Chứng khoán

VN-Index giảm hơn 9 điểm sau phiên tăng nóng

Áp lực chốt lời khi thị trường kiểm tra lại vùng đỉnh 1.280 điểm, nhất là ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, khiến VN-Index điều chỉnh.

Chỉ số đại diện sàn HoSE giằng co ngay những phút đầu giao dịch với tâm lý thị trường không ổn định sau phiên tăng khá mạnh hôm qua. Đến gần 10h, bên bán chiếm ưu thế khiến VN-Index chìm vào sắc đỏ. Tuy nhiên, mức giảm không quá sâu nhờ một số mã tăng mạnh và chạm giá trần, chủ yếu đến từ nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.

Sang buổi chiều, thị trường có xu hướng cải thiện và vượt tham chiếu vào khoảng 14h khi lực cầu xuất hiện. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, các lệnh bán được đặt ồ ạt kéo chỉ số này về lại sắc đỏ. Có lúc, thị trường sụt hơn 11,5 điểm trước khi cải thiện nhẹ những phút cuối phiên.

VN-Index đóng cửa ở trên 1.272,6 điểm, giảm hơn 9 điểm so với hôm qua. Toàn sàn HoSE có 260 mã đỏ, ngược lại có 182 mã xanh. Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận 14 cổ phiếu tăng kịch biên độ, nổi bật có BCG và PET.

Chỉ số chung chịu ảnh hưởng nặng nề bởi diễn biến chốt lời ở nhóm bluechip. Rổ VN30 có 27 cổ phiếu giảm giá, chủ yếu điều chỉnh quanh 1-2%. Các mã GVR, STB, HDB và BVH sụt mạnh hơn trong khoảng 2-3%.

Trong số các ngành dẫn dắt dòng tiền, ngân hàng là nhóm tiêu cực nhất. Top cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index có 5 đại diện đến từ nhóm này gồm VCB, CTG, BID, HDB và MBB. Ngoài ra các mã HPG, GVR, VIC hay VHM cũng góp phần kéo chỉ số đi xuống.

Sau 4 phiên, thanh khoản thị trường TP HCM quay trở lại mốc triệu USD khi đạt hơn 25.400 tỷ đồng. Con số này tăng gần 3.400 tỷ so với tổng giá trị giao dịch hôm qua.

Không chỉ các nhà đầu tư trong nước chốt lời, khối ngoại cũng tham gia làm đậm xu hướng trên với phiên thứ tư bán ròng liên tiếp. Hôm nay họ xả hàng hơn 1.600 tỷ đồng, cao nhất gần ba tuần gần đây.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng lực bán tăng mạnh trong phiên hôm nay là do nhà đầu tư tăng chốt lời ngắn hạn. Tuy nhiên, tình hình thị trường chưa quá xấu do dòng tiền vẫn duy trì được diễn biến vận động qua các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Nhóm phân tích VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư giữ tâm lý bình tĩnh, tranh thủ cơ cấu lại danh mục, loại bỏ những mã yếu và chuyển sang các mã giữ được đà hồi phục ổn định.

Tất Đạt

Chứng khoán lấy lại mốc 1.280 điểm

VN-Index giữ sắc xanh cả ngày và tăng vào những phút cuối phiên, đóng cửa ở sát 1.282 điểm – vùng giá trước phiên giảm cuối tuần trước.

Chỉ số đại diện sàn HoSE tăng 7 điểm sau phiên ATO và duy trì sắc xanh cả ngày. Trong buổi sáng, thị trường có phần giằng co khiến chỉ số này dao động quanh 1.270-1.275 điểm. Tâm lý nhà đầu tư vẫn khá thận trọng khi chứng khoán đang kiểm tra lại đỉnh giá cũ, thanh khoản chưa tăng đáng kể. Dòng tiền chủ yếu hướng về các mã vừa và nhỏ.

Sau giờ nghỉ trưa, chứng khoán tiếp tục dịch chuyển trong khung giá trên. Tuy nhiên từ 14h, chỉ số đại diện sàn HoSE tăng lên 1.280 điểm trước khi vào phiên ATC, khi có sự hỗ trợ từ các mã bluechip. VN-Index đóng cửa ở gần 1.282 điểm, tích lũy hơn 14 điểm trong phiên hôm nay.

Gần 69% cổ phiếu sàn HoSE tăng giá với 11 mã đạt mức kịch trần, nổi bật có HVN, HDG, SZC và LPB.

Các mã đóng góp tích cực nhất cho VN-Index phần lớn thuộc rổ VN30 gồm FPT, SAB, MSN, VCB, MWG, GAS, VNM và HPG.

Trong các ngành hút dòng tiền, chứng khoán là nhóm có diễn biến khả quan nhất. Chỉ tính trên sàn HoSE, ngoài VDS tím trần, các mã thanh khoản trăm tỷ đều giữ hoặc tăng giá. Trong đó, nổi bật có ORS tăng 5,3% và MBS tích lũy 4,9%.

Thanh khoản thị trường TP HCM tăng cùng điểm số. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 22.000 tỷ đồng, cao hơn hôm qua khoảng 4.500 tỷ.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1.100 tỷ đồng ở phiên thứ ba liên tiếp. Hôm nay họ xả hàng mạnh ở CTG với giá trị bán ròng gần 465 tỷ đồng, theo sau là VNM và HPG.

Như vậy, sau hai phiên cải thiện, VN-Index đã lấy lại vùng giá trước phiên giảm cuối tuần trước. Đây là mức điểm số cao nhất gần hai tháng qua và dần tiến lên đỉnh giá của tháng 9/2022.

Dù thế, các đơn vị phân tích vẫn giữ quan điểm khá thận trọng khi dự báo diễn biến sắp tới của VN-Index. Ở lần vượt mốc 1.280 điểm vào ngày 23/5, chứng khoán nhanh chóng bị bán tháo và sụt hơn 19 điểm ở ngay phiên sau đó. Nhà đầu tư được khuyến nghị nắm giữ danh mục hoặc canh chốt lãi dần ở mã đạt mục tiêu và hạn chế mua đuổi.

Tất Đạt

Chứng khoán tăng trở lại sau phiên bán tháo

VN-Index trở lại sắc xanh sau phiên bán tháo cuối tuần trước, khi nhà đầu tư thận trọng quan sát, một số mã bluechip được dòng tiền hướng tới.

Phiên giảm mạnh cuối tuần trước không ảnh hưởng quá lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Chứng khoán mở cửa phiên đầu tuần này trong sắc xanh, dù lực mua khá thận trọng.

VN-Index giằng co quanh tham chiếu cho tới hết phiên sáng. Các nhóm chiếm tỷ trọng cao trong vốn hóa thay đổi trong biên độ hẹp, chỉ một số cổ phiếu bluechip được chú ý như POW, BVH.

Sang phiên chiều, áp lực bán bất ngờ dâng cao, kéo chỉ số của sàn HoSE về dưới ngưỡng 1.260 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy tăng nhanh trong nửa cuối phiên chiều kéo thị trường trở lại.

VN-Index chốt phiên hôm nay tại 1.267,68 điểm, tăng 5,75 điểm (0,46%) so với phiên trước. VN30-Index tăng hơn 1,4 điểm (0,11%), lên 1.284,88 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index giữ sắc xanh khi đóng cửa.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 20.000 tỷ đồng, với thanh khoản trên sàn HoSE chiếm gần 17.600 tỷ, chỉ bằng một nửa phiên cuối tuần trước. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng hơn 530 tỷ đồng.

Trạng thái thị trường cân bằng vào cuối phiên, với sàn HoSE có 233 cổ phiếu tăng giá và 198 mã giảm.

GAS là cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index với 1,1 điểm khi mã này tăng 2,5%, lên 81.000 đồng. Ngoài GAS, POW cũng được chú ý khi đóng cửa tăng kịch trần, khối ngoại mua ròng hơn 2 triệu đơn vị.

BVH cũng có thêm hơn 4%, GVR tăng gần 3%, VJC, SAB, PLX, FPT và một số mã ngân hàng đóng cửa trong sắc xanh.

Ngược lại, ngân hàng cũng là nhóm chiếm áp đảo ở phía giảm. HDB, SSB, BID, CTG, TPB đóng cửa dưới tham chiếu.

Ở nhóm vốn hóa trung bình, giao dịch có phần tích cực hơn nhưng mức độ phân hóa cũng gia tăng. Với bất động sản, QCG giảm kịch sàn, DIG, DXG, NBB đóng cửa trong sắc đỏ. Trong khi đó, NVL, SCR, HQC giữ sắc xanh.

Một số nhóm được chú ý như Gelex, nhóm Hoàng Huy (TCH, HHS), các mã nhóm thép giao dịch tích cực.

Minh Sơn

Công ty bán phụ tùng cho Honda tính chia cổ tức 200%

Cổ phiếu FBC của doanh nghiệp phân phối phụ tùng cho Honda và Yamaha, có thị giá chưa bằng 4.000 đồng nhưng có thể nhận cổ tức đến 20.000 đồng.

Theo tài liệu họp đại hội cổ đông sắp tới, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cơ khí Phổ Yên (Fomeco – FBC) lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 200%, tức một cổ phiếu có thể nhận về 20.000 đồng. Nếu được thông qua, công ty sẽ trích 74 tỷ đồng để thực hiện, tương đương 67,5% lợi nhuận sau thuế lũy kế tính đến cuối năm 2023.

Trên thị trường, cổ phiếu FBC niêm yết trên sàn UPCoM, giá 3.700 đồng một đơn vị. Như vậy, mức cổ tức trên cao hơn 5 lần so với giá thị trường.

Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông của Phổ Yên rất cô đặc. Trong đó, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) giữ 51% vốn. Đợt chia cổ tức lần này, VEAM có thể nhận gần 38 tỷ đồng.

Kế hoạch phân phối lợi nhuận cho cổ đông năm ngoái là mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động của FBC. Từ khi lên sàn vào 2017, công ty luôn duy trì chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt cao và đều đặn, 30-65% mỗi năm. Năm 2022, doanh nghiệp này từng tăng tỷ lệ lên 120%.

Cổ đông FBC nhận tin vui sau khi công ty lập kỷ lục lợi nhuận. Năm trước, doanh thu đạt gần 1.050 tỷ đồng, giảm 20% do khách hàng FDI trong nước giảm sản lượng lắp ráp vì không tiêu thụ được xe máy. Ngoài ra, hàng xuất sang Mỹ cũng sụt do ảnh hưởng của bão tuyết và suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, Fomeco vẫn lãi sau thuế gần 73 tỷ đồng, tăng 21% và là mức cao nhất từ trước tới nay. Lý do, giá nguyên vật liệu giảm giúp hạ chi phí, lợi nhuận tài chính tăng nhờ tận dụng nguồn tiền đầu tư để gửi tiết kiệm.

Cơ khí Phổ Yên thành lập từ năm 1974, với tên gọi “nhà máy vòng bi”. Sản phẩm chính gồm các loại vòng bi, phụ tùng xe máy, phụ tùng ôtô, con lăn băng tải và các sản phẩm cơ khí khác.

Nhờ chung nhà VEAM – đối tác địa phương của các liên doanh như Toyoya, Honda, Fomeco tiếp cận được nhiều khách hàng lớn. Họ hiện là đối tác cung cấp thiết bị và phụ tùng cho Honda, Yamaha, Suzuki, Nippo, Piaggio, Panasonic

Năm nay, Fomeco lên kế hoạch doanh thu giảm về hơn 1.036 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lùi hơn 17%, còn khoảng 60 tỷ. Ban lãnh đạo công ty cho rằng chi phí bán hàng sẽ tăng vì cần chi cho các hoạt động xúc tiến thương mại (triển lãm, truyền thông, khuyến mại…) và logistic. Ngoài ra, họ cũng cần tăng chi phí quản lý do tăng ca, đào tạo, phí chứng nhận chuẩn ISO và kiểm kê khí nhà kính.

Do cơ cấu cổ đông cô đặc, mã FBC gần như không xuất hiện giao dịch trên sàn UPCoM. Trong khoảng hai năm qua, giá cổ phiếu này đứng im ở 3.700 đồng một đơn vị.

Tất Đạt

Nhà đầu tư nên làm gì sau phiên chứng khoán giảm mạnh?

VN-Index mất hơn 19 điểm trong phiên chốt tuần, nhà đầu tư được khuyên nên cơ cấu danh mục, tìm cơ hội khi có nhịp giảm ở những cổ phiếu triển vọng.

Sau bốn tuần liên tiếp cải thiện điểm số, VN-Index đã vượt qua vùng đỉnh giá của năm 2023 và vươn trên 1.250 điểm. Tuy nhiên, tuần vừa qua thị trường chịu áp lực điều chỉnh mạnh khi kiểm tra mốc kháng cự trên 1.280 điểm.

Trong tuần, có phiên VN-Index tăng, nối dài nhịp cải thiện 5 phiên liên tiếp, sau đó điều chỉnh vào ngày hôm sau. Sau đó, chỉ số này giảm hơn 10 điểm khi nhóm bluechip tạo áp lực lớn. Thị trường phục hồi nhờ chính nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, rồi lại tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh mạnh trong phiên cuối tuần, xuống ngưỡng 1.250 điểm.

Chỉ số sàn HoSE chốt tuần ở sát 1.262 điểm, giảm hơn 19 điểm so với phiên trước đó. Tính chung, VN-Index giảm 0,9% so với tuần trước.

Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường đang chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn khi tiến tới kháng cự mạnh tại 1.282-1.287 điểm, tương tự như phiên giảm mạnh gần 60 điểm vào ngày 15/4.

Trong tuần, thanh khoản trên sàn HoSE đạt hơn 125.907 tỷ đồng, tăng 34% so với tuần trước và trên mức trung bình. Điều này cho thấy mức độ đầu cơ ngắn hạn, xoay vòng gia tăng.

Thời gian qua, thị trường đón nhận một số thông tin vĩ mô khá tích cực, như xuất nhập khẩu tăng trưởng, cán cân thương mại thặng dư gần 6,4 tỷ USD. Nhưng áp lực tỷ giá vẫn cao khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu mới và lãi suất tăng từ 4% lên 4,2% một năm. Trong bối cảnh đó, nhóm phân tích SHS kỳ vọng VN-Index sẽ duy trì được vùng hỗ trợ 1.245-1.255 điểm, tương đương ngưỡng cao nhất năm 2023.

Do đó, SHS khuyến nghị những nhà đầu tư ngắn hạn nên cơ cấu lại danh mục, tranh thủ các nhịp hồi phục để giảm tỷ trọng các mã đang nắm giữ nhiều và theo dõi diễn biến thị trường tại vùng hỗ trợ.

Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục giữ danh mục, giải ngân dần trong các nhịp giảm điểm với những mã cổ phiếu đầu ngành, vốn được dự báo có triển vọng tích cực năm nay.

Nhà đầu tư đang theo dõi thị trường chứng khoán. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhà đầu tư đang theo dõi thị trường chứng khoán. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhìn nhận lạc quan hơn, Chứng khoán VPBankS cho rằng chỉ số VN-Index biến động nhưng đang tạo “cây nến rút chân” – một mô hình trong phân tích kỹ thuật xuất hiện ở cuối đợt xu hướng giảm mạnh, báo hiệu thị trường sắp đảo chiều từ giảm sang tăng. Diễn biến này còn được thúc đẩy bởi dòng tiền nhảy vào bắt đáy vào cuối phiên 24/5, giúp thanh khoản bùng nổ.

Do vậy, VPBankS khuyến nghị nhà đầu tư có thể đặt lệnh giá đỏ để mua những nhóm cổ phiếu có triển vọng. Nhóm phân tích này gợi ý nhà đầu tư nên tập trung ở các mã có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II.

VNDirect lại có quan điểm cân bằng hơn khi cho rằng thị trường có lực cầu bắt đáy xuất hiện vào cuối phiên, áp lực bán vẫn còn lớn. Ngưỡng kháng cự và hỗ trợ được dự báo lần lượt là 1.260 và 1.290 điểm.

Do đó, nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ xu hướng thị trường tuần tới để có kịch bản giao dịch. Tuy nhiên, theo nhóm phân tích này, các nhịp giảm của thị trường vẫn là cơ hội tốt để giải ngân cổ phiếu.

Còn theo chuyên gia của Chứng khoán DSC, đây là giai đoạn không quá tập trung vào chỉ số, mà nên ưu tiên tìm kiếm cổ phiếu “khỏe”. Song song đó, việc giữ tỷ trọng ở mức an toàn khi chỉ số tiệm cận đỉnh cũ như hiện tại, sẽ giúp nhà đầu tư tránh bị áp lực tâm lý.

Tất Đạt

Chứng khoán bị bán tháo

Ba phần tư cổ phiếu trên thị trường giảm giá, lực bán dâng cao liên tục đẩy thanh khoản vượt 35.500 tỷ đồng trong phiên VN-Index sụt hơn 19 điểm.

Dù tăng vượt 1.280 điểm vào hôm qua, VN-Index bị nhuộm đỏ ngay những phút đầu phiên giao dịch hôm nay, mất gần 8 điểm. Sau khoảng một tiếng, chỉ số này mới cải thiện lên tham chiếu, giằng co một lúc rồi lấy lại sắc xanh nhờ lực cầu tiếp ứng. Tuy nhiên áp lực chốt lời ở nhóm bluechip vẫn rất cao khiến chỉ số nhanh chóng rơi về dưới tham chiếu trước khi nghỉ trưa.

Sang buổi chiều, chỉ số đại diện sàn HoSE khoác sắc đỏ liên tục. Nửa đầu buổi, chỉ số này chủ yếu giằng co quanh 1.270 điểm.

Đến sau 14h, xu hướng bán tháo lan nhanh từ nhóm bluechip sang hàng loạt cổ phiếu. Chỉ số bất ngờ giảm một mạch về sát 1.250 điểm, tức thấp hơn tham chiếu khoảng 30 điểm. Tuy nhiên, thị trường nhanh chóng cải thiện trước khi bước vào phiên ATC.

VN-Index đóng cửa ở gần 1.262 điểm, giảm hơn 19 điểm so với hôm trước. Đây là phiên điều chỉnh mạnh nhất hơn một tháng qua.

Gần ba phần tư cổ phiếu trên sàn HoSE giảm giá. Trừ hai nhóm hóa chất và ôtô – linh kiện phụ tùng, toàn bộ ngành đều mang sắc đỏ.

Từ vị trí nâng đỡ thị trường, nhóm bluechip hôm nay trở thành nhân tố ảnh hưởng tiêu cực nhất. Chỉ số VN30-Index có diễn biến đồng pha với VN-Index. Rổ cổ phiếu này có đến 25 mã giảm. Đây cũng là nơi lực bán tháo được kích hoạt trước nhất rồi lan rộng ra thị trường. Top 10 cổ phiếu góp mức giảm nhiều nhất cho VN-Index toàn bộ đều là các mã thuộc VN30, dẫn đầu là FPT, VCB, CTG, VPB, HPG. Chốt phiên, VN30-Index giảm hơn 21 điểm, về 1.283,46 điểm.

Xét theo nhóm ngành, chứng khoán và bất động sản là nhóm tiêu cực hơn hẳn. SSI, HCM, VCI, EVF và CTS là các mã thanh khoản trăm tỷ có mức giảm từ 4% trở lên. Ở nhóm bất động sản, TCH điều chỉnh về dưới 6,1% so với tham chiếu, còn lại các mã DIG, HDG, DXG, HDC, NLG, BCM giảm từ 4% trở lên.

Không chỉ sắc đỏ lan rộng khắp nơi, thị trường ghi nhận lực bán tháo ồ ạt khi thanh khoản sàn HoSE vượt 35.500 tỷ đồng, tăng hơn 12.200 tỷ so với hôm qua. Đây là mức cao nhất kể từ giữa tháng 3 tới nay, tức hơn hai tháng qua.

Không chỉ nhà đầu tư trong nước, khối ngoại cũng quay lại bán ròng hơn 1.500 tỷ đồng, mức cao nhất trong hai tuần gần đây. FPT nằm trong tâm điểm xả hàng với giá trị bán ròng hơn 355 tỷ, theo sau là các mã MWG, MBB và VHM cũng có biên độ trăm tỷ trở lên.

Trong báo cáo trước đây, các công ty chứng khoán nhiều lần cảnh báo kịch bản thị trường có thể điều chỉnh mạnh khi VN-Index kiểm tra vùng kháng cự quan trọng 1.280 điểm. Hôm qua dù tăng khá mạnh, phần lớn thời gian giao dịch vẫn trong xu thế giằng co với áp lực bán khá lớn. Điều này khiến nhà đầu tư dễ đặt tâm lý thận trọng và chọn chốt lời ngắn hạn hoặc cơ cấu danh mục để đề phòng rủi ro.

Thêm vào đó, thị trường thế giới cũng biến động mạnh. Chốt phiên 23/5, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm, riêng Dow Jones rơi hơn 600 điểm, mức mạnh nhất kể từ tháng 3/2023. Nhà đầu tư lo ngại lãi suất tại Mỹ không được giảm sớm khi chỉ số giá sản xuất (PMI) trong tháng 5 lên mức cao nhất hai năm.

Tất Đạt

Chứng khoán tăng vọt cuối phiên

Rung lắc với xu hướng tiêu cực gần như cả ngày, VN-Index bất ngờ tăng mạnh sau 14h và vượt mốc kháng cự quan trọng 1.280 điểm.

VN-Index mở cửa giằng co quanh tham chiếu khi dư âm từ phiên giảm hôm qua vẫn còn. Áp lực chốt lời tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng.

Khoảng 45 phút sau, thị trường mới dần tích cực với diễn biến đáng chú ý từ mã PLX. Cổ phiếu của Petrolimex tăng dần lên mức kịch trần và duy trì đến cuối phiên, dư mua gần 3 triệu đơn vị.

Tuy nhiên nhìn chung toàn thị trường vẫn giao dịch khá trầm lắng so với hôm qua. Đến cuối buổi sáng, chỉ số đại diện sàn HoSE rơi về dưới tham chiếu.

Sắc đỏ tiếp tục duy trì sang đầu giờ chiều. Nhưng chỉ sau 30 phút, chỉ số này quay đầu tăng trở lại. Sức mua dâng lên từng phút, tập trung phần lớn ở các mã bluechip. VN-Index chốt phiên ở trên 1.281 điểm, tăng hơn 14 điểm so với hôm qua.

Độ rộng thị trường nghiêng về phía tăng giá với 56% cổ phiếu khoác sắc xanh. Trong đó, nhóm bluechip trở thành động lực chính vực dậy thị trường.

Rổ VN30 có đến 25 mã tăng, trong đó PLX và BVH đạt mức kịch biên độ. Đa số cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho chỉ số chung cũng thuộc nhóm bluechip như GAS, HPG, PLX, MSN, SAB…

Như vậy, sau ba phiên kiểm tra bất thành, chứng khoán chính thức đóng cửa trên mốc kháng cự quan trọng 1.280 điểm. VN-Index đang ở vùng giá cao nhất gần hai tháng qua.

Tuy nhiên phần lớn thời gian giao dịch vẫn trong xu thế giằng co với áp lực bán khá lớn. Nhà đầu tư tham gia thị trường vẫn nặng tâm lý mua thăm dò. Đây đều là diễn biến thường gặp mỗi khi chứng khoán đứng trước những mốc kháng cự quan trọng.

Thêm vào đó, thanh khoản hôm nay đi lùi. Tổng giá trị giao dịch trên thị trường TP HCM giảm hơn 4.700 tỷ về còn hơn 23.300 tỷ đồng, mức thấp nhất tuần này. Các nhóm ngành dẫn dắt về dòng tiền như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản lại có diễn biến không quá tích cực.

Điểm sáng là nhà đầu tư nước ngoài quay đầu mua ròng khoảng 66 tỷ đồng sau bốn phiên liên tiếp xả hàng trăm tỷ. Khối ngoại gom nhiều ở các mã DBC, MWG, HPG và PC1. Tuy nhiên, giao dịch của nhóm nước ngoài vẫn giằng co khi họ bán ròng mạnh ở FPT, VHM, VND.

Tất Đạt

Bluechip kéo thị trường giảm điểm

VN-Index mất hơn 10 điểm cuối phiên khi bluechip – nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, giảm mạnh, khiến thị trường chìm trong sắc đỏ.

Phiên giảm nhẹ hôm qua không khiến thị trường quá bi quan. VN-Index mở cửa trong sắc xanh, vượt 1.280 điểm vào đầu phiên khi dòng tiền mua chiếm ưu thế. Tuy nhiên, lực cản hôm nay lại đến từ nhóm vốn hóa lớn.

VN30-Index lùi về sắc đỏ từ đầu phiên sáng, dù thị trường vẫn giao dịch khởi sắc ở những nhóm còn lại. Áp lực bán ra tăng mạnh khiến nhiều cổ phiếu bluechip đi xuống, kéo thị trường giảm điểm.

Chốt phiên, chỉ số đại diện sàn HoSE mất hơn 10 điểm (0,8%), xuống 1.266,91 điểm. VN30-Index cũng giảm hơn 17 điểm (1,31%), còn 1.291,46 điểm.

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng giữ sắc xanh.

Cuối phiên, sàn HoSE có 173 cổ phiếu tăng giá, so với 291 mã giảm giá. Nhóm VN30, 24/30 cổ phiếu đóng cửa trong sắc đỏ.

Trong nhóm vốn hóa lớn, FPT là cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho VN-Index khi mã này khép phiên tăng hơn 1%, lên 138.000 đồng. Ngoài FPT, MWG, PLX, POW hay VHM cũng đóng cửa trên tham chiếu.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, sắc đỏ chiếm ưu thế. Tất cả các mã ngân hàng trong VN30 đều giảm. VPB mất gần 2,7%, CTG giảm 2%, VIB, SHB, TCB, MBB, HDB, TPB thấp hơn tham chiếu hơn 1%. Ở các nhóm khác, VJC mất trên 3%, MSN, VIC hạ hơn 2%.

Ở nhóm vốn hóa trung bình, cổ phiếu dầu khí, xây dựng, chứng khoán, bất động sản tích cực hơn so với phần còn lại.

Các mã ngành dầu khí tăng mạnh, với chỉ số chung tăng hơn 3%, trong đó BSR có thêm 9%, OIL tăng hơn 8%. Nhóm bất động sản với NVL, PDR, DXG, DIG cũng đóng cửa trên tham chiếu.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 33.600 tỷ đồng, riêng các mã trên sàn HoSE chiếm hơn 28.000 tỷ, tăng khoảng 4.900 tỷ đồng so với phiên trước. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 850 tỷ đồng, cao nhất từ 9/5.

Minh Sơn

Con trai Bầu Hiển mua 25% cổ phiếu SHB đăng ký

Ông Đỗ Quang Vinh, con trai Bầu Hiển đăng ký mua hơn 100 triệu cổ phiếu SHB, nhưng mới hoàn tất nhận chuyển nhượng 25% số này qua phương thức thỏa thuận.

Báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu vừa được ông Đỗ Quang Vinh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) gửi HoSE.

Theo kế hoạch trước đó, ông Vinh dự kiến mua hơn 100 triệu cổ phiếu SHB, từ 19/4-17/5, nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Tuy nhiên, diễn biến thị trường chưa phù hợp, lãnh đạo SHB mới mua gần 26 triệu cổ phiếu (0,74%) thông qua phương thức thỏa thuận trong hai phiên 8-9/5.

Khối lượng cổ phiếu ông Vinh giao dịch bằng đúng số bà Đỗ Thị Minh Nguyệt – chị gái ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, đã bán ra cùng trong hai phiên này.

Cùng với bà Nguyệt và ông Vinh, Tập đoàn T&T cũng đăng ký bán 74,5 triệu cổ phiếu SHB từ ngày 13/5-10/6 để cơ cấu danh mục đầu tư. Khối lượng đăng ký bán của tập đoàn này và bà Nguyệt tương đương lượng cổ phiếu SHB ông Vinh đăng ký mua.

Trước giao dịch này, T&T Group sở hữu hơn 360 triệu cổ phiếu SHB, tương ứng gần 10% vốn ngân hàng. Ông Đỗ Quang Hiển là cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc vận hành T&T Group. Hiện, ông sở hữu gần 100 triệu cổ phiếu SHB (2,75% vốn). Còn ông Vinh giữ vị trí Giám đốc đầu tư tài chính quốc tế.

Năm nay, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 11.286 tỷ đồng, tăng 22% so với thực hiện 2023. Tổng tài sản ngân hàng dự kiến vượt 700.000 tỷ đồng, tăng 11,2%, trong đó tổng dư nợ cấp tín dụng tăng 14%.

Năm 2023, nhà băng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 9.200 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản SHB tăng 16% so với đầu năm, lên hơn 630.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ ngân hàng đạt hơn 36.000 tỷ.

Minh Sơn

Con trai Bầu Hiển mua 25% cổ phiếu SHB

Ông Đỗ Quang Vinh, con trai Bầu Hiển đăng ký mua hơn 100 triệu cổ phiếu SHB, nhưng mới hoàn tất nhận chuyển nhượng 25% số này qua phương thức thỏa thuận.

Báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu vừa được ông Đỗ Quang Vinh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) gửi HoSE.

Theo kế hoạch trước đó, ông Vinh dự kiến mua hơn 100 triệu cổ phiếu SHB, từ 19/4-17/5, nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Tuy nhiên, diễn biến thị trường chưa phù hợp, lãnh đạo SHB mới mua gần 26 triệu cổ phiếu (0,74%) thông qua phương thức thỏa thuận trong hai phiên 8-9/5.

Khối lượng cổ phiếu ông Vinh giao dịch bằng đúng số bà Đỗ Thị Minh Nguyệt – chị gái ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, đã bán ra cùng trong hai phiên này.

Cùng với bà Nguyệt và ông Vinh, Tập đoàn T&T cũng đăng ký bán 74,5 triệu cổ phiếu SHB từ ngày 13/5-10/6 để cơ cấu danh mục đầu tư. Khối lượng đăng ký bán của tập đoàn này và bà Nguyệt tương đương lượng cổ phiếu SHB ông Vinh đăng ký mua.

Trước giao dịch này, T&T Group sở hữu hơn 360 triệu cổ phiếu SHB, tương ứng gần 10% vốn ngân hàng. Ông Đỗ Quang Hiển là cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc vận hành T&T Group. Hiện, ông sở hữu gần 100 triệu cổ phiếu SHB (2,75% vốn). Còn ông Vinh giữ vị trí Giám đốc đầu tư tài chính quốc tế.

Minh Sơn