Chứng khoán

VN-Index chốt phiên cuối năm sát 1.130 điểm

Chỉ số đại diện sàn HoSE kết phiên hôm nay tăng chỉ 1 điểm lên sát 1.130 điểm, nhưng tăng 12% so với cuối năm ngoái.

Trong phiên giao dịch cuối năm, VN-Index giữ sắc xanh cả ngày. Sau đợt rung lắc nhẹ, chỉ số này tiến sát vùng 1.135 điểm vào cuối buổi sáng, tăng gần 6 điểm. Nhưng sang buổi chiều, thị trường chịu áp lực bán lớn dần và giảm gần 3 điểm trong phiên ATC.

VN-Index chốt phiên ở 1.129,93 điểm, tăng một điểm so với hôm trước. Như vậy so với cuối năm ngoái, chỉ số VN-Index tăng hơn 248 điểm, tương đương 12,2%. Trong năm, VN-Index từng đạt đỉnh hơn 1.255 điểm vào đầu tháng 9, từ mức đáy gần 1.008 điểm hồi đầu năm.

Ở sàn Hà Nội, HNX-Index giảm nhẹ phiên cuối năm và chốt ở mức hơn 231 điểm. Trong năm nay, chỉ số này tích lũy gần 26 điểm, mức tăng khá tương đương với sàn TP HCM khi đạt 12,5%.

Với mức tăng hơn 12%, đây là năm thị trường chứng khoán có hiệu suất (mức tăng về điểm số theo %) thấp nhất kể từ 2020, nhưng cải thiện đáng kể so với mức giảm gần 33% của năm ngoái. Năm 2020, VN-Index tích lũy gần 15% với đà phục hồi tốt trong nửa cuối năm. Sang năm 2021, chỉ số này tăng mạnh đến gần 36% với diễn biến tích cực cùng xu hướng tăng giá (uptrend) kéo dài.

Điểm số chốt phiên năm nay nằm trong dự liệu của nhiều công ty chứng khoán và đơn vị quan sát thị trường. Trước đó, nhiều nhóm phân tích đồng thuận rằng VN-Index sẽ theo hướng tích lũy trong tháng 12 nhưng không quá mạnh và kết phiên cuối năm dưới mức 1.200 điểm.

Trong phiên giao dịch cuối năm, ngành hóa chất dẫn đầu đà tăng về điểm số. Theo sau còn có nhóm xây dựng và vật liệu, bán lẻ. Các cổ phiếu chứng khoán và bất động sản cũng kịp chốt phiên với mức tăng nhẹ. Ở chiều ngược lại, ngành ngân hàng giảm nhẹ về điểm số. Ngoài ra các ngành công nghệ, bảo hiểm cũng có diễn biến kém khả quan.

Toàn sàn HoSE có 295 cổ phiếu tăng, trong khi ghi nhận 190 cổ phiếu giảm. Góp mức cải thiện nhiều nhất cho thị trường là các mã GVR, BID, VPB, HDB. Ngược lại, VCB ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số chung khi góp hơn 3,5 điểm giảm, theo sau còn có VHM, VNM, GAS.

Thanh khoản phiên cuối năm tăng thêm 270 tỷ, đạt gần 15.800 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài có phiên thứ ba mua ròng liên tiếp với biên độ hơn 340 tỷ đồng, giảm khoảng 100 tỷ so với hôm qua.

Tất Đạt

eBox

Cổ phiếu vận tải biển ‘nổi sóng’

GMD, VSC, HAH cùng tăng mạnh khi nhà đầu tư hướng sự chú ý vào nhóm cảng biển, trong bối cảnh căng thẳng Biển Đỏ leo thang.

Gián đoạn giao thương ở Biển Đỏ – tuyến hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới gây lo ngại về giá dịch vụ logistics có thể tăng trong thời gian tới. Theo đó, sự chú ý của nhà đầu tư cũng hướng về những cổ phiếu mảng này trong phiên nay. Cổ phiếu GMD của Gemadept là một trong những mã tăng mạnh nhất sàn HoSE khi chốt phiên tăng hết biên độ lên 73.000 đồng. Những cổ phiếu cảng biển, logistics khác cũng giao dịch tích cực như HAH có thêm gần 4%, VSC, PVT tăng gần 3%.

Chứng khoán cũng mở phiên đầu tuần này trong trạng thái tích cực. Lực mua chủ động đẩy giá từ đầu giờ, giúp nhiều cổ phiếu giao dịch khởi sắc. Các nhóm chiếm tỷ trọng cao trong vốn hóa như ngân hàng, bất động sản giữ sắc xanh sau nhiều phiên chịu áp lực điều chỉnh.

VN-Index nới rộng đà tăng theo thời gian giao dịch, vượt 1.110 điểm vào cuối phiên sáng và đóng cửa ở mức 1.117 điểm, tăng 14,6 điểm so với tham chiếu (1,32%) – phiên tăng thứ 5 liên tiếp. VN30-Index có thêm 14,4 điểm (1,3%) lên 1.111,86 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index chốt phiên trên tham chiếu.

Sắc xanh chiếm áp đảo vào cuối phiên, với sàn HoSE có 409 cổ phiếu tăng giá, so với 78 cổ phiếu giảm giá.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 17.000 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 15.000 tỷ, tăng gần 3.000 tỷ đồng so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay vẫn bán ròng, nhưng giá trị chỉ hơn 120 tỷ đồng.

VCB là cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho VN-Index với gần 1,3 điểm khi mã này đóng cửa tăng 1,1%, lên 81.800 đồng. Trong nhóm ngân hàng, sắc xanh cũng chiếm áp đảo. VPB, BID, CTG có thêm gần 2%, VIB, HDB, TCB, STB tăng trên 1%.

Nhóm bán lẻ và hàng tiêu dùng cũng được chú ý. Trong VN30, MSN là cổ phiếu duy nhất tăng trên 5%, MWG có thêm 0,7%, FRT, DGW cùng đóng cửa trong sắc xanh. Ở nhóm bất động sản, sắc xanh cũng áp đảo.

Minh Sơn

eBox

VN-Index có thể kết thúc năm 2023 quanh vùng 1.060-1.180 điểm

Báo cáo của KBSV dự đoán VN-Index biến động quanh mức 1.060-1.150 còn VNDirect lại đưa ra kịch bản chỉ số đại diện sàn HoSE năm nay “hạ màn” ở 1.060-1.180 điểm.

Xem thêm khuyến nghị tại chương trình Ebox

Yếu tố hỗ trợ thị trường quay lại vùng điểm trên 1.150 được nhóm chuyên gia KBSV chỉ ra gồm lãi suất thấp kỷ lục, kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế và lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp niêm yết.

“Thị trường đang nằm trong vùng hấp dẫn để đầu tư tích lũy cổ phiếu trong trung và dài hạn”, báo cáo viết.

Đồng quan điểm, báo cáo của VNDirect đánh giá, lãi suất huy động giảm mạnh khiến thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn. Tính đến cuối tháng 11, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh đã giảm về mức bình quân 5,13% một năm, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cuối tháng 10. Trong khi đó, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng tư nhân cũng giảm gần 0,3 điểm phần trăm so với tháng trước.

Cũng theo nhóm phân tích, tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-Index và lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng nhà nước đang được nới rộng hơn.

Ngoài ra, kịch bản tích cực được VNDirect xây dựng với các yếu tố như lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang trong xu hướng giảm; Trung Quốc tung ra các gói giải cứu thị trường bất động sản; áp lực tỷ giá trong nước hạ nhiệt tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ; ngành sản xuất – xuất khẩu có những tín hiệu phục hồi rõ nét hơn.

Tuy nhiên, ở chiều thận trọng hơn, nhiều nhóm phân tích cũng dự báo VN-Index có thể “hạ màn” ở mức 1.060 điểm. Bởi theo Bloomberg đánh giá mức P/E của VN-Index khoảng 15.5 lần như hiện tại, thấp hơn không nhiều so với mức bình quân hai năm trở lại nên không quá hấp dẫn.

Ngoài ra, thị trường cũng khó bứt tốc trong ngắn hạn lên vùng 1.200 do các mã cổ phiếu dẫn dắt thị trường chưa trải qua nhịp điều chỉnh đủ sâu để tạo nền giá bền vững.

Giao dịch chứng khoán tại sàn Yuanta. Ảnh: Quỳnh Trần

Giao dịch chứng khoán tại sàn Yuanta. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhận định về dòng tiền trong tuần cuối năm, Chứng khoán MB đánh giá, trong khi chỉ số đại diện sàn HoSE gần như đi “dậm chân tại chỗ” trong một tháng trở lại đây, dòng tiền nhiều khả năng vẫn sẽ luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu chứng khoán, thủy sản, thực phẩm, bất động sản khu công nghiệp, đầu tư công, hóa chất, công nghệ…

Do đó, nhóm phân tích khuyến nghị, nhà đầu tư nên tập trung vào tăng trưởng, tích lũy trung dài hạn, tập trung vào các nhóm cổ phiếu lành mạnh với chỉ số tài chính bền vững trong 5 năm gần nhất.

Song, để xác định nhóm doanh nghiệp có các chỉ số tài chính tốt hay xu hướng vận động thị trường trong ngắn – trung – dài hạn không phải là điều dễ dàng với các nhà đầu tư mới. Để trang bị kiến thức tài chính cho các nhà đầu tư mới hiểu sâu hơn về thị trường chứng khoán, eBox, nền tảng chia sẻ kiến thức đa lĩnh vực tổ chức chuyên đề “Bức tranh kinh tế 2023 – 2024, kinh nghiệm vượt khó và sinh tồn trong thị trường Tài chính – Chứng khoán”.

Chuyên gia Ngô Quốc Khánh trong buổi quay hình cho eBox. Ảnh: eBox

Chuyên gia Ngô Quốc Khánh trong buổi quay hình cho eBox. Ảnh: eBox

Trong 70 phút chương trình, chuyên gia sẽ lần lượt điểm qua các cột mốc quan trọng của thị trường, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm vượt sóng chứng khoán trong hai thập kỷ đầu tư.

Ở phần cuối của chương trình, chuyên gia đưa ra các dự báo cho nền kinh tế trong năm 2024 và những nhóm ngành triển vọng có thể đầu tư theo cả hình thức ngắn, trung và dài hạn. Người xem được hướng dẫn quan sát diễn biến của thị trường tài chính – chứng khoán qua đồ thị trực quan.

Hiện, độc giả có thể mua vé sớm từ nay đến 3/1/2024 với 399.000 đồng. Sau khoảng thời gian này, vé sẽ tăng lên mức 549.000 đồng. Toàn bộ video được lưu lại vĩnh viễn trên eBox để độc giả xem bất lại cứ lúc nào. Khách mua từ hai vé nhận thêm ưu đãi từ 15-25%.

Độc giả có thể mua vé tại đây.

Thảo Vân

eBox

Cổ phiếu Vietnam Airlines tiếp tục tăng trần

Sau thông tin thoát khỏi diện cảnh báo, mã HVN của Vietnam Airlines tăng kịch trần hai phiên liên tiếp, thường xuyên “trắng” bên bán.

Chỉ khoảng 3 phút sau khi mở cửa phiên chiều nay, HVN nhảy một mạch lên 12.550 đồng một cổ phiếu, tăng hết biên độ. Mã này dư mua hơn 1,1 triệu đơn vị, trong khi bên bán nhỏ giọt, thường xuyên “trắng” bảng. Thanh khoản HVN đạt gần 25 tỷ đồng, tăng bốn lần so với hôm qua. Ở phiên giao dịch trước, cổ phiếu này cũng tăng hết biên độ.

So với vùng giá 10.000 đồng hồi cuối tháng 10, hiện thi giá cổ phiếu của hãng hàng không quốc gia tăng 23%. Trước đó, mã cổ phiếu Vietnam Airlines từng tiệm cận 15.000 đồng vào đầu năm.

HVN hôm nay tím trần sau thông tin Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) quyết định đưa mã chứng khoán này ra khỏi diện cảnh báo từ ngày 26/12. Lý do là Vietnam Airlines đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 16/12, khắc phục được nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo.

Tuy nhiên, mã HVN vẫn đang bị hạn chế giao dịch, chỉ được thực hiện mua – bán vào phiên chiều. Doanh nghiệp này còn đứng trước nguy cơ có thể bị hủy niêm yết vì đã lỗ ba năm liên tiếp với mức lũy kế hơn 35.000 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu.

Máy bay Boeing 787-10 của hãng. Ảnh: Vietnam Airlines

Máy bay Boeing 787-10 của hãng. Ảnh: Vietnam Airlines

Về thị trường chứng khoán, hôm nay VN-Index đi trên tham chiếu cả ngày, nối dài mạch tăng 6 phiên liên tiếp. Lực bán vẫn chực chờ trên sàn, dồn dập nhất vào khoảng 14h. Nhưng chỉ số đại diện sàn HoSE đóng cửa trên 1.222 điểm, tăng gần 5 điểm so với hôm qua.

Toàn sàn có 265 cổ phiếu tăng giá, số lượng giảm là 216 mã. Đóng góp nhiều nhất cho mức tăng của thị trường lần lượt là VCB, VHM, HPG, HVN, FPT…

Tuy nhiên thanh khoản lại đi ngược điểm số. Tổng giá trị giao dịch trên sàn này đạt hơn 14.700 tỷ đồng, giảm hơn 400 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng phiên thứ 20 liên tiếp với giá trị đạt khoảng 315 tỷ đồng.

Tất Đạt

eBox

Khối ngoại trở lại mua ròng

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay giảm bán và tập trung gom hàng, họ mua ròng hơn 400 tỷ đồng trong phiên VN-Index tăng gần 7 điểm.

Hôm nay khối ngoại mua vào hơn 1.200 tỷ đồng, tăng gần 28% so với phiên trước. Ngược lại, họ bán ra khoảng 770 tỷ đồng, giảm lượng xả hàng trong hai phiên liên tiếp. Theo đó, chênh lệch giữa chiều mua và bán được nới rộng lên hơn 440 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với hôm qua. Nhóm này gom mạnh nhất các mã VHC, HCM, HSG, ASM và quỹ FUEVFVND.

Nhà đầu tư nước ngoài đã có hai phiên mua ròng liên tiếp sau 20 phiên tập trung rút tiền khỏi thị trường. Khối ngoại bắt đầu bán ròng từ 29/11 với tổng giá trị đạt hơn 10.800 tỷ đồng. Họ trở lại mua ròng từ hôm 27/12 với mức lũy kế hơn 550 tỷ đồng. Trong hai ngày qua, khối ngoại vào tiền ở các mã thép, ngân hàng, dịch vụ tài chính – vốn đã chịu áp lực bán mạnh trong thời gian trước.

Khối ngoại rót tiền trở lại trong phiên VN-Index diễn biến khá tích cực. Trong buổi sáng, đồ thị chỉ số đại diện sàn HoSE đi ngang quanh 1.122-1.125 điểm khi thị trường giao dịch kém sôi động. VN-Index có lúc bị kéo về dưới tham chiếu nhưng giảm không sâu. Phần lớn thời gian còn lại, chỉ số này giữ sắc xanh.

Sang buổi chiều, lực cầu xuất hiện nhiều giúp VN-Index cải thiện điểm số tốt hơn. Sau 14h, mốc 1.130 điểm được thị trường kiểm tra nhưng không thành công. Chốt phiên, chỉ số này tăng gần 7 điểm lên khoảng 1.129 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng về sắc xanh với hơn 53% cổ phiếu tăng giá. Đóng góp tích cực nhất là VHM khi cổ phiếu này tăng 4,3% với thanh khoản hơn 560 tỷ đồng. Theo sau còn có các mã VIC, SSB, VPB, TCB…

Bất động sản dẫn dắt thị trường khi các mã có thanh khoản lớn như DIG, PDR, DXG, VIC, VRE, IDC đều tăng, dẫu mức độ không đồng đều. Ngành này có SIP và ITC đạt giá kịch trần với hàng chục tỷ đồng giao dịch.

Nhóm ngân hàng cũng có diễn biến tích cực khi xanh lá là màu chủ đạo trên bảng điện. TCB và VIB đều tích lũy hơn 2% so với tham chiếu. ACB và VPB cùng tăng trên 1%.

Do thị trường chỉ sôi động trong buổi chiều, thanh khoản hôm nay giảm hơn 3.800 tỷ về khoảng 15.500 tỷ đồng trên sàn HoSE. Nhà đầu tư chủ yếu giao dịch các cổ phiếu bất động sản, dịch vụ tài chính và ngân hàng.

Tất Đạt

eBox

Đặc quyền khi sở hữu vé sớm eBox về chứng khoán

Độc giả đăng ký mua vé sớm nhận ưu đãi với giá 339.000 đồng, nhận về tài liệu và tương tác cùng ông Ngô Quốc Khánh – chuyên gia 24 năm kinh nghiệm đầu tư.

eBox chuyên đề “Bức tranh kinh tế 2023 – 2024, kinh nghiệm vượt khó và sinh tồn trong thị trường Tài chính – Chứng khoán” mở cổng đăng ký sớm với giá 339.000 đồng đến 3/1, sau đó tăng lên 549.000 đồng.

Độc giả tham gia được tiếp cận video kiến thức về chứng khoán với độ dài 70 phút, phát sóng 9/1/2024. Toàn bộ nội dung được lưu lại vĩnh viễn trên eBox để xem bất lại cứ lúc nào. Khách mua từ hai vé nhận thêm ưu đãi từ 15-25%.

Đặc quyền khi sở hữu vé sớm eBox về chứng khoán

Đặc quyền khi sở hữu vé sớm eBox về chứng khoán

Trailer phần chia sẻ của chuyên gia Ngô Quốc Khánh trong eBox phát sóng ngày 9/1/2024.

Diễn giả duy nhất trong số eBox này là chuyên gia Ngô Quốc Khánh – hiện công tác tại đại diện văn phòng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước TP HCM. Trong 70 phút chương trình, chuyên gia sẽ lần lượt điểm qua các cột mốc quan trọng của thị trường, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm vượt sóng chứng khoán trong hai thập kỷ đầu tư. Theo chuyên gia, thị trường chứng khoán luôn có cơ hội và thách thức, nhưng nếu chúng ta hiểu và có kiến thức đủ sâu thì sẽ nhìn thấy được có hội đầu tư sinh lời khi “gặp sóng”.

“Bất kỳ biến động nào trong nền kinh tế đều có kênh đầu tư để sinh lời”, chuyên gia nói.

Ông Khánh cũng nhấn mạnh, thời kỳ vàng của nền kinh tế Việt Nam đang hiển thị ngay trước mắt, nhà đầu tư cần có nền tảng vững chắc, để nhìn nhận đúng những “điểm mấu chốt” trong giai đoạn này. Để đầu tư hiệu quả, bên cạnh kiến thức, trải nghiệm, hiểu về dòng tiền… ông Khánh còn chỉ ra 7 “gạch đầu dòng” cho người tham gia trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Ở phần cuối, vị này đưa ra các dự báo cho nền kinh tế trong năm 2024 và những nhóm ngành triển vọng có thể đầu tư theo cả hình thức ngắn, trung và dài hạn. Người xem được hướng dẫn quan sát diễn biến của thị trường tài chính – chứng khoán qua đồ thị trực quan.

Chuyên gia Ngô Quốc Khánh hiện công tác tại đại diện văn phòng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP HCM, người có 24 năm kinh nghiệm đầu tư đầu tư sẽ là diễn giả cho số eBox lần này.

Chuyên gia Ngô Quốc Khánh hiện công tác tại đại diện văn phòng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP HCM, người có 24 năm kinh nghiệm đầu tư đầu tư sẽ là diễn giả cho số eBox lần này.

Để tham gia, độc giả có thể đăng ký tham gia nhanh bằng tài khoản eBox, Google, Facebook…, thanh toán bảo mật bằng Momo, Napas, chuyển khoản… Thành viên tham gia được chuyên gia hướng dẫn trực quan thông qua các đồ thị, case study (câu chuyện thực tế) cụ thể, được tải về tài liệu, tham gia hỏi đáp cùng nhóm cộng đồng trên eBox.

Ngoài được ưu đãi giảm giá cho giai đoạn vé sớm (đến 3/1), độc giả còn nhận về tài liệu và có cơ hội tương tác cũng chuyên gia. Trong 100 khán giả đăng ký đầu tiên, ban tổ chức tiến hành quay số chọn ra 50 người may mắn tặng vé xem eBox “Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả” từ chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh và Phan Dũng Khánh.

eBox là dự án nền tảng chia sẻ kinh nghiệm bằng video của VnExpress. Tới nay, chương trình đã tổ chức được nhiều số về chứng khoán, bất động sản, thu nhập thụ động, nghỉ hưu sớm, blockchanin, tâm lý-sức khỏe… với sự tham gia của nhiều diễn giả có chuyên môn ở nhiều lĩnh vực. Các chủ đề của eBox thu hút hơn 20.000 người tham gia cùng 50 diễn giả là các chuyên gia đầu ngành đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau.

Quế Anh

eBox

Novagroup liên tục bán cổ phiếu trả nợ

Sau khi bán hơn 20 triệu cổ phiếu NVL, công ty mẹ Novagroup tiếp tục đăng ký bán thêm hơn 2,2 triệu đơn vị để hỗ trợ cơ cấu nợ.

Theo thông tin công bố mới đây, Công ty cổ phần Novagroup đăng ký bán hơn 2,2 triệu cổ phiếu NVL của công ty con Novaland từ ngày 28/12 đến ngày 10/1 năm sau. Mục đích là cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ cơ cấu nợ.

Ước tính dựa theo giá đóng cửa của NVL hôm 26/12, Novagroup có thể mang về hơn 37,3 tỷ đồng nếu bán hết số lượng đăng ký. Theo đó, tỷ lệ sở hữu sẽ giảm về 19,49%. Novagroup vẫn là cổ đông lớn nhất và có mối quan hệ với gia đình ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch Novaland.

Với lý do tương tự, Diamond Properties – một cổ đông khác có liên quan đến ông Nhơn, cũng đăng ký bán gần 4,8 triệu cổ phiếu NVL từ ngày 19/12 đến ngày 9/1 năm sau. Nếu thương vụ thành công, công ty này có thể thu về khoảng 80 tỷ đồng.

Trước đó, từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12, Novagroup cũng đã bán gần 20,3 triệu cổ phiếu NVL. Thị giá trung bình trong giai đoạn này khoảng 17.309 đồng. Như vậy, ước tính thương vụ mang về gần 350,9 tỷ đồng để Novagroup cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ cơ cấu nợ.

Như vậy từ tháng 11, hai pháp nhân liên quan đến ông Bùi Thành Nhơn đã hoàn thành và dự kiến tiếp tục bán ra tổng cộng hơn 27 triệu cổ phiếu NVL. Ước tính, cả hai doanh nghiệp sẽ thu về khoảng 468 tỷ đồng.

Bên cạnh việc chủ động xả hàng, Novagroup liên tục bị các công ty chứng khoán bán giải chấp. Tổng cộng trong hai tháng gần đây, doanh nghiệp này có 6 lần phải bán giải chấp với hơn 3 triệu cổ phiếu. Diamond Properties cũng có hai lần bị bán giải chấp với khoảng 76.700 cổ phiếu NVL.

Hàng chục triệu cổ phiếu được bán vào giữa lúc thị giá NVL có nhịp phục hồi. Sau đợt giảm về quanh vùng 13.000-14.000 đồng một đơn vị trong tháng 10, mã chứng khoán của Novaland bắt đầu phục hồi ngay từ đầu tháng 11. Trong khoảng hai tháng qua, mã này đã tích lũy thêm 31%, có phiên vươn lên 18.700 đồng một cổ phiếu. Tuy nhiên trong hai tuần gần đây, NVL có xu hướng đi ngang quanh vùng 17.000 đồng.

Thời gian qua, hệ sinh thái Novagroup tập trung vào tái cấu trúc nợ. Riêng Novaland, trong cuộc họp với Thủ tướng hồi giữa tháng 11, Giám đốc tài chính Dương Văn Bắc cho biết tập đoàn này đã qua thời điểm khó khăn nhất và đi được 80% con đường tái cấu trúc. Gần đây, lô trái phiếu quốc tế trị giá 300 triệu USD cũng được tái cấu trúc thành công khi phần lớn trái chủ đồng ý cho trả lãi chậm và đổi thành cổ phiếu NVL với giá ban đầu 40.000 đồng.

Tất Đạt

VN-Index tiếp tục ‘xanh vỏ, đỏ lòng’

Chỉ số đại diện sàn HoSE cải thiện điểm số vào những phút cuối phiên nhưng có đến một nửa cổ phiếu giảm giá trong hôm nay.

Đồ thị VN-Index tiếp tục “mắc võng” theo mô hình: đạt sắc xanh ở những đầu giờ rồi bị kéo về dưới tham chiếu, sau đó lại cải thiện điểm số ở những phút cuối. Chỉ số này đóng cửa ở mức hơn 1.103 điểm, tăng 0,63 điểm so với phiên trước, nối dài mạch tăng 4 phiên liên tiếp.

Tuy nhiên, thị trường tiếp tục rơi vào tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng”. Toàn sàn HoSE có 197 cổ phiếu tăng giá nhưng lại có đến 284 cổ phiếu giảm giá. Các mã bảo hiểm, dầu khí, công nghệ có diễn biến tiêu cực nhất. Ở chiều ngược lại, chỉ số được tăng điểm từ nhóm viễn thông, hóa chất, ngân hàng.

Như vậy trong tuần giao dịch cận kề cuối năm, VN-Index chỉ có một phiên giảm điểm, còn lại đều chốt trong sắc xanh. Tuy nhiên, tình trạng quanh mốc 1.100 điểm được duy trì suốt tuần trong bối cảnh giao dịch ảm đạm, nhà đầu tư chọn đứng ngoài quan sát và chỉ mua bán theo kiểu thăm dò. Tuần này, chỉ số đại diện sàn HoSE gần như đứng yên khi chỉ cải thiện được 0,76 điểm.

Thanh khoản thị trường TP HCM tăng cùng điểm số. Tổng giá trị giao dịch hôm nay đạt hơn 12.250 tỷ đồng, cao hơn hôm qua khoảng 960 tỷ đồng. Dòng tiền của nhà đầu tư tập trung vào nhóm dịch vụ tài chính, bất động sản và ngân hàng.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 500 tỷ đồng. Đây là phiên thứ 18 nhóm này xả hàng liên tiếp, hôm nay tập trung ở các mã HPG, VND, MSN…

Tất Đạt

eBox

Thao túng thị trường chứng khoán, một cá nhân bị phạt 1,5 tỷ đồng

Ông Nguyễn Việt Hà, ở Hà Nội, vừa bị phạt 1,5 tỷ đồng và cấm giao dịch 2 năm do dùng nhiều tài khoản tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu GKM.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã phạt ông Nguyễn Việt Hà số tiền 1,5 tỷ đồng do có hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Từ ngày 2/8/2021 đến ngày 28/1/2022, ông này đã sử dụng 23 tài khoản để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu Công ty cổ phần Khang Minh Group (GKM) nhằm tạo cung, cầu giả, thao túng giá cổ phiếu GKM.

Ngoài xử phạt, ông Hà bị cấm giao dịch chứng khoán 2 năm, kể từ ngày 9/10. Ông còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.

Trước đó, tháng 11 nhà chức trách đã xử phạt 1,5 tỷ đồng đối với ông Nguyễn Hữu Đức khi sử dụng tài khoản chứng khoán của chính mình và 75 tài khoản của 21 nhà đầu tư khác để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu FIR của Công ty cổ phần Địa ốc First Real.

Tại các hội nghị về kinh tế năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục đề nghị cơ quan quản lý xử nghiêm các vi phạm liên quan tới chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp hay bất động sản để lành mạnh hoá thị trường. Trước đó, cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố nguyên Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết với cáo buộc “thao túng giá chứng khoán”.

Thi Hà

Nhà đầu tư sẽ không được ‘gửi tiền’ vào công ty chứng khoán

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán dừng “huy động vốn” từ nhà đầu tư và tất toán toàn bộ giao dịch đã phát sinh trước ngày 30/6/2024.

Trong văn bản mới ban hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nêu hiện tượng một số công ty chứng khoán thông qua trang web, ứng dụng hoặc ký hợp đồng trực tiếp với nhà đầu tư để thỏa thuận cho phép họ được hưởng lãi suất trên số tiền chưa phát sinh giao dịch trong tài khoản. Cơ quan quản lý cảnh báo hoạt động này có thể khiến nhà đầu tư hiểu rằng công ty chứng khoán có chức năng nhận tiền gửi như tổ chức tín dụng.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty phải dừng ngay việc thỏa thuận này. Đồng thời, các đơn vị phải tất toán toàn bộ giao dịch đã phát sinh liên quan đến hoạt động trên, chậm nhất trước ngày 30/6/2024. Công ty chứng khoán sẽ phải báo cáo lộ trình thực hiện việc tất toán trước 30/12/2023, đồng thời định kỳ hàng tháng phải báo cáo kết quả thực hiện cho tới khi tất toán toàn bộ.

Tính đến hết quý III, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán đạt khoảng 77.000 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 5 quý. Những năm gần đây, tiền của nhà đầu tư để trong tài khoản chứng khoán đều duy trì ở mức rất lớn, có thời điểm lên đến 100.000 tỷ đồng.

Thực tế nếu trừ lượng tiền dùng để đảm bảo tỷ lệ an toàn cho giao dịch, “núi tiền” trên có thể được chia thành hai dạng. Thứ nhất là trường hợp nhiều nhà đầu tư nạp tiền vào tài khoản nhưng sau đó nhận thấy chưa đến thời điểm thích hợp để mua. Vì ngại thao tác tốn công, họ để lại số tiền trên mà không rút ra. Các công ty chứng khoán thường trả lãi hàng tháng cho số tiền này theo dạng “tiền gửi không kỳ hạn” với lãi suất thấp, dao động khoảng 0,1-0,3% một năm.

Dạng thứ hai là các hình thức biến tướng huy động vốn từ nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán đưa ra sản phẩm tương tự như gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng, để thu hút vốn từ nhà đầu tư sau đó trả lãi cho họ với mức lãi suất cao hơn đáng kể. Hồi đầu năm, một số đơn vị trả đến 12% cho tiền gửi 12 tháng, đến nay dù hạ nhiệt, lãi suất vẫn được đưa ra ở mức 8-9%. Đây được xem là cách huy động vốn khác cho các công ty chứng khoán, bên cạnh vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu doanh nghiệp, để phục vụ hoạt động cho vay ký quỹ (margin) và tự doanh của các công ty chứng khoán.

Như vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ cấm việc biến tướng huy động vốn từ nhà đầu tư của các công ty chứng khoán. Theo giới chuyên gia, sau đợt “tuýt còi” này, các công ty chứng khoán sẽ phải cân đối hoạt động tự doanh, có thể bao gồm việc thu hẹp một phần hoạt động này để tất toán tiền cho nhà đầu tư. Ngoài ra, hoạt động cho vay ký quỹ cũng có những bước thay đổi theo hướng siết chặt hơn, khi các đơn vị này mất đi một nguồn tiền “dễ dãi”.

Một nhà đầu tư đang theo dõi thị trường chứng khoán trên ứng dụng điện thoại, tháng /4/2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Một nhà đầu tư đang theo dõi thị trường chứng khoán trên ứng dụng điện thoại, tháng 4/2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn đề cập tình trạng một số công ty chứng khoán thực hiện thỏa thuận, ký kết hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại. Hợp đồng mẫu có nội dung “ngân hàng được quyền trích tiền từ tài khoản thanh toán của công ty chứng khoán để thu hồi nợ khi công ty chứng khoán không trả nợ đầy đủ, đúng hạn”.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thỏa thuận này có thể gây hiểu nhầm việc trích tiền từ tài khoản thanh toán của các công ty chứng khoán, bao gồm tài khoản chuyên dụng của nhà đầu tư đứng tên công ty chứng khoán mở tại ngân hàng. Do vậy, để đảm bảo an toàn trong hoạt động của thị trường, cơ quan quản lý yêu cầu các công ty chứng khoán không thực hiện thỏa thuận, ký kết hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại có nội dung gây hiểu nhầm như trên.

Kèm theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán phải đảm bảo khả năng thanh toán, chi tiền, chi trả tiền gửi giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong mọi tình huống.

Tất Đạt

eBox