Chứng khoán

Dòng tiền trở lại nhóm bất động sản, ngân hàng

VN-Index chốt phiên 8/12 trên tham chiếu, sau hai phiên giảm điểm trước đó, khi dòng tiền trở lại với nhóm bất động sản và ngân hàng.

Sắc xanh trở lại với thị trường chứng khoán khi áp lực điều chỉnh hai phiên liên tiếp gần đây ép giá nhiều cổ phiếu giảm trên 10%. Mức chiết khấu này kích hoạt lực cầu vào nhanh ngay từ đầu phiên hôm nay, giúp VN-Index vượt lên trên tham chiếu sau ATO.

Đà tăng được nới rộng trong phiên sáng khi dòng tiền vào mạnh và quyết liệt hơn, với chỉ số của sàn HoSE có lúc tăng hơn 30 điểm, tiến gần ngưỡng 1.080 điểm. Nhiều mã ngân hàng, bất động sản được kéo tăng kịch trần.

Tuy nhiên, áp lực bán tăng dần ở vùng giá cao khiến sắc tím của nhiều cổ phiếu không duy trì được lâu. Sang phiên chiều, đà tăng của VN-Index bị thu hẹp dần. Lực cung dần mạnh lên, trong khi lệnh mua chững lại ở vùng giá cao ép giá nhiều cổ phiều quay đầu. Tới ATC, thị trường dần cân bằng lại ở mức tăng chỉ bằng một phần ba phiên sáng.

Chốt phiên, VN-Index tăng 9,51 điểm (0,91%) lên 1.050,53 điểm. VN30-Index tăng với biên độ cao hơn (1,45%) đạt 1.062,73 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng hơn 2,5%, còn UPCOM-Index có thêm gần 1,7%.




VN-Index chốt phiên 8/12 tăng gần 10 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index chốt phiên 8/12 tăng gần 10 điểm. Ảnh: VNDirect

Sắc xanh chiếm ưu thế vào cuối phiên, với 334 mã tăng trên HoSE, so với 115 mã giảm. Riêng nhóm vốn hóa lớn, 20/30 mã bluechip chốt phiên trên tham chiếu.

Động lực của thị trường hôm nay đến từ sự trở lại của hai nhóm chính là ngân hàng và bất động sản. Sau hai phiên giảm mạnh, dòng tiền bắt đáy giúp các mã nhóm này bật cao. Trong VN30, STB, TCB, SSI chốt phiên ở trạng thái “trắng bảng bên bán”. PDR, GVR, TPB có thêm hơn 5%, VPB tăng 4,9%, MBB vượt tham chiếu 4,6%. Những mã này trước đó đều tăng kịch trần xong phiên sáng, trước khi thu hẹp vào cuối phiên chiều.

Với những mã còn lại, HDB, HPG tăng trên 3%, MWG, VIB, POW, PLX có thêm hơn 2%.

Trong nhóm vốn hóa trung bình, các mã bất động sản, xây dựng, thép và chứng khoán là tâm điểm chú ý. DIG, CEO, SCR, HQC, ITA, DXG tăng hết biên độ, các mã xây dựng (CTD, HBC) hay cổ phiếu thép (NKG, HSG) cũng giao dịch tích cực. Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng ghi nhận nhiều mã trong sắc tím, như VCI, FTS, VND.

Ở chiều ngược lại, NVL tiếp tục giảm sàn trước áp lực bán ra ồ ạt. Mã này đã giảm sàn bốn phiên liên tiếp, lùi về mức 17.900 đồng. MSN cũng mất 4% sau phiên hôm nay, VCB, VRE, VNM giảm quanh ngưỡng 2%.

Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm, với khối lượng giao dịch chỉ hơn 900 triệu cổ phiếu được sang tay, tương ứng giá trị giao dịch hơn 15.000 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng với quy mô hôm nay đạt gần 600 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng một phần ba những phiên cao điểm từ đầu tháng đến nay.

Minh Sơn

Cổ phiếu ngân hàng, bất động sản bị bán tháo

Thị trường giảm mạnh trong phiên 6/12 với VN-Index mất hơn 4%, còn VN30-Index giảm 5,12% khi cổ phiếu ngân hàng, bất động sản bị bán tháo.

Thông tin nới room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước công bố tối qua không giúp thị trường vượt được mốc 1.100 điểm. Ngược lại, “tin ra là bán” trở thành xu hướng chính trong phiên hôm nay.

Áp lực bán chiếm ưu thế từ khi mở cửa ép VN-Index lùi về dưới tham chiếu. Tuy nhiên, trong cả phiên sáng, bên mua và bán vẫn chủ yếu giữ trạng thái giằng co với biên độ dao động của chỉ số trong khoảng 1.070-1.085 điểm. Nhà đầu tư cầm cổ phiếu không bán ra ồ ạt, thay vào đó là chờ đợi động tĩnh của dòng tiền. Dù vậy, lực cầu không còn quyết liệt như những phiên trước.

Đà giảm của VN-Index dần nới rộng khi thị trường bước vào phiên giao dịch chiều, sự kiên nhẫn của bên cầm cổ phiếu cũng giảm đi đáng kể. Áp lực bán tăng dần, trong khi dòng tiền mua yếu khiến chỉ số liên tục lùi sâu. Đến 14h, VN-Index đã giảm hơn 30 điểm. Nhịp bật lên trong 10 phút sau đó chỉ tạo cơ hội cho bên bán mạnh tay hơn. Sắc đỏ lan rộng với lực bán dâng cao kéo chỉ số của sàn HoSE lùi sâu. Nhiều mã ngân hàng, bất động sản – hai nhóm chính dẫn dắt thị trường trong nhịp tăng vừa qua – chạm mức giá sàn.

“Mức lợi nhuận 15-20% với những nhà đầu tư mua vào trong hai tuần gần đây khiến tâm lý bảo vệ thành quả đặt lên hàng đầu”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta nói với VnExpress chiều nay. “Nhà đầu tư chỉ cần một tác động nhỏ để đua nhau đặt lệnh bán”.

Theo chuyên gia này, thông tin nới room tăng trưởng tín dụng là tích cực, song điều này đã được phản ánh vào giá cổ phiếu trong nhịp tăng gần đây. “Tin tức này là điều mà thị trường kỳ vọng, và nhà đầu tư cũng trông vào điều này để ‘đua lệnh’ các mã ngân hàng”, ông Minh nhận xét và nói thêm, khi thông tin được công bố, động lực mua cổ phiếu vì kỳ vọng sẽ không còn.

Áp lực bán ra khiến VN-Index chốt phiên ở mức thấp nhất trong ngày, giảm gần 45 điểm (4,11%) xuống dưới ngưỡng 1.050 điểm. VN30-Index giảm mạnh hơn với gần 57 điểm (5,12%), còn 1.054 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng mất hơn 3%.




VN-Index giảm gần 45 điểm sau phiên 6/12. Ảnh: VNDirect

VN-Index giảm gần 45 điểm sau phiên 6/12. Ảnh: VNDirect

Sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điểm với gần 400 mã giảm trên HoSE, trong đó có 83 mã giảm sàn, so với 87 mã tăng. Riêng nhóm vốn hóa lớn, toàn bộ 30 cổ phiếu đóng cửa dưới tham chiếu, 9 mã giảm hết biên độ.

Những cổ phiếu dẫn dắt đà tăng của thị trường gần đây, như ngân hàng, bất động sản, thép hay chứng khoán, trở thành mục tiêu bị bán tháo.

Trong VN30, bốn cổ phiếu ngân hàng là VPB, MBB, VIB, STB giảm hết biên độ, mất gần 7%. Các mã ngân hàng khác cũng không nằm ngoài xu hướng, như TCB, TPB mất 6,7%, VCB, CTG, ACB giảm gần 6%, BID thấp hơn tham chiếu hơn 5%.

Nhóm bất động sản cũng trong trạng thái tương tự. NVL, PDR, GVR trong trạng thái “trắng bảng bên mua”. Trong nhóm vốn hóa trung bình, các mã được chú ý như DIG, CEO, HQC, QCG, CII, NBB, DXG giảm kịch sàn. Cổ phiếu xây dựng (CTD, HBC), cổ phiếu thép (HPG, NKG, HSG) cũng không nằm ngoài xu hướng chung.

Thanh khoản thị trường lên mức cao nhất kể từ đầu năm, với gần 1,5 tỷ cổ phiếu được sang tay, giá trị hơn 23.500 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn giữ trạng thái mua ròng, nhưng quy mô thu hẹp còn hơn 700 tỷ đồng trên HoSE.

Minh Sơn

VN-Index tiến gần 1.100 điểm

Chuỗi tăng liên tiếp của chứng khoán chưa dừng lại khi VN-Index có thêm gần 14 điểm sau phiên đầu tuần này và tiến sát 1.100 điểm.

Không còn là đồ thị với một đường đi lên như những phiên tăng điểm tuần trước, chứng khoán mở cửa tuần này với một phiên có biên độ dao động mạnh hơn.

VN-Index vượt lên sau ATO nhưng nhanh chóng bị kéo về gần tham chiếu khi áp lực bán chiếm ưu thế. Đà tăng liên tục trong hai tuần gần đây của thị trường giúp nhiều nhà đầu tư đạt mức lợi nhuận hai chữ số. Điều này khiến tâm lý bảo vệ thành quả tăng lên. Tuy nhiên, quyết định đưa ra cũng không dễ dàng. Không bán thì sợ thị trường đảo chiều, nhưng bán lại lo cổ phiếu tiếp tục tăng, sự giằng co về tâm lý khiến các quyết định giao dịch trở nên khó khăn.

Ở chiều ngược lại, nhịp tăng liên tục cũng khiến những người đứng ngoài tỏ ra sốt ruột. Kết quả là nhịp giảm của chỉ số chưa sâu nhưng cũng kích hoạt dòng tiền tham gia đỡ giá.

VN-Index giằng co trong khung giá trên tham chiếu trong cả phiên chiều, chốt phiên ở mức 1.093,67 điểm, tăng 13,66 điểm (1,26%). VN30-Index có biên độ tăng mạnh hơn với gần 18 điểm (1,64%) lên 1.110,94 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng tăng trên 1%.




VN-Index tăng gần 14 điểm sau phiên 5/12. Ảnh: VNDirect

VN-Index tăng gần 14 điểm sau phiên 5/12. Ảnh: VNDirect

Sắc xanh chiếm ưu thế khi chốt phiên, với 351 mã tăng trên HoSE so với 135 mã giảm. Riêng nhóm vốn hóa lớn, 25/30 mã đóng cửa trong sắc xanh.

Lực kéo của thị trường trong phiên hôm nay đến từ nhóm vốn hóa lớn, với các mã trong nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. VN30 chốt phiên với 4 mã tăng hết biên độ, gồm STB, SSI, KDH và PDR. Nối tiếp là đà tăng mạnh của nhóm ngân hàng, bảo hiểm, với VPB tăng gần 5%, BVH vượt tham chiếu hơn 4%, HDB, CTG, VIB có thêm hơn 2%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán hay thép cũng giao dịch khởi sắc. Sắc xanh của thị trường kết hợp với thanh khoản tăng vọt khiến nhóm cổ phiếu chứng khoán được chú ý. Ngoài SSI, các mã khác như VCI, FTS, VND, CTS đều trong trạng thái “trắng bảng bên bán”. Nhóm cổ phiếu thép cũng tiếp tục tăng mạnh với HSG, NKG tăng hết biên độ, HPG có thêm gần 3%.

Trong nhóm vốn hóa trung bình, đà tăng của nhóm bất động sản bắt đầu có sự phân hóa. Trong khi những mã được chú ý gần đây như DIG, CEO, HQC, ITA vẫn nối dài chuỗi phiên tăng trần, những mã khác như CII, NBB, SCR đóng cửa trong sắc đỏ. NVL giảm kịch sàn dưới áp lực bán ra ồ ạt, thanh khoản ghi nhận hơn 60 triệu cổ phiếu được sang tay. HPX cũng tương tự với khối lượng giao dịch đạt hơn 40 triệu đơn vị.

Thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức cao, với giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 20.800 tỷ đồng. Trong đó, nhóm VN30 giao dịch hơn 10.700 tỷ. Khối ngoại hôm nay tiếp tục mua ròng với quy mô gần 1.400 tỷ đồng trên HoSE.

Minh Sơn

VN-Index tăng hơn 100 điểm trong tuần

Chứng khoán kết thúc tuần cuối cùng của tháng 11 tăng hơn 108 điểm (11,17%) so với tuần trước – mức tăng mạnh nhất kể từ giữa năm nay.

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến một tuần giao dịch bùng nổ về cả điểm số lẫn thanh khoản. VN-Index nối dài mạch tăng điểm của tuần trước với sắc xanh lan tỏa khắp thị trường trong ba phiên đầu tuần, giúp chỉ số chung tiếp cận vùng 1.070 điểm.

Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), thanh khoản của thị trường được cải thiện, chủ yếu xuất hiện ở chiều mua chủ động cho thấy sự lạc quan đã trở lại trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc tăng giá mạnh mẽ của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 cũng tạo tiền đề tích cực dẫn sóng thị trường phục hồi.

Đà tăng chững lại trong phiên ngày 1/12 khi thị trường chịu áp lực bán chốt lời T+, sau khi đã tăng hơn 15% từ đáy. Tuy nhiên, phiên cuối tuần đã phủ định những lo ngại về khả năng đảo chiều khi chỉ số của sàn HoSE đóng cửa với mức tăng 4,2% – phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ cuối tháng 5.

Không chỉ về điểm số, thanh khoản thị trường cũng bùng nổ với giá trị giao dịch bình quân trên cả ba sàn tăng 78,3% so với tuần trước đạt trung bình hơn 20.400 tỷ đồng mỗi phiên. Khối ngoại, với sự tham gia của Fubon ETF, đã có tuần mua ròng kỉ lục trên HoSE với giá trị đạt 9.181 tỷ đồng. Trong đó, riêng phiên cuối tuần ghi nhận dòng tiền ròng hơn 2.000 tỷ đồng, tập trung vào STB, HPG, SSI.

Chốt tuần này, VN-Index tăng hơn 108 điểm (11,17%) so với tuần trước, vượt 1.080 điểm và đánh dấu tuần tăng điểm mạnh nhất kể từ giữa năm nay. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cũng lần lượt tăng 9,8% (khoảng 19 điểm) và 5,6%, lên mức 216 điểm và 72,2 điểm.




Nhà đầu tư giao dịch trên sàn một công ty chứng khoán tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhà đầu tư giao dịch trên sàn một công ty chứng khoán tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Diễn biến tâm lý tích cực của thị trường, theo Công ty chứng khoán VNDirect là nhờ những thông tin tích cực về vĩ mô. Trong đó, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã xác nhận sẽ làm chậm lại đà tăng lãi suất trong kỳ họp sắp tới, các tín hiệu rõ ràng hơn cho việc Trung Quốc có thể sớm mở cửa trở lại và Ngân hàng Nhà nước phân bổ lại dư địa tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng.

Sự bùng nổ của thị trường đã giúp toàn bộ các nhóm ngành tăng điểm, trong đó vai trò dẫn dắt thuộc về đà tăng của hai nhóm cổ phiếu trụ là ngân hàng và bất động sản.

Ngành ngân hàng chứng kiến đà hồi phục mạnh nhờ thông tin một số nhà băng được phân bổ room tín dụng. Theo đó, các cố phiếu nhóm này đều có mức tăng ấn tượng, như VCB (tăng 16,3%), TCB (25,2%), VPB (11,6%) và VIB (16,9%).

Nhóm ngành bất động sản trở thành tâm điểm chú ý khi hai cổ phiếu giảm sàn liên tiếp trước đó là PDR và NVL được “giải cứu” với mức tăng trở lại lần lượt là 21% và 16,4%. Điều này đã tạo hiệu ứng đến nhóm bất động sản, nhiều mã cổ phiếu nhóm này ở phân khúc vốn hóa trung bình ghi nhận mức tăng 20-30%.

Đánh giá về giai đoạn tới, VNDirect kỳ vọng VN-Index duy trì xu hướng tăng điểm và hướng tới vùng kháng cự 1.125-1.140 điểm (tương đương đường MA100). Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng cảnh báo thị trường có thể rung lắc mạnh do hoạt động chốt lời gia tăng ở vùng kháng cự.

Minh Sơn

Khối ngoại có tháng mua ròng cao nhất từ đầu năm

Tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng đột biến gần 16.000 tỷ đồng, cao nhất từ đầu năm.

Sau thời gian dài im hơi lặng tiếng, khối ngoại trở thành một trong những tâm điểm chú ý trong tháng vừa qua.

Nửa đầu tháng 11, khi chứng khoán liên tục tạo đáy mới trước áp lực bán tháo của nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài vẫn miệt mài bắt đáy. Động thái này được nối dài trong nửa cuối của tháng khi thị trường chứng khoán phục hồi. Tính chung cả tháng 11, khối ngoại mua ròng gần 16.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mức cao nhất kể từ đầu năm. Riêng sàn HoSE, dòng vốn ngoại đổ vào gần 15.000 tỷ đồng.

Kết quả này cũng đảo chiều quy mô giao dịch ròng tính từ đầu năm. Tính tới cuối tháng 10, khối ngoại bán ròng hơn 3.200 tỷ đồng trên HoSE. Tuy nhiên, sau tháng 11, con số này đảo chiều thành mua ròng hơn 11.700 tỷ đồng.

Lý giải về động thái của khối ngoại, nhóm phân tích Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, tín hiệu đạt đỉnh của cả lạm phát toàn cầu lẫn lãi suất của Mỹ đã làm tăng “khẩu vị rủi ro” của nhà đầu tư nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi.

Ngoài ra, việc thất thế gần đây của các cổ phiếu công nghệ cũng dẫn đến sự chuyển hướng đầu tư sang các hoạt động kinh doanh truyền thống, vốn cũng là bản chất của thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi ngân hàng, bất động sản, điện lực, tiêu dùng chiếm ưu thế về vốn hóa.

Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), động thái mua ròng liên tiếp của khối ngoại cũng cho thấy “sự kỳ vọng về nhịp phục hồi kéo dài của VN-Index vào cuối năm 2022”.

Cũng theo VNDirect, đa phần hoạt động mua vào được hỗ trợ bởi dòng vốn hơn 11.400 tỷ đồng từ các quỹ ETF (chủ yếu từ VNDiamond ETF và Fubon ETF) đổ vào thị trường.

Tỷ trọng về giá trị giao dịch của khối ngoại trên tổng quy mô giao dịch của thị trường cũng tăng mạnh từ mức 6,2% đầu năm nay lên gần 15% tính tới cuối tháng 11.

Trên HoSE, bất động sản, ngân hàng, thép và chứng khoán là những cái tên được chú ý. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 1.700 tỷ đồng cổ phiếu VHM trong tháng 11, hơn 1.300 tỷ với STB và hơn 1.000 tỷ với mỗi mã KDH, HPG và SSI. Ở chiều ngược lại, một số mã bất động sản như HPX, DXG và NVL bị bán mạnh nhất.

Minh Sơn

Apax Holdings nêu lý do cổ phiếu giảm mạnh

Công ty của ông Nguyễn Ngọc Thủy cho rằng giá cổ phiếu giảm do tâm lý nhà đầu tư trước bất ổn và triển vọng kinh tế kém tích cực.

Từ ngày 22/11 đến 2/12, cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (IBC) luôn trong sắc đỏ, trong đó giảm sàn liên tiếp từ ngày 23/11. Tình trạng bán tháo xuất hiện không ngừng, có phiên ghi nhận hàng triệu đơn vị được đặt lệnh bán với giá sàn ngay đầu giờ giao dịch.

Chỉ sau 9 phiên giao dịch, mã IBC bốc hơi hơn một nửa thị giá, từ 15.800 đồng một đơn vị còn 8.780 đồng. Trong khi đó, từ đầu năm đến trước đợt giảm mạnh này, thị giá cổ phiếu IBC gần như ổn định quanh 18.000-20.000 đồng.

Lãnh đạo Apax Holdings cho rằng diễn biến tiêu cực của giá cổ phiếu công ty gần đây do yếu tố tâm lý của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế. Ngoài ra, những tác động của tình hình kinh tế vĩ mô cũng ảnh hưởng đến thị giá IBC.




Apax Holdings nêu lý do cổ phiếu giảm mạnh

Cổ phiếu giảm sàn liên tiếp diễn ra ngay sau khi doanh nghiệp của ông Nguyễn Ngọc Thủy công bố kế hoạch tái cấu trúc hệ thống đến hết quý I/2023. Kế hoạch này được lập ra sau nhiều lùm xùm về trung tâm Anh ngữ thuộc công ty con Apax Leaders. Nhiều khách hàng tố chất lượng dạy học của hệ thống Apax Leaders có vấn đề, nhân viên cũng lên tiếng vì bị chậm trả hoặc nợ lương…

Lãnh đạo công ty cho biết đại dịch khiến Apax Leaders chịu gánh nặng về chi phí mặt bằng, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhân viên… Sau khi mở cửa trở lại, nhiều khó khăn phát sinh khiến một số trung tâm bị gián đoạn hoạt động, ảnh hưởng không tốt tới chất lượng học tập của học viên, gây ra bức xúc cho một số phụ huynh.

Hệ thống này sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tại nhóm các trung tâm đủ điều kiện vận hành. Đồng thời, Apax Leaders đầu tư nguồn lực tài chính, nhân sự để hoàn thiện dần các mặt còn thiếu.

Mới đây, công ty mẹ Apax Holdings cũng bị Cục Thuế Hà Nội cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản hơn 5,6 tỷ đồng. Nguyên nhân do công ty có số tiền quá hạn nộp. Cơ quan thuế cho biết, Apax Holdings mở tài khoản tiền gửi tại nhiều ngân hàng. Để thực hiện việc cưỡng chế, Cục thuế Hà Nội đã ban hành 17 quyết định gửi đến 9 ngân hàng và các chi nhánh.

Về tình hình kinh doanh, Apax Holdings đạt gần 374 tỷ đồng doanh thu trong quý III, giảm 5% so với cùng kỳ 2021. Nguyên nhân doanh thu công ty mẹ giảm do không ghi nhận khoản tiền từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ mà chỉ có doanh thu hoạt động tài chính và hoạt động khác.

Lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ còn 776 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng lùi về âm hơn 6 tỷ đồng.

Tất Đạt

VN-Index tăng mạnh nhất nửa năm

Giao dịch chững lại trong phiên sáng, rồi đột ngột bật mạnh ở phiên chiều, VN-Index đóng cửa hôm nay tăng 44 điểm – mạnh nhất 6 tháng qua.

Đà giảm đột ngột trong 30 phút cuối phiên chiều hôm qua khiến nhà đầu tư thận trọng hơn khi thị trường mở cửa phiên 2/12. VN-Index, vì thế, giằng co quanh tham chiếu sau ATO, giữ xu hướng đi ngang tới cuối phiên sáng.

Nhịp tăng với biên độ cao giúp nhiều người ghi nhận lợi nhuận hai chữ số, tâm lý bảo vệ thành quả được đẩy lên cao. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cũng lo ngại thị trường sẽ còn tiếp tục tăng mạnh, việc bán ra lúc này đồng nghĩa với “mất hàng”. Sự giằng co về tâm lý này khiến cả bên mua và bán đều giữ vị thế quan sát, bên bán chỉ canh vùng giá cao, còn bên mua chỉ kê lệnh ở vùng giá đỏ.

Sang phiên chiều, bên mua có phần mất kiên nhẫn hơn. Chờ đợi nhịp điều chỉnh mạnh không diễn ra, trong khi nhiều cổ phiếu đã bật cao từ vùng đáy khiến nhiều người lo ngại sẽ bỏ lỡ nhịp tăng. Lệnh mua vào thị trường nhanh và quyết liệt đẩy giá khiến xu hướng tăng được xác lập. Chỉ số của sàn HoSE nới rộng biên độ cho tới khi đóng cửa.

Chốt phiên, VN-Index tăng gần 44 điểm (4,22%) lên hơn 1.080 điểm. Xét theo biên độ tăng, phiên hôm nay tăng điểm mạnh nhất kể từ cuối tháng 5.

VN30-Index có thêm hơn 50 điểm (4,83%), tiến gần ngưỡng 1.100 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng hơn 2%, còn UPCOM-Index cũng có thêm hơn 1%.




VN-Index tăng gần 44 điểm sau phiên 2/12. Ảnh: VNDirect

VN-Index tăng gần 44 điểm sau phiên 2/12. Ảnh: VNDirect

Sắc xanh chiếm áp đảo với 361 mã tăng trên HoSE, với 48 mã tăng trần, so với 92 mã giảm. Riêng nhóm vốn hóa lớn, toàn bộ 30 mã bluechip chốt phiên trên tham chiếu.

Trong VN30, bất động sản, ngân hàng, thép hay chứng khoán là những cái tên tăng mạnh nhất. Với bất động sản, VHM tăng kịch trần, KDH và PDR cũng trong trạng thái “trắng bảng bên bán”. Các mã ngân hàng, chứng khoán như VIB, CTG, STB, SSI cũng tương tự.

Ở phần còn lại, MWG, VCB có thêm hơn 6%, BID, MBB, TCB, VRE tăng trên 5%, MSN, TPB, ACB, POW vượt tham chiếu hơn 4%.

Trong nhóm vốn hóa trung bình, sắc tím và xanh chiếm áp đảo trên bảng điện. Các mã nhóm bất động sản, xây dựng, bán lẻ, chứng khoán cùng tăng mạnh.

Thanh khoản thị trường giảm so với phiên hôm qua nhưng vẫn cao hơn mức trung bình gần đây. Giá trị giao dịch trên HoSE đạt gần 18.000 tỷ đồng với gần 1,1 tỷ cổ phiếu được sang tay. Khối ngoại hôm nay tiếp tục mua ròng với quy mô hơn 2.000 tỷ đồng, tập trung vào HPG, STB, VHM.

Minh Sơn

Tiền vào chứng khoán cao nhất bảy tháng

Sàn TP HCM hôm nay có hơn 1,34 tỷ cổ phiếu được sang tay, trị giá gần 22.000 tỷ đồng – mức cao nhất từ tháng 4 đến nay.

Tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư sau chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp, cộng thêm kỳ vọng những thông tin hỗ trợ thị trường bất động sản, trái phiếu… có thể xuất hiện nên dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào chứng khoán. Nhiều nhóm phân tích cũng khuyến nghị nhà đầu tư mua theo đà hồi phục của thị trường.

Nhà đầu tư giải ngân mạnh trong phiên sáng giúp VN-Index có thời điểm lên 1.066 điểm, tăng hơn 24 điểm so với tham chiếu. Dòng tiền tìm đến cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, chứng khoán và thép giúp thanh khoản nhảy vọt. Giá trị khớp lệnh trước giờ nghỉ trưa đã gần 9.000 tỷ đồng, nhiều hơn giá trị cả phiên giao dịch cách đây một tuần.

Khoảng 30 phút trước giờ đóng cửa, thị trường đột ngột đảo chiều do áp lực chốt lời những cổ phiếu được mua cách đây 3-5 ngày dâng lên. VN-Index chuyển sang sắc đỏ, nhưng lượng tiền chờ mua ở giá thấp vẫn có nên biên độ giảm không lớn.

Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM chốt phiên tại 1.036 điểm, giảm hơn 12 điểm so với tham chiếu và đứt chuỗi tăng liên tiếp. Chỉ số giảm điểm chủ yếu do áp lực bán tại nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, trong khi sắc xanh vẫn chiếm ưu thế ở nhóm vốn hoá vừa và nhỏ.

Sàn TP HCM hôm nay có hơn 1,34 tỷ cổ phiếu được sang tay. Giá trị giao dịch đạt 21.830 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với hôm qua và lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 4 đến nay.

Dòng tiền tập trung ở những nhóm cổ phiếu được đánh giá còn dư địa tăng mạnh sau đợt điều chỉnh sâu, gồm tài chính – ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu và công nghiệp. Tính riêng từng mã, NVL của Novaland dẫn đầu về giá trị giao dịch với 1.830 tỷ đồng, tiếp đến là HPG 1.274 tỷ đồng, STB 800 tỷ đồng và SSI 700 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng giải ngân mạnh vào thị trường, thể hiện qua giá trị mua hơn 2.650 tỷ đồng còn bán ra chỉ 1.630 tỷ đồng. Đây là phiên thứ 19 liên tiếp khối ngoại mua nhiều hơn bán. STB, VHM và HPG là ba cổ phiếu đang được nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng nhất.

Phương Đông

Nhiều cổ phiếu bất động sản nhân đôi sau hai tuần

Đà tăng trở lại của chứng khoán gần đây được hỗ trợ một phần bởi nhóm cổ phiếu bất động sản, khi nhiều mã tăng hơn 100% chỉ trong chưa tới một tháng.

Chỉ nửa tháng trước, những vụ việc trên thị trường trái phiếu, vấn đề room tín dụng và lo ngại sức cầu yếu của thị trường khiến tâm lý nhà đầu tư chuyển hướng tiêu cực. Áp lực bán tháo đè nặng lên nhóm cổ phiếu này khiến các mã được chú ý liên tục nằm sàn.

Một số cái tên như DIG, NLG, SCR, HQC, CEO hay DXG đều giảm sâu. Những mã vốn hóa lớn như NVL hay PDR còn tiêu cực hơn khi ghi nhận chuỗi giảm sàn hơn 15 phiên liên tiếp. So với mức thị giá hồi giữa năm, các mã nhóm này đều giảm hai chữ số. Thậm chí, nếu so với mức đỉnh đầu năm, biên độ giảm lên tới 80-90%.

Tuy nhiên, trong hai tuần gần đây, nhóm này bắt đầu bật ngược trở lại.

Theo giới phân tích, đà giảm quá mạnh trước đó đã khiến thị giá các mã nhóm bất động sản giảm rất sâu, thậm chí về dưới giá trị sổ sách (giá trị dựa trên báo cáo tài chính của một doanh nghiệp, được tính theo toàn bộ tài sản trừ các khoản nợ phải trả). Điều này đã kích hoạt dòng tiền bắt đáy.

Phiên 16/11, sau khi giảm gần 40 điểm vào đầu phiên sáng, VN-Index đột ngột đảo chiều đi lên nhờ dòng tiền giải ngân ồ ạt và chốt phiên tăng 31 điểm. Nhiều mã bất động sản cũng bật ngược từ mức giá sàn lên tăng trần, biên độ gần 14%.

Liên tiếp những phiên sau đó, đi cùng sự phục hồi của thị trường chung là sắc tím trên bảng điện của nhiều mã nhóm này. Chỉ trong hai tuần, nhiều cổ phiếu bất động sản đã ghi nhận biên độ tăng hai chữ số, thậm chí có mã có mức tăng tính bằng lần.

Trong HoSE, tính trong hai tuần gần nhất, cổ phiếu NLG tăng gần hơn 55%, từ 17.650 đồng chốt phiên ngày 15/11 lên hơn 27.400 đồng. Tương tự, SCR, HQC, LDG, DXS cũng ghi nhận biên độ tăng trên 50%. DIG, cái tên được nhiều nhà đầu tư chú ý, cũng tăng hơn 40% từ ngưỡng 10.000 lên hơn 14.500 đồng.

Hai mã bất động sản nằm sàn liên tiếp gần đây là NVL và PDR cũng bật ngược trở lại trong phiên sáng nay khi lực cầu bắt đáy ồ ạt.

Trên sàn Hà Nội, CEO ghi nhận mức đáy cuối phiên 15/11 là 8.100 đồng. Tính tới cuối phiên sáng hôm nay, mã này giao dịch ở mức 16.600 đồng, tăng hơn gấp đôi. L14 hay L18 cũng tăng hơn 100% chỉ trong chưa tới hai tuần.

Cùng chiều với nhóm bất động sản là các mã cổ phiếu xây dựng và vật liệu xây dựng. Trong nhóm xây dựng, C4G, HBC, CTD, SCI đều tăng trên 30% so với mức đáy giữa tháng 11. Với nhóm thép, bộ ba HPG, HSK và NKG cũng giao dịch tích cực.

Dù vậy, nếu so với mức đỉnh trước đó, thị giá các mã này vẫn giảm ở ngưỡng hai chữ số. Như CEO, nếu so với mức hơn 35.000 đồng vào đầu tháng 8 và mức đỉnh hơn 90.000 đồng vào đầu năm, cổ phiếu này hiện vẫn giảm mạnh. L14 giao dịch mức thị giá hiện tại là 46.900 đồng, vẫn thấp hơn 80% so với đỉnh quá khứ.

Minh Sơn

Cổ phiếu Novaland ngắt chuỗi giảm 18 phiên liên tiếp

Hơn 50 triệu cổ phiếu Novaland chào bán giá sàn được hấp thụ chỉ trong hai phút đầu phiên chiều, nhờ đó hút thêm dòng tiền đưa giá về tham chiếu.

Thị trường chứng khoán hôm nay tăng mạnh từ lúc mở cửa, nhưng cổ phiếu của Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán: NVL) vẫn ngược dòng giảm hết biên độ. Trước giờ nghỉ trưa, khối lượng NVL chào bán tại giá sàn 19.050 đồng lên đến 50 triệu cổ phiếu nhưng lực mua không đáng kể. Điều này khiến cổ phiếu này có thời điểm đứng đầu danh sách những mã tác động tiêu cực nhất đến VN-Index.

Tuy nhiên, chỉ trong hai phút đầu phiên chiều, dòng tiền đổ mạnh vào thị trường đã hấp thụ toàn bộ cổ phiếu Novaland ở giá sàn và đưa thị giá về lại tham chiếu 20.450 đồng. Bên mua và bán giao dịch sôi động khiến biên độ giá từ đó đến cuối phiên biến động mạnh, có lúc tăng gần 4% lên 21.200 đồng rồi lập tức đảo chiều giảm gần 6% về 19.200 đồng.

Cuối cùng, lượng lớn cổ phiếu được sang tay tại giá tham chiếu trong phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) giúp Novaland cắt chuỗi giảm 18 phiên trước đó, trong đó có 17 phiên liên tiếp giảm sàn. Chuỗi lao dốc đã khiến thị giá cổ phiếu giảm gần 71%, từ 70.000 đồng xuống vùng giá thấp nhất từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM cách đây sáu năm. Vốn hoá thị trường cũng bốc hơi khoảng 100.000 tỷ đồng, hiện còn xấp xỉ 40.000 tỷ đồng.

Hôm nay có hơn 104 triệu cổ phiếu Novaland được khớp lệnh, kém kỷ lục được thiết lập tuần trước khoảng 24 triệu cổ phiếu. Khối cổ phiếu này tương ứng 2.050 tỷ đồng, đứng đầu sàn TP HCM và gần bằng tổng giá trị giao dịch của ba mã đứng sau là HPG, SSI và STB cộng lại.

Dòng tiền đổ vào “giải cứu” NVL không lâu sau khi NovaGroup – cổ đông lớn nhất của Novaland – thông báo bán thoả thuận 150 triệu cổ phiếu từ ngày 30/11 cho các nhà đầu tư, tổ chức có năng lực tài chính để giảm tỷ lệ sở hữu từ 36,46% xuống 28,76%

NovaGroup cuối tuần trước cho biết việc đàm phán thành công với nhà đầu tư và các tổ chức có năng lực tài chính nhận chuyển nhượng một phần vốn tại Novaland “là tín hiệu tích cực để kịp thời bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh trong thời gian tới”.

Doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông Bùi Thành Nhơn cho biết số tiền thu được từ thương vụ thoái vốn sẽ bổ sung nguồn vốn xử lý trái phiếu, đưa hệ số tài chính về mức an toàn trong chiến lược tái cấu trúc toàn bộ tập đoàn.

Phương Đông