Nhà sáng lập, kiêm Tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh vừa đăng ký bán gần 1 triệu cổ phiếu VNZ – mã đang có thị giá cao nhất sàn chứng khoán.
Ông Lê Hồng Minh muốn bán hơn 983.000 cổ phiếu Công ty cổ phần VNG theo phương thức khớp lệnh từ 22/8 đến 31/8. Hiện VNZ là cổ phiếu đắt giá nhất thị trường chứng khoán với giá chốt phiên 18/8 xấp xỉ 1,1 triệu đồng mỗi đơn vị.
Nếu bán hết số cổ phiếu đăng ký, nhà sáng lập VNG có thể thu về hơn 1.000 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của ông Lê Hồng Minh cũng sẽ giảm xuống còn 8,8%, tương ứng khoảng 2,5 triệu cổ phiếu VNZ.
Mã này khởi điểm với mức giá tham chiếu 240.000 đồng trong phiên giao dịch đầu tiên vào đầu tháng 1. Sau đó, VNZ nhanh chóng trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán với chuỗi phiên tăng trần liên tiếp, khớp lệnh chỉ 100 cổ phiếu. Có thời điểm, thị giá cổ phiếu của VNG vượt 1,2 triệu đồng. Tuy nhiên, áp lực chốt lời sau đó khiến VNZ lùi về dưới ngưỡng 1 triệu đồng.
Một tháng gần đây, mã này tăng giá hơn 50%. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch bình quân vẫn chỉ khoảng 2.500 cổ phiếu mỗi phiên.
Nửa đầu năm, VNG đạt doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 50 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chính của VNG gồm trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, thanh toán và tài chính, dịch vụ đám mây. Công ty cũng hoạt động tại Hong Kong, Thái Lan, Singapore, Phillipines, Myanmar, Đài Loan, Indonesia.
Mảng hoạt động mang lại nhiều doanh thu nhất cho VNG là dịch vụ trò chơi trực tuyến, chiếm khoảng 70-80% tổng doanh thu những năm gần đây.
Dự đoán nhịp điều chỉnh sớm kết thúc, Dragon Capital cho rằng lịch sử những đợt sụt giảm tương tự cho thấy, nếu rời bỏ thị trường thường phải quay lại với mức giá cao hơn.
Chứng khoán ngày 18/8 giảm đột ngột hơn 55 điểm và VN-Index kết thúc phiên tại mốc 1.177,99 điểm. Sắc đỏ lan rộng trên bảng điện với một phần ba số cổ phiếu trên HoSE giảm kịch sàn, tâm lý bán tháo lan rộng.
Theo Dragon Capital – một trong những công ty quản lý quỹ lâu đời và lớn nhất Việt Nam, yếu tố tâm lý là một phần nguyên nhân. “Một số nhà đầu tư e sợ sự biến động về tỷ giá gần đây sẽ làm ảnh hưởng đến chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam thời gian tới”, báo cáo nhanh về phiên giảm mạnh của thị trường viết.
Ngoài ra, thị trường đã tăng mạnh và liên tục nhiều phiên dẫn đến tâm lý e ngại về sự điều chỉnh mạnh. Động thái giảm margin tại một công ty chứng khoán lớn trong những ngày gần đây cũng có thể đã kích hoạt một đợt bán chốt lời trên diện rộng.
Cùng quan điểm, ông Huỳnh Hoàng Phương – Giám đốc khối Nghiên cứu và phân tích đầu tư tại FIDT cũng nêu bốn lý do chính khiến thị trường giảm mạnh trong phiên cuối tuần. Trong đó, khoảng trống thông tin, định giá cao sau giai đoạn tăng mạnh khiến lực cầu không còn quá mạnh. Việc các công ty chứng khoán đưa ra mức dự phóng về giá cổ phiếu nửa cuối năm, đa phần đều giữ quan điểm tích cực nhưng không quá khả quan cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Từ thị trường quốc tế, một số thông tin cũng gây tác động. Hầu hết nhà đầu tư và các nhà kinh tế học đều dự báo suy thoái sẽ diễn ra với nền kinh tế Mỹ. “Đây có lẽ là sự kỳ vọng lâu nhất, được nhiều người tin nhất, nhưng lại không diễn ra như mong đợi”, báo cáo của Dragon Capital viết.
Thị trường nhà ở, thị trường lao động, tăng trưởng kinh tế, và lợi nhuận của S&P 500 đều tăng vượt kỳ vọng. Tuy nhiên, gần đây thị trường dần nhận thấy sự thận trọng của Fed về lãi suất và lạm phát. Tiếp sau Moody’s, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng đã cảnh báo có thể hạ xếp hạng tín nhiệm của hàng chục ngân hàng Mỹ. Chính những điều này làm cho S&P 500 rớt gần 5% trong ba tuần qua.
Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc cũng là một nhân tố rủi ro đối với kinh tế Mỹ và các nền kinh tế láng giềng tại châu Á.
Ảnh hưởng bởi nhiều thông tin không tích cực, song các chuyên gia và Dragon Capital đều cho rằng nhịp điều chỉnh này sẽ sớm kết thúc.
Dragon Capital khuyên nhà đầu tư “không nên đoán đáy của thị trường”. Họ dẫn số liệu từ lịch sử những đợt sụt giảm tương tự cho thấy, nhà đầu tư rời bỏ thị trường sớm giai đoạn này thường quay lại với mức giá cao hơn sau khi thị trường hồi phục.
“Thị trường ít khi có mức điều chỉnh lớn hơn 12%. Ngay cả trong tháng 7/2021, khi Việt Nam phải đóng cửa gần như toàn bộ nền kinh tế, thị trường giảm không quá 13%”, Dragon Capital dẫn chứng. Sau phiên 18/8, VN-Index đã giảm hơn 6% từ đỉnh gần nhất, theo đó chỉ số của HoSE có thể chỉ giảm thêm một vài phiên trước khi tìm được điểm cân bằng.
Về chính sách vĩ mô, Dragon Capital cho rằng, trong vài ngày qua, thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước cũng như Chính phủ đã rất rõ ràng về chính sách tiền tệ: lãi suất phải tiếp tục giảm và cung tín dụng phải tăng. Trong giai đoạn Trung Quốc có dấu hiệu giảm phát, lạm phát Việt Nam ở mức thấp, những biến động nhẹ và ngắn hạn về tỷ giá sẽ khó có khả năng ảnh hưởng lên xu hướng của chính sách tiền tệ Việt Nam.
Về triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp, quý I có thể là quý có kết quả kém nhất, và hiện nay xu hướng đang trong chiều hướng tích cực.
“Chu kỳ lợi nhuận một số ngành đang vào khu vực đáy, do đó xét theo tiêu chí P/E có thể sẽ không phản ánh hết được về định giá doanh nghiệp”, nhóm phân tích nhận xét.,
Chung đánh giá với Dragon Capital, ông Huỳnh Hoàng Phương cho rằng phiên giao dịch 18/8 giảm sâu nên thị trường sẽ điều chỉnh nhanh hơn giai đoạn giảm lần lượt trước đó. Ông kỳ vọng thị trường sẽ bắt đầu phục hồi ngay từ tuần tới.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta cũng đánh giá thị trường có thể còn giảm tiếp trong đầu tuần tới, nhưng nhịp điều chỉnh này sẽ sớm kết thúc do biên độ giảm đã đủ lớn.
Từ đầu năm đến nay, thị trường đã trải qua một nhịp điều chỉnh chậm trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4. VN-Index giảm đều với biên độ hẹp, nên thời gian của nhịp điều chỉnh kéo dài. Tuy nhiên, cũng là nhịp điều chỉnh nhưng phiên 18/8 lại diễn ra với biên độ mạnh hơn rất nhiều. Một loạt cổ phiếu giảm hết biên độ, còn chỉ số ghi nhận mức giảm hơn 4%.
“Việc xác định xem thị trường giảm bao nhiêu là điều rất khó, nhưng tôi kỳ vọng vào hai vùng 1.160 điểm và 1.125 điểm. Hai ngưỡng hỗ trợ này tương ứng VN-Index có thể giảm thêm 1-2 phiên rồi sẽ tìm được điểm cân bằng”, ông Minh nhận xét.
Chứng khoán đầu tuần như đi tàu lượn khi giảm hơn 10 điểm vào phiên sáng, bật ngược lại tăng gần 10 điểm trong phiên chiều, rồi đóng cửa sát tham chiếu.
VN-Index vượt lên trên tham chiếu sau phiên ATO nhưng nhanh chóng bị lực bán ép xuống. Chỉ số của sàn HoSE giảm dần cho tới giữa phiên sáng, có lúc mất gần 15 điểm, khi nhóm bất động sản tiếp tục bị bán ồ ạt.
Tuy nhiên, đến cuối phiên sáng, lực cầu bắt đáy với nhóm ngân hàng đã kéo thị trường trở lại. VN-Index phục hồi về gần tham chiếu rồi vượt lên từ đầu phiên chiều.
Chỉ số của sàn HoSE có lúc tăng gần 10 điểm khi sắc xanh lấy lại ưu thế trên bảng điện. Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ và cảng biển đồng loạt trở lại sắc xanh. Dù vậy, áp lực bán tăng lên khi ATC đã thu hẹp đà tăng của chỉ số.
Chốt phiên, VN-Index tăng gần 2 điểm (0,15%), lên gần 1.180 điểm. VN30-Index chỉ vượt nhẹ trên tham chiếu, đóng cửa ở mức 1.190 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng giữ sắc xanh.
Dù tăng điểm, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế. Sàn HoSE ghi nhận 276 mã giảm, so với 200 mã tăng. Trong nhóm VN30, số mã tăng có phần áp đảo hơn với tỷ lệ 18:11.
Ngân hàng là nhóm có ảnh hưởng tích cực nhất tới chỉ số trong phiên hôm nay. Trong nhóm vốn hóa lớn, CTG là mã tăng tốt nhất với biên độ hơn 4%, BID tăng 3,2%, TPB có thêm hơn 2%, STB, VIB, SHB, VPB vượt tham chiếu hơn 1%. Một số cổ phiếu khác cũng giao dịch tích cực như BCM, SSI, GAS, BVH.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của SeABank lao dốc trong ATC, lùi về mức thấp nhất trong phiên, giảm 3,1%. GVR, MWG mất hơn 2%, VJC, VIC, VHM, HPG giảm hơn 1%.
Với nhóm vốn hóa trung bình, cổ phiếu thép và bất động sản cũng chịu áp lực. Mã NKG của Thép Nam Kim giảm gần 5%, HSG cũng chốt phiên trong sắc đỏ. Một số mã nhóm Gelex, HQC, DIG, QCG, SCR, ITA cũng đóng cửa giảm mạnh.
Thanh khoản thị trường vẫn giữ ở mức cao với giá trị giao dịch trên HoSE ghi nhận hơn 22.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng 30 mã bluechip giao dịch gần 9.000 tỷ. Khối ngoại hôm nay vẫn giữ trạng thái mua ròng với quy mô hơn 130 tỷ đồng.
VIC, VHM và VRE cùng giảm 2,9-4,9% trong hôm nay, trở thành những nhân tố chính kéo thị trường mất gần 10 điểm.
Mã chứng khoán của Vingroup mở cửa tăng nhẹ, dao động quanh mức trên tham chiếu gần một tiếng rồi quay đầu giảm. Thị giá VIC rớt dần đến cuối ngày và chốt ở 71.900 đồng một đơn vị, giảm 4,9%. Trước áp lực chốt lời lớn, cổ phiếu này được sang tay gần 1.650 tỷ đồng, lớn thứ hai toàn thị trường.
Tương tự, hai mã cùng “họ Vin” là VHM và VRE đều đi dưới tham chiếu cả ngày. VHM giảm 3% về 61.000 đồng một cổ phiếu. VRE lùi 2,9% về mức 30.600 đồng một đơn vị.
Theo VNDirect, VIC là cổ phiếu góp mức giảm nhiều nhất thị trường, khoảng 3,7 điểm. Xếp thứ hai là mã VHM, trong khi VRE xếp thứ tư.
Diễn biến đảo chiều của ba cổ phiếu “họ Vin” diễn ra tương tự đồ thị cổ phiếu VinFast trên thị trường chứng khoán Mỹ. Mã VFS mất khoảng 18,8% trong phiên giao dịch thứ hai trên sàn Nasdaq, đóng cửa lùi về mức 30,11 USD. Theo đó, giá trị vốn hóa của VinFast giảm về 69,5 tỷ USD và khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng chỉ còn hơn 37 tỷ USD, xếp hạng 35 trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes.
Cùng với bộ ba “họ Vin”, cổ phiếu bất động sản hôm nay cũng chìm trong sắc đỏ. Hai mã có thanh khoản cao thứ ba và thứ tư của ngành là DIG và DXG lần lượt mất 2,5% và 2,4% so với thị giá phiên hôm trước. Nhiều cổ phiếu có thanh khoản thấp hơn cùng giảm trên 1%. Điều này khiến bất động sản trở thành nhóm có chỉ số ngành giảm mạnh nhất hôm nay.
Dưới áp lực trên, VN-Index gần như đi dưới tham chiếu cả ngày. Chỉ số này chốt phiên tại 1.233,48 điểm, giảm khoảng 9,8 điểm so với phiên trước. Sàn HoSE có 320 cổ phiếu giảm giá, nhiều hơn gấp đôi so với 150 cổ phiếu tăng.
Thanh khoản thị trường TP HCM đạt hơn 25.500 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với hôm qua. Dòng tiền đổ mạnh vào nhóm tài chính, bất động sản và công nghiệp. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay đổi sang mua ròng gần 110 tỷ đồng, chủ yếu là các mã CTG, VIC và HPG.
Sau khi chuyển nhượng bằng phương thức thoả thuận 124,7 triệu cổ phiếu VIB (4,91% vốn), ông Đặng Quang Tuấn không còn sở hữu cổ phần nào tại nhà băng này.
Ông Đặng Quang Tuấn, con trai Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) Đặng Khắc Vỹ, đã bán số cổ phiếu này trong thời gian từ 21/7 đến 9/8.
Liên tiếp trong 10 ngày cuối tháng 7 và từ 4-9/8, cổ phiếu VIB ghi nhận các phiên có giao dịch thỏa thuận khối lượng lớn.
Ngày 21/7, hơn 31 triệu cổ phiếu được sang tay với giá trị hơn 650 tỷ đồng. Ngày 25, 27 và 31/7, mỗi phiên ghi nhận hơn 21 triệu cổ phiếu VIB được thỏa thuận với quy mô đều trên 400 tỷ đồng. Đầu tháng 8, quy mô thỏa thuận ghi nhận vài triệu đơn vị mỗi phiên.
Tính theo giá bình quân trong những phiên này, ước tính ông Tuấn đã thu về hơn 2.600 tỷ đồng.
Cùng thời gian, Công ty cổ phần Funderra – tổ chức có liên quan ông Đặng Khắc Vỹ – đăng ký mua vào đúng bằng số lượng cổ phiếu mà con trai Chủ tịch VIB bán ra.
Chốt phiên gần nhất, cổ phiếu VIB dừng ở mức 20.550 đồng, tăng gần 40% so với đầu năm. Vốn hóa của ngân hàng này đạt hơn 52.000 tỷ đồng.
Mã chứng khoán của Vingroup tăng trần từ đầu phiên, trở thành lực kéo quan trọng giúp VN-Index thoát sắc đỏ trong một phiên điều chỉnh mạnh.
VIC mở cửa tăng trần sau thông tin VinFast dự kiến niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) ngày 15/8 dưới các mã niêm yết mới lần lượt là VFS cho cổ phiếu phổ thông và VFSWW cho cổ phiếu chứng quyền.
Sắc tím được giữ xuyên suốt phiên giao dịch, đưa thị giá VIC lên 72.600 đồng một đơn vị. Đây là mức cao nhất kể từ cuối tháng 6/2022, tức gần 14 tháng qua. Trong tuần trước, cổ phiếu này cũng có ba phiên tăng trần giúp thị giá tích lũy gần 21% nhờ kết quả kinh doanh nửa đầu năm tăng cao.
Theo VNDirect, VIC là cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất cho thị trường, đóng góp gần 4,7 điểm trong hôm nay. Mã chứng khoán của Vingroup cũng có thanh khoản cao nhất toàn phiên với gần 1.700 tỷ đồng sang tay.
VIC gần như gồng gánh thị trường khi áp lực chốt lời tiếp tục xuất hiện dày đặc trong phiên giao dịch hôm nay. VN-Index trong buổi sáng có cải thiện điểm số nhưng đến cuối buổi đã phải đảo chiều về dưới tham chiếu. Sắc đỏ duy trì đến khoảng 14h mới được cải thiện khi dòng tiền bắt đầu tìm đến nhóm ngân hàng, chứng khoán và nguyên vật liệu.
Chốt phiên, chỉ số đại diện sàn TP HCM tăng 11,6 điểm, lên mức hơn 1.232,2 điểm. Thị trường thể hiện rõ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi có 232 cổ phiếu tăng, cách biệt không đáng kể so với mức 226 cổ phiếu giảm.
Hưởng ứng VIC, nhiều cổ phiếu bất động sản cũng tăng giá. DXG là mã có thanh khoản cao thứ ba trong ngành và tăng kịch trần vào cuối phiên. TCH cũng kịp đóng cửa với sắc tím. Ngoài ra, ngành này còn có hai mã thanh khoản trăm tỷ và tăng mạnh gồm KDH tích lũy thêm 4,4% và KBC tăng 3,9%.
Bên cạnh đó, ngành thép cũng lội ngược dòng thị trường. HSG hôm nay giao dịch hơn 480 tỷ đồng với mức tăng 5,6%. NKG cũng tăng 2,6% và HPG kéo lên 1,3% so với tham chiếu.
Thanh khoản sàn HoSE tăng nhẹ so với hôm qua, đạt gần 21.300 tỷ đồng. Dòng tiền dồn hẳn về nhóm tài chính, bất động sản và công nghiệp.
Nhà đầu tư ngoại thận trọng khi duy trì trạng thái bán ròng, nhưng biên độ chỉ hơn 60 tỷ đồng. Nhóm này chủ yếu xả hàng các mã VHM, SSI, HCM và VND.
Mã chứng khoán của Vingroup tăng trần từ đầu phiên, trở thành lực kéo quan trọng giúp VN-Index thoát sắc đỏ trong một phiên điều chỉnh mạnh.
VIC mở cửa tăng trần sau thông tin VinFast dự kiến niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) ngày 15/8 dưới các mã niêm yết mới lần lượt là VFS cho cổ phiếu phổ thông và VFSWW cho cổ phiếu chứng quyền.
Sắc tím được giữ xuyên suốt phiên giao dịch, đưa thị giá VIC lên 72.600 đồng một đơn vị. Đây là mức cao nhất kể từ cuối tháng 6/2022, tức gần 14 tháng qua. Trong tuần trước, cổ phiếu này cũng có ba phiên tăng trần giúp thị giá tích lũy gần 21% nhờ kết quả kinh doanh nửa đầu năm tăng cao.
Theo VNDirect, VIC là cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất cho thị trường, đóng góp gần 4,7 điểm trong hôm nay. Mã chứng khoán của Vingroup cũng có thanh khoản cao nhất toàn phiên với gần 1.700 tỷ đồng sang tay.
VIC gần như gồng gánh thị trường khi áp lực chốt lời tiếp tục xuất hiện dày đặc trong phiên giao dịch hôm nay. VN-Index trong buổi sáng có cải thiện điểm số nhưng đến cuối buổi đã phải đảo chiều về dưới tham chiếu. Sắc đỏ duy trì đến khoảng 14h mới được cải thiện khi dòng tiền bắt đầu tìm đến nhóm ngân hàng, chứng khoán và nguyên vật liệu.
Chốt phiên, chỉ số đại diện sàn TP HCM tăng 11,6 điểm, lên mức hơn 1.232,2 điểm. Thị trường thể hiện rõ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi có 232 cổ phiếu tăng, cách biệt không đáng kể so với mức 226 cổ phiếu giảm.
Hưởng ứng VIC, nhiều cổ phiếu bất động sản cũng tăng giá. DXG là mã có thanh khoản cao thứ ba trong ngành và tăng kịch trần vào cuối phiên. TCH cũng kịp đóng cửa với sắc tím. Ngoài ra, ngành này còn có hai mã thanh khoản trăm tỷ và tăng mạnh gồm KDH tích lũy thêm 4,4% và KBC tăng 3,9%.
Bên cạnh đó, ngành thép cũng lội ngược dòng thị trường. HSG hôm nay giao dịch hơn 480 tỷ đồng với mức tăng 5,6%. NKG cũng tăng 2,6% và HPG kéo lên 1,3% so với tham chiếu.
Thanh khoản sàn HoSE tăng nhẹ so với hôm qua, đạt gần 21.300 tỷ đồng. Dòng tiền dồn hẳn về nhóm tài chính, bất động sản và công nghiệp.
Nhà đầu tư ngoại thận trọng khi duy trì trạng thái bán ròng, nhưng biên độ chỉ hơn 60 tỷ đồng. Nhóm này chủ yếu xả hàng các mã VHM, SSI, HCM và VND.
Áp lực bán dồn mạnh vào nhóm ngân hàng, chứng khoán và tiêu dùng khiến VN-Index hôm nay chốt phiên giảm hơn 13 điểm, mạnh nhất 5 tháng.
Nhiều công ty chứng khoán dự báo kịch bản thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh khi áp lực bán tăng mạnh vào nửa cuối phiên chiều hôm qua. Tâm lý nhà đầu tư cũng thận trọng hơn và được thể hiện rõ trong phiên giao dịch hôm nay.
Chỉ số đại diện sàn TP HCM mở cửa tăng nhẹ lên gần 1.238 điểm. Đà tăng kéo dài khoảng một tiếng, sau đó thị trường bắt đầu rung lắc khi các lệnh bán được đặt nhiều hơn, đẩy VN-Index xuống dưới tham chiếu.
Sang buổi chiều, chỉ số này được cải thiện lên sắc xanh trong vài phút rồi lại về dưới tham chiếu. Áp lực bán chủ động từ các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và tiêu dùng kéo VN-Index giảm nhanh. Chốt phiên, VN-Index giảm gần 13,4 điểm, về 1.220,61 điểm. Đây là phiên giao dịch giảm mạnh nhất kể từ 20/3.
Toàn sàn có 371 cổ phiếu giảm, cao gấp ba lần so với 118 cổ phiếu tăng. Sắc đỏ cũng chiếm ưu thế ở rổ VN30 với 24 mã giảm, khiến chỉ số này mất hơn 13,6 điểm.
Tiêu dùng thiết yếu, tài chính, công nghiệp và nguyên vật liệu là các nhóm có chỉ số ngành giảm nhiều nhất. 10 cổ phiếu làm giảm điểm nặng nhất thị trường cũng rơi vào các ngành kể trên, dẫn đầu là BID, VCB và MSN.
Bất động sản là điểm sáng duy nhất trong phiên giao dịch hôm nay. NVL khớp lệnh gần 1.300 tỷ đồng, trở thành cổ phiếu có thanh khoản lớn nhất thị trường. Mã chứng khoán của Novaland tăng 3,5% lên 20.600 đồng một đơn vị, khi có gần 60% lệnh mua chủ động.
VIC cũng được sang tay hơn 530 tỷ đồng, thị giá tăng 3,2% lên 67.900 đồng. Theo VNDirect, mã chứng khoán của Vingroup là cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất cho thị trường. Ngoài ra, toàn ngành bất động sản còn có bảy mã tăng trần, phần lớn là các cổ phiếu giao dịch lẻ tẻ đến vài chục tỷ đồng.
Thanh khoản sàn HoSE hôm nay giảm nhẹ về hơn 20.200 tỷ đồng. Khối ngoại quay lại bán ròng khoảng 340 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài xả hàng nhiều ở các mã MSN và VPB.
VN-Index chốt phiên 9/8 trong sắc đỏ, lùi về ngưỡng gần 1.230 điểm, khi áp lực chốt lời gia tăng sau chuỗi phiên tăng mạnh trước đó, đặc biệt là nhóm lương thực.
Sắc đỏ bao trùm trên bảng điện từ đầu phiên hôm nay. Áp lực bán lan rộng trên thị trường, đặc biệt ở nhóm vốn hóa trung bình khiến VN-Index lùi về dưới tham chiếu sau ATO. Lực đỡ cho chỉ số đầu phiên đến từ nhóm vốn hóa lớn khi một số mã vẫn giữ được sắc xanh.
Tuy nhiên, đến đầu phiên chiều, ngay cả những bluechip cũng bị ép về sắc đỏ. Các nhóm cổ phiếu dẫn dắt chỉ số, như bất động sản, ngân hàng hay một số mã tăng đột biến gần đây như lương thực, thực phẩm đều là mục tiêu chốt lời sau chuỗi phiên tăng mạnh trước đó.
VSF, cổ phiếu trong nhóm lương thực đã tăng hơn 300% trong hai tuần gần đây, mở phiên hôm nay trong trạng thái tăng trần nhưng đóng cửa giảm kịch sàn. Chỉ trong một phiên, nhà đầu tư mua VSF đầu giờ đã chịu lỗ gần 30%. Các mã tăng nóng gần đây cũng diễn biến tương tự khi nhà đầu tư lo bảo vệ thành quả.
Chốt phiên, VN-Index giảm hơn 8 điểm (0,66%) xuống 1.233,99 điểm. VN30-Index giảm với biên độ tương đương xuống 1.239,84 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index đóng cửa sát tham chiếu.
Sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện với 276 mã giảm trên HoSE, so với 215 mã tăng. Riêng nhóm VN30, số mã giảm chiếm áp đảo hơn với tỷ lệ 27/30 mã.
Trong nhóm vốn hóa lớn, VHM giảm mạnh nhất với biên độ 3,5%. GVR, VNM, MWG, VIC giảm quanh ngưỡng 2%, VJC, POW, MSN, FPT thấp hơn tham chiếu hơn 1%. Ở chiều ngược lại, chỉ có STB và HPG là hai mã giữ được sắc xanh nhóm VN30.
Trong nhóm vốn hóa trung bình, sự phân hóa diễn ra mạnh giữa các nhóm ngành. Cổ phiếu thép được chú ý với sắc xanh của HSG, NKG, một số mã xây dựng, bán lẻ và cổ phiếu ngành gỗ cũng giao dịch tích cực.
Tuy nhiên, một số nhóm tăng mạnh gần đây chịu áp lực chốt lời, như cổ phiếu lương thực, thực phẩm. Ngoài VSF, trong nhóm lương thực cổ phiếu AGM chốt phiên trong trạng thái “trắng bảng bên mua”, PAN, LTG, SSC đóng cửa trong sắc đỏ.
Thanh khoản thị trường giữa ở mức cao với giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 21.700 tỷ đồng. Trong đó, nhóm VN30 giao dịch hơn 8.300 tỷ.
VIC và VRE góp mức tăng nhiều nhất, HPX và ITA tím trần với thanh khoản tốt, bất động sản trở thành nhóm nâng đỡ VN-Index giữ nguyên sắc xanh.
Chỉ số đại diện sàn HoSE mở cửa với sắc xanh kéo dài gần hết buổi sáng, tiếp cận khu vực 1.250 điểm. Tuy nhiên, lực bán xuất hiện trước mức kháng cự, khiến VN-Index có thời điểm về dưới tham chiếu. Sau đó, sắc xanh nhanh chóng nối lại.
Sang buổi chiều, chỉ số này bắt đầu giằng co chủ yếu quanh vùng 1.242-1.245 điểm. VN-Index có hai lần xuống dưới tham chiếu trước khi được nâng lên nhờ lực cầu tốt từ bất động sản và dầu khí.
Chốt phiên, VN-Index đạt hơn 1.242,2 điểm, nhích nhẹ 0,8 điểm so với hôm qua. Số cổ phiếu tăng và giảm gần như tương đương nhau, lần lượt là 242 mã và 238 mã. Trong khi đó, rổ VN30 có 18 mã giảm thị giá khiến chỉ số này giảm gần 3 điểm trong hôm nay.
Thị trường bị rung lắc chủ yếu do diễn biến của VN30 và nhóm tài chính, nguyên vật liệu. Sắc đỏ chiếm phần lớn bảng điện nhóm ngân hàng với nhiều mã trụ của ngành giảm từ 1-2%. Mức giảm tương tự cũng xuất hiện ở nhiều cổ phiếu có thanh khoản lớn thuộc ngành chứng khoán. Trong khi đó, nhóm nguyên vật liệu mất điểm phần lớn do HPG và HSG giảm hơn 1%.
Bệ đỡ cho thị trường hôm nay đến từ cổ phiếu bất động sản, tiêu dùng thiết yếu và dầu khí. Theo VNDirect, VIC và VRE là hai mã đóng góp tích cực nhất với mức tăng lần lượt 4,9% và 4,7%. Theo sau là MSN.
Riêng nhóm bất động sản, NVL tăng 0,7% và là cổ phiếu có thanh khoản cao nhất sàn HoSE với gần 900 tỷ đồng giá trị giao dịch. Ngành này còn có HPX và ITA tăng trần với lượng khớp lệnh ở mức khá cao. Ngoài ra, HAG cũng tăng 6,9% với thanh khoản gần 450 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bảng điện của nhóm bất động sản vẫn có sự phân hóa. Một số mã trụ của ngành có sắc đỏ như DIG, DXG, HDC, VHM, PDR, NLG. Biên độ trượt giá trung bình quanh 1-2%.
Thanh khoản hôm nay giảm khoảng 12%, về hơn 23.200 tỷ đồng. Hơn một nửa dòng tiền đổ vào cổ phiếu tài chính, bất động sản và công nghiệp.
Sau phiên giải ngân ồ ạt hôm qua, khối ngoại thận trọng hơn hẳn khi giá trị giao dịch cả hai nhiều đều giảm lần lượt khoảng 70%. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì bán ròng với biên độ gần 240 tỷ đồng, chủ yếu ở các mã GMD và VRE.