Chứng khoán nối dài chuỗi tăng sau phiên 3/1, khi VN-Index có thêm hơn 12 điểm lên 1.144 điểm, mức cao nhất kể từ giữa tháng 10/2023.
Sau phiên tăng điểm đầu tuần, thị trường mở cửa hôm nay có phần thận trọng hơn. VN-Index giao dịch gần ngưỡng kháng cự 1.130-1.135 điểm khiến nhiều nhà đầu tư chọn quan sát trước khi hành động. Tuy nhiên, khi dòng tiền nhập cuộc tích cực, thị trường dần khởi sắc.
Chỉ số của sàn HoSE nhẹ nhàng vượt qua đỉnh cũ 1.130-1.135 điểm, nhờ nhóm bán lẻ, chứng khoán, ngân hàng. Lực mua không quá mạnh nhưng đủ lấn lướt bên bán giúp nhiều cổ phiếu trở lại sắc xanh. Đến đầu phiên chiều, VN-Index dần bứt tốc khi dòng tiền vào mạnh hơn. Sắc xanh lan rộng, đặc biệt ở nhóm mid-cap và penny.
Chốt phiên, VN-Index đóng cửa ở mức 1.144,17 điểm, tăng 12,45 điểm (1,1%) so với phiên trước và nối dài mạch tăng 4 phiên liên tiếp. Mức điểm của VN-Index hôm nay cũng cao nhất trong gần ba tháng.
VN30-Index có thêm 13,2 điểm (1,17%) lên 1.144,85 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng đóng cửa trên tham chiếu.
Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 16.400 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE là hơn 14.700 tỷ, giảm khoảng 2.500 tỷ đồng so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng hơn 200 tỷ đồng, phiên thứ hai liên tiếp.
Sắc xanh chiếm ưu thế, sàn HoSE có 395 cổ phiếu tăng giá so với 106 cổ phiếu giảm giá. Trong nhóm VN30, 27/30 mã bluechip đóng cửa trên tham chiếu.
Dòng tiền của nhà đầu tư tập trung vào ba nhóm ngành chính là bất động sản, ngân hàng và dịch vụ tài chính.
Trong VN30, ngân hàng giữ 4/5 vị trí tăng tốt nhất. SHB, STB tăng 2,7%, ACB có thêm 2,2%, BID vượt tham chiếu 1,9%, MBB, TCB, CTG, VIB tăng hơn 1%.
Nhóm bán lẻ cũng khởi sắc, với MWG chốt phiên tăng 1,8%, DGW tăng kịch trần gần 7%. Các mã bất động sản phân khúc mid-cap như DIG, DXG, NLG, NVL đóng cửa trên tham chiếu, HQC tăng hết biên độ. Một số mã khác như HNG, HVN hay nhóm OGC, OCH đều tăng đột biến.
Ngược lại, sắc đỏ chiếm thiểu số, rải rác ở nhiều nhóm ngành. Trong VN30, SSB giảm mạnh nhất với biên độ 2,7%, BCM giảm 0,6%.
VN-Index hôm nay vượt 1.150 điểm, phiên tăng điểm thứ năm liên tiếp, nhưng áp lực chốt lời đang mạnh dần.
Sắc xanh tiếp tục là gam màu chủ đạo của thị trường khi VN-Index có thêm hơn 6 điểm sau phiên hôm nay. Chỉ số của sàn HoSE đã giữ sắc xanh trong toàn bộ bốn phiên trước, vượt các ngưỡng kháng cự ngắn hạn. Tuy nhiên, đà tăng liên tiếp của thị trường cũng gặp trở ngại khi áp lực bán dần tăng lên.
Lo ngại tâm lý rút tiền những ngày cận Tết Nguyên đán khiến nhiều nhà đầu tư chọn cách chốt lời để bảo vệ thành quả. Áp lực bán ra tăng mạnh trong phiên chiều nay khi VN-Index tiến gần ngưỡng 1.160 điểm.
Nhiều cổ phiếu từ mức giá trần thu hẹp đà tăng còn 3-4%, một số mã trở lại sắc đỏ, khiến VN-Index chốt phiên chỉ tăng 0,57%, dừng ở mức trên 1.150 điểm – phiên tăng điểm thứ năm liên tiếp.
Nhóm bluechip là trụ đỡ chính vào cuối phiên, với VN30-Index đóng cửa tăng 11,5 điểm (1,01%) lên 1.156,37 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 0,4%, còn UPCOM-Index chốt phiên dưới tham chiếu.
Thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh, đạt hơn 28.300 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE gần 25.300 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng so với phiên trước – mức cao nhất kể từ 7/12/2023.
Cuối phiên, sàn HoSE có 299 cổ phiếu tăng giá, so với 203 cổ phiếu giảm.
Cổ phiếu ngân hàng là trụ đỡ chính cho thị trường, trong khi các mã mid-cap và penny bị chốt lời. Trong nhóm bluechip, VCB là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với gần 2 điểm, khi mã này tăng 1,7% lên 85.900 đồng. MBB là cổ phiếu tăng mạnh nhất với biên độ 5%, CTG có thêm 3,6%, TPB, HDB vượt tham chiếu hơn 2%, SHB, TCB, VPB, VIB, ACB, SSB tăng trên 1%.
Ngược lại, MSN, BCM đóng cửa giảm hơn 1%, HPG, BID, GVR giao dịch dưới tham chiếu.
Ở nhóm mid-cap và penny, nhiều cổ phiếu thu hẹp đà tăng trước áp lực bán ra trong phiên chiều. OGC tăng kịch trần đầu giờ nhưng đóng cửa chỉ còn tăng chưa tới 4%. Bộ đôi HAG, HNG giảm 3-4%. Nhóm bất động sản đa phần chốt phiên dưới tham chiếu.
Chứng khoán DNSE mở cổng đăng ký mua cổ phiếu IPO trực tuyến 100% từ ngày 4-24/1 giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian và tiếp cận thông tin minh bạch, dễ dàng.
Chứng khoán DNSE sẽ chào bán 30 triệu cổ phiếu lần đầu ra công chúng nhằm huy động 900 tỷ đồng. Đặc biệt, hệ thống của DNSE cho phép nhà đầu tư đăng ký và mua cổ phiếu IPO 100% online. Thương vụ đánh dấu lần đầu nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu lần đầu chào bán hoàn toàn trực tuyến.
Cổ phiếu DNSE sẽ được chào bán lần đầu theo hình thức dựng sổ, tức là phân phối ưu tiên về giá, mức giá đặt mua cao hơn sẽ được ưu tiên phân phối trước.
Có ba mốc thời gian nhà đầu tư cần lưu ý. Thời gian nhận đăng ký mua và nộp tiền cọc từ 4-24/1, nhà đầu tư đặt cọc số tiền 10% giá trị cổ phiếu đặt mua, tính theo giá đặt mua. DNSE sẽ thông báo kết quả đặt mua cổ phiếu từ 25-30/1. Đây cũng là thời điểm để nhà đầu tư hoàn tất thanh toán khi đã đặt mua cổ phiếu thành công.
Đại diện doanh nghiệp đánh giá, trên thực tế, nhu cầu mua cổ phiếu IPO của nhà đầu tư là rất lớn. Dù vậy, những vướng mắc và thủ tục trong việc thực hiện mua cổ phiếu IPO là không đơn giản, khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Việc thực hiện chào bán cổ phiếu IPO 100% online sẽ giúp cổ phiếu dễ tiếp cận mới với các nhà đầu tư đại chúng. Điều này cũng giúp tăng sức hấp dẫn của cổ phiếu và khả năng thành công của thương vụ IPO.
Nhà đầu tư có thể tìm kiếm tất cả thông tin doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh, chiến lược sau IPO và đặt lệnh đăng ký, đặt cọc mua cổ phiếu ngay trên kênh chào bán cổ phiếu lần đầu của DNSE. Với lợi thế công nghệ, DNSE có thể làm chủ được hoạt động chào bán online, qua đó mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, tiện lợi hơn trong việc mua cổ phiếu IPO.
Thành lập từ năm 2007, DNSE đã có nhiều bước ngoặt trong những năm qua. Từ năm 2021, công ty đã thay đổi hoàn toàn nhận diện thương hiệu, định vị là công ty chứng khoán công nghệ, cho ra mắt hàng loạt sản phẩm chứng khoán số như hệ thống quản trị và cho vay theo từng giao dịch (Margin Deal), Ensa – Trợ lý đầu tư AI đầu tiên trên thị trường, hay chiến lược kết nối API với các đối tác như ví điện tử ZaloPay để tăng trưởng khách hàng theo cấp số nhân…
Sau 3 năm thay đổi toàn diện, số lượng khách hàng đến với DNSE đã tăng gấp hơn trăm lần, lên gần 600.000 vào cuối năm. NAV trung bình của toàn bộ khách hàng trong năm 2023 vào khoảng gần 20.000 tỷ đồng, với giá trị giao dịch trung bình qua DNSE hơn 7.000 tỷ đồng mỗi tháng. DNSE cũng liên tục nằm trong top dẫn đầu thị phần tài khoản mở mới trên thị trường.
Trong 5 năm tới, với chiến lược đầu tư vào sức mạnh công nghệ, DNSE đưa ra mục tiêu sở hữu 5 triệu khách hàng, vốn hóa 72.000 tỷ đồng, lợi nhuận 2.400 tỷ đồng.
Sau hơn 5 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên chào đón một công ty chứng khoán công nghệ chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO). Thông qua việc việc IPO 100% trực tuyến, DNSE kỳ vọng có thể dùng công nghệ để đi tiên phong trên thị trường, từ đó, tối ưu lợi ích cho nhà đầu tư.
Thảo Vân
Cổng đăng ký và mua cổ phiếu chào bán lần đầu ra công chúng của DNSE mở từ 8h ngày 4/1 đến 16h ngày 24/1. Giá chào bán khởi điểm 30.000 đồng một cổ phiếu. Mỗi nhà đầu tư được đăng ký mua tối thiểu 1.000 cổ phiếu, tối đa 16.499.900 cổ phiếu (không quá 5% sau IPO), bước khối lượng là 100 cổ phiếu. Độc giả có thể tham khảo thông tin chi tiết tại đây.
Theo báo cáo phân tích thị trường chứng khoán năm 2024 của Công ty chứng khoán MB (MBS), chỉ số đại diện sàn HoSE năm nay có thể tăng lên ngưỡng 1.250-1.280 điểm trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm chạm “đáy”. “Định giá thị trường hợp lý là cơ hội để tích lũy cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn”, báo cáo đánh giá.
Dẫn chứng cho những tín hiệu tích cực của chứng khoán Việt, nhóm phân tích MBS chỉ ra có bốn yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường trong năm 2024.
Cụ thể, việc FED có thể hạ lãi suất từ quý II/2024 sẽ kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm tăng trưởng ở những thị trường mới nổi. Đây cũng là một trong bốn yếu tố được Chứng khoán KB (KBSV) đánh giá sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán trong nước năm nay. KBSV cho rằng, thời điểm FED hạ lãi suất có thể sớm hơn so với mốc thời gian MBS dự đoán.
“Việc FED chính thức đảo chiều chính sách tiền tệ vào cuối quý I trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt giúp định hình xu hướng chứng khoán Việt”, báo cáo của KB viết.
Ngoài ra, nhóm phân tích MBS cũng kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng 16.8% trong năm 2024, khi xuất khẩu và sản xuất phục hồi tích cực, tiêu dùng ổn định, lãi suất thấp, đầu tư được thúc đẩy.
Đồng quan điểm, KBSV xác định câu chuyện hạ mặt bằng lãi suất và tăng trưởng của nhóm doanh nghiệp niêm yết là động lực tăng trưởng của thị trường. Dự báo tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết ước trong khoảng 15-20% trong năm 2024, dựa trên nền năm 2023 thấp và yếu tố về định giá thị trường. Cụ thể, P/E thị trường hiện ở mức 15 lần – mức trung tính và là cơ sở để đánh giá thị trường năm 2024 sẽ có chuyển biến tốt hơn.
Ngoài hai yếu tố trên, sự ấm dần của thị trường bất động sản cũng mang đến tín hiệu khả quan cho chứng khoán. Nút thắt cổ chai pháp lý tại nhiều dự án ở TP HCM và Hà Nội đang được phần nào tháo gỡ với tốc độ tương đối chậm, song tạo tiền đề cho sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Cuối cùng, nhóm phân tích MBS kỳ vọng, chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhiều thông tin hỗ trợ trong thời gian tới khi hệ thống KRX sẽ được đi vào vận hành. Điều này giúp tạo nền tảng cơ sở để nhiều sản phẩm mới được triển khai, từ đó rút ngắn con đường nâng hạng thị trường mới nổi của Việt Nam.
“VN-Index sẽ tăng lên mức 1.250 – 1.280 điểm trên cơ sở lợi nhuận DN niêm yết năm 2024 tăng 16.8% và định giá P/E 12 – 12.5 lần”, báo cáo của MBS viết.
Ngoài bốn yếu tố trên, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024. Về dài hạn, theo VCBS, Việt Nam sẽ là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 và tiếp tục duy trì sức hút lớn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp (FDI) lẫn gián tiếp (FII).
VCBS dự báo, chỉ số VN-Index có thể đạt đỉnh tại vùng 1.300 điểm trong năm 2024. Tuy nhiên, thị trường có thể có những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ giữa những nhịp tăng điểm.
Song ở chiều ngược lại, thị trường vẫn tiềm ẩn các yếu tố rủi ro. MBS chỉ ra, việc thị trường bất động sản đóng băng kéo dài sẽ gia tăng nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, tạo điểm nghẽn dòng vốn, làm giảm sự lưu thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán.
Lạm phát có thể tăng cao hơn so với kỳ vọng sẽ dẫn đến đảo chiều chính sách tiền tệ. Yếu tố này được KBSV đề cập như một “rủi ro lớn nhất” với thị trường. Báo cáo công ty này viết, rủi ro địa chính trị kiến hàng hóa, giá dầu, cước vận tải… tăng sẽ gây áp lực lên lạm phát, khiến ngân hàng trung ương khó có thể nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, để xem thêm các nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024, độc giả có thể đón xem chuyên đề “Bức tranh kinh tế 2023 – 2024, kinh nghiệm vượt khó và sinh tồn trong thị trường Tài chính – Chứng khoán” trên eBox, nền tảng chia sẻ kiến thức đa lĩnh vực.
Trong 70 phút chương trình, chuyên gia sẽ lần lượt điểm qua các cột mốc quan trọng của thị trường, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm vượt sóng chứng khoán trong hai thập kỷ đầu tư.
Ở phần cuối của chương trình, chuyên gia đưa ra các dự báo cho nền kinh tế trong năm 2024 và những nhóm ngành triển vọng có thể đầu tư theo cả hình thức ngắn, trung và dài hạn. Người xem được hướng dẫn quan sát diễn biến của thị trường tài chính – chứng khoán qua đồ thị trực quan.
Giá vé eBox chứng khoán giảm về mức 299.000 đồng, áp dụng từ 30/12 đến 24h ngày 3/1/2024, sau đó tăng lên 549.000 đồng.
Ngoài ưu đãi về giá, người tham dự còn có thêm cơ hội nhận tư vấn với 100 câu hỏi gửi về sớm nhất sẽ được chuyên gia trực tiếp giải đáp. Khách mua từ hai vé nhận thêm ưu đãi từ 15-25%. Ban tổ chức cũng tặng thêm chương trình “Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả” cho 100 người đăng ký sớm nhất và 50 đơn hàng may mắn.
Khoảng 13.700 tỷ đồng thu từ bán 1,37 tỷ cổ phiếu sẽ được Novaland ưu tiên tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản phải trả đến hạn.
Novaland (NVL) vừa thông qua kế hoạch phát hành 200 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hạn chế chuyển nhượng một năm. Doanh nghiệp này cũng bán cho các cổ đông hiện hữu hơn 1,17 tỷ cổ phiếu không bị hạn chế chuyển nhượng theo tỷ lệ 60%, tức 10 cổ phiếu “đổi” 6 đơn vị.
Giá chào bán sẽ do HĐQT quyết định, nhưng không thấp hơn 10.000 đồng một đơn vị. Novaland dự định phát hành số cổ phiếu trên trong năm nay, hoặc thời điểm khác do ban lãnh đạo quyết định.
Như vậy, nếu phát hành thành công, NVL có thể thu về ít nhất khoảng 13.700 tỷ đồng. Số tiền trên được ưu tiên cho tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản phải trả (gồm gốc, lãi và các khoản phí khác). Ưu tiên kế tiếp là thanh toán lương cho cán bộ nhân viên và chi phí vận hành chung. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn muốn dùng tiền góp vốn vào công ty con, thực hiện các dự án do NVL là chủ đầu tư.
Theo quyết định, đợt chào bán này có tối đa 5 nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia. Còn số lượng cổ đông sẽ được chốt tại ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền mua. Đến cuối tháng 11, NVL có hơn 78.700 cổ đông là cá nhân và tổ chức.
Trước đó, doanh nghiệp này từng lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 975 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và chứng khoán chuyên nghiệp. Các cổ đông hiện hữu sẽ được quyền mua thêm 1,95 tỷ cổ phiếu. So với ý định ban đầu, lượng cổ phiếu phát hành giảm hơn 1,5 tỷ đơn vị, số tiền dự kiến thu cũng giảm hơn 15.500 tỷ đồng.
Thời gian qua, Novaland và hệ sinh thái Novagroup tập trung vào tái cấu trúc nợ. Họ tích cực đàm phán để gia hạn, thay đổi lãi suất hoặc hoán đổi nợ sang tài sản khác, cũng như tìm cách huy động vốn để hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Doanh nghiệp của ông Bùi Thành Nhơn cũng sắp xếp lại, ưu tiên cho những công trình sắp hoàn thiện để bàn giao sản phẩm cho khách hàng và chọn những dự án có khả năng thanh khoản cao để đẩy nhanh pháp lý nhằm bắt kịp đà hồi phục của thị trường bất động sản. Tại cuộc họp với Thủ tướng giữa tháng 11/2023, Giám đốc tài chính Dương Văn Bắc cho biết tập đoàn này đã qua thời điểm khó khăn nhất và đi được 80% con đường tái cấu trúc.
Hiện, chủ đầu tư này có 4 cụm dự án chính, quy mô lớn tại TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Novaworld Phan Thiet.
VCB, ACB, TCB, MBB vào nhóm cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất cho VN-Index, giúp chỉ số này kết thúc phiên đầu năm mới ở mức 1.131,7 điểm.
Kết thúc năm 2023, VN-Index tăng hơn 12%. Các công ty chứng khoán đều cho rằng trong ngắn hạn, đỉnh cũ 1.130 – 1.135 điểm vẫn là kháng cự của thị trường.
Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới, VN-Index giữ sắc xanh cả ngày, trừ những phút rung lắc nhẹ cuối buổi sáng. Chỉ số đại diện sàn HoSE có diễn biến tích cực hơn hẳn trong nửa đầu phiên khi có lúc tiệm cận 1.140 điểm nhưng nhanh chóng mất đà rồi giảm điểm. Sang buổi chiều, chỉ số này chịu áp lực bán mạnh hơn và hạ dần độ cao.
VN-Index đóng cửa ở mức 1.131,7 điểm, tăng gần 2 điểm so với cuối tuần trước – thời điểm kết thúc năm 2023. Chỉ số này đã có ba phiên tăng liên tiếp, nhưng thị trường rơi vào trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng” khi có 299 cổ phiếu giảm giá, nhiều hơn so với 197 cổ phiếu tăng.
Ngân hàng là nhóm có diễn biến tích cực nhất với chỉ số ngành dẫn đầu thị trường sau thông tin Ngân hàng Nhà nước phân bổ hết hạn mức tín dụng cho các nhà băng ngay từ đầu năm. Hôm nay, VCB tăng 4% lên 83.500 đồng một đơn vị, là cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất cho chỉ số chung. Trong năm 2023, mã chứng khoán của Vietcombank cũng là cổ phiếu tác động tích cực nhất cho VN-Index khi góp hơn 27 điểm.
Ngoài ra, các mã như SHB, MBB, VIB, LPB đều tích lũy thêm từ 1% trở lên. Ngành này còn ghi nhận ACB tăng 2,3% so với tham chiếu, ABB tăng 3,8%.
Dòng tiền của nhà đầu tư cũng đổ về nhóm ngân hàng, ngoài ra còn có hai cái tên quen thuộc là dịch vụ tài chính và bất động sản. Thanh khoản hôm nay tăng cùng điểm số, cao hơn 1.300 tỷ đồng so với phiên cuối năm 2023. Tổng giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 17.100 tỷ đồng.
Sau ba phiên gom hàng, nhà đầu tư nước ngoài trở lại bán ròng trong phiên đầu năm. Họ xả hàng hơn 350 tỷ đồng, chủ yếu là quỹ FUESSVFL và các mã SSI, VRE, HCM, STB.
Chuyên gia Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) lưu ý nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển dòng tiền chung, là rút ròng ở khu vực mới nổi và cận biên để tăng giải ngân tại các thị trường phát triển khi họ tin vào sự tích cực của nền kinh tế Mỹ và triển vọng giảm lãi suất ngay đầu năm. Do đó, việc bán ròng không chỉ diễn ra ở thị trường Việt Nam mà còn được ghi nhận ở các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong, Thái Lan.
DNSE sẽ tiến hành chào bán 30 triệu cổ phiếu lần đầu ra công chúng nhằm huy động 900 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 27/12, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp giấy phép chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cho Chứng khoán DNSE. Theo đó, tổng số lượng cổ phiếu được DNSE bán đấu giá đợt này là 30 triệu cổ phiếu, loại cổ phiếu phổ thông. Giá chào bán khởi điểm 30.000 đồng một cổ phiếu.
Mỗi nhà đầu tư được đăng ký mua tối thiểu 1.000 cổ phiếu, tối đa 16.499.900 cổ phiếu (không quá 5% sau IPO), bước khối lượng là 100 cổ phiếu. Tổng giá trị vốn huy động vốn dự kiến của đợt chào bán là tối thiểu 900 tỷ đồng.
Đặc biệt, DNSE cũng là công ty chứng khoán duy nhất thực hiện IPO trong vòng 5 năm trở lại đây. Về cách thức phân phối, với thế mạnh về công nghệ, DNSE sẽ là công ty đầu tiên cho phép nhà đầu tư đăng ký và mua cổ phiếu 100% bằng hình thức trực tuyến.
Chứng khoán DNSE tiền thân là Chứng khoán Đại Nam, thành lập vào năm 2007 và trở thành công ty đại chúng vào năm 2017. Năm 2021, Chứng khoán Đại Nam trở thành thành viên của Công ty cổ phần Công nghệ Tài chính Encapital, đổi tên thành Chứng khoán DNSE. Sau bước ngoặt này, DNSE chuyển hướng theo mô hình fintech, cho ra mắt hàng loạt sản phẩm chứng khoán số và ghi nhận tăng trưởng những năm gần đây.
Sau 2 năm về với Encapital, DNSE nằm trong top 10 công ty có vốn điều lệ lớn nhất thị trường vào năm 2022, đạt mức 3.000 tỷ. Sau đợt IPO lần này, vốn điều lệ của DNSE sẽ đạt mức 3.300 tỷ đồng
Song song với việc tăng quy mô nguồn vốn, DNSE phát triển công nghệ với nhiều sản phẩm lần đầu tiên được áp dụng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mang đến giao dịch tiện lợi, hiệu quả cho nhà đầu tư.
Trong đó có Margin Deal, hệ thống đầu tiên cho phép quản trị và cho vay theo từng giao dịch, từng lệnh mua bán tách biệt. Giải quyết những điểm yếu của mô hình cho vay theo tổng tài khoản như truyền thống, Margin Deal của DNSE mang đến sự linh hoạt về lãi suất và tỷ lệ vay; sự minh bạch trong hiển thị lãi lỗ, thuế phí, tránh tối đa rủi ro bán chéo cổ phiếu tốt trong danh mục.
Từ khi áp dụng, hệ thống này giúp DNSE ghi nhận dư nợ margin tăng liên tục, đóng góp vào kết quả kinh doanh chung. Vừa qua, lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm của DNSE tăng 334%, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
DNSE cũng triển khai mô hình chăm sóc khách hàng thông qua môi giới ảo (AI Broker). Trợ lý ảo này có thể phân tích thị trường, phân tích cơ bản hoặc kỹ thuật các mã cổ phiếu, tư vấn cổ phiếu tiềm năng theo những bộ chỉ báo khách quan… ngay trên nền tảng giao dịch Entrade X của DNSE. Thông qua chatbot tự động, mô hình này đã giải đáp và hỗ trợ hàng chục nghìn câu hỏi từ nhà đầu tư ngay từ khi ra mắt thử nghiệm, với tốc độ xử lý và cập nhật nhanh nhạy, theo sát thị trường, gợi ý đầu tư khách quan.
Ngoài ra, để mở rộng dư địa khách hàng, DNSE cũng kết nối cùng các đối tác tài chính, đào tạo, phân tích dữ liệu, ngân hàng… tạo ra trải nghiệm “một chạm” cho khách hàng. Nhà đầu tư có thể gói trọn việc học tập kiến thức, phân tích dữ liệu và giao dịch chứng khoán trên cùng một nền tảng, thuận tiện cho việc đầu tư.
Gần nhất, DNSE cùng với ZaloPay ra mắt sản phẩm tài khoản chứng khoán đầu tiên trên ví điện tử, cho phép đầu tư chỉ từ một cổ phiếu. Bước đi này giúp DNSE thu hút thêm hơn 350.000 tài khoản mở mới, đứng top đầu thị phần tài khoản mở mới. Cụ thể, 3 tháng liên tiếp trong quý III, DNSE sở hữu số tài khoản chiếm 32,95% toàn thị trường.
Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị DNSE, thời gian qua, DNSE kiên định theo đuổi mục tiêu trở thành công ty chứng khoán công nghệ có chiến lược linh hoạt, sáng tạo. Chiến lược này đã giúp DNSE vượt qua trở ngại của thị trường và đạt kết quả khả quan.
“Công nghệ là chìa khóa phát triển, điều này được minh chứng ở rất nhiều doanh nghiệp ‘kỳ lân’ quốc tế, đặc biệt là ngành tài chính. Thông qua IPO, DNSE sẽ có thêm nguồn lực để nâng cao năng lực vốn, đầu tư mạnh mẽ hơn vào công nghệ, hiện thực hóa chiến lược dài hạn”, ông Giang cho biết.
Doanh nghiệp kỳ vọng, với tiềm năng của mô hình tài chính – chứng khoán công nghệ trên thế giới, cùng với triển vọng kinh doanh, tăng trưởng lợi nhuận của DNSE, sau khi hoàn thành niêm yết, cổ phiếu DNSE sẽ mở ra cơ hội cho nhà đầu tư ở giai đoạn khởi điểm.
Khối ngoại đã bán ròng hơn 24.830 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD, khỏi sàn HoSE năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 2021.
Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), nhà đầu tư nước ngoài năm ngoái mua vào gần 314.900 tỷ đồng và bán ra khoảng 339.700 tỷ đồng, tính cả cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, quỹ ETF và chứng quyền đảm bảo. Giá trị giao dịch ở cả hai chiều đều giảm so với năm 2022, nhưng mạnh nhất ở chiều mua khi sụt hơn 16%.
Tổng lại, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 24.830 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD. Nếu tính riêng cổ phiếu, con số trên là hơn 19.500 tỷ đồng.
Trừ tháng 1, khối ngoại bán ròng liên tiếp 11 tháng trong năm ngoái. Lực bán đổ dồn vào tháng cuối năm khi chênh lệch đến gần 9.970 tỷ đồng so với chiều mua, mạnh nhất kể từ tháng 5/2021.
Tuy nhiên, tổng giá trị bán ròng năm ngoái chỉ bằng 43% so với mức đỉnh của năm 2021. Cách đây ba năm, họ xả hàng hơn 58.050 tỷ đồng, tương đương gần 2,4 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại.
Trong 2023, câu chuyện khối ngoại bán ròng được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo báo cáo mới đây của công ty tư vấn đầu tư FIDT, giao dịch của khối ngoại lại không quá đáng ngại. Thực tế cho thấy, lực bán của nhóm này mạnh hơn sau khi thị trường đạt đỉnh vào cuối tháng 8 kéo dài đến cuối năm 2023, nhưng thị trường chứng khoán trong giai đoạn này vẫn duy trì được các nhịp tăng điểm tích cực, VN-Index tổng kết năm tăng hơn 12%.
Tuy nhiên, nhóm phân tích này vẫn lưu ý câu chuyện trên sẽ tác động một phần đến xu hướng cũng như ảnh hưởng mạnh lên trạng thái tâm lý của thị trường chung. Hành động của khối ngoại chủ yếu là mua ròng mỗi khi thị trường sụt giảm với biên độ lớn và bán ròng khi thị trường hồi phục, điển hình là khi thị trường chạm đáy vào cuối tháng 10.
Theo thống kê của FIDT, ngân hàng là nhóm bị nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh nhất. Tiếp đó là thực phẩm và đồ uống, bất động sản, dịch vụ tài chính và bán lẻ. Riêng nhóm bất động sản, tỷ trọng bán mạnh chủ yếu đến từ nhóm các cổ phiếu “họ Vin” đã mang nhiều rủi ro và kéo cả ngành trở nên tiêu cực trong góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài. Ngược lại, nhóm tài nguyên cơ bản có được niềm tin của họ và liên tục được mua ròng từ đầu năm.
Ở từng cổ phiếu riêng lẻ, SSI Research đưa ra thống kê rằng khối ngoại tập trung giao dịch các mã có vốn hóa lớn. EIB là cổ phiếu chịu áp lực bán nặng nề nhất năm ngoái với hơn 4.600 tỷ đồng. Theo sau là các mã VPB, MWG, VHM, VNM… Ngược lại, HPG trở thành cổ phiếu hút vốn ngoại nhiều nhất với hơn 3.300 tỷ đồng. Các mã HSG, STG, DGC, FRT cũng nằm trong nhóm hấp dẫn với họ.
Trước đó, đà bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã được nhiều bên quan sát thị trường lý giải. FiinTrade cho rằng mục đích của động thái trên là để cơ cấu danh mục, tập trung xả những cổ phiếu từng gom mạnh trong những năm trước. Hành vi này cũng từng được ghi nhận trong những năm trước. Còn theo SGI Capital, đây là hoạt động cơ cấu danh mục do những nhìn nhận về rủi ro ở từng nhóm cổ phiếu hơn là rủi ro chung của toàn thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, chuyên gia Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) lưu ý nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển dòng tiền chung: rút ròng ở khu vực mới nổi và cận biên để tăng giải ngân tại các thị trường phát triển khi họ tin vào sự tích cực của nền kinh tế Mỹ và triển vọng giảm lãi suất ngay đầu năm sau. Do đó, việc bán ròng không chỉ diễn ra ở thị trường Việt Nam mà còn được ghi nhận ở các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong, Thái Lan.
Tổng vốn hóa thị trường đến hết năm nay đạt hơn 240 tỷ USD, tương đương 56,4% GDP, riêng sàn HoSE là 186 tỷ USD.
2023 là một năm nhiều biến động với thị trường chứng khoán. VN-Index vượt lên trong tháng đầu tiên của năm, đóng cửa trên ngưỡng 1.100 điểm nhưng lùi về gần 1.000 điểm chỉ một tháng sau đó. Thị trường trầm lắng cho tới đầu tháng 5, trước khi bước vào nhịp tăng mạnh nhất của năm.
Chỉ trong hơn ba tháng, VN-Index tăng gần 20%, từ vùng 1.040 điểm lên 1.240 điểm. Cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, bán lẻ, bất động sản là những cái tên đáng chú ý nhất. Tuy nhiên, vùng giá 1.245 điểm cũng là mức đỉnh của VN-Index năm 2023.
Chỉ số của sàn HoSE giữ vùng giá này cho tới đầu tháng 9 trước khi lao dốc. Áp lực bán ra tăng nhanh trước những diễn biến trái chiều từ thị trường quốc tế, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất. VN-Index đổ đèo về gần ngưỡng 1.000 điểm chỉ trong gần hai tháng, xóa hết thành quả từ đầu năm. Thanh khoản trong giai đoạn này cũng giảm sâu, về quanh ngưỡng 10.000 tỷ đồng trên HoSE.
Hai tháng cuối năm, VN-Index dần phục hồi trở lại, về quanh ngưỡng 1.100 điểm và đi ngang ở vùng này. Chốt phiên 29/12, chỉ số của HoSE đóng cửa ở mức 1.129,93 điểm, tăng hơn 12% so với đầu năm. Tổng vốn hóa thị trường đến hết năm 2023 đạt hơn 240 tỷ USD, tương đương 56,4% GDP.
Cuối năm nay, trên HoSE có 394 mã cổ phiếu, 14 mã chứng chỉ quỹ ETF, 4 mã chứng chỉ quỹ đóng và 229 mã CW đang niêm yết. Tổng khối lượng và giá trị chứng khoán niêm yết lần lượt đạt 154,9 tỷ chứng khoán và hơn 1,53 triệu tỷ đồng, tăng 7,7% về khối lượng và 7% về giá trị so với năm 2022.
Trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu sẽ đạt 100% GDP năm 2025 và 120% GDP vào năm 2030. Con số này gần gấp đôi so với quy mô vốn hóa hiện tại.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản hai năm tới và 11 triệu tài khoản năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Với quy mô hơn 7,2 triệu tài khoản đang giao dịch hiện nay, ước tính sẽ có thêm khoảng 2 triệu tài khoản mới đến năm 2025.
Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP vào năm 2030.
Chỉ số đại diện sàn HoSE kết phiên hôm nay tăng chỉ 1 điểm lên sát 1.130 điểm, tăng 12% so với cuối năm ngoái.
Trong phiên giao dịch cuối năm, VN-Index giữ sắc xanh cả ngày. Sau đợt rung lắc nhẹ, chỉ số này tiến sát vùng 1.135 điểm vào cuối buổi sáng, tăng gần 6 điểm. Nhưng sang buổi chiều, thị trường chịu áp lực bán lớn dần và giảm gần 3 điểm trong phiên ATC.
VN-Index chốt phiên ở 1.129,93 điểm, tăng một điểm so với hôm trước. Như vậy so với cuối năm ngoái, chỉ số VN-Index tăng hơn 248 điểm, tương đương 12,2%. Trong năm, VN-Index từng đạt đỉnh hơn 1.255 điểm vào đầu tháng 9, từ mức đáy gần 1.008 điểm hồi đầu năm.
Ở sàn Hà Nội, HNX-Index giảm nhẹ phiên cuối năm và chốt ở mức hơn 231 điểm. Trong năm nay, chỉ số này tích lũy gần 26 điểm, mức tăng khá tương đương với sàn TP HCM khi đạt 12,5%.
Với mức tăng hơn 12%, đây là năm thị trường chứng khoán có hiệu suất (mức tăng về điểm số theo %) thấp nhất kể từ 2020, nhưng cải thiện đáng kể so với mức giảm gần 33% của năm ngoái. Năm 2020, VN-Index tích lũy gần 15% với đà phục hồi tốt trong nửa cuối năm. Sang năm 2021, chỉ số này tăng mạnh đến gần 36% với diễn biến tích cực cùng xu hướng tăng giá (uptrend) kéo dài.
Điểm số chốt phiên năm nay nằm trong dự liệu của nhiều công ty chứng khoán và đơn vị quan sát thị trường. Trước đó, nhiều nhóm phân tích đồng thuận rằng VN-Index sẽ theo hướng tích lũy trong tháng 12 nhưng không quá mạnh và kết phiên cuối năm dưới mức 1.200 điểm.
Trong phiên giao dịch cuối năm, ngành hóa chất dẫn đầu đà tăng về điểm số. Theo sau còn có nhóm xây dựng và vật liệu, bán lẻ. Các cổ phiếu chứng khoán và bất động sản cũng kịp chốt phiên với mức tăng nhẹ. Ở chiều ngược lại, ngành ngân hàng giảm nhẹ về điểm số. Ngoài ra các ngành công nghệ, bảo hiểm cũng có diễn biến kém khả quan.
Toàn sàn HoSE có 295 cổ phiếu tăng, trong khi ghi nhận 190 cổ phiếu giảm. Góp mức cải thiện nhiều nhất cho thị trường là các mã GVR, BID, VPB, HDB. Ngược lại, VCB ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số chung khi góp hơn 3,5 điểm giảm, theo sau còn có VHM, VNM, GAS.
Thanh khoản phiên cuối năm tăng thêm 270 tỷ, đạt gần 15.800 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài có phiên thứ ba mua ròng liên tiếp với biên độ hơn 340 tỷ đồng, giảm khoảng 100 tỷ so với hôm qua.