Chứng khoán

Hòa Phát ngắt mạch thua lỗ

Sau hai quý liền lỗ nặng, Hòa Phát đã bão lãi hợp nhất sau thuế 383 tỷ đồng trong quý đầu năm nay.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát vừa cho biết bức tranh kinh doanh kinh doanh đã được cải thiện trong quý I/2023. Cụ thể, doanh thu của vua thép đạt 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty đã ngắt được mạch thua lỗ 2 quý liền khi ghi nhận lãi sau thuế hợp nhất 383 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực sản xuất thép và các sản phẩm liên quan vẫn là chủ lực, đóng góp 94% vào con số lợi nhuận này.

Hai quý cuối năm ngoái, Hòa Phát lỗ lần lượt 1.786 tỷ và gần 2.000 tỷ đồng do nhu cầu thị trường lao dốc. Hồi tháng 2, công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng dự báo Hòa Phát có thể tiếp tục lỗ trong quý đầu năm nay. Thậm chí tại phiên họp thường niên hồi cuối tháng trước, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long thông tin rằng – kết quả tháng 1, 2 của công ty đều là con số âm, nhưng mức lỗ thấp hơn dự báo của ban điều hành.

Theo Hòa Phát, trong bối cảnh sưc cầu chưa được cải thiện, kết quả đạt được trong quý I/2023 cho thấy bức tranh sản xuất kinh doanh của tập đoàn đã tích cực hơn so với hai quý cuối năm ngoái. Việc quản trị hàng tồn kho, nguyên liệu và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường đã phát huy hiệu quả.

3 tháng đầu năm, công ty sản xuất 1,2 triệu tấn thép thô, giảm 52% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phối thép và HRC đạt 1,37 triệu tấn, giảm 37%.

Các lĩnh vực khác của Hòa Phát gồm nông nghiệp, bất động sản, điện máy gia dụng vẫn tiếp tục phát triển theo định hướng đã đề ra. Với mảng nông nghiệp, công ty cho biết trứng gà Hòa Phát đứng đầu về sản lượng tiêu thụ ở miền Bắc. Mảng bất động sản đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý với các dự án bất động sản đô thị và triển khai mở rộng khu công nghiệp Yên Mỹ II.

Công ty dự báo quý II thị trường vẫn còn khó khăn. Doanh nghiệp của ông Trần Đình Long sẽ tập trung nguồn lực đầu tư dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2, cũng như khôi phục sản lượng sản xuất thép tại Hải Dương và Quảng Ngãi tuỳ theo nhu cầu thị trường, đảm bảo tồn kho hợp lý.

Năm 2023, Hòa Phát dự kiến doanh thu hợp nhất 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 8.000 tỷ đồng. So với thực hiện năm trước, kế hoạch doanh thu năm nay tăng nhẹ 5%, còn lợi nhuận giảm 5%.

Anh Tú

Chủ tịch Đèo Cả: Tỷ suất lợi nhuận của hạ tầng giao thông không thể đột biến

Ông Hồ Minh Hoàng cho biết HHV đạt tỷ suất lợi nhuận 15% là con số khiêm tốn so với ngành bất động sản, song đơn vị vẫn kiên định đầu tư hạ tầng giao thông.

Ngày 24/4, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Mã chứng khoán HHV) – công ty con của Tập đoàn Đèo Cả, tổ chức Đại hội đồng cổ đông trực tuyến thường niên năm 2023.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán trầm lắng, Chủ tịch HHV Hồ Minh Hoàng, chia sẻ hoạt động dịch vụ đầu tư công, không phải dịch vụ thương mại, bất động sản nên không thể tăng trưởng đột biến. Lợi nhuận của HHV được tích lũy từ hoạt động đầu tư, thi công, dịch vụ công đạt 15% là con số rất khiêm tốn so với ngành bất động sản.

“Tôi đã nhận được nhiều lời khuyên cần phát triển đa ngành, đầu tư mạnh vào bất động sản, song HHV vẫn kiên định với ngành hạ tầng giao thông. Chúng tôi dựa vào năng lực, tối ưu sản xuất, thắt chặt từng khâu để đảm bảo hoạt động bền vững”, ông Hoàng nói.

Chủ tịch Đèo Cả khuyên các cổ đông cân nhắc nếu lướt sóng nên thoái vốn, dành phần cho các cổ đông có niềm tin vào những hoạch định lâu dài, bởi “cổ phiếu HHV không phải là Thánh Gióng mà sẽ là thiên lý mã cho những dặm đường xa”. Nội dung này từng được ông nói trong đại hội cổ đông năm trước.

“Khi cổ phiếu HHV xuống thấp, nhiều cổ đông vẫn tin tưởng vào hoạch định của HHV, đánh giá đúng mức nên đến nay đã có lợi nhuận”, ông Hoàng chia sẻ.

Hiện HHV có 30.000 cổ đông và đối tác thân thiết là doanh nghiệp, nhà đầu tư, địa phương nơi có dự án đi qua, các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán. “Các đối tác, cổ đông đã gửi gắm niềm tin nên chúng tôi phải sử dụng hiệu quả dòng tiền, kiểm soát chặt chẽ nội bộ, minh bạch hoá dự án”, ông Hoàng khẳng định.

Theo Chủ tịch HHV, đơn vị kiên trì ứng dụng công nghệ hiện đại để thực hiện các dự án giao thông, quản lý rủi ro để tăng trưởng ổn định; luôn phản biện những cơ chế bất cập, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các bên, tạo ra môi trường “làm thật ăn thật”.

Chủ tịch Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng. Ảnh: Phương Linh

Chủ tịch Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng. Ảnh: Phương Linh

Trước chất vấn của cổ đông về vốn vay chiếm tỷ trọng lớn trong các dự án PPP, trong khi lãi suất ngân hàng đang tăng cao sẽ ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp, ông Hoàng cho biết với các dự án trước đây đã triển khai, đơn vị thường chốt lãi vay ổn định, dưới 11% để đảm bảo lợi nhuận của dự án. Đèo Cả trước đây không có phần vốn của nhà nước hỗ trợ vẫn xoay xở thực hiện các dự án khó khăn như Bắc Giang – Lạng Sơn, nay các dự án đã được ngân sách hỗ trợ 50% sẽ tăng tính khả thi, nên không quan ngại về tăng lãi suất của ngân hàng.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó chủ tịch Đèo Cả cho biết tổng nguồn vốn tăng năm nay dự kiến là 1.500 tỷ đồng, trong đó 800 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, đầu tư tạo giá trị thi công xây lắp, 700 tỷ đồng đầu tư máy móc thiết bị và sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh tín dụng thắt chặt, bổ sung nguồn vốn cho máy móc, bình ổn giá vật liệu là việc cần thiết.

Năm 2022, trong bối cảnh hạ tầng giao thông gặp khó khăn do thiếu nguyên vật liệu, giá tăng cao, HHV đạt doanh thu thuần 2.095 tỷ đồng, tăng hơn 233 tỷ đồng, tương đương 12% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 297 tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2021.

Năm nay, HHV đã trúng 3 gói thầu thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn với tổng giá trị hợp đồng gần 14.500 tỷ đồng. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tham gia đấu thầu thi công xây lắp các dự án đầu tư công và đầu tư PPP, với tổng giá trị dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng.

Thời gian tới, HHV có thể tham gia đầu tư cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hữu Nghị – Chi Lăng với tổng mức đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng.

Đến năm 2025, khi các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam hoàn thành là cơ hội để HHV đấu thầu mảng quản lý vận hành – lĩnh vực. Đơn vị dự kiến tham gia đấu thầu quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên các dự án cao tốc với tổng chiều dài khoảng 545 km, trong đó tập trung vào các đoạn tuyến có hầm đường bộ, cầu lớn.

Anh Duy

Ông trùm nhà xã hội đặt cược vào gói 120.000 tỷ đồng

Địa ốc Hoàng Quân xây dựng chiến lược kinh doanh bám sát mục tiêu sống còn trong năm nay là tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) sáng 22/4, Chủ tịch Trương Anh Tuấn chia sẻ phương án “vượt bão” thời bất động sản đóng băng là chạy nước rút tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng. Các chiến lược kinh doanh cả ngắn và trung hạn lẫn dài hạn của công ty đều liên quan đến gói tín dụng này.

Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã có hướng dẫn về gói vay 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, áp dụng từ khi công bố đến hết ngày 30/6. Theo đó, chủ đầu tư được vay 8,7% mỗi năm, kéo dài 3 năm kể từ ngày giải ngân; còn người mua nhà được áp mức lãi suất 8,2% mỗi năm trong 5 năm.

Ông Tuấn cho hay, rổ hàng của doanh nghiệp đa phần là các dự án nhà ở xã hội đều đã có pháp lý đầy đủ, nhờ đó, HQC và các đơn vị liên kết sẽ được hưởng lợi từ gói tín dụng này. Doanh nghiệp đã làm việc với 5 ngân hàng, hầu hết dự án công ty đầu tư đều được vay vốn, kể cả những dự án đã hoàn thành cũng được tiếp cận tín dụng. Các khách hàng chưa tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng (trước đây) cũng sẽ được tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng (sẽ áp dụng giữa năm 2023). “Cái cần vượt qua lúc này là mong thủ tục pháp lý của Nhà nước ngắn gọn, thông thoáng hơn”, ông Tuấn nói.

Người đứng đầu HQC cho biết điểm mạnh của doanh nghiệp là sở hữu quỹ đất lớn cùng nhiều dự án đã hoàn thiện pháp lý, nhờ đó đi trước các đơn vị trong ngành 2 năm, vì vậy có lợi thế tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sớm. Đến nay, công ty đã hoàn thành 10.000 căn hộ nhà ở xã hội và sẽ đề xuất Chính phủ cho phép làm 50.000 căn nữa.

Phối cảnh dự án nhà ở xã hội Golden City (Tây Ninh) được Công ty Địa ốc Hoàng Quân mua lại năm 2022.

Phối cảnh dự án nhà ở xã hội Golden City (Tây Ninh) được Công ty Địa ốc Hoàng Quân mua lại năm 2022.

Ông Tuấn còn công bố chiến lược bán nhà ở xã hội linh hoạt khi kêu gọi cổ đông giới thiệu khách hàng mua nhà ở xã hội của Hoàng Quân. Theo đó, nếu giao dịch thành công, cổ đông sẽ được nhận hoa hồng bằng 1% giá trị hợp đồng, còn người mua cũng sẽ được giảm 1%, có thể nhận bằng tiền mặt hoặc giảm trực tiếp vào giá bán.

Thừa nhận 8 năm nay HQC đã không đạt kế hoạch kinh doanh, ông Tuấn cho rằng năm 2023 cũng có thể tương tự, thậm chí nếu dựa vào các tiêu chuẩn lập kế hoạch thông thường, công ty có thể lỗ. Tuy nhiên, nhờ vào gói 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội sắp được triển khai, năm 2023 trở thành một năm rất sáng của HQC với tiềm năng từ thương vụ hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư Thành phố Vàng tại dự án nhà ở xã hội HQC Tây Ninh. Ông ước tính, riêng HQC Tây Ninh có thể đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng.

“Nhờ đó, kế hoạch 2023 là có cơ sở, đây là con số tối thiểu với nguồn vốn hiện tại. Doanh thu và lợi nhuận năm nay chắc chắn cao hơn năm 2022”, ông ươc1 tính.

Tuy đánh giá cao gói 120.000 tỷ đồng, Chủ tịch HQC trần tình hiện công ty vẫn gặp không ít thách thức. Đầu tiên là việc tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng đòi hỏi rất nhiều thủ tục từ cả công ty mẹ lẫn công ty thành viên phải chạy nước rút. Kế đến là biên lợi nhuận phát triển nhà ở xã hội khá thấp, chỉ khoảng 10% do giá bán các dự án đã được cố định từ trước trong khi chi phí bán hàng, chi phí vật liệu xây dựng ngày càng tăng cao. Ngoài ra các khó khăn hiện hữu là nợ thuế, thị giá cổ phiếu quá thấp dưới mệnh giá.

Ông Tuấn nhận lỗi còn nợ cổ đông vấn đề thị giá cổ phiếu thấp và cổ tức. Theo ông, giá cổ phiếu HQC đang rẻ hơn giá trị sổ sách. Tuy nhiên, với gói 120.000 tỷ đồng, HQC sẽ có dòng tiền mạnh giúp công ty thu hồi vốn đầu tư. Do đó, sang năm, giá trị sổ sách chắc chắn sẽ tăng, giúp cổ phiếu về mệnh giá 10.000 đồng một cổ phần.

Năm nay doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế năm 2023 đạt lần lượt 1.700 tỷ đồng và 140 tỷ đồng, gấp 5,1 lần và 7,4 lần kết quả năm 2022. Dự báo thị trường bất động sản vẫn đầy khó khăn nhưng nhờ các chính sách ủng hộ phát triển nhà ở xã hội (gói 120.000 tỷ đồng) giúp doanh nghiệp dự phóng mục tiêu kinh doanh tích cực với thế mạnh có sẵn về phân khúc sở trường nhà giá thấp. Công ty dự kiến chú trọng đẩy mạnh tìm kiếm thêm dự án mới, tiếp tục phát triển và hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công dân đang triển khai.

Trung Tín

Cổ phiếu chứng khoán thành trụ đỡ cho thị trường

Kết quả kinh doanh vừa công bố không quá tích cực nhưng cổ phiếu chứng khoán vẫn tăng mạnh, trong đó một số mã chạm trần và không có bên bán.

VN-Index hôm nay giao dịch dưới tham chiếu gần suốt phiên. Áp lực bán mạnh ở các cổ phiếu ngân hàng, tiêu dùng, nguyên vật liệu và công nghiệp khiến chỉ số có thời điểm thủng mốc 1.040 điểm. Số lượng cổ phiếu giảm trong phiên cuối tuần gần 250 mã, gấp đôi số cổ phiếu tăng điểm.

Tuy nhiên, nhờ dòng tiền đổ vào những mã trụ của nhóm chứng khoán như SSI, VND, VCI và HCM nên biên độ giảm được thu hẹp trong những phút cuối phiên. Một số mã thuộc nhóm này như AGR, VDS còn chạm trần và không có bên bán dù kết quả kinh doanh quý I mới công bố không quá tích cực.

VN-Index chốt phiên cuối tuần với mức giảm 6 điểm, đóng cửa sát mốc 1.043 điểm. Tính chung cả tuần, thị trường tăng 3 phiên và giảm 2 phiên nhưng chỉ số mất hơn 10 điểm. Chỉ số đi lùi tuần thứ hai liên tiếp, xuống mức thấp nhất nhưng biên độ điều chỉnh mỗi phiên không lớn nên nhiều nhóm phân tích cho rằng xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn chưa rõ ràng.

Thanh khoản thị trường phiên hôm nay xấp xỉ 9.700 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với hôm qua. Sức hút của các cổ phiếu vốn hóa lớn giảm đáng kể, thể hiện qua việc rổ VN30 chỉ đóng góp 3.500 tỷ đồng vào tổng giá trị giao dịch. Phân theo ngành, cổ phiếu chứng khoán và bất động sản hút mạnh nhất dòng tiền của nhà đầu tư. SSI dẫn đầu về giá trị khớp lệnh với 666 tỷ đồng; tiếp đến là NVL, DIG và VND.

Nhà đầu tư nước ngoài bán gần 840 tỷ đồng, trong khi mua vào khoảng 600 tỷ đồng. SSI – cổ phiếu đóng vai trò trụ đỡ cho thị trường trong phiên hôm nay – chịu áp lực xả hàng mạnh nhất từ khối ngoại với giá trị bán ròng hơn 60 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, khối ngoại giải ngân mạnh vào HPG khi cổ phiếu này đã không tăng 3 phiên liên tiếp.

Phương Đông

Tiền vào chứng khoán nhỏ giọt

Sàn HoSE ghi nhận thanh khoản chỉ hơn 6.600 tỷ đồng, thấp nhất kể từ đầu tháng 3, khiến VN-Index giằng co quanh mốc 1.050 điểm.

Chứng khoán biến động, tăng giảm không đều trong thời gian qua khiến nhiều đơn vị phân tích khuyên nhà đầu tư nên cẩn trọng, tập trung cân đối lại danh mục. Diễn biến thị trường hôm nay đúng như những lời khuyến nghị trên.

Buổi sáng, sàn giao dịch TP HCM giao dịch ảm đạm khi dòng tiền đổ về rải rác chỉ hơn 2.300 tỷ đồng. Phiên chiều thu hút nhà đầu tư nhiều hơn nhưng không giúp cải thiện đáng kể. Chốt phiên, thị trường có hơn 6.600 tỷ đồng tổng giá trị giao dịch, giảm gần 32% so với hôm qua. Đây là phiên giao dịch có thanh khoản thấp nhất gần hai tháng qua.

Dòng tiền đổ dồn về nhóm ngân hàng – chứng khoán, bất động sản và công nghiệp. 10 cổ phiếu có thanh khoản trăm tỷ đều rơi vào các nhóm trên, chiếm gần 27% toàn thị trường.

Trong khi đó, thị giá cổ phiếu các nhóm ngành này giằng co liên tục, khiến VN-Index có nhiều rung lắc. Tổng lại, chỉ số đại diện sàn TP HCM hôm nay tăng nhẹ gần 0,3 điểm lên 1.049,25 điểm. Lượng cổ phiếu tăng và giảm khá tương đồng, lần lượt có 179 mã tăng và 176 mã giảm. Trong khi đó, rổ VN30 lại mất hơn 2,5 điểm.

Sắc đỏ xuất hiện dày đặc trên bảng điện nhóm chứng khoán. Các mã HCM, BSI, BVS, FTS, TVS… đều giảm trên 1%.

Ở nhóm ngân hàng, nhiều cổ phiếu có vốn hóa trung bình như TCB, ACB, EIB, VPB đều lùi hơn 0,5% so với giá tham chiếu. Trong đó, theo VNDirect, VPB là cổ phiếu góp mức giảm nhiều nhất cho thị trường. Ngoài ra, thị trường ghi nhận mã PGB mất đến 11,1% thị giá so với hôm qua, dứt chuỗi tăng gần như liên tiếp từ cuối tháng 3 giữa lúc đấu giá nhà băng này đắt khách.

Nhóm bất động sản có diễn biến không cùng chiều, lượng cổ phiếu giảm và cổ phiếu tăng có số lượng gần tương đương nhau. Tuy nhiên thị trường ghi nhận nhiều mã có thanh khoản lớn giảm giá. PDR hôm nay mất 2,2%. NVL tiếp tục giảm hơn 1%. Nhóm này vẫn ghi nhận 5 cổ phiếu tăng trần gồm MH3, NRC, DIH, NDN, NTL nhưng thanh khoản thấp.

Tất Đạt

DNSE dự kiến tăng vốn lên 3.366 tỷ đồng trong 2023

Để thực hiện kế hoạch tăng vốn lên 3.366 tỷ đồng, DNSE sẽ phát hành ESOP vào năm 2023 và đặt mục tiêu niêm yết hoặc UPCoM trong giai đoạn 2023-2024.

Đây là kế hoạch được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Công ty Cổ phần chứng khoán DNSE hôm 19/4.

Theo đó, DNSE sẽ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để tăng vốn lên 3.366 tỷ đồng, phát hành ESOP (phát hành cổ phiếu cho người lao động) trong năm 2023, đặt mục tiêu niêm yết hoặc UPCoM trong 2023 – 2024.

Theo tờ trình của HĐQT tại Đại hội đồng cổ đông, năm 2022, Chứng khoán DNSE cũng ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất trong 15 năm thành lập.

Cụ thể, tổng doanh thu đạt 467 tỷ đồng, tăng 150%. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng trưởng gấp 1,4 lần so với năm 2021, đạt 94,92 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 78 tỷ đồng, tăng 43% so với năm ngoái. Ban lãnh đạo DNSE đánh giá, đây là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2022 diễn biến tiêu cực, ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty chứng khoán.

DNSE có thêm 120.000 tài khoản chứng khoán mới chiếm 5,6% thị phần mở tài khoản mới toàn thị trường. Ảnh: DNSE

DNSE có thêm 120.000 tài khoản chứng khoán mới chiếm 5,6% thị phần mở tài khoản mới toàn thị trường. Ảnh: DNSE

Theo báo cáo kết quả kinh doanh, dư nợ về cho vay margin của DNSE đạt 2.280 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với cuối năm 2021. Đến cuối năm 2022, dư nợ margin của DNSE đứng thứ 15 trong số các công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất cùng kỳ.

Việc phát triển nhiều tính năng mới trên nền tảng chứng khoán Entrade X trong năm qua giúp doanh nghiệp này có thêm 120.000 tài khoản chứng khoán mới, tăng 227% so với 2021, chiếm 5,6% thị phần số tài khoản mở mới toàn thị trường.

Trải qua năm 2022 biến động, Đại hội đồng cổ đông của DNSE kỳ vọng năm 2023 là thời điểm “vượt sóng” khi đặt ra các chỉ tiêu kinh doanh mang tính thách thức với doanh thu tăng 95%, đạt 910 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 194%, đạt 279 tỷ đồng, theo kịch bản cơ sở.

Để đạt được điều này, chứng khoán DNSE đưa ra kế hoạch mở rộng hoạt động huy động vốn trong năm 2023, tăng cường quy mô cho vay margin, phát hành chứng quyền.

Xác định thế mạnh công nghệ, doanh nghiệp đang dần hoàn thiện hệ sinh thái trên nền tảng số. Công ty cũng đặt kỳ vọng lọt top 5 thị phần chứng khoán phái sinh trên thị trường.

Sản phẩm Deal Margin giúp nhà đầu tư minh bạch giá hòa vốn. Ảnh: DNSE

Sản phẩm Deal Margin giúp nhà đầu tư minh bạch giá hòa vốn. Ảnh: DNSE

Ngoài ra, DNSE sẽ đẩy mạnh hoạt động ngân hàng đầu tư, kết hợp với các đối tác trong hệ sinh thái tài chính bao gồm ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty cung cấp nền tảng dữ liệu, fintech… để cung cấp trải nghiệm giao dịch chứng khoán “một chạm” cho khách hàng.

Sau khi nâng vốn thành công lên 3.000 tỷ đồng vào 2022, DNSE đã tiên phong ra mắt hệ thống quản trị và cho vay theo từng giao dịch (Margin Deal), giúp nhà đầu tư minh bạch giá hòa vốn, quản lý hiệu quả đầu tư và quản trị rủi ro. Song song đó, doanh nghiệp cũng phát triển sản phẩm môi giới ảo – AI Broker để cung cấp thông tin đầy đủ, cá nhân hoá theo trải nghiệm, khẩu vị rủi ro của từng khách hàng.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch HĐQT DNSE cho biết, hướng đến mục tiêu trở thành nền tảng thấu hiểu nhà đầu tư, năm 2023, DNSE cũng đang tập trung áp dụng tâm lý học và AI vào việc phát triển sản phẩm, nhằm chia sẻ cảm xúc cùng nhà đầu tư, cá nhân hóa trải nghiệm từng khách hàng.

Kết thúc quý I/2023, báo cáo kết quả kinh doanh của DNSE công bố mới đây tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực. Doanh thu hoạt động DNSE quý I/2023 đạt gần 150,5 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 71,1 tỷ đồng, tăng gần 2 lần, lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 49,7 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Ghi nhận vào ngày 31/3, số liệu các khoản cho vay bao gồm margin và ứng trước tiền tăng 170,5 tỷ đồng so với đầu năm.

Hồng Thảo

Chứng khoán xuống thấp nhất gần một tháng

Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng và bất động sản đảo chiều từ tăng thành giảm trong những phút cuối phiên khiến VN-Index hạ 6 điểm, thủng mốc 1.050 điểm.

Phiên giảm không chỉ cắt mạch tăng liên tiếp từ đầu tuần mà còn khiến chỉ số đại diện cho sàn TP HCM trở về vùng giá thấp nhất gần một tháng qua. Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, nhà đầu tư bắt đầu hiện thực hoá lợi nhuận sau giai đoạn tích lũy cổ phiếu là nguyên nhân chính dẫn đến phiên đảo chiều hôm nay.

Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm ngân hàng và bất động sản thể hiện trạng thái đối lập trong phiên khi tăng mạnh vào buổi sáng nhưng đến trước giờ khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) chuyển thành giảm 1,5-3%. Trong số 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index, có đến 7 mã thuộc hai nhóm này; 3 cổ phiếu còn lại thuộc nhóm năng lượng và công nghiệp.

Áp lực bán tập trung ở nhóm ngân hàng và bất động sản sau đó lan đến nhóm chứng khoán, dầu khí, xây dựng… Số lượng cổ phiếu giảm vào cuối phiên hơn 270 mã, trong khi cổ phiếu tăng chỉ 115 mã. Rổ VN30 đóng góp 25 mã giảm.

Thanh khoản thị trường đạt hơn 9.700 tỷ đồng. Dòng tiền tập trung ở 3 nhóm ngành gồm tài chính – ngân hàng, bất động sản và công nghiệp. Các cổ phiếu dẫn đầu về giá trị khớp lệnh gồm NVL, DIG, SHB, VPB và STB đều có mức giảm mạnh trên 1,3% so với tham chiếu.

Sau hai phiên mua ròng, nhà đầu tư nước ngoài hôm nay quay lại xả hàng. Nhóm này bán ra gần 1.000 tỷ đồng trong khi chỉ giải ngân khoảng 530 tỷ đồng. MSB ghi nhận giá trị bán ròng của khối ngoại lên đến 374 tỷ đồng, bằng gần 10 cổ phiếu xếp sau cộng lại.

Việc để mất vùng hỗ trợ 1.050 điểm, theo quan điểm của một số công ty chứng khoán, khiến xu hướng ngắn hạn của thị trường không còn khả quan. Nhà đầu tư ngắn hạn được khuyến nghị quan sát thị trường, còn nhà đầu tư trung và dài hạn có thể chờ cơ hội giải ngân vào những nhóm ngành có tác động tích cực từ chính sách khi chỉ số điều chỉnh mạnh.

Phương Đông

Cổ phiếu bất động sản tăng mạnh cuối phiên

DIG tím trần, các mã VHM, DXG, CEO đồng loạt tăng mạnh vào cuối buổi chiều với thanh khoản lớn, góp phần giúp VN-Index thoát nhịp giảm.

Sau buổi sáng không có nhiều biến động, một số mã bất động sản bắt nhịp tăng mạnh vào nửa cuối phiên. DIG cả buổi sáng đều giao dịch dưới 16.500 đồng một đơn vị, nhưng sau 14h, cổ phiếu này tăng một mạch lên mức trần 17.400 đồng. Đây cũng là mã có thanh khoản cao nhất thị trường với hơn 560 tỷ đồng.

Nhiều mã có thanh khoản lớn cũng ghi nhận diễn biến tương tự. CEO tăng 4,8% so với tham chiếu, DXG tích lũy thêm 2,8%. Các mã như VHM, CII, HQC đều tăng từ 1% trở lên. Ngoài ra, mã TIP cũng tăng trần trong hôm nay. Bất động sản là ngành góp nhiều đại diện nhất vào nhóm dẫn dắt thị trường tăng điểm với VHM, DIG và VRE.

Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán cũng ghi nhận diễn biến tích cực. Ngành này có ba cổ phiếu tăng trần gồm PSI, FTS và BSI. Hàng loạt cổ phiếu có thanh khoản tốt cùng tăng thị giá mạnh từ 1,9% trở lên như SSI, VND, SHS, HCM, VCI. Nhóm xây dựng – vật liệu – tài nguyên và bán lẻ cũng có kết quả khả quan nhưng thanh khoản thấp nên ít mang điểm về cho thị trường.

VN-Index giằng co quanh vùng 1.055 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index giằng co quanh vùng 1.055 điểm. Ảnh: VNDirect

Nhìn chung, VN-Index hôm nay giằng co quanh 1.055 điểm. Chỉ số đại diện sàn TP HCM mở cửa khá tích cực, nhưng nhanh chóng lùi về dưới tham chiếu khi dòng tiền ảm đạm. Sắc đỏ kéo dài đến cuối buổi chiều mới được cải thiện. Chốt phiên, VN-Index đạt 1.055 điểm, tích lũy thêm hơn một điểm so với tham chiếu.

Sàn HoSE ghi nhận 226 cổ phiếu tăng, 153 cổ phiếu giảm. Trong khi đó, rổ VN30 giằng co hơn khi số mã tăng và giảm khá tương đương nhau khiến chỉ số này kết phiên giảm nhẹ gần 0,5 điểm.

Thanh khoản hôm nay cải thiện hơn 1.500 tỷ đồng lên gần 9.600 tỷ đồng. Sự thận trọng của nhà đầu tư vẫn được thể hiện khi thanh khoản vẫn thấp so với trung bình 10 phiên trước đó.

Dòng tiền chủ yếu tập trung tìm đến một số cổ phiếu riêng lẻ trong nhóm bất động sản, chứng khoán và ngân hàng. Nhóm ngoại có phiên thứ hai liên tiếp mua ròng trở lại với gần 140 tỷ đồng, chủ yếu gom hàng các mã HPG, VPB, VHM.

Tất Đạt

Tiền vào chứng khoán thấp nhất một tháng

Thanh khoản thị trường trong phiên đầu tuần này giảm hơn 60% so với cuối tuần trước, khi giao dịch đi ngang với biên độ hẹp.

Chứng khoán mở phiên hôm nay ở trạng thái giằng co, khi nhà đầu tư thận trọng quan sát trong bối cảnh thị trường đối mặt với khoảng trống thông tin.

Kết quả kinh doanh quý I của hầu hết doanh nghiệp lớn chưa được công bố, còn phiên họp cổ đông thường niên chủ yếu diễn ra trong tuần này và tuần sau. Nhịp giao dịch vì thế chậm hơn, một phần cũng bởi xu hướng thị trường vẫn chưa rõ ràng.

VN-Index biến động trong biên độ hẹp chỉ hơn 5 điểm, giữ nhịp đi ngang gần tham chiếu trong toàn bộ thời gian giao dịch. Tiền vào thị trường giữ ở mức thấp, giảm hơn 40% so với phiên cuối tuần trước, khi nhà đầu tư chỉ tìm tới một số mã cụ thể trong nhóm chăn nuôi, xây dựng, bất động sản.

Chốt phiên, VN-Index tăng chưa tới 1 điểm, dừng ở mức 1.053,81 điểm. VN30-Index tăng 1,59 điểm lên 1.065 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng đóng cửa trong sắc đỏ với biên độ giảm chỉ hơn 0,3%.

VN-Index chốt phiên 17/4 tăng chưa tới 1 điểm. Ảnh: VNDirect

VN-Index chốt phiên 17/4 tăng chưa tới 1 điểm. Ảnh: VNDirect

Trạng thái giao dịch cân bằng khi số mã tăng và giảm không chênh quá nhiều. Trong nhóm vốn hóa lớn, 14 cổ phiếu VN30 chốt phiên trong sắc xanh so với 12 mã giảm giá.

Trong một phiên đi ngang, thị trường vẫn có một số cái tên nổi bật. Trong nhóm bluechip, NVL và PDR cùng tăng quanh ngưỡng 4%, với thanh khoản lần lượt là 16 triệu và hơn 7 triệu cổ phiếu được sang tay. POW, TCB có thêm gần 2%, BID, VJC, HPG tăng trên 1%. Ngược lại, SAB, BVH giảm gần 2%, VNM mất 1,5%.

Với nhóm vốn hóa trung bình, dòng tiền hướng vào một số mã như CTD tăng 4,7%, HAG, GIL có thêm 6%, DBC chốt phiên tăng hết biên độ.

Thanh khoản thị trường thấp nhất gần một tháng, với giá trị giao dịch trên HoSE chỉ gần 8.000 tỷ đồng, giảm 40% so với cuối tuần trước.

Minh Sơn

Đấu giá cổ phiếu LienVietPostBank ế khách

VNPost lần thứ hai đấu giá 140 triệu cổ phiếu Ngân hàng Bưu điện Liên Việt nhưng không có nhà đầu tư nào đăng ký mua.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) dự kiến tổ chức phiên đấu giá cổ phần LPB của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sở hữu vào ngày 21/4.

Tuy nhiên đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc, HNX cho biết không có nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần. Do đó, phiên đấu giá cổ phần LPB không đủ điều kiện tổ chức.

Việc thoái vốn khỏi LienVietPostBank gặp nhiều thách thức một phần do mức giá VNPost chào bán không hấp dẫn.

Theo kế hoạch, VNPost dự kiến bán đấu giá hơn 140,5 triệu cổ phiếu LPB giá khởi điểm 22.908 đồng một cổ phiếu, cao hơn tới 60% so với thị giá của LPB chốt phiên 14/4.

Cách đây một năm, VNPost cũng từng chào bán hơn 122 triệu cổ phiếu LPB với giá khởi điểm 28.930 đồng một cổ phiếu, tuy nhiên chỉ có 7 cá nhân đăng ký mua 800 cổ phiếu. Không có nhà đầu tư tổ chức nào tham gia đấu giá.

Lãnh đạo của Ngân hàng bưu điện Liên Việt từng lý giải việc VNPost thoái vốn khó khăn do trùng vào thời điểm thị trường không thuận lợi. Trong khi đó, số cổ phiếu LPB do VNPost sở hữu đã được định giá và không được bán thấp hơn mức này.

Tại phiên đại hội cổ đông sắp tới, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt muốn xin ý kiến cổ đông đổi tên viết tắt từ “LienVietPostBank” thành “LPBank”, do tên viết tắt hiện nay đang quá quá nhiều ký tự, khó phát âm, hiệu ứng truyền thông không cao.

Từ cuối 2022 đến nay, nhà băng này cũng chứng kiến nhiều sự thay đổi về dàn nhân sự thượng tầng.

Cuối năm ngoái, ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thuỵ) được bầu làm chủ tịch ngân hàng, thay thế cho Huỳnh Ngọc Huy.

Tháng 3 năm nay, ông Phạm Doãn Sơn – người đã gắn bó với ngân hàng từ năm 2008, xin từ nhiệm vị trí tổng giám đốc vì nguyện vọng cá nhân. Cũng trong khoảng thời gian này, LienVietPostBank công bố thông tin ký hợp đồng lao động với ông Đoàn Nguyên Ngọc (em rể bầu Thuỵ) và ông Nguyễn Văn Thuỳ (em trai bầu Thuỵ), vốn là nhân sự chủ chốt tại Công ty bảo hiểm Xuân Thành.

Quỳnh Trang