Chứng khoán

Nhà đầu tư ngoại rót tiền vào chứng khoán ít nhất 12 tháng

Khối ngoại giải ngân chưa đến 20.000 tỷ đồng vào chứng khoán Việt Nam trong tháng 4, bằng một nửa những tháng cao điểm năm ngoái và là mức thấp nhất 12 tháng qua.

Nhà đầu tư nước ngoài giải ngân hơn 17.800 tỷ đồng vào các cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền niêm yết trên sàn TP HCM; trong khi đó, giá trị bán ra xấp xỉ 20.600 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa khối ngoại đã rút gần 2.800 tỷ ra khỏi thị trường.

Cổ phiếu Sacombank chịu áp lực xả hàng mạnh nhất với giá trị bán ròng hơn 1.100 tỷ đồng. Tiếp đến là các mã trụ của từng ngành như VND (chứng khóan), VNM (hàng tiêu dùng), DGC (hóa chất). Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Hòa Phát hút mạnh dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài với giá trị mua ròng gần 700 tỷ đồng.

Trên sàn Hà Nội, khối ngoại giải ngân chưa đến 300 tỷ đồng, không bằng phân nửa tháng trước. Diễn biến trên sàn UPCoM cũng sẽ tương tự nếu không xuất hiện giao dịch đột biến hơn 1.300 tỷ đồng tại cổ phiếu Công ty Sữa Quốc Tế (IDP). Đây là lệnh mua 5,3 triệu cổ phiếu, tương đương 8,99% vốn IDP được thực hiện bởi quỹ Daytona Investments Pte. Ltd của Singapore.

Theo đánh giá của nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, sau giai đoạn mua ròng quyết liệt trong hai tháng cuối năm ngoái và đầu năm, dòng vốn nước ngoài đang rút dần để tìm đến các thị trường trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ.

Dù vậy, việc xu hướng dòng tiền đảo chiều từ mua ròng thành bán ròng vẫn chưa được xác nhận. Bởi theo dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, tính chung 4 tháng đầu năm, khối ngoại vẫn duy trì trạng thái mua ròng hơn 3.000 tỷ đồng khi giải ngân tổng cộng 93.500 tỷ đồng và bán ra hơn 90.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo phân tích cuối tháng 4, ông Michael Kokalari – chuyên gia Kinh tế trưởng quỹ đầu tư VinaCapital – nói rằng “được khích lệ khi thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng từ đầu năm”. Ông cho rằng không ít nhà đầu tư ngoại nhận ra cơ hội hấp dẫn để tích lũy cổ phiếu trong lúc VN-Index giao dịch ở mức định giá thấp nhất 10 năm qua.

Ông Michael dự đoán tăng trưởng GDP có thể hồi phục từ nửa cuối năm nay khi Chính phủ nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó cụ thể nhất là giảm thuế và lãi suất. Quan sát diễn biến thị trường trong những giai đoạn trước, ông cho rằng chứng khoán thường có xu hướng đi lên trước khi kinh tế phục hồi. Do đó, tôi tin rằng bây giờ có thể là thời điểm lý tưởng để nhà đầu tư chọn lọc mua cổ phiếu Việt Nam”, ông nói.

Phương Đông

Công ty Bầu Đức thu 8 tỷ đồng một ngày từ bán chuối

Giá chuối và sản lượng tăng giúp Hoàng Anh Gia Lai đạt 710 tỷ đồng doanh thu từ trái cây trong quý I, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông tin trên vừa được Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) công bố trong báo cáo quý I năm nay. Theo đó, hết quý, công ty đạt doanh thu thuần gần 1.697 tỷ đồng, lãi sau thuế 303 tỷ đồng, lần lượt tăng 111% và 18% so với cùng kỳ năm trước.

Trong cơ cấu doanh thu, ngành chăn nuôi đem lại cho Hoàng Anh Gia Lai 563 tỷ đồng và 424 tỷ đồng đến từ ngành phụ trợ. Nguồn thu lớn nhất đến từ kinh doanh trái cây với 710 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trung bình, công ty bán heo thu 6,25 tỷ đồng một ngày, bán chuối thu gần 8 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí bán hàng của công ty tăng 13% lên 59 tỷ đồng, chi phí quản lý cũng lên 37 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do trong quý 1/2022 tập đoàn đã hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu, song khoản này không phát sinh trong cùng kỳ 2023.

Với hoạt động tài chính, doanh thu quý 1 giảm 27% còn 141 tỷ đồng do công ty giảm lãi thanh lý khoản đầu tư vào nhóm công ty HNG, khoản này không phát sinh trong quý 1 năm nay. Tương tự, chi phí tài chính cũng giảm 22% về còn 146 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/3, quy mô tổng tài sản của HAG đạt 20.580 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với đầu năm; hàng tồn kho giảm 15% về còn 981 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế cuối quý 1 còn hơn 3.050 tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông, công ty đã thông qua mục tiêu doanh thu thuần 5.120 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.130 tỷ đồng. Như vậy, công ty hoàn thành 33% chỉ tiêu doanh thu và 27% chỉ tiêu lợi nhuận sau 3 tháng đầu năm.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Đoàn Nguyên Đức cho biết, đang tái cơ cấu lại BAPI Hoàng Anh Gia Lai để thịt heo sạch phổ biến hơn trong cộng đồng. Công ty tập trung vào ba trụ cột chính là trồng chuối, sầu riêng và nuôi heo. Trong đó, năm nay sẽ có hàng trăm ha sầu riêng cho thu hoạch bói. Hiện, công ty có khoảng 1.000 ha sầu riêng và 2024 sẽ cho thu hoạch thương mại. Vài năm tới, sầu riêng sẽ mang lại lợi nhuận tốt cho HAG khi giá thành sản xuất dưới 20.000 đồng một kg.

Thi Hà

Chứng khoán biến động mạnh trước nghỉ lễ

Số lượng cổ phiếu tăng gấp đôi cổ phiếu giảm giúp VN-Index tích lũy gần 10 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất ba tuần qua.

Trước phiên giao dịch hôm nay, một số công ty chứng khoán nhận định VN-Index sẽ giằng co trong biên độ hẹp hoặc giảm mạnh bởi tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ lễ dài. Những nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ chính sách vĩ mô như tháo gỡ vướng mắc cho dự án bất động sản, cơ cấu thời hạn trả nợ được dự báo chấm dứt đà tăng khi nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận.

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM tăng vọt ngay lúc mở cửa và duy trì sắc xanh đến hết phiên. VN-Index đóng cửa tại 1.049 điểm, tăng gần 10 điểm so với tham chiếu.

Số lượng cổ phiếu tăng gấp đôi cổ phiếu giảm, lần lượt là 250 mã và 126 mã. Phân theo nhóm ngành thì bất động sản và chứng khoán có trạng thái hưng phấn nhất khi hầu hết cổ phiếu thành phần tăng trên 2%, một số còn chạm trần và không có bên bán. Tính riêng từng mã thì hai cổ phiếu “họ Vin” gồm VHM và VIC lần lượt tăng 4,2% và 3,2%, đóng vai trò đầu tàu giúp thị trường có phiên tăng mạnh nhất trong ba tuần trở lại đây. Một số mã ngân hàng như VPB, CTG, TPB cũng tác động tích cực đến chỉ số.

Thanh khoản thị trường hôm nay xấp xỉ 10.300 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với hôm qua. DIG dẫn đầu về giá trị khớp lệnh với gần 630 tỷ đồng; tiếp đến là SSI, HPG, DXG và NVL.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng giải ngân mạnh vào các mã vốn hóa lớn. Tổng giá trị nhóm này mua vào đạt hơn 1.000 tỷ đồng, trong khi bán ra chưa đến 900 tỷ đồng. MWG, VNM và SSI hút nhiều tiền của khối ngoại nhất.

So với cuối tháng trước, VN-Index giảm 15 điểm trên nền thanh khoản thấp. Trong tháng, chỉ số có thời điểm tiệm cận vùng 1.100 điểm nhưng sau đó đối diện áp lực bán mạnh về sát 1.030 điểm. Vốn hóa sàn TP HCM còn 4,16 triệu tỷ đồng. VCB vẫn dẫn đầu về vốn hóa thị trường với hơn 428.000 tỷ đồng, gần bằng hai cổ phiếu đứng sau là BID và VHM cộng lại.

Phương Đông

Hoàng Anh Gia Lai Agrico dự tính lỗ 2.300 tỷ đồng năm nay

Đặt kế hoạch lỗ năm thứ ba liên tiếp, cổ đông Hoàng Anh Gia Lai Agrico lo ngại hơn 1,1 tỷ cổ phiếu HNG có nguy cơ bị hủy niêm yết.

Hai tuần trước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa chuyển cổ phiếu HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) từ diện cảnh báo sang kiểm soát. Nguyên nhân là lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2021 và 2022 lần lượt -1.119 tỷ đồng và -3.576 tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông sáng 27/4, công ty này tiếp tục đặt kế hoạch doanh thu thuần 1.282 tỷ đồng, lỗ thuần 437 tỷ đồng và lỗ trước thuế 2.316 tỷ đồng.

Năm nay, kế hoạch kinh doanh của HNG tập trung nguồn thu từ cây ăn trái và cao su, dự kiến chuối đạt 65.392 tấn, dứa hơn 61.000 tấn, xoài gần 1.200 tấn, bưởi trên 1.100 tấn; cao su là hơn 10.300 tấn.

Với hoạt động đầu tư, công ty dành 746 tỷ đồng để sản xuất chăn nuôi bò, 782 tỷ đồng cho trồng trọt, 48 tỷ đồng đầu tư hoàn thiện sân bay Nong Khang.

Năm ngoái, công ty này ghi nhận doanh thu 742 tỷ đồng, tương đương 40% kế hoạch đề ra, lỗ trước thuế 3.576 tỷ đồng, tăng vọt so với mục tiêu đề ra.

Với kế hoạch lỗ năm thứ 3 liên tiếp, cổ đông HNG lo ngại khả năng hơn 1,1 tỷ cổ phiếu HNG sẽ bị hủy niêm yết đầu năm 2024 (sau khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023).

Dù đang cơ cấu và đầu tư bài bản nhưng phía HAGL Agrico cho rằng kinh doanh nông nghiệp gặp khá nhiều rủi ro đầu ra và ảnh hưởng bởi khí hậu, thiên tai. Năm ngoái, công ty này đã chịu tới 2.141 tỷ đồng cho chi phí xóa sổ vườn cây.

Trong văn bản giải trình mới đây, doanh nghiệp cho rằng từ 2021-2022, thế giới đối diện với những thách thức về dịch bệnh Covid-19, đứt gãy nguồn cung ứng và lạm phát tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong đó, giá các loại vật tư nông nghiệp, phân bón, bao bì đóng gói và cước phí vận chuyển tăng cao. Chính phủ Trung Quốc siết chặt việc kiểm soát hàng hóa nhập khẩu để phòng chống dịch, thời gian thông quan tại các cảng kéo dài làm tăng chi phí và giảm chất lượng trái cây.

Bên cạnh đó, chính phủ Lào quy định giãn cách để phòng chống dịch Covid-19 nên các nông trường thiếu công nhân làm cho các vườn cây thiếu chăm sóc, tăng dịch bệnh, bỏ hơn 30% sản lượng trái cây không thu hoạch kịp thời. Ngoài ra, tình hình mưa lũ gây ngập lụt, đổ ngã làm thiệt hại một số vườn cây thuộc dự án của công ty. Những khó khăn trên đã khiến HNG lỗ hai năm liên tiếp.

Với khoản nợ liên quan đến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Chủ tịch Trần Bá Dương cho hay năm nay sẽ trả 500 tỷ cho Hoàng Anh Gia Lai theo cam kết ba bên. Số còn lại sẽ được tất toán trong năm 2024.

Trước đó, HNG đã trả nợ đợt 1 cho HAG số tiền 600 tỷ đồng và nhận lại quyền sử dụng đất diện tích 9.470 ha và các tài sản thuộc sở hữu Công ty TNHH Hoàng Anh Andoung Meas.

Thi Hà

Vincom Retail đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục hơn 10.000 tỷ đồng

Năm nay, Vincom Retail đặt kế hoạch doanh thu 10.350 tỷ đồng, lợi nhuận 4.680 tỷ đồng – đều là những mức cao nhất từ trước đến nay.

Tại phiên họp thường niên sáng 26/4 của Công ty cổ phần Vincom Retail, các cổ đông đặt nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề kế hoạch phát triển kinh doanh năm nay của công ty và chia cổ tức.

Bà Trần Mai Hoa, CEO Vincom Retail cho biết 2023 là năm bản lề để phát triển khách thuê trung tâm thương mại sau giai đoạn dịch bệnh một cách bài bản, rõ ràng. Hiện tại, Vincom Retail sở hữu 83 trung tâm thương mại và có kế hoạch mở mới hai địa điểm. Từ nay đến cuối năm, công ty cần cho thuê hơn 100.000 m2 để đạt tỷ lệ lấp đầy mục tiêu.

Bà Trần Mai Hoa, CEO Vincom Retail giải đáp các câu hỏi của cổ đông tại phiên họp thường niên sáng 26/4. Ảnh: VRE

Bà Trần Mai Hoa, CEO Vincom Retail giải đáp các câu hỏi của cổ đông tại phiên họp thường niên sáng 26/4. Ảnh: VRE

Năm nay, Vincom Retail đặt mục tiêu doanh thu thuần 10.350 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.680 tỷ đồng, tăng 41% và 69% so với năm 2022. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay với doanh nghiệp phụ trách mảng bất động sản bán lẻ thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup.

Trước đó, Vincom Retail đạt đỉnh doanh thu hơn 9.200 tỷ đồng và lãi ròng trên 2.850 tỷ đồng năm 2019. Trong kịch bản các động lực phát triển kinh tế và môi trường kinh doanh tốt hơn kỳ vọng, công ty dự kiến doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2023 lần lượt đạt 11.500 tỷ đồng và 5.200 tỷ đồng.

Trước lo ngại của cổ đông về tình hình khó khăn trên thị trường bán lẻ, trống mặt bằng ở các trung tâm thương mại, bà Mai Hoa cho biết Vincom Retail cũng như các chủ đầu tư, nhà bán lẻ khác đang theo dõi rất sát diễn biến. Bà nhìn nhận thời gian qua, thị trường có độ giảm sút, nhưng quý I thường là quãng thấp điểm của bán lẻ, sẽ phục hồi từ tháng 3,4, đạt cao điểm vào mùa hè và thu đông.

“Chúng tôi đã trao đổi với nhiều nhà bán lẻ và họ đều đánh giá mức độ ảnh hưởng chỉ trong ngắn hạn”, CEO Vincom Retail chia sẻ. Bà nói thêm trong quý I, tỷ lệ khách thuê mới chốt hợp đồng với Vincom khá ấn tượng. Nhiều nhãn hàng bán lẻ có tiếng cũng đang muốn thâm nhập vào các trung tâm thương mại ngoài khu vực Hà Nội, TP HCM của Vincom.

Giai đoạn 2020 – 2021, công ty này đã tập trung nhiều giải pháp để tối ưu hóa hoạt động, giảm chi phí như năng lượng, nhân sự và các chi phí vận hành khác. Trong đó, chi phí năng lượng tiết kiệm được 50 tỷ đồng nhờ lắp pin năng lượng mặt trời tại các trung tâm thương mại; nhân sự khoảng 75-80 tỷ đồng nhờ tiết giảm 30% định biên. Trên cơ sở này, bà Phạm Thị Ngọc Hà, CFO Vincom Retail đánh giá cơ cấu chi phí của công ty đã rất tối ưu.

Lãnh đạo công ty cũng thông tin đã chuẩn hoá được các mô hình phát triển trung tâm thương mại. Theo bà Hoa, thời gian tới, Vincom Retail sẽ nghiên cứu phát triển thêm mô hình khu du lịch bán lẻ.

Giải thích về việc không chia cổ tức năm nay, CFO Vincom Retail cho biết công ty muốn giữ toàn bộ lợi nhuận sau thuế để phục vụ sản xuất kinh doanh. Theo bà Hà, Vincom Retail sẽ dùng khoản tiền này để trả nợ gốc trái phiếu hơn 1.000 tỷ đồng đã đến kỳ hạn thanh toán. Đồng thời, trong 3 năm tới, doanh nghiệp cũng cần tới 12.000 tỷ đồng để phát triển các lưới dự án với khoảng 800.000 m2 mặt sàn.

Quý đầu năm nay, Vincom Retail ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 1.943 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, hoạt động kinh doanh trung tâm thương mại chiếm chủ yếu với doanh thu hơn 1.900 tỷ đồng, tăng 54%. Với kết quả này, công ty lãi sau thuế 1.024 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 2,7 lần cùng kỳ và tăng 23% so với quý cuối năm 2022.

Anh Tú

Chứng khoán ngắt mạch giảm ba phiên liên tiếp

Dòng tiền chảy mạnh vào cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí trong những phút cuối phiên giúp VN-Index đảo chiều từ giảm thành tăng, ngắt mạch lao dốc 3 phiên.

Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM sáng nay chịu áp lực bán mạnh, có thời điểm thủng mốc 1.030 điểm – vùng giá thấp nhất hai tháng qua. Tuy nhiên, trước phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa khoảng 15 phút, lực cầu giải ngân ở vùng giá thấp xuất hiện giúp chỉ số nhanh chóng đảo chiều và thanh khoản tăng vọt.

Các mã vốn hóa lớn đóng góp nhiều cho VN-Index khi cùng biến động mạnh. Trong số đó, Hòa Phát (HPG) – cổ phiếu trụ của ngành thép – có diễn biến khả quan nhất khi đảo chiều từ giảm thành tăng gần 5% nhờ thông tin về kết quả kinh doanh tích cực trong quý đầu năm. Những trụ cột của ngành ngân hàng như VCB, TCB và BID cũng tăng trên 1% và nằm trong nhóm 10 cổ phiếu tác động tích cực đến chỉ số.

Ở chiều ngược lại, 3 cổ phiếu “họ Vingroup” gồm VIC, VHM, VRE cùng giảm và là tác nhân chính ghì đà tăng của chỉ số. VHM biến động mạnh nhất trong số này với mức giảm 4,4% còn 48.000 đồng.

VN-Index chốt phiên sát mốc 1.041 điểm, tích lũy thêm 6 điểm so với tham chiếu và đánh dấu phiên tăng mạnh nhất trong ba tuần trở lại đây. Số lượng cổ phiếu tăng hơn 230 mã, áp đảo số lượng cổ phiếu giảm.

Thanh khoản thị trường đạt hơn 11.400 tỷ đồng, cao nhất gần hai tuần. Phân theo nhóm ngành, tài chính – ngân hàng vẫn hút mạnh dòng tiền của nhà đầu tư với hơn 2.500 tỷ đồng. Xếp sau đó là nhóm nguyên vật liệu, công nghiệp và bất động sản với thanh khoản dao động 1.100-1.300 tỷ đồng.

10 cổ phiếu đứng đầu về giá trị khớp lệnh hôm nay đều tăng điểm, trong đó nhiều mã tăng trên 5%. HPG dẫn đầu danh sách này với giá trị sang tay xấp xỉ 575 tỷ đồng, gần bằng hai mã đứng sau là SSI và STB cộng lại.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Đông Á, thị trường chứng khoán hiện chưa xuất hiện dòng cổ phiếu dẫn dắt bởi nhà đầu tư đang thận trọng xem xét phản ứng của thị trường ở vùng giá 1.020-1.030 điểm. Thanh khoản thị trường có thể teo tóp trong những phiên tới do thị trường sắp bước vào kỳ nghỉ dài ngày.

Phương Đông

Công ty bầu Đức muốn phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP

Hoàng Anh Gia Lai vừa bổ sung tờ trình xin ý kiến cổ đông tại đại hội sắp tới về việc phát hành 20 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động.

Theo đó, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Gia (HAG) dự tính phát hành với giá 7.500 đồng một cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 2,16% số cổ phiếu đang lưu hành. Chốt phiên 25/4, cổ phiếu HAG có giá 7.690 đồng.

Thời gian phát hành dự kiến năm 2026 nếu được cổ đông thông qua. Trong đó, 50% số cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Số còn lại sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 2 năm.

Trường hợp cổ phiếu không phát hành hết, Hội đồng quản trị HAG sẽ toàn quyền quyết định về điều kiện và đối tượng phát hành số cổ phiếu còn lại với giá bán không thấp hơn giá phát hành nêu trên.

Xưởng sản xuất chuối của Hoàng Anh Gia Lai tại Campuchia. Ảnh: Thi Hà

Xưởng sản xuất chuối của Hoàng Anh Gia Lai tại Campuchia. Ảnh: Thi Hà

Ngoài ra, Hội đồng quản trị HAG cũng trình việc bầu thêm một thành viên. Trước đó, ngày 19/4, bà Võ Thị Huyền Lan đã gửi đơn từ nhiệm thành viên hội đồng quản trị.

Hiện, hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai hiện có 4 người gồm Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức và các thành viên là ông Võ Trường Sơn, bà Võ Thị Mỹ Hạnh và ông Trần Văn Dai.

Trước đó, công ty chào bán không thành công 161,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.500 đồng. Lý do là diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường không phù hợp với giá chào bán dự kiến.

Thi Hà

Chủ tịch Đèo Cả: Tỷ suất lợi nhuận của hạ tầng giao thông ổn định

Ông Hồ Minh Hoàng cho biết HHV đạt tỷ suất lợi nhuận 15% là con số khiêm tốn so với ngành bất động sản, song đơn vị vẫn kiên định đầu tư hạ tầng giao thông.

Ngày 24/4, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (Mã chứng khoán HHV) – công ty con của Tập đoàn Đèo Cả, tổ chức Đại hội đồng cổ đông trực tuyến thường niên năm 2023.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán trầm lắng, Chủ tịch HHV Hồ Minh Hoàng, chia sẻ hoạt động dịch vụ đầu tư công, không phải dịch vụ thương mại, bất động sản nên không thể tăng trưởng đột biến. Lợi nhuận của HHV được tích lũy từ hoạt động đầu tư, thi công, dịch vụ công đạt 15% là con số rất khiêm tốn so với ngành bất động sản.

“Tôi đã nhận được nhiều lời khuyên cần phát triển đa ngành, đầu tư mạnh vào bất động sản, song HHV vẫn kiên định với ngành hạ tầng giao thông. Chúng tôi dựa vào năng lực, tối ưu sản xuất, thắt chặt từng khâu để đảm bảo hoạt động bền vững”, ông Hoàng nói.

Chủ tịch Đèo Cả khuyên các cổ đông cân nhắc nếu lướt sóng nên thoái vốn, dành phần cho các cổ đông có niềm tin vào những hoạch định lâu dài, bởi “cổ phiếu HHV không phải là Thánh Gióng mà sẽ là thiên lý mã cho những dặm đường xa”. Nội dung này từng được ông nói trong đại hội cổ đông năm trước.

“Khi cổ phiếu HHV xuống thấp, nhiều cổ đông vẫn tin tưởng vào hoạch định của HHV, đánh giá đúng mức nên đến nay đã có lợi nhuận”, ông Hoàng chia sẻ.

Hiện HHV có 30.000 cổ đông và đối tác thân thiết là doanh nghiệp, nhà đầu tư, địa phương nơi có dự án đi qua, các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán. “Các đối tác, cổ đông đã gửi gắm niềm tin nên chúng tôi phải sử dụng hiệu quả dòng tiền, kiểm soát chặt chẽ nội bộ, minh bạch hoá dự án”, ông Hoàng khẳng định.

Theo Chủ tịch HHV, đơn vị kiên trì ứng dụng công nghệ hiện đại để thực hiện các dự án giao thông, quản lý rủi ro để tăng trưởng ổn định; luôn phản biện những cơ chế bất cập, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các bên, tạo ra môi trường “làm thật ăn thật”.

Chủ tịch Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng. Ảnh: Phương Linh

Chủ tịch Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng. Ảnh: Phương Linh

Trước chất vấn của cổ đông về vốn vay chiếm tỷ trọng lớn trong các dự án PPP, trong khi lãi suất ngân hàng đang tăng cao sẽ ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp, ông Hoàng cho biết với các dự án trước đây đã triển khai, đơn vị thường chốt lãi vay ổn định, dưới 11% để đảm bảo lợi nhuận của dự án. Đèo Cả trước đây không có phần vốn của nhà nước hỗ trợ vẫn xoay xở thực hiện các dự án khó khăn như Bắc Giang – Lạng Sơn, nay các dự án đã được ngân sách hỗ trợ 50% sẽ tăng tính khả thi, nên không quan ngại về tăng lãi suất của ngân hàng.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó chủ tịch Đèo Cả cho biết tổng nguồn vốn tăng năm nay dự kiến là 1.500 tỷ đồng, trong đó 800 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, đầu tư tạo giá trị thi công xây lắp, 700 tỷ đồng đầu tư máy móc thiết bị và sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh tín dụng thắt chặt, bổ sung nguồn vốn cho máy móc, bình ổn giá vật liệu là việc cần thiết.

Năm 2022, trong bối cảnh hạ tầng giao thông gặp khó khăn do thiếu nguyên vật liệu, giá tăng cao, HHV đạt doanh thu thuần 2.095 tỷ đồng, tăng hơn 233 tỷ đồng, tương đương 12% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 297 tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2021.

Năm nay, HHV đã trúng 3 gói thầu thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn với tổng giá trị hợp đồng gần 14.500 tỷ đồng. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tham gia đấu thầu thi công xây lắp các dự án đầu tư công và đầu tư PPP, với tổng giá trị dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng.

Thời gian tới, HHV có thể tham gia đầu tư cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hữu Nghị – Chi Lăng với tổng mức đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng.

Đến năm 2025, khi các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam hoàn thành là cơ hội để HHV đấu thầu mảng quản lý vận hành – lĩnh vực. Đơn vị dự kiến tham gia đấu thầu quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên các dự án cao tốc với tổng chiều dài khoảng 545 km, trong đó tập trung vào các đoạn tuyến có hầm đường bộ, cầu lớn.

Anh Duy

Cổ phiếu thép tăng ngược dòng thị trường

Trong khi sắc đỏ bao trùm thị trường, HPG, HSG, NKG và các cổ phiếu khác trong ngành thép có thị giá tăng trưởng dương.

Thị trường những ngày qua chịu tác động bởi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý đầu năm. Sau tin Tập đoàn Hòa Phát dứt mạch thua lỗ, cổ phiếu HPG mang sắc xanh liên tục cả ngày nay với thanh khoản lớn. Chốt phiên, mã này tăng 0,4% lên 21.050 đồng một cổ phiếu với thanh khoản đạt gần 390 tỷ đồng. Theo VNDirect, HPG là cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất cho thị trường hôm nay.

Tin tích cực từ Hòa Phát, với vị thế doanh nghiệp thép có thị phần lớn nhất cả nước, lan tỏa sang nhiều cổ phiếu cùng ngành. HSG hôm nay tăng 0,35% với thanh khoản hơn 100 tỷ đồng. Các mã như NKG, VGS, TVN đều tích lũy thêm 0,2% so với mức tham chiếu.

Tuy biên độ tăng không lớn, ngành thép vẫn là điểm sáng duy nhất của thị trường khi toàn sàn HoSE hôm nay ghi nhận 247 mã giảm, gấp đôi so với 119 mã tăng. Riêng các cổ phiếu trụ trong rổ VN30 có đến 27 mã giảm khi áp lực bán tăng mạnh. Điều này khiến VN-Index đi dưới tham chiếu suốt buổi chiều và chốt phiên ở 1.034,85 điểm, giảm hơn 6 điểm so với hôm qua.

Bảng điện các ngành hầu như ngập trong sắc đỏ, giảm mạnh nhất là nhóm chứng khoán. Tất cả cổ phiếu thanh khoản trăm tỷ đều có thị giá đi lùi so với tham chiếu, giảm mạnh nhất nhóm này là FTS (1,5%) và BSI (-1,4%). Toàn ngành có bốn mã rơi xuống mức sàn gồm CTS, ORS, AGR và VDS. Ngoài ra, các cổ phiếu có vốn hóa lớn như SSI, VND, SHS, VCI, HCM đều đi lùi từ 0,4% so với tham chiếu.

Thanh khoản thị trường hôm nay không biến động mạnh, tăng nhẹ lên hơn 9.400 tỷ đồng. Dòng tiền tiếp tục dồn hẳn về buổi chiều, trong khi thị trường sáng nay luôn ghi nhận giá trị giao dịch nhỏ giọt. Hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 140 tỷ đồng, chủ yếu là các mã VIC, STB, BMP, VNM.

Tất Đạt

Ông Lưu Trung Thái: MB không lo nợ xấu từ khoản vay của Novaland

Chủ tịch HĐQT MB khẳng định không có rủi ro nợ xấu với khoản vay của Novaland vì đã quản lý tài sản đảm bảo, dòng tiền của từng dự án.

Phiên họp cổ đông thường niên của Ngân hàng Quân Đội (MB) được tổ chức sáng nay tại Hà Nội. 2023 được xem là năm chuyển giao của nhà băng này khi CEO Lưu Trung Thái được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị thay ông Lê Hữu Đức xin từ nhiệm vì lý do cá nhân. Phiên họp vì thế cũng kéo dài hơn mọi năm vì giành thời gian tri ân cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, người được MB ví như “một tổng công trình sư” của ngân hàng này.

Gần cuối giờ sáng, phiên họp của MB mới bước vào phần thảo luận, nhưng không vì thế mà “sức nóng” giảm bớt. Các câu hỏi của cổ đông tập trung vào ba nhóm vấn đề chính: nhóm khách hàng lớn Novaland, Hưng Thịnh và Trung Nam; cổ tức, các chỉ tiêu kinh doanh và phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.

“Quy mô cho vay và trái phiếu của Novaland, Hưng Thịnh, Trung Nam là bao nhiêu? Quy mô dự kiến bị chuyển nhóm nợ của nhóm này và định hướng tiếp theo của MB là thế nào”, một cổ đông đặt câu hỏi.

Ông Phạm Như Ánh, Phó tổng giám đốc thường trực của MB cho biết, theo quy định, ngân hàng không thể tiết lộ chi tiết số dư tín dụng với từng khách hàng. Tuy nhiên, với Hưng thịnh, MB không cho vay dự án, không sở hữu trái phiếu, và chỉ cấp tín dụng ở lĩnh vực xây lắp. Novaland là đối tác lớn với nhiều bên, MB là một trong những ngân hàng cho vay và phát hành trái phiếu. Ông Ánh khẳng định, toàn bộ các dự án của Novaland đều được MB quản lý dòng tiền trên tài khoản tới tận nhà thầu và khách hàng.

Với Trung Nam, tín dụng và trái phiếu tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, tới nay vẫn đảm bảo được dòng tiền.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB tại phiên họp thường niên sáng 25/4. Ảnh: MB

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB tại phiên họp thường niên sáng 25/4. Ảnh: MB

Theo ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB, khó khăn không riêng với những doanh nghiệp lớn như Novaland mà toàn ngành bất động sản. Vấn đề lớn nhất hiện nay là vướng mắc pháp lý, không phải là tài chính. Thậm chí có những doanh nghiệp riêng bước mở bán mà thủ tục cũng kéo dài tới vài năm.

Với Novaland, ông Thái khẳng định tổng quy mô cho vay và trái phiếu không đến con số 10.000 tỷ đồng như cổ đông cho biết. “Các dự án bất động sản không riêng Novaland đều có tài sản đảm bảo, sẽ không phát sinh nợ xấu cho năm nay”, ông Thái khẳng định trước các cổ đông.

Tương tự với Trung Nam, Chủ tịch MB cũng khẳng định sẽ không có nợ xấu bởi nhà đầu tư này vẫn thu xếp được tài chính để đảm bảo dòng tiền trả nợ.

Ngoài nhóm khách hàng bất động sản lớn, cổ tức cũng là một tâm điểm được chú ý.

Trong tờ trình gửi cổ đông, MB đề xuất mức cổ tức năm 2022 tỷ lệ 20%, trong đó 5% tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Vốn điều lệ ngân hàng dự kiến tăng thêm hơn 6.800 tỷ đồng. Năm tới, kế hoạch cổ tức khoảng 15%.

Tuy nhiên, các cổ đông đề nghị MB tăng tỷ lệ cổ tức tiền mặt hoặc tăng tổng tỷ lệ cổ tức chi trả năm nay. Đồng thời, cổ đông cũng kiến nghị mức cổ tức kế hoạch năm tới phải tăng lên khi các chỉ tiêu đều đặt cao hơn nhưng riêng tỷ lệ cổ tức lại giảm.

Theo ông Lưu Trung Thái, hàng năm MB vẫn đưa ra kế hoạch cổ tức khoảng 15%, nhưng mức thực tế trả cao hơn, như năm 2020 tỷ lệ cổ tức tới 35% còn năm 2021 là 20%.

“Năm 2023 dự kiến là năm khó khăn hơn, do đó theo tôi phương án này là phù hợp. Ngân hàng giữ lại một chút thặng dư, cái này vẫn tính trong vốn chủ sở hữu, cũng không mất đi đâu cả”, ông Thái nói và đề nghị các cổ đông giữ nguyên mức chi trả cổ tức.

Với phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, Phó tổng giám đốc Phạm Như Ánh cho biết việc này đã được trình và thông qua tại phiên họp thường niên năm trước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được thực hiện do các bước thủ tục kéo dài.

Trong đó, việc thực hiện thủ tục định giá ngân hàng chuyển giao bắt buộc theo quy trình phải mất khoảng 11 tháng. Việc này đã bắt đầu từ tháng 3 năm nay và dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 sẽ hoàn tất. Khi đó, MB mới có thể thực hiện các bước còn lại để nhận chuyển giao.

Năm nay, ban điều hành MB đánh giá bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn. Ngân hàng đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất tăng 15% lên 26.100 tỷ đồng.

Tổng tài sản của MB đến cuối năm 2023 ước tăng 14% lên 830.000 tỷ, trong đó dư nợ tín dụng dự kiến tăng 15%, phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn ước đạt 591.000 tỷ đồng, tăng trưởng phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Minh Sơn