức tăng thấp hơn dự báo, VN-Index cũng có những diễn biến đồng pha. Dù vậy, biên độ tăng trong phiên này chỉ ở mức hơn 7 điểm, không đủ để đảo chiều xu hướng khi các mã bất động sản vẫn bị bán tháo.

Trái ngược với tâm lý kém tích cực của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại ghi nhận một tuần giao dịch đột biến với khối lượng mua ròng tăng vọt.

Tuần này, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng cả 5 phiên liên tiếp với tổng giá trị đạt hơn 4.500 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại mua ròng hơn 4.100 tỷ đồng (trong đó khớp lệnh hơn 3.500 tỷ đồng, thỏa thuận hơn 600 tỷ đồng).

Quy mô mua ròng tăng đột biến trong tuần này giúp đảo chiều xu hướng giao dịch của khối ngoại từ đầu tháng 11. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng hơn 3.000 tỷ đồng trên HoSE, trong khi hai tháng trước, khối này đều giữ trạng thái bán ròng.

Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, hóa chất hay dầu khí là những cái tên nổi bật nhất trong các nhóm cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất tuần qua. Trong đó, hai cổ phiếu PVS và POW được mua ròng hơn 330 tỷ và 180 tỷ đồng. VHM được mua vào gần 300 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. VNM, DGC, DPM cũng trong nhóm mua ròng trên trăm tỷ đồng.

Với ngân hàng, những cái tên đứng đầu nhóm này cũng là mục tiêu bắt đáy khi giá đã giảm sâu. Tuần qua, BID và CTG là hai mã được mua ròng nhiều nhất với quy mô trên 140 tỷ đồng. Trong 30 phiên gần nhất, có bốn cổ phiếu ngân hàng ghi nhận quy mô mua ròng trên 100 tỷ đồng, gồm cổ phiếu ba ngân hàng quốc doanh VCB, CTG, BID và một nhà băng tư nhân là SHB.

Cả bốn ngân hàng này cùng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng hai chữ số trong quý gần nhất. Vietcombank báo lãi quý III tăng 32% cùng kỳ, giúp lợi nhuận 9 tháng đạt ngưỡng 1 tỷ USD. Lợi nhuận của BIDV quý III gấp 2,5 lần cùng kỳ, với VietinBank cũng tăng trưởng gần 40%.

SHB, nhà băng tư nhân được mua ròng nhiều nhất trong 30 phiên gần đây, ghi nhận lợi nhuận quý III tăng hơn 70% cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, SHB báo lãi trước thuế hơn 9.000 tỷ đồng, tăng gần 80%.

Các cổ phiếu chứng khoán cũng được khối ngoại chú ý sau chuỗi phiên điều chỉnh liên tục do thị trường kém tích cực. Trong tuần gần nhất, SSI được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 190 tỷ đồng, còn VND được mua hơn 175 tỷ.

Minh Sơn

Cổ phiếu Eximbank dứt chuỗi ngược dòng thị trường

Sau giai đoạn ngược dòng thị trường để lập đỉnh vào cuối tháng trước, EIB đang giảm nhanh và hạ hơn 40% trong hai tuần.

Cổ phiếu của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) sáng nay chạm giá sàn 24.150 đồng, nối dài chuỗi giảm hết biên độ ba phiên liên tiếp. Cổ phiếu tiếp tục rơi vào tình trạng không có bên mua, thể hiện qua lượng chờ bán giá sàn gần 6 triệu đơn vị nhưng khớp chưa đến 100.000 đơn vị.

EIB là cổ phiếu duy nhất trong nhóm ngân hàng điều chỉnh hết biên độ trong phiên sáng nay. Ông Trần Tấn Lộc, Tổng giám đốc Eximbank, cho rằng đợt điều chỉnh này do cung cầu thị trường.

Ông khẳng định hoạt động kinh doanh của nhà băng này ổn định và cơ cấu cổ đông không có nhiều xáo trộn. Giá cổ phiếu EIB đã xuống mức thấp nhất từ đầu năm nhưng theo ông Lộc, so với các mã cùng ngành thì đây không phải quá thấp. “Giá vừa tăng quá mạnh nên khi đi xuống cũng nhanh”, ông nói, đồng thời dự đoán đà giảm sẽ sớm chững lại.

Hai tháng qua, xu hướng vận động của cổ phiếu EIB cũng ngược dòng các mã cùng ngành. Điển hình như khi VCB, CTG, BID, TCB điều chỉnh mạnh suốt tháng 9, thị giá EIB lại bật mạnh cùng thanh khoản đột biến. Giá cổ phiếu này thường tăng vọt trong những phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa.

Đến nửa tháng gần đây, khi các mã trụ ngân hàng hồi phục hoặc giảm không quá 10%, EIB lại lao dốc nhanh bất chấp kết quả kinh doanh vừa công bố ghi nhận lãi trước thuế tăng gấp ba cùng kỳ 2021. Cổ phiếu này đã giảm 8 trong số 9 phiên giao dịch kể từ đầu tháng, mất hơn 42,5% so với vùng đỉnh 42.000 đồng được thiết lập cuối tháng trước. Vốn hoá thị trường cũng giảm sâu từ trên 51.000 tỷ đồng xuống dưới 30.000 tỷ đồng.

Trước đợt giảm giá này, EIB ghi nhận nhiều giao dịch thoả thuận lớn do các tổ chức liên quan đến nhóm cổ đông Thành Công bán ra. Ước tính khối lượng nhóm này đã thoái hơn 117 triệu cổ phiếu, tương đương 9,52% cổ phiếu ngân hàng đang lưu hành. Giao dịch chủ yếu được thực hiện trong ngày 14/10 khi khối lượng khớp lên đến 98 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 3.920 tỷ đồng. Hai thành viên Hội đồng quản trị liên quan đến nhóm Thành Công sau đó đã từ nhiệm.

Lượng lớn cổ phiếu đổi chủ nhưng Eximbank chưa thông báo có thêm cổ đông lớn. Sumitomo Mitsui Banking Corporation (Nhật Bản) vẫn là cổ đông lớn duy nhất, sở hữu 15% vốn Eximbank dù hai bên đã chấm dứt thoả thuận liên minh chiến lược từ tháng 3/2022.

Phương Đông

Cổ phiếu bất động sản tiếp tục bị bán tháo

Bảng điện tử phiên 11/11 là hai thái cực với một bên là hàng loạt cổ phiếu bất động sản giảm sàn, phần còn lại là sắc xanh của nhóm ngân hàng.

VN-Index chốt phiên hôm nay trong sắc xanh, tăng 7 điểm (0,77%) lên 954,53 điểm. VN30-Index có phần tích cực hơn khi tăng hơn 12 điểm (1,29%), tiến gần 950 điểm. Số mã tăng và giảm trên HoSE tương đồng khi cùng ghi nhận hơn 200 mã. Trong nhóm vốn hóa lớn, sắc xanh chiếm ưu thế.

Nếu chỉ nhìn từ chỉ số và sự cân bằng giữa số mã tăng – giảm, phiên hôm nay không có nhiều vấn đề. Tuy nhiên, nếu xem từ diễn biến chính trên bảng điện, sự phân hóa được đẩy lên cao khi nhóm tài chính – ngân hàng và bất động sản là hai thái cực trái ngược.




VN-Index chốt phiên 11/11 tăng hơn 7 điểm nhờ lực kéo của nhóm ngân hàng, trong khi nhiều mã bất động sản giảm hết biên độ. Ảnh: VNDirect

VN-Index chốt phiên 11/11 tăng hơn 7 điểm nhờ lực kéo của nhóm ngân hàng, trong khi nhiều mã bất động sản giảm hết biên độ. Ảnh: VNDirect

Áp lực bán tháo với nhóm bất động sản tiếp tục xảy ra trên diện rộng bất chấp sắc xanh của VN-Index.

Nhà đầu tư quyết thoát hàng bằng mọi giá khiến phần lớn nhóm này trong tình trạng “trắng bảng bên mua”. Từ những cổ phiếu vốn hóa lớn như NVL, PDR cho tới nhóm vốn hóa tầm trung như DIG, QCG, SCR, DXG, CII, HQC đều chung tình cảnh nằm sàn.

Cùng chiều với các mã bất động sản là nhóm cổ phiếu xây dựng và vật liệu xây dựng. Cổ phiếu của những đại gia như CTD, HBC giảm hết biên độ. Trong nhóm thép, HPG trở thành điểm sáng khi tăng 1,7% nhờ khối ngoại mua ròng hơn 18 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, HSG và NKG “trắng bảng bên mua”.

Ở chiều ngược lại, VN-Index được đỡ bởi nhóm tài chính – ngân hàng, bán lẻ. Trong VN30, MSN tăng gần hết biên độ, ACB, BID, CTG, VCB có thêm gần 4%. Nhóm cổ phiếu liên quan tới Vingroup và KDH là những mã bất động hiếm hoi giữ được sắc xanh.

Với phân khúc vốn hóa trung bình, các cổ phiếu nhóm chứng khoán, thủy sản, phân bón giao dịch tích cực.

Thanh khoản thị trường tương đương những phiên gần đây, với giá trị giao dịch trên HoSE đạt gần 11.000 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng đột biến với quy mô hơn 2.000 tỷ đồng, tập trung vào KDH, STB, HPG.

Minh Sơn

Cổ phiếu Eximbank trượt dài từ đỉnh

Sau giai đoạn ngược dòng thị trường để lập đỉnh vào cuối tháng trước, EIB đang giảm nhanh và hạ hơn 40% trong hai tuần.

Cổ phiếu của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) sáng nay chạm giá sàn 24.150 đồng, nối dài chuỗi giảm hết biên độ ba phiên liên tiếp. Cổ phiếu tiếp tục rơi vào tình trạng không có bên mua, thể hiện qua lượng chờ bán giá sàn gần 6 triệu đơn vị nhưng khớp chưa đến 100.000 đơn vị.

EIB là cổ phiếu duy nhất trong nhóm ngân hàng điều chỉnh hết biên độ trong phiên sáng nay. Xu hướng vận động trong khoảng hai tháng qua của cổ phiếu này cũng ngược dòng các mã cùng ngành.

Điển hình như khi VCB, CTG, BID, TCB điều chỉnh mạnh suốt tháng 9, thị giá EIB lại bật mạnh cùng thanh khoản đột biến. Giá cổ phiếu này thường tăng vọt trong những phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa.

Đến nửa tháng gần đây, khi các mã trụ ngân hàng hồi phục hoặc giảm không quá 10%, EIB lại lao dốc nhanh bất chấp kết quả kinh doanh vừa công bố ghi nhận lãi trước thuế tăng gấp ba cùng kỳ 2021. Cổ phiếu này đã giảm 8 trong số 9 phiên giao dịch kể từ đầu tháng, mất hơn 42,5% so với vùng đỉnh 42.000 đồng được thiết lập cuối tháng trước. Vốn hoá thị trường cũng giảm sâu từ trên 51.000 tỷ đồng xuống dưới 30.000 tỷ đồng.

Trước đợt giảm giá này, EIB ghi nhận nhiều giao dịch thoả thuận lớn do các tổ chức liên quan đến nhóm cổ đông Thành Công bán ra. Ước tính khối lượng nhóm này đã thoái hơn 117 triệu cổ phiếu, tương đương 9,52% cổ phiếu ngân hàng đang lưu hành. Giao dịch chủ yếu được thực hiện trong ngày 14/10 khi khối lượng khớp lên đến 98 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 3.920 tỷ đồng. Hai thành viên Hội đồng quản trị liên quan đến nhóm Thành Công sau đó đã từ nhiệm.

Lượng lớn cổ phiếu đổi chủ nhưng Eximbank chưa thông báo có thêm cổ đông lớn. Sumitomo Mitsui Banking Corporation (Nhật Bản) vẫn là cổ đông lớn duy nhất, sở hữu 15% vốn Eximbank dù hai bên đã chấm dứt thoả thuận liên minh chiến lược từ tháng 3/2022.

Phương Đông