Chứng khoán

Nhiều nhà phân phối ôtô lãi kỷ lục

Dù hoạt động bán hàng chững lại 3 tháng cuối năm, nhiều nhà phân phối xe như Savico, Haxaco, City Auto… vẫn lãi kỷ lục trong năm ngoái.

Quý IV/2022, Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã CK: HAX), đạt doanh thu xấp xỉ 1.600 tỷ đồng. Con số này giảm mạnh so với quý trước đó và cũng kém 26% so với cùng kỳ 2021. Doanh thu sụt giảm kéo lợi nhuận trước thuế quý cuối năm của nhà phân phối xe Mercedes lớn nhất Việt Nam đi xuống 63%, còn hơn 58 tỷ đồng.

Tuy nhiên, luỹ kế cả năm 2022, Haxaco vẫn lãi trước thuế 300 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm 2021 nhờ lãi lớn trong 9 tháng đầu năm. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của nhà phân phối ôtô này.

Tương tự, Công ty cổ phần dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico, mã CK: SVC), đơn vị đang phân phối nhiều thương hiệu xe Toyota, Honda, Ford, Suzuki, Volvo… ghi nhận doanh thu cả năm 2022 tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2021, lên hơn 21.486 tỷ đồng – mức cao nhất từ trước tới nay. Nhờ đó, Savico cũng thiết lập đỉnh lợi nhuận trước thuế với hơn 688 tỷ đồng, gấp hơn 2,7 lần năm 2021. Mức lãi này của Savico cũng lớn hơn lợi nhuận hai năm 2021 và 2020 gộp lại.

Ngoài mức đỉnh năm 2022, nhà phân phối ôtô có thị phần hàng đầu Việt Nam này năm 2018 lãi trước thuế 362 tỷ đồng, còn từ đó đến trước năm 2022 đều ở quanh mức 250 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế của Công ty cổ phần City Auto, đơn vị chuyên phân phối xe Ford tại Việt Nam năm ngoái cũng tăng gấp hơn 2 lần, lên xấp xỉ 145 tỷ đồng, mức lớn nhất kể từ khi niêm yết trên HoSE năm 2017. Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu của City Auto khoảng 6.356 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm trước đó.

Năm 2022, Tập đoàn Thành Công (TC Group), nhà lắp ráp, phân phối xe Hyundai tại Việt Nam cũng ước đạt doanh thu 118.000 tỷ đồng, xấp xỉ 5 tỷ USD. Năm ngoái, TC Group bán ra thị trường hơn 81.500 ôtô Hyundai các loại, tăng 15,6% so với năm 2021 và tăng nhẹ so với năm 2020.

Chưa công bố kết quả doanh thu cụ thể, nhưng theo thống kê, Thaco Auto của Tập đoàn Trường Hải năm ngoái bán ra thị trường khoảng 130.000 xe các loại, tăng mạnh so với 2021.

Nhìn chung, các nhà phân phối ôtô đều đạt doanh thu, lợi nhuận kỷ lục trong năm ngoái nhờ thị trường thuận lợi 9 tháng đầu năm. Trong đó, chính sách giảm 50% với xe lắp ráp trong nước kéo đến hết tháng 5 cũng kích thích nhu cầu của khách hàng sau thời gian bị kìm nén vì dịch bệnh. Nửa đầu năm, một số hãng còn không đủ xe mới để áp ứng nhu cầu của người mua. Đại lý cắt khuyến mại, xe mới tăng giá. Thậm chí để nhận xe sớm hơn, khách hàng còn phải bỏ thêm tiền mua phụ kiện hay còn gọi là “bia kèm lạc” của các đại lý.

“Nhu cầu bị dồn nén từ khi bùng phát đại dịch Covid 19 đã thúc đẩy doanh số bán xe trong năm 2022. Tình trạng thiếu chip bán dẫn đã cản trở hoạt động sản xuất toàn cầu, nhưng lại tạo cơ hội cho các đại lý nâng giá bán cao hơn tới 50% trên mỗi chiếc xe”, SSI Research đánh giá.

Tuy nhiên, thị trường đảo chiều trong quý cuối năm khi nhu cầu của khách hàng suy giảm. Nguyên nhân là nhiều ngân hàng hết room tín dụng, lãi suất tăng làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn của người mua xe.

Theo dự báo của SSI Research, thị trường xe sẽ trở về bình thường, tiêu thụ giảm tốc trong năm 2023 do người tiêu dùng giảm chi tiêu trong thời kỳ suy thoái. Việc mua trả góp xe mới sẽ đắt đỏ và khó khăn hơn. Nhóm phân tích của SSI ước tính lượng xe bán ra năm 2023 chỉ tăng 5% so với năm ngoái. Tình trạng thiếu chip ôtô và gián đoạn chuỗi cung ứng khả năng sẽ không ảnh hưởng tới thị trường nửa cuối năm 2023.

Anh Tú

Ông Bùi Thành Nhơn chính thức quay lại ghế Chủ tịch Novaland

Hội đồng quản trị Novaland trưa nay thông qua nghị quyết bầu ông Bùi Thành Nhơn – người sáng lập công ty – quay lại ghế chủ tịch.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (mã chứng khoán: NVL) trong thông cáo phát ra trưa 3/2 cho biết đã bầu lại các thành viên Hội đồng quản trị sau khi giảm số lượng từ 7 người còn 5 người. Ông Nhơn chính thức giữ chức chủ tịch và là người đại diện pháp luật

Kế hoạch trở lại của ông Nhơn sau hơn một năm chuyển giao chức Chủ tịch cho ông Bùi Xuân Huy được công bố cuối tháng 11/2022. Novaland khi đó dẫn lời ông Nhơn cho biết ông muốn trở lại “vì nghĩ rằng đã là doanh nhân thì phải chấp nhận đối mặt với khó khăn và thách thức bởi trở ngại này qua đi, khó khăn khác sẽ đến”.

“Tôi mong rằng, với ý thức luôn thượng tôn pháp luật và tập trung vào lõi chuyên môn, khối rubic màu xanh (logo của công ty) sẽ tiếp tục tỏa sáng”, ông Bùi Thành Nhơn cho biết.

Việc ông Nhơn trở lại là một phần trong đề án tái cấu trúc mà NovaGroup – cổ đông lớn nhất của Novaland – đang thực hiện để đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.




Ông Bùi Thành Nhơn. Ảnh: Novaland cung cấp

Ông Bùi Thành Nhơn. Ảnh: Novaland cung cấp

Novaland cho biết đã và đang cùng các đơn vị tư vấn hàng đầu như KPMG, E&Y Parthenon, Deloitte… xây dựng đề án tái cấu trúc, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, tinh gọn nhân sự, xác định lại mục tiêu thay đổi chiến lược phát triển. Sơ đồ tổ chức vì thế có nhiều sự thay đổi, tách bạch và phân quyền hoạt động độc lập giữa Hội đồng quản trị, Ban điều hành.

“Đứng trước những khó khăn và thách thức, với sự hỗ trợ và tư vấn của nhiều đối tác chuyên nghiệp, công ty đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện tập đoàn nhằm đưa ra những giải pháp quản lý hiệu quả, tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và các bên liên quan”, theo thông cáo trưa 3/2 của Novaland.

Năm 2022, công ty này ghi nhận doanh thu hơn 11.150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.293 tỷ đồng, lần lượt giảm 25% và 34% so với năm trước. Trong số này có hơn 9.220 tỷ đồng doanh thu bán hàng được ghi nhận từ việc bàn giao các dự án lớn như NovaWorld Phan Thiet, Aqua City, NovaWorld Ho Tram, NovaHills Mui Ne…

Tổng tài sản của công ty tính đến cuối năm 2022 đạt hơn 257.000 tỷ đồng, tăng gần 28% so với thời điểm đầu năm. Hàng tồn kho chiếm hơn 134.000 tỷ đồng trong số này, chủ yếu là giá trị quỹ đất và các dự án đang xây dựng.

Phương Đông

Một cổ phiếu ‘họ FLC’ tăng trần liên tục

KLF, cổ phiếu liên quan đến Tập đoàn FLC, tăng trần ba phiên liên tiếp trên sàn chứng khoán Hà Nội, đưa giá từ 700 đồng lên 1.000 đồng.

KLF là cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xuất khẩu CFS, đang niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội với biên độ dao động giá mỗi phiên 10%. Do công ty chậm nộp báo cáo tài chính nên cổ phiếu này chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần từ giữa tháng 10.

Trong ba phiên được giao dịch gần nhất, KLF đều đóng cửa tại giá trần và không có bên bán. Hôm nay (16/12) có 7,6 triệu cổ phiếu khớp lệnh, trong đó hơn 6,2 triệu cổ phiếu được sang tay ở giá trần 1.000 đồng.

Thị giá của KLF tăng 30% sau chuỗi tăng trần này. Tuy nhiên, giá cổ phiếu hiện tại giảm hơn 10 lần so với vùng đỉnh 10.500 đồng được thiết lập trong những tháng đầu năm. Chuỗi trượt dài này bắt đầu khi cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán.

Đại diện ban lãnh đạo KLF từng cho biết sự kiện đó ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh vì dù ông Quyết không sở hữu cổ phần hay trực tiếp điều hành tại đây, cổ đông mặc định hai doanh nghiệp có mối quan hệ nên bán tháo cổ phiếu. Ngoài ra, Tập đoàn FLC cũng là đối tác lớn nhất và ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của công ty nên khi ông Quyết bị bắt kéo theo các hợp đồng kinh tế và dòng tiền công nợ bị chậm lại.

KLF tiền thân Công ty cổ phần Dịch vụ, Thương mại và Đầu tư Tân Mỹ Đình được thành lập năm 2009 và từng có thời gian đổi tên thành FLC Golfnet, FLC Travel, FLC Global. Công ty hiện kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản, du lịch và thương mại.

Tập đoàn FLC trước đây trực tiếp rót vốn vào KLF nhưng hiện không còn sở hữu. Theo báo cáo tài chính gần nhất, FLC đang là chủ nợ lớn nhất của công ty này với dư nợ tính đến cuối quý III xấp xỉ 150 tỷ đồng.

KLF đặt mục tiêu doanh thu năm nay 1.100 tỷ đồng và lãi trước thuế 12 tỷ đồng. Sau khi trích các quỹ (khen thưởng, phúc lợi, đầu tư phát triển…) công ty cho biết không chia cổ tức mà giữ lại lợi nhuận để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thiên Ngân

Cổ phiếu ngành thép tăng vọt

HPG tăng 5,4% còn những cổ phiếu thép vốn hóa vừa và nhỏ như NKG, HSG, TLH, POM đều đóng cửa tại giá trần và không có bên bán.

Thị trường ghi nhận tín hiệu tích cực từ cổ phiếu ngành thép trong phiên giao dịch cuối tuần, bù lại cho sự ảm đạm về thanh khoản lẫn biến động giá ở nhóm ngân hàng, bất động sản và tiêu dùng.

Cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) dẫn sóng thị trường khi tăng 5,4% lên 20.400 đồng, nối dài mạch hưng phấn bốn phiên liên tiếp. Với hơn 55 triệu cổ phiếu được sang tay tương ứng 1.110 tỷ đồng, HPG đóng góp cho VN-Index gần 2 điểm để giúp thị trường tránh phiên điều chỉnh mạnh.

NKG, HSG, TLH và POM hôm nay đều đóng cửa tại giá trần và không có bên bán dù trong phiên có lúc giảm hơn 5%. HSG khớp lệnh hơn 440 tỷ đồng, mức cao nhất trong ba tháng qua và nằm trong nhóm năm mã có giá trị giao dịch lớn nhất sàn TP HCM.

Diễn biến phiên cuối tuần củng cố thêm chuỗi hồi phục nhanh của cổ phiếu ngành thép. HPG tích lũy 6,2% trong tuần này, còn nếu so với vùng đáy 12.100 đồng thiết lập giữa tháng trước, mã này tăng đến 68%. NKG thậm chí còn ghi nhận mức tăng cao hơn, lên đến 90% chỉ trong một tháng.

Đợt tăng này, theo nhận định của một số nhóm phân tích, đến từ kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng ngành thép trong năm sau. Ngoài ra, việc nhiều cổ phiếu chiết khấu gần phân nửa, xuống mức thấp nhất từ khi dịch bùng phát đến nay, cũng là chất xúc tác quan trọng để kích thích nhà đầu tư giải ngân mạnh hơn vào nhóm này.

Báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán VNDirect công bố đầu tháng này cho rằng có nhiều tín hiệu cho thấy doanh nghiệp lẫn cổ phiếu ngành thép sẽ cải thiện. Thứ nhất là giá than cốc được dự báo dự báo giảm từ 420 USD một tấn còn 258 USD và giá quặng sắt giảm từ mức trung bình 110 USD một tấn xuống 90 USD trong năm sau, nhờ đó chi phí của các doanh nghiệp giảm mạnh. Thứ hai là Trung Quốc dỡ bỏ giãn cách xã hội sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu. Cuối cùng, việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng trong nước sẽ bù đắp phần nào cho thị trường bất động sản đang trì trệ.

Bên cạnh đó, chuyên gia của VNDirect cho rằng dù giá bán thép vẫn giảm trong hai tháng qua, biên lợi nhuận gộp của các công ty này sẽ phục hồi bởi hầu hết hàng tồn kho giá cao đã được ghi nhận vào giá vốn bán hàng những quý trước. “Điều này sẽ làm giảm rủi ro từ trích lập hàng tồn kho”, báo cáo nói và cho rằng lợi nhuận của các công ty thép sẽ sớm chạm đáy.

Phương Đông

Cổ phiếu ngân hàng hút tiền

Thị trường giằng co trong biên độ hẹp dù phiên 15/12 đáo hạn hợp đồng tương lai, dòng tiền phân hóa, tập trung chủ yếu vào nhóm ngân hàng.

Dòng tiền của khối ngoại giảm bớt, lực mua của nhà đầu tư trong nước phân hóa khiến thị trường tiếp tục xu hướng giằng co.

VN-Index mở cửa phiên hôm nay trong sắc xanh, nhưng biên độ tăng chỉ quanh ngưỡng một chữ số. Cả bên mua và bán đều giữ tâm lý thận trọng. Một bên không đẩy giá mua quyết liệt, một bên không hạ giá bán quá sâu. Các cổ phiếu sau phiên ATC hầu như không biến động mạnh. Đến giữa phiên sáng, ngân hàng là nhóm có sự chuyển biến. Dòng tiền vào mạnh hơn, tập trung một số mã như VPB hay MBB, giúp nhóm này bật lên. Dù vậy, sắc xanh không tạo ra sự cộng hưởng chung khi phần còn lại của thị trường vẫn ở vị thế giằng co.

Nhịp giao dịch chững lại trước giờ nghỉ trưa, đi ngang trong đầu phiên chiều rồi lùi về sát tham chiếu. Tới ATC, chỉ số của sàn HoSE mới nới rộng sắc xanh.

Chốt phiên, VN-Index tăng gần 5 điểm (0,47%) lên 1.055,32 điểm. VN30-Index tăng gần 12 điểm (1,13%) nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng, tiến gần ngưỡng 1.070 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index đóng cửa gần tham chiếu.




VN-Index chốt phiên 15/12 tăng gần 5 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index chốt phiên 15/12 tăng gần 5 điểm. Ảnh: VNDirect

Thị trường giao dịch cân bằng với 228 mã tăng trên HoSE, so với 181 mã giảm. Trong nhóm vốn hóa lớn, trạng thái có phần chênh lệch hơn khi 19/30 mã giữ sắc xanh.

Ngân hàng là cái tên được chú ý nhất trong phiên hôm nay. Trong VN30, nhóm này chiếm 4/5 mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số. VPB cũng đứng đầu đà tăng của nhóm bluechip khi chốt phiên tại mức giá trần, theo sau là MBB tăng 4,4%, TCB có thêm hơn 2%, VIB, HDB, CTG tăng trên 1%. Nhóm bán lẻ, sản xuất như MSN, MWG hay VNM cũng giao dịch tích cực.

Trong nhóm vốn hóa trung bình, các mã nhóm bất động sản khu công nghiệp, bán lẻ, bảo hiểm hay cảng biển cũng giữ sắc xanh.

Ngược lại, bất động sản là nhóm phân hóa mạnh khi sắc xanh – đỏ đan xen. Trong VN30, VHM, PDR cùng giảm trên 4%, NVL mất hơn 2%, VRE cũng chốt phiên dưới tham chiếu.

Thanh khoản thị trường thu hẹp, với giá trị giao dịch trên HoSE chỉ hơn 12.000 tỷ đồng, tương ứng với 730 triệu cổ phiếu được sang tay. Giao dịch của khối ngoại cũng chững lại với giá trị mua vào hơn 1.100 tỷ, trong khi bán ra hơn 800 tỷ đồng.

Minh Sơn

Mua bán thoả thuận cổ phiếu tăng mạnh

Hôm nay có 124 triệu cổ phiếu thoả thuận thành công, chiếm gần 16% thanh khoản của sàn TP HCM, đánh dấu mức cao nhất từ đầu tháng đến nay.

Giá trị sang tay bằng phương thức thoả thuận hôm nay xấp xỉ 2.520 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 300 tỷ đồng so với phiên đầu tuần. Tuy nhiên, so với mức bình quân từ đầu tháng đến nay, con số này gần gấp đôi.

Hôm nay xuất hiện hàng loạt cổ phiếu có mức thoả thuận đột biến. VHM của Vinhomes có giá trị thoả thuận 360 tỷ đồng, cao nhất trong vòng ba tháng qua. Những mã xếp sau phần đông thuộc nhóm ngân hàng như MSB hơn 200 tỷ đồng, TPB khoảng 210 tỷ đồng và TCB, VPB, MBB khoảng 100-150 tỷ đồng. NVL, cổ phiếu đang trong thời gian chuyển nhượng lượng lớn cổ phần của cổ đông lớn Novagroup, ghi nhận giá trị thoả thuận 180 tỷ đồng.

Lượng tiền thoả thuận tăng trong khi khớp lệnh đi xuống nên giá trị giao dịch cả phiên hôm nay không chênh lệch nhiều so với hôm qua, đang ở gần mức 14.000 tỷ đồng. Tiền chủ yếu chảy vào cổ phiếu tài chính – ngân hàng, bất động sản và công nghiệp.

Do lực mua giảm ở phương thức khớp lệnh nên VN-Index giao dịch tương đối trầm lắng. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM đầu phiên có lúc tăng hơn 10 điểm lên vùng 1.060 điểm, sau đó thu hẹp dần biên độ và giằng co mạnh quanh tham chiếu. Chỉ số đóng cửa tại 1.050,43 điểm, tăng chưa đến 3 điểm.

Thị trường có trên 250 cổ phiếu tăng, còn cổ phiếu giảm khoảng 160 mã. Sắc xanh chủ yếu bao trùm ở nhóm vốn hoá vừa và nhỏ, trong khi nhóm vốn hoá lớn cân bằng hơn với số lượng cổ phiếu tăng và giảm bằng nhau.

GAS tăng gần 2% lên 107.500 đồng, là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index. Xếp tiếp theo trong danh sách này phần lớn là các mã ngân hàng gồm VCB, EIB, STB, MBB. Ở chiều ngược lại, VIC của Vingroup nối dài chuỗi giảm phiên thứ năm liên tiếp xuống 60.800 đồng và là mã kìm đà tăng của chỉ số.

Phương Đông

Sản phẩm chứng khoán quản trị từng giao dịch đầu tiên tại Việt Nam

Nhà đầu tư có thể quản trị theo từng giao dịch bằng hệ thống Margin Deal trên nền tảng Entrade X của Chứng khoán DNSE.

Đây là sản phẩm đầu tiên và duy nhất hiện nay tại Việt Nam ứng dụng hình thức cho vay, quản lý dư nợ, lợi nhuận theo từng giao dịch mua bán – Isolated Margin thay vì trên tổng tài khoản như phương thức truyền thống – Cross Margin.

Theo đó, giá hòa vốn được tính toán và hiển thị rõ ràng theo từng mã chứng khoán cụ thể, từng giao dịch. Trong khi đó, với hình thức giao dịch cũ, các khoản phí, lãi vay, thuế… không được hiển thị rõ ràng, khiến nhà đầu tư khó kiểm soát được tổng số tiền đầu tư là bao nhiêu.

Ngoài ra, Margin Deal cũng cho phép nhà đầu tư được tùy chỉnh tỷ lệ và lãi suất vay ký quỹ (margin) cho riêng từng lệnh mua theo nhu cầu, thay vì vay cho toàn bộ danh mục như hình thức truyền thống. Đồng thời, mô hình này mang đến cho nhà đầu tư quyền lựa chọn các gói vay với lãi suất và tỷ lệ vay khác nhau, tùy theo đánh giá mức độ rủi ro của mã cổ phiếu, với mức lãi suất chỉ từ 5,99%/năm. Điều này giúp nhà đầu tư phân bổ nguồn tiền và đưa ra các kế hoạch đầu tư đa dạng hơn.

Với việc quản trị trên từng giao dịch, từng cổ phiếu, Margin Deal trên Entrade X cũng hỗ trợ nhà đầu tư tối đa trong việc kiểm soát rủi ro. Tỷ lệ ký quỹ được tính độc lập theo từng Deal, mọi hành động như Call Margin hay bán giải chấp đều tách bạch theo từng giao dịch.




Ứng dụng Entrade X miễn phí giao dịch trọn đời, nạp rút tiền miễn phí 24/7. Ảnh: DNSE

Ứng dụng Entrade X hiện áp dụng hệ thống quản trị theo từng giao dịch với nhiều lợi ích cho nhà đầu tư. Ảnh: DNSE

Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán DNSE, công ty và đội ngũ Entrade X đã ấp ủ thực hiện mô hình quản trị theo từng giao dịch trong suốt 3 năm, từ khâu lên ý tưởng tới xây dựng nền tảng công nghệ, vận hành thử nhiều giai đoạn trước khi ra mắt. Học hỏi từ mô hình Isolated Margin ưu việt của thế giới, hệ thống Margin Deal trên Entrade X được xây dựng giống như một “sổ nhật ký đầu tư” minh bạch, rõ ràng, với những công cụ hỗ trợ giúp nhà đầu tư dễ dàng tính toán, kiểm soát được hiệu quả đầu tư, đa dạng hoá chiến lược đầu tư, quản trị rủi ro linh hoạt. Từ đó, nhà đầu tư có cái nhìn cụ thể về hiệu quả đầu tư trên từng mã chứng khoán, từng giao dịch, cũng như tránh được rủi ro bán chéo cổ phiếu tốt trong danh mục như trong giao dịch truyền thống. Lợi ích này cũng giúp các nhà đầu tư mới tiếp cận với vay margin đảm bảo an toàn cho danh mục.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, hệ thống quản trị theo Deal sẽ hỗ trợ và mang lại lợi ích tối ưu cho người dùng trên hành trình đầu tư, đúng như mục tiêu của DNSE – Đơn giản hóa đầu tư cho người Việt”, ông Giang chia sẻ.

Bên cạnh việc ra mắt Margin Deal, DNSE cũng đang dần hoàn thiện mô hình môi giới ảo – AI broker, đưa ra một vũ trụ ý tưởng đầu tư khách quan cho khách hàng, nhằm giảm thiểu yếu tố cảm xúc, minh bạch hóa quyết định đầu tư.

Chứng khoán DNSE là doanh nghiệp có nhiều ứng dụng công nghệ số hiện đại vào sản phẩm tài chính – chứng khoán. Hiện tại, DNSE thuộc top 10 công ty chứng khoán có vốn lớn hàng đầu Việt Nam.

Minh Lâm

Nhà đầu tư ngoại mua ròng 17 phiên liên tiếp

Hôm nay khối ngoại mua ròng gần 1.000 tỷ đồng, đánh dấu phiên thứ 17 liên tiếp nhóm này mua nhiều hơn bán.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay giải ngân gần 2.500 tỷ đồng – nhiều nhất trong một tuần qua – trong đó rót tiền nhiều nhất vào cổ phiếu của Tập đoàn Novaland (NVL) với 223 tỷ đồng, tiếp đến là VHM, VND, SSI và DXG. Ở chiều ngược lại, nhóm này bán ra 1.550 tỷ đồng. Cổ phiếu Vinamilk (VNM) chịu áp lực xả hàng mạnh nhất với gần 100 tỷ đồng.

Đây là phiên thứ 17 liên tiếp nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều hơn bán, dài hơn đáng kể so với chuỗi gom hàng 7 phiên liên tiếp vào giữa tháng trước. Giá trị mua ròng trong chuỗi hiện tại có lúc lên đến 2.200 tỷ đồng một phiên.

Dòng tiền của khối ngoại tác động tích cực đến diễn biến VN-Index. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM giằng co quanh tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch, có lúc còn giảm về vùng 1.025 điểm. Tuy nhiên, nửa tiếng trước giờ đóng cửa, tiền chảy mạnh vào thị trường giúp chỉ số bật ngược lên và chốt phiên tại 1.047 điểm.

Giá trị giao dịch cả phiên hôm nay đạt 13.240 tỷ đồng, trong đó rổ vốn hoá lớn chiếm gần phân nửa. So với phiên đầu tuần, con số này giảm hơn 3.000 tỷ đồng. NVL đứng đầu về giá trị khớp lệnh với hơn 1.000 tỷ đồng, bỏ xa nhóm đứng sau có thanh khoản dao động 500-650 tỷ đồng như VND, STB, SSI.

Hôm nay có 258 cổ phiếu tăng và 160 mã giảm. Sắc xanh chiếm ưu thế hoàn toàn trong rổ vốn hoá lớn với 24 mã tăng, gấp 6 lần số lượng cổ phiếu giảm.

Nhiều nhóm cổ phiếu đảo chiều đột ngột nhờ dòng tiền của khối ngoại. Điển hình như trong nhóm bất động sản có NVL đang giảm gần 5% sau đó quay đầu thành tăng 2,2%, đóng cửa tại 18.200 đồng. Cổ phiếu DIG, CEO, PDR cũng từ giá sàn về lại tham chiếu hoặc tăng đến 9% vào lúc chốt phiên.

Nhóm chứng khoán ghi nhận hàng loạt mã thay đổi trạng thái đột ngột trong những phút cuối phiên như VCI, VND, HCM đều từ giá giảm chuyển sang giá trần và không có bên bán.

Phương Đông

Cổ phiếu bất động sản lại bị bán tháo

Ngoại trừ NVL và HPX, những mã được chú ý trong nhóm bất động sản hầu hết “nằm sàn” trong phiên 12/12, đi cùng là nhóm chứng khoán và thép.

Chứng khoán mở phiên đầu tuần này trong sắc xanh, nhưng biên độ tăng không đột biến khi nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng. Mức chiết khấu của nhiều mã đạt ngưỡng hai chữ số, nhưng không quá hấp dẫn nếu so với mức thấp giữa tháng 11. Lực cầu chỉ mang tính thăm dò, không nỗ lực đẩy giá quyết liệt. Ở phía cung, lực bán chặn ở vùng giá cao, chờ xem động tĩnh của dòng tiền. Trạng thái giằng co khiến VN-Index đi ngang trên tham chiếu trong biên độ hẹp.

Nổi bật trong nửa đầu phiên sáng là sắc tím của NVL và HPX, hai mã giảm sàn liên tục gần đây. Lực cầu bắt đáy vào nhanh kéo hai cổ phiếu này tăng kịch trần, với dư mua hàng triệu đơn vị. Tuy vậy, phần còn lại của nhóm bất động sản đối mặt với áp lực bán tăng lên. Với nhóm ngân hàng, sắc xanh chiếm ưu thế nhưng cũng như phần còn lại của thị trường, biên độ tăng chỉ quanh ngưỡng 1-2%.

Sang phiên chiều, xu hướng tích cực của thị trường dần thu hẹp. Bên mua tỏ ra yếu thế hơn khi áp lực bán tăng dần. Lực cầu thận trọng khiến giá nhiều cổ phiếu giảm dần khi các chốt chặn liên tục bị phá. Chỉ số của sàn HoSE lùi về sắc đỏ sau 14h, nới rộng biên độ giảm khi áp lực bán tăng lên.

Chốt phiên, VN-Index giảm gần 20 điểm (1,88%), lùi xuống gần ngưỡng 1.030 điểm. VN30-Index giảm mạnh hơn với 27,66 điểm (2,6%), còn 1.037,42 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index mất gần 3%, còn UPCOM-Index chốt phiên trong sắc đỏ.




VN-Index chốt phiên 12/12 giảm gần 20 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index chốt phiên 12/12 giảm gần 20 điểm. Ảnh: VNDirect

Số mã giảm chiếm ưu thế cuối phiên, với 286 mã giảm trên HoSE, so với 158 mã tăng. Riêng nhóm VN30, 23/30 mã bluechip chốt phiên dưới tham chiếu.

Sắc đỏ của nhóm bất động sản, chứng khoán và ngân hàng là lý do khiến thị trường lao dốc cuối phiên. Với bất động sản, nhóm này chiếm trọn 5 mã giảm mạnh nhất VN30, với KDH, VIC giảm sàn, VHM, VRE và PDR mất trên 6%. Nhóm chứng khoán, ngân hàng đứng sau với SSI giảm 5,4%, STB mất gần 5%, TCB, HDB thấp hơn tham chiếu gần 4%.

Cùng chiều với hai nhóm này là các mã ngành thép và chứng khoán. HPG giảm hơn 3%, HSG, NKG mất hơn 6%. Với chứng khoán, các mã được chú ý đều nằm sàn, như VCI, FTS, VND.

Với phân khúc vốn hóa trung bình, các mã bất động sản cũng là tâm điểm khi chịu áp lực bán tháo. DIG, CEO, DXG, HQC, L14 chốt phiên trong trạng thái giảm hết biên độ, SCR, NLG giảm hơn 5%.

Ngược lại, các cổ phiếu xây dựng ngược chiều khi CTD và HBC đều tăng trần. Các cổ phiếu nhóm bán lẻ, thủy sản, cảng biển vẫn giữ nhịp giao dịch tích cực. Hai mã bất động sản là NVL và HPX cũng ngược sóng sau chuỗi phiên giảm sàn trước đó.

Thanh khoản thị trường tăng so với phiên cuối tuần trước, với giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 16.400 tỷ đồng, trong đó nhóm VN30 giao dịch hơn 7.600 tỷ. Khối ngoại hôm nay vẫn mua ròng, nhưng quy mô thu hẹp chỉ còn hơn 300 tỷ đồng.

Minh Sơn

Cổ phiếu hàng không dậy sóng

Thông tin đường bay với Trung Quốc được mở lại khi nước này nới lỏng chính sách chống dịch giúp cổ phiếu HVN, VJC, AST, SGN… tăng vọt.

Cổ phiếu của Vietnam Airlines (HVN) tuần này có ba phiên tăng và hai phiên giảm đồng nhất với diễn biến của chỉ số VN-Index. Phiên cuối tuần, cổ phiếu này tăng hết biên độ lên 11.750 đồng, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất gần một tháng qua và trở lại vùng giá giữa tháng 10.

VJC của Vietjet Air, hãng hàng không duy nhất nằm trong nhóm 30 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán, cũng tăng ba phiên tương tự HVN. Cổ phiếu này tích lũy được 5% so với tuần trước, đóng cửa tại mốc 111.500 đồng.

Sắc xanh cũng bao trùm cổ phiếu của những doanh nghiệp phụ trợ hàng không. SAS của Công ty Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất và AST của Công ty Dịch vụ hàng không Taseco (doanh nghiệp chủ yếu hoạt động ở sân bay Nội Bài) đều kết thúc đợt điều chỉnh trước đó bằng ba phiên tăng liên tục, lần lượt đóng cửa ở 22.000 đồng và 54.000 đồng.

Điểm chung dễ nhận thấy của cổ phiếu hàng không là đều biến động mạnh trong phiên cuối tuần, không lâu sau khi Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc nới lỏng chính sách “zero Covid” và một số hãng hàng không như Vietnam Airlines, Bamboo Airways thông báo mở lại đường bay với các thành phố của nước này.

Trong báo cáo nhận định về ngành hàng không công bố đầu tháng 12, nhóm chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng yếu tố tiêu cực nhất đối với sự phục hồi dịch của du lịch và hàng không Việt Nam là chính sách “zero Covid” được Trung Quốc thực thi nghiêm ngặt gần ba năm qua. Khách Trung Quốc từng chiếm gần 35% tổng lượng khách đến Việt Nam trước khi dịch bùng phát. Nhóm chuyên gia ước tính khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp chống dịch, lượng khách nước này đến Việt Nam sẽ phục hồi khoảng 20% vào quý đầu năm 2023 và trở lại mức bình thường sau đó một năm.

“Do kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không Việt Nam có độ phụ thuộc lớn vào lưu lượng hàng không quốc tế nên chúng tôi tin rằng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này sẽ tăng trưởng vượt bậc từ năm 2023”, báo cáo của VNDirect viết.

Lý giải nguyên nhân khác về cổ phiếu hàng không nhảy vọt, nhóm chuyên gia VNDirect cho rằng thị trường chứng khoán điều chỉnh thời gian qua đã khiến nhiều mã về gần thời điểm bùng phát dịch (tháng 3/2020). Do đó, nhà đầu tư đang xem đây là thời điểm để tích lũy cổ phiếu có mức giá hấp dẫn và tăng trưởng lợi nhuận vững chắc.

Dù triển vọng tương đối lạc quan, theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, ngành hàng không vẫn đối mặt những rủi ro lớn như giá dầu cao, thị trường cạnh tranh gay gắt, nhu cầu đi lại suy yếu do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng không thiết yếu. Một vấn đề khác là cơ sở hạ tầng tại các sân bay lớn như Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã vượt công suất thiết kế.

Phương Đông