Chứng khoán

Cổ phiếu Vincom Retail dẫn dắt thị trường

Sau nhiều phiên rơi về sát vùng đáy, cổ phiếu VRE tăng kịch trần từ sớm với thanh khoản lớn, dẫn đầu nhóm kéo điểm cho VN-Index hôm nay.

VRE trải qua 8 phiên điều chỉnh liên tiếp, chốt phiên hôm qua ở 19.950 đồng – sát vùng đáy lịch sử hồi tháng 3/2020. Tuy nhiên, mã chứng khoán của Vincom Retail nhanh chóng đảo chiều ở phiên giao dịch hôm nay.

Sau 30 phút đầu, cổ phiếu này tiến vào nhịp tăng liên tiếp khi lực cầu bắt đáy xuất hiện dồn dập. Đến khoảng 10h25, VRE chạm giá trần 21.300 đồng một đơn vị. Sắc tím được giữ trong khoảng 15 phút, sau đó rung lắc đến đầu giờ chiều. Cổ phiếu này trở lại mức trần sau 13h30 và ổn định đến khi chốt phiên.

Thanh khoản VRE đứng thứ nhì thị trường với hơn 537 tỷ đồng, bên mua chủ động chiếm đến hai phần ba tổng giao dịch. Cổ phiếu này đóng cửa với dư mua khoảng 412.800 đơn vị.

Với diễn biến trên, VRE dẫn đầu những mã góp mức tăng nhiều nhất giúp thị trường cải thiện điểm số.

Sau phiên lao dốc hôm qua, đồ thị VN-Index rung lắc gần như cả ngày với biên độ hẹp. Chỉ số này giữ sắc xanh phần lớn buổi sáng, nhưng tăng không mạnh, sau đó lùi về dưới tham chiếu sát giờ nghỉ trưa. Sắc đỏ được giữ trong khoảng 30 phút đầu giờ chiều, chỉ số trở lại trên tham chiếu rồi tiếp tục bị nhuộm đỏ trước khi vào phiên ATC. Cuối phiên, thị trường có sự cải thiện.

VN-Index đóng cửa ngày trên 1.256,5 điểm, tăng hơn 2,4 điểm. Toàn sàn có 238 cổ phiếu tăng giá, nhiều hơn 77 mã so với bên giảm.

Thị trường tiếp tục thiếu nhóm ngành dẫn dắt mà động lực tăng dàn trải ra những mã riêng lẻ. Ngoài VRE, các cổ phiếu HVN, GVR, VHM cũng có đóng góp tích cực. Tuy nhiên, một số cổ phiếu bluechip tiếp tục giảm theo quán tính, gây áp lực lên chỉ số chung.

Trong khi điểm số cải thiện, thanh khoản hôm nay lại giảm gần 10.300 tỷ về khoảng 21.500 tỷ đồng. Điều này cho thấy nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng, tham gia giao dịch để thăm dò sau phiên giảm mạnh trước đó.

Khối ngoại tiếp tục xả hàng nhưng cường độ đã sụt hai phiên liên tiếp. Hôm nay họ bán ròng hơn 700 tỷ đồng, chủ yếu là quỹ FUEVFVND và hai mã FPT, MWG.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị nhà đầu tư tận dụng những nhịp hồi phục để tiếp tục cơ cấu lại danh mục, bán nốt những mã không còn động lực tăng và phá vỡ khu vực hỗ trợ. Đồng thời, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân tỷ trọng nhỏ (khoảng 30%) với những cổ phiếu duy trì được xu hướng và không có biến động lớn.

Tất Đạt

Đơn vị điều hành HoSE và HNX lần đầu báo lãi giảm

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam – đơn vị vận hành hai sàn TP HCM và Hà Nội – lần đầu báo lợi nhuận giảm, về 1.920 tỷ đồng trong năm ngoái.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) có doanh thu năm ngoái khoảng 3.064 tỷ đồng, giảm 10,5% so với năm 2022. Trong đó, 92% doanh thu của VNX đến từ dịch vụ giao dịch chứng khoán.

Trừ đi giá vốn, Sở này ghi nhận lãi gộp gần 2.907 tỷ đồng, sụt gần 11%. VNX còn có nguồn thu khác từ các hoạt động tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi. Đến cuối năm ngoái, họ có khoảng 2.560 tỷ đồng gửi ngân hàng, chiếm phần lớn là kỳ hạn 12 tháng.

Trong kỳ, VNX tiết giảm chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp. Đóng góp đáng kể là phí giám sát hoạt động chứng khoán phải nộp Ủy ban Chứng khoán (SSC) với khoảng 85 tỷ về còn hơn 430 tỷ đồng.

Tổng lại, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam có hơn 1.920 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 8% so với cùng kỳ 2022. Đây là năm đầu tiên Sở này báo doanh thu và lợi nhuận đi lùi.

Kết quả trên có phần trái ngược với tình hình thị trường chứng khoán năm 2023. VN-Index đóng cửa phiên cuối năm ở sát 1.130 điểm, tăng hơn 12%.

Khoảng 60% doanh thu và lợi nhuận của VNX được ghi nhận trong nửa cuối năm – giai đoạn thị trường có nhiều biến động. Từ tháng 5, chỉ số đại diện sàn HoSE bước vào nhịp tăng lớn nhất năm, tích lũy gần 20% lên vùng 1.240 điểm chỉ trong hơn ba tháng. VN-Index giữ vùng giá này cho tới đầu tháng 9 trước khi lao dốc vì áp lực bán và môi trường vĩ mô xấu đi. Hai tháng cuối năm, chỉ số này dần phục hồi với nhiều dự báo xán lạn.

Đây không phải lần đầu, Sở báo kết quả hoạt động khác xu hướng với tình hình thị trường chứng khoán. Trước đó trong năm 2022, VNX báo lãi xấp xỉ 2.090 tỷ đồng, gấp rưỡi cùng kỳ 2021 dù VN-Index giảm gần 33%.

VNX được thành lập cuối năm 2020 và chính thức hoạt động từ giữa 2021 theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Sở có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng do Bộ Tài chính đại diện nhà nước sở hữu 100% vốn. Tổng nguồn vốn hợp nhất tính đến cuối năm ngoái gần 4.000 tỷ đồng.

VNX ra đời để hợp nhất Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Mục tiêu là thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ thị trường.

Tất Đạt

Chứng khoán lao dốc

VN-Index giảm gần 28 điểm trong phiên đầu tuần này, lùi về gần ngưỡng 1.250 điểm khi áp lực bán tháo tăng vọt, nhiều cổ phiếu “trắng bảng bên mua”.

Chứng khoán mở phiên đầu tuần này ở gần tham chiếu, giữ sắc xanh trong gần một giờ giao dịch đầu tiên. Tuy nhiên, sự cân bằng không duy trì được lâu. Áp lực bán ra tăng mạnh ép VN-Index lùi sâu chỉ sau ít phút. Chỉ số của sàn HoSE giảm hơn 10 điểm, lùi về ngưỡng 1.270 điểm vào giữa phiên sáng.

Dù giảm mạnh, lực cầu bắt đáy vẫn thận trọng. Dòng tiền không đủ hấp thụ lực bán khiến nhiều cổ phiếu tiếp tục rơi nhanh. Gia tốc giảm của chỉ số nới rộng theo thời gian giao dịch. Đến cuối phiên sáng, VN-Index giảm gần 20 điểm xuống vùng 1.260 điểm.

Sang phiên chiều, chỉ số của sàn HoSE không có nhiều thay đổi, giữ nhịp giằng co ở vùng giá thấp. Bên bán vẫn chiếm áp đảo khiến sắc đỏ càng lan rộng. Sau 14h, thị trường hồi nhẹ lên gần 1.270 điểm, nhưng nhịp bật lên chỉ là “bulltrap” trong phiên khi VN-Index giảm mạnh sau ATC.

Đóng cửa, chỉ số sàn HoSE giảm gần 28 điểm (2,18%), còn 1.254 điểm. VN30-Index giảm hơn 30 điểm (2,28%), còn 1.289,85 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index giảm trên 1%.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 36.800 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản trên sàn HoSE chiếm hơn 31.800 tỷ đồng, tăng hơn 11.500 tỷ so với phiên trước – mức cao nhất trong hơn 1 tháng.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay bán ròng hơn 927 tỷ đồng, phiên thứ 13 liên tiếp.

Cuối phiên, sàn HoSE có 74 cổ phiếu tăng giá, so 378 cổ phiếu giảm. Trong nhóm vốn hóa lớn, 28/30 mã bluechip đóng cửa trong sắc đỏ.

Dòng tiền của nhà đầu tư tập trung vào ba nhóm ngành chính là dịch vụ tài chính, ngân hàng và bất động sản. Nhiều ngành giảm trên 4% hôm nay, như hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, viễn thông, dầu khí, hóa chất, dịch vụ tài chính.

Ở nhóm vốn hóa lớn, đà giảm phổ biến trong khoảng 2-4%. SSB, GVR đứng đầu nhóm VN30 khi đóng cửa mất trên 4%, TPB, VPB, STB, HDB, MSN, BCM giảm trên 3%, SSI, MWG, FPT, MBB thấp hơn tham chiếu trên 1%.

Với nhóm vốn hóa trung bình, một số nhóm giảm sâu trước áp lực bán tháo. Nhiều cổ phiếu nhóm chứng khoán, dầu khí, hóa chất mất 4-5%.

Minh Sơn

Rót tiền thế nào khi chứng khoán đi ngang?

Chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên tìm đến các cổ phiếu tiềm năng, thay vì chỉ tập trung đoán VN-Index tăng hay giảm.

Chỉ số đại diện sàn HoSE đi ngang trong tuần vừa qua. Kết phiên 21/6, VN-Index đóng cửa trên 1.282 điểm, tăng hơn 2 điểm so với tuần trước đó. Biên độ biến động mỗi phiên không nhiều, mức cao nhất trên 5 điểm. Sau ba ngày đầu tuần kiểm tra bất thành, chỉ số mới lấy lại mốc 1.280 điểm – gần đỉnh giá hồi tháng 9/2022. Thị trường vẫn xuất hiện nhiều rung lắc trước áp lực chốt lời.

Thanh khoản sàn HoSE giảm so với tuần trước. Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), diễn biến này thường thấy khi nhà đầu tư thận trọng trong tuần đáo hạn phái sinh và tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF.

Điểm đáng chú ý là lực cầu của dòng tiền xuất hiện luân phiên liên tiếp giữa các ngành, thay vì chỉ dồn lực vào các nhóm cổ phiếu trụ. Ở các phiên VN-Index tăng điểm, gần như không có nhóm ngành nào dẫn dắt thị trường mà nhờ sự đóng góp của các mã riêng lẻ.

Báo cáo gần đây của Dragon Capital cũng cho thấy thị trường đang nghiêng về xu hướng lựa chọn cổ phiếu dựa trên lợi nhuận doanh nghiệp và triển vọng kinh doanh. 5 tháng đầu năm, chỉ số VN30, VNMidcap và VNSmallcap có hiệu suất tương đồng, cho thấy nhà đầu tư tập trung vào phân tích triển vọng thay vì độ lớn về vốn hóa của doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Hà, Giám đốc trung tâm kinh doanh Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng tâm lý đa số nhà đầu tư là thích thị trường sôi động mua bán, giá tăng, nên việc giao dịch giằng co sẽ khiến họ khó đưa ra quyết định trong ngắn hạn. Nhưng theo ông, đây lại là bài kiểm tra tâm lý tốt cho nhà đầu tư giá trị và tăng trưởng.

Việc cổ phiếu ở các nhóm ngành tăng luân phiên, bởi ở giai đoạn đi ngang, dòng tiền sau thời gian tham gia thị trường, nhất là sau báo cáo quý I, đã khiến các mã được xác lập mặt bằng giá mới. Vì thế, nhà đầu tư phải đi tìm những cơ hội ở các doanh nghiệp hưởng lợi từ tin tức, giá hàng hóa hay kỳ vọng về các chính sách tác động lên lợi nhuận trong quý tới. Dòng tiền thông minh luôn đi tìm cơ hội kỳ vọng trong tương lai, nhưng chủ yếu là đầu cơ, nên sẽ luân chuyển ở mỗi nhóm ngành.

Theo chuyên gia, trong giai đoạn hiện tại, nhất là sắp hết quý II, giá cổ phiếu sẽ có nhiều biến động bất thường theo tin đồn và dự báo. Còn chỉ số VN-Index có khả năng sẽ không biến động nhiều, do phải chờ những thông tin vĩ mô quý.

“Nhà đầu tư nên tập trung vào từng cổ phiếu mà mình am hiểu hoặc định giá hợp lý, rồi giải ngân và chờ đón kết quả kinh doanh để gia tăng lợi nhuận”, ông Lê Văn Hà khuyến nghị.

Nhà đầu tư đang quan sát bảng giá chứng khoán trên điện thoại. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhà đầu tư quan sát bảng giá chứng khoán trên điện thoại. Ảnh: Quỳnh Trần

Cùng quan điểm, nhiều công ty chứng khoán đều cho rằng đây là lúc thích hợp để nhà đầu tư cơ cấu danh mục, tìm chọn các cổ phiếu tiềm năng và triển vọng, thay vì chăm chú đoán định xem VN-Index tăng hay giảm trong những phiên tới. Vì nếu sở hữu danh mục lành mạnh, giá trị tài khoản sẽ tăng trưởng tốt hơn mặt bằng chung toàn thị trường.

Theo nhóm phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp mà lợi nhuận phục hồi dần theo quý hoặc tăng trưởng theo năm trong các nhịp giằng co của thị trường. Họ cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế quý II khả quan sẽ lấn át bối cảnh không mấy thuận lợi của thị trường tiền tệ.

Trong ngắn hạn, SHS khuyên nên cơ cấu danh mục để đưa về tỷ trọng hợp lý, dưới mức trung bình. Sau đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc, xem xét chọn lọc gia tăng trở lại với các mã đầu ngành, chất lượng tốt.

Về trung và dài hạn, nhà đầu tư xem xét tăng tỷ trọng mới, cần đánh giá cẩn trọng hơn dựa trên kết quả kinh doanh quí II và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành. Bởi theo dự báo của SHS, đây là nhóm có có kết quả kinh doanh triển vọng tích cực trong cuối năm.

Tất Đạt

Cổ phiếu vừa và nhỏ thu hút nhà đầu tư

Trong phiên chứng khoán giằng co và điều chỉnh nhẹ, thị trường vẫn ghi nhận lực cầu tốt ở nhóm vừa và nhỏ, 14 mã tăng kịch trần.

VN-Index hôm nay giằng co khi quay trở lại mức trên 1.280 điểm. Trong giờ đầu giao dịch, chỉ số có phần rung lắc khi dòng tiền chưa xác định rõ phương hướng. Từ 10h trở đi, VN-Index nhuộm sắc xanh liền mạch, có lúc tăng khoảng 5 điểm so với tham chiếu.

Sắc xanh kéo dài đến khoảng 14h, lực bán bắt đầu xuất hiện dồn dập hơn. Chỉ số đại diện sàn HoSE rung lắc mạnh và đóng cửa trên 1.282 điểm, giảm nhẹ 0,3 điểm so với hôm qua.

Toàn sàn có 234 cổ phiếu giảm, nhiều hơn 26% so với 185 cổ phiếu tăng. Thị trường được hỗ trợ bởi LPB, FPT, GVR. Trong khi các mã HPG, HDB, VHM lại tạo tác động tiêu cực.

Nhìn chung trong phiên hôm nay, chứng khoán là “sân chơi” của các cổ phiếu vừa và nhỏ khi lực cầu phủ lên nhiều mã ở hầu hết nhóm ngành. Sàn HoSE có 14 mã tím trần, toàn bộ đều là các cổ phiếu vừa và nhỏ, nổi bật như RAL, TLH, EVG, NHA, SMC hay VIP.

Trong khi đó, nhóm vốn hóa lớn vẫn diễn biến kém khả quan. 18 cổ phiếu trong rổ VN30 đi lùi về thị giá, nhất là POW (giảm 2,6%) và HDB (giảm 1,9%). Các mã có thanh khoản lớn cũng bị nhuộm đỏ như VPB, STB, VND, SSI…

Trong khi VN30-Index sụt hơn 2,4 điểm, hai chỉ số đại diện nhóm vừa và nhỏ là VNMidcap và VNSmallcap lần lượt tăng 6,9% và 3,15%. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang hứng thú với các mã vừa và nhỏ, thay vì lực cầu chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu trụ như trước đây. Diễn biến trên cũng xuất hiện trong nhiều phiên gần đây khi thị trường “lình xình” khiến họ phải tìm đến các mã có câu chuyện riêng, thay vì tập trung các cổ phiếu hay nhóm ngành phổ biến.

Về thanh khoản, tổng giá trị giao dịch thị trường TP HCM giảm gần 2.400 tỷ về khoảng 21.500 tỷ đồng. Diễn biến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xấu đi ở phiên thứ 12 liên tiếp. Hôm nay họ bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với trước đó.

Tất Đạt

Khối ngoại liên tục bán ròng

Đà xả hàng của nhà đầu tư nước ngoài kéo dài lên phiên thứ 11 khi VN-Index vẫn dùng dằng quanh mốc kháng cự dù hôm nay tăng 2,5 điểm.

Hôm nay khối ngoại bán ra hơn 2.640 tỷ và mua vào khoảng 1.650 tỷ đồng. Chênh lệch giữa hai chiều ghi nhận khoảng 990 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chốt lời mạnh ở FPT với giá trị bán ròng vượt 265 tỷ đồng. Theo sau là các mã VRE, VHM, VCB.

Như vậy, họ đã bán ròng cổ phiếu trong 11 phiên liên tiếp. Tuy nhiên giá trị xả hàng hôm nay thấp hơn khoảng 39,5% so với phiên trước.

Xu hướng trên được duy trì khi VN-Index liên tục giằng co quanh mốc kháng cự quan trọng. Hôm nay, chỉ số này giữ sắc xanh gần hết buổi sáng, có lúc tăng gần 7 điểm so với tham chiếu. Sau nhiều phiên im ắng, TCB và VPB là hai đại diện nổi bật trong nhóm ngân hàng bắt đầu thu hút lực cầu. Tuy nhiên tâm lý giao dịch vẫn thận trọng khiến thị trường thiếu động lực dẫn dắt, VN-Index lùi về dưới tham chiếu trước khi nghỉ trưa.

Chỉ số đại diện sàn HoSE giằng co quanh mức này vào đầu giờ chiều. Sau đó, lực bán bất ngờ xuất hiện dày đặc hơn, đẩy chỉ số giảm hơn 6 điểm. Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng đáng kể khi hôm nay đáo hạn phái sinh và khối ngoại bắt đầu lên lệnh bán ra ồ ạt vào thời điểm đó.

Tuy nhiên trước khi vào phiên ATC, thị trường lội ngược lên trên tham chiếu rồi tích lũy dần dần. VN-Index đóng cửa ở 1.282,3 điểm, tăng hơn 2,5 điểm so với hôm qua.

Với 242 cổ phiếu giảm giá và 189 mã tăng, thị trường rơi vào trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng”. VPB là cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất cho VN-Index, trong khi cùng ngành nhưng BID và VCB lại dẫn đầu nhóm gây áp lực cho chỉ số chung.

Nhìn chung thị trường tăng điểm nhờ các cổ phiếu riêng lẻ có câu chuyện riêng, thay vì nhóm ngành cụ thể. FPT là mã được giao dịch nhiều hôm nay với hơn 1.400 tỷ đồng. Dù bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất, cổ phiếu này vẫn trụ lại với mức tăng 1,4%. Các mã DGC, MWG, VNM, HVN cũng đóng góp tích cực.

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), chứng khoán vẫn đang cố gắng cân bằng và tìm lại động lực tăng khi nỗ lực duy trì xu hướng sideway (đi ngang) với biên độ nhỏ. Nhóm phân tích VCBS khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục tận dụng những nhịp rung lắc để gia tăng tỷ trọng với những cổ phiếu thu hút dòng tiền ổn định và duy trì được xu hướng tốt.

Tất Đạt

Doanh nghiệp vẫn chậm trả trái phiếu

Từ tháng 5 tới nay có 20 doanh nghiệp chậm thanh toán hơn 650 tỷ tiền lãi và gần 8.200 tỷ nợ gốc trái phiếu, nhiều nhất là bất động sản.

Báo cáo với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Thành phố Aqua dời ngày đáo hạn cho một trái phiếu 600 tỷ đồng từ cuối tháng 6/2024 sang cuối tháng 6/2026. Đây là khoản huy động vốn mà chủ đầu tư dự án Aqua City (Đồng Nai) triển khai hồi giữa năm 2020 với lãi suất 10% mỗi năm.

Trước đó, Công ty cổ phần Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn cũng thông báo việc chậm trả hơn 167 tỷ tiền lãi và 1.600 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu. Tương tự, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land cũng chậm hoàn thành nghĩa vụ với hơn 100 tỷ tiền lãi của một lô trái phiếu, kèm phần gốc còn gần 528 tỷ đồng. Nguyên nhân chung hai doanh nghiệp này đưa ra là thị trường tài chính và thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi khiến họ chưa thu xếp kịp nguồn tiền.

Tính từ tháng 5 đến nay có 20 doanh nghiệp chậm hoàn thành nghĩa vụ thanh toán với hàng chục lô trái phiếu. Trong đó, họ chậm trả hơn 654 tỷ đồng tiền lãi, chậm trả hoặc dời hạn thanh toán với hơn 8.187 tỷ đồng dư nợ gốc. Hơn một nửa là các doanh nghiệp bất động sản, theo sau là nhóm năng lượng.

Tình hình thanh toán nghĩa vụ tài chính với trái chủ của các doanh nghiệp vẫn chưa khả quan. Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 5, các doanh nghiệp mua lại 9.178 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 7 tháng còn lại của năm, VBMA ước tính có khoảng 163.905 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là nhóm bất động sản khi chiếm 42,5% dư nợ.

Báo cáo mới đây của FiinRatings – bộ phận xếp hạng tín nhiệm thuộc FiinGroup, cho rằng áp lực trả nợ với các nhà phát hành là doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024 và 2025 là khá lớn. Cao điểm nằm ở các trái phiếu chậm trả gốc và lãi có lịch đáo hạn vào giai đoạn 2022-2023 và được cơ cấu tối đa 2 năm theo Nghị định 08/2023.

“Thách thức vẫn còn hiện hữu khi thị trường chưa hoàn toàn phục hồi và những thay đổi về chính sách có độ trễ nhất định, dẫn tới doanh nghiệp chưa có đủ thời gian để sắp xếp dòng tiền trả nợ”, nhóm phân tích này nêu quan điểm.

Theo tính toán của công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Ratings, tỷ lệ chậm trả toàn thị trường đến cuối tháng 5 là 16,1%, tăng 1% so với cuối năm 2023. Đơn vị này ước tính khoảng 30% lượng trái phiếu đáo hạn trong tháng 6 có khả năng cao không trả được nợ gốc đến hạn. Trong đó, phần lớn trái phiếu đã chậm trả lãi trước đó. Trong 12 tháng tới sẽ có 216.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, 9% trong số này có rủi ro cao chậm trả nợ gốc.

Trước áp lực trả tiền vẫn cao, nhiều doanh nghiệp tích cực đàm phán với trái chủ để xin khất nợ. VNDirect ước tính đến ngày 29/5, thị trường ghi nhận hơn 90 tổ chức phát hành đạt thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu, tổng giá trị được gia hạn là hơn 144.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số chọn giải pháp hoán đổi trái phiếu sang tài sản khác, phổ biến với các công ty địa ốc là trả bằng bất động sản. Các công ty cũng thương thảo với trái chủ để giảm lãi suất và kéo dài thêm kỳ trả lãi.

Tất Đạt

Ông Nguyễn Đức Tài xả hơn 2 triệu cổ phiếu Thế Giới Di Động

Người đứng đầu Thế Giới Di Động bán 2 triệu cổ phiếu vì nhu cầu tài chính cá nhân, ước tính thu về hơn 125 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa công bố kết quả giao dịch cổ phiếu của ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng quản trị. Từ 7-19/6, ông đã bán thành công 2 triệu cổ phiếu MWG theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của lãnh đạo này giảm từ 2,42% về 2,29% (tương đương hơn 33,4 triệu cổ phiếu).

Ước tính theo thị giá trung bình giai đoạn trên, ông Tài có thể thu về hơn 125,6 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được ông sử dụng cho nhu cầu tài chính cá nhân.

Giao dịch của lãnh đạo Thế Giới Di Động diễn ra sau giai đoạn MWG có nhịp tăng khá tốt về thị giá. Từ dưới 50.000 đồng vào giữa tháng 4, cổ phiếu này tăng mạnh về gần chạm 60.000 đồng một đơn vị chỉ sau hơn hai tuần. MWG tích lũy dần dần để vượt mốc trên, có lúc đạt 64.400 đồng. Phiên hôm qua, mã chứng khoán của Thế Giới Di Động đóng cửa ở 63.300 đồng, cao hơn 1,8% so với tham chiếu. Tính từ đầu năm, thị giá cổ phiếu này đã tăng 48%.

Ông Tài bán cổ phiếu trước khi Thế Giới Di Động chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2023. Đợt này, công ty đưa ra tỷ lệ 5% bằng tiền, tức một cổ phiếu nhận về 500 đồng. Công ty dự kiến thanh toán vào ngày 10/7 với tổng số tiền khoảng 730 tỷ đồng.

Giai đoạn cuối năm trước, ông Nguyễn Đức Tài từng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu MWG giữa lúc thị giá mã này lao dốc, khối ngoại xả hàng ồ ạt khi kết quả kinh doanh kém khả quan. Thời điểm đó, ông cho rằng giai đoạn khó khăn mới là thời điểm thách thức lòng tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên ông chỉ mua được 11% so với kế hoạch với lý do diễn biến thị trường không phù hợp. Ngay sau đó, lãnh đạo này đăng ký thêm 500.000 đơn vị nhưng cũng chỉ hoàn thành 40% với cùng lý do trên.

Thời gian qua, cùng với nhịp tăng về thị giá, khối ngoại bắt đầu quay trở lại với MWG. Diễn biến tích cực kể trên xuất hiện khi kết quả kinh doanh của công ty khởi sắc. Trong quý I, Thế Giới Di Động lãi gần 903 tỷ đồng, gấp 43 lần cùng kỳ. Số liệu mới nhất trong tháng 4, công ty có doanh thu hơn 43.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ và hoàn thành 34% kế hoạch cả năm. Riêng chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh đạt 3.200 tỷ đồng doanh thu, mức cao nhất lịch sử hoạt động.

Tất Đạt

Chứng khoán giảm tiếp

VN-Index giảm tiếp 5 điểm trong phiên đầu tuần này, lùi về gần ngưỡng 1.270 điểm khi áp lực bán chiếm áp đảo.

Phiên đảo chiều sụt 20 điểm cuối tuần trước khiến tâm lý thị trường phần nào bị ảnh hưởng. Mở cửa phiên đầu tuần này, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế. VN-Index mở cửa quanh mốc 1.280 điểm trong vài phút rồi lùi về gần vùng 1.275 điểm. Tuy nhiên, áp lực giảm không quá mạnh khi lực đỡ chặn ở vùng giá thấp.

Thị trường chuyển trạng thái về giằng co trong phạm vi 1.270-1.280 điểm. Dòng tiền dịch chuyển có tính chọn lọc hơn, tập trung vào một số nhóm như thép, phân bón, thủy sản. Trong khi đó, các nhóm cổ phiếu trụ như ngân hàng, bất động sản giằng co, phần lớn ở dưới tham chiếu.

Chốt phiên, VN-Index giảm thêm hơn 5 điểm (0,4%), xuống 1.274,77 điểm. VN30-Index mất gần 7 điểm (0,51%), còn 1.309,7 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index đóng cửa sát tham chiếu.

Thanh khoản thị trường ở mức trung bình, với giá trị giao dịch trên HoSE ghi nhận gần 23.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn giao dịch hơn 8.200 tỷ.

Trong VN30, một số mã ngân hàng, thép, hàng tiêu dùng giao dịch tích cực. SSB đóng cửa tăng gần 2%, POW, HPG tăng trên 1%. Một số mã ngân hàng khác như MBB, VPB đóng cửa trong sắc xanh.

Ngược lại, MSN, BID, VIB giảm trên 2%, GAS, FPT, HDB, MWG, PLX, TCB thấp hơn tham chiếu khoảng 1%.

Ở phần còn lại, cổ phiếu nhóm thép, phân bón, thủy sản được chú ý. HSG đóng cửa ở mức giá trần, NKG có thêm hơn 4%. Nhóm thủy sản với VHC, ANV hay nhóm cổ phiếu phân bón như DCM, DPM đóng cửa trên tham chiếu.

Minh Sơn

VN-Index tuột mốc 1.300 điểm

Áp lực bán tăng vọt trong ít phút cuối phiên 14/6 khiến VN-Index giảm hơn 20 điểm, mất mốc 1.300 điểm.

Chứng khoán mở cửa phiên cuối tuần trong sắc xanh. VN-Index giằng co trên tham chiếu trong buổi sáng và nửa đầu phiên chiều, diễn biến thường thấy ở những phiên giao dịch sau khi vượt cản. Tuy nhiên, khoảng thời gian êm đềm không kéo dài lâu.

Chỉ số của sàn HoSE giảm một nhịp trước 14h, rồi nhanh chóng được kéo về tham chiếu. Tuy nhiên, áp lực tăng vọt ngay sau đó khiến thị trường lao dốc thẳng đứng. Lực bán tăng nhanh trên toàn thị trường ép nhiều mã giảm sâu. Chỉ trong vài phút trước phiên ATC và 15 phút khớp lệnh xác định giá đóng cửa, VN-Index “bốc hơi” hơn 20 điểm.

Chốt phiên, chỉ số của sàn HoSE giảm 21,6 điểm (1,66%), xuống dưới ngưỡng 1.280 điểm. VN30-Index hạ hơn 17 điểm (1,3%), còn 1.316,46 điểm.

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index mất 1,8%, còn UPCOM-Index cũng hạ gần 1%.

Thanh khoản thị trường tăng mạnh do áp lực bán tháo cuối phiên. Giá trị giao dịch trên HoSE đạt hơn 29.000 tỷ đồng, trong đó nhóm bluechip trên 10.000 tỷ.

Cuối phiên, sàn HoSE có 366 cổ phiếu giảm giá, so với 98 mã tăng. Riêng nhóm VN30, 28/30 cổ phiếu vốn hóa lớn chốt phiên trong sắc đỏ.

Trong nhóm bluechip, GVR giảm gần chạm giá sàn, mất 6,7%, PLX hạ hơn 4%, VPB, STB, CTG thấp hơn tham chiếu 3%. Cổ phiếu SAB của Sabeco cũng giảm sâu, mất 3,4% sau thông tin rượu bia có thể bị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

FPT và SSB là hai mã giữ được sắc xanh vào cuối phiên, với SSB tăng 1,4%, còn FPT có thêm 0,8%.

Ở nhóm vốn hóa trung bình, sắc đỏ cũng bao trùm trên bảng điện. Bất động sản, bán lẻ, xây dựng, chứng khoán đa phần lùi sâu. Trong nhóm bất động sản, PDR, NVL, SCR, QCG, DXG giảm 1-4%. Nhóm chứng khoán, như AGR, VCI, FTS, PSI, CTS giảm sâu, có mã mất 5-6%.

Minh Sơn