Chứng khoán

Chứng khoán đỏ lửa vì cổ phiếu ngân hàng

VN-Index chốt phiên 4/11 giảm hơn 10 điểm, mất mốc 1.250 điểm khi nhiều mã ngân hàng giảm sâu.

Chứng khoán mở cửa tuần này trong sắc đỏ. Tâm lý thị trường vẫn giữ trạng thái thận trọng, do khoảng trống thông tin sau mùa báo cáo tài chính quý III không đạt kỳ vọng, trong khi bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút.

VN-Index đi ngang khoảng 30 phút đầu phiên sau ATO, rồi liên tục giảm. Chỉ số của sàn HoSE bị kéo về dưới ngưỡng 1.250 điểm vào giữa phiên sáng, với áp lực chính từ nhóm ngân hàng – nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ vốn hóa. Nhà đầu tư bi quan với triển vọng ngắn hạn, dẫn tới lực bán ngày càng tăng. Sắc đỏ dần lan rộng theo thời gian giao dịch, khiến nhiều nhóm cổ phiếu khác cũng chịu áp lực bán ra.

Sang phiên chiều, biên độ giảm có phần mạnh hơn. Điểm tích cực là lực cầu ở vùng giá thấp giúp thị trường không giảm mạnh. Tuy nhiên, bên mua chỉ đỡ khi giá giảm sâu, không nỗ lực đẩy giá khiến xu hướng giảm không thay đổi.

VN-Index chốt phiên hôm nay tại 1.244,71 điểm, giảm hơn 10 điểm (0,81%) so với phiên trước. VN30-Index giảm gần 13 điểm (0,98%), còn 1.312,64 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng đóng cửa trong sắc đỏ.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 17.000 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 15.800 tỷ, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với phiên trước. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài hôm nay tiếp tục bán ròng gần 673 tỷ đồng, phiên thứ 8 liên tiếp.

Sàn HoSE cuối phiên bị chi phối bởi sắc đỏ, với 93 cổ phiếu tăng giá so với 287 mã giảm giá.

REE là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 0,23 điểm khi mã này tăng lên 64.000 đồng. Ngược lại, VCB là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi giảm hơn 1%.

Trong VN30, ngân hàng cũng đứng đầu nhóm giảm. TPB mất gần 3%, VPB giảm 2,2%, HDB, VIB thấp hơn tham chiếu gần 2%. SSB, VCB, TCB, SHB, MBB, ACB đóng cửa trong sắc đỏ. Ngược lại, BVH, SAB, SSI vượt nhẹ trên tham chiếu.

Trong nhóm vốn hóa trung bình, cổ phiếu chứng khoán là cái tên được chú ý nhờ đà phục hồi cuối phiên. Nhiều mã nhóm này bất ngờ tăng vọt trong nửa sau phiên chiều dù thị trường giữ ở vùng giá thấp.

Minh Sơn

Nhóm bluechip kéo chứng khoán giảm gần 10 điểm

25 mã trong rổ VN30 đỏ sắc gây áp lực lớn cho VN-Index khiến chỉ số này giảm gần 10 điểm khi chốt phiên hôm nay.

Đồ thị VN-Index gần như đi dưới tham chiếu cả ngày. Trong buổi sáng, thị trường giao dịch khá trầm lắng, thanh khoản nhỏ giọt, không xuất hiện cổ phiếu mang tính dẫn dắt xu hướng. Tuy bên bán chiếm ưu thế hơn nhưng nguồn cung giá rẻ không nhiều nên chứng khoán giảm không sâu.

Gần giờ nghỉ trưa, chỉ số của sàn HoSE mới nới rộng biên độ dưới tham chiếu. Sang chiều, thị trường chịu áp lực nặng hơn, có lúc cách giá mở cửa hơn 10 điểm.

Chốt phiên cuối tuần, VN-Index đóng cửa ở dưới 1.255 điểm, sụt 9,6 điểm so với hôm qua.

Toàn sàn HoSE có khoảng hai phần ba cổ phiếu giảm giá, tức 289 mã. Trong khi đó, số lượng cổ phiếu giữ sắc xanh chỉ 86 mã. Xu hướng điều chỉnh lan rộng khắp thị trường khi trừ bảo hiểm, các nhóm khác đều có chỉ số ngành đi lùi, nhất là hóa chất, bán lẻ, dịch vụ tài chính. Tuy nhiên nhìn chung, biên độ giảm giá không nhiều.

VN-Index mất điểm chủ yếu do nhóm cổ phiếu trụ. Rổ VN30 ghi nhận 25 mã giảm và chỉ số đại diện cũng sụt gần 13 điểm. MSN là cổ phiếu góp mức giảm nhiều nhất thị trường, theo sau còn có GVR, VPB, MBB, HPG hay ACB.

Trong phiên chứng khoán đi lùi, thanh khoản sàn HoSE cũng diễn biến cùng chiều. Tổng giá trị giao dịch ghi nhận gần 14.800 tỷ đồng, sụt khoảng 3.200 tỷ so với hôm qua.

Đã gần một tháng, thị trường TP HCM chưa hút nổi dòng tiền quá 20.000 tỷ đồng mỗi ngày. Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng để xu hướng ngắn hạn cải thiện, VN-Index cần vượt lên vùng kháng cự 1.270 điểm với khối lượng gia tăng tích cực.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 300 tỷ đồng, tâm điểm vẫn là MSN. Cổ phiếu Masan hôm nay chịu ảnh hưởng bởi thông tin SK Group bán 76 triệu cổ phần và không còn là cổ đông lớn. Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận thêm hai mã bị bán ròng trăm tỷ là VHM và KDC.

Sắc đỏ hôm nay cũng xuất hiện ở sàn HNX và UPCoM. Ở sàn Hà Nội, các cổ phiếu trụ của họ cũng ảnh hưởng lớn tới chỉ số chung như SHS, MBS, CEO…

Tất Đạt

Huỷ giao dịch bán hơn 2,6 triệu cổ phiếu của chị dâu Chủ tịch VIB

HoSE vừa huỷ giao dịch bán hơn 2,6 triệu cổ phiếu VIB của bà Lê Thị Huệ – chị dâu Chủ tịch HĐQT nhà băng này vì không báo cáo.

Thông báo này được Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) phát đi tối 1/11 căn cứ theo kết quả giám sát và ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

HoSE cho biết giao dịch bán hơn 2,61 triệu cổ phiếu VIB của bà Lê Thị Huệ – người có liên quan Chủ tịch HĐQT ngân hàng VIB Đặng Khắc Vỹ – đã bị loại bỏ. Lý do là bà Huệ không công bố thông tin, không báo cáo trước khi giao dịch.

Theo quy định hiện hành, người nội bộ và người có liên quan của doanh nghiệp phải công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch tối thiểu 3 ngày làm việc. Tại báo cáo quản trị của nhà băng này, bà Huệ được ghi nhận là chị dâu của ông Đặng Khắc Vỹ.

Tuy nhiên, đến 11h36 ngày 1/11, VIB mới công bố thông tin về việc bà Lê Thị Huệ dự kiến bán hơn 2,61 triệu cổ phiếu với thời gian giao dịch dự kiến từ 6/11-5/12. Nếu hoàn tất, bà Huệ sẽ không còn sở hữu cổ phiếu VIB nào.

Trước phiên giao dịch hôm 31/10, cổ phiếu VIB tăng 2 ngày liên tiếp với biên độ lần lượt 2,74% và 1,33% lên 19.000 đồng mỗi đơn vị. Riêng ngày 29/10, khối ngoại bán ra lượng cổ phiếu VIB trị giá hơn 5.400 tỷ đồng. Mã này chốt phiên giao dịch hôm nay (1/11) ở mức 18.850 đồng.

Theo thông tin VIB công bố hồi đầu tháng 8, Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ và người có liên quan sở hữu hơn 20% vốn của ngân hàng này. Cổ đông lớn nhất của VIB là Commonwealth Bank (CBA) khi nắm hơn 503 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 19,84% vốn.

Anh Tú

SK Group Hàn Quốc bán 76 triệu cổ phiếu Masan

SK Group – chaebol lớn thứ ba Hàn Quốc – đã chuyển nhượng xong 76 triệu cổ phiếu MSN, giảm tỷ lệ về dưới mức cổ đông lớn.

Tập đoàn Masan (MSN) vừa công bố, SK Group thông qua SK Investmet Vina I, đã chuyển nhượng 76 triệu cổ phiếu MSN bằng phương thức thỏa thuận. Jefferies Singapore đóng vai trò là cố vấn tài chính và bên bảo lãnh cho SK Group trong việc chào bán cổ phần trên thị trường quốc tế. Còn đại lý môi giới là Chứng khoán VietCap (VCI).

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của SK Group tại Masan giảm về 3,67% và không còn là cổ đông lớn.

Masan không tiết lộ bên mua mà cho biết giao dịch trên được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư tổ chức lớn “với tầm nhìn dài hạn” có trụ sở tại châu Á, châu Âu và Mỹ. Ngoài ra, số cổ phiếu còn lại của SK Group tại MSN sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo thông lệ. “Điều này giúp tạo sự ổn định cho cơ cấu cổ đông của Masan trong khi công ty tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng và thực thi các phát kiến chiến lược”, đại diện MSN cho biết.

Hôm qua, cổ phiếu Masan ghi nhận bị khối ngoại bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng, góp phần khiến MSN giảm gần 2%. Phiên hôm nay, mã chứng khoán của Masan đi dưới tham chiếu từ khi mở cửa, đến khoảng 14h đã giảm 3% về khoảng 74.300 đồng một đơn vị.

Trước đó vào đầu tháng 9, Tập đoàn Masan đã chi 200 triệu USD để mua lại 7,1% cổ phần WinCommerce – công ty vận hành chuỗi siêu thị, cửa hàng WinMart – của cổ đông Hàn Quốc. Động thái trên nằm trong kế hoạch tái cơ cấu danh mục đầu tư thường kỳ của công ty.

“Chaebol” Hàn Quốc này vẫn kỳ vọng vào quỹ đạo tăng trưởng, lợi nhuận của Masan và tốc độ tăng trưởng tiêu dùng của Việt Nam trong dài hạn. Đôi bên cho biết sẽ cùng nhau hợp tác để hiện thực hóa cơ hội trên. Trong hệ sinh thái của Masan, SK Group còn sở hữu 4,9% cổ phần trong The CrownX – nền tảng tích hợp tiêu dùng bán lẻ của Masan, hợp nhất WCM và Masan Consumer Holdings.

Trước đó, truyền thông Hàn Quốc nhiều lần đưa tin SK Group – “chaebol” lớn thứ ba nước này – đang có những động thái khẩn trương trong việc tái cấu trúc các khoản đầu tư. Doanh nghiệp này kỳ vọng thu về khoảng 1.000 tỷ won (tương đương 720 triệu USD) thông qua việc xử lý các khoản đầu tư không cốt lõi của mình để đảm bảo dòng tiền.

Từ năm ngoái, giới đầu tư đã bắt đầu đồn đoán SK Group có thể rút khỏi Việt Nam, bắt đầu từ việc thoái cổ phần tại Masan. Thông tin này góp phần làm giá cổ phiếu MSN giảm mạnh giai đoạn cuối năm 2023. Kéo theo đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Đăng Quang cũng rời danh sách tỷ phú.

Về sau, chính SK Group bác tin đồn và trả lời truyền thông Hàn Quốc rằng đang thảo luận về hợp tác kinh doanh lâu dài với chính phủ Việt Nam cùng các công ty lớn trong nước. Họ nói vẫn đang lên kế hoạch đưa Việt Nam thành “căn cứ kinh doanh ở Đông Nam Á”.

9 tháng đầu năm, MSN ghi nhận 60.476 tỷ đồng doanh thu và 2.726 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong khi doanh thu chỉ nhích thêm 5%, lợi nhuận đã tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước và vượt 30% kế hoạch cả năm. Chuỗi bán lẻ hiện đại Winmart và nhóm sản xuất hàng tiêu dùng Masan Consumer tiếp tục là động lực tăng trưởng chính.

Tất Đạt

Cổ phiếu ngân hàng hút dòng tiền

VCB góp mức tăng nhiều nhất cho VN-Index, đi kèm các cổ phiếu ngân hàng khác tăng giá đưa ngành này trở thành bệ đỡ của thị trường chứng khoán hôm nay.

VN-Index khởi động phiên với đà rung lắc quanh tham chiếu trong suốt giờ đầu giao dịch. Sau 10h, lực bán chiếm ưu thế hơn mới khiến chỉ số này rơi vào sắc đỏ nhưng biên độ không quá sâu. Đến sát giờ nghỉ trưa, lực cầu nhen nhóm trở lại giúp chứng khoán bật nhẹ lên trên tham chiếu.

Thanh khoản đổ dồn trong phiên chiều, chủ yếu là lệnh mua vào với các cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh hoặc triển vọng tích cực. Chỉ số của sàn HoSE nhanh chóng lấy đà chạy, có lúc tăng hơn 9 điểm. Điều chỉnh nhẹ những phút cuối phiên, VN-Index tích lũy gần 6 điểm để đóng cửa sát 1.264,5 điểm.

Toàn sàn HoSE có 199 cổ phiếu tăng, trong khi ở chiều ngược lại có tới 169 cổ phiếu giám giá. Điều này cho thấy mức độ đồng thuận trên thị trường chưa cao và chỉ số tăng lên chủ yếu nhờ lực đẩy ở một số ngành nhất định.

Nổi bật trong đó là nhóm ngân hàng. Ngành này có 6 đại diện lọt nhóm 10 mã góp mức tăng nhiều nhất cho VN-Index gồm VCB, CTG, VPB, ACB, LPB và STB. Cổ phiếu VietcombankVietinbank đạt thanh khoản tốt, lần lượt tích lũy thêm 2,1% và 2,7% về thị giá. Các mã còn lại như STB, VPB, ACB, LPB hay SHB cũng tăng quanh 1% so với tham chiếu.

Thị trường cũng được nâng đỡ bởi nhóm dịch vụ tài chính và bất động sản. Tuy nhiên mức tăng của các cổ phiếu chỉ quanh 1%.

Thanh khoản toàn sàn HoSE tăng trở lại hơn 5.300 tỷ lên mức trên 18.000 tỷ đồng. Dòng tiền chủ yếu tập trung ở ba nhóm ngành nâng đỡ thị trường là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.

Khối ngoại hôm nay bán ròng gần 1.700 tỷ đồng, kéo dài thêm ở phiên thứ 6 liên tiếp. Trong đó, riêng nhóm cổ đông ngoại của Masan đã bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng ở cổ phiếu MSN. Nếu trừ giao dịch kể trên, giá trị xả hàng của nhà đầu tư nước ngoài hôm nay vào khoảng 333 tỷ đồng.

Tất Đạt

Tiền vào chứng khoán thấp nhất 5 tháng

VN-Index chốt phiên 30/10 trong sắc đỏ, với thanh khoản toàn thị trường chỉ hơn 14.000 tỷ đồng, thấp nhất gần 5 tháng.

Chứng khoán tới giữa tuần vẫn chưa thoát xu hướng giằng co. VN-Index mở cửa phiên hôm nay trong sắc xanh, tiến gần 1.265 điểm chỉ vài phút sau ATO. Tuy nhiên, lực bán lấy lại ưu thế đẩy nhiều cổ phiếu trở lại tham chiếu. Dòng tiền yếu, lực mua thận trọng khiến sắc đỏ trở lại trên bảng điện. Chỉ số của sàn HoSE lùi về dưới 1.260 điểm trước giờ nghỉ trưa.

Thị trường có nhịp hồi nhẹ khi trở lại phiên chiều, nhưng chưa đủ để đảo chiều xu hướng. Áp lực giảm của VHM khiến nỗ lực kéo chỉ số về sắc xanh trở nên khó khăn. Đà giảm dần lan rộng khi bên cầm cổ phiếu mất kiên nhẫn. VN-Index nới rộng sắc đỏ theo thời gian giao dịch.

Chốt phiên, chỉ số của sàn HoSE dừng ở mức 1.258,63 điểm, giảm hơn 3 điểm so với phiên trước. VN30-Index mất gần 2 điểm, còn 1.333,85 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index ở chiều ngược lại khi vượt nhẹ trên tham chiếu.

Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục giảm sâu, còn hơn 14.200 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên HoSE chiếm hơn 12.700 tỷ, giảm trên 5.700 tỷ đồng so với phiên trước. Đây là mức thấp nhất kể từ 31/5, tức gần 5 tháng. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 140 tỷ đồng, phiên thứ 5 liên tiếp.

Cuối phiên, sắc đỏ chiếm ưu thế, với sàn HoSE có 210 cổ phiếu giảm giá so với 163 mã tăng.

TCB là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 0,4 điểm khi mã này tăng hơn 1%, lên 24.000 đồng. Ngược lại, VHM tiếp tục là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi giảm 3,7%, xuống 41.150 đồng.

Cổ phiếu của Vinhomes cũng là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất, đạt hơn 1.300 tỷ đồng. STB, MWG ghi nhận thanh khoản gần 600 tỷ, còn MSN và VIB giao dịch hơn 400 tỷ đồng.

Trong VN30, ngoài TCB, ngân hàng cũng đứng đầu nhóm giao dịch tích cực. STB tăng hơn 2%, VIB có thêm hơn 1%, TPB, BID vượt tham chiếu. FPT, VRE, MSN cũng ở trạng thái tương tự.

Ngược lại, SSI, PLX, VNM giảm trên 1%, VIC, GVR, MWG thấp hơn tham chiếu.

Trong nhóm vốn hóa trung bình, cổ phiếu chứng khoán, thép chìm trong sắc đỏ. Ngược lại, một số cổ phiếu được chú ý, như QCG, HBC đều tăng mạnh.

Minh Sơn

Loạt cổ phiếu tăng trần

HVN, YEG, CSV hay HPX là những đại diện nổi bật trong 11 cổ phiếu tăng trần phiên hôm nay khi VN-Index tích lũy hơn 7 điểm.

Đồ thị VN-Index giữ sắc xanh cả ngày. Chỉ số này khởi động với bước nhảy trên tham chiếu gần 5 điểm, sau đó lấy lại mốc 1.260 điểm. Thị trường có diễn biến tích cực hơn khi dòng tiền tìm đến nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng hay tài nguyên. Có lúc chỉ số chứng khoán tích lũy hơn 7,5 điểm.

Hơi rung lắc nhẹ vào đầu giờ chiều, VN-Index nhanh chóng được tiếp sức khi lực cầu tìm đến rổ bluechip. Thanh khoản đổ về mạnh hơn hôm qua giúp thị trường cải thiện trở lại.

Chỉ số sàn HoSE đóng cửa ở sát 1.262 điểm, tích lũy thêm hơn 7 điểm. Toàn sàn có 244 cổ phiếu tăng, nhiều hơn so với 132 cổ phiếu giảm. Trừ các mã thực phẩm và đồ uống, các nhóm còn lại đều có chỉ số ngành tăng, dẫn đầu là viễn thông, du lịch – giải trí, hóa chất và bán lẻ.

Thanh khoản có sự cải thiện đáng kể khi tăng gần 8.000 tỷ lên hơn 18.800 tỷ đồng. Tuy nhiên đây vẫn là mức thấp so với giai đoạn trước.

Giao dịch bán ròng hơn 5.500 tỷ đồng của nhóm cổ đông ngoại ở VIB ảnh hưởng đến số liệu chung toàn sàn HoSE. Giá trị bán ròng nâng lên hơn 5.200 tỷ đồng. Nếu loại trừ giao dịch ở VIB, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 290 tỷ.

Hôm nay sàn HoSE ghi nhận 11 cổ phiếu tăng hết biên độ. Không chỉ các mã giao dịch nhỏ giọt, trong nhóm này còn có HVN, CSV, YEG hay HPX đều đạt thanh khoản hàng chục đến hơn trăm tỷ đồng.

HVN ghi nhận giá trị giao dịch gần 84 tỷ để chốt phiên với sắc tím ở 22.000 đồng. Cổ phiếu của Vietnam Airlines cũng dẫn đầu nhóm góp mức tăng nhiều nhất cho VN-Index. Tính theo khối lượng, mã này ghi nhận khoảng 3,9 triệu cổ phiếu được sang tay, hơn gấp 10 lần mức trung bình 10 phiên gần đây.

Xu hướng tích cực trên diễn ra trước thềm hãng hàng không quốc gia công bố báo cáo tài chính quý III. Một số đơn vị phân tích đã dự đoán Vietnam Airlines có thể báo lợi nhuận tăng mạnh trên mức nền thấp của năm ngoái. Ngoài ra, HVN cũng vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Viettel Post (VTP) để triển khai dịch vụ vận tải tới năm thị trường trọng điểm tại châu Âu, trong ngày đầu tiên đã chuyển được 10 tấn hàng hóa.

Thị trường cũng chú ý tới YEG. Cổ phiếu tăng trần lên 10.500 đồng với thanh khoản hơn 34,6 tỷ. Tính theo khối lượng, mã này có hơn 3,4 triệu đơn vị giao dịch, gần gấp 3 mức trung bình trong một năm gần đây.

YEG tăng mạnh sau thông tin Tập đoàn Yeah1 lãi 34 tỷ đồng trong quý III, hơn 10 lần cùng kỳ sau thành công của show “Anh trai vượt ngàn chông gai“. Thêm vào đó, hôm 19/10, họ tổ chức đêm nhạc (concert) tại TP HCM và bán hết 20.000 vé (giá từ 800.000 đồng đến 8 triệu đồng) chỉ trong 90 phút.

Tương tự, hầu hết mã đạt sắc tím khác như CSV, HPX hay DLG cũng nhờ kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng tốt. Điều này trùng khớp với những dự phóng của nhiều đơn vị phân tích rằng thị trường chứng khoán có thể được nâng đỡ nhờ lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện mạnh trong mùa báo cáo tài chính.

Tất Đạt

Bỏ đề xuất nhà đầu tư cá nhân không được mua trái phiếu riêng lẻ

Chính phủ bỏ đề xuất nhà đầu tư cá nhân không được mua trái phiếu riêng lẻ, thay vào đó, bổ sung điều kiện với doanh nghiệp phát hành.

Sáng 29/10, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền Chính phủ, trình bày tờ trình một luật sửa 7 luật liên quan tài chính (gồm Luật: Chứng khoán; Kế toán; Kiểm toán độc lập; Ngân sách Nhà nước; Quản lý, sử dụng tài sản công; Quản lý thuế và Dự trữ quốc gia).

Tại dự thảo sửa một số điều Luật Chứng khoán, khác với bản thảo đưa ra trước đây, lần trình này Chính phủ bỏ đề xuất nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân không được mua trái phiếu riêng lẻ.

Thay vào đó, nhà đầu tư cá nhân được mua bán, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ khi doanh nghiệp phát hành có xếp hạng tín nhiệm, tài sản đảm bảo và bảo lãnh của ngân hàng.

Chính phủ cũng bổ sung hành vi cấm trong giao dịch chứng khoán, gồm thao túng thị trường chứng khoán, không công bố thông tin về dự kiến giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng trước khi giao dịch của người nội bộ và liên quan.




Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Theo Luật Chứng khoán 2019, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với cá nhân là người nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng, hoặc thu nhập chịu thuế năm gần nhất ít nhất 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo dự thảo mới, quy định này siết chặt hơn khi yêu cầu cá nhân đầu tư chuyên nghiệp cần đảm bảo điều kiện về thời gian tham gia đầu tư, tần suất giao dịch. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Một trong các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng là doanh nghiệp phải đáp ứng quy định vè đại diện người sở hữu trái phiếu, hệ số nợ, giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu và có xếp hạng tín nhiệm.

Thị trường trái phiếu phát triển nóng giai đoạn 2017-2021, nhưng ảm đạm từ cuối 2022 sau biến động mạnh từ vụ việc của Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Nhà đầu tư mất niềm tin, yêu cầu doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn. Kết quả là, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi phát hành mới, chậm trả nợ và phải đàm phán kéo dài thời hạn thanh toán cho trái chủ.

Tình hình phát hành của doanh nghiệp rục rịch trở lại cuối 2023. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tháng 9 có 15 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, khoảng 40.200 tỷ đồng. Mức này giảm 8,5% so với tháng trước và tăng gần 68% so với cùng kỳ 2023.

Lũy kế 9 tháng, 71 đơn vị phát hành trái phiếu riêng lẻ, với 258.800 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chậm trả nợ trái phiếu. Theo tính toán của công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Ratings, tới giữa tháng 5/2025 sẽ có 216.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, 9% trong số này có rủi ro cao chậm trả nợ gốc. Dự kiến quy mô thị trường này có thể lên tới 2,5 triệu tỷ đồng.

Thẩm tra nội dung này, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho biết cơ quan thẩm tra đồng tình với việc bỏ đề xuất nhà đầu tư cá nhân không được mua bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát điều kiện với doanh nghiệp phát hành, phù hợp với tình hình thị trường và bảo vệ nhà đầu tư cá nhân.

Cơ quan này cũng nhất trí việc bổ sung nhà đầu đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức, cá nhân nước ngoài. Việc này nhằm tăng thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán và thúc đẩy thị trường này thành kênh dẫn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Về hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch chứng khoán, ông Mạnh cho hay, các ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung quy định hành vi nào được coi là thao túng chứng khoán.

Chính phủ cũng cần đẩy mạnh việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành, tiến tới xếp hạng tín nhiệm về trái phiếu phát hành như một số nước, như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… để bảo đảm tính công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành.

Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự thảo luật này vào chiều nay và tại hội trường ngày 7/11.

Anh Minh

Tiền vào chứng khoán giảm sâu

Thanh khoản toàn thị trường phiên 28/10 giảm gần 2.500 tỷ so với cuối tuần trước, chỉ đạt hơn 12.000 tỷ đồng, thấp nhất trong gần một tháng.

Chứng khoán mở cửa tuần này ở trạng thái giằng co, với sự thận trọng chiếm áp đảo. Thị trường thiếu thông tin hỗ trợ, trong khi tỷ giá biến động mạnh hơn, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ gần tới giai đoạn quyết định khiến nhà đầu tư phần lớn chọn cách đứng ngoài quan sát.

Lực mua yếu, lực bán cũng không hạ giá quyết liệt là lý do chính khiến phần lớn cổ phiếu gần như “đứng yên”. Những phiên trước, nhịp giao dịch thường sôi động hơn ở phiên chiều, nhưng hôm nay diễn biến không có sự thay đổi đáng kể. Chỉ số đi ngang đến khi đóng cửa với thanh khoản ở mức thấp.




Giao dịch trên sàn Công ty Chứng khoán Rồng Việt, tại Quận 1, TP HCM, tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

Giao dịch trên sàn Công ty Chứng khoán Rồng Việt, tại Quận 1, TP HCM, tháng 10/2024. Ảnh: An Khương

VN-Index chốt phiên 28/10 tại 1.254,77 điểm, tăng hơn 2 điểm so với tham chiếu. VN30-Index có thêm 2,79 điểm (0,21%), lên 1.328 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index biến động trong biên độ hẹp.

Thanh khoản toàn thị trường ở mức thấp, chỉ đạt hơn 12.300 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 10.800 tỷ, giảm gần 2.500 tỷ đồng so với phiên trước và là mức thấp nhất trong gần một tháng. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng gần 460 tỷ đồng, phiên thứ ba liên tiếp.

Cuối phiên, sàn HoSE có 211 cổ phiếu tăng giá, so với 162 mã giảm giá.

HPG là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 0,47 điểm khi mã này tăng hơn 1% lên 26.750 đồng. Ngược lại, VHM là cổ phiếu ghì chỉ số xuống nhiều nhất khi mã này giảm 2,6%, xuống 42.700 đồng.

Trong VN30, một số mã khác giao dịch tích cực như PLX, ACB tăng hơn 1%, MSN, STB, TPB, GVR, FPT, TCB vượt trên tham chiếu. Ngược lại, ngoài VHM, các mã khác chỉ giảm quanh ngưỡng 1% hoặc thấp hơn. VNM chốt phiên mất 1,18%, HDB giảm 0,9%, VJC, BVH, VRE thấp hơn tham chiếu.

Ở phần còn lại của thị trường, sắc xanh áp đảo hơn ở nhóm mid-cap và penny, nhưng đà tăng mạnh chỉ tập trung vào một số mã.

Trong nhóm bất động sản, DIG, QCG, PDR chốt phiên trong sắc đỏ, ngược lại SCR, NVL, HQC tăng giá. PTL, với mức thị giá chỉ hơn 2.000 đồng, tăng kịch trần với dư mua gần 570.000 đơn vị. Cổ phiếu OGC cũng tăng hết biên độ sau chuỗi giảm mạnh gần đây.

Minh Sơn

Công ty bán bánh phồng tôm lãi tăng gần 2 lần

Xuất nhập khẩu Sa Giang báo lãi trước thuế 9 tháng đạt 107 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cổ phần Sa Giang (SGC) vừa công bố doanh thu quý III đạt 206 tỷ đồng, lãi trước thuế 40 tỷ, lần lượt tăng 39% và 60% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng 42%, đạt hơn 54 tỷ đồng, nhờ chi phí giá vốn tăng chậm hơn doanh thu, giúp biên lãi gộp cải thiện lên 38%.

Lũy kế 9 tháng, Sa Giang ghi nhận 571 tỷ đồng doanh thu và 107 tỷ lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 35% và 73% so với cùng kỳ.

Ban lãnh đạo công ty cho rằng sản lượng bán hàng tăng mạnh, giá đầu vào nguyên vật liệu ổn định, giúp lợi nhuận của công ty tăng trưởng đáng kể trong năm nay.

Năm nay, Sa Giang đặt mục tiêu doanh thu 800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 80 tỷ. Đến hết 9 tháng, công ty hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu và vượt 7,5% chỉ tiêu lợi nhuận.

Được thành lập từ năm 1960 tại Đồng Tháp, Sa Giang chuyên sản xuất bánh phồng tôm, với thị trường mở rộng khắp châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Công ty chuyển đổi sang mô hình cổ phần từ năm 2004 và niêm yết trên sàn Hà Nội. Từ năm 2021, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn trở thành công ty mẹ của Sa Giang, khi sở hữu trên 76,7% vốn tại đây.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Vĩnh Hoàn – công ty mẹ, công bố kế hoạch đầu tư 930 tỷ đồng, trong đó một phần được sử dụng để mở rộng kho và nâng cấp công suất sản xuất của nhà máy Sa Giang.

Tính đến 30/9, tổng tài sản của Sa Giang đạt gần 564 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Tài sản cố định chiếm phần lớn, trên 73 tỷ đồng; tiền và tương đương tiền tăng nhẹ đạt gần 86 tỷ. Hàng tồn kho gồm thành phẩm và nguyên vật liệu tăng 10,5% so với đầu năm, gần 115 tỷ đồng.

Thi Hà