Chứng khoán

Chứng khoán thấp nhất một tháng

Áp lực bán tiếp tục lan rộng trên thị trường sau 14h, đẩy chỉ số VN-Index có lúc về sát mốc hỗ trợ quan trọng 1.250 điểm và đóng cửa giảm.

Đồ thị VN-Index khởi động với sắc xanh cao hơn tham chiếu 4 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền tham gia mỏng khiến chỉ số tăng thấp, thị trường cũng không ghi nhận nhóm cổ phiếu nào dẫn dắt. Dần về giờ nghỉ trưa, chỉ số này rung lắc với xu hướng lùi về dưới tham chiếu.

Biến động trên kéo dài tới đầu buổi chiều, áp lực bán dần lan rộng. Sau 14h, chỉ số giảm sâu hơn, có lúc về sát 1.250 điểm – mốc hỗ trợ quan trọng trong đợt sideway ngắn hạn (giá chứng khoán đi ngang trong biên độ ổn định, không hình thành xu hướng) và đợt tăng giá vừa qua.

Cải thiện nhẹ sau lệnh ATC, VN-Index đóng cửa trên 1.252,7 điểm, giảm gần 4,7 điểm so với hôm qua. Đây là vùng giá thấp nhất hơn một tháng.

Ở phiên điều chỉnh thứ hai này, toàn sàn HoSE có 207 cổ phiếu mang sắc đỏ, nhiều hơn so với 136 mã giữ sắc xanh.

Nhìn chung, các mã chứng khoán không lùi quá sâu. Chỉ số bị ảnh hưởng xấu bởi nhóm bluechip, dẫn đầu là BID, GVR, VIC, MSN, CTG. Nhóm có chỉ số ngành giảm mạnh nhất cũng không thuộc top hút dòng tiền lớn như hóa chất, truyền thông, dầu khí, thực phẩm và đồ uống.

Điểm sáng là thanh khoản giảm cùng VN-Index. Tổng giá trị giao dịch sàn HoSE đạt gần 13.800 tỷ đồng, thấp hơn 2.200 tỷ so với hôm qua. Điều này phần nào cho thấy áp lực đã giảm. Hiện tại nhà đầu tư vẫn có tâm lý muốn giữ cổ phiếu, chưa tìm được lý do xả hàng với giá thấp.




Giao dịch chứng khoán tại công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (quận 1, TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Giao dịch chứng khoán tại công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (quận 1, TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Ở phiên giảm mạnh trước đó, các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư không nên hoảng loạn, tránh tình bán đuổi. Thay vào đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục đối với những cổ phiếu giữ được xu hướng.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 410 tỷ đồng, tâm điểm là MSN. Mã chứng khoán của Masan chuẩn bị ghi nhận giao dịch nội bộ lớn, khi bà Nguyễn Yến Linh – con gái Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Đăng Quang – đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu.

Xu hướng điều chỉnh cũng tiếp nối trên sàn HNX và UPCoM. Tuy nhiên đà giảm được rút ngắn, số lượng cổ phiếu sụt và tăng giá không quá chênh lệch.

Tất Đạt

Quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới lãi gần 80 tỷ USD một quý nhờ chứng khoán

GPFG – quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy – thu lợi nhuận lớn trong quý trước, nhờ chứng khoán toàn cầu bùng nổ sau khi nhiều nước giảm lãi suất.

Ngày 22/10, GPFG công bố lợi nhuận quý III đạt 835 tỷ krone Na Uy, tương đương 76,3 tỷ USD. Họ quản lý số tài sản trị giá 18.870 tỷ krone, tính đến cuối tháng 9 và hiện là quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới.

Trond Grande – Phó giám đốc Norges Bank Investment Management (NBIM) – đơn vị quản lý quỹ đầu tư này cho biết các thay đổi gần đây về chính sách tiền tệ “đã có ảnh hưởng lớn” đến kết quả kinh doanh của họ trong quý III. Hàng loạt thị trường chứng khoán đã tăng điểm sau khi nhiều nước giảm lãi suất. Tại Mỹ, cả DJIA và S&P 500 đều tăng 2% từ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất tháng trước.

“Quý trước có rất nhiều sự kiện. Bắt đầu bằng hàng loạt biến động xuyên suốt mùa hè, trong tháng 7 và tháng 8. Sau đó là đồn đoán liệu Mỹ có hạ cánh mềm không và Fed có giảm lãi suất không”, Grande cho biết trên CNBC hôm 22/10.




Bên ngoài Ngân hàng Trung ương Na Uy - đơn vị quản lý quỹ đầu tư GPFG. Ảnh: Reuters

Bên ngoài Ngân hàng Trung ương Na Uy – đơn vị quản lý quỹ đầu tư GPFG. Ảnh: Reuters

Tất cả kênh đầu tư của quỹ này đều sinh lời trong quý III. Trong đó, cổ phiếu – đóng góp 71,4% danh mục – sinh lời 4,5%. Công cụ trả lãi cố định – chiếm 26,8% danh mục – cho lợi nhuận 4,2%. Đầu tư vào bất động sản và cơ sở hạ tầng cho nhiên liệu tái tạo cũng có lãi.

Quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy được thành lập vào thập niên 90 của thế kỷ trước. Mục đích là tái đầu tư nguồn thu dư thừa từ ngành dầu khí nước này. Đến nay, quỹ này đã rót tiền vào hơn 8.760 công ty tại 71 quốc gia trên thế giới.

Làn sóng nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu vẫn đang tiếp tục khi lạm phát tại các nước thu nhập cao năm nay dần hạ nhiệt. Tháng trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lần đầu giảm lãi suất sau 4 năm. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất lần thứ ba trong năm nay. Ngân hàng Trung ương Anh cũng nới lỏng tiền tệ từ tháng 8.

Lãi suất thấp có lợi cho nhiều ngành, đặc biệt là công nghệ. Khi được hỏi về triển vọng nhóm này trong vài tháng tới, Grande cho biết: “Đây là một câu hỏi khó. Vì cổ phiếu công nghệ đang tăng trưởng dựa trên sự hào hứng về AI. Tôi cho rằng trong tình hình này, mọi người vẫn nên thận trọng hơn một chút”.

Hà Thu (theo CNBC, Reuters)

Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai giảm sàn

Mã QCG quay đầu giảm sàn sau chuỗi tăng 10 phiên liên tiếp trước đó, về 10.300 đồng một cổ phiếu.

Phiên giao dịch ngày 23/10, áp lực bán trên sàn chứng khoán chững lại, trong khi lực mua chỉ đỡ ở vùng giá đỏ khiến VN-Index đi ngang gần tham chiếu. Biên độ giá giữ ở mức chưa tới 10 điểm.

Điểm nhấn của phiên đến từ sự thay đổi của một số mã được chú ý gần đây. Cổ phiếu VHM của Vinhomes quay đầu giảm sau chuỗi phiên tăng khi doanh nghiệp thông tin sẽ mua cổ phiếu quỹ. Mã này mở cửa ở mức tham chiếu, tăng lên 48.350 đồng rồi quay đầu giảm. Chốt phiên, thị giá VHM mất 2,6%, còn 47.000 đồng.

Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai cũng ở trạng thái tương tự. Mã này ghi nhận chuỗi tăng liên tiếp từ 9-22/10, với 4 phiên tăng kịch trần. Chưa tới nửa tháng, QCG tăng gần 60% từ vùng giá 7.000 lên hơn 11.000 đồng. Tuy nhiên, mã này đối diện với áp lực chốt lời tăng vọt và chốt phiên giảm hết biên độ, còn 10.300 đồng.




Giao dịch chứng khoán tại quầy Công ty chứng khoán Rồng Việt, Quận 1, TP HCM, hồi tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Giao dịch chứng khoán tại quầy Công ty chứng khoán Rồng Việt, Quận 1, TP HCM, tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Những nhóm chiếm tỷ trọng cao trong rổ vốn hóa, như ngân hàng, bất động sản… diễn biến phân hóa. Ở nhóm ngân hàng, VPB, BID, SHB, SSB đóng cửa dưới tham chiếu, ngược lại STB, TPB tăng hơn 2%. Nhóm Vingroup cũng giao dịch trái chiều khi VIC, VRE giữ sắc xanh, còn VHM giảm.

Diễn biến này khiến VN-Index chỉ tăng hơn 1 điểm, ở 1.270,9 điểm. VN30-Index gần như không đổi, gần 1.350 điểm. HNX-Index và UPCOM-Index tăng nhẹ trên tham chiếu.

Thanh khoản toàn thị trường giữ ở mức thấp, hơn 15.300 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 14.000 tỷ, giảm gần 6.000 tỷ đồng so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch cân bằng, mua hơn 1.142 tỷ trong khi bán hơn 1.133 tỷ đồng.

Cuối phiên, sắc xanh có phần ưu thế hơn. Sàn HoSE có 204 cổ phiếu tăng giá so với 156 mã giảm.

VIC là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với gần 1 điểm khi mã này tăng 2,3%, lên 43.200 đồng. Ngược lại, VHM là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi mất gần 2,6%.

Top 5 cổ phiếu đứng đầu về giá trị giao dịch trên sàn HoSE là VHM (gần 1.570 tỷ đồng), VIB (450 tỷ), STB, FPT và TCB cùng ở mức thanh khoản hơn 400 tỷ đồng.

Minh Sơn

Chứng khoán giảm mạnh nhất hai tháng rưỡi

Dẫn đầu thanh khoản, hai mã VHM và STB bị bán mạnh, thị giá về sát mức sàn khiến chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất hai tháng rưỡi.

VHM đỏ sắc cả ngày khi các lệnh bán ra được cài từ đầu phiên. Giá giảm nhanh khi sang buổi chiều, bên mua liên tục chào giá sàn nhưng không có nguồn cung để khớp lệnh. Cổ phiếu Vinhomes đóng cửa ở 43.850 đồng, giảm 6,7% so với tham chiếu. Thanh khoản dẫn đầu thị trường với hơn 1.527 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng giá trị giao dịch toàn sàn HoSE.

Như vậy, mã chứng khoán của Vinhomes đã điều chỉnh hai phiên liên tiếp. Điều này phần nào cho thấy động thái mua cổ phiếu quỹ khó đỡ hết áp lực chốt lời khi VHM đang ở vùng đỉnh hơn một năm về thị giá.




Nhà đầu tư đang theo dõi cổ phiếu VHM và STB. Ảnh: Tất Đạt

Nhà đầu tư đang theo dõi cổ phiếu VHM và STB. Ảnh: Tất Đạt

Tình trạng chốt lời ồ ạt cũng được bắt gặp ở STB khi mã này đang ở vùng giá lịch sử. Hôm nay, cổ phiếu Sacombank chỉ giữ giá tham chiếu được vài phút, thời gian còn lại trong phiên đều được giao dịch với mức thấp hơn. Nhìn chung trong buổi sáng đến đầu giờ chiều, thị giá chưa điều chỉnh quá sâu. Nhưng sau 14h, lệnh bán được dồn dập đưa lên hệ thống khiến STB rơi mạnh. Cổ phiếu này chốt phiên ở 33.400 đồng, giảm 6,7%. Mã này cũng có lực cầu lớn ở giá sàn nhưng không khớp thành công. Thanh khoản chỉ đứng sau VHM với hơn 1.108 tỷ đồng.

Đây cũng là hai cổ phiếu dẫn đầu nhóm ảnh hưởng xấu tới VN-Index. Tuy nhiên, điểm sáng là lực cung được hấp thụ rất tốt, tới cuối phiên lượng dư bán còn rất thấp. Theo sau hai mã trên còn có VIC, TCB, VPB hay MBB cũng tác động tiêu cực tới thị trường.

Diễn biến trên khiến VN-Index bị nhuộm đỏ trong phần lớn thời gian giao dịch. Trong khi buổi sáng, chỉ số này vẫn có lúc đi trên tham chiếu, đến khi giảm chỉ ở biên độ khá nông. Sang buổi chiều, sắc đỏ lan rộng theo áp lực bán đã ghì chỉ số xuống sâu.

VN-Index đóng cửa ở 1.257,4 điểm, giảm gần 13,5 điểm so với phiên trước. Đây là mức điều chỉnh mạnh nhất kể từ ngày 5/8, tức khoảng hai tháng rưỡi qua. Toàn sàn HoSE có 284 cổ phiếu giảm giá, trong khi chỉ ghi nhận 102 cổ phiếu tăng.

Thanh khoản thị trường TP HCM có cải thiện nhưng chỉ thêm khoảng 1.900 tỷ lên gần 16.000 tỷ đồng. Đây là phiên thứ 15 liên tiếp, chứng khoán ghi nhận dòng tiền ở mức thấp.

Sau phiên mua ròng nhẹ hôm qua, khối ngoại trở lại bán ròng hơn 230 tỷ đồng. Họ tập trung xả hàng ở HPG và VRE.

Ở sàn Hà Nội, lực bán cũng dâng cao ở phiên chiều khiến chỉ số HNX-Index rơi 1,8 điểm. Các mã chứng khoán và bất động sản như SHS, IDC, MBS hay CEO ảnh hưởng nhiều nhất. Còn UPCoM cũng đi lùi trong hôm nay.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyên nhà đầu tư không nên hoảng loạn, tránh tình trạng bán đuổi theo thị trường và giữ tâm lý bình tĩnh, duy trì tỷ trọng danh mục đối với những cổ phiếu giữ được xu hướng vẫn đang dao động sideway với biên độ 5%. Áp lực bán có thể vẫn tiếp diễn theo quán tính nhưng xác suất cao sẽ sớm chững lại và tìm được cân bằng quanh khu vực 1.250 điểm.

Tất Đạt

Chứng khoán giảm mạnh nhất hơn một tháng

Lình xình quanh tham chiếu cả ngày, thị trường đột ngột lao dốc sau 14h khiến VN-Index giảm gần 10 điểm, mạnh nhất từ giữa tháng 9.

Nhìn chung, chỉ số của sàn HoSE bị nhuộm đỏ cả ngày nhưng phần lớn thời gian neo sát mốc tham chiếu. Trong cả buổi sáng đến nửa đầu buổi chiều, thị trường dao động trong biên độ 2-5 điểm.

Hai bên mua – bán kì kèo qua lại mà không có bên nào chiếm ưu thế tuyệt đối. Đa số mã chứng khoán đều đỏ sắc nhưng nguồn cung giá thấp ít ỏi khiến các mã chỉ điều chỉnh nhẹ.

Tuy nhiên sau 14h, thị trường bắt đầu rơi mạnh. Chỉ sau 25 phút, chỉ số này về sát 1.265 điểm, thấp hơn tham chiếu khoảng 14 điểm. Cải thiện nhẹ những phút cuối phiên, VN-Index chốt ở dưới 1.270 điểm, giảm gần 10 điểm so với hôm qua. Đây là phiên điều chỉnh mạnh nhất kể từ ngày 16/9, tức hơn một tháng qua.

Toàn sàn HoSE có 269 cổ phiếu đóng cửa dưới tham chiếu, nhiều hơn hẳn 107 cổ phiếu tăng giá. Nhóm bluechip có tác động tiêu cực tới thị trường, rổ VN30 có đến 23 mã giảm và chỉ số đại diện cũng sụt hơn 9 điểm.

Xét theo ngành, các nhóm có diễn biến tiêu cực nhất là hóa chất, công nghệ, chứng khoán, ngân hàng. Trong 10 cổ phiếu góp mức giảm nhiều tới VN-Index, có đến 8 mã thuộc các nhóm trên, nổi bật là GVR, BID, FPT, VCB, CTG…

Tuy nhiên thị trường vẫn ghi nhận một số cổ phiếu ngược dòng như MWG, VHM, TCB, DXG nhưng chủ yếu tăng dưới 1%. Riêng EIB nổi bật với mức tăng 3,8% cùng thanh khoản hơn 621 tỷ đồng, cao thứ 4 thị trường. Hôm qua, cổ phiếu Eximbank đã có phiên tăng kịch trần.

Tính chung sàn HoSE, tổng giá trị giao dịch hôm nay tăng hơn 4.700 tỷ lên mức 19.100 tỷ đồng. Tuy nhiên gần một nửa thanh khoản chỉ xuất hiện từ sau 14h. Phần lớn thời gian còn lại, thị trường giao dịch khá ảm đạm.

Khối ngoại kéo dài đà xả hàng lên phiên thứ 8. Họ bán ròng gần 140 tỷ đồng hôm nay.

Không chỉ thị trường TP HCM, sắc đỏ cũng bao trùm trên đồ thị sàn Hà Nội và UPCoM. Trong đó HNX-Index giảm gần 2 điểm, mạnh nhất kể từ đầu tháng 8.

Tất Đạt

Hơn 100 triệu cổ phiếu Lộc Trời bị hạn chế giao dịch

Chậm nộp báo cáo tài chính bán niên năm nay khiến cổ phiếu LTG chỉ được giao dịch duy nhất vào phiên thứ 6 trên sàn UPCoM.

Theo thông báo mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) quyết định hạn chế giao dịch cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG). Từ ngày 24/10, hơn 100 triệu cổ phiếu này chỉ được mua – bán vào phiên thứ 6 hàng tuần trên sàn UPCoM. Trong 15 ngày sau đó, LTG phải gửi HNX và công bố thông tin kèm theo biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công ty chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2024 đã soát xét quá 45 ngày kể từ thời hạn quy định.

Trước đó hồi đầu tháng 8, Lộc Trời xin tạm hoãn công bố báo cáo tài chính quý II với lý do gặp phải các sự kiện bất khả kháng và cần ổn định dòng vốn sản xuất kinh doanh. Công ty cho biết toàn bộ nhân sự đang phải tập trung xử lý các vấn đề tài chính cấp bách.

Việc công bố báo cáo tài chính bị hoãn do những thay đổi về nhân sự cấp cao. Lãnh đạo công ty cho biết đại hội cổ đông diễn ra muộn hơn mọi năm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện báo cáo tài chính quý II. Công ty hy vọng Ủy ban Chứng khoán (SSC) chấp thuận việc tạm hoãn công bố báo cáo này đến ngày 30/8. Tuy nhiên đến nay, Lộc Trời vẫn chưa công bố. Còn ở quý đầu năm, LTG lỗ 96 tỷ đồng sau thuế dù doanh thu tăng 57% so với cùng kỳ 2023.

Doanh nghiệp này cũng vừa trải qua đợt biến động ở thượng tầng. Ông Nguyễn Tấn Hoàng, nguyên kế toán trưởng LTG, vừa được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc từ tuần trước. Quyết định này diễn ra sau khi ông Nguyễn Duy Thuận bị miễn nhiệm khỏi chức vụ trên vào tháng 7.

Vài ngày sau khi miễn nhiệm, Lộc Trời đề nghị UBND tỉnh An Giang thu hồi thẻ APEC và tạm hoãn xuất cảnh ông Thuận với lý do ông không hợp tác bàn giao công việc và có dấu hiệu muốn ra nước ngoài tránh trách nhiệm. UBND tỉnh An Giang đã chuyển vụ việc sang công an tỉnh vì không có thẩm quyền xử lý. Phía ông Thuận phủ nhận cáo buộc và nói đang tìm cách giải quyết ổn thỏa với Lộc Trời.

Tất Đạt

Cổ phiếu Eximbank tăng kịch trần

Mã EIB của Eximbank mở cửa dưới tham chiếu, sau đó tăng liên tục và đóng cửa ở trạng thái “trắng bảng bên bán” dù VN-Index về dưới 1.280 điểm.

Chứng khoán khởi đầu tuần này vẫn ở trạng thái giằng co, với sắc đỏ chiếm ưu thế hơn. VN-Index mở cửa gần tham chiếu, tăng giảm trong biên độ dưới 10 điểm đến giữa phiên chiều. Áp lực bán lan rộng tạo áp lực lên toàn thị trường. Ở chiều ngược lại, đà tăng của một số mã vốn hóa lớn, như VHM, EIB khiến điểm số giảm không quá mạnh.

Trạng thái “ru ngủ” này khiến nhiều nhà đầu tư dần mất kiên nhẫn. Áp lực bán tăng nhanh sau 13h30 ép chỉ số của sàn HoSE lùi về gần 1.280 điểm. Thị trường có nhịp bật lại ngay sau đó nhưng không giúp đảo ngược xu hướng. VN-Index chốt phiên 21/10 tại 1.279,77 điểm, giảm hơn 5 điểm (0,44%) so với phiên trước.

VN30-Index đại diện cho nhóm bluechip giảm 4,66 điểm (0,34%), còn 1.358 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng đóng cửa trong sắc đỏ.

Thanh khoản toàn thị trường giữ ở mức thấp, chỉ đạt hơn 15.600 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 14.300 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ so với phiên trước và cũng là mức thấp nhất trong gần ba tuần. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng gần 270 tỷ đồng, phiên thứ 7 liên tiếp nhóm này bán ròng.

Cuối phiên, sàn HoSE có 99 cổ phiếu tăng giá, so với 287 mã giảm giá. Top 5 cổ phiếu đứng đầu về giá trị giao dịch trên sàn HoSE hôm nay là VHM (gần 1.000 tỷ đồng), EIB (706 tỷ), STB (hơn 480 tỷ), MSN (417 tỷ) và HCM (386 tỷ đồng).

VHM là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 2,7 điểm khi mã này tăng 5,6%, lên 47.800 đồng. Ngược lại, CTG là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi giảm hơn 2%.

Cổ phiếu EIB tăng kịch trần sau phiên 21/10. Ảnh: Minh Sơn

Cổ phiếu EIB tăng kịch trần sau phiên 21/10. Ảnh: Minh Sơn

Trong VN30, nhóm Vingroup đứng đầu đà tăng. Ngoài VHM, VRE và VIC đều có thêm hơn 1%. MWG, VPB đóng cửa trên tham chiếu.

Ngược lại, 23/30 mã vốn hóa lớn chốt phiên trong sắc đỏ. CTG mất hơn 2%, GVR, PLX, TPB, SSI giảm gần 2%, FPT, ACB, TCB, SAB, VIB thấp hơn tham chiếu hơn 1%.

Ở nhóm vốn hóa trung bình, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo. Các nhóm được chú ý như bất động sản, xây dựng, chứng khoán, bán lẻ, hàng tiêu dùng đa phần giảm. Sắc xanh chủ yếu ở một số mã riêng.

Trong đó, nhóm cổ phiếu liên quan tới Gelex, như GEX, VIX cùng tăng trên 1%. Mã EIB giao dịch đột biến, đóng cửa ở trạng thái “trắng bảng bên bán”. Cổ phiếu của Eximbank mở cửa phiên đầu tuần trong sắc đỏ nhưng tăng liên tục theo thời gian giao dịch, chốt phiên ở giá trần với dư mua hơn 400.000 đơn vị. Cổ phiếu của QCG cũng ở trạng thái tương tự.

Minh Sơn

Dòng tiền có dịch chuyển từ chứng khoán sang bất động sản?

Thanh khoản chứng khoán giảm mạnh khi bất động sản nóng lên ở phía Bắc nhưng chuyên gia cho rằng nhà đầu tư đang đợi thời cơ hấp dẫn hơn để vào thị trường.

Từ nửa cuối tháng 6 đến nay, tổng giá trị giao dịch sàn HoSE đạt trên 20.000 tỷ đồng đã là điều hiếm gặp trên thị trường. Chứng khoán lặp đi lặp lại câu chuyện giao dịch lình xình, nhiều phiên “ru ngủ” nhà đầu tư.

Theo VinaCapital, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày trên thị trường chứng khoán trong quý tính trên cả ba sàn HoSE, HNX và UPCoM chỉ khoảng 18.600 tỷ đồng. Trong khi đó ở quý III, giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày hơn 25.000 tỷ. Điều đó cho thấy tâm lý nhà đầu tư có phần thận trọng sau những áp lực về tỷ giá và lãi suất trong 6 tháng đầu năm, đồng thời những căng thẳng địa chính trị trên thế giới tiếp tục diễn ra và nền kinh tế toàn cầu có nhiều ẩn số khó dự báo.

Tính riêng sàn HoSE, tháng 9 là thời điểm VN-Index trở lại gần vùng giá hồi tháng 5-6. Tuy nhiên khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 13,2 tỷ cổ phiếu, là tháng giảm thứ tư liên tiếp. Trong năm nay, con số này chỉ cao hơn tháng 2 – giai đoạn nghỉ Tết nguyên đán. Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá trị khớp lệnh tháng 9 giảm trên diện rộng với 71,5% số lượng cổ phiếu có sự sụt giảm về thanh khoản trung bình.

Trong khi đó, các kênh đầu tư khác lại chứng kiến dòng tiền đổ về tăng mạnh, nhất là bất động sản. VinaCapital dẫn các nguồn tin của họ cho rằng nhiều khả năng khối lượng giao dịch địa ốc tăng tới 35% so với cùng kỳ năm trước trong 9 tháng đầu năm 2024.

Thị trường đang ghi nhận “cơn sốt” ở khu vực phía Bắc. Dữ liệu của CBRE chỉ ra trong 9 tháng đầu năm, tổng nguồn cung mở bán căn hộ mới ở Hà Nội có thể đạt hơn 19.000 căn, vượt tổng nguồn cung cả năm 2023. Đây cũng là tổng nguồn cung sơ cấp lớn nhất ghi nhận tại Thủ đô trong vòng 5 năm trở lại đây.

Lực cầu đầu tư lớn, dòng tiền vẫn đổ về sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực tại trung tâm Hà Nội. Nhờ đó, thanh khoản thị trường duy trì tích cực. Tổng căn hộ bán được trong quý III vượt 8.000 căn, gấp hai lần cùng kỳ năm ngoái. Lượng giao dịch nhà liền thổ cũng tăng gần gấp 5 lần so với quý trước bởi nguồn cung dồi dào hơn.

Một dãy tòa chung cư cũ sát đường Vành đai 3 (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Thành

Một dãy tòa chung cư cũ sát đường Vành đai 3 (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Thành

Liệu dòng tiền có “chạy” từ chứng khoán sang các kênh đầu tư khác, nhất là bất động sản? Trả lời VnExpress, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt – Giám đốc bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở CBRE – đánh giá các kênh tài chính trong thời gian qua có diễn tiến khá bấp bênh nên nhà đầu tư dễ có xu thế điều hướng dòng tiền và đó là tâm lý phổ biến.

“Bất động sản luôn là lựa chọn trước nhất mỗi khi nhà đầu tư muốn tìm nơi trú ẩn cho tài sản hay dịch chuyển dòng tiền của họ vì độ an tâm khi sở hữu một ngôi nhà sẽ rất lớn”, ông nói.

Ở góc nhìn khác, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh – Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE – đề cập đến câu chuyện giá thuê nhà hiện tại đang cải thiện tốt ở cả TP HCM, Hà Nội và các địa phương khu vực lân cận nhờ khách du lịch, lượng chuyên gia nước ngoài quay trở lại. Nhờ đó, tỷ suất lợi nhuận từ cho thuê tăng lên, cũng kích thích sự chuyển dịch dòng tiền của nhà đầu tư từ nơi khác vào loại hình này. Bà lấy ví dụ ở Bình Dương, một căn hộ có giá 2-3 tỷ đồng đang có thể cho thuê với giá 7-8 triệu, thậm chí hơn 10 triệu đồng mỗi tháng.

Không chỉ các bên nghiên cứu thị trường địa ốc, một số bộ phận phân tích chứng khoán cũng cùng quan điểm trên. Trong báo cáo gần đây, SGI Capital – đơn vị quản lý quỹ mở The Ballad Fund – quan sát thấy việc bất động sản thực nóng lên đang là tâm điểm hút dòng tiền nội. Điều này khá tương đồng chu kỳ 2010-2011, thị trường bất động sản phía Bắc xảy ra sốt nóng cùng lúc với giai đoạn thanh khoản của chứng khoán cạn kiệt và lãi suất ngân hàng nhích tăng.

“Thị trường chứng khoán không kéo dài sự tích cực với thông tin vĩ mô tốt trong tháng 9 phần nào thể hiện sự khó khăn về việc thu hút dòng tiền mới trong bối cảnh khan hiếm các cơ hội hấp dẫn”, đơn vị này đánh giá.

Nhưng kết luận chứng khoán đang kém thu hút dòng tiền vẫn không thể nhận về đồng thuận của tất cả chuyên gia và đơn vị phân tích, quan sát thị trường. Chuyên gia phân tích độc lập Huỳnh Hoàng Phương nói nếu xét trên diện rộng về tương quan giữa các kênh đầu tư, cổ phiếu vẫn có sức hút tốt.

Ông chỉ ra vàng tăng giá nhưng rất khó giao dịch. Lãi suất tiết kiệm nhích lên ở mức chưa quá hấp dẫn. Kênh trái phiếu doanh nghiệp bị ách tắc vì thiếu lượng cung tốt khi các công ty đang ưu tiên vay ngân hàng để hưởng lãi suất thấp thay vì huy động vốn bằng trái phiếu. Do đó nguồn hàng chủ yếu là các doanh nghiệp có rủi ro cao.

Trong bối cảnh đó của các kênh đầu tư đòi hỏi vốn không quá lớn, cổ phiếu vẫn được xem là lựa chọn tối ưu. Còn việc bản thân chứng khoán có thu hút được dòng tiền hay không, phụ thuộc vào câu chuyện các nhóm ngành trên thị trường phải có triển vọng, nhất là ngân hàng và bất động sản. Nói như thế là vì trừ hai đại diện trên, các nhóm khác đã hút vốn rất tốt trong thời gian qua, kéo thị giá cổ phiếu các ngành lên mức cao, nhiều mã vượt mức đỉnh từng thiết lập khi VN-Index cán mốc 1.500 điểm.

“Dòng vốn sẽ trở lại chứng khoán khi thị trường xuất hiện câu chuyện thật sự hấp dẫn”, ông Phương dự đoán. Chuyên gia này gợi ý các chất xúc tác có thể quan sát là kết quả kinh doanh quý III, chất lượng tài sản của các ngân hàng cùng việc giải quyết vấn đề pháp lý của các dự án bất động sản.

Giao dịch tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Giao dịch tại một công ty chứng khoán ở quận 1 (TP HCM), tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Tương tự khi xét trên mặt bằng chung, ông Đinh Đức Minh – Giám đốc Đầu tư VinaCapital – cho rằng lựa chọn kênh đầu tư phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư. Lãi suất tiết kiệm thấp nhưng đây là kênh đầu tư an toàn. Bất động sản vẫn luôn là lựa chọn yêu thích của đa số nhà đầu tư Việt Nam. Tuy nhiên theo ông, đầu tư địa ốc đòi hỏi một số vốn lớn và mặc dù thị trường đang ấm lên, các nhà đầu tư cần lưu ý việc giá nhà đất đang cao so với thu nhập trung bình của người dân.

Với chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đang trong tâm lý chờ đợi thị trường có xu hướng rõ ràng. Tuy nhiên, VinaCapital nhận thấy hiện tại đã có nhiều yếu tố thuận lợi hơn so với vài tháng trước đây như hầu hết số liệu kinh tế của Việt Nam đều tốt hơn kỳ vọng, áp lực về lãi suất và tỷ giá giảm đáng kể, các số liệu của nền kinh tế Mỹ hiện tại vẫn khá ổn định.

Chỉ số VN-Index đang giao dịch ở mức định giá hợp lý cho đầu tư dài hạn (chỉ số giá thị trường trên thu nhập mỗi cổ phiếu – P/E năm 2024 khoảng 12 lần) và công ty quản lý quỹ này vẫn giữ dự báo tăng trưởng lợi nhuận trung bình của các doanh nghiệp niêm yết ở mức quanh 20% cho 2024-2025.

“Tất cả những yếu tố này cùng với triển vọng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là động lực tích cực cho thị trường”, ông Minh nhận định.

Tất Đạt

Chủ tịch Coteccons: Đây là thời điểm tốt mua thêm cổ phiếu

Cho rằng CTD không được định giá đúng, ông Bolat Duisenov khuyên hiện tại là thời điểm mua vào cổ phiếu khi triển vọng mảng FDI của họ rất lớn.

Trong phiên họp thường niên sáng 19/10, cổ đông của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) chất vấn ban lãnh đạo về việc cổ phiếu đang được giao dịch ở mức P/B (giá thị trường trên giá trị sổ sách) dưới 1 lần trong thời gian dài. Chốt phiên tuần này, CTD ở mức 63.400 đồng – giảm hơn 6% so với đầu năm và thấp hơn 18% so với mức đỉnh hồi giữa tháng 3. Chỉ số P/B đang được xác định quanh 0,76 lần.

“Ban lãnh đạo có dự định gì để củng cố niềm tin của nhà đầu tư và tình hình doanh nghiệp?”, cổ đông này đặt câu hỏi.

Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons - trong cuộc họp hội đồng cổ đông sáng 19/10. Ảnh: CTD

Ông Bolat Duisenov – Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons – trong cuộc họp hội đồng cổ đông sáng 19/10. Ảnh: CTD

Phản hồi vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bolat Duisenov tuyên bố thời điểm hiện tại thích hợp để cổ đông “nhanh tay mua vào” cổ phiếu CTD. Đây cũng là câu trả lời từng được ông nêu ra ở phiên họp thường niên năm trước và đến nay vẫn bảo lưu quan điểm.

Theo lãnh đạo Coteccons, khi nhìn vào thị trường, không chỉ ngành xây dựng và bất động sản, tất cả những bên liên quan như vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp về chuỗi cung ứng cho lĩnh vực này, đều ghi nhận sự ảm đạm, vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn. Tuy nhiên với CTD, ở niên độ tài chính 2024 (tức tháng 7/2023 đến tháng 6/2024), công ty đã đạt những kết quả mà ông Bolat tự đánh giá là vượt trội so với thị trường.

Cụ thể, doanh thu đạt 21.045 tỷ đồng, tăng 31% so với năm tài chính 2023. Lợi nhuận sau thuế tăng 343%, đạt 299 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu đều vượt kế hoạch dù họ đã thực hiện điều chỉnh nâng lên so với dự tính cũ. Trong năm, Coteccons có giá trị trúng thầu đạt 22.000 tỷ đồng, trong đó có 41 dự án bằng hình thức “repeat sales” – tức thắng thầu hoặc được chỉ định bởi các chủ đầu tư cũ.

Ông Bolat nêu thêm con số tăng trưởng kép trung bình trong ba năm qua đạt 30%. Năm nay, họ tiếp tục theo đuổi mục tiêu với tốc độ trên. Kế hoạch ở niên độ tài chính 2025 là 25.000 tỷ đồng doanh thu và 430 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 18% và 54%. Trước mắt, lượng backlog (đơn đặt hàng tồn đọng) cho những năm sau có giá trị lên tới khoảng 30.000 tỷ đồng, riêng năm 2025 là hơn 22.000 tỷ đồng.

“Kết quả kinh doanh và chất lượng công ty phụ thuộc vào ban điều hành, nhưng giá cổ phiếu lại do thị trường nhìn nhận và điều này nằm trong tay các cổ đông”, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTD nêu quan điểm.

Năm nay, chiến lược trọng tâm của Coteccons là giữ vững tăng trưởng ở mảng kinh doanh cốt lõi và xây dựng nền tảng các mảng kinh doanh mới – vươn ra thị trường quốc tế. Họ nhận thấy tiềm năng rất lớn từ việc thực hiện các dự án của những chủ đầu tư vốn FDI. Do đó, ngoài là một nhà thầu có tiếng ở mảng bất động sản dân dụng, họ cũng muốn được biết đến như một doanh nghiệp uy tín về xây dựng công nghiệp.

“Hiện tại các dự án lớn, quan trọng và có tiếng từ vốn FDI khắp ba miền đều do Coteccons thực hiện”, Phó tổng giám đốc Võ Hoàng Lâm cho biết.

Cơ cấu doanh thu của họ đã có sự chuyển dịch khi mảng công nghiệp (phần lớn là các dự án có vốn FDI) chiếm tỷ lệ lớn 50%, dân dụng khoảng 45% và du lịch nghỉ dưỡng khoảng 5%. Khi nguồn thu đa dạng, công ty có thể tăng trưởng ổn định hơn và thực tế thời gian qua, thị trường trong nước chưa phục hồi, họ vẫn có sự bù đắp từ khách hàng nước ngoài, xây dựng mảng công nghiệp. Trước mắt trong năm tới, các dự án FDI chiếm tới 40% tổng giá trị backlog.

Song song đó, Coteccons cũng hướng tới chiến lược “theo chân” các khách hàng của họ tiến ra nước ngoài. Không chỉ các doanh nghiệp nội, họ cũng muốn thực hiện repeat sales với các khách hàng quốc tế. Trước mắt CTD đã đối thoại với Lego về dự án nhà máy ở Virginia (Mỹ) ở một số hạng mục xây dựng.

Tất Đạt

Cổ phiếu thép SMC tăng trần, YEG đạt thanh khoản lớn

Trong phiên VN-Index trở lại sắc đỏ khi giảm hơn 1 điểm, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ vẫn có một số đại diện bám trụ tốt, như SMC, YEG.

Chứng khoán hôm nay có diễn biến khá tích cực về điểm số trong phần lớn thời gian giao dịch. Buổi sáng, VN-Index giữ trọn sắc xanh, có lúc tăng gần 8 điểm với trợ lực từ cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên áp lực bán lan rộng ở ngưỡng 1.290 điểm, càng gần giờ nghỉ trưa, chỉ số này càng về sát tham chiếu.

Đầu giờ chiều, thị trường rung lắc quanh giá mở cửa, nhưng sau đó lấy lại đà tăng nhờ các mã STB, VCB, VHM có lực cầu khá tốt. Tuy nhiên sau phiên ATC, chứng khoán đảo chiều.

Chốt ngày, VN-Index giảm hơn 1 điểm về khoảng 1.285,5 điểm. Toàn sàn HoSE có 211 mã giảm giá, còn bên tăng ghi nhận 157 cổ phiếu. Thị trường chịu ảnh hưởng lớn từ nhiều mã trụ như VPB, HPG, CTG, MSN…

Thanh khoản giảm nhẹ hơn 300 tỷ về khoảng 15.385 tỷ đồng. Đây đã là phiên thứ 11 liên tiếp, tổng giá trị giao dịch sàn HoSE duy trì mức dưới 20.000 tỷ. Đà xả hàng của khối ngoại kéo dài sang phiên thứ 6 khi hôm nay nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 150 tỷ đồng.

Nhìn chung ở cú đảo chiều cuối phiên, sắc đỏ xuất hiện dày đặc ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong khi nhóm vừa và nhỏ vẫn có một số đại diện trụ tốt, nổi bật có SMC hay YEG.

SMC tăng kịch biên độ, thanh khoản nhỏ giọt chỉ gần 4 tỷ đồng. Tuy nhiên ở cuối phiên, mã này “trắng” bên bán và dư mua gần 586.000 cổ phiếu. Đà tăng xuất hiện sau 6 phiên SMC giảm liên tục, đưa thị giá về vùng đáy lịch sử 6.150 đồng một đơn vị.

Diễn biến xuất hiện trong giai đoạn gần kề mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III. Tuy nhiên trước đó, “đại gia” thép một thời lỗ liên tiếp trong 2022-2023 với mức lũy kế gần 169 tỷ đồng hồi cuối năm ngoái. Công ty đang gặp khó trong việc thu hồi nợ ở các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng lớn như Novaland, Hưng Thịnh Incons hay Xây dựng Hòa Bình. Thời gian qua, họ phải liên tục rao bán tài sản để cải thiện nguồn tiền.

YEG cũng có diễn biến đáng chú ý. Trước khi đóng cửa trên 5,1% so với tham chiếu, mã này khớp lệnh với sắc tím. Khối lượng giao dịch cũng đạt mức cao nhất gần ba tháng qua với hơn 3,35 triệu đơn vị, nằm trong top kỷ lục trong lịch sử giao dịch.

Cổ phiếu của Tập đoàn Yeah1 khởi sắc khi nhà sản xuất này chuẩn bị tổ chức đêm nhạc (concert) cho chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” với quy mô khoảng 20.000 người. Họ cũng chuẩn bị lên sóng “Chị đẹp đạp gió” 2024, vốn là chương trình ăn khách ở mùa trước đó.

Tất Đạt