Chứng khoán

Cổ phiếu Vingroup kéo thị trường

VN-Index chốt phiên đầu tuần tăng hơn 15 điểm, vượt xa ngưỡng 1.200 điểm, khi bộ ba cổ phiếu Vingroup tăng kịch trần.

Chứng khoán khởi đầu tuần mới trong sắc xanh, nhưng sự thận trọng của các nhà đầu tư vẫn ở mức cao khi chỉ số quanh ngưỡng tâm lý 1.200 điểm. Biên độ trong phiên sáng dao động nhẹ do bên mua và bán đều giữ vị thế quan sát.

Tuy nhiên, đến đầu phiên chiều, lực đẩy của thị trường xuất hiện từ bộ ba cổ phiếu Vingroup. VRE, VIC và VHM đồng loạt tăng mạnh kéo VN-Index nới rộng sắc xanh. Tin đồn về khả năng một thương vụ bán vốn tại công ty con của Vingroup khiến nhà đầu tư đổ dồn sự chú ý vào nhóm này. Chỉ số của sàn HoSE tăng trên 10 điểm chỉ sau ít phút, chốt phiên tăng hơn 15 điểm (1,26%) lên gần 1.225 điểm. 2/3 cổ phiếu nhóm Vingroup là VIC và VRE chốt phiên tăng kịch trần, VHM cũng tăng 6,7%.

VN30-Index cũng tăng với biên độ tương tự, lên 1.240,2 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng vượt tham chiếu.

Phiên hôm nay cũng nối dài chuỗi tăng thứ 6 liên tiếp của VN-Index. Chỉ số này đang ở mức cao nhất từ ngày 20/9/2023.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 29.000 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 24.700 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cũng mua ròng hơn 137 tỷ đồng.

Chỉ số tăng mạnh, phần lớn đến từ nhóm Vingroup, nhưng sắc xanh không quá áp đảo trên bảng điện. Cuối phiên, sàn HoSE có 298 cổ phiếu tăng giá, so với 217 cổ phiếu giảm giá.

VHM là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với hơn 3 điểm khi mã này đóng cửa tăng gần kịch trần. VIC đứng thứ hai về mức độ ảnh hưởng với 2,9 điểm.

Ngoài nhóm Vingroup, các mã dầu khí cũng hút dòng tiền trong phiên hôm nay. BSR chốt phiên tăng gần 6%, PVB, OIL có thêm hơn 3%, PLX, PVC, PVD, PVS giao dịch tích cực. Hôm nay là ngày Thần Tài, cổ phiếu PNJ lại giảm về dưới tham chiếu.

Một số cổ phiếu nhóm ngân hàng, bán lẻ, vật liệu xây dựng cũng được chú ý. Ngược lại, cổ phiếu bất động sản đa số chìm trong sắc đỏ.

Minh Sơn

Văn Phú – Invest phát hành 6,5 triệu trái phiếu

Việc phát hành thành công 6,5 triệu trái phiếu giúp doanh nghiệp thu về 650 tỷ đồng, là nguồn tài chính quan trọng để thực hiện các dự án.

Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest (HoSE: VPI) thông báo chào bán 6,5 triệu trái phiếu ra công chúng từ đầu tháng 11/2023.

Theo đó, đây là loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm. Kỳ hạn lô trái phiếu là 36 tháng, trả lãi 6 tháng một lần. Lãi suất cho hai kỳ tính lãi đầu tiên là 11% một năm, các kỳ tiếp theo lãi suất thả nổi (được tính bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank cộng thêm 4%, không thấp hơn 9,5% một năm).

Văn Phú – Invest dùng hai tài sản bảo đảm để phát hành lô trái phiếu này. Một là tài sản gắn liền với đất theo các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu Công ty TNHH MTV Đầu tư Hùng Sơn, cùng quyền tài sản phát sinh liên quan đến tài sản trên. Hai là 16,5 triệu cổ phiếu VPI thuộc sở hữu của ông Tô Như Toàn – Chủ tịch Văn Phú – Invest. Tổng giá trị tài sản bảo đảm là 1.155 tỷ đồng (gấp 1,77 lần giá trị phát hành lô trái phiếu).

Ngày 1/2, Văn Phú – Invest thông báo bán hết 6,5 triệu trái phiếu, thu về 650 tỷ đồng. Đại diện doanh nghiệp đánh giá, thành công của việc phát hành 6,5 triệu trái phiếu thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư dành cho doanh nghiệp, đồng thời khẳng định trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả với những tổ chức phát hành có năng lực tài chính, hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả.

Văn phòng Văn Phú - Invest. Ảnh: VPI

Văn phòng Văn Phú – Invest. Ảnh: VPI

Năm 2023, doanh nghiệp này ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu thuần 1.877 tỷ đồng. Riêng mảng bất động sản đóng góp 86% (tương đương 1.619 tỷ đồng). Lợi nhuận gộp đạt 1.310 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước, lớn nhất lịch sử. Khấu trừ các loại chi phí, Văn Phú – Invest báo lãi trước thuế 635 tỷ đồng và lãi sau thuế 463 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp có lãi sau thuế duy trì trong khoảng 300 – 500 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận doanh nghiệp đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, không dựa vào hoạt động tài chính hay các khoản thu nhập khác như thanh lý tài sản hay chuyển nhượng dự án hoặc công ty thành viên.

Về năng lực tài chính, Văn Phú – Invest sở hữu bảng tài sản chất lượng cao. Tổng tài sản tại ngày 31/12/2023 đạt 12.532 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm trước. Các khoản phải thu chiếm 21,7% tổng tài sản, đạt 2.720 tỷ đồng, giảm 10%. Trong khi đó, hàng tồn kho chiếm 29,5% tài sản, đạt 3.701 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh tại các dự án như: Song Khê – Nội Hoàng, The Terra – Bắc Giang… Đây là các dự án được chủ đầu tư này triển khai với tiến độ đảm bảo, đang chào bán ra thị trường.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Văn Phú – Invest đạt 3.979 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 2,15 lần. Sau phát hành thành công 6,5 triệu trái phiếu, hệ số này tăng lên 2,31 lần.

Nhìn tổng quan, trong bối cảnh thị trường bất động sản khan hiếm dự án mới và nguồn cung sản phẩm, Văn Phú – Invest có lợi thế nhờ sở hữu quỹ đất, quỹ dự án sạch về pháp lý và đang trong trạng thái sẵn sàng mở bán.

Một trong những dự án được mong đợi của Văn Phú – Invest trong năm 2024 là Vlasta – Thủy Nguyên (Hải Phòng). Dự án tọa lạc gần kề trung tâm hành chính mới của TP Hải Phòng và trung tâm huyện Thủy Nguyên, với quy mô 32,5 ha, gồm các dòng sản phẩm như: biệt thự (159 căn), liền kề (840 căn) cùng hạ tầng đồng bộ và tiện ích chất lượng.

Tính đến tháng 12/2023, dự án hoàn thiện cơ bản pháp lý, dự kiến hoàn tất các điều kiện cần thiết khác để tiến hành mở bán trong quý IV năm nay.

Văn Phú – Invest cho biết đang tập trung rất lớn cho Vlasta – Thủy Nguyên. Một phần vốn trái phiếu huy động được từ đợt chào bán nêu trên sẽ được dùng để phát triển dự án này, tạo tiền đề giúp công ty bứt phá về doanh thu và lợi nhuận trong các năm tới.

Ngoài Vlasta – Thủy Nguyên, doanh nghiệp tiếp tục đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án như Vlasta – Sầm Sơn, The Terra – Bắc Giang… Đến hết năm 2023, khoản “người mua trả tiền trước ngắn hạn” của Văn Phú – Invest đạt 1.018 tỷ đồng (tiền khách hàng mua sản phẩm bất động sản của công ty, tức nguồn doanh thu tương lai, con số nhiều khả năng tiếp tục tăng trong các tháng tới).

Văn Phú – Invest là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn tại Việt Nam, với quy mô tài sản lớn, vốn hóa thuộc top đầu (trên 14.000 tỷ đồng), doanh thu ổn định, lợi nhuận tăng trưởng, tài chính vững vàng. Đơn vị cũng được đánh giá cao bởi chiến lược kinh doanh trọng tâm, hiệu quả, an toàn, đáp ứng mong đợi của cổ đông và nhà đầu tư.

Hoài Phong

Chiến lược nào giúp các quỹ mở lãi gấp đôi thị trường?

VinaCapital, Dragon Capital, VCBF nói “bí quyết” của họ là chọn lọc kỹ cổ phiếu và định giá, đồng thời luôn đánh giá và quản trị rủi ro hợp lý.

Năm 2023, thị trường chứng khoán đã có nhịp phục hồi đáng kể. Xu hướng tăng giá (uptrend) kéo dài từ tháng 5 đến khoảng tháng 9 đã giúp VN-Index được kéo lên tiệm cận vùng 1.250 điểm. Tuy nhiên, đợt điều chỉnh mạnh từ cuối tháng 9 đến hết tháng 10 trở thành “cú sập” với nhiều nhà đầu tư cá nhân và cả một số tổ chức chuyên nghiệp. Nhưng nhờ nhịp phục hồi ở hai tháng cuối, VN-Index chốt năm 2023 với hiệu suất (tốc độ tăng trưởng tính theo %) khoảng 12,2%. Thị trường ghi nhận nhiều quỹ đầu tư mở đạt hiệu suất tốt hơn hẳn con số trên.

Dẫn đầu là Quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng của Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF-MGF) với mức tăng gần 32%. Hiệu suất này giúp quỹ phục hồi được khoản đã mất trong năm 2022 và mang thêm lợi nhuận trong năm 2023.

Ở vị trí thứ hai, Quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường VinaCapital (VESAF) có hiệu suất hơn 30,8%. Quỹ này đã thành lập hơn 6 năm, đầu tư chủ yếu vào các cổ phiếu niêm yết có vốn hóa vừa và nhỏ, các cổ phiếu có giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, đặc biệt là các cổ phiếu đã hết “room” cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo sau là Quỹ đầu tư lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (SCA) với mức tăng hơn 28,4% trong năm 2023. SCA đầu tư chủ động, tập trung vào các công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững, có thị phần lớn, năng lực quản trị tốt, tình hình tài chính vững mạnh, có khả năng hoạt động tốt trong điều kiện thị trường không thuận lợi và đang được định giá hấp dẫn.

Ngoài ba quỹ kể trên có hiệu suất trên 30%, thị trường ghi nhận thêm khoảng 10 quỹ mở đạt mức tăng trưởng cao hơn VN-Index.

Chọn lọc kỹ cổ phiếu là chiến lược chung của các quỹ để có hiệu suất đầu tư tốt hơn mặt bằng chung toàn thị trường.

Dragon Capital cho biết đã tập trung vào những cổ phiếu của công ty tốt và có định giá rẻ nhưng đã bị “bán quá đà” trong năm 2022 như các mã chứng khoán, thép, bất động sản, phân bón, hóa chất và dầu khí… Sang năm 2023, đây trở thành những nhóm ngành có giá cổ phiếu phục hồi mạnh mẽ và mang tính dẫn dắt thị trường.

“Chúng tôi luôn theo sát diễn biến vĩ mô, biến động thị trường và doanh nghiệp để cơ cấu danh mục theo hướng tối ưu hóa lợi nhuận cũng như cân đối quản trị rủi ro cho danh mục”, ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn – Giám đốc nghiệp vụ cấp cao lĩnh vực chứng khoán của Dragon Capital, lưu ý thêm.

Chia sẻ với VnExpress, bà Nguyễn Hoài Thu – Tổng giám đốc khối Chứng khoán VinaCapital, nói lựa ra doanh nghiệp để đầu tư cùng việc xây dựng được một danh mục tối ưu giữa lợi nhuận và rủi ro chính là yếu tố then chốt để các quỹ của đơn vị này đạt được hiệu suất cao.

“Ngay từ năm 2022, khi thị trường chứng khoán gặp nhiều bất lợi, chúng tôi đã mua vào những công ty có khả năng chống chọi tốt với khó khăn của kinh tế và bứt phá khi kinh tế hồi phục”, bà Thu chia sẻ.

Khi lựa chọn công ty, tiêu chí tăng trưởng không phải là yếu tố duy nhất, VinaCapital còn phân tích thêm khả năng tạo ra dòng tiền trong tương lại, tỷ lệ vay nợ và kế hoạch phát triển kinh doanh dài hạn. Đội ngũ này chú trọng đánh giá chất lượng của ban điều hành, phải là những người có tầm nhìn chiến lược, có khả năng mang lại tăng trưởng cho doanh nghiệp trong nhiều năm liên tục, hơn hết là có trách nhiệm đối với lợi ích của cổ đông.

Ngoài chất lượng nội tại của doanh nghiệp, định giá cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong triết lý đầu tư của VCBF. Sau khi phân tích và có được sự hiểu biết chuyên sâu về doanh nghiệp, đội ngũ quỹ này sẽ áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để xác định giá trị để biết được mức giá nào nên mua hoặc bán ở một cổ phiếu. Ngoài ra, VCBF cũng xác định đầu tư với tầm nhìn dài hạn, tránh mua và bán cổ phiếu sai thời điểm bằng cách thường xuyên đánh giá các công ty trong danh mục và so sánh với các cơ hội đầu tư khác

“Bán cổ phiếu sai thời điểm, đặc biệt là khi thị trường giảm mạnh, là một trong các sai lầm lớn và điển hình trong đầu tư”, Phó giám đốc đầu tư Nguyễn Triệu Vinh cho biết.

Tương tự, VBCF tự nhận họ rất kiên nhẫn khi mua cổ phiếu, điển hình với MGF – quỹ có hiệu suất tốt nhất năm trước. Quỹ này thành lập vào thời điểm thị trường lập đỉnh và nhiều cổ phiếu có định giá cao (tháng 12/2021), VCBF chọn giải ngân thận trọng trong hơn 6 tháng, tận dụng thời điểm thị trường giảm để mua vào các cổ phiếu tốt.

Quản trị rủi ro cũng là bí quyết giúp các quỹ đầu tư vượt qua đợt điều chỉnh mạnh hồi tháng 10/2023. Dragon Capital cho biết các chuyên gia quỹ đã nhận ra từ trước việc hút tín phiếu có thể ảnh hưởng đến thị trường trong ngắn hạn. Họ chuyển sang gia tăng tỷ lệ tiền mặt, chốt lời và giảm tỷ trọng ở một số cổ phiếu đã tăng nhiều như thép, chứng khoán, hóa chất. Tương tự, VincaCapital cũng kịp giảm bớt tỷ trọng một số cổ phiếu đã tăng nhanh, vượt quá giá mục tiêu tính toán trước khi thị trường xuống giá.

Song song đó, các quỹ đều cùng quan điểm rằng đó cũng là cơ hội tốt để “gom hàng”. VCBF nhận định rằng các khó khăn thách thức về vĩ mô chỉ là ngắn hạn và chủ yếu là do các tác động từ vĩ mô thế giới. Nhìn về trung về dài hạn, tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn rất khả quan. “Thời điểm tháng 10/2023 là một trong những cơ hội tốt để mua cổ phiếu của các công ty chất lượng cao ở mức giá phù hợp”, ông Vinh cho biết.

Tất Đạt

eBox

Chứng khoán vượt 1.200 điểm ngày đầu giao dịch sau kỳ nghỉ Tết

Giữ sắc xanh cả ngày với đà dẫn dắt của cổ phiếu ngân hàng và thép, VN-Index chốt phiên giao dịch đầu năm tăng gần 4 điểm lên 1.202,5 điểm.

Đúng như dự báo của các công ty chứng khoán, trong phiên giao dịch đầu tiên của năm Giáp Thìn, thị trường có diễn biến tích cực. VN-Index tăng hơn 6 điểm sau 15 phút đầu ngày, vượt 1.200 điểm. Sau đó, chỉ số này rung lắc nhưng chỉ dao động trong mức 1.202-1.206 điểm.

Sang nửa đầu buổi chiều, chỉ số đại diện sàn HoSE tạo đồ thị hình chữ V với mức đỉnh trong ngày hơn 1.207 điểm, tăng gần 9 điểm so với tham chiếu. Sau 14h, áp lực chốt lời bất ngờ xuất hiện dày đặc kéo chỉ số có lúc về sát tham chiếu.

Ngay khi kết thúc phiên ATC, VN-Index cải thiện và chốt phiên ở 1.202 điểm, tích lũy thêm gần 4 điểm so với phiên cuối năm Quý Mão. Đây là mức cao nhất kể từ cuối tháng 9/2023, tức gần 5 tháng qua.

Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên tăng giá khi sắc xanh chiếm gần 58% sàn HoSE. Đà tăng được dẫn dắt bởi nhóm thép – tài nguyên, dầu khí và ngân hàng.

Trong các cổ phiếu thanh khoản trăm tỷ thuộc nhóm tài nguyên, KSB tăng mạnh nhất với 2,9%. Theo sau là HPG khi tích lũy 2% nhưng mã này đạt thanh khoản cao nhất thị trường hơn 1.060 tỷ đồng, chiếm hơn 5% tổng giá trị giao dịch sàn HoSE. Hai “ông lớn” ngành thép khác là NKG và HSG lần lượt tăng 1,6% và 0,6%.

Cổ phiếu ngân hàng mới là nhóm dẫn dắt thị trường chính trong hôm nay khi thu hút dòng tiền lớn. MSB đạt giá kịch trần với thanh khoản hơn 520 tỷ đồng. Ngoài ra các mã như MBB, SHB, TCB và OCB cùng tăng trên 2%, riêng OCB chốt phiên cao hơn 5,3% so với tham chiếu.

Ngành ngân hàng cũng gửi 8 đại diện vào top 10 cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất cho thị trường. Dẫn đầu là TCB, theo sau lần lượt là MBB, MSB, OCB, VPB, VIB, SHB và TPB.

Thanh khoản thị trường hôm nay cùng chiều với điểm số. Tổng giá trị giao dịch trên sàn TP HCM đạt gần 19.400 tỷ đồng, tăng gần 3.900 tỷ so với phiên trước Tết.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài chọn “xông đất” đầu năm bằng phiên bán ròng gần 330 tỷ đồng. Đây là phiên xả hàng thứ ba liên tiếp của họ. Khối ngoại tập trung bán ra các mã VNM, CTG, MWG, PDR, VRE.

Tất Đạt

Công ty bầu Đức được phát hành riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu

Ủy ban chứng khoán Nhà nước vừa chấp thuận cho Hoàng Anh Gia Lai phát hành riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu, thu về 1.300 tỷ đồng.

Theo đó, nhà chức trách đề nghị trong 10 ngày diễn ra đợt chào bán, công ty phải gửi báo cáo kèm theo xác nhận của ngân hàng nơi mở tài khoản phong tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán cho Ủy ban chứng khoán.

Sau khi chào bán thành công cổ phiếu phát hành riêng lẻ, công ty sẽ thu 1.300 tỷ đồng. Công ty của bầu Đức sẽ dùng khoảng 347 tỷ đồng để thanh toán một phần hoặc toàn bộ nợ gốc, lãi cho lô trái phiếu HAG2012.300. Hơn 253 tỷ đồng sẽ nhằm tái cơ cấu nợ cho công ty con của HAGL và 700 tỷ còn lại để bổ sung vốn lưu động cho, cơ cấu lại nợ cho công ty con khác là Hưng Thắng Lợi Gia Lai.

Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Đức Đồng

Ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Đức Đồng

Theo thông tin Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai công bố, hai nhà đầu tư mua cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ của doanh nghiệp là Công ty Chứng khoán LPBank dự kiến mua 50 triệu cổ phiếu HAG, Tập đoàn Thaigroup mua 52 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán LPBank thành lập năm 2009. Hiện Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) là một trong những cổ đông lớn của nhà băng này với 5,5% cổ phần. Còn Thaigroup, tiền thân là Tập đoàn Xuân Thành – một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành nghề, hiện do ThaiHoldings (THD) sở hữu hơn 81% vốn.

Thaiholdings từng là công ty có liên quan tới ông Nguyễn Đức Thụy. Hiện ông Thụy cũng là Chủ tịch HĐQT LPBank. Quý cuối năm ngoái, ngân hàng này đã ký hợp tác toàn diện với HAGL.

Ngoài ra, đợt chào bán có thêm ông Lê Minh Tâm, tân Chủ tịch Chứng khoán LPBank, sinh năm 1971. Sau đợt phát hành này, ông Tâm có thể sở hữu 2,65% vốn của HAGL.

Thi Hà

Chứng khoán thường biến động thế nào sau kỳ nghỉ Tết

VN-Index có 14/23 năm giữ sắc xanh trong 5 phiên sau kỳ nghỉ Tết, với kỳ vọng năm nay chỉ số có thể vượt 1.200 điểm khi nhà đầu tư cá nhân quay trở lại.

Trong lịch sử 23 năm, VN-Index thường có khởi đầu tích cực khi giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Theo thống kê của VNDirect, nếu tính trong tuần giao dịch đầu tiên (5 phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết), chỉ số của sàn HoSE tăng điểm 14/23 năm.

Nếu xét giai đoạn 2015-2023, chỉ có hai năm 2020 và 2022 VN-Index khởi đầu năm mới trong sắc đỏ, còn lại 7 năm chỉ số tăng điểm. Trong một tháng đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, sắc xanh cũng áp đảo với 13/23 năm.

Trước kỳ nghỉ Tết, nhà đầu tư cá nhân thường có khuynh hướng chốt lời để bảo vệ thành quả, rút tiền ra khỏi thị trường để an tâm nghỉ ngơi. Dòng tiền này thường sẽ quay trở lại sau khi kỳ nghỉ kết thúc, giúp thị trường giao dịch tích cực hơn.

“Thị trường có xu hướng giảm trong vòng một tháng trước kỳ nghỉ lễ, nhưng trong tháng sau kỳ nghỉ lễ, xu hướng chủ đạo là tích cực”, báo cáo của VNDirect cho biết.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm Quý Mão, chỉ số của sàn HoSE đã tăng hơn 10 điểm, tiến sát ngưỡng 1.200 điểm. Lực kéo của nhóm ngân hàng, bất động sản, cùng phân khúc mid-cap giúp thị trường khởi sắc.

Đánh giá thị trường sau kỳ nghỉ, Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng VN-Index có thể rung lắc quanh ngưỡng cản 1.200 điểm và tích lũy thêm để gia năng nội lực trước khi có thể vượt qua ngưỡng cản này.

“Xu hướng trung hạn của thị trường là đang tích lũy lại và tiến tới vùng cân bằng mới trước khi cần thêm các tín hiệu vĩ mô, dòng tiền ủng hộ cho giai đoạn tăng trưởng mới, tuy nhiên thời gian tích lũy dự báo sẽ kéo dài và kênh tích lũy trung hạn của VN-Index sẽ trong vùng rộng từ 1.150 điểm – 1.250 điểm”, báo cáo của SHS cho biết.

Theo VNDirect, VN-Index đã vượt qua ngưỡng kháng cự quan trọng 1.150 điểm, qua đó kết thúc đợt điều chỉnh hình thành trước đó. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường chưa cải thiện nhiều cho thấy chỉ số vẫn chưa hình thành đà tăng mạnh.

Thanh khoản có thể tích cực trong nửa cuối tháng 2, khi nhà đầu tư cá nhân dần quay trở lại thị trường chứng khoán sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Dòng vốn trong nước gia tăng có thể thúc đẩy đà tăng của chỉ số, hướng tới vùng kháng cự tâm lý 1.200-1.220 điểm trong tháng này.

Minh Sơn

Công ty chứng khoán thuộc nhóm FLC bị phạt hơn 1 tỷ đồng

Công ty cổ phần chứng khoán BOS, một đơn vị thuộc “họ” FLC bị phạt hơn 1 tỷ đồng do những vi phạm về giấu thông tin giao dịch với nhóm cá nhân người nhà, FLC.

Quyết định xử phạt Chứng khoán BOS được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra hôm 6/2. Đây là công ty chứng khoán nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn FLC. BOS phải chịu phạt hành chính với tổng số tiền 1,08 tỷ đồng cho 8 vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán.

Theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, BOS bị phạt 137,5 triệu đồng do vi phạm về nhận lệnh và thực hiện lệnh giao dịch khi khách hàng không đủ tiền trong tài khoản tại thời điểm mua.

Công ty này cũng vi phạm quy định khi cho một số khách hàng vay tiền để thanh toán lệnh mua tại ngày thực hiện thanh toán bù trừ. Số tiền phạt với hành vi này là 187,5 triệu đồng.

Ngoài ra, BOS cũng bị phạt vì giấu thông tin giao dịch với nhóm cá nhân người nhà lãnh đạo – bà Hương Trần Kiều Dung, cựu Chủ tịch Chứng khoán BOS, đồng thời là Phó chủ tịch Tập đoàn FLC và bà Trịnh Thị Thúy Nga, thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS và là em gái ông Trịnh Văn Quyết và các bên liên quan khác

Hồi tháng 4/2022, bà Hương Trần Kiều Dung từng bị phạt hành chính 70 triệu đồng vì cùng lúc là thành viên Hội đồng quản trị 7 công ty. Cùng thời điểm này bà Dung và bà Thúy Nga bị bắt với cáo buộc thao túng và che giấu thông tin chứng khoán.

Cũng theo quyết định của Ủy ban Chứng khoán, Công ty Chứng khoán BOS còn bị phạt khoảng 250 triệu đồng với các vi phạm, như không công bố thông tin về báo cáo tài chính, quản trị năm 2022 và quý I/2023; báo cáo kiểm toán nội bộ, phòng chống rửa tiền 2020-2021.

Trước BOS, Ủy ban Chứng khoán nhà nước từng nhiều lần đưa ra các mức phạt hành chính với các công ty con, công ty thuộc hệ sinh thái và Tập đoàn FLC do các vi phạm trong giao dịch. Gần nhất, tháng trước Công ty FLCHomes – thuộc hệ sinh thái FLC bị phạt hơn 90 triệu đồng do không công bố các báo cáo tài chính, quản trị.

Anh Minh

Công ty của bầu Đức có tổng giám đốc mới

Công ty bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Thắng làm CEO kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Đây là thông tin vừa được Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) công bố trong nghị quyết hội đồng quản trị 7/2.

Theo đó, ngày 7/2, công ty nhận được đơn từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của ông Võ Trường Sơn với lý do cá nhân. Ngay sau đó, công ty đã bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Thắng làm CEO kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Ông Thắng sinh năm 1977, cử nhân kinh tế ngành tài chính doanh nghiệp, từ năm 2007 đến nay ông Thắng công tác tại Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.

Còn ông Sơn sinh năm 1973, tốt nghiệp chuyên ngành thạc sỹ tài chính. Ông từng làm việc tại các công ty kiểm toán lớn như A&C, Ernst & Young trước khi gia nhập Hoàng Anh Gia Lai từ năm 2008.

Năm 2015, công ty đã bổ nhiệm ông Sơn giữ vị trí tổng giám đốc. Ông đã có 16 năm công tác tại Hoàng Anh Gia Lai và 9 năm đương nhiệm vị trí cao nhất trong ban tổng giám đốc tập đoàn.

Bầu Đức (thứ 2 từ phải qua), ông Võ Trường Sơn (thứ 3 từ phải qua) tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư tháng 12/2023. Ảnh: HAGL

Bầu Đức (thứ hai từ phải qua), ông Võ Trường Sơn (thứ 3 từ phải qua) tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư tháng 12/2023. Ảnh: HAGL

Biến động nhân sự cấp cao của doanh nghiệp này diễn ra trong bối cảnh công ty đang tái cấu trúc cả về hoạt động kinh doanh lẫn tài chính.

Từ tháng 9/2023 đến nay, doanh nghiệp liên tục có động thái bán tài sản để trả nợ. Chia sẻ tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư cuối năm 2023 tại TP HCM, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch Hội đồng quản trị HAG, cho hay năm ngoái khách sạn Hoàng Anh Gia Lai đã bán xong với giá 180 tỷ đồng và quý IV công ty đã chuyển đổi cổ phần bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai. Sắp tới, sẽ tiếp tục thanh lý tài sản này. Trong năm, doanh nghiệp cũng đã trả xong khoản nợ Eximbank 750 tỷ đồng và được giảm lãi 1.000 tỷ đồng.

Năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng 36% so với năm liền trước, lãi ròng đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong 13 năm kinh doanh gần đây của doanh nghiệp phố núi này.

Riêng với kế hoạch phát hành riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu, bầu Đức cho biết mọi thủ tục đã hoàn tất và chờ phản hồi từ phía nhà chức trách.

Năm nay, công ty sẽ trồng thêm sầu riêng và nâng diện tích lên 2.000 ha. Dự tính trong năm công ty có khoảng 300-400 ha sầu riêng tại Việt Nam và Lào cho thu hoạch.

Tính đến 31/12/2023, nợ phải trả của doanh nghiệp là 14.802 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn giảm hơn 1.000 tỷ đồng xuống còn 4.194 tỷ đồng.

Theo bầu Đức, với kế hoạch kinh doanh hiệu quả, dự tính trong năm nay công ty sẽ xóa lỗ lũy kế, đến 2026 sẽ không còn khoản nợ nào.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/2, giá cổ phiếu này giảm về còn 13.150 đồng một cổ phiếu.

Thi Hà

Chứng khoán chốt năm Quý Mão gần 1.200 điểm

Chứng khoán chốt phiên 28 Tết tăng hơn 10 điểm, tiến gần mốc 1.200 điểm – mốc điểm từng là kỷ lục hơn thập kỷ trước.

Phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán diễn ra với sắc xanh bao phủ thị trường. VN-Index mở cửa trên tham chiếu, đi ngang trong phiên sáng, trước khi bật lên trong nửa sau của ngày giao dịch.

Sự trở lại của nhóm ngân hàng sau nhịp điều chỉnh nhẹ cuối tháng 1, tiếp tục là trụ đỡ chính khi những mã chủ chốt nhóm này đều tăng mạnh. Chứng khoán, hàng tiêu dùng hay bất động sản cũng hút dòng tiền khi được nhà đầu tư mua vào mạnh hơn.

Diễn biến này giúp VN-Index chốt phiên hôm nay tăng hơn 10 điểm, lên 1.198,53 điểm, nối dài mạch tăng ba phiên liên tiếp. Chỉ số của sàn HoSE hiện đang ở vùng giá cao nhất trong hơn 4 tháng, kể từ ngày 21/9/2023.

VN30-Index tăng mạnh hơn nhờ sắc xanh của nhóm bluechip, chốt phiên có thêm 13,5 điểm (1,13%), đạt 1.212,7 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng chốt phiên cuối cùng năm Quý Mão trên tham chiếu.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 17.231 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 15.500 tỷ, tăng nhẹ so với phiên hôm qua. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay giao dịch cân bằng, với giá trị mua hơn 1.154 tỷ và bán hơn 1.162 tỷ đồng.

Cuối phiên, sàn HoSE có 356 cổ phiếu tăng giá, so với 110 cổ phiếu giảm giá.

Trong VN30, ngân hàng đứng đầu trong nhóm cổ phiếu tăng giá. TCB đứng đầu trong nhóm tăng với 4,6%. CTG là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với gần 1,5 điểm, khi mã này đóng cửa tăng 3,2%, lên 35.500 đồng. Một số mã ngân hàng khác cũng đứng đầu trong nhóm đóng góp cho thị trường, như VCB, VPB, MBB, HDB.

Nhóm bất động sản, hàng tiêu dùng cũng giao dịch tích cực. VHM chốt phiên tăng 2%, GVR có thêm 0,6%, MSN, SAB vượt trên tham chiếu.

Trong nhóm vốn hóa trung bình, cổ phiếu chứng khoán, thực phẩm hút dòng tiền. Mã DBC của Dabaco tăng 5,5%, PAN có thêm 1,6%. Ở nhóm chứng khoán, VND, FTS, VCI vượt xa tham chiếu.

Minh Sơn

Khối ngoại xả hàng mạnh trước Tết

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khoảng 410 tỷ đồng, cao nhất một tháng và VN-Index chốt ở 1.188,5 điểm dù trong phiên xuất hiện các đợt giằng co.

VN-Index tăng ngay khi mở cửa, lên sát 1.191 điểm chỉ sau 20 phút, tức gần 5 điểm. Tuy nhiên áp lực chốt lời dần xuất hiện khiến chỉ số này giảm và gần như đi ngang suốt buổi sáng. Đầu giờ chiều, sắc đỏ xuất hiện nhiều hơn kéo chỉ số đại diện sàn HoSE về dưới tham chiếu. Nhưng diễn biến khả quan của rổ VN30 lập tức đỡ Vn-Index đi lên.

Sau cơn rung lắc, VN-Index chốt phiên ở 1.188,5 điểm, tích lũy hơn 2,4 điểm so với hôm qua. Sự giằng co thể hiện rõ khi số lượng cổ phiếu tăng và giảm giá không quá cách biệt, lần lượt đạt 244 mã và 212 mã.

Chỉ số tăng nhưng thanh khoản tiếp tục đi lùi. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE hôm nay đạt hơn 14.600 tỷ, giảm khoảng 4.600 tỷ đồng.

Thị trường ghi nhận thêm một chỉ báo tiêu cực khác khi khối ngoại bán ròng mạnh nhất một tháng qua, khoảng 410 tỷ đồng. Đây là phiên bán ròng mạnh thứ hai kể từ đầu năm. Nhà đầu tư nước ngoài tập trung xả hàng các mã SHS, VHM, GEX, HPG, VCB.

Nhìn chung, thị trường không ghi nhận ngành nào có tính dẫn dắt. Điểm số của VN-Index được đóng góp từ những cổ phiếu đến từ nhiều nhóm khác nhau, gồm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và hóa chất.

So với mặt bằng chung, bảng điện ngành ngân hàng khả quan hơn hẳn. CTG tích lũy 1,5% và trở thành cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất cho chỉ số chung. Ngoài ra, ngành này còn có HDB cùng tăng 1,5% và nhiều mã chốt phiên trong sắc xanh như STB, VIB, VPB, MBB.

Tất Đạt