Trần Vũ Minh, con trai Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, sẽ mua thỏa thuận hơn 40 triệu cổ phiếu HPG, trị giá gần 1.000 tỷ đồng, từ bố và mẹ.
Hôm nay, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đăng ký bán hơn 16,3 triệu cổ phiếu HPG theo phương thức thỏa thuận cho con trai Trần Vũ Minh trong tháng 11. Sau giao dịch, ông Long dự kiến còn sở hữu 1,5 tỷ cổ phiếu HPG, tương ứng tỷ lệ 25,8%.
Cùng ngày, bà Vũ Thị Hiền – vợ Chủ tịch Hòa Phát – cũng đăng ký bán thỏa thuận cho con trai hơn 26,5 triệu cổ phiếu HPG. Nếu giao dịch thành công, vợ ông Long dự kiến còn nắm 400 triệu cổ phiếu Hòa Phát, tương ứng tỷ lệ 6,88%.
Như vậy, tổng khối lượng cổ phiếu vợ chồng Chủ tịch Hòa Phát dự kiến sang tay cho con trai khoảng 42,8 triệu đơn vị. Tính theo giá chốt phiên hôm nay, hai giao dịch này có trị giá gần 1.000 tỷ đồng. Nếu mua hết lượng cổ phiếu đã đăng ký, con trai ông Long sẽ sở hữu gần 150 triệu cổ phiếu Hòa Phát.
Thời gian qua, các lãnh đạo Hòa Phát cũng nhiều lần chuyển cổ phiếu cho con. Hồi tháng 2, ông Hoàng Quang Việt, thành viên HĐQT Hòa Phát sang tay 2 triệu cổ phiếu HPG cho hai con Hoàng Nhật Anh và Hoàng Nhật Minh. Trước đó hơn nửa năm, một thành viên HĐQT khác là ông Nguyễn Ngọc Quang cũng sang tay 5 triệu cổ phiếu cho con gái. Năm 2021, hai Phó chủ tịch Hòa Phát Trần Tuấn Dương và Nguyễn Mạnh Tuấn chuyển nhượng hàng chục triệu cổ phần cho các con.
Theo kết quả kinh doanh vừa công bố, Hòa Phát đạt doanh thu 28.766 tỷ đồng trong quý III, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của công ty khoảng 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với cùng kỳ và 38% so với quý II.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận doanh thu hơn 85.400 tỷ đồng, lãi sau thuế 3.830 tỷ đồng – đạt 48% kế hoạch cả năm.
Công ty này cho biết mặt bằng giá nguyên liệu quý III ở mức ổn định, trong khi sản lượng cải thiện dần qua từng quý. Riêng quý III, doanh số bán các sản phẩm thép tăng lần lượt 12% và 24% so với hai quý trước đó. Đồng thời, việc duy trì hàng tồn kho thấp cũng giúp biên lãi của Hòa Phát cải thiện.
Chứng khoán vừa trải qua một phiên biến động mạnh, Vn-Index giảm 46 điểm, rơi xuống sát 1.055 điểm, khi hàng loạt cổ phiếu nằm sàn.
Sau phiên ATO, VN-Index rớt một mạch xuống vùng 1.070 điểm, giảm 30 điểm chỉ trong vài phút. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên giảm giá với sắc đỏ chiếm 90% lượng cổ phiếu trên sàn HoSE. Toàn bộ 30 mã bluechip đều giao dịch dưới tham chiếu. Trong phiên sáng, có lúc chỉ số đại diện sàn này mất gần 50 điểm. Áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng khiến VN-Index đi ngang ở vùng giá thấp.
Sau giờ nghỉ trưa, chỉ số có sự cải thiện nhờ diễn biến của nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường nhanh chóng xấu đi khi hàng chục cổ phiếu bất động sản và chứng khoán nằm sàn. Đến khoảng 14h20, chỉ số này rơi về dưới 1.050 điểm, mất 52 điểm so với tham chiếu.
Chốt phiên, VN-Index đóng cửa ở 1.055,45 điểm, đi lùi hơn 46 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 18/8 – phiên giao dịch kích hoạt giai đoạn điều chỉnh của chứng khoán cho đến nay. Thị trường đang ở vùng giá thấp nhất kể từ tháng 5 – thời kỳ đầu của đợt uptrend.
Toàn sàn HoSE có 505 cổ phiếu giảm, chiếm 90%. Riêng các mã nằm sàn, thị trường ghi nhận tới 114 đơn vị, trong đó có nhiều mã lớn như VIC, VHM, VND, VIX, GEX, PDR, NVL, MSN…
Cổ phiếu chứng khoán, dầu khí, hóa chất và bất động sản lần lượt là những nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index. Trong đó, VHM là mã góp mức giảm nhiều nhất cho thị trường, theo sau là VIC, GAS, HPG, VCB và MSN.
Ngược chiều với điểm số, thanh khoản hôm nay tăng mạnh, đạt hơn 23.200 tỷ đồng. Mức này vượt hơn gấp đôi so với phiên trước và cao nhất trong một tháng qua.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua hơn 1.600 tỷ đồng và bán hơn 1.700 tỷ đồng. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp nhóm này bán ròng với biên độ chênh lệnh hơn 100 tỷ đồng. Ngoài VHM, họ xả hàng nhiều ở các mã SSI, VIC, MSN, VIX.
Hiệu ứng tâm lý khiến thị trường giảm mạnh
Nhận xét về thị trường hôm nay, trưởng phòng tư vấn đầu tư một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho biết, áp lực bán ra tăng vọt ngay phiên ATO ép các cổ phiếu trụ giảm sàn đã khiến tâm lý nhà đầu tư bị tác động mạnh. Khi thấy vùng giá đi ngang bị phá vỡ theo hướng tiêu cực, nhiều người đã chọn cắt lỗ.
“Thị trường ở trạng thái giằng co nhiều phiên gần đây, với tâm lý thận trọng quan sát là chủ yếu. Chính diễn biến bất ngờ ngay đầu phiên hôm nay khiến nhiều nhà đầu tư quyết định bán ra toàn bộ, chờ diễn biến mới”, chuyên gia này nói. Theo ông, việc VN-Index lùi về dưới ngưỡng 1.080 điểm đang khiến xu hướng thị trường xấu đi đáng kể. Chỉ số của sàn HoSE có thể tìm về ngưỡng hỗ trợ tiếp theo ở vùng thấp hơn.
Trong khi đó, ông Huỳnh Hoàng Phương – Giám đốc khối Nghiên cứu và phân tích đầu tư tại FIDT, cho rằng có hai lý do khiến thị trường giảm mạnh sáng nay.
Đầu tiên là do tâm lý thị trường đang yếu, dễ bị tác động bởi yếu tố tin tức. Sáng nay thông tin Vingroup sắp phát hành trái phiếu chuyển đổi không được thị trường đánh giá tích cực, đặc biệt là khối ngoại. Lực bán mạnh cổ phiếu “họ Vin” trong phiên ATO chủ yếu từ khối ngoại đã kích hoạt tâm lý lo ngại lan rộng trên thị trường.
Thứ hai là các thị trường châu Á đều giảm mạnh trong sáng nay, sau thông tin về lợi nhuận các cổ phiếu công nghệ Mỹ không được như kỳ vọng. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ (bond yield) tăng trở lại cũng khiến tâm lý lo ngại với chứng khoán các thị trường mới nổi (EM).
Chiều nay, Tập đoàn Vingroup cho biết vừa hoàn thành giao dịch chào bán 250 triệu USD trái phiếu quốc tế vào tối 25/10. Trái phiếu này có thể hoán đổi thành cổ phiếu Vinhomes do Vingroup sở hữu, đáo hạn vào năm 2028. Đây là trái phiếu hoán đổi trên thị trường quốc tế đầu tiên của một doanh nghiệp Việt Nam trong năm nay.
Tuy nhiên, sáng nay, một số nhà đầu tư quốc tế tham gia vào giao dịch trên đã bán cổ phần Vinhomes như một biện pháp phòng vệ rủi ro (thực hiện hedging) để hoàn tất giao dịch đầu tư vào trái phiếu. Việc hedging này thực hiện giữa các nhà đầu tư với số lượng hạn chế và theo Vingroup chỉ ảnh hưởng đến thị trường trong ngắn hạn.
Theo ông Đỗ Tiến Duy – chuyên gia phân tích Chứng khoán VISC, phiên giảm điểm hôm nay chỉ mang tính chất ngắn hạn. Tuy nhiên khi thị trường đang trên đà đi xuống, việc có thêm những tin tiêu cực trong thời gian tới có thể kích hoạt dòng tiền bán tháo tương tự hôm nay.
Gần đây, VN-Index biến động mạnh trong các phiên ATO và ATC. Chuyên gia này cho rằng đây là biểu hiện khó lường, nên nhà đầu tư cần lên kế hoạch trước khi giao dịch.
Ông khuyên mỗi người cần xác định xu hướng của thị trường để có thể đưa ra phương pháp, định hướng phù hợp trong từng giai đoạn. Nhà đầu tư cũng nên đặt ra mức giá chốt lời và cắt lỗ rõ ràng, đồng thời duy trì tâm lý ổn định, không đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc và luôn quản lý rủi ro hợp lý.
Gần 120 triệu cổ phiếu của công ty chuyên mảng nông nghiệp, hàng tiêu dùng và bán lẻ thuộc Nova Group đã được chấp thuận giao dịch với mã NCG.
Theo quyết định mới đây của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty cổ phần Tập đoàn Nova Consumer được đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM. Tổng số lượng chứng khoán khoảng 119,8 triệu cổ phiếu NCG, tương đương gần 1.198 tỷ đồng.
Đại diện công ty cho biết hiện tại quá trình niêm yết chỉ ở mức cấp phép, nên chưa có thông tin về ngày chính thức lên sàn và giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên.
Trên thị trường hiện nay, nhà đầu tư giao dịch nhiều nhất trên sàn HoSE và HNX. Trong đó, HoSE có quy mô vốn hóa và khối lượng giao dịch lớn nhất, đi kèm quy định niêm yết nghiêm ngặt, gồm việc doanh nghiệp phải có lãi hai năm liền trước. Còn UPCoM thường tập hợp cổ phiếu của các doanh nghiệp chưa đăng ký hoặc chưa có đủ điều kiện để niêm yết trên HoSE hoặc HNX.
Nova Consumer là thành viên của Nova Group, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trước khi mở rộng dần sang hàng tiêu cùng, bán lẻ. NCG lần đầu chào bán ra công chúng (IPO) vào tháng 3/2022 với giá 44.000 đồng một cổ phần. Theo ban lãnh đạo công ty, đây là mức giá hấp dẫn và có tiềm năng tăng trưởng tốt bởi chỉ số P/E khoảng 15-16 lần, thấp hơn mức bình quân gần 19 lần của các doanh nghiệp cùng ngành. Nova Consumer khi đó kỳ vọng cổ phiếu có thể niêm yết trên sàn HoSE vào cuối tháng 4 hoặc muộn nhất là tháng 5/2023.
Tuy nhiên đến cuối năm ngoái, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM dừng xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết NCG vì chưa đáp ứng yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung tài liệu. Giải thích trong phiên họp thường niên, lãnh đạo công ty nói 2022 là năm thị trường chứng khoán không thuận lợi, HoSE sắp xếp lại tổ chức nên quá trình thẩm định hồ sơ bị chậm trễ.
Thay vào đó, Nova Consumer chọn đưa cổ phiếu lên UPCoM. Lý do được đưa ra là để tạo sự linh động trong thực việc giao dịch cổ phiếu và đảm bảo tối đa quyền lợi của cổ đông.
Về tình hình kinh doanh, công ty lần đầu báo lỗ vào quý I và tiếp diễn trong quý II. Tính chung nửa đầu năm, NCG ghi nhận doanh thu 2.140 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí tài chính đội lên gấp đôi khiến lợi nhuận sau thuế âm 31 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 185 tỷ đồng.
Năm nay, Nova Consumer đặt mục tiêu đạt 5.629 tỷ đồng doanh thu, tăng 15%. Tuy nhiên, lợi nhuận đề ra giảm gần 94%, về gần 17 tỷ đồng.
VN-Index đi dưới tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch trước khi được kéo lên vào cuối phiên và đóng cửa hôm nay tăng hơn 5 điểm.
Sau phiên rớt giá mạnh nhất hai tháng vào hôm qua, các công ty chứng khoán đều dự đoán VN-Index tiếp tục giảm. Tuy nhiên diễn biến thị trường hôm nay cho thấy 1.040 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ có thể tạm thời chặn đà giảm.
Sáng nay, chỉ số đại diện sàn HoSE mở cửa trong sắc xanh rồi chủ yếu đi dưới tham chiếu. Có thời điểm, chỉ số này tiệm cận 1.045 điểm nhưng có sự cải thiện ngay sau đó. Độ rộng thị trường vẫn nghiêng về bên giảm giá nhưng được thu hẹp về dưới 50%. Với các ngành dẫn dắt thanh khoản, bất động sản còn diễn biến tiêu cực trong khi nhóm chứng khoán và ngân hàng đã có sự cải thiện.
Sang buổi chiều, sắc đỏ tiếp tục duy trì. Khoảng 13h45, VN-Index về sát 1.038 điểm nhưng nhanh chóng tăng lên vượt tham chiếu. Sau hồi rung lắc, chỉ số này đóng cửa ở 1.060,6 điểm với đà hồi phục khả quan của nhóm bluechip.
Nhìn chung thị trường hôm nay cải thiện hơn khi toàn sàn HoSE có 309 cổ phiếu tăng, cao gần gấp đôi so với 165 cổ phiếu giảm. Sàn này có 10 cổ phiếu tăng hết biên độ với 3 mã đạt thanh khoản trăm tỷ. Số mã giảm sàn rút về 4 đơn vị, đa số là những cổ phiếu giao dịch lẻ tẻ.
Tính theo từng ngành, bất động sản là nhóm có diễn biến tiêu cực nhất. VHM tiếp tục là mã góp mức giảm nhiều nhất thị trường khi có thanh khoản cao nhất (717 tỷ đồng). Hôm nay mã này nhiều lúc nằm sàn trước khi đóng cửa sụt 6,2%. Cùng “họ Vin”, VRE giảm hết biên độ. VIC khả quan nhất nhóm này khi thị giá về mức tham chiếu.
Tuy nhiên nhìn chung, bảng điện nhóm bất động sản lại ghi nhận nhiều sắc xanh. Các mã có thanh khoản tốt như NVL, PDR, NLG, HDC cùng tăng trên 3%. Đặc biệt, cổ phiếu DIG, DXG và CEO chốt phiên với giá trần.
Nhóm chứng khoán và ngân hàng có diễn biến tích cực hơn hẳn. Các mã nằm sàn hôm qua như SSI, SHS, VCI, HCM đã đảo chiều tăng trên 2%. Mức tích lũy tương tự cũng phổ biến ở các cổ phiếu ngân hàng. Riêng LPB hôm nay tăng kịch trần.
Thị trường tích cực hơn nhưng nhà đầu tư vẫn chọn đứng ngoài theo dõi. Thanh khoản đến hết buổi sáng chỉ đạt gần 4.700 tỷ đồng, chỉ tương đương 35% so với cùng kỳ hôm qua. Giá trị giao dịch sàn HoSE có sự cải thiện hơn trong buổi chiều nhưng tổng cộng cả phiên chỉ đạt 13.700 tỷ đồng, thấp hơn 41% so với phiên trước.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng ngày thứ 4 liên tiếp với hơn 347 tỷ đồng. VHM dẫn đầu top bán ròng, theo sau là VRE, MSN, VIC và CTG.
Sau giờ nghỉ trưa, các mã như DIG, NVL, KBC, HQC… nhiều lúc giằng co quanh giá sàn. Tính chung nhóm bất động sản có 8 cổ phiếu giảm hết biên độ. Ngoài nhóm này, các ngành ảnh hưởng nhiều nhất đến VN-Index là chứng khoán, dầu khí và hóa chất. Tình trạng nằm sàn lan ra các cổ phiếu có thanh khoản lớn của nhiều nhóm ngành như VCI, VIX, PVT, DBC, ANV, GIL, PSH…
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu ngân hàng có sự cải thiện. Ngành này không có mã giảm sàn, đa số cổ phiếu đều đi ngang hoặc nhích nhẹ so với cuối buổi sáng. Một số mã như VCB, LPB, BID có lúc ghi nhận lệnh đặt mua với giá trên tham chiếu.
Nhờ đó, VN-Index tăng nhẹ lên gần 1.063 điểm vào lúc 13h30, cải thiện khoảng 6 điểm so với trước giờ nghỉ trưa. Tuy nhiên vẫn có hơn 90% cổ phiếu trên sàn HoSE giảm giá. Tương tự, VN30-Index cũng tích lũy thêm 7 điểm.
Về thanh khoản, nhà đầu tư đặt lệnh dồn dập ngay những phút đầu phiên chiều, sau đó hạ bớt. Thanh khoản tính đến 13h30 đạt khoảng 15.600 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ hôm trước.
Sau phiên ATO, VN-Index giảm một mạch xuống vùng 1.070 điểm, mất 30 điểm chỉ trong vài phút. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên giảm giá với sắc đỏ chiếm 90% lượng cổ phiếu trên sàn HoSE. Đến 9h40, chỉ số đại diện sàn này về dưới 1.060 điểm, có lúc mất gần 50 điểm.
Các mã “họ Vin” có diễn biến tiêu cực nhất. Chỉ trong vài phút, VHM nằm sàn với hơn 28,5 triệu cổ phiếu dư bán tính đến 9h30, “trắng bảng bên mua”. VIC cũng được đặt lệnh bán dồn dập và nhiều lúc rơi về giá sàn. VRE là mã giảm chậm hơn nhưng cũng đi lùi hơn 5% so với tham chiếu.
Theo VNDirect, mã chứng khoán của Vinhomes góp mức giảm nhiều nhất cho thị trường, theo sau là cổ phiếu của Vingroup. Ngoài ra, các mã VCB, GAS, CTG, VNM cũng nằm trong nhóm ảnh hưởng đến thị trường nhiều nhất.
Tính theo từng nhóm ngành, bất động sản là nhóm có diễn biến tiêu cực nhất. Ngoài các mã “họ Vin”, ngành này còn có DIG, DXG, CEO, PDR, NVL, KBC cùng giảm thị giá trên 4%. Gần như không xuất hiện sắc xanh trên bảng điện.
Cổ phiếu chứng khoán cũng sụt giá không kém. Các mã như SSI, SHS, VND, VCI, FTS cùng đi lùi trên 4% so với tham chiếu. Một số mã có lúc kiểm tra giá sàn.
Kết quả kinh doanh quý III thấp hơn dự báo khiến nhiều mã cổ phiếu phân bón lùi sâu, VN-Index cũng chốt phiên trong sắc đỏ khi dòng tiền vẫn thận trọng quan sát.
Thị trường đang bước vào giai đoạn xu hướng không rõ ràng, cả bên mua và bên bán đều chọn cách đứng ngoài.
VN-Index mở phiên hôm nay trên tham chiếu, nhưng biên độ tăng chỉ quanh mức vài điểm. Sắc xanh của chỉ số chủ yếu do hai mã bluechip là VIC và VHM, trong khi phần còn lại chỉ giằng co trong biên độ hẹp. Chỉ số của HoSE giữ trên ngưỡng 1.110 điểm cho tới gần cuối phiên sáng trước khi thu hẹp dần.
Sang phiên chiều, thị trường lùi dần về sắc đỏ. Áp lực bán ra chiếm ưu thế hơn, đặc biệt ở nhóm dầu khí, phân bón và ngân hàng, khiến VN-Index giảm dần. Thị trường có nhịp bật nhẹ sau 14h nhưng không đủ để đảo chiều xu hướng.
Chốt phiên, chỉ số của sàn HoSE đóng cửa tại 1.101,66 điểm, giảm hơn 4 điểm (0,38%). VN30-Index giảm với biên độ tương đương xuống 1.113,32 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm gần 1%, còn UPCOM-Index khép phiên sát tham chiếu.
Cuối phiên, sàn HoSE có 190 cổ phiếu tăng giá so với 274 cổ phiếu giảm giá. Trong nhóm VN30, 20/30 mã bluechip đóng cửa trong sắc đỏ.
VIC và VHM là hai mã đóng góp tích cực nhất cho chỉ số. Cuối phiên, VIC tăng gần 3%, trong khi VHM cũng có thêm 0,7%. Ngoài hai mã này, MWG cũng giao dịch tích cực khi tăng 1,2%, SSB, BVH, HPG, SAB đóng cửa trên tham chiếu.
Ngược lại, nhóm ngân hàng, bán lẻ, hàng tiêu dùng chịu áp lực. VNM, CTG chốt phiên giảm gần 2%, STB, MSN, BID, VIB, FPT, BCM giảm hơn 1%.
Trong nhóm vốn hóa trung bình, sắc đỏ chiếm áp đảo ở nhóm dầu khí và phân bón. Cổ phiếu DCM giảm tiếp hơn 5,5%, sau khi đã giảm hơn 3% phiên hôm qua. Tính chung ba phiên gần nhất, mã này đã mất hơn 10% thị giá sau khi công bố kết quả kinh doanh quý III thấp hơn dự báo. Ngoài DCM, BFC và DPM cũng chốt phiên hôm nay giảm hơn 3%.
Với nhóm dầu khí, áp lực bán ra tăng nhanh khi giá dầu có xu hướng hạ nhiệt. BSR, PVD, PVS, PLX, PVB cùng chốt phiên trong sắc đỏ.
Thanh khoản toàn thị trường vẫn ở mức thấp, chỉ đạt hơn 13.200 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản sàn HoSE ghi nhận hơn 11.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên hôm qua. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng hơn 550 tỷ đồng cao nhất, cao nhất trong hơn một tuần.
Cổ phiếu VNZ vừa bị HNX hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán, lần thứ hai kể từ khi cổ phiếu này giao dịch trên thị trường UPCoM.
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố quyết định cổ phiếu VNZ của Công ty cổ phần VNG vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày mai, 25/10.
Quyết định này do VNG chậm nộp báo cáo tài chính bán niên năm 2023 đã được soát xét quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải công bố thông tin theo quy định. Theo đó, cổ phiếu VNZ trên thị trường UPCoM chỉ được giao dịch vào phiên thứ sáu hàng tuần.
Quyết định của HNX hôm nay là lần thứ hai cổ phiếu VNZ bị hạn chế giao dịch. Trước đó, từ ngày 25/5 đến 5/6, cổ phiếu VNZ cũng rơi vào trạng thái tương tự do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.
Cổ phiếu VNZ từng là tâm điểm chú ý khi liên tiếp tăng trần sau khi lên giao dịch trên thị trường UPCoM, thuộc Sở HNX. Có thời điểm, thị giá cổ phiếu của VNG tăng lên hơn 1,3 triệu đồng. Sau nhịp giảm vào tháng 9, hiện thị giá cổ phiếu VNZ giao dịch quanh ngưỡng 800.000 đồng.
Mới đây, kỳ lân công nghệ của Việt Nam cũng hoãn kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng trên sàn Nasdaq do điều kiện thị trường không thuận lợi. Theo Reuters, kế hoạch IPO của VNG có thể bị hoãn cho đến năm sau do điều kiện thị trường không ổn định. Trước đó, nguồn tin cho biết việc IPO của VNG có thể thực hiện trong tháng 9 hoặc đầu tháng 10.
Thanh khoản hôm nay giảm về sát 10.400 tỷ đồng, thấp nhất từ đầu tháng 5 đến nay, trong khi VN-Index đảo chiều tăng hơn 12 điểm.
Sau phiên đi lùi và tuột mốc 1.100 điểm vào hôm qua, nhà đầu tư chọn đứng ngoài quan sát thị trường.
Giao dịch sáng nay diễn ra ảm đạm khi đến hết buổi chỉ ghi nhận hơn 3.400 tỷ đồng. Sang buổi chiều, thanh khoản có sự cải thiện nhưng đều thấp hơn so với cùng thời điểm của ngày hôm qua. Sàn HoSE hôm nay đóng cửa với hơn 10.400 tỷ đồng giá trị giao dịch, giảm hai phiên liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5, tức gần nửa năm qua.
Thị trường cô đọng về các mã bluechip. 10 cổ phiếu được giao dịch sôi động nhất thị trường đã chiếm gần 30% tổng thanh khoản. Mã có giá trị giao dịch cao nhất là SSI cũng chỉ ghi nhận hơn 440 tỷ đồng.
Thanh khoản sụt trong khi thị trường có sự cải thiện về điểm số. Mở cửa trong sắc xanh, VN-Index có lúc kiểm tra lại mốc 1.100 điểm nhưng bất thành. Sau đó, chỉ số đại diện sàn HoSE bị ghì về dưới tham chiếu trong cuối buổi sáng nhưng biên độ giảm không sâu. Đầu giờ chiều, chỉ số này phục hồi, lần lượt lấy lại những mốc quan trọng và chốt ở gần 1.106 điểm, tăng hơn 12 điểm so với phiên trước.
Toàn sàn HoSE có 355 cổ phiếu tăng, nhiều gấp 2,5 lần so với cổ phiếu giảm. Trong đó, theo VNDirect, những mã góp mức tăng nhiều nhất cho VN-Index lần lượt là VCB, BID, GVR, SSB, SAB.
Nhóm tài chính là những cổ phiếu dẫn dắt thị trường. Ở bảng điện ngân hàng, nhiều mã có vốn hóa vừa và lớn cùng tăng thị giá trên 2% như SHB, EIB, TPB, VIB, BID và OCB. Trong khi đó, nhóm chứng khoán chuộng tích lũy từ 1,5% trở lên gồm các mã SSI, VIX, VCI, VND, HCM, FTS… Riêng thị giá ORS đóng cửa cao hơn 5,5% so với tham chiếu và có thanh khoản lớn thứ 7 trong ngành chứng khoán.
Sắc xanh cũng là màu chủ đạo của bảng điện nhóm bất động sản. DIG tăng 6,2% và đạt thanh khoản cao nhất ngành. Hai mã DXG và IDC đều cùng tích lũy hơn 4%. Còn lại các cổ phiếu như CEO, KBC, PDR, NVL, CII, NLG, VRE và HDC có mức tăng trên 2%.
Pha ngược dòng cuối tuần trước không giúp thị trường tích cực hơn, áp lực bán vẫn chiếm ưu thế khiến VN-Index khởi đầu tuần này trong sắc đỏ, mất hơn 14 điểm.
Nhịp bật lên trong phiên thứ sáu tuần trước không được nối dài sang tuần này. VN-Index mở cửa trong sắc đỏ, liên tục mất các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn. Vùng 1.100 điểm bị xuyên thủng vào giữa phiên sáng mà không có lực mua nào đáng kể. Áp lực bán ra không quá cao nhưng do lực cầu yếu dẫn tới VN-Index chỉ một chiều đi xuống.
Đến cuối phiên sáng, VN-Index lùi về dưới ngưỡng 1.090 điểm. Sắc đỏ bao trùm bảng điện với những nhóm chủ chốt đều giảm, từ bất động sản, ngân hàng, chứng khoán. Nhóm dầu khí cũng chịu áp lực chốt lời sau chuỗi phiên tăng tuần trước.
Sang phiên chiều, thị trường có nhịp hồi lên gần 1.100 điểm, nhưng dòng tiền vẫn tiếp tục “từ chối” tham gia. Chỉ số giằng co quanh ngưỡng 1.090-1.095 điểm cho tới khi đóng cửa. Chốt phiên, VN-Index giảm 14,5 điểm (1,31%) xuống 1.093,53 điểm. VN30-Index mất 16,84 điểm (1,5%), còn 1.106,85 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng đóng cửa trong sắc đỏ.
Thanh khoản toàn thị trường chỉ đạt gần 13.912 tỷ đồng, với sàn HoSE giao dịch hơn 12.100 tỷ đồng trong số này, giảm hơn 2.700 tỷ đồng so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua ròng 85 tỷ đồng, phiên mua ròng thứ năm liên tiếp.
Sắc đỏ chiếm áp đảo vào cuối phiên. Sàn HoSE có 91 cổ phiếu tăng giá, so với 398 cổ phiếu giảm giá.
Trong VN30, chỉ có hai cổ phiếu giữ sắc xanh là SSB của SeABank và VIC của Vingroup, VHM giữ tham chiếu, còn lại cả 27 mã giảm.
Trong nhóm ảnh hưởng mạnh nhất tới thị trường, cổ phiếu MSN chốt phiên mất hơn 4%, lùi về ngưỡng 66.000 đồng. MWG, GVR, SAB và GAS đóng cửa giảm hơn 3%. Các mã ngân hàng, thép cũng chung tình cảnh, với mức giảm phổ biến 1-3%.
Ở nhóm vốn hóa trung bình, sắc đỏ lan rộng trong nhiều nhóm cổ phiếu, như thép, xây dựng, chứng khoán. Điểm tích cực là một số mã bất động sản giữ được sắc xanh, như CEO, NLG, QCG, SCR. Một số mã riêng lẻ cũng tăng kịch trần khi dòng tiền mua vào tăng mạnh, như YEG, HAG, OGC.