Chứng khoán

Chủ casino lớn nhất Quảng Ninh lỗ bốn năm liền

Lợi nhuận năm ngoái của RIC – đơn vị vận hành casino lớn nhất Quảng Ninh – âm hơn 60 tỷ đồng, kéo dài mạch lỗ 4 năm liên tiếp.

Công ty cổ phần Quốc tế Hoàng Gia (RIC) báo doanh thu năm ngoái đạt khoảng 119 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ 2021 nhưng thấp hơn năm 2020 – đầu mùa dịch. Nếu không tính đỉnh dịch 2021, đây là năm có doanh thu thấp nhất từ trước đến nay của RIC.

Trong đó, mảng khách sạn và biệt thự chiếm gần ba phần tư doanh thu và là mảng duy nhất có lãi (hơn 830 triệu đồng). Casino chỉ mang về hơn 32 tỷ đồng doanh thu nhưng lại tạo gánh nặng đến hơn 62 tỷ đồng lỗ từ hoạt động kinh doanh.

Về hoạt động tài chính, năm ngoái doanh thu mảng này tăng hơn 4,5 lần chủ yếu nhờ hưởng chênh lệch tỷ giá. Song song đó, chi phí tài chính cũng tăng gần gấp rưỡi do lãi vay tăng. RIC đang vay ngân hàng hơn 71 tỷ đồng và phát sinh thêm gần 69 tỷ đồng vay Công ty TNHH Bất động sản Xuân Lam.

Ngoài ra, chi phí bán hàngcủa RIC cũng đội lên gần 40% chủ yếu do trợ cấp thôi việc và chi phí lương tăng khi nhân viên đi làm đủ. Trong quý II-III/2022, RIC có đợt cắt giảm nhân sự mạnh. Doanh nghiệp này đã sa thải gần 100 nhân viên trong năm qua.

Tổng lại, lợi nhuận sau thuế của công ty này âm hơn 61 tỷ đồng. Tuy cải thiện nhiều so với cùng kỳ 2021, đây vẫn là năm thứ 4 kinh doanh thua lỗ. Ban lãnh đạo cho biết đã tìm mọi biện pháp để ổn định nguồn khách có sẵn và khai thác nguồn khách mới để tăng doanh thu nhưng chưa thể bù đắp được chi phí.

Năm 2022, tổng số lượt khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 11,6 triệu lượt, tăng 165% so với năm 2021 (vẫn thấp hơn hẳn so với trước dịch – năm 2019). Riêng khách quốc tế chỉ đạt hơn 300.000 lượt, trong khi năm 2019 có đến 5,7 triệu lượt khách. Lượng khách quốc tế ít trở thành nguyên nhân khách quan tác động lớn đến dịch vụ kinh doanh câu lạc bộ trò chơi.

10 năm gần đây, RIC chỉ có lãi vào năm 2015 và năm 2018. Tính đến cuối năm ngoái, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã hơn 475 tỷ đồng, gần bằng ba phần tư vốn chủ sở hữu. Cổ phiếu của công ty cũng đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) hủy niêm yết bắt buộc từ giữa tháng 5. Đến cuối tháng, mã này chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM.

Trong năm 2022, RIC có nhiều thay đổi ở thượng tầng. Ông Kuo Ta Wei rời ghế tổng giám đốc, ba chức phó tổng giám đốc của ông Loh Siaw Kiang, ông Phạm Ngọc Nam và ông Công Nghĩa Nam cũng lần lượt bị miễn nhiệm. Theo báo cáo quản trị, chỉ còn ông Nguyễn Thắng Hiền giữ chức phó tổng giám đốc và là thành viên duy nhất của ban điều hành.

Công ty Quốc tế Hoàng Gia thành lập năm 1994 với vốn điều lệ 15 triệu USD, mục tiêu xây dựng và kinh doanh khách sạn 5 sao tại Hạ Long. Sau đó 8 năm, công ty tăng vốn lên 22 triệu USD và được cấp giấy phép kinh doanh trò chơi có mở thưởng cho người nước ngoài.

Tất Đạt

‘Chứng khoán chưa thoát nhịp điều chỉnh’

Nhiều công ty chứng khoán dự báo thị trường có thể kiểm định lại vùng hỗ trợ cũ trong tuần này nếu thanh khoản không cải thiện, nhà đầu tư nên cân nhắc hạ tỷ trọng.

Thị trường vừa trải qua một tuần giao dịch với nhiều biến động. Áp lực bán xuất hiện liên tiếp vào hai phiên đầu tuần trước đã ép chỉ số lùi sâu. Thanh khoản bán chủ động gia tăng, chủ yếu ở nhóm cổ phiếu bất động sản, khiến VN-Index có lúc lùi về khu vực 1.030 điểm. Lực cầu bắt đáy tuy thưa thớt nhưng cũng đã xuất hiện những phiên sau đó giúp thị trường lấy lại sắc xanh. Kết tuần, VN-Index đóng cửa ở mức 1.059,3 điểm, tăng 0,38% so với tuần trước đó.

Theo VNDirect, tuần qua, thị trường đón nhận các thông tin hỗ trợ như việc một số ngân hàng thương mại chủ động hạ lãi suất huy động và cho vay, Nghị định 65 sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang được xem xét thông qua. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã tổ chức hội nghị nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản.

“Điều này giúp cổ phiếu ngành bất động sản có xu hướng phục hồi trong những phiên cuối tuần”, nhóm phân tích đánh giá.

Dù vậy, dòng tiền trên thị trường chứng khoán vẫn yếu, thể hiện qua việc thanh khoản ở mức thấp. Giá trị giao dịch bình quân ba sàn giảm 9,5% so với tuần trước đó, còn xấp xỉ 10.000 tỷ đồng mỗi phiên. Khối ngoại đã chuyển trạng thái sang bán ròng 471 tỷ đồng trên sàn HoSE, so với việc mua ròng 858 tỷ đồng tuần kế trước.

VNDirect cho rằng thị trường sẽ gặp thử thách tuần này khi VN-Index tiệm cận vùng kháng cự 1.065-1.080 điểm. Nếu không vượt qua được kháng cự trên với thanh khoản cải thiện, chỉ số nhiều khả năng sẽ điều chỉnh trở lại và kiểm định vùng đáy ngắn hạn 1.035-1.040 điểm một lần nữa. Theo đó, nhà đầu tư được khuyến nghị nên chủ động hạ tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường tiệm cận vùng kháng cự. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị danh mục, hạn chế tối đa sử dụng đòn bẩy (margin) ở hiện tại.

Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho biết áp lực bán hạ nhiệt giúp VN-Index tạo nến Hammer trên khung đồ thị tuần, cho thấy tín hiệu chững lại của nhịp điều chỉnh trước đó. Chỉ báo MACD trên khung đồ thị tuần vẫn hướng lên và cho thấy tín hiệu tích cực, trong khi RSI ở ngưỡng trung tính phản ánh thị trường vẫn đang trở lại trong trung và dài hạn.

Trong ngắn hạn, nhóm phân tích cho rằng vùng 1.030-1.040 điểm tạm thời vẫn đang là hỗ trợ của thị trường. Tuy nhiên, VN-Index có xác suất giảm điểm để kiểm tra lại khu vực này.

“Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư cân nhắc tận dụng những phiên tăng điểm tốt của thị trường để hiện thực hóa lợi nhuận từng phần đối với những cổ phiếu đã bắt đáy thành công”, báo cáo chiến lược tuần 20-24/2 của VCBS viết.

Cùng quan điểm thận trọng, Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng VN-Index vẫn đang giao dịch trên khu vực đáy 950-1.000 điểm. Tuy nhiên đây chỉ là sự hồi phục ngắn hạn. Về trung dài hạn, thị trường cần thêm một giai đoạn với khối lượng giao dịch thấp (tích lũy cạn kiệt) để tạo nền tảng hình thành xu hướng mới.

Tín hiệu tiếp theo để hy vọng thị trường dần tìm đến vùng tích lũy là khối lượng giao dịch có dấu hiệu giảm dần. SHS khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên hơn với hoạt động đầu tư trung – dài hạn và mục tiêu ở các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.

Minh Sơn

Từ ngày 22/2, eBox tổ chức chương trình chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành. Bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây.
Là nền tảng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, eBox nhằm giúp các độc giả phát triển bản thân, nâng cao giá trị cuộc sống.

Sắc đỏ quay lại cổ phiếu bất động sản

NVL và DXG nằm sàn, nhiều mã bất động sản khác giảm hơn 4% trong phiên giao dịch hôm nay.

Sau hai phiên liên tiếp tăng mạnh và dẫn dắt thị trường, các cổ phiếu bất động sản hôm nay phần lớn chìm trong sắc đỏ.

NVL lùi về nằm sàn ngay đầu buổi chiều và duy trì mức này đến khi chốt phiên. DXG có nhiều đợt giằng co trước khi giảm hết biên độ, về 11.000 đồng.

Trong 11 mã đạt thanh khoản trăm tỷ, có đến 9 cổ phiếu giảm giá hoặc về mức sàn. DIG giảm 6,5%, trong khi thị giá VHM mất 5,8%. Ngoài ra, các mã PDR, CII, KDH… đều đồng loạt giảm hơn 4%.

Theo thống kê của VNDirect, bất động sản trung bình giảm hơn 4%, mạnh nhất thị trường. Theo sau là nhóm năng lượng, tài chính với biên độ lần lượt gần 3,9% và 2,8%. Các mã thuộc hai nhóm này như PLX, TPB, PVD, LPB đều giảm từ 4% trở lên.

Toàn thị trường chỉ có nhóm ngành chăm sóc sức khỏe đạt sắc xanh nhưng mức tăng rất thấp. Cả 10 cổ phiếu có thanh khoản cao nhất thị trường đều giảm, 6/10 mã mất hơn 5% thị giá.




VN-Index đóng cửa với hơn 1.054 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index đóng cửa với hơn 1.054 điểm. Ảnh: VNDirect

Nhìn chung, toàn sàn HoSE có đến 364 cổ phiếu chốt phiên giảm, trong khi chỉ 60 mã tăng. Toàn bộ nhóm VN30 đều nhuộm sắc đỏ. Điều này khiến VN-Index hầu như giao dịch dưới mức tham chiếu cả ngày và chốt phiên lùi về 1.054,28 điểm, giảm gần 28 điểm. Đây là phiên giao dịch có mức giảm mạnh thứ hai trong tháng (ngày 3/2 giảm với biên độ 35,21 điểm).

Hôm nay khối ngoại có phiên thứ sáu liên tiếp xả hàng với lượng bán ròng hơn 360 tỷ đồng, dẫn đầu là VHM, TCB, HPG… Nhìn chung thanh khoản thị trường đã tăng ba phiên liên tiếp, lên hơn 12.700 tỷ đồng, mức cao thứ hai trong tháng này.

Diễn biến thị trường hôm nay đúng với kịch bản các công ty chứng khoán đưa ra và tương đồng với diễn biến chứng khoán thế giới. Nhiều bên tiếp tục duy trì quan điểm thị trường có khả năng vẫn sẽ trải qua những phiên rung lắc trong ngắn hạn. Điều này thể hiện sự lưỡng lự, thận trọng trong tâm lý nhà đầu tư.

Tất Đạt

Từ ngày 22/2, eBox tổ chức chương trình chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành. Bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây.
Là nền tảng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, eBox nhằm giúp các độc giả phát triển bản thân, nâng cao giá trị cuộc sống.

Nhà đầu tư giải ngân mạnh vào cổ phiếu bất động sản

Tin tức về các biện pháp gỡ khó cho bất động sản đã kích hoạt dòng tiền giải ngân vào những cổ phiếu vừa trải qua đợt điều chỉnh mạnh như NVL, PDR, LDG, HQC.

Bốn phiên tăng liên tiếp cộng thêm việc công ty chứng khoán đồng loạt khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu cho kế hoạch đầu tư trung hạn giúp nhà đầu tư cởi bỏ phần nào tâm lý thận trọng. Giao dịch trên sàn TP HCM trở nên sôi động khi giá trị mua bán liên tục được cải thiện, điển hình như hôm nay đạt xấp xỉ 11.860 tỷ đồng – mức cao nhất trong nửa tháng qua.

Dòng tiền tập trung nhiều vào cổ phiếu bất động sản khi ngành này đón thông tin tích cực từ hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường vào cuối tuần trước, đặc biệt là đề xuất về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Nhóm này hôm nay có 7 cổ phiếu ghi nhận thanh khoản trăm tỷ, trong đó Novaland (NVL) dẫn đầu với 364 tỷ đồng.

Bất chấp thị trường điều chỉnh trong những phút cuối, chỉ số ngành bất động sản vẫn tăng 0,2%. Nhiều cổ phiếu trụ như NVL, VIC, VRE duy trì được sắc xanh với mức tăng 0,5-3% so với tham chiếu. Trong khi đó, các mã vốn hóa nhỏ như IJC, LDG, HQC nối dài mạch tăng hết biên độ và không có bên bán lúc đóng cửa.

Nhóm bất động sản tác động tích cực nhưng không đủ giúp thị trường tránh một phiên giảm do áp lực xả hàng ở những nhóm ngành khác. Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng, nguyên vật liệu và tiêu dùng thiết yếu đóng cửa dưới tham chiếu khiến VN-Index giảm 4 điểm, chốt phiên tại 1.082 điểm. BID, VPB và CTG là những cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay giải ngân gần 1.120 tỷ đồng, trong khi bán ra xấp xỉ 1.200 tỷ đồng. Đây là phiên thứ 5 liên tiếp khối ngoại xả hàng.

Theo nhận định của một số công ty chứng khoán, chỉ số đại diện cho sàn TP HCM giảm điểm nhưng thanh khoản cải thiện chứng tỏ xu hướng ngắn hạn vẫn là tăng điểm. VN-Index được kỳ vọng sẽ chính phục lại vùng giá 1.100 từng đạt được hồi cuối tháng trước nhờ diễn biến khả quan từ nhóm cổ phiếu bất động sản, năng lượng, vật liệu xây dựng và hạ tầng.

Phương Đông

Từ ngày 22/2, eBox tổ chức chương trình chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành. Bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây.
Là nền tảng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, eBox nhằm giúp các độc giả phát triển bản thân, nâng cao giá trị cuộc sống.

Cổ phiếu của ‘ông trùm’ nhà xã hội phía Nam liên tục tăng trần

Thông tin gói tín dụng quy mô lớn cho nhà xã hội khiến cổ phiếu Địa ốc Hoàng Quân được chú ý, dư mua trần hàng chục triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng nay, mã HQC của Công ty Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) tăng hết biên độ, phiên tăng trần thứ hai liên tiếp trong tuần này, với dư mua hơn 24 triệu đơn vị.

Cổ phiếu này bắt đầu được chú ý trong một tuần gần đây khi có thông tin về gói tín dụng 110.000 tỷ cho nhà ở xã hội, và phân khúc này được các chuyên gia kỳ vọng sẽ giúp “phá băng” thị trường bất động sản.

HQC giữ sắc xanh trong 5/6 phiên gần nhất, với ba phiên tăng kịch trần. Chỉ trong một tuần, thị giá mã này đã tăng 26%, lên hơn 3.200 đồng.

Gần một thập niên trước, Hoàng Quân được xem là lá cờ đầu phát triển nhà ở xã hội không chỉ tại TP HCM mà còn bành trướng ra nhiều tỉnh thành Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ và cả miền Trung.

Ở phân khúc này, HQC được coi là “ông trùm” khi có tổng dự án nhà ở xã hội triển khai nhiều nhất cả nước. Năm nào doanh nghiệp này cũng khởi công vài dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, người lao động thuộc diện công chức nhà nước trong khi đa phần các doanh nghiệp bất động sản khác chẳng mặn mà phân khúc khó nhằn này.

Nhưng 5 năm gần đây, nhiều dự án nhà ở xã hội gặp khó khăn khi gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà kết thúc, thiếu chính sách tài khóa hỗ trợ cho cả người mua lẫn chủ đầu tư. Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HQC nhiều lần thừa nhận với cổ đông việc phải gồng gánh và chịu lỗ nếu muốn thúc tiến độ dự án nhà xã hội về đích để bàn giao căn hộ. Tỷ lệ lợi nhuận nhà ở xã hội bị khống chế không quá 10%, biên lợi nhuận ngành thấp.

Sự khó khăn trong phân khúc thị trường chính là nhà ở xã hội cũng được phản ánh qua kết quả kinh doanh của Hoàng Quân. Giai đoạn đỉnh cao năm 2015-2016, doanh thu của HQC vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, con số này liên tục thu hẹp những năm sau đó. Năm 2019, doanh nghiệp này đạt doanh thu hơn 600 tỷ, với lãi ròng hơn 40 tỷ đồng. Ba năm sau đó, doanh thu của HQC giảm phân nửa, lợi nhuận chỉ còn nhỉnh hơn 4 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh ngày càng thụt lùi, cổ phiếu HQC trên sàn chứng khoán cũng lao dốc. Giai đoạn 2019-2020, HQC “ngụp lặn” quanh vùng giá dưới 2.000 đồng. Mã này trở lại cùng với con sóng của nhóm cổ phiếu bất động sản vào cuối năm 2021, có lúc đạt đỉnh gần 11.000 đồng.

Dù vậy, khi “con sóng” qua đi, HQC cũng không phải ngoại lệ. Thị giá mã này trở lại vùng dưới 2.000 đồng vào cuối năm 2022, trước khi tăng trở lại trong những phiên gần đây.

2022, công ty chỉ hoàn thành 1/4 mục tiêu doanh thu và chưa tới 15% kế hoạch lợi nhuận. Dù vậy, nói với cổ đông và nhà đầu tư, ông Trương Anh Tuấn khẳng định doanh nghiệp này vẫn chọn nhà ở xã hội là mảng miếng chủ lực trong dài hạn.

Hoàng Quân đã công bố kế hoạch tập trung nguồn lực để triển khai cung cấp 50.000 căn hộ nhà ở xã hội tại nhiều tỉnh thành cả nước trong giai đoạn 2022-2027. Một số dự án đã triển khai giai đoạn đầu như Khu đô thị mới Mê Kông City và Khu nhà ở xã hội Phúc Long – Vĩnh Long; Khu đô thị mới Trà Vinh; dự án Golden City – tại Tây Ninh; Khu đô thị mới Nam Phan Thiết – Bình Thuận.

Minh Sơn

Công ty ông Lê Phước Vũ đặt mục tiêu lãi thấp nhất 10 năm

Hoa Sen đưa ra hai kịch bản lợi nhuận 100 tỷ đồng và 300 tỷ đồng, đều thấp so với kế hoạch 10 năm trở lại đây.

Kịch bản đầu tiên của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) dựa trên sản lượng thành phẩm đạt 1,4 triệu tấn, mang về doanh thu 34.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 100 tỷ đồng. Với kịch bản khả quan hơn là tiêu thụ được 1,5 triệu tấn thành phẩm, công ty dự kiến thu 36.000 tỷ đồng và lãi 300 tỷ đồng.

Kế hoạch lợi nhuận trong cả hai kịch bản đều kém xa mức Hoa Sen đặt ra cho những niên độ trước. Trong 10 năm qua, kế hoạch thấp nhất công ty từng đưa ra là 400 tỷ đồng và cao nhất 1.650 tỷ đồng.

Lý giải về mục tiêu lãi 100 tỷ đồng, ban lãnh đạo Hoa Sen cho biết xuất khẩu thép năm nay tiềm ẩn nhiều bất ổn trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang cũng được đánh giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất của công ty.

Khả năng hoàn thành mục tiêu này càng khó hơn khi Hoa Sen báo lỗ sau thuế 680 tỷ đồng trong quý đầu niên độ (từ ngày 1/10/2022 đến 31/10/2022).

Theo nhận định của nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt, công ty của ông Lê Phước Vũ đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử khi lỗ ròng hai quý liên tiếp. Khó khăn của Hoa Sen được đánh giá là gấp đôi so với đối thủ trong ngành bởi công ty hoạt động ở cả phân khúc sản xuất và bán lẻ.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của Hoa Sen không phản ứng tiêu cực với thông tin kế hoạch kinh doanh vừa công bố. HSG hôm nay diễn biến đồng thuận với đà tăng của thị trường khi tích lũy 4,5% so với tham chiếu, đóng cửa 16.200 đồng.

Phương Đông

Chứng khoán KB: Hòa Phát có thể lỗ tiếp quý đầu năm

KBSV dự báo tiêu thụ thép Hòa Phát quý I giảm hơn 40% so cùng kỳ 2022 và biên lợi nhuận thấp có thể khiến tập đoàn này lỗ ròng 130 tỷ đồng.

Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) – đơn vị vốn Hàn Quốc từng trong top 10 thị phần môi giới HoSE và HNX – vừa có báo cáo mới về Tập đoàn Hòa Phát (HPG).

Theo đó, sản lượng tiêu thụ của “vua thép” trong quý I có thể giảm hơn 40% so cùng kỳ, còn khoảng hơn 1,4 triệu tấn. Doanh thu của HPG được dự báo giảm 44% còn 24.588 tỷ đồng, biên lợi nhuận thu hẹp xuống 3% so với mức 23% cùng kỳ năm trước. Với dự báo này, KBSV cho rằng Hòa Phát sẽ lỗ ròng 130 tỷ đồng trong quý đầu năm.

Con số trên giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cải thiện đáng kể so với hai quý gần nhất. Quý III/2022, Hòa Phát báo lỗ ròng gần 1.800 tỷ và tăng lên gần 2.000 tỷ đồng trong quý IV.

Theo KBSV, biên lợi nhuận thu hẹp một phần do tốc độ tăng của giá thép chưa tương xứng với tốc độ tăng nguyên vật liệu đầu vào.

Các động thái nới lỏng lệnh cấm liên quan tới Covid-19 tại Trung Quốc đã khiến cho giá quặng sắt, than cốc tăng lần lượt 23% và 15% trong giai đoạn từ đầu quý IV/2022 đến nay.

Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào cao, giá thép trong nước cũng tăng nhưng với mức khiêm tốn, chỉ đảm bảo biên lãi gộp. Theo tổng hợp của KBSV, giá bán thép từ đầu năm tới nay mới tăng 6%, trong khi giá nguyên vật liệu (quặng sát, than cốc, thép phế) tăng trung bình 14%.

Theo nhóm phân tích, hoạt động kinh doanh của HPG có thể cải thiện bắt đầu từ quý II năm nay, với giả định các cơ chế hỗ trợ thị trường bất động sản được thông qua và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này sôi động hơn. Dẫu vậy, trong kịch bản thận trọng, KBSV cho rằng phải tới quý cuối năm nay các lò cao của Hòa Phát mới có thể hoạt động hết công suất.

Dự báo cả năm, “vua thép” có thể đạt doanh thu 126.770 tỷ đồng, giảm 10% so cùng kỳ, với tổng sản lượng tiêu thụ gần 7 triệu tấn, giảm 16%. Lãi ròng, theo ước tính của KBSV, chỉ gần 3.800 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với kết quả năm 2022.

So với KBSV, Trung tâm phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) đưa ra dự báo lạc quan hơn.

Theo đó, SSI Research cho rằng Hòa Phát sẽ đạt 121.000 tỷ đồng doanh thu cả năm nay, giảm 14% so cùng kỳ. Lãi ròng của “vua thép” dự kiến phục hồi 15%, đạt 9.700 tỷ đồng nhờ giả định giá thép ổn định và giảm tác động từ hàng tồn kho giá cao.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại, theo SSI Reseach có thể giúp giá thép ổn định hơn nhưng không tác động nhiều đến sản lượng xuất khẩu của HPG. Ở chiều hướng tiêu cực, diễn biến này thậm chí trở thành con dao hai lưỡi nếu làm giá nguyên vật liệu tăng, trong khi nhu cầu nội địa yếu khiến HPG khó tăng giá bán tương ứng, đặc biệt đối với thép xây dựng.

Dù vậy, “vua thép” đánh giá ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục.

Minh Sơn

Cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng mạnh

NVL, PDR, DXG, HQC, CEO cùng nhiều cổ phiếu bất động sản khác đồng loạt tăng giá trong phiên 20/2, nhiều mã lên kịch trần.

Tuần trước, nhiều công ty chứng khoán nêu quan điểm thị trường chưa thoát nhịp điều chỉnh. Nhưng diễn biến trong phiên giao dịch hôm nay lại cho thấy điều ngược lại.

VN-Index gần như tăng liên tục cả ngày. Nhịp giảm đôi lúc xuất hiện trong buổi sáng, đến phiên chiều chỉ số này bật tăng từ sau 14h.

Kết phiên, VN-Index có thêm hơn 27 điểm (2,58%). Đây là phiên giao dịch tăng mạnh thứ nhì kể từ đầu năm. Phiên tăng mạnh nhất là ngày 3/1 với biên độ 3,66%.

VN30 có biên độ tăng mạnh hơn 3,19% lên 1.087,36 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index vượt trên tham chiếu với mức tăng 2,8%. Trong khi đó, UPCoM đỏ sắc ngay đầu buổi sáng. Nhờ có diễn biến tích cực cả ngày, UPCoM chốt phiên sát mức tham chiếu.




VN-Index chốt phiên 20/2 tăng hơn 27 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index chốt phiên 20/2 tăng hơn 27 điểm. Ảnh: VNDirect

Nhìn chung, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện. Sàn HoSE ghi nhận 383 mã tăng giá, so với 42 mã giảm. Trong đó, VN30 có đến 29 mã đóng cửa tăng, riêng VJC không thay đổi so với mức tham chiếu. 10 mã cổ phiếu có thanh khoản cao nhất hôm nay đồng loạt tăng mạnh trên 3%.

Dẫn đầu đà tăng của thị trường là các mã tài chính, nguyên vật liệu và bất động sản. Hôm nay nhóm bất động sản có diễn biến rất khả quan. Trong đó, nhiều mã tăng kịch trần như NVL, PDR, DXG, HQC, CEO, LDG.

CEO tăng 9,9% vào hôm nay. NVL có thêm gần 7%, các mã như VHM, QCG, ITA, CII đều tăng trên 4%. Xuất hiện không ít cổ phiếu tăng sát biên độ giao dịch trong ngày.

Tuy vậy, nhóm dẫn dắt thị trường lại là cổ phiếu tài chính, bất động sản chỉ xếp thứ tư về giá trị giao dịch. Theo VNDirect, ba mã tác động tích cực nhất tới chỉ số lần lượt là VHM, BIDVPB.

Về thanh khoản, phiên giao dịch hôm nay ghi nhận hơn 11.700 tỷ đồng, cao nhất trong nửa tháng qua. Đây cũng là phiên thứ tư liên tiếp khối ngoại tiếp tục bán ròng với quy mô hơn 90 tỷ đồng trên HoSE. ACB, VHM, VCB được khối ngoại bán nhiều nhất.

Tất Đạt

‘Vua tôm’ Minh Phú lãi cao nhất tám năm

Năm ngoái, Minh Phú ghi nhận lãi sau thuế hơn 800 tỷ đồng, lập kỷ lục 8 năm, nhờ lãi gộp tăng cao.

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) ghi nhận khoảng 16.425 tỷ đồng doanh thu năm ngoái, tăng hơn 20% so với năm 2021. Mức doanh thu này dần tiệm cận giai đoạn trước dịch. Tổng lại, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 840 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với cùng kỳ 2021. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2015. Nếu tính lãi sau thuế công ty mẹ, MPC đạt đỉnh lợi nhuận từ khi công bố thông tin năm 2004.

Dẫu vậy, Minh Phú chỉ hoàn thành khoảng 87% chỉ tiêu doanh thu và hai phần ba kế hoạch lợi nhuận năm ngoái. Trong cuộc họp thường niên cuối tháng 6/2022, lãnh đạo doanh nghiệp này từng dự đoán nửa cuối năm là giai đoạn khó khăn đối với thị trường tôm vì lạm phát, dịch bệnh và thời tiết. Vì thế, công ty đứng trước nguy cơ không thể về đích ở một số chỉ tiêu kinh doanh.

Ban lãnh đạo MPC cho biết công ty tập trung sản xuất và bán mạnh mặt hàng giá trị gia tăng giúp lãi gộp tăng, đưa lợi nhuận lên cao. Năm ngoái, doanh nghiệp này có biên lãi gộp gần 17%, cao nhất giai đoạn 2015-2022.

Minh Phú xuất khẩu chính là tôm – nhóm hàng có diễn biến tích cực hơn hẳn so với cá tra. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Mức này cao hơn nhiều so với 2,4 tỷ đồng của ngành cá tra.

Vasep cho biết trong nửa đầu năm 2022, xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu cao và giá tăng. Đến nửa cuối năm, lạm phát cao ở các nền kinh tế lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, trong khi hàng tồn kho vẫn nhiều, khiến xuất khẩu tôm giảm tốc. Tháng 12/2022, xuất khẩu tôm giảm 21% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên điểm sáng là thị trường Trung Quốc vẫn tăng trưởng 38%, giúp cả năm tăng 61%.

Đầu năm nay, Trung Quốc dỡ bỏ các quy định kiểm soát ngặt nghèo đối với hàng nhập khẩu vào nước này gồm xét nghiệm, khử trùng và kiểm dịch. Động thái trên được kỳ vọng làm tăng nhu cầu và tiêu thụ hàng hóa của quốc gia tỷ dân này. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc dự kiến vẫn tăng trong những tháng đầu năm 2023.

Tất Đạt

Cổ phiếu FLC sắp lên sàn UPCoM

Gần 710 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn FLC được chấp nhận chuyển sang UPCoM từ ngày 22/2.

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa thông báo chuyển dữ liệu đăng ký và lưu ký cổ phiếu FLC. Theo thông báo, FLC vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng nên phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM theo quy định.

Luật Chứng khoán hiện hành quy định, công ty đại chúng là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ hoặc là công ty đã chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo quy định này, cổ phiếu FLC vẫn đáp ứng điều kiện công ty đại chúng với vốn điều lệ 7.099,9 tỷ đồng, hơn 64.700 cổ đông.

Trước đó, cổ phiếu của doanh nghiệp này bị hủy niêm yết ngày 13/2 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM. Lý do là FLC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở và Ủy ban Chứng khoán xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Ngay sau đó, FLC kiến nghị các cơ quan quản lý xem xét lại quyết định hủy niêm yết khi giải thích rằng việc vi phạm công bố thông tin do “hoàn cảnh bất khả kháng”. Trong thời gian dài, doanh nghiệp này không thể tìm kiếm được đơn vị chấp thuận kiểm toán cho báo cáo tài chính.

Trong thông báo hôm 17/2, Tổng giám đốc Bùi Hải Huyền khẳng định quyền lợi của cổ đông vẫn đảm bảo đầy đủ. Ở mọi trường hợp, cổ đông được toàn quyền sở hữu, định đoạt với cổ phiếu FLC đang sở hữu. Đồng thời, cổ đông vẫn được đảm bảo quyền tham gia đại hội đồng cổ đông, quyền biểu quyết, quyền đề cử và ứng cử thành viên Hội đồng quản trị.

Hội đồng quản trị và ban điều hành FLC cũng cho biết đang nỗ lực xúc tiến các lộ trình công bố thông tin theo quy định.

Tất Đạt