Chứng khoán

Có nên trở lại thị trường chứng khoán lúc này?

Chuyên gia phân tích, thị trường chứng khoán hiện tại không còn quá rẻ nhưng vẫn hấp dẫn nếu đầu tư dài hạn và đều đặn.

Năm 2022, tôi tham gia chứng khoán với số vốn 165 triệu đồng rút từ gửi tiết kiệm. Trong giai đoạn thị trường đi xuống, tôi không biết nên phản ứng thế nào nên có lúc lỗ gần 70%. Sau đó, tôi cũng không tha thiết nên xóa ứng dụng giao dịch.

Đến nay, tôi thấy thị trường có vẻ phục hồi tốt, tài khoản chỉ còn âm hơn 30%. Theo chuyên gia, tôi có nên gia nhập lại thị trường lúc này không? Ở lần trở lại này, tôi cần lưu ý thêm điều gì?

Thanh Tân




Nhà đầu tư đang theo dõi bảng điện tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhà đầu tư đang theo dõi bảng điện tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Chuyên gia tư vấn:

Thị trường chứng khoán sau khi tạo đáy vào tháng 11 năm ngoái, đã phục hồi được một giai đoạn khá dài. Lãi suất hạ nhiệt nhanh, chính sách nới lỏng tiền tệ và các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ đã thu hút một lượng tiền lớn đổ vào chứng khoán. Cùng với đó, thị trường cũng kỳ vọng lớn về khả năng phục hồi của nền kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết nói riêng.

Những yếu tố trên khiến mặt bằng định giá của thị trường chung hiện tại cũng không còn quá rẻ. Tuy nhiên, nếu tiếp cận với tầm nhìn đầu tư dài hạn hơn, kênh chứng khoán vẫn còn rất nhiều cơ hội hấp dẫn để rót tiền.

Ở lần trở lại này, bạn nên duy trì thói quen đầu tư một cách dài hạn và đều đặn. Hãy xem kênh đầu tư chứng khoán như một cách để bạn tích lũy tài sản trong dài hạn bằng cách trích từ thu nhập cá nhân hằng tháng để đầu tư vào đấy. Điều này giúp bạn tận dụng được các cơ hội từ tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong dài hạn và cũng giúp bạn vượt qua được những biến động trong ngắn hạn của thị trường. Tất nhiên, điều này cũng đòi hỏi bạn phải chọn được những công ty tốt để đầu tư nắm giữ.

Đầu tư chứng khoán là một công việc đòi hỏi nhiều kiến thức, kinh nghiệm, thông tin và thời gian để có thể đầu tư hiệu quả và mang lại lợi nhuận bền vững trong thời gian dài. Nếu bạn không thể đáp ứng được tất cả tiêu chí trên, hãy tìm cho mình một công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp để họ có thể làm điều đó giúp bạn.

Phạm Lê Duy Nhân
Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư
Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF)

Một năm nổi sóng của cổ phiếu SJC khi vợ chồng bà Vũ Thị Thúy xuất hiện

Sông Đà 1.01 bị hủy niêm yết, chuyển xuống UPCoM, nhưng cổ phiếu đã tăng vọt từ 2.000 đồng lên gần 18.000 đồng sau 4 tháng, khi xuất hiện những cổ đông mới.

Bà Vũ Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Nhật Nam, vừa bị tạm giữ hình sự với cáo buộc cung cấp thông tin đầu tư sai sự thật về bất động sản để lừa đảo. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, bà Thúy được chú ý hơn với thương vụ đầu tư vào Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 (UPCoM: SJC).

Cuối năm ngoái, bà Thúy tham gia Hội đồng quản trị SJC với vai trò cổ đông lớn sở hữu 23,53% vốn. Sau phiên họp bất thường, bà được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật. Ba tháng sau đó, bà Thúy giữ tiếp vai trò tổng giám đốc. Cùng thời điểm, Hội đồng quản trị doanh nghiệp này cũng “thay máu” gần như toàn bộ.

Hội đồng quản trị cũ gồm Chủ tịch Sông Đà 1.01 Phạm Thanh Phong, Giám đốc Tạ Văn Trung và Phó giám đốc Nguyễn Bình Đông đều bị miễn nhiệm. Nhiệm kỳ 2022-2027, Hội đồng quản trị được nâng từ ba lên năm thành viên. Ngoài ông Tạ Văn Trung là người cũ và bà Thúy, góp mặt trong danh sách nhân sự mới có ông Phạm Khánh Phương (ca sĩ Khánh Phương), ông Trịnh Văn Tôn và ông Nguyễn Văn Đức.

Trong bản sơ yếu lý lịch, bà Thúy cho biết là người làm “kinh doanh tự do”, không nhắc tới vai trò tại Công ty Nhật Nam, tương tự với ông Phạm Khánh Phương. Cả hai nhân sự này khi đó đều là cổ đông lớn sở hữu hơn 20% vốn của Sông Đà 1.01. Đến cuối tháng 6, trong lần công bố thông tin về giao dịch cổ phiếu, ông Phương lần đầu tiết lộ bà Thúy là vợ.

Những cổ đông mới xuất hiện tại SJC cùng thời điểm mã này “nổi sóng” trên thị trường UPCoM.

Từ vùng giá “dưới ly trà đá” khoảng 2.000 đồng hồi tháng 8/2022, cổ phiếu SJC tăng liên tiếp lên 17.900 đồng vào cuối năm, mức tăng gần 10 lần chỉ sau 4 tháng.

Mã này tiếp tục được chú ý trong nửa đầu năm nay với biến động mạnh. SJC giảm về dưới 5.000 đồng chỉ sau ba tháng đầu năm rồi lại vọt lên hơn 14.000 đồng, mức tăng tính bằng lần.




Diễn biến cổ phiếu SJC của Sông Đà 1.01 từ tháng 7/2022 đến nay. Ảnh: Trading View

Diễn biến cổ phiếu SJC của Sông Đà 1.01 từ tháng 7/2022 đến nay. Ảnh: Trading View

Cuối tháng 3, bà Thúy thoái toàn bộ hơn 23% vốn của SJC, chỉ giữ lại 22 cổ phiếu. Tuy nhiên, bên nhận chuyển nhượng lại là hai công ty có liên quan, gồm Công ty Đầu tư Nam Nhật Khang và Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam.

Từng khẳng định đầu tư vào Sông Đà 1.01 để nắm quyền quản trị, không lướt sóng, nhưng từ cuối tháng 6, nhóm cổ đông mới liên quan đến bà Vũ Thị Thúy bắt đầu rục rịch bán ra.

Đầu tháng 8, đồng loạt các cổ đông khác trong nhóm này, gồm cả hai công ty mua lại số cổ phần của bà Thúy trước đó, đăng ký bán toàn bộ sở hữu tại SJC.

Đến tháng 9, ông Phương thông báo đã bán xong hơn 13% vốn của Sông Đà 1.01 và không còn là cổ đông của công ty này. Trước đó, cuối tháng 6, ông này bị Ủy ban chứng khoán phạt 245 triệu đồng do mua lượng lớn cổ phiếu SJC từ 23/6 đến 28/10/2022 nhưng không chào mua công khai.

Sông Đà 1.01 hoạt động hơn hai thập kỷ trong lĩnh vực xây lắp, kinh doanh bất động sản. Công ty này được biết đến với các dự án như chung cư Vinafor, Eco Green Tower, Hemisco Xala, tòa nhà CT1 Văn Khê… SJC niêm yết trên HNX từ năm 2007. Đến giữa năm 2021, SJC bị hủy niêm yết do vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính và chuyển sang thị trường UPCoM.

Dù cổ phiếu doanh nghiệp này bất ngờ nổi sóng, nhưng cũng tương tự nhiều mã penny khác, kết quả kinh doanh của Sông Đà 1.01 biến động thất thường.

Trong 10 năm qua, doanh nghiệp này lãi 6 năm nhưng chỉ quanh vài tỷ đồng, có năm chỉ lãi vài chục triệu đồng. Lần gần nhất, Sông Đà 1.01 công bố báo cáo tài chính là năm 2022, với khoản lỗ hơn 5 tỷ đồng, cao nhất từ khi lên sàn chứng khoán.

Minh Sơn

Chứng khoán dứt chuỗi tăng 6 phiên

Chuỗi tăng 6 phiên của VN-Index dừng lại khi chỉ số của HoSE đóng cửa hôm nay trong sắc đỏ, bởi áp lực chốt lời dâng cao với nhóm bất động sản, chứng khoán.

Sự hứng khởi của nhà đầu tư sau ba phiên liên tiếp tăng trên 10 điểm giúp thị trường mở cửa hôm nay trong sắc xanh. VN-Index bật lên sau ATO với dòng tiền nhập cuộc tích cực. Chỉ số của sàn HoSE nới rộng sắc xanh vào giữa phiên sáng, vượt trên ngưỡng 1.255 điểm.

Tuy nhiên, nỗ lực vượt qua vùng 1.250 điểm gặp khó khăn khi áp lực chốt lời gia tăng. Diễn biến này tăng dần vào phiên chiều khiến VN-Index giằng co quanh tham chiếu. Chốt phiên, VN-Index dừng ở mức 1.243,14 điểm, giảm hơn 2 điểm so với phiên hôm qua. VN30-Index giảm gần 5 điểm, xuống 1.255 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index vượt nhẹ trên tham chiếu.

Sắc đỏ có phần ưu thế hơn, với sàn HoSE ghi nhận 223 cổ phiếu tăng giá so với 268 cổ phiếu giảm giá. Trong nhóm VN30, 16/30 mã đóng cửa dưới tham chiếu.

Dòng tiền của nhà đầu tư tập trung vào ba nhóm ngành chính là bất động sản, ngân hàng và dịch vụ tài chính. Trong đó, sắc đỏ chiếm áp đảo do áp lực chốt lời lan rộng. Ba nhóm này cũng là những nhóm giao dịch khởi sắc gần đây.

GAS là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index hôm nay với 0,67 điểm khi mã này tăng 1,4%, lên 102.900 đồng. Ngược lại, VCB là cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất khi chốt phiên giảm 0,7% xuống 89.500 đồng.

Trong VN30, GVR, TCB, SAB, SHB, HDB, MBB giao dịch tích cực khi chốt phiên trong sắc xanh. Ngược lại, VHM, VIC, HPG, SSB, FPT giảm trên 1%.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 28.110 tỷ đồng, trong đó riêng thanh khoản sàn HoSE ghi nhận gần 24.770 tỷ. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng gần 885 tỷ đồng, cao nhất trong gần 1 tháng và là phiên thứ ba liên tiếp nhóm này bán ròng.

Minh Sơn

Chứng khoán duy trì sắc xanh trước nghỉ lễ

Sắc xanh phủ rộng tất cả ngành với cổ phiếu tăng nhiều gấp ba lần cổ phiếu giảm, đưa VN-Index tích lũy thêm gần 11 điểm trước kỳ nghỉ lễ.

Chỉ số đại diện sàn TP HCM mở cửa trên tham chiếu, tăng 5 điểm trong phiên ATO. Sau đó, thị trường có cơn rung lắc ngắn khi VN-Index chạy về dưới 1.215 điểm. Nhưng chỉ vài phút sau, chỉ số này gần như tăng một mạch lên mốc 1.220 điểm. Khác với phiên sáng hôm qua khi giao dịch trầm lắng, lực cầu dần gia tăng mạnh hơn về cuối phiên giúp thanh khoản sáng nay đạt trên 10.000 tỷ đồng.

Trong buổi sáng, VCG luôn là cổ phiếu giao dịch sôi động nhất với thị giá tăng lần lượt sau mỗi đợt khớp lệnh. Đỉnh giá của mã này đạt 28.900 đồng vào cuối buổi sáng, tăng 5,3% và cũng là mức giá chốt phiên.

Sang buổi chiều, VN-Index dần kiểm tra mốc 1.225 điểm nhưng một số bluechip hạ nhiệt khiến chỉ số này chưa đủ lực để vượt ngưỡng trên. Thị trường dao động 1.220-1.225 điểm trong suốt buổi chiều. Chốt phiên, VN-Index đạt hơn 1.224 điểm. Đây là phiên giao dịch thứ tư liên tiếp giữ sắc xanh.

Toàn sàn HoSE có 376 cổ phiếu tăng thị giá, nhiều gấp 3 lần so với 125 cổ phiếu giảm. Dẫn dắt thị trường là nhóm ngành công nghiệp, nguyên vật liệu, tài chính và bất động sản. Theo VNDirect, GVR là cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất hôm nay.

Nhóm công nghiệp có 6 mã đạt thanh khoản trăm tỷ. GEX được giao dịch mạnh nhất ngành và cũng có thanh khoản cao thứ ba thị trường. Mã chứng khoán của Tập đoàn Gelex tăng 5,6% với lệnh mua chiếm hơn một nửa. Trong khi đó, hai mã GMD và HAH cùng tăng 6,8%.

giá thép giảm về đáy ba năm, các mã trụ của ngành này vẫn giữ thị giá tốt. HPG và HSG cùng tăng 1,5%; trong khi NKG tích lũy thêm 2,7% so với tham chiếu.

Bảng điện ngành ngân hàng hôm nay không có sắc đỏ, nhưng biên độ tăng thị giá của các cổ phiếu phổ biến chỉ quanh 1%. EIB là một trong những mã thanh khoản lớn với thị giá tăng khá mạnh 2,8%. Trong khi đó, bảng điện nhóm chứng khoán không đều màu. Các mã có thanh khoản lớn chỉ tăng nhẹ quanh tham chiếu, trừ FTS tích lũy đến 6,3%.

Nhóm bất động sản có mã HPX tăng kịch trần, còn lại các cổ phiếu thanh khoản lớn chia làm hai mức tăng: 0,2% và 2-2,5% so với tham chiếu. VIC là mã có giá trị giao dịch lớn nhất thị trường. Đà rung lắc vẫn còn hiện hữu trong phiên hôm nay, cổ phiếu này chốt phiên nhích thêm 0,2%.

Thanh khoản sàn HoSE tăng nhẹ lên hơn 21.300 tỷ đồng. Khối ngoại hôm nay giao dịch sôi động hơn hẳn với giá trị mua và bán lần lượt tăng 60% và 106% so với hôm qua. Đây là phiên mua ròng thứ hai liên tiếp, đạt giá trị khoảng 450 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ và khép lại tháng 8, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng thị trường vẫn đang có xu hướng tiến lên khu vực đỉnh cũ với lực cầu bắt đáy liên tục xuất hiện và gia tăng tốt. Tuy nhiên, nhóm phân tích này vẫn đưa ra kịch bản VN-Index sẽ có những phiên rung lắc tích lũy quanh vùng điểm 1.210-1.220.

Tất Đạt

Chứng khoán Việt Nam mục tiêu nâng hạng trước 2025

Ký quỹ trước giao dịch và room ngoại là hai vướng mắc lớn nhất để thị trường Việt Nam được nâng hạng và vấn đề này đang được Ủy ban chứng khoán đẩy nhanh giải quyết.

Ngày 29/8 tại Hong Kong, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Thị Chân Phương đã chủ trì hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư tổ chức và các đối tác nhằm bàn thảo những giải pháp, hướng tới nâng hạng cho thị trường Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Theo bà Phương, nâng hạng thị trường là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, đồng thời cũng đã được đưa vào trong dự thảo “Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030”.

“Việt Nam hướng đến nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025”, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhận xét.

Theo đánh giá chung của các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế, Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, hiện có hai nhóm vấn đề cần cải thiện là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài.

Theo các nhà đầu tư, để có thể được nâng hạng, Việt Nam cần triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) đã được quy định trong Nghị định 155, trong đó ngân hàng lưu ký phải được là thành viên thanh toán bù trừ và công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc hạn chế “room” ngoại chỉ nên áp dụng đối với những ngành thực sự cần thiết.

Theo Chủ tịch Ủy ban chứng khoán, khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép, giải pháp triển khai hệ thống CCP – ngân hàng lưu ký là thành viên bù trừ – là phương án tối ưu để xử lý vấn đề yêu cầu ký quỹ trước giao dịch.

“Nếu không khắc phục được vấn đề prefunding thì câu chuyện nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu”, bà Phương nêu quan điểm.




Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư tổ chức và các đối tác được Ủy ban chứng khoán tổ chức cùng ASIFMA tại Hong Kong ngày 29/8. Ảnh: Ủy ban chứng khoán

Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư tổ chức và các đối tác được Ủy ban chứng khoán tổ chức cùng ASIFMA tại Hong Kong ngày 29/8. Ảnh: Ủy ban chứng khoán

Trong khi chờ CCP, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán cho biết cơ quan quản lý đang nghiên cứu các giải pháp trước mắt mang tính kỹ thuật để giảm thiểu các lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài. Về lâu dài, hệ thống CCP phải được triển khai.

Ông Lyndon Chao, đại diện Hiệp hội các thị trường tài chính và chứng khoán châu Á (ASIFMA) đánh giá, Việt Nam đã và đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Việt Nam hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng. Theo McKinsey, gần 70% người tiêu dùng Việt Nam có cái nhìn lạc quan về tương lai.

Đại diện ASIFMA cũng cho rằng, các nhà đầu tư toàn cầu sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào châu Á và Việt Nam, đánh giá đây là điểm đến đầu tư nổi bật trong tương lai khi nỗ lực cải cách thị trường của cơ quan quản lý sẽ giúp các nhà quản lý quỹ toàn cầu tiếp cận Việt Nam dễ dàng hơn.

Minh Sơn

Cổ phiếu thép nổi sóng

Cổ phiếu Hòa Phát có thanh khoản cao nhất thị trường, Hoa Sen và Nam Kim cùng mang sắc tím, trở thành những mã nâng đỡ thị trường hôm nay.

Bảng điện ngành thép vào cuối buổi chiều bật tăng mạnh. HPG liên tục khớp lệnh, chốt phiên tăng 4,3% lên 29.000 đồng. Mã chứng khoán của Tập đoàn Hòa Phát trở thành cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường hôm nay, đạt gần 1.500 tỷ đồng. Theo VNDirect, HPG là mã góp mức tăng nhiều nhất cho VN-Index.

Hai cổ phiếu trụ còn lại của ngành thép là HSG và NKG cùng tăng hết biên độ. Thanh khoản của HSG đạt gần 500 tỷ đồng, còn NKG sang tay hơn 420 tỷ đồng. Nhóm thép còn có thêm mã VGS mang sắc tím với thanh khoản ở mức tương đối.

Cùng với đó, nhiều cổ phiếu thép và tài nguyên – vật liệu đồng loạt tăng mạnh, nhiều mã tích lũy hơn 4% so với tham chiếu. Nguyên vật liệu trở thành nhóm cổ phiếu có chỉ số ngành tăng cao nhất hôm nay.

Cổ phiếu nhóm này nổi sóng sau thông tin “siêu dự án” nhà ga sân bay Long Thành được khởi công, Chính phủ giao nhiệm vụ các bên phải kiên quyết với mục tiêu hoàn thành đúng tiến độ. Riêng ngành thép, giá bán vẫn còn thấp nhưng điểm sáng là lượng sắt thép xuất khẩu tính từ đầu năm đến 15/8 tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với đà tăng mạnh của cổ phiếu thép vào nửa cuối buổi chiều, VN-Index cũng kịp cải thiện điểm số sau nhiều nhịp rung lắc trong hôm nay. Mở cửa, chỉ số đại diện sàn TP HCM tăng trong ít phút, rồi giảm về dưới tham chiếu. Sau đó, chỉ số này được kéo lên nhưng có mức tăng thấp so với những phiên trước đó.

Cuối buổi sáng, VN-Index lại nhuộm sắc đỏ và duy trì đến đầu buổi chiều. Sau một nhịp rung lắc, chỉ số này vươn lên và chốt phiên ở 1.245,5 điểm, tăng hơn 10,5 điểm, nối dài mạch tăng sáu phiên liên tiếp.

Toàn sàn HoSE có 356 cổ phiếu tăng, nhiều hơn gấp đôi so với 145 cổ phiếu giảm. Ngoài nguyên vật liệu, nhóm tài chính cũng góp nhiều động lực tăng cho thị trường.

Thanh khoản sàn HoSE đạt hơn 25.200 tỷ đồng, tăng thêm gần 1.200 tỷ đồng so với phiên trước. Dòng tiền tập trung chủ yếu ở nhóm tài chính, bất động sản, công nghiệp và nguyên vật liệu.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay tiếp tục bán ròng với biên độ hơn 100 tỷ đồng. HDG, SSI, HPG và STB là những mã nhóm này xả hàng nhiều nhất.

Tất Đạt

Chủ tịch LDG bị phạt hơn nửa tỷ đồng vì chậm công bố tin bán cổ phiếu

Ủy ban Chứng khoán vừa phạt Chủ tịch LDG Nguyễn Khánh Hưng hơn 520 triệu đồng vì “bán chui” 2,6 triệu cổ phiếu.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Nguyễn Khánh Hưng ngày 25/8. Ngoài phạt tiền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư LDG còn bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong 4 tháng.

Tại phiên giao dịch ngày 15/8, ông Hưng đã bán 2,6 triệu cổ phiếu LDG mà không thực hiện công bố thông tin trước khi giao dịch. Giải thích sau đó, Chủ tịch LDG cho biết từ ngày 8/8 đến 15/8, ông có một số chuyến công tác xa nên đã thực hiện “thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ” và giao cho thư ký công bố thông tin theo quy định.

Tuy nhiên, theo ông, do thư ký là nhân sự mới, chưa nắm quy định nên đã dẫn đến sai sót, chậm trễ trong quá trình công bố thông tin. Ngay sau khi quay lại chuyến công tác hôm 15/8, ông Hưng phát hiện các sai sót và đã yêu cầu xử lý bổ sung để đảm bảo đúng quy định và dừng mọi giao dịch sau đó.

Chủ tịch LDG cũng khẳng định việc giao dịch cổ phiếu này thuộc về riêng cá nhân ông, không phải là giao dịch cổ phiếu do công ty sở hữu và không liên quan đến các quyền lợi của LDG. Đồng thời, giao dịch này cũng không liên quan đến các quyền lợi giữa công ty với các đối tác, khách hàng.

Tại phiên họp thường niên của công ty LDG hôm 23/8, ông Hưng cũng xin lỗi cổ đông và khẳng định không có âm mưu gì trong việc này. Chủ tịch LDG nói rằng thời qua ông và các lãnh đạo đã phải dùng tài sản cá nhân để giúp đỡ công ty trong lúc khó khăn.

Thành lập năm 2010, LDG hoạt động trong lĩnh vực bất động sản với các sản phẩm đất nền, nhà phố, căn hộ, khu đô thị tại nhiều địa phương phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng. Công ty cũng định hướng trong thời gian tới mở rộng lĩnh vực kinh doanh bất động sản thương mại, dịch vụ và giải trí.

Năm 2022, LDG đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4 tỷ đồng, chỉ bằng 1,54% so với năm 2021. Nửa đầu năm nay, do thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, công ty chỉ đạt doanh thu khoảng 1,7 tỷ đồng và lỗ 150 tỷ.

Anh Tú

Tuần tích cực của chứng khoán

Trước kỳ nghỉ lễ thường không phải là thời gian tích cực với chứng khoán nhưng VN-Index đã chốt tuần trước tăng hơn 40 điểm.

Thông thường, nhà đầu tư có khuynh hướng chốt lời để bảo vệ thành quả trước những ngày nghỉ dài. Tuy nhiên, tuần vừa qua lại theo chiều hướng ngược lại khi sắc xanh lan tỏa trên bảng điện.

VN-Index rung lắc, giảm điểm trong phiên đầu tuần do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư sau nhịp giảm điểm mạnh. Nhưng lực cầu bắt đáy đã liên tục xuất hiện và gia tăng tốt trong các phiên sau đó, giúp thị trường liên tục có những phiên phục hồi tích cực. Nhóm cổ phiếu chứng khoán và hóa chất thu hút lực cầu tốt, nhiều cổ phiếu vượt trên khu vực đỉnh cũ. Thêm vào đó, việc tăng điểm trở lại của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn nhóm VN30 cũng tạo tiền đề tích cực, dẫn dắt thị trường nối dài mạch phục hồi.

Trong phiên cuối tuần, hoạt động giao dịch của khối ngoại cũng là điểm sáng của thị trường khi mua ròng xuyên suốt phiên giao dịch với quy mô hơn 540 tỷ đồng, tập trung mua HPG, VRE, GMD. Chốt tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.224 tăng hơn 40 điểm (3,44%) so với tuần trước.

Theo Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trong ngắn hạn nhịp hồi này có thể hướng tới vùng đỉnh cũ quanh 1.250 điểm trước khi tạo nền tích lũy mới trước ngưỡng cản mạnh 1.300.

Về góc nhìn trung hạn, nhóm phân tích cho rằng xu hướng tăng (uptrend) của thị trường chưa bị phá vỡ. Nhịp điều chỉnh mạnh vừa qua không thủng ngưỡng 1.150 điểm nên thị trường đã tích lũy lại và tạo nhịp tăng ngắn hạn trước khi đi vào vùng tích lũy mới. Nhịp điều chỉnh mạnh còn cần thiết để thị trường rũ bỏ đeo bám trước ngưỡng cản mạnh 1.300 và trong trường hợp tích cực, VN-Index vẫn có thể bùng nổ vượt 1.300 điểm nếu như nhịp tích lũy tiếp theo đủ tốt và chặt chẽ.

“Tuy nhiên hiện tại còn quá sớm để dự báo xa, trước mắt thị trường sẽ hồi phục ngắn hạn và sau đó cần tạo thành khu vực tích lũy mới để tích lũy nội lực trước khi vượt cản mạnh”, báo cáo của SHS viết.

Trong ngắn hạn thị trường đang trong nhịp hồi phục sau điều chỉnh, tuy nhiên thị trường sẽ phải có giai đoạn tích lũy mới. Nhóm phân tích cho rằng rủi ro rung lắc khi VN-Index tiệm cận ngưỡng cản 1.250 điểm là có. Với nhà đầu tư trung, dài hạn, SHS cho rằng nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng giải ngân trong khu vực hiện tại, mục tiêu giải ngân đầu tư trung, dài hạn nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu.

Cùng quan điểm, nhóm phân tích Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng giữ quan điểm thận trọng, khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục thu gọn danh mục, chỉ tập trung giải ngân vào những cổ phiếu đang có diễn biến tương tự hoặc tốt hơn VN-Index, thu hút được lực cầu tốt và cho tín hiệu vượt đỉnh. Một số nhóm ngành có thể quan tâm, như chứng khoán, bất động sản, bán lẻ.

Minh Sơn

Chứng khoán tăng phiên thứ 5 liên tiếp

Sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, dòng tiền vào chứng khoán tăng lên hơn 24.500 tỷ đồng giúp VN-Index chốt phiên tăng gần 11 điểm, nối dài mạch tăng 5 phiên liền.

Tâm lý hứng khởi xuất hiện từ lúc mở cửa ở phiên ATO giúp chỉ số đại diện sàn HoSE nhanh chóng lấy được mốc 1.230 điểm. Dòng tiền tìm đến các mã bất động sản và xây dựng giúp chỉ số này có lúc vượt 1.236 điểm trong sáng nay.

Sang buổi chiều, thị trường bắt đầu rung lắc với áp lực đến từ các mã lớn trong ngành chứng khoán, rồi dần lan tới một số mã bất động sản. Chỉ số đại diện sàn TP HCM có lúc bị kéo về dưới 1.230 điểm. Cuối phiên, lực cầu xuất hiện mạnh hơn giúp VN-Index duy trì sắc xanh phiên thứ 5 liên tiếp, tích lũy thêm gần 11 điểm so với phiên giao dịch trước nghỉ lễ.

Toàn sàn HoSE có 366 cổ phiếu tăng, 141 cổ phiếu giảm. Sàn này có 15 mã tăng trần, trong đó có PC1 và HPX là hai mã đạt thanh khoản trăm tỷ.

Bất động sản là nhóm ngành có ảnh hưởng lớn đến thị trường hôm nay. Với thanh khoản gần 1.150 tỷ đồng, NVL trở thành cổ phiếu được giao dịch sôi động nhất. Thị giá mã này tăng 4,6% với biểu đồ khớp lệnh khá cân bằng giữa bên bán và bên mua. NVL tăng trong bối cảnh dự án của Novaland ở Đồng Nai được Tổ công tác Bộ Xây dựng thống kê là “đã gỡ vướng”.

Bảng điện ngành này còn có các mã tăng kịch trần như HPX và QCG. CEO tích lũy thêm 4,2% so với tham chiếu, còn lại chủ yếu tăng quanh 1-2%.

Ngoài ra, dẫn dắt thị trường còn có nhóm tài chính, nguyên vật liệu và công nghiệp. Trong đó, MSB tăng 6,4% và có thời điểm đạt sắc tím. Tổng giá trị giao dịch cổ phiếu này đạt gần 360 tỷ đồng, cao gấp ba lần phiên trước đó.

Thanh khoản sàn HoSE tăng 15% lên hơn gần 24.500 tỷ đồng. Khối ngoại quay trở lại bán ròng hơn 390 tỷ đồng. SSI, VIC và HPG là ba cổ phiếu nhóm này xả hàng nhiều nhất. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài gom mạnh VNM và TPB.

Tất Đạt

Cổ phiếu ngân hàng kéo thị trường

VCB, VPB và BID dẫn đầu nhóm cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất cho thị trường, trở thành điểm tựa kéo VN-Index tăng gần 3 điểm.

Bảng điện ngành ngân hàng hôm nay khả quan với 17 mã tăng giá, đa phần có biên độ quanh 1%. VPB tích lũy thêm 2,7% với thanh khoản cao thứ nhì ngành này, đạt hơn 330 tỷ đồng. Các mã có giao dịch sôi động như MSB, VCB, SHB cùng tăng trên 1%. Thanh khoản cao nhất ngành thuộc về STB với gần 560 tỷ đồng, thị giá nhích nhẹ 0,3% so với tham chiếu.

Theo VNDirect, mã chứng khoán của Vietcombank, VPBankBIDV lần lượt là ba cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất cho thị trường. Ngân hàng trở thành một trong hai nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường có chỉ số ngành tăng điểm hôm nay, bên cạnh công nghiệp.

Lực cầu nửa cuối phiên đổ về nhóm ngân hàng giúp VN-Index thoát cơn rung lắc. Đầu ngày, chỉ số đại diện sàn TP HCM mở cửa trong sắc xanh, có lúc gần chạm 1.209 điểm. Sau đó, sức ép từ bên bán khiến thị trường rơi dần về dưới tham chiếu. Sắc đỏ duy trì đến đầu buổi trưa, sau đó VN-Index dần cải thiện.

Chốt phiên, chỉ số này đạt 1.204,4 điểm, tăng 2,7 điểm so với hôm qua. Sàn HoSE có 281 cổ phiếu tăng và 203 cổ phiếu giảm.




VN-Index từng kiểm tra vùng 1.210 điểm trong đầu buổi sáng, trước khi rơi vào cơn rung lắc. Ảnh: VNDirect

VN-Index kiểm tra vùng 1.210 điểm trong đầu buổi sáng, trước khi rơi vào cơn rung lắc. Ảnh: VNDirect

Thị trường rung lắc chủ yếu do nhóm bất động sản. VIC giảm 2% với thanh khoản cao nhất sàn, đạt hơn 1.300 tỷ đồng. Áp lực xả hàng vẫn ở mức cao khi hai phần ba giao dịch khớp lệnh là từ bên bán. Ngành này còn chịu ảnh hưởng bởi CEO khi thị giá giảm 2,3% với hơn 330 tỷ đồng sang tay.

Thanh khoản toàn sàn HoSE tăng thêm 10% lên gần 22.000 tỷ đồng. Dòng tiền dồn hẳn về các mã tài chính, bất động sản và công nghiệp. Khối ngoại quay đầu bán ròng khoảng 200 tỷ đồng, đứng đầu là các mã SSI, BCM, STB, DPM, MSN.

Tất Đạt