Chứng khoán

Chủ tịch Coteccons: Đây là thời điểm tốt mua thêm cổ phiếu

Cho rằng CTD không được định giá đúng, ông Bolat Duisenov khuyên hiện tại là thời điểm mua vào cổ phiếu khi triển vọng mảng FDI của họ rất lớn.

Trong phiên họp thường niên sáng 19/10, cổ đông của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) chất vấn ban lãnh đạo về việc cổ phiếu đang được giao dịch ở mức P/B (giá thị trường trên giá trị sổ sách) dưới 1 lần trong thời gian dài. Chốt phiên tuần này, CTD ở mức 63.400 đồng – giảm hơn 6% so với đầu năm và thấp hơn 18% so với mức đỉnh hồi giữa tháng 3. Chỉ số P/B đang được xác định quanh 0,76 lần.

“Ban lãnh đạo có dự định gì để củng cố niềm tin của nhà đầu tư và tình hình doanh nghiệp?”, cổ đông này đặt câu hỏi.

Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons - trong cuộc họp hội đồng cổ đông sáng 19/10. Ảnh: CTD

Ông Bolat Duisenov – Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons – trong cuộc họp hội đồng cổ đông sáng 19/10. Ảnh: CTD

Phản hồi vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bolat Duisenov tuyên bố thời điểm hiện tại thích hợp để cổ đông “nhanh tay mua vào” cổ phiếu CTD. Đây cũng là câu trả lời từng được ông nêu ra ở phiên họp thường niên năm trước và đến nay vẫn bảo lưu quan điểm.

Theo lãnh đạo Coteccons, khi nhìn vào thị trường, không chỉ ngành xây dựng và bất động sản, tất cả những bên liên quan như vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp về chuỗi cung ứng cho lĩnh vực này, đều ghi nhận sự ảm đạm, vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn. Tuy nhiên với CTD, ở niên độ tài chính 2024 (tức tháng 7/2023 đến tháng 6/2024), công ty đã đạt những kết quả mà ông Bolat tự đánh giá là vượt trội so với thị trường.

Cụ thể, doanh thu đạt 21.045 tỷ đồng, tăng 31% so với năm tài chính 2023. Lợi nhuận sau thuế tăng 343%, đạt 299 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu đều vượt kế hoạch dù họ đã thực hiện điều chỉnh nâng lên so với dự tính cũ. Trong năm, Coteccons có giá trị trúng thầu đạt 22.000 tỷ đồng, trong đó có 41 dự án bằng hình thức “repeat sales” – tức thắng thầu hoặc được chỉ định bởi các chủ đầu tư cũ.

Ông Bolat nêu thêm con số tăng trưởng kép trung bình trong ba năm qua đạt 30%. Năm nay, họ tiếp tục theo đuổi mục tiêu với tốc độ trên. Kế hoạch ở niên độ tài chính 2025 là 25.000 tỷ đồng doanh thu và 430 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 18% và 54%. Trước mắt, lượng backlog (đơn đặt hàng tồn đọng) cho những năm sau có giá trị lên tới khoảng 30.000 tỷ đồng, riêng năm 2025 là hơn 22.000 tỷ đồng.

“Kết quả kinh doanh và chất lượng công ty phụ thuộc vào ban điều hành, nhưng giá cổ phiếu lại do thị trường nhìn nhận và điều này nằm trong tay các cổ đông”, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTD nêu quan điểm.

Năm nay, chiến lược trọng tâm của Coteccons là giữ vững tăng trưởng ở mảng kinh doanh cốt lõi và xây dựng nền tảng các mảng kinh doanh mới – vươn ra thị trường quốc tế. Họ nhận thấy tiềm năng rất lớn từ việc thực hiện các dự án của những chủ đầu tư vốn FDI. Do đó, ngoài là một nhà thầu có tiếng ở mảng bất động sản dân dụng, họ cũng muốn được biết đến như một doanh nghiệp uy tín về xây dựng công nghiệp.

“Hiện tại các dự án lớn, quan trọng và có tiếng từ vốn FDI khắp ba miền đều do Coteccons thực hiện”, Phó tổng giám đốc Võ Hoàng Lâm cho biết.

Cơ cấu doanh thu của họ đã có sự chuyển dịch khi mảng công nghiệp (phần lớn là các dự án có vốn FDI) chiếm tỷ lệ lớn 50%, dân dụng khoảng 45% và du lịch nghỉ dưỡng khoảng 5%. Khi nguồn thu đa dạng, công ty có thể tăng trưởng ổn định hơn và thực tế thời gian qua, thị trường trong nước chưa phục hồi, họ vẫn có sự bù đắp từ khách hàng nước ngoài, xây dựng mảng công nghiệp. Trước mắt trong năm tới, các dự án FDI chiếm tới 40% tổng giá trị backlog.

Song song đó, Coteccons cũng hướng tới chiến lược “theo chân” các khách hàng của họ tiến ra nước ngoài. Không chỉ các doanh nghiệp nội, họ cũng muốn thực hiện repeat sales với các khách hàng quốc tế. Trước mắt CTD đã đối thoại với Lego về dự án nhà máy ở Virginia (Mỹ) ở một số hạng mục xây dựng.

Tất Đạt

Cổ phiếu thép SMC tăng trần, YEG đạt thanh khoản lớn

Trong phiên VN-Index trở lại sắc đỏ khi giảm hơn 1 điểm, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ vẫn có một số đại diện bám trụ tốt, như SMC, YEG.

Chứng khoán hôm nay có diễn biến khá tích cực về điểm số trong phần lớn thời gian giao dịch. Buổi sáng, VN-Index giữ trọn sắc xanh, có lúc tăng gần 8 điểm với trợ lực từ cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên áp lực bán lan rộng ở ngưỡng 1.290 điểm, càng gần giờ nghỉ trưa, chỉ số này càng về sát tham chiếu.

Đầu giờ chiều, thị trường rung lắc quanh giá mở cửa, nhưng sau đó lấy lại đà tăng nhờ các mã STB, VCB, VHM có lực cầu khá tốt. Tuy nhiên sau phiên ATC, chứng khoán đảo chiều.

Chốt ngày, VN-Index giảm hơn 1 điểm về khoảng 1.285,5 điểm. Toàn sàn HoSE có 211 mã giảm giá, còn bên tăng ghi nhận 157 cổ phiếu. Thị trường chịu ảnh hưởng lớn từ nhiều mã trụ như VPB, HPG, CTG, MSN…

Thanh khoản giảm nhẹ hơn 300 tỷ về khoảng 15.385 tỷ đồng. Đây đã là phiên thứ 11 liên tiếp, tổng giá trị giao dịch sàn HoSE duy trì mức dưới 20.000 tỷ. Đà xả hàng của khối ngoại kéo dài sang phiên thứ 6 khi hôm nay nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 150 tỷ đồng.

Nhìn chung ở cú đảo chiều cuối phiên, sắc đỏ xuất hiện dày đặc ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong khi nhóm vừa và nhỏ vẫn có một số đại diện trụ tốt, nổi bật có SMC hay YEG.

SMC tăng kịch biên độ, thanh khoản nhỏ giọt chỉ gần 4 tỷ đồng. Tuy nhiên ở cuối phiên, mã này “trắng” bên bán và dư mua gần 586.000 cổ phiếu. Đà tăng xuất hiện sau 6 phiên SMC giảm liên tục, đưa thị giá về vùng đáy lịch sử 6.150 đồng một đơn vị.

Diễn biến xuất hiện trong giai đoạn gần kề mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III. Tuy nhiên trước đó, “đại gia” thép một thời lỗ liên tiếp trong 2022-2023 với mức lũy kế gần 169 tỷ đồng hồi cuối năm ngoái. Công ty đang gặp khó trong việc thu hồi nợ ở các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng lớn như Novaland, Hưng Thịnh Incons hay Xây dựng Hòa Bình. Thời gian qua, họ phải liên tục rao bán tài sản để cải thiện nguồn tiền.

YEG cũng có diễn biến đáng chú ý. Trước khi đóng cửa trên 5,1% so với tham chiếu, mã này khớp lệnh với sắc tím. Khối lượng giao dịch cũng đạt mức cao nhất gần ba tháng qua với hơn 3,35 triệu đơn vị, nằm trong top kỷ lục trong lịch sử giao dịch.

Cổ phiếu của Tập đoàn Yeah1 khởi sắc khi nhà sản xuất này chuẩn bị tổ chức đêm nhạc (concert) cho chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” với quy mô khoảng 20.000 người. Họ cũng chuẩn bị lên sóng “Chị đẹp đạp gió” 2024, vốn là chương trình ăn khách ở mùa trước đó.

Tất Đạt

Cổ phiếu chứng khoán, địa ốc, ngân hàng trở lại đường đua

Sau thời gian dài, ba nhóm hút dòng tiền là chứng khoán, bất động sản và ngân hàng mới dẫn đầu đà tăng trong phiên tích lũy hơn 7 điểm.

Đồ thị VN-Index hôm nay “đánh võng” khi ghi nhận sắc xanh đầu ngày, sau đó giảm liên tục rồi tăng trở lại những phút cuối phiên. Chỉ số này đi trên tham chiếu trong đầu giờ giao dịch với biên độ không quá cao, chủ yếu nhờ một số mã riêng lẻ rải rác ở nhiều ngành. Nổi bật là QCG có lúc chạm giá trần.

Sau 10h, thị trường lùi dần, sắc đỏ kéo dài liên tục sang buổi chiều. Có lúc, chỉ số sàn HoSE giảm gần 8 điểm, thăm dò khu vực 1.270 điểm. Tuy nhiên chứng khoán nhanh chóng phục hồi và lấy lại sắc xanh từ khoảng 14h.

Được tiếp sức thêm sau phiên ATC, VN-Index đóng cửa trên 1.286,5 điểm, tích lũy hơn 7 điểm so với hôm qua và chặn đứng đà giảm ba phiên trước đó. Toàn sàn HoSE có 224 cổ phiếu tăng giá, trong khi ghi nhận khoảng 128 mã giảm.

Sắc xanh cũng đến với rổ VN30 khi chỉ số đại diện tích lũy gần 9 điểm. Sàn HNX và UPCoM có diễn biến tương tự, đóng cửa cao hơn tham chiếu lần lượt gần 2 điểm và 0,4 điểm.

Trong phiên giao dịch, nhà đầu tư nhận thấy sự dẫn dắt ở thanh khoản và hiệu suất của các cổ phiếu ngành chứng khoán, bất động sản và ngân hàng. Diễn biến trên xuất hiện sau suốt thời gian dài, thị trường diễn biến lình xình khi mất đi động lực tăng trưởng từ ba nhóm trụ.

Top 10 cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất cho VN-Index thuộc về ba ngành kể trên. Dẫn đầu là VCB, theo sau còn các mã BID, MBB, STB, ACB, CTG, MSB, PDR, TPB và TCB.

Nhóm chứng khoán ghi nhận sắc xanh rải đều hầu hết bảng điện. Mức tích lũy thị giá quanh 1-2% ở các mã có thanh khoản lớn như HCM, SSI, VCI, VND… Ngành ngân hàng diễn biến tương tự, nhưng hai mã STB và MSB có mức tăng mạnh hơn, lần lượt là 3% và 3,9%.

Riêng bảng điện bất động sản, sắc đỏ đan xen ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Các mã có vốn hóa và thanh khoản lớn đều tăng giá với biên độ cao hơn, quanh 2-6%. Nổi bật có DXG và PDR đồng loạt đạt mức trần.

Thanh khoản toàn sàn HoSE tích cực, với tổng giá trị giao dịch 15.700 tỷ đồng. Khối ngoại có phiên thứ năm liên tiếp bán ròng, trên 400 tỷ đồng.

Tất Đạt

Trái chủ đòi Novaland bổ sung tài sản thế chấp khi cổ phiếu về đáy

Lo cổ phiếu giảm mạnh, chủ sở hữu lô trái phiếu nghìn tỷ không cho Novaland được miễn thế chấp bổ sung hàng chục lô nhà đất tại Aqua City.

Theo nghị quyết vừa công bố, các trái chủ của lô trái phiếu NVLH2123010 từ chối đề xuất của Tập đoàn Novaland (NVL) về việc không phải thế chấp bổ sung các tài sản đảm bảo. Các tài sản thế chấp bổ sung gồm 47 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại Khu đô thị Cù lao Phước Hưng. Đây là những lô đất và nhà ở có diện tích vài chục đến hàng nghìn m2 thuộc dự án Aqua City (Đồng Nai).

Nguyên nhân được các trái chủ đưa ra là giá trị cổ phiếu NVL đang tiếp tục suy giảm. Điều này làm ảnh hưởng đến giá trị tài sản bảo đảm của trái phiếu. Họ đề nghị Novaland hoàn tất thủ tục ký hợp đồng thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm ngay khi đủ điều kiện.

Lô trái phiếu kể trên được phát hành vào tháng 9/2021, trị giá 1.000 tỷ đồng. Ban đầu, thời điểm đáo hạn vào tháng 3/2023 với lãi suất 10,5% một năm, sau đó được thỏa thuận dời sang tháng 3/2025 với mức lãi mới nâng lên 11,5% một năm. Đây là khoản huy động để tăng quy mô vốn hoạt động của Novaland và được đảm bảo bằng cổ phiếu NVL.

Một góc dự án Aqua City (Đồng Nai). Ảnh: NVL

Một góc dự án Aqua City (Đồng Nai). Ảnh: NVL

Thực tế trong thời gian qua, NVL rơi vào nhịp điều chỉnh mạnh và kéo dài. Chốt phiên 16/10, mã này giảm 2,4% về còn 10.200 đồng một đơn vị, gần ngang với mệnh giá. So với đầu năm, cổ phiếu Novaland đã sụt hơn 39% và đang ở vùng giá thấp nhất lịch sử. NVL cũng đang nằm trong danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) trên sàn HoSE.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã soát xét, Novaland lỗ sau thuế hơn 7.327 tỷ đồng, gấp 6,7 lần khoản thâm hụt lợi nhuận cùng kỳ năm trước. Khoản lỗ trên tạo ra chênh lệch rất lớn so với số liệu trong báo cáo tự lập rằng công ty lãi gần 345 tỷ đồng nhờ doanh thu tài chính. Đây cũng là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của chủ đầu tư bất động sản này.

NVL giải thích khoản thâm hụt lợi nhuận trên chủ yếu đến từ yêu cầu trích lập dự phòng của đơn vị kiểm toán PwC, trong đó phần lớn đến từ khoản trích lập cho tiền thuê, sử dụng đất phải nộp tính theo phương án giá đất năm 2017 của dự án Lakeview City (TP Thủ Đức, TP HCM). Công ty cho rằng cơ quan chức năng tính giá đất cho dự án này có sự nhầm lẫn và họ kiến nghị đến UBND TP HCM để xem xét, xử lý. Khoản trích lập dự phòng trên có thể được điều chỉnh và thực hiện hoàn nhập khi đủ điều kiện trong tương lai.

Gần đây, giá cổ phiếu NVL còn chịu ảnh hưởng bởi thông tin bị bà Trương Mỹ Lan đòi 2.500 tỷ đồng bằng tiền mặt để khắc phục hậu quả của vụ án liên quan đến dự án khu công nghiệp và đô thị Việt Phát (Suntec City). Về việc này, Novaland tuyên bố đề nghị của bà Lan “hoàn toàn không có căn cứ”.

Novaland cho biết sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để tạo ra đủ dòng tiền tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Họ đang triển khai thi công các dự án trọng điểm như NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City… Doanh nghiệp này cũng đang tiếp tục tái cấu trúc tài chính, từng bước thực hiện cam kết với khách hàng.

Tất Đạt

Vietcombank là cổ đông lớn thứ hai tại Eximbank

“Ông lớn” quốc doanh Vietcombank hiện là cổ đông lớn thứ hai tại Eximbank, sau Gelex.

Theo danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) công bố đến 10/10, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nắm giữ gần 78,9 triệu cổ phiếu EIB. Mức này tương đương tỷ lệ sở hữu 4,51%.

Thực tế, “ông lớn” quốc doanh Vietcombank đã sở hữu lượng lớn cổ phiếu EIB hơn chục năm nay. Trước năm 2012, nhà băng này nắm hơn 8,19% vốn Eximbank, nhưng sau đó giảm tỷ lệ sở hữu tại nhà băng này xuống 4,5%, theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Giá gốc của 78,9 triệu cổ phiếu EIB mà Vietcombank mua vào là gần 400 tỷ, hiện có thị giá tương đương hơn 1.400 tỷ đồng.

Cổ đông nắm giữ từ 1% vốn Eximbank
Tính đến 10/10/2024
Tỷ lệ sở hữu (%)
GELEX 10
Vietcombank 4,51
Công ty chứng khoán VIX 3,58
Bà Lương Thị Cẩm Tú 1
Bà Lê Thị Mai Loan 1,03

Vài tháng trở lại đây, cơ cấu cổ đông của Eximbank biến động mạnh với sự xuất hiện của Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex. Doanh nghiệp này hiện là cổ đông lớn nhất, với 174,7 triệu cổ phiếu, tương đương sở hữu 10%. Gelex lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách cổ đông của ngân hàng này từ tháng 7 năm nay. Sau đó, doanh nghiệp này tăng tỷ lệ sở hữu từ 4,9% lên 10%.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, CEO Gelex, là một trong số những cổ đông lớn nhất của Gelex. Ông và người nhà cũng từng giữ vị trí lãnh đạo tại Công ty cổ phần chứng khoán VIX – doanh nghiệp đang sở hữu hơn 62,3 triệu cổ phiếu, tương đương 3,58% Eximbank.

Ngoài ra, danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn ngân hàng này còn Công ty cổ phần chứng khoán VIX với hơn 62,3 triệu cổ phiếu, tương đương 3,58%. Hai cá nhân khác là bà Lương Thị Cẩm Tú (Phó chủ tịch Eximbank) và Lê Thị Mai Loan giữ lần lượt 1,12% và trên 1%.

Thị trường mới đây lan truyền văn bản “kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank”, khiến nhà đầu tư xả hàng lượng lớn cổ phiếu EIB phiên 14/10.

Eximbank sau đó khẳng định tài liệu này không xuất phát từ ngân hàng và chưa được xác thực. Dự kiến cuối tháng 11, nhà băng này sẽ tổ chức cuộc họp cổ đông bất thường, nhằm thông qua việc thay đổi trụ sở chính. Đây là lần đầu ngân hàng này họp cổ đông bất thường tại Hà Nội, thay vì tại TP HCM như trước đây.

Với quy mô tài sản hơn 210.000 tỷ đồng, Eximbank báo lãi trước thuế hơn 1.474 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Nhà băng này đặt mục tiêu hết năm nay tổng tài sản lên 223.500 tỷ đồng; huy động vốn thêm 10,5%, đạt 175.000 tỷ. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng trưởng hơn 14%, khoảng 161.000 tỷ đồng, trong khi mục tiêu tỷ lệ nợ xấu giảm về 1,8%.

Quỳnh Trang

Chứng khoán chưa thoát sắc đỏ

VN-Index chốt phiên 16/10 dưới ngưỡng 1.280 điểm khi thanh khoản giảm sâu, các cổ phiếu giằng co trong giai đoạn thiếu vắng thông tin hỗ trợ.

Giai đoạn chờ kết quả kinh doanh quý III thường là thời điểm giằng co của chứng khoán, với tâm lý nhà đầu tư phân hóa. Thị trường mở cửa phiên giữa tuần gần tham chiếu, đi ngang quanh ngưỡng này cho tới trước giờ nghỉ trưa.

Lực mua thận trọng, trong khi bên bán cũng không thoát hàng quyết liệt khiến các cổ phiếu đa phần dao động dưới ngưỡng 1%. Trong VN30, VHM tiếp tục sắc xanh nhờ thông tin mua cổ phiếu quỹ, nhưng phần còn lại của nhóm bất động sản đa số ở dưới tham chiếu. Diễn biến này tương tự với nhóm trụ đỡ khác của thị trường là ngân hàng, chứng khoán.

Sang phiên chiều, thị trường có nhịp biến động mạnh hơn. Áp lực bán tăng lên khiến VN-Index lùi sâu hơn dưới tham chiếu. Tuy nhiên, lực bán nhanh chóng bị hấp thu bởi cầu mua vào ở vùng giá thấp. Chốt phiên, chỉ số của sàn HoSE giảm 1,6 điểm, về dưới ngưỡng 1.280 điểm.

VN30-Index cũng hạ gần 2 điểm (0,15%), xuống 1.354 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index đóng cửa với thay đổi trong biên độ hẹp.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 14.600 tỷ đồng. Trong đó, sàn HoSE chỉ đạt hơn 13.000 tỷ đồng, giảm gần 4.000 tỷ so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 330 tỷ đồng, phiên thứ 4 liên tiếp.

Cuối phiên, sàn HoSE có 153 cổ phiếu tăng giá, so với 209 mã giảm giá.

MWG là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 0,4 điểm khi mã này tăng 1,7%, lên 65.500 đồng. Ngược lại, SSB là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi đóng cửa giảm hơn 4%.

Ngoài SSB, PLX chốt phiên mất hơn 2% thị giá, GAS giảm 1%, MBB, SSI, VRE, FPT, MSN, SHB đóng cửa dưới tham chiếu. Ngược lại, cùng với MWG, SAB, VNM có thêm hơn 1%. Các mã VHM, CTG, VCB, TPB giữ sắc xanh.

Ở nhóm vốn hóa trung bình, các cổ phiếu trong từng nhóm đa phần biến động trong biên độ hẹp, phân hóa. Trong nhóm bất động sản, DXG, SCR tăng, nhưng NLG, PDR, NVL chốt phiên trong sắc đỏ. Nhóm bán lẻ cũng tương tự khi FRT và DGW đóng cửa ở hai trạng thái.

Minh Sơn

Cổ phiếu chứng khoán gây áp lực cho thị trường

VN-Index giảm hơn 5 điểm trước áp lực khá mạnh từ nhóm cổ phiếu chứng khoán khi các mã có thanh khoản lớn như SSI, HCM, VND… đều đỏ sắc.

Khá giống phiên hôm qua, chỉ số đại diện sàn HoSE mở cửa trên tham chiếu rồi nhanh chóng hạ độ cao khi thiếu động lực. Chỉ số này vượt 1.294 điểm sau khoảng một giờ đầu giao dịch, nhưng nhanh chóng mất đà khi thị trường không có nhóm dẫn dắt, thanh khoản yếu. Đến gần giờ nghỉ trưa, chỉ số chứng khoán lùi về quanh khung tham chiếu.

Thị trường tiếp tục lình xình vào đầu giờ chiều. Đến khoảng 14h khi thanh khoản có dấu hiệu tăng, chỉ số của sàn HoSE mới bước vào đà giảm liên tục, có lúc sát dưới 1.280 điểm. Nhìn chung biên độ điều chỉnh không quá sâu, VN-Index chốt ở trên 1.281 điểm, sụt hơn 5 điểm so với phiên đầu tuần.

Nhiều phiên liền, chỉ số này liên tiếp chùn bước trước ngưỡng 1.300 điểm. Trong báo cáo hôm qua, Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng VN-Index đang duy trì trong vùng giá 1.280-1.300 điểm và chịu áp lực điều chỉnh lại vùng hỗ trợ 1.280 điểm. Trong trường hợp tích cực, nếu thị trường vẫn duy trì được xu hướng tăng ngắn hạn, có thể kỳ vọng lên lại kháng cự 1.300 điểm.

“Đây là vùng kháng cự rất mạnh tương ứng đỉnh giá các tháng 6-8/2022 cũng như từ đầu năm đến nay. VN-Index có thể vượt kháng cự mạnh này trong thời gian tới khi có sự đồng thuận tăng trưởng của các nhóm ngành”, nhóm phân tích này nêu quan điểm.

Giao dịch tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Giao dịch tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Ở phiên giao dịch hôm nay, toàn sàn HoSE có 280 cổ phiếu giảm giá, nhiều hơn hẳn so với 105 cổ phiếu tăng. Rổ VN30 có tác động đáng kể tới thị trường khi nhiều mã như VHM, GVR, PLX, VIC dẫn đầu nhóm làm VN-Index mất điểm.

Bên cạnh những mã trụ riêng lẻ nêu trên, chứng khoán – nhóm cổ phiếu có độ nhạy cảm cao trước kỳ vọng của thị trường – gây áp lực lớn cho chỉ số chung. Toàn bộ mã đạt thanh khoản trăm tỷ đều giảm giá như SSI, HCM, VND, VCI và VIX với mức điều chỉnh quanh 1,4-2,3%. Các cổ phiếu vừa và nhỏ thuộc ngành này cũng đi lùi so với tham chiếu.

Tuy nhiên thị trường cũng ghi nhận một số bệ đỡ như BID, VPB hay MWG với mức tăng quanh 1%. Sàn HoSE còn ghi nhận 4 mã tăng trần nhưng thanh khoản nhỏ giọt, nổi bật nhất là QCG. Cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai đã đạt sắc tím hai phiên liên tiếp.

Thanh khoản đi lùi cùng điểm số. Tổng giá trị giao dịch thị trường TP HCM ghi nhận hơn 16.600 tỷ đồng, giảm hơn 1.600 tỷ. Đây đã là phiên thứ 8 liên tiếp, thanh khoản sàn này dưới 20.000 tỷ.

Hôm nay khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 570 tỷ đồng. Tâm điểm xả hàng của họ là KDC và FPT.

Với thị trường Hà Nội, chỉ số HNX-Index tiếp tục giảm gần 2 điểm. Các mã thuộc nhóm chứng khoán, dầu khí và bất động sản ảnh hưởng mạnh tới sàn này. Nổi bật là PVS, SHS, MBS và CEO khi điều chỉnh quanh 1,9-2,6%.

Tất Đạt

Cổ phiếu nhóm Hoàng Huy giảm sâu

Bộ đôi cổ phiếu nhóm Hoàng Huy cùng giảm mạnh, với HHS “trắng bảng bên mua” còn TCH mất hơn 6%, sau phiên 14/10.

Chứng khoán khởi đầu tuần mới ở trạng thái tích cực, khi VN-Index vượt qua 1.295 điểm sau phiên ATO. Đà tăng của VHM là lực đẩy chính, sau thông tin chốt thời gian mua lại cổ phiếu quỹ. Sắc xanh của mã này cũng giúp các cổ phiếu nhóm bất động sản vươn lên.

Tuy nhiên, động lực đầu phiên dần suy yếu theo thời gian giao dịch. Đà tăng của các nhóm vốn hóa lớn, mid-cap đối mặt với áp lực chốt lời mạnh dần. Một số nhóm bị bán tháo, như bộ đôi HHS – TCH nhóm Hoàng Huy, EIB của Eximbank.

HHS, TCH giảm kịch sàn ngay từ đầu phiên. Bộ đôi này hút lực cầu bắt đáy vào cuối giờ sáng, song vẫn bị bán ép về giá sàn khi đóng cửa. Tương tự, áp lực bán tăng mạnh khiến EIB chốt phiên giảm hơn 4%, dù đầu giờ mở cửa trong sắc xanh.

Cổ phiếu HHS giảm kịch sàn sau phiên 14/10, còn TCH mất hơn 6%. Ảnh: Minh Sơn

Cổ phiếu HHS giảm kịch sàn sau phiên 14/10, còn TCH mất hơn 6%. Ảnh: Minh Sơn

Sắc xanh dần thu hẹp trên toàn thị trường khiến chỉ số chính đi lùi. Đến cuối giờ sáng, VN-Index về lại gần vạch xuất phát.

Chỉ số có nhịp bật lên trong nửa đầu phiên chiều nhưng không duy trì được lâu. VN-Index chốt phiên tại 1.286,34 điểm, giảm hơn 2 điểm (0,16%) so với tham chiếu. VN30-Index mất gần 4 điểm (0,27%), còn 1.358 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng đóng cửa dưới tham chiếu.

Thanh khoản toàn thị trường đạt gần 19.600 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 18.200 tỷ, tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với phiên cuối tuần trước. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 600 tỷ, cao nhất ba tuần.

Cuối phiên, sàn HoSE có 146 cổ phiếu tăng giá, so với 222 mã giảm. Dòng tiền của nhà đầu tư tập trung vào ba nhóm ngành chính là ngân hàng, bất động sản và dịch vụ tài chính.

VHM là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 1,8 điểm khi mã này tăng hơn 4%, lên 45.350 đồng. Ngược lại, FPT là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất, giảm 1,4%, xuống 137.600 đồng.

Trong nhóm bluechip, ngoài VHM, GVR tăng trên 2%, POW, MBB có thêm hơn 1%, VIC, VRE, SSI, STB chốt phiên trên tham chiếu. Ngược lại, các mã nhóm ngân hàng, bán lẻ, hàng tiêu dùng chịu áp lực điều chỉnh.

Ở nhóm vốn hóa trung bình, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo. Đà tăng chỉ duy trì ở một số mã nhóm xây dựng, thủy sản, chăn nuôi.

Minh Sơn

Tại sao VN-Index gần hai thập kỷ ‘giậm chân tại chỗ’?

Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân quá cao, câu chuyện nâng hạng dang dở, thiếu “hàng hóa” chất lượng, là những lý do chính khiến VN-Index “đi ngang” gần hai thập kỷ.

Sau khi chạm đáy kể từ khủng hoảng tài chính 2008-2009, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều tăng bằng lần, kể cả khi so với trước khủng hoảng. Down Jones tăng từ 7.700 điểm lên mức đỉnh hiện tại hơn 42.400 điểm, mức này gấp hơn ba lần so với trước khủng hoảng tài chính. S&P 500 vọt lên 5.700 điểm so với vùng hơn 1.000 điểm vào đầu năm 2009.

Tại các thị trường chứng khoán châu Á, mức tăng không ở ngưỡng hai con số thì cũng tính bằng số lần. Nikkei 225 của Nhật Bản chạm đáy 7.400 điểm vào tháng 2/2019, hiện đạt hơn 39.600 điểm. Con số này cũng cao hơn gấp đôi so trước khủng hoảng (17.400 điểm). Kospi của Hàn Quốc tăng từ 1.100 lên hơn 2.600 điểm. SET Index của thị trường Thái Lan ra khỏi khủng hoảng tài chính 2008 với mức hơn 440 điểm, hiện đạt hơn 1.400 điểm.

Việt Nam, thị trường thường được khối ngoại đánh giá là hấp dẫn hàng đầu khu vực, gần hai thập kỷ đi ngang. Nếu so với mức đáy sau khủng hoảng kinh tế, chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận sự phục hồi. Nhưng nếu so với chính mức đỉnh trước đó, VN-Index gần như “giậm chân tại chỗ”. Chỉ số của sàn HoSE trở lại mức trước khủng hoảng vào năm 2021, sau hơn một thập kỷ, vươn lên trên 1.500 điểm rồi điều chỉnh. Hiện tại, VN-Index vẫn loanh quang khu vực 1.200 – 1.300 điểm, không chênh quá nhiều so với mức trước khủng hoảng kinh tế.

Tại sao chứng khoán Việt Nam chững lại gần hai thập kỷ? “Lý do đầu tiên là thị trường chứng khoán Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nhà đầu tư cá nhân”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta nói với VnExpress.

Theo chuyên gia này, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân cao có thể xem là một đặc thù của thị trường Việt Nam, chiếm gần 90% giao dịch hàng ngày. Một đặc điểm của nhóm này đầu tư theo đám đông, bị chi phối về tâm lý, dẫn tới việc tham gia và rút lui với tốc độ nhanh.

2021, khi VN-Index đạt kỷ lục hơn 1.500 điểm, nhóm nhà đầu tư F0 (những nhà đầu tư lần đầu tham gia thị trường) chiếm tỷ trọng cao. Lượng tài khoản chứng khoán mở mới liên tục lập đỉnh, từ bà bán rau tới những người làm việc văn phòng đều nói về câu chuyện chứng khoán. Nhưng một năm sau đó, VN-Index giảm sâu với nhiều phiên “trắng bảng bên mua” khi thị trường hứng chịu đà bán tháo ồ ạt. Những F0 tham gia trước đó một năm chỉ số ít trụ lại.

“Việc phụ thuộc quá nhiều nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ dẫn đến mức độ biến động thị trường cao. Lúc thị trường FOMO thì thanh khoản rất cao nhưng khi đám đông chán nản, rời bỏ thị trường, thanh khoản gần như mất hút. Thị trường thiếu động lực bền vững để duy trì”, Giám đốc phân tích Yuanta nhận xét.

Nguyên nhân thứ hai là câu chuyện của khối ngoại. Theo ông Nguyễn Duy Anh – Trưởng phòng Quản lý danh mục đầu tư Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), áp lực bán ròng từ khối ngoại cũng là một yếu tố quan trọng khiến VN-Index chưa thể thoát khỏi vùng giá đi ngang quanh 1.200-1.300 điểm. Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 3 tỷ USD.

“Việc này không chỉ tác động trực tiếp đến giá cổ phiếu mà còn gây ảnh hưởng đến tâm lý chung của thị trường, khi dòng tiền từ nhà đầu tư ngoại – vốn được coi là yếu tố hỗ trợ thanh khoản và tăng trưởng bền vững – chưa quay trở lại mạnh mẽ”, ông Duy Anh nhận xét.

Việc khối ngoại “đánh nhanh, rút gọn” tại thị trường Việt Nam, theo ông Thế Minh, do các yếu tố của thị trường không không đủ hấp dẫn.

Định vị ở nhóm cận biên khiến Việt Nam chỉ xếp ở nhóm thị trường đầu cơ, theo Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta. Khối ngoại sẽ không thể đặt kỳ vọng dài hạn, đầu tư ổn định vào một thị trường xếp ở nhóm này. Trong khi đó, cấu trúc thị trường, loại hàng hóa cũng không đủ phong phú để giữ chân các quỹ đầu tư lớn. Đặc biệt là sự thiếu vắng sự đa dạng cổ phiếu bluechip và các loại sản phẩm tài chính.

Như thị trường Thái Lan, quy mô số lượng cổ phiếu của họ chỉ bằng 1/3 Việt Nam, nhưng vốn hóa gấp khoảng 6 lần. Tức, số lượng mã cổ phiếu vốn hóa lớn của Thái Lan gấp nhiều lần Việt Nam.

“Nhóm bluechip hiện tại trên thị trường chứng khoán Việt Nam áp đảo bởi cổ phiếu ngân hàng, thiếu đi sự xuất hiện của những ngành khác. Đó thực sự là một vấn đề”, ông Minh nhận xét. Như giai đoạn đầu năm nay, khi cơn sốt cổ phiếu công nghệ lan rộng trên toàn cầu, lực đẩy cho các thị trường lớn phần lớn dựa vào nhóm này, nhưng trên thị trường Việt Nam, nhóm VN30 chỉ có duy nhất FPT là cổ phiếu công nghệ. “Thiếu những doanh nghiệp bluechip ở nhóm phi tài chính là nguyên nhân Việt Nam đứng ngoài cơn sóng của thị trường tài chính đầu năm nay”.

Ông Huỳnh Hoàng Phương, chuyên gia phân tích thị trường, cũng nêu quan điểm tương tự. Thị trường hiện tại được chi phối chủ yếu ở hai nhóm ngân hàng và bất động sản – chiếm khoảng một nửa vốn hóa thị trường.

“Thị trường có thể được định giá cao hơn hay không (tức có tăng trưởng không) phụ thuộc nhiều vào việc giảm rủi ro ở hai nhóm cổ phiếu này. Nếu kết quả kinh doanh quý III sắp được công bố cho ra bức tranh tích cực, VN-Index có nhiều khả năng tăng trưởng”, ông Phương nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, thiếu các sản phẩm tài chính cũng là nguyên nhân cùng với câu chuyện “hàng hóa” của thị trường. Các sản phẩm phái sinh cho tới hiện nay trên thị trường chứng khoán mới chỉ có hợp đồng tương lai VN30 và các sản phẩm chứng quyền. Những công cụ mang tính phòng ngừa rủi ro như “bán khống” vẫn chưa được áp dụng.

Minh Sơn – Tất Đạt

Cổ phiếu VHM giúp chứng khoán giữ sắc xanh

Chứng khoán đi dưới tham chiếu trong buổi chiều, nhưng kịp lấy lại sắc xanh những phút cuối phiên nhờ bệ đỡ từ VHM.

VN-Index mở cửa khá tích cực nhưng biên độ tăng không quá cao, chỉ quanh 2-3 điểm so với tham chiếu. Trong buổi sáng, cổ phiếu bất động sản là động lực chính. Tuy nhiên, thị trường kém sôi động khi thanh khoản cả buổi chỉ đạt hơn 5.350 tỷ đồng.

Trước khi nghỉ trưa, chỉ số đại diện sàn HoSE chịu áp lực từ bên bán và lùi về dưới tham chiếu. Sắc đỏ kéo dài sang buổi chiều khi nhiều cổ phiếu bluechip dần đổi màu. Nhưng nhờ thanh khoản thấp, chỉ số này giảm không quá sâu, chỉ quanh 1-3 điểm.

Trước khi bước vào phiên ATC, thị trường có dấu hiệu cải thiện. Trong những phút cuối phiên, sắc xanh trở lại. VN-Index đóng cửa ở trên 1.288 điểm, tăng hơn 2 điểm so với hôm qua. Chứng khoán khép lại một tuần với bốn phiên tích lũy liên tiếp.

Toàn sàn HoSE có 195 cổ phiếu tăng giá, trong khi vẫn ghi nhận 160 cổ phiếu giảm. Điều này cho thấy sự đồng thuận kém trên thị trường và VN-Index tăng chủ yếu nhờ các mã riêng lẻ.

Theo tính toán của VNDirect, VHM là cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho chứng khoán hôm nay. Mã này tăng 3,4% lên 43.600 đồng một đơn vị với thanh khoản cao nhất thị trường, đạt gần 678 tỷ đồng. Đáng chú ý, VHM là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất hôm nay và gần như được nhóm trong nước hấp thụ hết.

Nhà đầu tư đang theo dõi diễn biến cổ phiếu VHM phiên 11/10. Ảnh: Tất Đạt

Nhà đầu tư đang theo dõi diễn biến cổ phiếu VHM phiên 11/10. Ảnh: Tất Đạt

Cổ phiếu Vinhomes có diễn biến tích cực sau dự báo của các công ty chứng khoán về kết quả kinh doanh phục hồi mạnh trong tương lai. Trong đó, hai dự án chiến lược ở Cổ Loa và Đan Phượng (Hà Nội) được nhiều bên đánh giá cao. Ngoài ra, Vinhomes cũng công bố mua lại 370 triệu cổ phiếu để bảo vệ lợi ích cổ đông – thương vụ mua cổ phiếu quỹ lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Thời gian qua, khối ngoại cũng tích cực gom hàng VHM.

Bên cạnh đó, chỉ số chung còn được đóng góp bởi các mã MSN, VJC, VIC, VRE.

Thị trường cải thiện nhưng thanh khoản lại đi lùi. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE giảm hơn 5.200 tỷ về quanh 13.200 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đảo chiều bán ròng gần 320 tỷ.

Ở thị trường Hà Nội, HNX-Index có diễn biến khá tương tự VN-Index. Chỉ số sàn này chốt phiên không xê xích quá nhiều khi chỉ tăng 0,08 điểm. Một số mã thuộc nhóm chứng khoán, bất động sản là bệ đỡ chính như MBS và CEO.

Tất Đạt