Chứng khoán

Cổ phiếu lương thực bị chốt lời

VN-Index chốt phiên 9/8 trong sắc đỏ, lùi về ngưỡng gần 1.230 điểm, khi áp lực chốt lời gia tăng sau chuỗi phiên tăng mạnh trước đó, đặc biệt là nhóm lương thực.

Sắc đỏ bao trùm trên bảng điện từ đầu phiên hôm nay. Áp lực bán lan rộng trên thị trường, đặc biệt ở nhóm vốn hóa trung bình khiến VN-Index lùi về dưới tham chiếu sau ATO. Lực đỡ cho chỉ số đầu phiên đến từ nhóm vốn hóa lớn khi một số mã vẫn giữ được sắc xanh.

Tuy nhiên, đến đầu phiên chiều, ngay cả những bluechip cũng bị ép về sắc đỏ. Các nhóm cổ phiếu dẫn dắt chỉ số, như bất động sản, ngân hàng hay một số mã tăng đột biến gần đây như lương thực, thực phẩm đều là mục tiêu chốt lời sau chuỗi phiên tăng mạnh trước đó.

VSF, cổ phiếu trong nhóm lương thực đã tăng hơn 300% trong hai tuần gần đây, mở phiên hôm nay trong trạng thái tăng trần nhưng đóng cửa giảm kịch sàn. Chỉ trong một phiên, nhà đầu tư mua VSF đầu giờ đã chịu lỗ gần 30%. Các mã tăng nóng gần đây cũng diễn biến tương tự khi nhà đầu tư lo bảo vệ thành quả.

Chốt phiên, VN-Index giảm hơn 8 điểm (0,66%) xuống 1.233,99 điểm. VN30-Index giảm với biên độ tương đương xuống 1.239,84 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index đóng cửa sát tham chiếu.




VN-Index chốt phiên 9/8 giảm hơn 8 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index chốt phiên 9/8 giảm hơn 8 điểm. Ảnh: VNDirect

Sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện với 276 mã giảm trên HoSE, so với 215 mã tăng. Riêng nhóm VN30, số mã giảm chiếm áp đảo hơn với tỷ lệ 27/30 mã.

Trong nhóm vốn hóa lớn, VHM giảm mạnh nhất với biên độ 3,5%. GVR, VNM, MWG, VIC giảm quanh ngưỡng 2%, VJC, POW, MSN, FPT thấp hơn tham chiếu hơn 1%. Ở chiều ngược lại, chỉ có STB và HPG là hai mã giữ được sắc xanh nhóm VN30.

Trong nhóm vốn hóa trung bình, sự phân hóa diễn ra mạnh giữa các nhóm ngành. Cổ phiếu thép được chú ý với sắc xanh của HSG, NKG, một số mã xây dựng, bán lẻ và cổ phiếu ngành gỗ cũng giao dịch tích cực.

Tuy nhiên, một số nhóm tăng mạnh gần đây chịu áp lực chốt lời, như cổ phiếu lương thực, thực phẩm. Ngoài VSF, trong nhóm lương thực cổ phiếu AGM chốt phiên trong trạng thái “trắng bảng bên mua”, PAN, LTG, SSC đóng cửa trong sắc đỏ.

Thanh khoản thị trường giữa ở mức cao với giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 21.700 tỷ đồng. Trong đó, nhóm VN30 giao dịch hơn 8.300 tỷ.

Minh Sơn

Cổ phiếu bất động sản nâng đỡ thị trường

VIC và VRE góp mức tăng nhiều nhất, HPX và ITA tím trần với thanh khoản tốt, bất động sản trở thành nhóm nâng đỡ VN-Index giữ nguyên sắc xanh.

Chỉ số đại diện sàn HoSE mở cửa với sắc xanh kéo dài gần hết buổi sáng, tiếp cận khu vực 1.250 điểm. Tuy nhiên, lực bán xuất hiện trước mức kháng cự, khiến VN-Index có thời điểm về dưới tham chiếu. Sau đó, sắc xanh nhanh chóng nối lại.

Sang buổi chiều, chỉ số này bắt đầu giằng co chủ yếu quanh vùng 1.242-1.245 điểm. VN-Index có hai lần xuống dưới tham chiếu trước khi được nâng lên nhờ lực cầu tốt từ bất động sản và dầu khí.

Chốt phiên, VN-Index đạt hơn 1.242,2 điểm, nhích nhẹ 0,8 điểm so với hôm qua. Số cổ phiếu tăng và giảm gần như tương đương nhau, lần lượt là 242 mã và 238 mã. Trong khi đó, rổ VN30 có 18 mã giảm thị giá khiến chỉ số này giảm gần 3 điểm trong hôm nay.

Thị trường bị rung lắc chủ yếu do diễn biến của VN30 và nhóm tài chính, nguyên vật liệu. Sắc đỏ chiếm phần lớn bảng điện nhóm ngân hàng với nhiều mã trụ của ngành giảm từ 1-2%. Mức giảm tương tự cũng xuất hiện ở nhiều cổ phiếu có thanh khoản lớn thuộc ngành chứng khoán. Trong khi đó, nhóm nguyên vật liệu mất điểm phần lớn do HPG và HSG giảm hơn 1%.

Bệ đỡ cho thị trường hôm nay đến từ cổ phiếu bất động sản, tiêu dùng thiết yếu và dầu khí. Theo VNDirect, VIC và VRE là hai mã đóng góp tích cực nhất với mức tăng lần lượt 4,9% và 4,7%. Theo sau là MSN.

Riêng nhóm bất động sản, NVL tăng 0,7% và là cổ phiếu có thanh khoản cao nhất sàn HoSE với gần 900 tỷ đồng giá trị giao dịch. Ngành này còn có HPX và ITA tăng trần với lượng khớp lệnh ở mức khá cao. Ngoài ra, HAG cũng tăng 6,9% với thanh khoản gần 450 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bảng điện của nhóm bất động sản vẫn có sự phân hóa. Một số mã trụ của ngành có sắc đỏ như DIG, DXG, HDC, VHM, PDR, NLG. Biên độ trượt giá trung bình quanh 1-2%.

Thanh khoản hôm nay giảm khoảng 12%, về hơn 23.200 tỷ đồng. Hơn một nửa dòng tiền đổ vào cổ phiếu tài chính, bất động sản và công nghiệp.

Sau phiên giải ngân ồ ạt hôm qua, khối ngoại thận trọng hơn hẳn khi giá trị giao dịch cả hai nhiều đều giảm lần lượt khoảng 70%. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì bán ròng với biên độ gần 240 tỷ đồng, chủ yếu ở các mã GMD và VRE.

Tất Đạt

Cổ phiếu gạo đua nhau nổi sóng

Thị giá VSF tăng hơn 300% trong hai tuần với 11 phiên tím trần, AGM cũng tích lũy thêm gấp đôi vốn hóa cùng nhiều cổ phiếu gạo nổi sóng.

Mã chứng khoán của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II – VSF) tăng trần ngay đầu phiên giao dịch hôm nay. Điều này nối dài 8 phiên mang sắc tím liên tiếp và giúp cổ phiếu này tăng kịch trần 11 phiên trong hai quần qua. Thị giá VSF đang ở 37.400 đồng một đơn vị, mức cao nhất lịch sử niêm yết của doanh nghiệp này.

Cổ phiếu AGM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) nhân đôi thị giá chỉ trong hai tuần. Mã này đang giao dịch ở 13.500 đồng một đơn vị, ngang vùng giá vào cuối tháng 10 năm ngoái. Đang bị hạn chế giao dịch nhưng đến nay AGM đã có 12 phiên tím trần liên tiếp từ ngày 24/7.

Bên cạnh hai mã nổi sóng trong thời gian ngắn kể trên, các cổ phiếu khác trong ngành gạo cũng nâng thị giá với biên độ lớn suốt một tháng qua. TAR của Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tăng hơn 40% kể từ đầu tháng 7, hiện tương đương vùng giá vào tháng 9/2022. LTG của Tập đoàn Lộc Trời tích lũy thêm 32% và trở về mặt bằng thị giá của tháng 6/2022. Một số mã như PAN, SSC cũng phục hồi về vùng giá vào quý III/2022 – thời điểm giá gạo xuất khẩu tăng cao.

Trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ban lãnh đạo VSF và AGM đều khẳng định không tác động gây ảnh hưởng đến giá giao dịch trên thị trường. Theo họ, giá cổ phiếu do cung – cầu trên thị trường quyết định và nằm ngoài kiểm soát của doanh nghiệp.

Angimex nêu thêm nguyên nhân đến từ việc lúa gạo thế giới và Việt Nam đang tiếp tục tăng giá. Đây là hệ quả của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, ảnh hưởng của tình trạng thời tiết El Nino. Bên cạnh đó, sau Ấn Độ, đến Nga và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) cũng cấm xuất khẩu gạo, làm giá lương thực tăng vọt.

Thực tế, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua được thị trường nâng liên tiếp. Gạo 5% tấm đạt 590 USD mỗi tấn vào cuối tháng 7, một tuần sau đã có giá 660 USD, mức kỷ lục từ 2008 tới nay.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến cuối tháng 7, Việt Nam xuất khẩu hơn 4,8 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,6 tỷ USD, tăng khoảng 19% về lượng và gần 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, sản lượng lúa thu hoạch sẽ đảm bảo nhu cầu trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng lúa dành cho xuất khẩu khoảng trên 15 triệu tấn (tương đương 7-7,5 triệu tấn gạo).




Gặt Lúa ở Đông Anh, Hà Nội, tháng 5/2023. Ảnh: Ngọc Thành

Gặt Lúa ở Đông Anh, Hà Nội, tháng 5/2023. Ảnh: Ngọc Thành

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá, trên cơ sở Việt Nam nắm giữ thị phần xuất khẩu cùng trữ lượng lúa gạo lớn, mảng này sẽ tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao trên thế giới. Trong quá khứ, diễn biến giá gạo có tác động tổng thể và dài hạn lên lợi nhuận của các doanh nghiệp. Tuy vậy trong ngắn hạn, kết quả kinh doanh sẽ chịu biến động lớn theo chu kỳ mùa vụ, trữ lượng hàng tồn kho của mỗi doanh nghiệp và các yếu tố khác như trích lập dự phòng.

Do đó, các doanh nghiệp sở hữu lượng tồn kho thành phẩm lớn sẽ hưởng lợi. Ở chiều ngược lại, lãi suất cao có thể bào mòn lợi nhuận một số doanh nghiệp. Điều này đã được thể hiện qua sự sụt giảm lợi nhuận của các đơn vị trong quý đầu năm dưới sự tác động rõ nét từ chi phí lãi vay. Nhóm phân tích này nói, thấy rõ nhất là TAR và LTG với mức đòn bẩy nợ trên vốn chủ đạt lần lượt 1,2 và 2,1 lần.

Xét về cơ hội đầu tư, Chứng khoán KIS Việt Nam (KISVN) dự đoán cổ phiếu ngành gạo có thể đón đà tăng giá trong nửa cuối năm. Thêm vào đó, gạo cũng thuộc nhóm cổ phiếu ngành thực phẩm có tỷ lệ tăng trưởng ổn định. Giá cả được nâng lên, kéo theo cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và đưa cổ phiếu lên cao.

Tuy nhiên, KISVN lưu ý rằng, giá gạo tăng không đồng nghĩa tất cả cổ phiếu liên quan đến mặt hàng này đều tăng. Chẳng hạn như Safoco (SAF) chuyên sản xuất các sản phẩm từ gạo như nui, hủ tiếu, bánh tráng, có thể đội thêm chi phí đầu vào, gây ảnh hưởng kết quả kinh doanh. Vì vậy, trước khi rót tiền, nhà đầu tư cần theo dõi thị trường và biến động giá.

Tất Đạt

Chứng khoán có thể tăng tiếp tuần này

VN-Index được kỳ vọng giao dịch quanh ngưỡng kháng cự 1.230 điểm tuần này và trong dài hạn có thể tiến dần tới vùng 1.300 điểm.

Báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán đang nghiêng về kịch bản tích cực với thị trường trong tuần này, khi dòng tiền vẫn duy trì ổn định.

Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), hầu hết chỉ báo phân tích ở khung đồ thị ngày đều đã hình thành đỉnh đầu tiên và đang hướng lên trở lại. Với diễn biến này, VN-Index Ck khả năng có những phiên tăng điểm, bám sát vùng kháng cự ngắn hạn quanh 1.230 điểm trước khi xuất hiện những nhịp rung lắc mạnh và bất ngờ hơn.

Chung quan điểm, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và Công ty chứng khoán KB Việt Nam cũng đánh giá mục tiêu tiếp theo của thị trường sẽ ở quanh ngưỡng cản 1.230 điểm.

Theo VDSC, dòng tiền có thể tiếp tục hoạt động tích cực vào đầu tuần này và giúp thị trường trở lại vùng 1.230-1.235 điểm. Hoạt động tranh chấp và thăm dò cung cầu có thể xuất hiện khi chỉ số tiếp cận ngưỡng cản.

Với KB Việt Nam, mặc dù áp lực điều chỉnh sẽ còn tiếp diễn trong các phiên tới, VN-Index đang có nhiều cơ hội mở rộng nhịp hồi phục và thử thách lại ngưỡng cản gần quanh 1.23x điểm.

Với góc nhìn dài hạn, Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) dự báo thị trường có thể tiến tới gần ngưỡng 1.300 điểm. “Thị trường trong ngắn hạn đang hình thành nền tích lũy mới và đã có các phiên điều chỉnh tuy nhiên nhịp điều chỉnh có thể vẫn chưa kết thúc, do đó nhà đầu tư ngắn hạn cần thận trọng. Trong trung, dài hạn thị trường đã hình thành uptrend và mục tiêu VN-Index hướng tới sẽ là khu vực 1.300 điểm”, báo cáo viết.

Khuyến nghị nhà đầu tư, VCBS cho rằng nên duy trì danh mục tài khoản, cân nhắc giải ngân thêm từ 20-30% đối với những cổ phiếu đã có và đang có xu hướng vượt lên, thuộc các nhóm ngành hút ròng tiền như bất động sản, chứng khoán. Trong khi đó, KB và VDSC khuyến nghị nhà đầu tư cần giao dịch cân bằng, quan sát trạng thái cung cầu tại vùng cản.

“Hiện tại nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ hoặc khai thác cơ hội ngắn hạn tại cổ phiếu đang có tín hiệu tốt từ dòng tiền. Tuy nhiên vẫn cần cân nhắc khả năng hồi phục để chốt lời hoặc giảm tỷ trọng tại các cổ phiếu đang ở vùng kháng cự hoặc đang có tín hiệu phân phối để giảm thiểu rủi ro”, VDSC nhận xét.

Tuần trước, VN-Index ghi nhận tuần giao dịch giằng co, rung lắc cùng với sự phân hóa với những phiên tăng giảm đan xen.

Chỉ số của sàn HoSE duy trì tích cực trong phiên đầu tuần với sắc xanh lan tỏa ở hầu hết nhóm ngành. Tuy nhiên, sự thận trọng trong tâm lý nhà đầu tư được thể hiện rõ ràng thông qua thanh khoản bán chủ động liên tục gia tăng sau khi VN-Index vừa tiếp cận khu vực 1.230 điểm.

Điểm tích cực của thị trường là sự phân hóa vẫn được duy trì khi lực cầu luân phiên tìm đến các nhóm ngành riêng lẻ. Nhóm cổ phiếu bất động sản là tâm điểm chú ý với mức tăng hơn 6,3%. Trong phiên cuối tuần, VN-Index bật tăng mạnh, quay lại khu vực 1.225 điểm. Kết tuần, VN-Index đóng cửa tăng hơn 18 điểm so với cuối tuần trước, tương đương 1,52%.

Minh Sơn

Cổ phiếu lúa gạo nổi sóng

VSF và AGM tăng trần, nhiều cổ phiếu mang sắc xanh sau tin gạo Việt Nam rộng đường tăng giá và ký hợp đồng xuất khẩu dài hạn.

Chính phủ Ấn Độ vừa áp lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không thuộc dòng basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á) trước tình trạng mưa gió kéo dài gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng. Gạo Việt có cơ hội tăng giá và ký hợp đồng lâu dài với các đối tác lớn.

Trước nhiều cửa sáng, cổ phiếu các doanh nghiệp gạo dậy sóng ngay từ đầu tuần với nhiều mã tăng hết biên độ. Đà tăng thị giá kéo dài đến hôm nay.

VSF đầu phiên đã tăng mạnh, sau đó nhanh chóng đạt mức trần 9.800 đồng, cao nhất từ tháng 11/2021. AGM mang sắc tím hai phiên liên tiếp đưa thị giá tiệm cận vùng đỉnh 6 tháng. Các mã khác như BLT, TAR, NSC, SSC cũng tăng từ 3% trở lên.

Tuy nhiên, cổ phiếu ngành gạo nổi sóng không giúp bảng điện nhóm lương thực – thực phẩm được phủ xanh hoàn toàn. Sự phân hóa hiện rõ khi các mã chứng khoán trồng trọt, chăn nuôi và đồ uống diễn biến khả quan, ngược lại nhóm thủy sản và gia vị (đường, dầu ăn…) lại nhuộm sắc đỏ.

Sự phân hóa rõ rệt cũng thể hiện ở bảng điện các ngành khác như bất động sản, nguyên vật liệu và xây dựng. Dòng tiền chỉ tìm đến các cổ phiếu có câu chuyện riêng.

DIG hôm nay ghi nhận hơn 1.000 tỷ đồng cổ phiếu được sang tay với mức tăng 2,4%. Đây là cổ phiếu có thanh khoản cao nhất sàn HoSE. Doanh nghiệp này vừa công bố kế hoạch lãi gấp 7 lần trong năm nay và tái cơ cấu nợ trái phiếu. Ngoài ra, nhóm bất động sản chỉ ghi nhận một vài mã có thanh khoản cao và tăng giá mạnh gồm CEO và VRE. Còn lại, hầu hết cổ phiếu có giá trị giao dịch cao đều giảm thị giá.

Ngân hàng là ngành có diễn biến khả quan nhất thị trường. Sắc đỏ xuất hiện nhưng chỉ dừng lại ở 6 mã. Phần còn lại đều tăng thị giá so với hôm qua, nhiều mã tăng mạnh như VCB, OCB, TCB, BVB… Trong đó, VCBTCB trở thành hai mã nâng đỡ thị trường và là điểm nhấn chính của nhóm bluechip cũng như toàn sàn HoSE.

Nhờ đóng góp của nhóm ngân hàng, VN-Index chốt phiên tăng hơn 5 điểm sau nhiều đoạn rung lắc. Chỉ số này bắt đầu kiểm tra vùng 1.200 và đóng cửa ở 1.105,9 điểm. Thị trường “xanh vỏ, đỏ lòng” khi có 250 cổ phiếu giảm và 207 cổ phiếu tăng.

Thanh khoản tăng nhẹ lên gần 20.150 tỷ đồng, là phiên thứ ba liên tiếp đạt hơn 20.000 tỷ. Dòng tiền đổ mạnh về nhóm tài chính, bất động sản và công nghiệp. Theo thống kê của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tính đến 14h, thanh khoản mua và bán chủ động không chêch lệch nhau quá lớn cho thấy nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đang chịu áp lực chốt lời ngắn hạn. Nhà đầu tư ngoại quay trở lại mua ròng nhưng biên độ chỉ đạt 9 tỷ đồng.

Tất Đạt

VN-Index vượt 1.200 điểm

Số lượng cổ phiếu giảm chiếm ưu thế nhưng VN-Index vẫn tích lũy 5 điểm so với tham chiếu, chốt phiên sát 1.201 điểm, cao nhất 10 tháng.

Phiên tăng thứ tư liên tiếp giúp chỉ số đại diện cho sàn TP HCM lên vùng giá cao nhất kể từ cuối tháng 9 năm ngoái. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng thị trường tăng trưởng mạnh giai đoạn gần đây nhờ dòng tiền trở lại chứng khoán khi lãi suất tiết kiệm giảm cộng với kết quả kinh doanh nửa năm của nhiều nhóm ngành tương đối khả quan.

Thị trường rơi vào trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng”, tức chỉ số hướng lên nhưng số lượng mã giảm lại áp đảo mã tăng, lần lượt là 246 mã và 213 mã. Đóng góp nhiều nhất cho phiên tăng hôm nay là VCB khi mã này tích lũy gần 2%, lên 93.400 đồng. Cổ phiếu của Novaland (NVL) cũng nằm trong danh sách những mã tác động tích cực nhất đến thị trường khi tăng 6,2% lên 17.200 đồng – vùng giá cao nhất từ đầu năm. Ở chiều ngược lại, một số mã trong rổ vốn hóa lớn giảm trên 1% như VIC, MWG, TPB là nhân tố kìm đà tăng.

VN-Index vượt ngưỡng tâm lý quan trọng nhưng thanh khoản thị trường chưa có dấu hiệu bùng nổ. Giá trị giao dịch trên sàn TP HCM xấp xỉ 18.000 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với hôm qua và là mức thấp nhất trong 4 phiên trở lại đây.

NVL là điểm sáng hiếm hoi của thị trường khi vừa tăng vọt về thị giá, vừa hút mạnh dòng tiền của nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước. Mã này khớp lệnh 73 triệu cổ phiếu, tương đương 1.200 tỷ đồng, gần bằng hai cổ phiếu đứng sau trên bảng xếp hạng thanh khoản là VND và GEX cộng lại.

Khối ngoại hôm nay giải ngân quyết liệt hơn. Giá trị mua đạt gần 1.900 tỷ đồng, trong khi bán ra chưa đến 1.500 tỷ đồng. Ngoài rót tiền vào NVL, nhóm này còn tập trung gom cổ phiếu HPG, VHM, KDH và MWG.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Đông Á, sau khi tiếp cận ngưỡng 1.200 điểm, thị trường không nhiều khả năng xuất hiện đợt điều chỉnh mạnh. Xu thế tăng trưởng trung hạn vẫn được duy trì nên nhà đầu tư có thể nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng cao.

Một số công ty kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục lên nhanh trong những tháng cuối năm, vượt qua vùng giá 1.300 điểm, nhờ sự dẫn dắt của những nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước như chứng khoán, bất động sản, thép, điện.

Phương Đông

DNSE nhận cú đúp giải thưởng từ Asian Banking and Finance 2023

DNSE đạt giải “Nền tảng chứng khoán của năm” và “Sản phẩm đầu tư đột phá của năm” tại Lễ trao giải Asian Banking and Finance 2023 (ABF) ở Singapore, hôm 25/7.

Nhờ sở hữu nhiều ưu điểm về tốc độ, giao diện và các tính năng hỗ trợ khách hàng, nền tảng giao dịch chứng khoán Entrade X by DNSE được trao giải Nền tảng chứng khoán của năm (The Online Securities Platform of the year – Việt Nam). Đồng thời, DNSE cũng được vinh danh với giải Sản phẩm đầu tư đột phá của năm (Investment Product Innovation of the year – Việt Nam)

DNSE là công ty chứng khoán duy nhất tại Việt Nam giành giải thưởng tại ABF 2023, bên cạnh đại diện khác trong ngành tài chính, ngân hàng như BIDV, MB Bank, Vietinbank, Techcombank…

Để giành hai giải thưởng này, DNSE đã đáp ứng các tiêu chí của Hội đồng giải thưởng khi xét trên yếu tố nổi trội của sản phẩm, dịch vụ. Nền tảng Entrade X by DNSE chú trọng vào yếu tố giao dịch đơn giản, dễ sử dụng, tốc độ nhanh, chính sách hỗ trợ cho người dùng như miễn phí giao dịch trọn đời…




Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị DNSE nhận hai giải thưởng tại ABF 2023. Ảnh: DNSE

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị DNSE nhận hai giải thưởng tại ABF 2023. Ảnh: DNSE

DNSE là công ty chứng khoán theo mô hình fintech, ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến với các dịch vụ mở tài khoản e-KYC số hóa 100% thao tác, nạp rút tiền 24/7… Doanh nghiệp cũng tiên phong việc tích hợp API cùng các đối tác như ví điện tử ZaloPay hay nền tảng phân tích chứng khoán chuyên sâu FiinTrade, cung cấp trải nghiệm giao dịch chứng khoán “một chạm” cho khách hàng.

Đặc biệt, hệ thống quản trị và cho vay theo từng lệnh riêng lẻ Margin Deal được DNSE triển khai cuối năm 2022 giúp khắc phục những điểm yếu của cách thức quản trị cũ trên thị trường chứng khoán. Mô hình này cho phép nhà đầu tư nhìn rõ giá hòa vốn, các loại thuế phí, đồng thời lựa chọn được các gói vay ký quỹ với lãi suất, tỷ lệ vay đa dạng, tùy khẩu vị rủi ro. Nhờ việc quản lý theo từng lệnh mua bán, Margin Deal giúp nhà đầu tư hạn chế đến mức tối thiểu rủi ro bị bán chéo cổ phiếu tốt trong danh mục khi bị call margin.

Từ khi ra mắt Margin Deal, dư nợ margin của DNSE liên tục tăng trưởng, đóng góp lớn vào tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp. Margin Deal được hội đồng giải thưởng đánh giá sẽ “thay đổi cuộc chơi” của thị trường chứng khoán, góp phần đem đến hai giải thưởng cho DNSE hôm 25/7.




Hệ thống quản trị theo từng giao dịch (Margin Deal) trên Entrade X by DNSE hỗ trợ người dùng quản trị rủi ro hiệu quả. Ảnh: DNSE

Hệ thống quản trị theo từng giao dịch (Margin Deal) trên Entrade X by DNSE hỗ trợ người dùng quản trị rủi ro hiệu quả. Ảnh: DNSE

Ngoài ra, thay cho mô hình môi giới thông thường, DNSE cung cấp tính năng Môi giới ảo – AI Broker cung cấp thông tin và gợi ý những ý tưởng đầu tư dựa theo các bộ chỉ báo cụ thể. Điều này giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, đưa ra quyết định đầu tư nhanh nhạy, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chủ quan, cảm tính.

Được xướng tên ở hai hạng mục tại ABF 2023, ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Chứng khoán DNSE cho biết: “Đây là giải thưởng uy tín, có sức ảnh hưởng trong ngành tài chính. Chúng tôi rất tự hào khi DNSE vượt qua nhiều ứng viên tiềm năng để được xướng tên hai hạng mục giải thưởng”.

Theo ông, giải thưởng là minh chứng cho việc cải tiến nguồn lực, đổi mới sản phẩm tài chính giúp doanh nghiệp “dẫn sóng” trong chứng khoán số, hỗ trợ hiệu quả cho nhà đầu tư.

Với bề dày lịch sử 18 năm, Asian Banking and Finance là giải thưởng thường niên nhằm vinh danh những ngân hàng, tổ chức tài chính trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp, sản phẩm có tính đột phá, tạo điểm sáng trong ngành tài chính, ngân hàng, đồng thời đưa ra những giải pháp tích cực, hiệu quả cho khách hàng.

Các tiêu chí chấm giải dựa trên sự sáng tạo, độc đáo của sản phẩm tài chính, triển vọng tiếp cận khách hàng, sự đóng góp của sáng kiến đối với tăng trưởng của doanh nghiệp. Giải thưởng cũng tập trung đến các công nghệ mới, cải tiến đột phá trong ngành.

Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, với việc được vinh danh trong hai hạng mục giải thưởng, DNSE đã một lần nữa khẳng định hướng đi đúng đắn trong việc lựa chọn công nghệ là mũi nhọn để phát triển nhằm tạo nên hệ sinh thái tài chính, chứng khoán hoàn chỉnh và thân thiện với nhà đầu tư Việt.

Trước đó, DNSE cũng đã ghi nhận kết quả tăng trưởng tốt trong ba năm qua. Trong quý II/2023, doanh thu DNSE tăng 41%, lợi nhuận trước thuế tăng 720% so với cùng kỳ 2022. Sáu tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của DNSE tăng 423% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cũng nằm trong top dẫn đầu cuộc đua thị phần tài khoản mở mới khi đạt 12,49% thị phần tài khoản mở mới toàn thị trường.

Hồng Thảo

VN-Index mất mốc 1.200 điểm

Áp lực chốt lời xuất hiện từ cuối buổi sáng đẩy nhiều cổ phiếu trụ rớt giá, VN-Index nhanh chóng lùi về dưới 1.200 điểm chỉ sau một phiên.

Phiên ATO mở cửa khá triển vọng cho thị trường khi hầu hết lệnh được khớp đều phủ sắc xanh. Sau đó, lực bán xuất hiện kéo chỉ số này về tham chiếu, có thời điểm giảm nhẹ, nhưng sau đó dòng tiền đổ vào giúp thị trường cân bằng hơn.

Từ khoảng 10h30, nhà đầu tư liên tục chốt lời cổ phiếu, nhất là ở rổ VN30, đẩy VN-Index giảm một mạch xuống dưới 1.200 điểm. Sắc đỏ kéo dài đến chiều. Cuối phiên, lực cầu xuất hiện giúp chỉ số đại diện sàn TP HCM cải thiện điểm số nhưng vẫn đóng cửa ở 1.197,3 điểm, giảm hơn 3,5 điểm so với phiên hôm qua.

Mốc 1.200 điểm được các bên quan sát cho là vùng kháng cự mạnh trong ngắn hạn của thị trường. Do đó, xác suất điều chỉnh theo tâm lý chốt lời là kịch bản đã được nhiều công ty chứng khoán lưu ý trước. Ngoài ra, rạng sáng nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi trở lại, thêm 25 điểm cơ bản (0,25%) và ra tín hiệu thắt chặt thêm lần nữa trong năm nay. Vì thế, diễn biến thị trường chứng khoán cũng chịu tác động.

Toàn sàn HoSE có 262 cổ phiếu giảm, cao hơn số lượng 193 cổ phiếu tăng. Riêng rổ VN30 có 17 mã giảm. Nhìn chung thị trường mất điểm do diễn biến của nhóm ngân hàng, dịch vụ tài chính và nguyên vật liệu. Ở chiều ngược lại, công nghiệp và bất động sản góp mức tăng lớn. Dòng tiền vẫn chuộng tìm đến những cổ phiếu có câu chuyện riêng. Điều này tương tự như xu hướng giao dịch ở những phiên trước đó.

Mã chứng khoán của Novaland hôm nay ghi nhận giá trị giao dịch vượt 1.250 tỷ đồng (tương đương hơn 71 triệu đơn vị), cao nhất sàn HoSE. Thị giá tăng 3,8% so với tham chiếu, đạt 17.850 đồng – vùng giá cũ hồi tháng 12/2022. Những phiên gần đây, NVL luôn được nền tảng theo dõi thị trường Investing xếp vào cổ phiếu có khối lượng giao dịch bất thường, khi có lượng khớp lệnh cao gấp 4,8 lần so với trung bình 3 tháng gần đây.

Cũng có thanh khoản nghìn tỷ, DIG sang tay gần 1.200 tỷ đồng trong hôm nay với mức tăng 2,2%. Đây là cổ phiếu có giá trị giao dịch cao thứ hai thị trường. Theo sau là DXG với hơn 770 tỷ đồng. Mã này tăng trần 6,8% lên mức 18.050 đồng một cổ phiếu.

Nhìn chung sàn HoSE, thanh khoản tăng mạnh 26% lên mức gần 22.700 tỷ đồng, cao nhất gần hai tháng. Nhà đầu tư nước ngoài có tâm lý thận trọng hơn khi giá trị giao dịch cả hai chiều đều giảm so với hôm qua. Nhóm này vẫn giữ trạng thái mua ròng khoảng 330 tỷ đồng, chủ yếu là mã VNM, VHM và HDB.

Tất Đạt

Chứng khoán có phiên tăng mạnh nhất tuần

Dòng tiền chảy mạnh vào các cổ phiếu đầu ngành bất động sản, chứng khoán, ngân hàng giúp VN-Index tăng hơn 10 điểm, vượt xa ngưỡng tâm lý 1.200 điểm.

Sau phiên rung lắc mạnh khiến chỉ số đại diện cho sàn TP HCM mất mốc 1.200 điểm, thị trường đã có dấu hiệu hồi phục lại. Phần lớn cổ phiếu giảm mạnh trong phiên hôm qua và sáng nay đều đảo chiều vào cuối ngày. VN-Index nhờ đó đóng cửa gần 1.208 điểm, tăng hơn 10 điểm so với tham chiếu. Đây cũng là phiên tăng mạnh nhất trong tuần tính theo giá trị tuyệt đối lẫn tương đối nhờ có gần 330 cổ phiếu tăng, trong khi số lượng cổ phiếu giảm xấp xỉ 140.

Ngân hàng là nhóm có đà tăng đồng thuận nhất khi hầu hết cổ phiếu đều đảo chiều từ giảm trong buổi sáng thành tăng vào cuối phiên. LPB là mã duy nhất của nhóm này lội ngược dòng thị trường khi giảm 1,2%, còn 16.300 đồng. Cổ phiếu bất động sản có sự phân hoá mạnh. Nhiều mã vốn hoá nhỏ như QCG, IJC, NBB chạm trần, trong khi một số khác như HDC, DIG, AGG giảm từ 1% trở lên.

Hôm nay, VHM trở thành cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào đà tăng của thị trường khi tăng 2,4% lên gần 59.000 đồng. Ngược lại, sau khi thông báo lợi nhuận sau thuế quý II giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái, cổ phiếu Sabeco (SAB) đối mặt áp lực bán mạnh nên mất 2%, đứng đầu danh sách những mã tác động tiêu cực đến thị trường.

Thanh khoản thị trường đạt hơn 21.900 tỷ đồng, giảm khoảng 700 tỷ đồng so với hôm qua. Dòng tiền hôm nay phân bổ tương đối đồng đều giữa các nhóm cổ phiếu. Tài chính – ngân hàng vẫn hút mạnh nhất với gần 5.900 tỷ đồng, tiếp đến là nhóm công nghiệp gần 4.500 tỷ đồng và bất động sản 4.300 tỷ đồng.

Sàn TP HCM hôm nay có đến 3 mã giao dịch nghìn tỷ gồm NVL (gần 1.300 tỷ đồng), VND (1.100 tỷ đồng) và DIG (1.060 tỷ đồng).

Nhà đầu tư nước ngoài kéo dài chuỗi mua ròng 3 phiên liên tiếp với giá trị giải ngân hơn 1.670 tỷ đồng trong khi bán ra khoảng 1.240 tỷ đồng. Khối ngoại rót tiền nhiều nhất vào cổ phiếu VNM, PNJ và HSG; trong khi HPG chịu áp lực xả hàng quyết liệt với giá trị bán ròng 60 tỷ đồng.

Phương Đông

‘Vua Nha Đam’ giảm lãi nửa đầu năm

Nguồn cung lá nha đam giảm mạnh khiến nửa đầu năm, G.C Food chỉ lãi trước thuế 17 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo quý II của Công ty cổ phần Thực phẩm G.C cho thấy nửa đầu năm, doanh thu thuần đạt 235 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế 6 tháng giảm 36%, đạt 17 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân lợi nhuận giảm so với cùng kỳ 2022, ông Nguyễn Văn Thứ – Chủ tịch HĐQT GC Food cho biết năm nay, vùng trồng nha đam bị ảnh hưởng nặng bởi đợt mưa và ngập cuối năm ngoái. Do đó diện tích vùng trồng giảm từ gần 300 ha xuống khoảng 100 ha. Trong đó, 80 ha nha đam bị thiệt hại nặng do mưa bão nên công ty bị hụt nguồn cung 6 tháng đầu năm.

Ngoài ra, công ty cũng chủ động tăng giá mua lá nha đam từ 2.500 đồng một kg lên 4.600 đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái, nhằm hỗ trợ nông dân tái canh tác.

Hiện, việc phục hồi vùng trồng nha đam mất nhiều thời gian (từ 8-12 tháng) và gặp khó khăn do thời tiết nắng nóng cực đoan khiến cây con chậm lớn, xuất hiện nhiều bệnh như thối nhũn, teo đầu lá làm hư hại 20-40% cây trồng trên mỗi vườn.

“Chúng tôi đang phải trợ giá để bà con phục hồi sản xuất. Công ty cũng đầu tư nâng công suất phòng cấy mô, đến năm 2024 có thể cung cấp 3 triệu cây giống cho nông dân”, ông Thứ nói.

Theo ông này, hoạt động kinh doanh thạch dừa đạt kết quả tốt giúp công ty có lợi nhuận cao. Năm nay, công ty này mở rộng thêm nhiều thị trường quốc tế mới – trong đó có khu vực Trung Đông. Hàng được bán với giá cao nên thạch dừa mang về gần 100 tỷ đồng doanh thu, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.




Thạch dừa đang là sản phẩm cứu cánh cho doanh nghiệp trước bối cảnh nguyên liệu nha đam bị ảnh hưởng. Ảnh: Thi Hà

Thạch dừa đang là sản phẩm “cứu cánh” cho doanh nghiệp trước bối cảnh nguyên liệu nha đam bị ảnh hưởng. Ảnh: Thi Hà

Nửa cuối năm, ông Thứ cho biết sẽ tập trung khôi phục vùng trồng nha đam để hướng tới vùng nguyên liệu xanh, bền vững và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thạch dừa nội địa và quốc tế.

G.C Food đang chiếm hơn 8% thị phần tại Hàn Quốc và trên 9% ở Nhật Bản. Ba năm tới, công ty đặt mục tiêu chiếm khoảng 15-20% thị trường nha đam tại hai thị trường này.

G.C Food mới gia nhập ngành nha đam hơn 10 năm, họ là doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này dẫn đầu thị trường Việt với sản lượng 12.000-15.000 tấn một năm, có mặt ở 20 quốc gia trên thế giới. Công ty sở hữu nhà máy chế biến nha đam Vietfarm (Ninh Thuận) với công suất 35.000 tấn lá tươi mỗi năm, cho ra 15.000 tấn thành phẩm.

Thi Hà